Trần Xuân Thời
Hầu hết chúng ta đã tham dự các cuộc bầu cử tự do tại Việt Nam trước 1975 và tại các quốc gia tự do mà chúng ta đang cư ngụ sau năm 1975. Trong các quốc gia tự do, dân chủ, phương thức bầu cử tự do được áp dụng trong các cơ chế công quyền và các hiệp hội tư nhân để chọn người đại diện.
Tại Hoa Kỳ, các chính quyền tiểu bang đảm trách công tác tổ chức bầu cử các viên chức công cử tiểu bang và liên bang. Thể thức bầu cử được quy định bởi các đạo luật do chính quyền tiểu bang ban hành, do đó có một số khác biệt về kỹ thuật tổ chức giữa các tiểu bang.
1. Quyền bầu cử
Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 không quy định quyền bầu cử cho mọi công dân Hoa Kỳ. Vì thế các Tu chính án thứ 15 ban hành năm 1870 quy định thêm quyền bầu cử cho người Mỹ thiểu số…Tu chính án thứ 19 ban hành năm 1920 công nhận quyền bầu cử cho cử tri nữ giới…..Hiến pháp quy định bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ cứ bốn năm một lần vào ngày Thứ Ba sau ngày thứ hai tuần thứ nhất tháng 11.
2. Ghi danh bầu cử
Mọi công dân hội đủ điều kiện đều được ghi danh bầu cử: Công dân Hoa Kỳ, 18 tuổi, không can án hay bị tước quyền bầu cử, phải là cư dân hợp lệ tại tiểu bang nơi bầu cử hay ứng cử, cử tri có thể ghi danh trước hoặc tại phòng phiếu trước khi bầu cử… hoặc theo thủ tục do tiểu bang ấn định.
Năm 1965, Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành đạo luật “Voting Rights Act” bãi bỏ các điều kiện cử tri phải biết đọc, biết viết (literacy tests), đóng thuế bầu cử (poll taxes). Các điều kiện này thường được áp dụng tại các tiểu bang miền Nam Hoa kỳ gọi chung là “Jim Crow Laws”. Tuổi được bầu cử cũng thay đổi qua thời gian từ năm 1776 và Tu chính Án thứ 26 (1971) đã thống nhất tuổi được bầu cử là 18 tuổi cho công dân trên toàn quốc cho các cuộc bầu cử tiểu bang và liên bang.
3. Chứng Minh Thư (ID Card)
Đến năm 2016, khoảng 30 tiểu bang buộc phải xuất trình căn cước (ID) trước khi cho ghi danh bầu cử. Khoảng 20 tiểu bang chưa có luật buộc phải xuất trình căn cước. Hai đảng CH và DC có hai đường lối khác nhau về vấn đề này.
Đảng Cộng Hòa ủng hộ tiểu bang cấp căn cước cho cử tri nhằm tránh sự gian lận như bầu cử nhiều lần, không đủ điều kiện bầu cử vẫn được đi bầu cử, không phải là công dân Hoa Kỳ, di dân bất hợp pháp,, người chết đi bầu … Vấn đề gian lận bầu cử (election fraud) đã được nêu lên trong nhiều cuộc bầu cử.
Đảng Dân chủ chủ trương ngược lại để cho mọi người được bầu cử tự do không cần chứng minh thư (ID) vì lý do nhiều người không có giấy tờ tùy thân… (Phát biểu của ông Eric Holder, US Attorney General, Pres. Obama Administration).
Sự tranh chấp này khiến cho Tối Cao Pháp Viện (US Supreme Court) phải phân xử. Năm 2008 Tối Cao Pháp Viện công nhận luật tiểu bang Indiana đòi hỏi cử tri phải có căn cước. Các tiểu bang khác như Texas, Tennessee, Rhode Island, Kansas, Georgia… năm 2012 đã thông qua luật đòi hỏi cử tri phải có căn cước. Tuy nhiên một số tiểu bang khác còn lại vẫn còn tranh cãi về luật ID card. Trong năm 2016, 17 tiểu bang đã ban hành luật đòi hỏi phải xuất trình khai sinh, chứng chỉ nhập tịch… nhưng vẫn gặp khó khăn khi áp dụng.
