Trận Tuyết Mùa Xuân Bất Ngờ

Truyện Nhật Bản của SAE SHUICHI
 SƠN TÙNG dịch từ bản Anh ngữ của Miyamoto Noriko

snow_0

– 1 –

Trong suốt hai mươi năm Osugi làm chủ một trà thất, chưa bao giờ xảy ra một việc như vậy trước đây.

Hoàng hôn đang xuống. Những cơn gió lạnh mùa đông không ngừng thổi, bứt đi và tung rải ra những chiếc lá vàng cháy cuối cùng của cây zelkova ở bên hông trà thất. Người đàn bà đến từ hướng Futatsuya trên xa lộ Tôkaiđô, trông giống như đang bị cơn gió săn đuổi. Bà ta ngồi sụp xuống chiếc ghế dài dưới mái hiên trà thất.

– Chào bà. Mừng bà chiếu cố trà thất của chúng tôi.

Osugi đang nghĩ đến việc đóng cửa, nhưng bây giờ nàng sẵn sàng rời chỗ ngồi bên lò sưởi và hối hả bước ra cửa.

Vào khoảng thời gian này hàng năm, dòng người hành hương đến Enoshima và Ôyama đột ngột ngưng lại, và khung cảnh trở nên yên tĩnh cho đến cuối năm. Vào mùa bận rộn, những người có sức khỏe đều rời Edo vào sáng sớm, đến các quán trọ ởFujisawa trên xa lộ Tôkaiđô trước khi trời tối và nghỉ đêm ở đó. Sáng hôm sau, họ đi lễ tại đền thờ thần tài – Banzai-ten – trên Enoshima, và đi ngang Fujisawa lần nữa trước khi trực chỉ Ôyama.

Tương đối ít người chọn phía lề đường đi ngang Tsujiđô, nơi trà thất tọa lạc. Dầu sao thì trà thất chỉ cách Enoshima có nửa dặm, vì vậy những người đi từ Enoshima để hành lễ tại Ôyama có thói quen đi gấp mà không dừng lại. Những người dừng chân nghỉ là những người già yếu đến từ hướng khác, từ Ôyama đến Enoshima, họ hưởng vội đôi phút nghỉ ngơi trước khi rảo bước trên bờ Vịnh Sagami để sang Enoshima ở phía bên kia.

Cái quán trà nhỏ không có nhiều khách hàng, nhưng Osuji đã cai quản nó từ khi mười chín tuổi và kết hôn với Kumazô, một người vác kiệu tại những quán trọ ở Fujisawa. Trước kia còn có bà mẹ chồng phụ giúp, bây giờ chỉ còn một mình.

– Hôm nay gió quá. Trời lạnh thật bất ngờ. Hẳn là bà phải mệt lắm.

Nói với giọng ấm áp, Osugi bước tới gần người khách hàng và nhận ra người đàn bà gập mình khó chịu, bám lấy một cây gậy tre với hai vai nhô lên. Người đàn bà ăn vận theo cách đi đường xa: một chiếc khăn tay được cột quanh đầu để chống gió, một chiếc giỏ tre bọc trong một miếng vải buộc ở lưng, cuốn xà-cạp, và bọc kín cổ tay và cánh tay. Nhưng trông bà không có vẻ là một người đi hành hương đền thờ ở Enoshima. Osugi liếc nhìn khuôn mặt và thân hình gầy còm của người đàn bà, và nghĩ rằng bà ta trẻ hơn mình, có lẽ là một thiếu phụ ở giữa lứa tuổi ba mươi. Bà ta có vẻ hoàn toàn suy kiệt.

– Tôi sẽ bưng trà nóng mời bà ngay. Bà sẽ bị lạnh ở ngoài ấy, xin mời bà vào bên trong.

Osugi nói qua vai người đàn bà trong khi quay vào trong để rót nước trà đậm và bưng nhanh ra ngoài cho người khách lạ.

Người thiếu phụ vẫn ngồi trên chiếc ghế dưới mái hiên trà thất, ngửa mặt nhìn Osugi để cảm ơn. Mái tóc rối ướt đẫm mồ hôi, và xõa xuống mặt với hai xương gò má nhô lên. Mặt bà đỏ bừng và vẫn còn thở một cách khó khăn. Osugi đặt tách trà bên trong quán và bước ra để nắm tay thiếu phụ và giúp bà đứng dậy.

Osugi kêu lên trong nỗi ngạc nhiên.

– Trời, bà sốt thế này!

Dưới bàn tay của Osugi, vai người thiếu phụ nóng bỏng và xương bả vai sắc nhọn dưới lớp áo kimono bằng vải phủ bụi đường.

Người thiếu phụ chống chế, nói rằng sẽ lại sức sau một lúc nghỉ ngơi, và tỏ ra không muốn làm phiền Osugi. Nhưng, Osugi trải một chiếc nệm trong căn phòng nhỏ bên cạnh phòng chứa đồ, giúp thiếuphụ cởi đôi dép rơm và đặt bà nằm lên giường. Nàng làm mát trán người thiếu phụ với một chiếc khăn ướt.

– Tên tôi là Okiku. Tôi đến từ Gotemba và đang trên đường tới thủ đô. Tôi rất tiếc đã làm phiền bà như thế này.

– Không có gì phiền cả, bạn thân mến. Sao bà không nghỉ lại đây đêm nay?

– Nhưng tôi không thể…

– Hãy ngủ yên một đêm, và cơn sốt của bà sẽ hạ xuống. Sáng mai bà sẽ khoẻ lại. Chỉ có tôi và chồng tôi ở đây, vì vậy bà không cần phải bận tâm về bất cứ điều gì.

Okiku, như bà tự gọi, cảm ơn Osugi lần nữa. Đôi mắt bà không chỉ đẫm lệ, mà còn sưng lên vì cơn sốt. Bà có vẻ thư dãn và nhắm đôi mắt lại. Bà không đẹp, nhưng có khuôn mặt tươi tắn phúc hậu, giờ đây trở nên xanh xao đáng thương với hai quầng đen bên dưới cặp mắt. Okuki không có vẻ là bị đau ốm bất ngờ, và đã quyết định đi Edo mặc dù sức khỏe yếu kém.

