Sơn Tùng
Tháng 1 năm 1983, tôi từ Trại Tị nạn Bataan, Philippines, được người thân bảo lãnh sang Mỹ. Nơi đến: Santa Clara, miền Bắc California. Vài tháng sau, tôi di chuyển sang Orange County, miền Nam Califonia.
Orange County được người Việt tị nạn gọi là “Quận Cam”, bao gồm ba thành phố: Santa Anna, Westminster và Garden Grove nên được gọi là “khu tam tỉnh”, hay “Little Saigon”, hay oai hơn: “Thủ đô Tị nạn”.
Hai năm sau, tôi lại di chuyển sang Virginia, thuộc Vùng Hoa-Thịnh-Đốn (Washington Area), ở miền Đông nước Mỹ, cho tới ngày nay, và không có mấy dịp trở lại miền Tây. Lần chót tôi đi California cách đây sáu năm.
Ngày 9.6.2017, Nhà văn Nguyễn Quang từ miền Tây gọi điện thoại cho tôi báo tin chị Minh Đức Hoài Trinh, người bạn đời của anh, từ trần. Tôi cảm thấy như vừa mất một người thân trong gia đình.
Tôi đã đọc Minh Đức Hoài Trinh hơn 60 năm nhưng mới quen biết chị khoảng 20 năm nay, khi có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại mà tôi đang là người đứng mũi chịu sào trước cơn mưa to gió lớn.
Trong cái rủi đã có cái may. Vì vài kẻ làm loạn trong Văn Bút, tôi đã có dịp gặp Minh Đức Hoài Trinh, một người cầm bút với nhân cách tuyệt vời hiếm có, khác hẳn với một số nhà văn, giáo sư, bác sĩ, luật sư…mà tôi đã biết.
Bản tính hiền hòa, nhưng trong cuộc sống, khi phải chọn lựa, chị luôn luôn dứt khoát đứng về phía lẽ phải và chân lý. Không mập mờ, không ngả nghiêng, không chao đảo, không đứng giữa, không đứng ngoài, đứng bên…
Trước đây ba năm, năm 2014, cuốn “Minh Đức Hoài Trinh, Chính Khí Của Người Cầm Bút” được xuất bản dày ngót 400 trang gồm bài viết của nhiều tác giả ở nhiều nơi, thuộc những thế hệ khác nhau, đã khẳng định một điều: Minh Đức Hoài Trinh là người cầm bút dấn thân và có một sứ mạng.
Chị đã dùng hai chữ Minh Đức ghép vào tên làm thành bút hiệu đã thể hiện đúng con đường mà chị đã đi trong hơn 60 năm cầm bút.
Được anh Nguyễn Quang cho biết Minh Đức Hoài Trinh đã rời khỏi trần thế một cách nhẹ nhàng, thanh thản, với gương mặt vui tươi. Tôi nghĩ vì chị đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đã làm những gì chị muốn làm và có thể làm, cho mình và cho mọi người, bằng tình thương yêu mọi người và cũng được mọi người yêu thương.
Khi được tin chị Minh Đức Hoài Trinh mất, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là phải sang Cali tiễn đưa chị, trong khi tôi chưa bao giờ sang miền Tây để dự tang lễ của ai, dù cũng có vài người thân và rất thân đã ra đi.
Tôi không thích những cảnh buồn, không thích nhìn những cảnh buồn, và rất ngại đi xa, nhất là trong thời buổi khám xét cực kỳ gắt gao tại phi trường vì nạn khủng bố khắp nơi trên mặt đất này.
Nhưng, cuối cùng tôi cũng lên máy bay sang Cali để tiễn đưa chị Minh Đức Hoài Trinh. Anh Nguyễn Quang cảm động lắm, anh nói: “Minh Đức luôn nhắc tới anh với một cảm tình đặc biệt.”
Tôi cũng cảm nhận điều ấy trong những lần sang “thủ đô của người Việt tị nạn” trước đây, chị Minh Đức Hoài Trinh đều “giành quyền” thù tiếp tôi trong khi tôi có khá nhiều bạn và bà con ở miền Tây.
Sang đây lần này, không còn chị. Tôi ngủ hai đêm trong căn nhà xinh xắn ở Midway City đầy những sách và hình bóng của chị. Anh Nguyễn Quang đi quanh quẩn trong nhà như tìm kiếm một báu vật đã mất. Tôi nói chuyện bình thường, hy vọng giúp anh khuây khỏa.
Có người hỏi tôi đám tang Minh Đức Hoài Trinh có lớn không? Tôi không biết trả lời thế nào. Và thế nào là “lớn”? Có đông người tới phúng điếu? Có nhiều người nổi danh, nhiều chức tước tới đọc điếu văn tán dương công đức? Có nhiều vòng hoa? Có làm lễ phủ cờ?
Nếu như thế thì tang lễ Minh Đức Hoài Trinh không “lớn”. Chắc tang gia và chính người đã ra đi cũng không mong muốn có một tang lễ như vậy, dù tôi cũng thấy có nhiều vòng hoa đẹp, cũng có những khuôn mặt nổi danh tới viếng, kể cả Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, và Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí.
Có nhiều điều đáng nói về sự hiện diện của ông Tạ Đức Trí. Ông thị trưởng trông rất trẻ và nhã nhặn nhưng phong thái tỏa ra cái uy của một quan chức chính quyền. Nhìn ông thị trưởng tiếp xúc với cư dân đồng hương của ông, tôi liên tưởng tới những cảnh thường ngày thời Việt Nam Cộng Hòa khi ông tỉnh, ông quận “thăm dân cho biết sự tình”, và không thể không nghĩ đến thực trạng vùng “Quận Cam” ở miền Nam California hiện nay. Dân Việt Nam tại đây đã chiếm đại đa số và có quốc tịch Mỹ, có lá phiếu đi bầu và cũng có quyền ứng cử. Vì vậy ngày nay vùng này đã có người Việt làm thị trưởng, và dân biểu, nghị viên, công chức các cấp. “Little Saigon” đã trở thành một phần của “Sài-gòn hoa lệ” năm xưa trên đất Mỹ!
Và, vì là một phần của Sài-gòn hoa lệ nên cũng có những lề thói của dân Sài-Gòn năm xưa, như ồn ào, chia rẽ, ham danh, thích khoa trương, chơi nổi, thích nhậu nhẹt…Trở về miền Tây nước Mỹ tôi nghe lòng ấm áp như được sống lại với “Sài-Gòn của tôi” năm xưa khi gặp lại bạn bè, bà con, được đón tiếp đầy thân tình.
Nói tới Sài-Gòn năm xưa trên đất Mỹ ở “Quận Cam” trong chuyến về miền Tây vừa qua, tôi không thể không nói tới Nhạc sĩ Lam Phương. Có thể nói những bài hát của Lam Phương đã là một phần của đời sống Sài-Gòn trong nhiều thập niên.
Thật vậy, nhiều bản nhạc của Lam Phương (như Duyên Kiếp, Đèn Khuya, Khúc Ca Ngày Mùa, Kiếp Nghèo, Chiều Hành Quân, vân vân) đã không ngừng vang lên ngày đêm cùng với nhịp thở của Sài-Gòn qua làn sóng các đài phát thanh, truyền hình, trên sân khấu, hay từ các cô gánh nước mướn nơi những xóm nghèo ở ngoại ô. Đến nay, Lam Phương đã sáng tác trên 200 bản nhạc.
Sau tang lễ chị Minh Đức Hoài Trinh, còn một ngày lưu lại “Quận Cam”, tôi đã tới thăm Lam Phương và dùng cơm trưa với ông. Nhìn người nhạc sĩ tài hoa ngày nào, hình ảnh Sài-Gòn năm xưa lại trở về. Tôi hỏi ông có nhớ Sài-Gòn không. Lam Phương cười:
– Nhớ lắm chứ. Nhớ từ góc phố, từ con đường, từ gốc me…
– Sao ông không về Việt Nam, như Phạm Duy, Khánh Ly và bao nhiêu ca nhạc sĩ miền Nam ngày trước?
– Làm sao mà trở về được khi mà mình đã chống lại họ hai mươi mấy năm qua những bản nhạc đã viết. Vả lại, bà con ở ngoài này đối với tôi quá tử tế, thương tôi, giúp đỡ tôi trong những lúc bệnh hoạn, khó khăn. Tôi không thể làm cho họ buồn.
– Thế chúng nó có cho người tới rủ rê, thuyết phục, hay mua chuộc ông không?
– Có chứ! Họ tới đây hoài nhưng thấy không đi tới đâu nên hồi này thôi rồi.
– Chúng nó không dùng tiền mua chuộc ông à?
– Có chứ. Như nói tôi về sẽ cho vô biên chế, như “nghệ sĩ nhân dân”, lãnh lương suốt đời.
– Ông tin không?
– Tin gì! Họ chỉ dùng sự trở về của mình để tuyên truyền. Một khi vô tròng rồi thì biết ngỏ nào ra?
Lam Phương thật hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lập trường chính trị thật dứt khoát, thái độ phân minh giữa cuộc tương tranh quốc/cộng mà ông đã bày tỏ qua nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến vào năm chưa đầy 20 tuổi, khi Hiệp Định Genève được ký kết, chia đôi nước Việt Nam. Chính nhạc phẩm này và vài nhạc phẩm khác có liên quan đến tình hình đất nước, được viết vài năm sau nhạc phẩm đầu tay Chiều Thu Ấy, đã thực sự xác định thiên tài âm nhạc của Lam Phương và đưa tên tuổi của ông lên vị trí xứng đáng cho đến ngày nay.
Những năm sau này, nhiều người trong giới nghệ sĩ ở hải ngoại từng thành danh và làm nên cơ nghiệp trong xã hội tự do ở miền Nam trước đây cùng một thời với Lam Phương đã theo nhau trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống, vì nhiều lý do khác nhau.Nhưng, họ giống nhau một điều: họ đã vứt bỏ cái áo khoác tị nạn cộng sản, mà nhờ đó họ được nhận cho định cư tại một nước tự do, được cung cấp những trợ giúp cần thiết và cơ hội được sống với nhân vị, nhân phẩm, và nhân cách của mỗi người.
Không ít người trong số đó, sau khi về Việt Nam, đã trở mặt và có những lời nói đáng tiếc khiến cho hình ảnh nhiều “thần tượng” đã sụp đổ trong lòng những kẻ từng ái mộ họ. Và họ đã nhận được sự phỉ nhổ của công luận.
Được biết tháng mười tới đây một nhạc hội sẽ được tổ chức tại Virginia để vinh danh Lam Phương. Đồng hương và những người ái mộ ông tại Vùng thủ đô nước Mỹ chờ đợi để được đón tiếp người nhạc sĩ quốc gia tị nạn cộng sản đích thực đến từ “thủ đô tị nạn Quận Cam” ở miền Tây.
Sau năm ngày ở California, tôi sửa soạn trở về Virginia thì được tin lại có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, khi người khai sinh ra nó vừa nằm xuống.
Diễn đàn “Nhịp cầu Văn hữu” của hội viên Văn Bút trên Internet đã biến thành chiến trường để các “văn hữu” trao đổi hỏa lực với những loại văn chương bị tố giác là (nguyên văn) “ tiếp tục gắp lửa bỏ tay người, dùng loại văn chương rác rưởi đối với tập thể cầm bút; dùng danh vị luật sư để hăm doạ người khác; dùng mớ kiến thức bùi nhùi, hổ lốn đối với những ai chống đối… một con người có đầy đủ những tố chất mưu mô, quỷ quyệt, gian hùng, xảo ngôn, lật lọng, điên khùng, háo danh…”
Cuộc chiến này chưa biết sẽ đưa VBVNHN đến đâu khi cuộc bầu cử ban chấp hành mới sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Thưa chị Minh Đức Hoài Trinh, chị đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản với gương mặt vui tươi, xin chị cũng đừng phiền muộn vì những gì đang diễn ra trong VBVNHN, cái hội mà chị đã mang nặng đẻ đau với bao nhiêu ước mơ, kỳ vọng cao đẹp.
Sơn Tùng