4. Các chức vụ dân cử
Có rất nhiều loại chức vụ dân cử tiểu bang và liên bang tại mỗi tiểu bang. Mỗi tiểu bang, như một tiểu quốc, có đầy đủ cơ chế dân cử: Lập Pháp với lưỡng viện Quốc hội, Hành Pháp với Thống Đốc và các Bộ, Phủ và Tư pháp với một hệ thống tòa án. Tiểu bang như Nebraska … chỉ có một viện (unicameral), không có lưỡng viện Quốc hội (bicameral) như các tiểu bang khác.
Nghị Sĩ Liên bang (US Senator): Mỗi Tiểu bang đồng đều có 2 Nghị Sĩ Liên bang, nhiệm kỳ 6 năm. Dân biểu Liên bang (US Representative): Có nhiều dân biểu Liên bang cho mỗi tiểu bang tùy theo dân số của tiểu bang, nhiệm kỳ 2 năm. Từ khi lập quốc, khoảng 30,000 dân được bầu một Dân biểu. Ngày nay số Dân biểu gia tăng theo dân số căn cứ trên bảng thống kê dân số cứ 10 năm một lần. Một dân biểu hiện nay có thể đại diện cho trên nửa triệu dân. Tiểu bang nhỏ nhất có 1 dân biểu và 2 Nghị Sĩ. Tiểu bang lớn nhất như CA có 52 Dân biểu và 2 Thượng Nghị Sĩ. Số Thượng Nghị Sĩ không thay thay đổi. Số Dân biểu có thể thay đổi tùy theo dân số gia tăng.
5. Phân khu bầu cử
Vì dân số gia tăng nên có vấn đề tái phân chia khu bầu cử (Congressional redistricting). Khi tái phân khu như vậy có thể sẽ gây thất lợi cho một trong hai đảng Dân Chủ hay Công Hoà. Sự tái phân cử tri là nhiệm vụ của chính quyền tiểu bang và có ảnh hưởng đến vấn đề bầu cử dân biểu liên bang và các viên chức công cử tiểu bang nên thường tạo nên các cuộc tranh luận sôi nổi trong quốc hội tiểu bang. Sự tranh dành vấn đề tái phân ranh giới và cử tri lợi cho khu bầu cử, có trường hợp phải nhờ Tối Cao Pháp Viện HK phân xử.
Trường hợp có nhiều cử tri cùng chung khuynh hướng chính trị được tái phân vào một khu bầu cử tạo nên hiện tượng “Vote packing”, có lợi cho vị dân biểu đương nhiệm (incumbent). Ngược lại vị dân biểu đương nhiệm có thể bị thất cử nếu có nhiều cử tri thuộc các khuynh hướng khác chiếm đa số hoặc cử tri thường hỗ trợ dân biểu đương nhiệm bị phân tán “Vote cracking”. Vấn đề tranh cãi là phải phân khu như thế nào để dung hòa các khuynh hướng chính trị trong địa phương liên hệ.
6. Vấn đề tài trợ các cuộc vận động bầu cử
Ứng cử mà thiếu tài chánh thì không có hy vọng đắc cử. Mặt trái của vấn đề vận động tài chánh là các ứng cử viên, sau khi đắc cử, có thể lo “ơn đền, nghĩa trả” cho những người đóng góp tài chính bằng cách thỏa mãn nhu cầu của những người tài trợ, những nhóm quyền lợi (interest groups) áp lực các viên chức đắc cử. “Pay and play- tiền trao cháo múc”, thay vì dùng thì giờ hay công khố để phục vụ công ích. Để giảm thiểu vấn đề thiên vị phục vụ cho phe phái đã giúp họ đắc cử. bằng nhiều mánh khóe khác nhau, năm 1907 đạo luật Tillman Act được ban hành để cấm các đại công ty đóng góp tài chính cho các cuộc vận động bầu cử các viên chức liên bang và ấn định mức chi tiêu tối đa cho mỗi ứng cử viên. Luật Federal Corrupt Practices Act được ban hành năm 1925 ấn định mức đóng góp. Luật Federal Election Campaign Act được ban hành năm 1971 bắt buộc các ứng cử viên tường trình số tiền đóng góp nhận được trong thời gian vận động tranh cử. Năm 1974, Quốc Hội thành lập cơ quan Federal Election Commission (FEC) do 3 Ủy viên Cộng Hoà và 3 Ủy Viên Dân Chủ kiểm soát tài chính của các cuộc tranh cử…. Dù luật lệ có quy định nhưng trong thực tế các nhóm áp lực vẫn đóng góp tài chính cho các ứng cử viên để được hưởng lợi lộc sau khi các ứng cử viên được đắc cử qua nhiều phương thức khác nhau.
7. Các Uỷ Ban Hoạt Động Chính Trị
Chúng ta thường nghe nói đến danh từ PAC. PAC là Political Action Committee. Các ủy ban vận động chính trị được thành lập tại các tổ chức, công ty, đảm trách vấn đề gây quỹ đóng góp cho các cuộc vận động tranh cử như GOPAC (Republican leadership PAC). Nhiều đoàn thể chính trị tại các tiểu bang cũng thành hình các ủy ban vận động chính trị. Những nhóm này được thành lập theo Section 527 của Internal Revenue Code/ IRS Code. Trong cuộc bầu cử năm 2004, cơ quan Swift Boat Veterans for Truth vận động tài chánh để ủng hộ George W. Bush và bài bác John Kerry. Ngược lại, cơ quan America Coming Together (ACT) ủng hộ Kerry chống Bush. Cả hai cơ quan này đã bị phạt bạc triệu vì hoạt động ngoài sự kiểm soát của Federal Election Commission. (FEC)
Al Gore khi làm Phó Tổng Thống cũng bị khiếu nại vì dùng điện thoại của văn phòng Phó TT vận động tài chánh cho ứng cử viên của đảng DC và Tổng Thống Clinton cũng bị báo chí phanh phui khi mời các mạnh thường quân (donors) đến nghỉ ngơi tại Toà Bạch Ốc. Thống Đốc Illinois Ron Blagojevich, đảng DC, bị tù vì bán ghế Thượng Nghị Sĩ của Barack Obama để trống của tiểu bang Illinois để lấy tiền tranh cử.
Trong vụ án Citizens United v. Federal Election Commission, (2011) Tối Cao Pháp viện cấm không được hạn chế sự đóng góp của các nghiệp đoàn, công ty thương mại cho các cơ quan bất vụ lợi. Đồng thời xác nhận các hiệp hội sinh lợi và bất vụ lợi có tư cách pháp nhân (không những là legal entity và cũng là legally persons) nên có quyền nhận đóng góp như quyền tự do ngôn luận dành cho mọi công dân! Phán quyết này cũng gây nên sự kinh ngạc cho một số người. Kết quả, các PAC có quyền nhận sự đóng góp vô giới hạn của tư nhân cũng như của các hiệp hội, các công ty thương mãi và được mệnh danh là Super PACs, rồi sau đó Super super PAC tha hồ nhận tiền đóng góp để hỗ trợ cho ứng cử viên gà nhà …khiến cho Lawrence Lessig, giáo sư tại Trường Luật Harvard, viết sách “ Republic, Lost: How Money Corrupts Congress – and a Plan to Stop It ” để chống đối sự nhũng lạm do tiền tài gây nên tại Washington DC, để cảnh giác thành viên của chính quyền, Hành Pháp, Lập Pháp không nên chỉ lo vận động tài chánh để tranh cử mà lơ là quốc sự…
Nhiêm vụ của Tối Cao Pháp Viện rất quan trọng trong tiến trình hình thành hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Chánh nhất Hughes (1862- 1948) đã nhận xét rằng ý nghiã của Hiến pháp do Tối cao pháp viện giải thích. Tổng Thống Woodrow Wilson sánh Tối Cao Pháp Viện như là một “Quốc Hội Lập Hiến thường trực” vì vai trò của TCPV như là cơ quan cuối cùng giải thích Hiến pháp, nói khác đi giải thích Hiến pháp của TCPV có tính cách chung thầm.
Theo Tổng Thống Thomas Jefferson, giao trọng trách giải thích Hiến pháp cho Tối Cao Pháp Viện là một tập tục nguy hiểm. TT Jefferson cho rằng quyền của nhân dân Hoa Kỳ phải để cho nhân dân Hoa Kỳ định đoạt hơn là chấp nhận sự giải thích có tính cách khống chế của riêng một cơ quan. Để cho công dân Hoa kỳ định đoạt qua lá phiếu cũng là một phương cách tốt.
Trước sự kiện đảng Dân chủ tấn công TT Trump từ khi đắc cử tháng 11, năm 2016 qua các chiến dịch như “Russia collusion” tốn phí công khố hơn 30 triệu USD, không có kết quả, đến “Abuse of Power, Obstruction of Congress” versus “ Executive power” của Tổng Thống. Tuy nhiên, đảng Dân chỉ có 47 phiếu trên Thượng Viện, làm sao kiếm thêm 20 phiêú hầu có đủ 67/100 thượng Nghị Sĩ để bãi miễn TT Trump. Sau thời gian luận tối Thượng Viện đã phán quyết Trump vô tội. Vì vậy, dù muốn, dù không, cuộc bầu cử tháng 11, 2020 sẽ có đáp số, xem thử quốc dân Hoa kỳ vẫn tín nhiệm TT Trump hay Dân chủ sẽ đắc cử.
Nhiều vấn đề khó khăn khác được bàn cãi hiện nay với ý kiến chống đổi nhau như vấn đề phá thai, đạo và đời, tự do cá nhân, vấn đề nhân quyền, vấn đề tự do kết liễu sinh mạng… Theo quan niệm của một số giới chức, Tối Cao Pháp Viện đi hơi xa trong vấn đề giải thích Hiến Pháp, do đó hai đảng cố gắng thay đổi chiều hướng giải thích Hiến pháp theo quan điểm của mỗi đảng. Công Hoà chủ trương Hiến pháp phải được giải thích theo ý chỉ của những bậc khai quốc công thần đã đại diện nhân dân Hoa Kỳ soạn thảo Hiến pháp năm 1787. Dân Chủ thì muốn thay đổi, cho nên hai đảng phải tranh cho được chức vụ Tổng Thống mới có thẩm quyền bổ nhiệm các vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện theo khuynh hướng của mỗi đảng.
8. Đề cử đại biểu
Thủ tục thông thường cho các đảng chính trị (1) tuyển chọn các đại biểu (delegate) từ các phiên hội sơ bộ (caucus) tại các precinct (khu tuyển cử) trong các thành phố. (2) Các đại biểu được các precinct bầu sẽ tham dự đại hội cấp County (County Convention) để bầu đại biểu tham dự đại hội cấp tiểu bang (State Convention) (3) Đại hội cấp tiểu bang sẽ họp để bầu đại biểu tham dự đại hội đảng Toàn Quốc (National Convention). Tuy vậy, thủ tục có thể thay đổi tùy theo tiểu bang.
Đảng Dân Chủ chọn ứng viên từ các cuộc bầu cử sơ bộ tại cấp tiểu bang. Các đại biểu cấp tiểu bang sẽ tham dự đại hội toàn quốc để chọn ứng cử viên đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng Thống. Số đại biểu đảng Dân Chủ thay đổi trong mỗi kỳ bầu cử, khoảng trên dưới 4000 đại biểu được chọn để tham dự Đại hội đảng toàn quốc để bầu đại diện đảng ra ứng cử Tổng Thống. Các ứng cử viên chỉ cần đa số phiếu tương đối (simple majority) đã được định trước, số phiếu nầy là số đại biểu riêng của mỗi mỗi đảng, để được chọn làm đại diện đảng ra tranh cử Tổng Thống. Các đại biểu này được gọi là đại biểu có cam kết “Pledged delegates”. Họ thường đã gặp các ứng cử viên tại các phiên hội tại các Precinct, County và State convention hay National Convention. Ngoài các đại biểu chọn từ cấp tiểu bang, cấp lãnh đạo đảng chọn thêm một số đại biểu khác làm “Superdelegates” trong số các Dân biểu, Nghị Sĩ, Thống Đốc của đảng. Trong cuộc vận động bầu cử TT năm 2016, bà Clinton có nhiều Superdelegates và Ông Sanders tỏ ra bất bình về vấn đề phe phái này. Năm 2008, Đảng DC có đến 796 Superdelegates, là những người có chức vụ, quyền thế và có ngân qủy, có khả năng hỗ trợ cuộc bầu cử. Đa số là thành viên của nhóm Establishment, “Áo xiêm buộc trói lấy nhau”, tạo thành một thành trì bảo vệ quyền lợi của đảng.
Đảng Cộng hòa cũng chọn đại biểu từ cấp Precinct, County, State Conventions, để tham dự National Convention, nhưng chọn khoảng trên dưới 2000 đại biểu mỗi kỳ bầu cử. Đảng CH cũng chọn thêm các đại biểu từ các đại hội tại các tiểu bang và từ giới lãnh đạo đảng, nhưng không dùng danh xưng “superdelegates” mặc dù một số delegates được chọn từ trong giới lãnh đạo đảng CH, hay những thành viên của nhóm Establishment của đảng CH.
Các cuộc bầu cử sơ bộ thường được tổ chức qua ba hình thức: (1) Họp sơ bộ khoáng đại (open primary) trong đó không phân biệt Dân chủ hay Cộng hoà. Đảng viên CH có thể bầu cho ứng viên DC hoặc ngược lại. (2) Họp sơ bộ bán khoáng đại (semi-open system) trong đó các cử tri độc lập (independent voter) có thể bầu cho ứng viên DC hoặc CH. (3) Họp sơ bộ kín (closed primary) chỉ dành cho cử tri ghi danh vào đảng mới được tham dự bầu cử.
9. Vận động tranh cử
Trong tiến trình chọn ứng cử viên từ hàng chục người (contender) của các đảng ghi danh tranh cử cho đến khi chọn được ứng cử viên chính thức đại diện đảng ra tranh cử kéo dài khoảng 2 năm. Trong cuộc bầu cử Tổng Thống HK, nhiệm kỳ 2016-2020, theo danh sách ứng viên ghi danh với Federal Election Committee có 37 người ghi danh dự tranh và trên phiếu bầu Tổng Thống Hoa Kỳ 2016, có ghi danh ứng cử Viên của chín (9) đảng ra tranh cử.
Trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc, đa số ứng viên đã lần lượt rút lui sau những lần vận động tại một số tiểu bang mẫu như Iowa, New Hampshire và South Carolina… và sau các cuộc tranh luận ”so tài” do các cơ quan ngôn luận tư nhân tổ chức và đặc biệt dựa trên kết quả của các cuộc bầu cử sơ bộ tại các tiểu bang.
Ngoài các tiểu bang đông dân cư, có một số tiểu bang không phải là những tiểu bang đông dân số, nhưng là những tiểu bang tiêu biểu cho các khuynh hướng của cử tri và có tính cách thử thách các ứng viên, xem thử các ứng viên có được các tiểu bang nhỏ ủng hộ, như Iowa tiêu biểu cho cử tri ngành nông nghiệp.
Từ năm 1976, UCV Dân Chủ Jimmy Carter thắng hạng nhì tại cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa, sau đó đắc cử Tổng Thống. Đảng DC xem sự thành công sơ khởi tại Iowa một dấu hiệu tốt cho sự thành công trên toàn quốc. Thử thách thứ hai thường được thực hiện tại New Hampshire, nơi đây đa số cử tri không thuộc DC hay CH mà đa số là cử tri độc lập (independent voter). NH là một địa bàn tốt thử thách các ứng viên xem thử họ có khả năng thuyết phục các cử tri độc lập? Ngoài hai tiểu bang nêu trên, đảng CH cũng xem tiểu bang South Carolina là một thí điểm tốt để đo lường tâm lý của cử tri và khả năng của UCV.
Các đảng buộc lòng phải hỗ trợ những UCV được nhiều phiếu nhất đại diện đảng ra tranh cử Tổng Thống. Không có chuyện đảng cử những ƯCV không xứng đáng và buộc dân phải bấu như các chế độ độc tài đảng trị. Nhờ thế mà, dù muốn dù không, UCV naò đắc cử sẽ trở thành Tổng Thống của toàn dân.
Các đại hội sơ bộ thường do các tiểu bang tổ chức theo thời gian và địa điểm thuận tiện ấn định như California đã đổi đại hội sơ bộ từ tháng 6 qua ngày 5 tháng 2. Michigan và Florida tổ chức vào tháng 1. Các đại hội sơ bộ được tổ chức vào ngày thứ ba trong tuần của nhiều tiểu bang được mệnh danh: “Super Tuesday”. Trong trường hợp không có ứng viên được đa số phiếu cấp bầu cử sơ bộ ấn định để được đại diện đảng ra tranh cử TT, đại hội đảng toàn quốc sẽ bỏ phiếu quyết định theo phương thức “Brokered Convention” như đảng CH đã dự trù trước đây, nếu UCV Trump không đủ phiếu tín nhiệm theo luật định trong cuộc bầu cử 2016, nhưng trường hợp nầy đã không xảy ra.
Hiến pháp Hoa Kỳ ấn định cuộc bầu cử Tổng Thống được tổ chức vào NGÀY THỨ BA sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Các tiểu bang có tính cách phụ trợ quyết định thắng cử như New Hampshire, Iowa, Ohio, Michigan, Pennsylvania, Florida, New Mexico là những Swing states mà các ứng cử viên cần tranh thủ cử tri ngoài những tiểu bang có số cử tri tương đối cố định như các ”Green states” bầu cho ứng viên Dân chủ hay “Red states” thường bầu cho ứng viên Cộng hoà. Ứng viên đảng DC thường thắng phiếu tại các tiểu bang Minnesota, Washington State, Oregon, California, New York. Đảng CH thường thắng phiếu tại các tiểu bang taị Trung và Đông Mỹ. Có những tiểu bang “yellow” là những tiều bang có nhiều cử tri độc lập hay “swing state”mà các ứng cử viên Dân Chủ hay Cộng Hoà cần nỗ lực tranh thủ đế thắng.
10. Thể thức đầu phiếu
Bầu phiếu phổ thông được áp dụng cho hầu hết các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và liên bang theo thể thức bầu cử phổ thông (popular), đa số tương đối (simple majority), trực tiếp (direct) và kín (secret). Đa số tương đối có nghĩa là ứng cử viên nào được nhiều phiếu phổ thông thì được đắc cử.
Tuy nhiên, đắc cử vào chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ không chỉ căn cứ vào phiếu phổ thông (popular vote) mà còn căn cứ vào Phiếu của Cử Tri Đoàn (electoral vote). Thông thường, ứng cử viên nào thắng phiếu phổ thông tại một tiểu bang thì thắng luôn phiếu cử tri đoàn (Winner-take all). Nhưng thỉnh thoảng có những trường hợp thất cử dù thắng phiếu phổ thông nhưng thua phiếu cử tri đoàn. “Thi không ăn ớt thế mà cay”!
Trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2000, ứng cử Viên Albert “AL” Gore có 600,000 phiếu phổ thông cao hơn phiếu phổ thông của ứng Cử Viên George W. Bush. Tuy nhiên ứng cử viên George W. Bush thắng phiếu tại Florida nên số phiếu cử tri đoàn cao hơn Al Gore. Al Gore khiếu nại và Tối Cao Pháp Viện tuyên bố George W. Bush đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2000-2004. UCV Bush không phải vì thắng phiếu phổ thông mà nhờ được thắng phiếu cử tri đoàn. Muốn hiểu rõ thêm trường hợp này xin đọc thêm án lệ (Bush v. Gore, 531 US 98 (2000). Sự kiện này cũng cho chúng ta thấy vai trò của Tối Cao Pháp Viện quan trọng như thế nào. Tân Tổng Thống nhiệm kỳ 2016-2020 …đã có cơ hội bổ nhiệm các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có cùng khuynh hướng chính trị trong thời gian 4 hay 8 năm tới vì hiện nay có 3 vị thẩm phán Tối Cao pháp Viện trên 78 tuổi.
11. Phiếu Phổ Thông và Phiếu Cử Tri Đoàn (Popular vote & Electoral vote)
Mỗi tiểu bang có một số “cử tri đoàn” (electoral college) gồm 2 Nghị Sĩ Liên bang và một số Dân biểu Liên bang tuỳ theo dân số.
Hoa Kỳ có 538 phiếu cử tri đoàn gồm có: 100 Nghị Sĩ Liên bang (US Senator) và 438 Dân biểu Liên bang (US House of Representatives). Số dân biểu có thể được điều chỉnh tuỳ theo dân số… Muốn đắc cử Tổng Thống, ứng cử viên phải hội đủ 270 phiếu cử tri đoàn trên 538 phiếu. Nghĩa là ít nhất phải hơn đối thủ 2 phiếu. Ứng cử viên nào thắng phiếu phổ thông tại tiểu bang sẽ thắng luôn phiếu của cử tri đoàn tạị tiểu bang đó.
Trong lịch sử bầu cử Tổng Thống Hoa kỳ có vài trường hợp bất thường xảy ra. Năm 1787 Quốc Hội Hoa Kỳ đã tranh luận về vấn đề bầu cử Tổng Thống và để dung hoà hai ý kiến: Tổng thống do Quốc hội bầu hay do dân chúng bầu? Quốc hội đã biểu quyết dùng cả hai phương thức. Ngoài phiếu phổ thông, Tiểu bang có nhiệm vụ chọn đại biểu với Cử tri đoàn (electoral college) cho mỗi tiểu bang. Tổng số đại biểu của cử trì đoàn tại mỗi tiểu bang bằng tổng số dân biểu liên bang và 2 nghị sĩ liên bang. Ví dụ: Tiển bang X có 8 dân biểu liên bang và 2 nghi sĩ liên bang: Tổng số cử tri đoàn là 10 người (10 phiếu). Cử tri đoàn của 50 tiểu bang gốm. (100 US nghị sĩ + 438 US dân biểu=538)
Lịch sử bầu Tổng Thống Hoa Kỳ cũng đã ghi lại năm 1800, ứng cử viên Thomas Jefferson và ứng cử viên AAron Burr mỗi người nhận 73 phiếu. Sự kiện này đã được trình Hạ Nghị Viện, chiếu Hiến Pháp Hoa Kỳ để quyết định và UCV Jefferson đã đắc cử. Cuộc bầu cử năm 1824 và 1876 cũng do Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ quyết định mặc dù ứng cử viên trong hai cuộc bầu cử này không nhận được đa số phiếu phổ thông.
Năm 2000, Tối Cao Pháp Viện phán xét cho George W. Bush đắc cử chức vụ Tổng Thống nhờ có phiếu cử tri đoàn cao hơn phiếu cử tri đoàn của Al Gore, nhưng phiếu phổ thông của Al Gore cao hơn phiếu phổ thông của George W. Bush. Hiện nay, có khuynh hướng vận động bãi bỏ phiếu phiếu cử tri đoàn. Nếu khuynh hướng này thắng thế thì những tiểu bang đông dân số sẽ đè bẹp các tiểu bang có dân số thấp, tạo nên sự bất công giữa các tiểu bang.
12. Bầu Cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2020-2024
Năm 2020, dân số Hoa Kỳ được phỏng định là 332,528,000 (US population). Trong đó khoảng 235,097,000. công dân đủ điều kiện đi bầu (population eligible to vote). Cử tri đi bấu khoảng 60% = 141.000.000. (Source: Weldon Cooper Center, University of Virginia). Dân số người Mỹ gốc Á Châu, gồm 21 sắc tộc. : 22,500.000. Dân số người Mỹ gốc Viêt : 2,100,000, Công dân Viêt Mỹ đủ điếu kiện đi bầu khoảng 1,500,000. Cử tri đi bầu 60% hay khoảng 900,000..
Trên phiếu bầu năm 2020 có ứng cử viên của 9 đoàn thể chính trị ra tranh cử: (1) Republican: Donald J. Trump & Michael Pence; (2) Democratic-Farmer-Labor: Joseph R. Biden & Kamala Harris; (3) Independence-Alliance: Roque De La Fuente & Darcy Richardson; (4) Green Party: Howie Hawkins & Angela Walker; (5) Independent: Kanye West& Michelle Tidball ; (6) Independent: Brock Pierce & Karla Ballard; ( 7) Socialism and Liberation: Gloria La Riva & Leonard Peltier; (8) Socialist Worker Party: Alyson Kennedy & Malcolm Jarret; (9) Libertarian Party: Jo Jorgenson & Jeremy “Spike” Cohen.
Ứng cử Tổng Thống nào thắng đa số phiếu phổ thông (popular vote) sẽ thắng (winner-take all) phiếu cử tri đoàn (electoral vote) tại tiểu bang đó. Muốn thắng cử UCV Tổng Thống phải đạt được ít nhất 270 phiếu cử tri đoàn trên 538 phiếu. Trong kỳ bầu cử năm 2016, UCV Trump, đảng CH đạt được 309 phiếu cử tri đoàn và đã đánh bại bà Clinton chỉ có 229 phiếu.
Vấn đề sai biệt giữa phiếu cử tri đoàn và phiếu phổ thông có thể xảy ra vì sự sai biệt dân số và số cử tri đoàn giữa các tiểu bang. Tiểu bang không thể quân phân dân số chính xác khi ấn định số dân biểu Liên bang. Do đó đã xảy ra trường hợp, một ứng viên có đa số phiếu phổ thông nhưng lại không có đủ số phiếu cử tri đoàn như trường hợp Al Gore năm 2000 và trường hợp của bà Clinton năm 2016.
Tất cả các khiếu nại, nếu có, về bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ được chung quyết bởi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (US Supreme Court) nếu các biện pháp giải hóa hành chính (administrative mediation) không đạt được kết quả.