Đàn bà không đi xa một mình, và Osugi thắc mắc về lý do cuộc hành trình của Okiku.

Osugi đóng những tấm cửa gỗ của trà thất, rồi bắt đầu sửa soạn bữa ăn tối cho chồng và một ít cháo cho Okiku. Khi trời tối, gió thổi mạnh hơn bao giờ. Căn phòng của Okiku yên lặng giữa tiếng lay chuyển của cây zelkova to lớn và tiếng rung đập từng hồi của những tấm cửa gỗ. Osugi nhìn đăm đăm vào những ngọn lửa đỏ trong lò sưởi, băn khoăn về người đàn bà đau yếu. Nàng vẫn thường nhìn sâu vào những ngọn lửa, thả hồn trong suy tư, nhưng bây giờ ngọn lửa có vẻ thật qúy và bình yên đến nỗi nước mắt Osugi ứa ra vì xúc động với vận may của chính mình.

Osugi có thể đã mất ba đứa con vì bệnh tật khi chúng còn nhỏ, nhưng nay con trai đầu lòng của nàng đã mười chín tuổi và làm việc tại một lữ quán ở Enoshima, đứa con gái mười lăm tuổi đang học việc tại một tiệm làm bánh đậu ở Fujisawa. Nàng thực sự không có gì để phải lo âu. Cho đến hai năm trước trước đây, Osugi vẫn còn săn sóc bà mẹ chồng khi bà phải nằm một chỗ vì bại liệt. Mẹ già Ofuku được đưa đến cho Osugi, và vui lòng có một nàng dâu để được chăm sóc. Bà là loại người không làm hại bất cứ cái gì, ngay cả khi bắt được một con rận bà cũng chỉ thích thả nó vào một thùng nước. Ngay trước khi chết, bà chắp hai tay co quắp trước ngực như thể đang cầu nguyện, và cảm ơn Osugi. Mùa xuân này là giỗ thứ hai của bà. Chồng của Osugi, Kumazô, lớn hơn nàng bảy tuổi. Anh thích uống rượu, và vẫn còn hay đấm nhau với những người vác kiệu khác. Nhưng, anh là một người tốt có cá tính mạnh, và chăm lo cho Osugi. Họ nghèo, nhưng cái quán bán nước trà đủ bảo đảm cuộc sống cho họ.

Mùa xuân tới đây, Osugi sẽ được bốn mươi tuổi. Nàng chưa bao giờ đi cúng chùa ở Ôyama, chưa tới Edo, nhưng thỉnh thoảng nàng cố thu xếp để đi viếng ngôi đền ở Enoshima. Như vậy là đủ cho Osugi, và nàng không bao giờ cảm thấy thôi thúc phải đi xa.

– Phải chăng tôi là một người đàn bà không ham muốn? – Nàng thắc mắc, tự hỏi.

Nàng mỉm cười với hình ảnh hài hước của mình trong khi nhìn đăm đăm vào những ngọn lửa bập bùng.

Khi cháo chín, Osugi bưng vào cho Okiku. Nhưng, Okiku không muốn ăn, và chỉ cố đưa đôi đũa lên môi một hay hai lần. Cơn sốt của bà còn cao. Osugi ăn tối một mình. Mãi khuya Kumazô mới trở về nhà trong cơn say rượu.

Nghe Osugi báo tin về người khách lạ, Kumazô liếc vào căn phòng nhỏ qua chỗ rách trên tấm cửa giấy. Mặt đỏ gay vì rượu, anh tặc lưỡi.

– Bà định làm gì đây, vác lấy một phế nhân à?

– Hạ cái giọng ông xuống!

Osugi kéo tay áo chồng và rít giọng.

– Tôi định hỏi, tôi có thể làm gì nữa?

– Ờ, tôi nghĩ là tốt hơn bà nên làm cái gì bà cảm thấy thích hợp. Còn tôi, tôi đi lên giường ngủ.

Sáng sớm hôm sau, Kumazô rời nhà đi làm như thường lệ. Cơn gió đã ngưng thổi trong đêm, và một lớp sương giá trắng đã bám trên tấm thảm lá rải rác bên ngoài. Suốt đêm qua, Osugi đã thức dậy không biết bao nhiêu lần để chăm sóc Okiku, đem thuốc bắc sắc cho bà, thay nước trong chậu, làm mát trán bà với một chiếc khăn ướt. Nhưng, cho đến sáng cơn sốt không hạ giảm, và Okiku nằm liệt trên giường, suy kiệt. Xế trưa, Osugi mời một bác sĩ tới khám cho Okiku, nhưng ông ta chỉ lắc đầu. Trước khi ra về, ông ta bảo Osugi báo tin cho các viên chức trong tỉnh, hoặc tỉnh nhà của người bệnh. Quán trà có nhiều khách nên phải tới xế chiều Osugi mới lại quỳ một lần nữa bên chiếc gối của Okiku.

Okiku nhướng đôi mắt nửa nhắm nửa mở, với một tay tới cái giỏ tre nhỏ bọc vải bên cạnh chiếc gối và cố ngồi thẳng dậy trong khi thì thào những lời nói sảng:

– Tôi phải đi gặp Isuke.

– Không thể được đâu, bạn ạ, với tình trạng như thế này của bà.

– Osugi cúi mặt bên tai Okiku để hỏi – Isuke là một chàng trai ở Edo ư?

Okiku mở hai mắt và níu hai tay Osugi:

– Tôi biết tôi đang đau, nhưng tôi vẫn đi được! Tôi phải gặp Isuke khi tôi còn sống.

Okiku mỉm cười yếu ớt.

Bà khởi đầu kể về câu chuyện của mình, với giọng khỏe như đang vắt hết những giọt sức lực cuối cùng trong người. Và đây, nói một cách nôm na, những gì Okiku đã kể.

Tại Gotemba, một tỉnh nổi tiếng về nghề thủ công làm giỏ đan bằng tre, Okiku đã gắn bó sâu xa với Isuke, một thợ thủ công làm đồ bằng tre, khi anh ta hai mươi mốt tuổi và Okiku mười bảy. Họ thề thốt với nhau rằng một ngày kia họ sẽ trở thành vợ chồng, nhưng khi Okiku mười chín tuổi Isuke bỏ đi Edo, hứa hẹn sẽ lập gia đình với nàng một khi anh ta đạt tới đẳng cấp bậc thầy thủ công nghệ chuyên ngành về những giỏ tre hay những hộp sơn mài. Sau đó, họ viết thư cho nhau trong ba năm, nhưng rồi suốt mười lăm năm nàng không được tin gì về chàng. Dù vậy, Okiku vẫn tiếp tục chờ đợi.

Thế rồi, mới mười ngày trước đây, Okiku nghe tin đồn rằng Isuke vẫn còn ở Edo, làm việc trong một cửa hàng bán những hộp sơn mài tên là Yashuya tại Kyôbashi Yazaemonchô. Okiku quyết định làm một cuộc hành trình đơn độc dù đang đau yếu, và gạt sang một bên tất cả sự chống đối của những người chung quanh.

Một lần nữa Okiku xê dịch bàn tay gầy guộc về phía chiếc hộp bên cạnh gối. Osugi giúp gỡ bỏ lớp vải bọc bên ngoài.

– Chiếc giỏ tre nhỏ này – Okiku nói, mấy ngón tay vuốt ve cái giỏ – là của Isuke để lại cho tôi khi anh đi Edo. Anh tự làm nó đấy.

Khi nói như vậy, người đàn bà ở giữa lứa tuổi ba mươi mỉm cười như một cô gái nhỏ.

– Tôi là một con già khờ dại. Nhưng không sao. Bà quá tử tế với tôi, và nếu tôi phải chết trên đường đi, ít nhất tôi cũng có chiếc giỏ của anh ấy bên mình.

– Okiku, đừng nói dại.

– Tôi rất tiếc đã gây quá nhiều phiền nhiễu cho bà…

Okiku nhắm mắt lại, và một khoảnh khắc sau thở hơi cuối cùng. Bàn tay đặt trên chiếc giỏ tre buông lỏng xuống sàn, và bà nằm bất động.

Những tia nắng sớm của mặt trời vào đầu mùa đông chiếu sáng những tấm cửa lùa bằng giấy, nhuộm chúng thành màu đỏ như máu, và chói lọi trên gương mặt chết tái nhợt của người đàn bà.

– 2 –

Trong chiếc giỏ tre nhỏ có chiếc kimono may bằng tay cho đàn ông còn mới nguyên và bằng vải có nền sọc theo kiểu Komochijima. Trong chiếc giỏ cũng có vài món đồ trang sức và những đồ dùng cho chuyến đi xa của Okiku. Có lẽ Okiku đã may vội chiếc kimono cho Isuke mặc dù đang đau. Những đường kim mũi chỉ của chiếc kimono là những tình cảm của người đàn bà trong mười tám năm chờ đợi.

Người đàn bà quá vãng mang theo mình tờ giấy phép đi đường của một ngôi đền tại Gotemba nên Osugi quyết định giao trả mọi thứ cho vị trưởng giáo tại Honryuji, một ngôi đền kế cận. Khi một lữ khách chết trên đường đi, ngôi đền địa phương sẽ nhận lãnh thi thể, làm lễ cầu siêu, và báo tin cho giáo khu nơi cư trú của người chết. Osugi cũng yêu cầu gửi trả những vật tùy thân của Okiku, nhưng quyết định giữ lại chiếc giỏ tre và cái áo kimono của người đàn ông. Nàng cảm thấy muốn tự tay trao những di vật này cho Isuke, kẻ đang làm công tại một tiệm bán hộp sơn mài ở Edo, dựa theo tin tức đã được cung cấp.

Chiếc giỏ tre được nói là do Isuke làm là một món đồ đan bằng tre tầm thường. Nó không có vẻ gì là một tác phẩm xuất sắc, dù là dưới mắt Osugi. Nhưng, hình như Okiku đã dùng chiếc giỏ này rất cẩn thận trong nhiều năm, vì những góc cạnh vẫn còn nguyên không bị hư hại, và mặt tre lên nước do chất béo từ những ngón tay làm cho nó thành màu vàng hổ phách bóng láng như tình yêu của Okiku. Ít nhất một lần mỗi ngày, Isugi sờ vào chiếc giỏ tre một cách nhẹ nhàng, vuốt ve nó như chính nàng là Okiku đã mơn trớn nó mỗi ngày khi còn sống.

– Hồn vía bà hồi này có vẻ như ở đâu đâu. Quên người đàn bà ấy đi cho rồi. Bà đã đối xử tốt với bà ta. Không ai như bà, bận tâm đến một chuyện không đâu quá lâu như thế.

Kumazô nói như vậy. Nhưng vào lúc đêm khuya, trước khi Kumazô trở về nhà vào những lần công việc vác kiệu bắt phải đi xa, Osugi tự nhận ra mình đang lắng nghe ngọn gió bắc, tay vuốt ve cái giỏ tre và thì thầm trong lòng. “Chưa bao giờ trong suốt cuộc đời ta chỉ nghĩ đến một người đàn ông quá lâu như Okiku đã làm.”

Hình như Osugi có một mối ưu phiền lớn không nguôi – không phải vì nàng thiếu hạnh phúc với Kumazô về bất cứ phương diện nào.

“Tôi băn khoăn không hiểu Isuke là loại người như thế nào…Nhưng, đây là điều kỳ lạ đặc biệt. Tôi, sắp sửa bốn mươi tuổi, và đang có những ý nghĩ như vậy!” Osugi tự nhủ.

Những ngày mùa đông qua đi. Quán trà bận rộn vào cuối năm và đầu năm mới, với những lữ khách trên đường lui tới các ngôi đền ở Enoshima hay Ôyama. Công việc chỉ ổn định lại sau tuần lễ đầu tiên của năm mới.

Năm mới này cũng là sinh nhật thứ bốn mươi của Osugi, và nàng nói với Kumazô rằng nàng muốn đi Edo. Nàng bảo muốn ngắm cảnh thành phố và thăm đền Asakusa ít nhất một lần trong đời, và trong khi đó muốn giao trả cái giỏ tre và chiếc kimono. Kumazô đáp rằng nếu việc ấy đem lại sự bình ổn cho tâm trí nàng thì có thể đi một mình. Đây không phải là một cuộc hành trình thơ mộng. Nếu đi nhanh, nàng có thể tới đó và trở về trong đôi ngày, nghỉ đêm tại Edo.

Osugi ra khỏi nhà trước bình minh, với Kumazô tiễn chân vợ lên đường. Ăn vận thích hợp, Osugi đi dọc theo xa lộ Tôkaidô trong ánh nắng dịu dàng đầu xuân, băng qua những tỉnh lẻ Totsuka, Hodogaya và Kanagawa, và nhận ra đang vui hưởng chuyến du hành một mình đầu tiên chưa bao giờ trải qua trong đời. Nàng đã để chiếc kimono sọc do Okiku may vào trong cái giỏ tre do Ikuse đan, bọc bên ngoài bằng một tấm vải vuông và buộc vào lưng giống như Okiku đã làm. Điều đó khiến Osugi khích động, giống như chính nàng thay vì Okiku đang đi tới gặp một người đàn ông. Nhưng Isuke là một con người không tim đã bỏ rơi Okiku trong mười lăm năm dài. Có thể anh ta đã kết hôn với người đàn bà nào khác, và đang nuôi dưỡng một gia đình.

“Ta có nên nhân danh Okiku, nói cho anh ta biết cảm nghĩ của một phụ nữ bị bỏ rơi và thêm vài ý nghĩ của chính mình…”, Osugi tự hỏi.

Osugi ăn trưa với đồ hộp ở Kawasaki, và bầu trời trở nên u ám từ khi nàng đi trên cầu Rôkugô. Vào lúc nàng đi ngang Shinagawa, một trận tuyết nhẹ bắt đầu rơi. Phản ảnh sự thay đổi của thời tiết, tâm trí Osugi mang đầy nỗi oán hận Isuke. Nàng tiếp tục bứơc đi vào ngay khu vực thị tứ của Edo, không cả cảm thấy mệt mỏi, và bây giờ đang vui thích với chuyến đi một mình của nàng.

Trời đầy gió bụi, và tuyết bắt đầu rơi xuống thật sự khi Osugi tới Yashuya ở Yazaemonchô. Yashuya là một cửa hàng lớn, với nhiều rương hộp sơn mài, cả lớn lẫn nhỏ, được trưng bày bên trong. Có những hộp bằng tre lớn và dài, những hộp đan có ngăn kéo. Có rương và một cặp hộp bằng tre để buộc một đầu và khoác trên vai.

Có những hộp tre để vác. Có những chiếc hộp để ở góc nhà, loại hộp lớn để đựng quần áo, thùng đựng sách, và nhiều loại nữa.

Được một người học việc ra tiếp, Osugi cho biết lý do cuộc thăm viếng, một người đàn ông lớn tuổi trong đám thợ đan giỏ trong căn phòng lớn có sàn gỗ nhìn lên và nói:

– Nếu bà đi tìm Isuke, anh ta không có ở đây lúc này.

– Ơ…

– Anh ta là một thợ thủ công giang hồ. Hắn ở tiệm này một dạo vào mùa thu, nhưng không bao giờ tính chuyện ổn định. Thằng cha ấy là một tay thợ vụng, nhưng điều kỳ cục là dường như hắn lại có đầu óc của một bậc thầy.

– Vậy anh ấy không làm ở đây nữa à?

– Thỉnh thoảng hắn tới đây với những rương hộp do hắn làm.

– Bây giờ anh ấy ở đâu?

– Có thể ở dãy nhà trong con đường hẻm ở Shamisen Bori.

Chắc vì tội nghiệp Osugi đã tới cửa hàng trong cơn tuyết đổ, người thợ thủ công già bước ra cửa tiệm và chỉ dẫn đường đi tới Shamisen Bori.

Sau tám giờ tối Osugi mới tìm ra chỗ ở của Isuke trong con đường hẻm, chân nàng lội ngập trong tuyết giờ đã dày tới mười phân tây. Nàng có ý tới gặp Isuke và định sẽ đi tìm chỗ nghỉ đêm sau cuộc gặp mặt.

Nơi Isuke ở là một chỗ trọ hai phòng trong một dãy nhà hư hỏng, với ánh sáng chiếu qua những cánh cửa lùa ở lối vào.

– Xin lỗi, – Osugi gọi to, hạ chiếc nón tre phủ tuyết trên đầu.

Nàng khó nhận ra giọng nói của mình, nó như thật căng và sắc. Nàng bất chợt tự thấy hối tiếc đã đến đây đường đột như thế này. Và, đồng thời cũng cảm thấy sự hiện diện của nàng ở đây có thể an ủi linh hồn Okiku, và có thể giúp nàng xếp lại ký ức về người đàn bà ấy.

– Ai đấy? Ai thì cũng xin mời vào. – Một người đàn ông trả lời sau một thoáng yên lặng.

Osugi phủi tuyết bám trên chiếc kimono và bước vào cửa tiền bẩn thỉu chật hẹp, cúi gập mình và nói:

– Tôi từ Tsujimo đến, và tên là Osugi. Hẳn ông là Isuke.

– Ờ, vâng, chính tôi…

Isuke ngồi trên một chiếc chiếu rơm trải trên sàn gỗ. Hình như anh ta đang uống rượu, và một chai sakê rẻ tiền đang nằm trong tay khi anh nhìn Osugi một cách nghi ngại. Anh ta gầy như một cái gắp than, và hình như vào khoảng bốn mươi tuổi.

“Vậy ra đây là Isuke…Anh ta đang rung động!” – Osugi tự nhủ.

Anh ta có vẻ không giống một người đàn ông chải chuốt, hay vô tình, hoặc là cái gì khác như Osugi đã tưởng tượng. Tim nàng đập mạnh và nàng sợ Isuke, những cảm giác khiến nàng ngạc nhiên về chính mình. Qua tấm màn rách treo bên giường, nàng có thể nhìn thấy chiếc giường ngủ đã được xếp lại và một cái hộp đan dở dang bên cạnh ngọn đèn dầu. Có rất nhiều miếng tre róc và gỗ mỏng bỏ rải rác khắp phòng khiến Osugi khó mà tìm được một chỗ để đặt chân, và cũng nhận ra mùi sơn mài. Nàng cảm thấy nhẹ nhõm vì không thấy dấu vết của sự hiện diện của một phụ nữ.

“Anh ta ở một mình trong căn nhà này và làm giỏ tre.” – Osugi tự nhủ thầm.

– Bà muốn gì đây, người đàn bà xa lạ này? – Isuke hỏi với nụ cười méo mó, trong lúc Osugi nhìn quanh mà chưa nói ngay nàng đến đây làm gì.

– Ồ, xin lỗi.

Osugi cũng mỉm cười để che giấu sự bối rối. Họ cười và nhìn vào mắt nhau.

“Anh ta có đôi mắt thật đẹp!” Osugi kêu thầm.

Trước đây, chưa bao giờ nàng thấy cặp mắt đẹp như vậy nơi một người đàn ông. Thân hình xương xảu của anh ta có vẻ suy yếu, nhưng nụ cười hóm hỉnh giống như của một thằng con trai vừa bắt được một con côn trùng và không biết có nên thả ra hay không.

Osugi thu góp sức lực và bắt đầu nói về Okiku. Isuke trông xúc động, và nói:

– Mời bà bước vào trong phòng. Xin lỗi vì tôi không đốt lửa sưởi.

Anh ta bước tới cái lò trong bếp, và đứng đó như sẵn sàng châm lửa. Osugi ngăn cản anh ta bằng cách nói nàng sẽ đi ngay, rồi đi vào câu chuyện của nàng trong lúc ngồi xuống bực cửa giữa lối vào và căn phòng. Isuke ngồi xuống sàn lần nữa với hai tay đặt trên đầu gối, lắng nghe trong yên lặng. Nhưng, khi Osugi đẩy tới trước cái giỏ tre đựng chiếc kimono bằng vải, Isuke liếc nhìn rồi quay đi chỗ khác và nói:

– Tôi hiểu rồi. Okiku là…

Anh nhắm mắt yên lặng một lúc rồi nói:

– Cảm ơn bà đã tới đây trong cơn tuyết đổ chỉ để đưa cho tôi vật này. Nhưng, bà phải tự nhìn nhận…là con người hơi đa sự một chút, phải không?

Anh ta phun ra phần cuối cùng của những lời thì thầm, hầu như đang nói với chính mình. Osugi cảm thấy bị xúc phạm. Vậy là cuối cùng anh ta đã để lộ nguyên hình. Máu dâng lên trong huyết quản, nàng cố dằn nén để đừng buông ra những lời buộc tội người đàn ông không trung thành. Nhưng, trong khi nhìn anh ta với sự phản đối trong mắt, nàng nhận ra người đàn ông này đã nói đúng: điều nàng đã làm quả là táo bạo, là hành động của một phụ nữ trung niên đã đi quá xa.

– Vâng, tôi cho rằng đã đến lúc phải đi…

Osugi nói với giọng dằn nén và nghe một cảm giác trống rỗng không diễn tả được. Và cũng khó mà chịu được cái nhìn thương hại của người đàn ông với một bên vai nhô cao và cái đầu treo lơ lửng một cách buồn thảm.

Nàng quay lưng lại người đàn ông và mở cánh cửa lùa. Trong bóng tối của con đường hẻm, những bông tuyết đang rơi xoáy xuống mạnh hơn trước.

– Xin bà đợi một chút.

Osugi nghe giọng Isuke khản đục.

– Trong cơn tuyết nặng như vầy, bà sẽ không kiếm được bất cứ chỗ nào để nghỉ đêm đâu. Mọi quán trọ giờ này đều đã đóng cửa hết rồi.

– Nhưng, tôi phải đi.

Isuke lại nói trong lúc Osugi vẫn quay lưng về phía anh ta:

– Tên bà là Osugi, phải không? Tôi không buộc bà phải ở lại nếu bà không muốn, nhưng xin nói cho tôi thêm một chút nữa về Okiku.

– 3 –

Isuke đốt lửa sưởi cho Osugi, xếp những lát tre vào chiếc thùng sắt rỗng. Osugi không có nhiều lắm để nói về Okiku. Isuke không uống thêm rượu sakê, và gần như hoàn toàn bật động trong yên lặng.

Nhưng rồi anh ta nói:

– Tôi sẽ thức suốt đêm nay để làm cho xong cái hộp đan này, vì vậy bà khỏi bận tâm về tôi và xin cứ vào giường nghỉ.

Isuke nhanh nhẹn dọn chiếc giường duy nhất, kéo tấm màn che quanh giường, rồi đi tới ngồi nơi một góc phòng quay lưng lại Osugi.

Âm thanh từ những phần khác của dãy nhà dài thỉnh thoảng có thể nghe được, nhưng đã trở nên yên lặng từ lâu. Trận tuyết mùa xuân tiếp tục rơi một cách ồ ạt không ngừng.

Osugi quyết định nằm xuống với tất cả quần áo trên người. Nàng không ăn tối và bắt đầu cảm thấy đói nhiều đến nỗi nghĩ chắc không thể ngủ được, nhưng định bụng sẽ nằm cho đến khi trời sáng.

– Thật tội nghiệp cho Okiku, nhưng tôi đã say mê tre như bà thấy đó.

Isuke nói, như đang chuyện trò với chính mình, phá vỡ sự im lặng với cái lưng vẫn quay về Osugi. Rồi, từng chút một, anh ta bắt đầu nói về chuyện của mình.

– Không phải không có những người đàn bà khác sau Okiku. Và đúng là tôi đã bỏ rơi nàng, không có gì thay đổi được điều đó. Nhưng, tôi lang thang từ nơi này tới nơi nọ, nhìn ngắm tre, sờ mó nó, và trở nên đam mê…Và càng đam mê bao nhiêu, nó càng trở nên khó hiểu cho tôi bấy nhiêu…Một khúc tre hay gỗ có một mặt hướng về mặt trời và một mặt ở trong bóng tối, bà biết chứ. Tôi biết điều đó từ khi còn là một đứa bé để mũi thò lò. Vậy mà khi đến Edo như một thợ thủ công, tôi khám phá ra là đã không biết một điều. Osugi, khi so sánh cái mặt có ánh nắng và mặt trong bóng tối, mặt nào bà nghĩ là mềm dẻo và mạnh?

Lời nói thật bất ngờ. Osugi cảm thấy cơ thể căng lên trong bóng tối vì Isuke nói với mình và đáp:

– Vâng, bây giờ tôi không rõ.

Giọng Osugi thật trẻ như của một cô gái khiến nàng ngạc nhiên. Sau một thoáng suy nghĩ, nàng nói:

– Mặt mạnh chắc là mặt trong bóng tối hướng về gió bắc. Và mặt mềm là mặt quay ra ánh mặt trời, phải không?

Thật ra, trước đây chưa bao giờ nàng nghĩ tới cái mặt hướng bắc và mặt hướng nam của cùng một khúc tre lại có những đặc tính khác nhau.

– Tại sao bà nghĩ như vậy?

– Ơ, lạnh và sự bất lợi trong bóng tối làm cho mặt tối cứng mạnh. Và mặt tiếp nhận ánh nắng phát triển dễ dàng. Có phải vậy không?

– Bà nói đúng đấy, Osugi.

– Một nửa.

– Mặt có ánh mặt trời mạnh và cũng mềm dẻo. Mặt tối trở nên cứng và dòn. Con người cũng vậy. Sống trong bóng tốt không tốt. Nó làm cho ta thành cứng khô và méo mó. Hãy nhìn tôi đây, đang ở tuổi bốn mươi và như thế này đây.

Isuke cười thành tiếng như một cách tự chứng minh.

Osugi chân thật nói:

– Không hẳn như vậy. Luồng gió bắc khắc nghiệt làm cho anh mạnh mẽ. Những người chỉ đi trong ánh mặt trời trở thành khô kiệt và kiêu căng, và tôi không thích họ.

– Điều ấy có thể đúng với loài người. Nhưng không đúng với tre hay gỗ. Đó là điều tôi thích ở chúng. Chúng có thể ở trong ánh mặt trời mà không trở thành kênh kiệu với sự quan trọng của chúng. Chúng tiếp nhận những tia nắng và lớn mạnh. Cây lớn lên đầy những cành và ngạnh làm cho chúng vững mạnh. Ta cần đối xử với cả tre và gỗ giống như khi chúng ở trong thiên nhiên. Nếu ta hạ một cái cây đã sống trên núi một ngàn năm và chỉ dùng để làm một cái cột nhà, cái nhà ấy cũng sẽ đứng vững trong một ngàn năm.

Mặc dù cai quản một trà thất có nghĩa là được nghe về đủ thứ chuyện, nhưng đây là lần đầu tiên Osugi được nghe về những điều này.

– Và tre cũng như vậy à?

– Với những cây tre già ba năm hay năm năm, vấn đề là ta đừng xáo trộn mặt có ánh nắng và mặt tối của những lát tre, một hộp sơn mài hay một giỏ đan có thể tồn tại hai trăm hay ngay cả ba trăm năm.

Isuke quay lại đối diện với Osugi và lần đầu tiên mỉm cười sung sướng. Anh ta có vẻ như là một người khác.

– Nhưng, Osugi ạ, để có thể cầm một lát tre lên và qua cảm giác mà nói được nó thuộc phiá mặt trời hay phía bóng tối, phải mất ít nhất là mười năm học hỏi. Rồi dựa vào cảm nhận ấy, ta phải làm nhiều phán định trong việc đan tre. Không ai có thể dạy ta điều đó, và ngay cả nếu ta có thể làm được điều đó cũng không phải như vậy là đã trở thành một tay thủ công bậc sư đâu. Sau khi được luyện nghề khoảng mươi năm, người ta sẽ ba hoa như là một tay thợ thủ công có đẳng cấp, nhưng mà không có bao nhiêu người có thể

đan tre như cách nó lớn lên. Và trong trường hợp những hộp sơn mài, ta che phủ tre bằng giấy và sơn mài làm cho nó khó thở. Điều đó mới lại càng khó khăn hơn.

– Anh đang nói rằng những giỏ tre và hộp sơn mài hít thở à?

– Đúng vậy, Osugi. Người ta nói một cây tre mềm không bị gãy dưới sức nặng của tuyết. Nhưng, ngay cả một thanh tre thoạt trông có vẻ tốt, đừng bị đánh lừa. Tre là vật sống động, và nó đặt loài người chúng ta vào cuộc xét nghiệm. Một thợ thủ công với hai bàn tay đẹp là điều ngu ngốc. Không có gã nào với bàn tay sạch sẽ lại là một thợ thủ công thật sự.

“Với phụ nữ cũng vậy. Một ngưoi đàn bà với hai bàn tay đẹp không bao giờ biết đến sự khó nhọc.” Osugi thầm nghĩ.

Isuke tiếp tục nói với vách tường:

– Một khi bà cầm lên một thanh tre, và sau khi biết nó được trồng ở đồng bằng hay trên sườn một ngọn núi, rồi bà đan nó giống như bà là ánh mặt trời chiếu xuống nó hay là ngọn gió thổi qua nó. Một thợ thủ công kiên trì sẽ đan nó theo cách kiên trì, và một kẻ xốc nổi sẽ đan nó theo kiểu xốc nổi. Tại Yashuya có một thợ thủ công già tên là Matsu-san. Lão khởi sự làm việc trước khi mặt trời mọc, và lúc những người khác trong tiệm thức dậy, lão đã hoàn tất phần lớn công việc, đi tắm, hớp nhanh ly rượu, và ăn điểm tâm. Lão ăn vội vã, và trở lại làm việc ngay. Kiểu cách của ông già ấy trông có vẻ là một tay thợ cần mẫn, được coi là xuất sắc. Nhưng, nếu bà hỏi tôi, cho dù bà có thể làm xong công việc của ba người khi mặt trời còn cao, đó chỉ là sự mau lẹ và làm xong công việc. Đó không phải là một tay thủ công bậc thầy.

Osugi cảm thấy vui thích nhìn Isuke trở nên phấn chấn và nói năng lưu loát như một chuyên gia.

– Ồ, tôi thắc mắc không biết có phải là ông già ấy không. Chính ông ta đã nói anh là một người vụng về và giả vờ như là một tay thủ công bậc sư đấy. – Nàng nói và cười, liếc nhìn Isuke qua chỗ rách trên tấm màn che giường ngủ.

– Vụng về và giả vờ như một thủ công bậc sư không phải là tôi.

– Isuke đáp một cách nghiêm chỉnh – Tôi đã bốn mươi tuổi, và vẫn chưa đan được một món đồ tôi thích. Tôi không thể kiếm được việc làm tại bất cứ tiệm nào, vì vậy phải trôi nổi hết nơi này tới nơi khác như một ngọn gió khô, làm việc như một thợ thủ công lang thang có chút tay nghề. Đó là cái loại người bất hạnh vô giá trị mà tôi tự nhận là mình.

Isuke có vẻ khích động vì những lời tự bôi đen chính mình và chợt im lặng. Rồi nói:

– Nhưng, bà nên ngủ đi một chút.

Bỗng, Isuke chạy ra con đường hẻm.

Trong tiếng tuyết rơi không ngừng, có tiếng người xối nước tắm từ phía cái giếng. Một lát sau, Isuke trở lại, làm như đã quên sự có mặt của Osugi, ngồi thẳng lưng trước cái hộp sơn mài đang làm dở, với cái khăn vắt chéo vòng quanh đầu. Chiếc hộp này dài khoảng một thước và rộng độ sáu mươi phân tây, được dùng như một cái rương để đựng quần áo.

Đã quá nửa đêm từ lâu, và căn phòng trở lại yên tĩnh. Cơn gió có vẻ đã ngưng thổi, tất cả những gì có thể nghe thấy là tiếng động nhẹ của những bông tuyết dày đập vào tấm cửa lùa phía trước. Rồi, từ chỗ Isuke ngồi, có tiếng động khác nữa.

Soạch soạch, soạch soạch…

Nó giống như tiếng một người nào đó thở ra thật mạnh, được tạo ra một cách vô tình khi Isuke đan cái hộp. Qua chỗ rách trên tấm màn che giường, Osugi có thể trông thấy cái lưng người đàn ông.

Hình như Isuke dùng tay phải lấy những lát tre để bên phải và đan nhanh chúng bằng cả hai tay. Phía sau chiếc áo khoác ngắn của anh ta ướt mồ hôi và di động với những rung chuyển nhỏ, rõ ràng phản ảnh sự vận động của những bắp thịt nhỏ, xăn chắc.

Soạch soạch, soạch soạch…

Tấm lưng của người đàn ông trong khi làm việc đã xâm chiếm một cách hoàn toàn vô thức tâm trí người đàn bà tới thăm viếng anh ta vào cái đêm tuyết đổ này và đang nằm ngay bên cạnh anh ta. Dường như nó còn làm phát sinh một sự căng thẳng cao độ như sức mạnh của một ngọn dáo, đồng thời cũng tạo ra trong tâm tưởng ánh sáng mặt trời êm dịu và một cơn gió nhẹ.

Osugi thầm nhủ: “Người đàn ông này đã dâng hiến cuộc đời để làm những chiếc hộp sơn mài kia. Đây không phải là một cơn gió khô, đây là một luồng gió êm ái thổi qua một khóm tre.”

Osugi nghe một cảm giác ấm áp kỳ lạ phát tỏa trong đáy lòng.

Nàng cố nhắm mắt. Trong khoảng đen sau đôi mí mắt, nàng vẫn có thể nhìn thấy cái lưng của Isuke. Soạch soạch, soạch soạch… Sâu trong hai tai, nàng vẫn có thể nghe thấy hơi thở dũng mãnh của người đàn ông. Thân thể nàng dường như trở nên ẩm ướt. Nàng chống cự lại, và cùng một lúc lại ôm giữ lấy nó. Nhưng, nàng mau chóng rơi vào giấc ngủ.

Và nằm mơ.

Chìm sâu giữa những bông tuyết dày mùa xuân đang lặng lẽ tuôn rơi không ngừng, nàng và Isuke, hai kẻ gặp nhau lần đầu tiên trong đời, ôm nhau trong vòng tay. Osugi cầm bàn tay Isuke lên và ép nhẹ vào trước ngực nàng. Có những cục chai thô kệch trên ngón tay anh và vô số sẹo nhỏ, vậy mà lòng bàn tay lại dịu như bột, và những ngón tay cũng mềm mại. “Mi không được, mi không được,” giọng nàng réo gọi từ đâu đó, “chồng của mi cũng có cục chai trên vai vì vác kiệu.” Nhưng, Osugi cảm thấy như cả thân thể và linh hồn nàng tan chảy, và nhìn lên một cách mơ mộng từng bông tuyết đang nhảy múa trong khi rơi xuống từ trời cao đen thẳm. Chỉ có hai người, Isuke và nàng, tràn đầy hoan lạc trong vòng tay của nhau…

Khi nàng thức giấc, mặt trời buổi sáng chiếu chói lọi trên những tấm cửa bằng giấy. Trận tuyết suốt đêm qua đã chấm dứt, và bầu trời trong xanh của buổi sáng đầu xuân làm thành một vòng cầu ở trên.

Có mùi thơm của cơm vừa chín trong không khí. Hơi đang bay ra từ chỗ hở giữa cái nắp và mép chiếc nồi đặt trên bếp lò. Không thấy Isuke đâu cả, nhưng chiếc rương sơn mài đã làm xong được đặt ngay ngắn gần đó, và ngọn đèn dầu vẫn còn sáng trên cái kệ nhỏ gắn nơi vách tường.

– A, bà thức dậy rồi à. Bà ngủ ngon chứ?

Isuke nói với một nụ cười tươi vui. Một bó củ cải trắng vừa rửa xong chĩu nặng trên tay cho thấy Isuke vừa mới ra giếng trở về.

– Tôi rất tiếc đã ngủ quá giấc. Bây giờ tôi sẽ làm việc này.- Osugi nói một cách e thẹn, nhưng gần như giựt mớ củ cải trên tay Isuke.

Nàng khởi sự nấu món xúp misô.

–   Bà là người mà tôi phải cảm ơn về việc đã làm điều tôi ưa thích đêm hôm qua.- Isuke nói trong lúc hút thuốc lá với vẻ vui tươi hiển hiện.

Isuke chăm chú ngắm chiếc rương sơn mài vừa làm xong. Nhưng anh ta lắc đầu nhè nhẹ như thể còn có vài chỗ chưa được hoàn toàn ưng ý.

Dưới mắt Osugi, đây có vẻ như là một tác phẩm tuyệt vời và hoàn toàn độc đáo. Nàng sẽ yêu thích nếu có cái rương sau khi nó được phủ giấy và tráng sơn mài.

Một lát sau, ngồi đối diện nhau trong khi ăn sáng, Osugi bật ra nói với giọng rụt rè:

– Isuke, anh không thể cho tôi coi bàn tay anh, phải không?

– Cái gì đây, một điều hoàn toàn bất ngờ hả?

Isuke đặt đôi đũa xuống với một cái nhìn bối rối, rồi e thẹn xòe cả hai bàn tay. Có những cục chai trên đầu những ngón tay, và những sẹo nhỏ, nhưng trông bàn tay mềm dịu, đen thâm như đã được ngâm trong dầu tre thấm vào những nếp nhăn nhỏ nhất.

– Hai bàn tay dơ bẩn, phải không? Nhưng, nếu tôi rửa sạch tay, chúng sẽ bị tre làm cho xước hay đứt. Bà không thể đan tre nếu không có dầu trên bàn tay. Ngay cả khi bị đứt tay, bà cũng không nên dùng bất cứ loại thuốc mỡ nào. Chỉ việc liếm ít cái và rồi nó sẽ tự lành.

– Vâng, chúng giống như tay của một vị Phật. Cảm ơn anh đã cho tôi xem những ngón tay của anh.

Đã đến lúc phải chia tay. Osugi quá thích cái rương đan sơn mài mà Isuke đã làm xong trong một đêm tuyết đổ. Nhưng, nàng chỉ xin Isuke một khúc tre mỏng và tròn để dùng làm gậy chống đi đường.

Những người ở trong dãy nhà dài đang xúc dọn tuyết đã ngập trong con đường hẻm đến ba mươi phân tây. Isuke đưa nàng tới đầu ngõ Shamisen Bori và nói:

– Đây là một trận tuyết lớn, nhưng tuyết mùa xuân sẽ mau tan. Bà nên cẩn thận trên đường về nhà.

– Tôi sẽ cẩn thận.

– Tôi lại sắp sửa ra đi nữa. Một ngày gần đây, tôi sẽ đi viếng ngôi đền ở Enoshima và chắc chắn sẽ thăm trà thất của bà. Và khi tôi đi, – Isuke nhìn vào mắt nàng và đặt hai bàn tay lên hai vai nàng một cách dịu dàng như cử chỉ của một thanh niên trai trẻ – tôi hứa sẽ đem tặng chiếc hộp sơn mài độc nhất trong đời, chiếc đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ làm được.

Kể từ ngày ấy, năm này sang năm khác, không biết bao nhiêu trận tuyết đã đổ xuống Tsujidô trên Tôkaidô, dù chúng có nhẹ hơn trận tuyết ở Edo.

Con trai của Osugi đã lấy vợ và nàng đã có cháu nội, con gái nàng cũng đã có chồng, Kumazô đã qua đời năm năm trước đây, và Osugi giờ đây đã ở tuổi sáu mươi.

Nhưng, trong suốt hai mươi năm qua, nàng không bao giờ quên Isuke, người đàn ông đã cùng nàng trải qua một đêm tuyết đổ. Đó không phải chỉ là một giấc mơ. Chiếc gậy tre nàng xin của Isuke giờ đây đã lên nước màu vàng hổ phách, được làm bóng bằng chất dầu từ bàn tay già nua của Osugi.

Vào lúc hoàng hôn một ngày tháng Chạp, khi trận tuyết đầu mùa nhẹ rơi lất phất, một ngưoi đàn ông ở lứa tuổi sáu mươi không biết từ đâu tới, ngồi xuống chiếc ghế dài dưới mái hiên trà thất. Osugi với mái tóc bạc bưng cho người lữ khách một tách nước trà đậm.

– Osugi đây, phải không? Cái này là của bà.

Người đàn ông có một cặp giỏ đan nối với nhau bằng một chiếc đai, một cái đeo phía trước và một cái ở đằng sau. Ông ta lấy từ trong một cái giỏ ra một chiếc hộp tre đan sơn mài để đựng sách và trao cho Osugi, nói:

– Một tháng trước đây, Isuke đã chết trên đường đi. Mấy năm sau này, anh ta không thể sử dụng tay một cách bình thường. Anh ta luôn luôn lăn một cặp hột bồ đào trong lòng bàn tay để làm mềm những ngón tay. Nhưng chiếc hộp sơn mài này…

Osugi không nghe gì nữa. Ép chiếc hộp sơn mài bóng láng vào ngực, nàng ngửi thấy mùi cơn gió nhẹ thổi qua bụi tre, và nghe tiếng động của hai hột bồ đào lúc lắc bên trong, va chạm vào nhau với những âm thanh sắc nhỏ. Có lẽ cùng những tiếng động phát ra khi chúng ở trong tay Isuke.

(Hết)

 Truyện Nhật Bản của SAE SHUICHI
 SƠN TÙNG dịch từ bản Anh ngữ của Miyamoto Noriko

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *