“Tự sướng” trên lịch sử

Đinh Từ Thức

Chỉ còn mấy ngày nữa, Donald Trump sẽ tuyên thệ chính thức trở thành Tồng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Tuy là một nước dân chủ liên tục có truyền thống lâu đời và sự chuyển quyền giữa các tổng thống diễn ra trật tự nhịp nhàng nhất thế giới, đôi khi cũng không tránh khỏi những trục trặc nhỏ giữa kẻ mới, người cũ.

Tổng Thống tân cử Donald Trump (trái), Dân Biểu John Lewis (Dân Chủ-GA)

 Tổng Thống thứ nhì John Adams đã một mình lên xe ngựa, âm thầm rời Nhà Trắng lúc 4 giờ sáng, tránh gặp mặt Tổng Thống tân cử Thomas Jefferson, cũng là Phó Tổng Thống và đối thủ của mình, vào ngày Lễ Tuyên Thệ của ông, mùng 4 tháng Ba năm 1801. Tổng Thống tân cử thứ 34, Dwight Eisenhower (Cộng Hòa) đã khinh thường Tổng Thống mãn nhiệm Harry Truman (Dân Chủ), vốn là cấp trên của mình, qua hành động không vào Nhà Trắng, ngồi trong xe đậu ngoài cửa, đợi Tổng Thống Truman ra rồi cùng lên Quốc Hội dự lễ tuyên thệ, ngày 20 tháng 01, 1953.

Năm nay, không đến nỗi như thế. Tuy Tổng Thống Obama từng nói thẳng ông Donald Trump không thích hợp cho chức vụ tổng thống, nhưng đó là chuyện khi tranh cử. Ba trong bốn cựu tổng thống, cả ông bà Clinton, cùng với ông bà Obama, chắc không vui trong lòng, ít ra cũng dành cho tân Tổng Thống Donald Trump cách đối xử lịch sự tối thiểu.

Tuy nhiên, Dân Biểu John Lewis từ tiểu bang Georgia, nhân vật nổi tiếng từng đồng hành với Mục Sư Martin Luther King trong cuộc tranh đấu nhân quyền từ thập niên 60 thế kỷ trước đã khơi mào cuộc tẩy chay một tuần trước Lễ Tuyên Thệ. Ông nói với NBC rằng ông Trump không phải là tổng thống hợp pháp, và ông sẽ không tham dự Lễ Tuyên Thệ. Trong khi Phó Tổng Thống tân cử Mike Pence đề nghị ông Lewis nghĩ lại, ông Trump đả kích trên Twitter rằng ông Lewis chỉ nói mà chẳng làm gì cả, nên giúp đỡ đơn vị mình hơn là than phiền về vai trò của nước Nga. Cho đến ngày 15 tháng 01, ít nhất 25 dân biểu đã theo chân ông Lewis, tẩy chay Lễ Tuyên Thệ của ông Trump.

Người viết từng trực tiếp theo dõi mười cuộc bầu cử và lễ tuyên thệ tổng thống Mỹ, không thấy lần nào có những chuyện khác thường như lần thứ mười một này.

Thông thường, dư luận nhắc nhở người mới đắc cử sớm thực nhiện những lời hứa của mình khi tranh cử. Với ông Trump, dư luận có vẻ nhẹ nhõm thấy ông từ bỏ một số lời hứa trước bầu cử. Trong cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 11 với hãng tin AP, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký LHQ lạc quan nhận xét rằng ông Trump “đang có những dấu hiệu thay đổi so với những gì ông đã tuyên bố”. Ông Obama cũng hy vọng khi chính thức làm tổng thống, ông Trump sẽ làm khác những gì đã nói khi tranh cử. Điều này mang ý nghĩa ông Trump thắng cử nhờ những tuyên bố không nên thực hiện, hoặc nếu cố thực hiện, sẽ là nỗi thất vọng của nhiều người.

Kết quả bầu cử vào sáng 09 tháng 11 nổi lên như một làn ranh chia đôi nước Mỹ. Kết quả chính thức cuộc bầu cử được Quốc Hội phê chuẩn ngày 19 tháng 12, 2016, cho biết ông Trump bỏ xa bà Clinton về phiếu cử tri đoàn, 304 trên 227, nhưng bà Clinton hơn ông Trump gần ba triệu phiếu cử tri đại chúng. Ông Trump nói mà không nêu bằng chứng rằng, đáng lẽ ông cũng hơn bà Clinton cả về phiếu đại chúng, nếu trừ đi hàng triệu phiếu bất hợp lệ đã bỏ cho bà. Cùng trong một cuộc bầu cử, nếu hàng triệu phiếu bầu cho bà Clinton bị coi là không hợp lệ, những phiếu bầu cho ông Trump giá trị thế nào? Không thể chối cãi ông Trump đã đắc cử theo hiến pháp liên bang. Cũng không thể chối cãi, số người chấp nhận ông ít hơn số người ủng hộ bà Clinton. Nói khác đi, người chống ông đông hơn người ủng hộ ông. Khó thực hiện ý muốn làm tổng thống của mọi người, khi chỉ được sự ủng hộ của thiểu số. Ngoài ra, ông Trump còn ở vị trí giữa hai làn đạn. Không thực hiện được những lời hứa khi tranh cử, sẽ bị những người bỏ phiếu cho ông chống đối vì thất hứa. Cố gắng thực hiện những lời hứa, sẽ bị phía chống đối coi ông như kẻ thù.

Người dân Mỹ ở nhiều nơi xuống đường phản đối ông Donald Trump như cuộc biểu tình này ở Florida hôm 16/11 (Hình Reuters. Trên BBC Nov. 17, 2016)

Trong diễn từ ngay sau khi biết kết quả đắc cử, ông Trump tuyên bố “tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ”. Ước vọng của ông đã được trả lời bằng những cuộc biểu tình của những người chống đối diễn ra tại nhiều nơi, trong cả tuần lễ. Chiều Thứ Năm, 10 tháng 11, lúc 6:19 phút, trên Twitter, ông gọi những người biểu tình là bọn chống đối chuyên nghiệp, bị truyền thông xúi bẩy (professional protesters, incited by the media, are protesting). Chỉ sau một đêm, sáng Thứ Sáu, lúc 6:14 phút, ông đổi giọng, nói ông yêu sự kiện có một nhóm nhỏ người chống đối đã có tình yêu nồng nàn đối với đất nước vĩ đại của chúng ta (Love the fact that the small groups of protesters last night have passion for our great country). Sự thay đổi cái nhìn của ông về những người biểu tình không làm họ thay đổi. Họ vẫn thế, vẫn chống ông, dù ông có cái nhìn khác về họ.

Chưa cần biết ông Trump làm gì hay sẽ làm được gì, nửa nước bỏ phiếu cho ông đã có thể thoả mãn. Thái độ bất mãn của những người phản kháng đã gây được tiếng vang, và bà Clinton đã bị chặn. Nửa nước tin tưởng bà Clinton, hay muốn dùng bà để chặn ông Trump, bị thất vọng ê chề. Họ không thù hằn gì ông Trump, nếu ông không ứng cử và đắc cử. Vì ông nên họ bị thất vọng. Họ sẽ chống ông, chừng nào ông vẫn là tổng thống.

Ông Trump là một nhà kinh doanh giầu nhất so với những người đắc cử tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ. Hiến pháp và luật pháp không bắt buộc tổng thống từ bỏ công việc kinh doanh của mình trong thời gian tại chức. Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ từ trước tới nay vẫn theo lệ tạm thời bỏ việc kinh doanh riêng để có thể dành toàn thời gian và khả năng của mình cho việc công, đồng thời, tránh việc xung đột lợi ích giữa công và tư. Ba tuần sau khi đắc cử, ông Trump cho biết ông sẽ cùng lúc điều hành cả việc tư lẫn việc công, vì ông có thể làm tốt cả hai việc. Chỉ mấy ngày sau, ông lại thay đổi, nói ông sẽ từ bỏ hết việc riêng để chỉ lo việc công. Một lời nói, một việc làm của Tổng Thống Mỹ, không chỉ có ảnh hưởng toàn nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng trên thế giới. Một người lái tầu đổi hướng từng ngày, sẽ đưa con tầu đi tới đâu?

Việc chọn lựa thành phần chính phủ mới của ông Trump cũng gây nhiều tranh cãi, ngay cả trong số những người thân cận của ông, ví dụ sự lựa chọn người vào ghế Ngoại Trưởng. Đến khi danh sách chọn lựa của ông được gửi cho Thượng Viện phê chuẩn, qua các cuộc điều trần, nhiều nhân vật do ông chọn đã phát biểu không giống hay trái ngược hẳn những gì ông từng tuyên bố. Khi có người thắc mắc, ông trả lời trên Twitter rằng họ đều là những người tốt, họ nói ra suy nghĩ của họ, không phải suy nghĩ của ông. Nếu họ được chấp nhận là thành viên của chính phủ mới, ý kiến của họ hay của ông sẽ được thi hành?

Ngoài những xung khắc quyền lợi về tài chánh, ông Trump còn chính thức chọn con rể Jared Kushner, 35 tuổi, làm cố vấn đặc biệt của Tổng Thống. Khi Tổng Thống thứ 35 John Kennedy chọn em ruột mình là Robert Kennedy làm Bộ Trưởng Tư Pháp, dư luận đã bất bình, tuy rằng chức vụ này được Thượng Viện Quốc Hội chấp thuận. Chức Cố Vấn của Kushner không cần Quốc Hội chấp thuận, lại càng dễ gây dị nghị về gia đình trị.

Bên cạnh những chống đối về đường lối chia rẽ, về xung khắc quyền lợi gia đình, nếp sống cá nhân của ông Trump còn bị nhiều dị nghị hơn nữa. Nhiều người, kể cả những nhân vật nổi tiếng đạo đức, có một hay nhiều bộ xương trong tủ áo của mình (skeleton in the closet). Nếu chỉ là người thường, chẳng ai biết trong tủ áo của họ có gì. Nhưng khi thành tổng thống, dưới ánh sáng của những ngọn đèn truyền thông và tình báo của cả bạn lẫn thù, mọi sự thật trần trụi đều không thể che dấu. Tiền bán thế kỷ 20,Tổng Thống thứ 32, Franklin Roosevelt giấu được hình ảnh tê liệt của mình trước mắt công chúng trong hàng chục năm, nhờ được báo chí và cơ quan an ninh hợp tác, không phổ biến những hình ảnh Tổng Thống ngồi xe lăn. Thời đại Internet đã khác xa. Những phủ nhận tức thời trên Twitter đều vô dụng nếu quả thật có những bộ xương trong tủ áo, nhất là khi ông Trump đẩy giới truyển thông và tình báo vào hàng ngũ kẻ thù.

Thành công của ông Trump không do kinh nghiệm chính trị, tài năng chuyên môn hay đạo đức nổi bật. Ông thành công nhờ huy động được sức mạnh nhất thời, như lực sĩ cử tạ nâng được một khối nặng kỷ lục trước sự kinh ngạc của mọi người. Nhưng thành công này không phải ở chỗ có thể giữ mãi khối nặng đó trong tay, mà chỉ giữ một thời gian ngắn vừa đủ, trước khi buông nó một cách an toàn. Đắc cử, ông Trump đã đạt thành tích kỳ diệu, nâng được nỗi bất mãn của trên sáu chục triệu cử tri lên trước công luận. Phần tiếp theo, ông cần buông khối nặng của mình đúng lúc, nếu không, chính cái khối đó sẽ làm ông bị thương tổn. Nhất là khi lực sĩ bị tai tiếng thành công nhờ thuốc tăng lực từ nước ngoài.

Càng gần Lễ Tuyên Thệ nhậm chức của ông Trump, người viết càng cố nghĩ ra một lối thoát có thể tạo đoàn kết, đem lại sự tốt đẹp cho mọi người, mọi phía:

Trưa ngày 20 tháng 01, 2017. Lễ tuyên thệ nhậm chức của Phó Tổng Thống, rồi Tổng Thống, diễn ra như thường lệ. Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên sau khi tuyên thệ, Tổng Thống Donald Trump nói với toàn dân Mỹ tất cả những sai trái cần sửa chữa, như sự ích kỷ và quá tham lam của những người giầu có, chủ doanh nghiệp, chủ ngân hàng… , chỉ nghĩ tới quyền lợi của mình mà bỏ rơi tầng lớp lao động, công nhân viên thuộc thành phần thấp của giai cấp trung lưu. Ông cũng nói cho thế giới biết rằng, trong tình trạng kỹ thuật tiến nhanh chóng mặt như hiện nay, toàn cầu hoá là điều không thể tránh. Nhưng điều này không có nghĩa các nước mặc sức áp dụng những mưu mô không ngay thẳng, như ép công nhân làm việc nhiều giờ với mức lương rẻ mạt, hay trợ cấp xuất cảng hoặc định giá hối xuất thấp, gây thiệt hại cho các nước khác. Đồng thời, cũng nói với các tôn giáo lớn phải chịu trách nhiệm về những phe nhóm quá khích, cực đoan. Không thể làm ngơ trước các chủ trương hay hành vi dã man, bạo ngược của họ. Nhất là những quốc gia nhận một tôn giáo là quốc giáo, càng cần phải có trách nhiệm diệt trừ tận gốc những chủ trương và hành vi tàn ác, vô nhân đạo, núp dưới vỏ bọc tôn giáo.

Cuối diễn văn, ông có thể kết luận, đại ý:

Lịch sử đã chứng minh, chúng ta có thể phục vụ đất nước bằng nhiều cách. Có khi chiến đấu ngoài mặt trận, có khi dấn thân trên chính trường, hay cả khi từ chối một địa vị cao cả, cũng là một cách phục vụ hữu hiệu. George Washington đã phục vụ bằng cả ba cách vừa kể. Sau khi lãnh đạo thành công cuộc chiến dành độc lập, ông đã không quản ngại dấn thân trên chính trường. Cuối cùng, nếu muốn, ông có thể làm vua, hay tổng thống mãn đời. Nhưng ông đã không làm như vậy. Quyết định cuối cùng này đã giúp nước Mỹ trẻ trung trở thành quốc gia già nhất về truyền thống dân chủ trên thế giới. Tôi kính cẩn biết ơn các thế hệ nối tiếp nhau đã và đang chiến đấu dưới quốc kỳ Sao Sọc để bảo vệ lãnh thổ, quyền lợi và các giá trị tinh thần của nước Mỹ tại khắp nơi trên thế giới, tuy tôi chưa hề có cơ hội làm công việc vinh dự này. Ở tuổi đáng lẽ nên nghỉ hưu, trước những nghịch cảnh, bất công và sa sút của xã hội, tôi đã quyết định dấn thân về chính trị, cương quyết làm cho nước Mỹ giầu mạnh trở lại. Với sự giúp sức của hàng triệu, hàng chục triệu người, kết quả là hôm nay, như mọi người đang chứng kiến. Tôi cũng đã chọn xong thành phần cho tân chính phủ, để bắt đầu thực hiện những cam kết mới.

 Tuy nhiên, như đã nói tại Cleveland hồi tháng Bảy, “chỉ mình tôi” có thể giải quyết nổi những vấn nạn của đất nước hôm nay. Sau khi ý thức được toàn thể gánh nặng trên vai, sau khi nhận biết một tình trạng chia rẽ đang manh nha có thể nguy hại cho quyền lợi quốc gia, sau khi cân nhắc giữa quyền lợi chung và lợi ích riêng, để tạo đoàn kết thực sự trong toàn dân, tôi quyết định từ chức Tổng Thống Hoa Kỳ, từ bỏ một chức vụ cao quý và quan trọng nhất hành tinh mà tôi vừa hân hạnh tuyên thệ nhậm chức. Người đồng hành với tôi là Phó Tổng Thống Pence sẽ thay tôi thực hiện các cam kết mới. Tôi đề nghị người kế vị tôi sớm chọn một phụ nữ để Quốc Hội chấp thuận đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thống theo quy định của Tu Chính Hiến Pháp thứ 25. Quyết định từ chức của tôi có hiệu lực tức thì.

 Xin mời Phó Tổng Thống Mike Pence tuyên thệ nhậm chức Tồng Thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

 Xin Chúa phù hộ nước Mỹ, phù hộ Tân Tổng Thống Pence, và tất cả chúng ta.

Quyết định từ chức của ông Trump, nếu đạt được, sẽ là một thắng lợi vô cùng to lớn cho cả nước Mỹ, cá nhân và gia đình ông.

Trước hết, cả thế giới, bạn cũng như thù, sẽ kính phục nước Mỹ đã tạo cơ hội cho người dân thực sự thi hành quyền làm chủ của mình, cơ hội thực sự quyết định vận mạng của đất nước, và người dấn thân làm việc nước, không phải do yếu tố quyền lợi hay địa vị cá nhân, mà hoàn toàn vì lợi ích quốc gia; sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho triển vọng đoàn kết quốc gia. Một đất nước như thế, không có loại võ khí hay sức mạnh nào có thể chống lại được. Sự kiện này sẽ hữu hiệu hơn bất cứ tài liệu tuyên truyền nào nước Mỹ có thể làm được, dù tốn kém tới đâu, để chinh phục dư luận thế giới.

Khi ông Trump thắng cử, nửa nước thoả mãn, nửa nước thất vọng. Khi ông Trump từ chức, cả nước thoả mãn. Những người bầu bà Clinton đề chặn ông sẽ  thoả mãn, vì ông không còn là tổng thống. Những người muốn có một nữ tổng thống, sẽ sớm có một nữ phó tổng thống, bước đầu để hoàn thành ước mong.

Về cá nhân, là tổng thống giầu nhất, quyền lợi vật chất do chức tổng thống đem lại không đáng kể. Ông đã từ chối lương tổng thống 400.000 USD một năm, khu gia cư ở Nhà Trắng không sang bằng cư sở hiện tại của ông. Hơn nữa, chỉ có 6% dân Thủ Đô Washington bỏ phiếu cho ông, trong khi 93% bầu cho Bà Clinton. Sống giữa một nơi hầu hết mọi người không ưa mình, Bạch Ốc, thay vì là “Ngôi Nhà của Dân” (People House), có khác gì nhà tù giữa nhân dân? Từ chức, ông Trump và gia đình thoát được cảnh tù túng này. Không là tổng thống của mọi người, ông trở thành cựu tổng thống của cả nước. Tuy chỉ giữ chức vụ trong thời gian đọc diễn văn nhậm chức, ông vẫn là Tổng Thống thứ 45 trong lịch sử, vẫn được gọi là tổng thống đến hết đời, và được kính trọng như bậc trưởng thượng của quốc gia ở địa vị cựu tổng thống, một địa vị mà tám tổng thống trong lịch sử, kể cả các tổng thống nổi tiếng như Lincoln, Roosevelt, và Kennedy đã không đạt được. Ngoài ra, ông có toàn thời gian cho việc kinh doanh cá nhân, và tweets vô giới hạn. Chủ trương và chính sách ông đã đề ra cho tân chính phủ thực hiện, nếu thành công, là do ông. Nếu thất bại, ông không chịu trách nhiệm.

Học sinh trung học ở thủ đô Washington D.C. biểu tình chống tổng thống đắc cử Donald Trump, cuộc tuần hành bắt đầu từ khách sạn Trump International đến Tòa án Tối cao ngày 15/11/2016 (Hình trên VOA Nov. 16, 2016).

Trên đây là kịch bản tối ưu. Nếu không đủ bản lãnh thực hiện, ông Trump vẫn còn cơ hội với kịch bản thứ nhì: Sau Lễ Tuyên Thệ, theo đúng truyền thống, ông Trump vào Nhà Trắng, bắt đầu thực hiện những điều đã cam kết sẽ làm trong một trăm ngày đầu nhiệm kỳ. Sau ba tháng, qua Thông Điệp về Tình Trạng Liên Bang đầu tiên trước lưỡng viện Quốc Hội, ông thẳng thắn cho quốc dân biết ông đã hứa những gì, đã làm được những gì, đã gặp những khó khăn nào, và chủ trương sẽ làm gì trong tương lai. Không còn là những tuyên bố huyênh hoang, bốc đồng, hay khích động của những ngày vận động tranh cử, mà là chủ trương và chính sách khả thi, có thể tạo đồng thuận để cùng nhau thực hiện. Đồng thời, ông cũng nói cho toàn dân biết rằng, ông chỉ có thể hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ, nếu thực sự được chấp thuận của đa số. Để biết rõ lòng dân, Chính Phủ sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý qua Internet (mở đầu một kỷ nguyên mới), kéo dài một tuần lễ cuối cùng trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông. Tất cả mọi người dân đủ tuổi đi bầu đều có thể trả lời “YES” hay “NO”, để bầy tỏ ý kiến chấp thuận hay phủ nhận chủ trương và chính sách của ông. Mỗi người có thể dùng computer tại nhà mình, hay tới thư viện hoặc trường học để trả lời, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Nếu đa số YES, ông tiếp tục cầm quyền với tư thế mới, thực sự là tổng thống được đa số dân chúng uỷ nhiệm cho một sứ mạng. Nếu đa số NO, ông từ chức ngay, như Charles de Gaulle đã làm năm 1969. Làm được như vậy, trong cả hai trường hợp, đều có lợi cho nước Mỹ, nhờ tạo được đoàn kết trong toàn dân, trong khi ông Trump được kính trọng hơn, và chẳng mất gì.

Từ sau khi đắc cử, ông Trump đã nhiều lần khoe ông thắng lớn, và thắng dễ dàng. Nhưng từ chức ngay sau khi nhậm chức là điều khó hơn, vì đắc cử là thắng ngừơi khác, từ chức là thắng chính mình.Thắng mình khó hơn thắng người.

Nếu kịch bản một và hai không thực hiện được, kịch bản ba có thể cứu đảng Cộng Hoà, nhưng không tốt cho ông Trump. Một người thiếu kinh nghiệm về chính trị, không có thói quen tôn trọng các nguyên tắc đạo lý và luật pháp, không theo quy tắc của kinh tế tự do; ông Trump còn là người hay thay đổi ý định, rất dễ phạm những sai lầm nghiêm trọng. Khi đó, đảng Cộng Hoà, nếu không muốn trôi theo cùng với ông Trump, sẽ phải ra tay tự cứu mình. Thích đánh bóng tên tuổi cá nhân như ông Trump, là người thuộc loại “da mỏng” (thin skin), dễ giận dữ nóng nảy, nhưng cũng dễ nhượng bộ. Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ, nếu ông Trump có sai lầm nghiêm trọng, đảng Cộng Hoà, không nên ỷ thế đa số tại cả hai viện, làm ngơ hay bao che cho ông. Ngược lại, cần làm áp lực để ông từ chức, và nếu cần, tiến hảnh thủ tục bãi nhiệm (impeachment). Hãy áp dụng câu nói cửa miệng của ông Trump trong “The Apprentice” cho chính ông: “You’re Fired!” Nếu không, đảng Dân Chủ sẽ có cơ hội chiếm đa số trong kỳ bầu cử năm 2018, làm cho triển vọng phục hưng đảng Cộng Hoà thêm xa vời.

***

Những biến chuyển thời cuộc bất thường bỗng nhiên biến Donald Trump thành một khách lữ hành dạo chơi trên khu vườn lịch sử. Với chiếc cell phone trong tay, cùng với thói quen tweets liên hồi, ông, và chỉ mình ông có thể chọn cho mình một vị trí, chụp hình “tự sướng” (selfies) với George Washington (kịch bản một), với Charles de Gaulle (kịch bản hai), hay với Richard Nixon (kịch bản ba).

Đinh Từ Thức

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *