Bài tưởng niệm nhân vật lịch sử Nguyễn Ngọc Huy 31 năm sau ngày mất (28/07/1990)
Cao Tuấn
Cuối cùng ai cũng phải chết. Đối với đại đa số người ta, ngoài phạm vi gia đình riêng, chết là hết. Nhân vật lịch sử thì khác. Chết mà vẫn còn. Ảnh hưởng của họ sau khi chết có thể quan trọng hơn cả ngay khi còn sống. Ông Nguyễn Ngọc Huy là một người như vậy hay là một trường hợp như vậy.
Nói như thế có quá đáng không?
Câu trả lời phải tìm trong cuộc đời tranh đấu phi thường của ông Nguyễn Ngọc Huy trong một giai đoạn lịch sử rất phức tạp, khó khăn. Và phải nghĩ cả đến tương lai của nước Việt Nam – sẽ Độc Lập, Dân Chủ, Tự Do, Hoà Bình, Hạnh Phúc hay vẫn tiếp tục chìm đắm, suy đồi trong độc tài, đảng trị để rồi tan biến không dấu vết vào nước Tầu Cộng Sản?
Làm chính trị đúng đắn cũng là làm cách mạng
Trong bài thơ “Anh Hùng Đất Việt” ông Nguyễn Ngọc Huy sáng tác ngày 27/07/1948 – vào khoảng 3 năm sau khi gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng ở tuổi 21 – được in trong tập thơ Hồn Việt, dưới bút hiệu Đằng Phương có đoạn như sau:
Đây những người sinh nhằm thời quốc biến
Trong gian truân, cố chuyển lại cơ trời
Giữa đêm sâu, mưa máu rộn tơi bời
Vẫn thẳng tiến, không rời đường cách mạng
Ông Nguyễn Ngọc Huy lúc còn trẻ phải rất cảm hứng với “đường cách mạng” mới có thể viết được lời thơ rất truyền cảm vừa bầy tỏ sự khâm phục vừa bao hàm cả quyết tâm của chính mình muốn noi theo những tấm gương của những người hy sinh cho nước.
Điều khá lạ lùng là về sau này, ít nhất từ khi ông từ Pháp trở về nước năm 1964, lúc 40 tuổi, để tích cực hoạt động chính trị công khai như lập đảng Tân Đại Việt, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (hay Liên Minh Dân Chủ Việt Nam ở hải ngoại sau biến cố 1975), ông không còn hay nhắc tới “đường cách mạng”.
Từ đó, ông thường nói “làm chính trị” mà không nói “làm cách mạng”. Lý tưởng và quyết tâm rõ ràng không suy suyển nhưng ngôn ngữ có sự thay đổi. Vậy, giải thích làm sao?
Thời Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam ông Nguyễn Ngọc Huy là một trong 4 vị giáo sư nổi tiếng uyên bác nhất của trường Quốc Gia Hành Chánh, trường Luật, các trường đại học và cao đẳng khác trên toàn quốc về bộ môn chính trị học. (Ba vị kia là các ông Nguyễn Văn Bông, Vương Văn Bắc, Nguyễn Mạnh Hùng). Mà đối với chính trị học hay khoa học chính trị thì cách mạng (revolution) là một chủ trương chính trị hướng đến sự thay đổi xã hội một cách toàn diện thành ra làm cách mạng cũng là làm chính trị rồi. Cố ý tách rời cách mạng khỏi chính trị, mang tính cách chủ quan, thiên về mục đích tuyên truyền, đặc biệt khi có người nhấn mạnh mình làm cách mạng, không làm chính trị.
Thời Pháp thuộc, vì điều kiện hoàn cảnh, các đảng phái cộng sản hay không cộng sản thường là các đảng kín, kỷ luật sắt, hoạt động bí mật, chủ trương tranh đấu lật đổ chế độ đương hữu, lập chế độ mới nên thường tự xem là làm cách mạng. Riêng người cộng sản lúc nào cũng tự nhận họ làm Cách Mạng (viết hoa), mà cuộc cách mạng cộng sản đồng nghĩa với cực đoan, bạo động trong khi từ ngữ cách mạng chỉ hàm ý một sự thay đổi sâu rộng không nhất thiết phải có bạo động, chém giết tàn bạo.
Một lý do khác: ông Nguyễn Ngọc Huy nhìn thấy những sai lầm căn bản của các cuộc cách mạng cộng sản và người cộng sản đã lạm dụng danh từ quá đáng nên để tránh những nhập nhằng hay ngộ nhận ông đã cố ý không nói nhiều đến việc “làm cách mạng”. Nhất là sau khi đã đóng góp ý kiến thiết thực tạo lập bản Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam năm 1967 – đặt khá nhiều hy vọng nó sẽ là nền tảng cho chế độ Dân Chủ Pháp Trị. Ông chủ trương làm chính trị công khai, đúng đắn trong khuôn khổ luật pháp như là một giải pháp cứu đất nước khỏi hiểm hoạ cộng sản và xây dựng một quốc gia dân chủ tự do, trường tồn, hạnh phúc.
Trước hết, theo ông, người hoạt động chính trị phải hiểu thế nào là chính trị và ảnh hưởng của chính trị đối với con người rồi mới thấy rõ công việc của mình làm.
Dạy về khoa học chính trị (political science), ông Nguyễn Ngọc Huy biết từ ngữ chính trị đã được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng qua những phát biểu và cung cách hành xử trong cả cuộc đời tranh đấu thì có thể thấy ông đã chọn và đã sống một quan điểm về chính trị và về “làm chính trị” ngay từ đầu một cách rất tự nhiên và thành thật với chính mình, không phải đóng tuồng, đóng kịch chi cả. Sự chọn lựa này hoàn toàn phù hợp với cá tính và hoài bão của chính ông.
Chính trị là làm cho xã hội ngay thẳng, lành mạnh. Chính trị là khoa học hay nghệ thuật về việc điều khiển quốc gia. Người làm chính trị có thể phải khôn ngoan, uyển chuyển nhưng không được lừa lọc, dối trá. Người làm chính trị tất nhiên phải nghĩ tới việc nắm quyền lực nhưng quyền lực là phương tiện không phải là mục đích. Chính trị bao trùm mọi khía cạnh của đời sống con người. Nó tốt thì người được sung sướng, nó xấu thì người phải chịu đau khổ. Các chế độ độc tài, dành độc quyền làm chính trị, đều khuyến khích, cổ võ chủ trương phi chính trị trong giới người không thuộc phe cánh, ngoài tầm kiểm soát của họ. Phi chính trị, thực tế, là một thái độ chính trị. Là chấp nhận cái chính trị của nhà cầm quyền đương hữu, làm theo ý muốn của họ hay ít nhất không chống lại họ…
Tư tưởng của ông Nguyễn Ngọc Huy là một hệ thống hoàn chỉnh. Do sở học và do tự suy nghĩ. Là nhà khoa học chính trị đồng thời là một chính trị gia/ chính khách/ nhà cách mạng, hầu như ông luôn luôn có câu trả lời đầy đủ cho bất cứ một câu hỏi quan trọng nào liên quan đến các vấn đề cứu quốc và kiến quốc. Hoạt động của ông phản ảnh trung thực tư tưởng của ông. Nói và làm hoàn toàn tương hợp. Không bao giờ nói một đằng, làm một nẻo.
Chẳng hạn là người theo đạo Phật, thấm nhuần Phật pháp nhưng khi làm chính trị – sáng lập và điều khiển đảng Tân Đại Việt, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến hay Liên Minh Dân Chủ Việt Nam ông luôn giữ một khoảng cách hợp lý, vừa phải với giáo hội Phật Giáo nói riêng và các tổ chức tôn giáo nói chung cho dù ông biết rất rõ đảng chính trị dựa vào tôn giáo dễ thu hút, dễ tuyển mộ, dễ huy động quần chúng, đặc biệt trong trường hợp xã hội Việt Nam.
Không giống với một số chính trị gia khác, ông phân biệt rõ ràng đạo và đời, thần quyền và thế quyền. Trong cả lý thuyết và thực tế. Tôn giáo và chính trị là 2 lãnh vực khác nhau. Lịch sử cho thấy 2 thứ trộn lẫn vào nhau có những hậu quả tai hại, hoặc rắc rối không hay. Như trường hợp ông Ngô Đình Diệm và cuộc khủng hoảng với Phật giáo năm 1963. Như suýt có chiến tranh tôn giáo năm 1965, 1966 ở Sài Gòn, ở Huế. Như xẩy ra trên khắp thế giới qua các thời đại cổ, kim.
Ông Nguyễn Ngọc Huy luôn luôn từ chối đi đường tắt nếu nó trái với nguyên tắc, trái với điều ông tin tưởng.
Có khá nhiều minh chứng khác nữa.
Người cộng sản như các ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Văn Linh… yêu Đảng (viết hoa) của họ hơn hết. Lịch sử cho thấy họ chấp nhận “thà mất nước còn hơn mất Đảng” .
Ông Nguyễn Ngọc Huy hoàn toàn khác.
Ông cũng thấy trong cuộc tranh đấu vì đất nước cần thiết phải xây dựng được ít nhất một đoàn thể, một đảng chính trị thích ứng – tập hợp được một số đông người, tổ chức chặt chẽ để duy trì được lâu dài, huy động được dễ dàng, hoạt động một cách thống nhất, làm việc một cách hữu hiệu. Muốn thế cần huấn luyện đoàn viên hay đảng viên tin tưởng nơi sự đứng đắn của lập trường mình, có tinh thần xung phong tranh đấu cho lý tưởng, có khả năng thực hiện các công tác được giao phó… Nhưng đảng hay đoàn thể đối với ông chỉ là phương tiện để phục vụ quốc gia, không phải là cứu cánh. Đảng quan trọng, cần thiết nhưng đảng không có đời sống riêng. Không có nước thì không có đảng. Đối với ông, “thà mất nước còn hơn mất đảng” chắc chắn là chuyện phi lý.
Từ lúc ông viết bài thơ “Nén Hương Lòng” khi mới chân vào đời hoạt động:
Hỡi những ai kia đã luỵ mình
Đã vì non nước chịu hy sinh
Đã vì chủng tộc khai đường sống
Đây nén hương lòng kẻ hậu sinh
cho đến bài viết cuối cùng, hơn 40 năm sau, vài ngày trước khi mất, với nét chữ yếu ớt, nguệch ngoạc vì hơi đã tàn, lực đã kiệt:
không một lúc nào, trong 40 năm ấy, ông không bận rộn, không làm hay không nghĩ đến việc phải làm, cần làm để cứu dân tộc, cứu đất nước. Ông muốn sống thêm vài năm mặc dù cơ thể đau đớn vì bệnh ung thư ngày đêm hành hạ chẳng phải vì còn tha thiết với cuộc đời riêng mà chỉ muốn hoàn tất cái trách nhiệm mà ông đã tự trói buộc mình, đã tự nguyện đảm đương.
Một người yêu dân tộc, thương giống nòi đến nỗi sao nhãng cả đời sống gia đình, quên cả bản thân, không vụ lợi, không màng danh – “thân còn chẳng kể, kể chi danh!” – không thể là người có tinh thần tư đảng, không thể là người làm chính trị đảng phái chỉ để làm chính trị đảng phái, tranh đoạt quyền lực chỉ để tranh đoạt quyền lực.
Là đảng viên đảng Đại Việt, trong tập thơ Hồn Việt in năm 1950, ông từng làm thơ khóc các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng tuẫn tiết trên đoạn đầu đài trong “Ngày Tang Yên Bái” hay tưởng tượng lời khẳng khái của Nguyễn Thái Học nói với Đoàn Kiểm Điểm trong bài “Lòng Người Đảng Trưởng”.
Ông tách khỏi Đại Việt Quốc Dân Đảng để sáng lập Tân Đại Việt vì nhìn thấy nhu cầu phải tranh đấu theo phương cách mới. Ông sáng lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến vì muốn tiến tới một tập hợp chính trị đoàn kết rộng rãi để có sức mạnh trên toàn quốc . Ông sáng lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam để tiếp tục cuộc tranh đấu trong môi trường và điều kiện khác hẳn từ hải ngoại…
Ông vẫn duy trì Tân Đại Việt làm căn bản hay nòng cốt nhưng không bao giờ có dấu hiệu ông xem Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến hay Liên Minh Dân Chủ Việt Nam chỉ là các tổ chức “ngoại vi” như có người nghĩ như vậy. Nhất là từ ngữ hay khái niệm “ngoại vi” làm người ta liên tưởng đến các tổ chức bung xung của đảng cộng sản chỉ lập ra để tuyên truyền hay che mắt thế gian. Như Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hoà Bình Việt Nam (Trịnh Đình Thảo, Lâm Văn Tết), Mặt Trận Tổ Quốc (Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Thế Duyệt), đảng Dân Chủ Việt Nam ( Dương Đức Hiền, Nghiêm Xuân Yêm), đảng Xã Hội Việt Nam (Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám), etc… đều là các tổ chức “ngoại vi” hữu danh, vô thực của Đảng Cộng Sản, được hay bị đảng Cộng Sản giật dây từ đầu chí cuối.
Ông Nguyễn Ngọc Huy không làm chính trị thủ đoạn “lá mặt, lá trái” như vậy. Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam từng là các đoàn thể chính trị có thực chất và phẩm chất do ông gây dựng. Bằng sự tận tuỵ, tận tâm, tận lực. Đó là những tác phẩm tim óc của ông chẳng khác tác phẩm Tân Đại Việt. Đó là những nỗ lực chiến lược đặt căn bản trên sự thành tín giữa những người chung lý tưởng vào các khúc quanh lịch sử của dân tộc.
Như giữa ông và người bạn tâm giao là ông Nguyễn Văn Bông. Ông Bông, kém ông Huy 5 tuổi, không phải đảng viên Tân Đại Việt, cũng không thuộc đảng phái nào nhưng là người trí thức dấn thân, tài đức xuất sắc. Ông cùng ông Huy lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến năm 1969. Dậy về chính trị học với bằng cấp cao nhất nước là tiến sĩ rồi thạc sĩ công pháp (Paris), lần đầu tiên trong cuộc đời, ông Nguyễn Văn Bông bước chân vào chính trường “gió tanh mưa máu” theo đúng nghĩa. Ông Bông làm chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, ông Huy làm Tổng Thư Ký. Phong Trào phát triển nhanh chóng và được sự gia nhập của nhiều cá nhân và tổ chức để sớm trở thành một đoàn thể chính trị có thực lực và quy củ nhất trong Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam. Phong Trào giữ thế đối lập với chính quyền nhưng đối lập xây dựng và ôn hoà. Chuyện đáng chống thì chống. Chuyện đáng ủng hộ thì ủng hộ. Cặp đôi giáo sư Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Huy ngày ấy danh tiếng như cồn. Ông Bông bị đặc công cộng sản ám sát bằng mìn, thân thể tan nát và cháy đen, khi chuẩn bị ra làm Thủ Tướng cuối năm 1971 theo lời mời bất đắc dĩ của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…
Không thể nói Phong Trào QGCT là ngoại vi của Tân Đại Việt và ông Huy đã “giật dây” ông Bông dù có thể chính ông Huy đã “tuyển mộ” ông Bông bằng tình bằng hữu chân thành ngay từ ngày cùng đèn sách đại học và cùng làm bồi bàn ở Paris . Cũng không thể nói Tân Đại Việt “điều khiển” luôn Việt Nam Quốc Dân Đảng (hệ phái Nguyễn Tường Tam) chỉ vì đoàn thể này cũng là một thành viên của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến…Đoàn kết, liên minh, tập hợp chặt chẽ, rộng rãi để cùng tranh đấu hữu hiệu cho đất nước – một bắt buộc cần thiết, hợp lý và chính đáng – không thể là một chiến thuật giai đoạn nhất thời hay một nước sơn bề ngoài.
Ông Nguyễn Ngọc Huy sống ở nước Mỹ 15 năm (1975-1990) nhưng ông không vào quốc tịch Mỹ. Ông giải thích rất nhẹ nhàng “người khác làm thế thì được nhưng tôi thì không”. Tưởng như là lời lẽ của người kiêu ngạo mà không phải. Chính là lời lẽ của người âm thầm tự nhận lấy cái gánh nặng lãnh đạo cuộc tranh đấu cứu vớt đất nước. Ông đã nguyện hy sinh hết cuộc đời, ông có kinh nghiệm, ông có kiến thức, ông đã suy nghĩ về con đường phải đi, ông có viễn kiến… Nếu ông không làm thì ai làm?! Nếu ông vào quốc tịch Mỹ, thề trung thành với nước Mỹ, trở thành công dân nước Mỹ thì còn nhân danh cái gì để lãnh đạo cuộc tranh đấu cho nước Việt Nam?! Chắc ông phải nghĩ đến ông tướng De Gaulle lúc lưu vong ở nước Anh trong thế chiến thứ hai…
Có thực học, thực tài, thực tâm nên ở ông không bao giờ có sự phù phiếm hay cầu kỳ. Mọi sự đều như ăn khớp với nhau một cách giản dị, hợp lý và mang thực chất. Người ta có thể gọi giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhưng ông không tự xưng giáo sư hay tiến sĩ bao giờ. Ông không cường điệu, không tự quan trọng hoá mà cũng không cố ra vẻ khiêm tốn. Nguyễn Ngọc Huy là Nguyễn Ngọc Huy. Lúc nào cũng vậy. Có lần ông cười vui: “con gái tôi biểu: Ba nói tiếng Pháp như người Anh và Ba nói tiếng Anh như người Pháp” (Con gái của ông, tiến sĩ luật khoa Nguyễn Ngọc Thuý Tần, trưởng thành trong cả hai nền giáo dục Pháp và Mỹ). Ông còn cho biết làm phụ khảo ở đại học Harvard cho ông cơ hội nghiên cứu Luật Nhà Lê, vừa có lương để sống, vừa có bảo hiểm sức khoẻ, vừa tương đối tự do nên có thể đi đây đi đó để phát triển đoàn thể, tiếp xúc với chính giới các nước vận động thành lập Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do. Công việc nghiên cứu trong môi trường đại học thích hợp và thuận tiện với hoàn cảnh của ông. Ông nói tự nhiên và thành thật.
Với ông “văn là người”, “người là văn”. Cùng lúc vừa bác học, vừa bình dân. Vấn đề phức tạp, cao xa, khó khăn đến mấy, qua ông, cũng trở nên đơn giản, gần gũi, dễ hiểu. Khả năng hiếm có ấy tất nhiên là do thông minh bẩm sinh, quá trình tôi luyện nhưng cũng do tấm lòng đôn hậu, thành thực lúc nào cũng nghĩ đến quốc gia dân tộc. Ông Lý Đông A chẳng nói “nuôi tâm thì làm thiên tài, nuôi trí thì làm nhân tài, nuôi thân thì làm nô tài” đấy sao? Nếu không phải là thiên tài thì ông đã không phải là người duy nhất tìm ra tất cả “các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung” một cách có hệ thống, đâu ra đấy, hợp tình, hợp lý không bác bỏ được – Xin nhắc lại: người duy nhất trong mấy trăm triệu người Trung Hoa và người Việt Nam đã đọc và nghiền ngẫm các tác phẩm của nhà đại văn hào này! Một khả năng phân tích và tổng hợp đã phát huy đến một độ cao hiếm có!
Thành công hay thất bại?
Như đã nói đối tượng của chính trị là quyền lực, ông Nguyễn Ngọc Huy cả đời làm chính trị, làm từ A tới Z – học hỏi, suy nghĩ, viết lý thuyết, viết chính sách, viết tài liệu huấn luyện , viết sách, viết báo, tìm người cộng tác, tổ chức và phát triển đoàn thể, đối nội, đối ngoại…chưa kể phải soạn bài, chấm bài, đến lớp dậy học làm công việc chuyên môn của một giáo sư đại học để sống như mọi người. Một đời bận rộn, gian nan không kể xiết vậy mà chức vị to nhất, cao nhất chỉ là một lần làm Đổng Lý Văn Phòng của Phó Thủ Tướng đặc trách Bình Định & Phát Triển trong vài tháng của năm 1964. Ông Nguyễn Tôn Hoàn làm phó thủ tướng lúc bấy giờ.
Rồi để giúp xây dựng một hệ thống lý luận đối phó với phe cộng sản trong cuộc hoà đàm Paris nổi tiếng thế giới – vừa đánh vừa đàm – ông đã chấp nhận làm nhân viên trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà cùng vài người khác như ông Trần Thanh Hiệp, ông Vương Văn Bắc, bà Nguyễn Thị Vui… trong những năm 1968-1970. Lãnh đạo phái đoàn lúc đầu là phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, nổi tiếng về khá nhiều mặt kể cả mặt hay nói “bốc đồng” và “ruột để ngoài da”. Riêng ông Huy, từ Đổng Lý Văn Phòng đến làm Nhân Viên phái đoàn thương thuyết, về chức tước, thì đúng là “phú quý giật lùi”. Đã thế còn bị nói xấu là “đối lập lom khom” của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu!
Hiển nhiên, về phương diện chức vụ và quyền hành ông Nguyễn Ngọc Huy không thể so sánh được với các nhân vật lịch sử của đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà Việt Nam – cho dù sự nghiệp hay thành tích của họ luôn là đối tượng tranh cãi – như các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Bá Cẩn… Ông Nguyễn Ngọc Huy cũng không so sánh được với các ông Quốc Trưởng, Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, Phó Thủ Tướng, Chủ Tịch Thượng Hội Đồng Quốc Gia, Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Thượng Nghị Sĩ : Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Xuân Chữ, Phan Quang Đán, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Nguyễn Lưu Viên, Dương Kích Nhưỡng, Nguyễn Bích Huệ, Nguyễn Tiến Hưng, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Quốc Thúc, Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Chức, Thái Lăng Nghiêm…là các chính trị gia, chính khách đứng đắn, có tiếng tăm tốt …cùng với ít nhiều huyền thoại.
Một số nhân vật, đúng ra, chỉ là những nhân sĩ độc lập, chuyên gia không hoạt động chính trị hay cách mạng bao giờ vậy mà đầu hôm sớm mai trở thành bộ trưởng, tổng trưởng một cách dễ dàng chẳng hạn như các vị giáo sư Vương Văn Bắc, Trần Văn Kiện, Nguyễn Duy Xuân, Nguyễn Văn Tương…của trường Quốc Gia Hành Chánh. Tuy nhiên một sự thực không ai phủ nhận là các vị này đã dành cho người bạn đồng nghiệp đi dậy học bằng xe đạp hay xe Honda “ôm” một sự quý mến và kính trọng đặc biệt. Không phải vì người bạn là bạn đồng chí hướng của ông viện trưởng trường QGHC Nguyễn Văn Bông mà vì họ đã nhìn thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo quốc gia rất xứng đáng trong tương lai, dù có danh hiệu, chức tước hay không. Cũng vì thế mà không ai cảm thấy cần thiết phải ái ngại cho tình cảnh “phú quý giật lùi” hay “đường công danh” quá chậm chạp, vất vả của ông Nguyễn Ngọc Huy.
Cũng không phải chỉ các giáo sư và sinh viên trường QGHC mới thấy ông thầy giáo Huy “không giống ai”. Nhiều người đã nhìn thấy điều này. Những người để ý tới thời cuộc. Chính giới. Báo chí. Trí thức. Sinh viên các trường đại học. Người dân thường…
Và dĩ nhiên luôn cả tình báo cộng sản, tình báo Mỹ và cả ông tổng thống đương quyền Nguyễn Văn Thiệu. Mỗi nơi này đều có những tính toán riêng với trường hợp ông Nguyễn Ngọc Huy.
Dù là tính đến hại hay tính đến lợi cho chính họ, mỗi bên đều biết rằng ông Huy là một người làm chính trị vì lý tưởng, có tư tưởng phong phú, chặt chẽ, kiên định, làm việc có nguyên tắc, có sách lược, có chiến lược, có tổ chức. Họ đã nhìn thấy một nhân vật chính trị với bề ngoài giản dị bình thường nhưng bề trong là một bản lĩnh xuất sắc nhất hay xuất sắc vào bậc nhất của thời đại. Họ đã nhìn thấy một con người rất thận trọng nhưng một khi quyền lực vào tay, sẽ có đủ khả năng xoay chuyển bàn cờ chính trị Việt Nam theo một hướng khác hẳn.
Những bí mật lịch sử được bạch hoá gần đây cho thấy từ năm 1968, người Mỹ đã ý thức rằng sách lược chiến tranh “tốc chiến, tốc thắng” của họ không có kết quả nếu không nói họ đã bị sa lầy không rút chân ra được. Sách lược của Mỹ đã bị vô hiệu hoá bởi sách lược “chiến tranh nhân dân” đánh tiêu hao, đánh lâu dài của Mao Trạch Đông. Hoả lực và kỹ thuật Mỹ không cản được quân cộng sản xâm nhập qua đường biên giới Việt-Miên-Lào quá dài, quanh co cả ngàn cây số, không cản được Đảng cộng Tầu tích cực yểm trợ và thúc đẩy đảng cộng sản Việt “đánh đến người Việt Nam cuối cùng” và sẵn sàng đánh thêm 20 năm hay 50 năm, không cản được lãnh đạo chóp bu ở Hà Nội tiến hành cuộc chiến ở miền Nam VN bằng tuyên truyền, khủng bố, vừa đánh vừa đàm nhằm gây rối loạn ngay trong nước Mỹ…
Giết ông Diệm, ông Nhu là một sai lầm. Đổ bộ hơn nửa triệu quân mà không dám Bắc Tiến vì sợ tái diễn một cuộc chiến Triều Tiên thứ 2 với một biển quân Tầu trên đất Việt là một sai lầm khác. Người Mỹ không còn kiêu ngạo nữa: vấn đề Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết. Chỉ có một chính quyền miền Nam Việt Nam thật hữu hiệu, thật lương hảo, đích thực của dân, do dân, vì dân và được dân ủng hộ tích cực mới có thể đánh bại mưu đồ và nỗ lực nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam của phe cộng sản. Và giúp cho người Mỹ rút quân trong danh dự.
Người Mỹ đi tìm kiếm một liên hệ tốt với nhóm của ông Bông-ông Huy vì lý do này. Nhân chứng và tác nhân khả tín là ông Stephen B. Young của toà đại sứ Mỹ lúc bấy giờ và ông đại sứ đương nhiệm Ellsworth Bunker. Người Mỹ vận động hay làm áp lực với ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời ông Bông làm thủ tướng thay ông Trần Thiện Khiêm để bắt đầu tiến hành cải cách theo chương trình và kế sách của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến mà kiến trúc sư chính là ông Nguyễn Ngọc Huy: lập nội các đoàn kết quốc gia, làm dân chủ pháp trị đúng nghĩa, dân sự hoá và trong sạch hoá chính quyền ở mọi cấp, thực hiện công bằng xã hội, phát triển kinh tế, cải tiến đời sống nông dân bằng các chính sách ruộng đất thích hợp, đoàn ngũ hoá nhân dân để cô lập cộng sản…
Ông Thiệu chống cộng, điều này ai cũng biết. Có lẽ ông cũng yêu nước – một cách có mức độ như đa số mọi người – nhưng ông không yêu nước bằng yêu quyền lợi của ông, bằng yêu cái chức Tổng Thống và quyền lực đi kèm với nó. Ông Bông làm Thủ Tướng có thể có hại mà có thể cũng có lợi cho ông trong đoản kỳ và trong trường kỳ. Ông chấp nhận ông Bông vì có thể ông tự tin rằng, ảo tưởng hay không, ông có thể “đối phó” được với “ông Bông thủ tướng” một khi ông vẫn là tổng thống và có quân đội trong tay. Và “đối phó” với ông Bông thì dễ hơn “đối phó” với ông Huy. Có thể ông tính toán: ông Bông ít tuổi hơn ông Huy; ông Bông, một nhà khoa bảng lỗi lạc mới bước vào chính trường không lâu – tương đối ít kinh nghiệm hoạt động chính trị so với ông Huy là người đã xông pha mấy chục năm, từ một đảng viên thường trở thành lãnh tụ, lý thuyết gia, chiến lược gia, nhà tổ chức. Có thể ông Thiệu lo ngại sẽ bị “ông Huy thủ tướng” làm cho lu mờ, mất dần quyền lực đồng thời ông cũng không an tâm lắm với những người thân tín chung quanh ông Huy nhất là nhóm sĩ quan trong quân đội thuộc thành phần trung cấp và cao cấp khá đông đảo có “gốc” Đại Việt hay Tân Đại Việt mà có người đã từng tham gia các cuộc binh biến trong những năm trước. Chẳng hạn như các ông đại tá “không bao giờ được cho lên tướng” Huỳnh Văn Tồn, Nhan Minh Trang, Dương Hiếu Nghĩa …từng chỉ huy sư đoàn hay các đơn vị lớn…Có thể ông lo ngại ảnh hưởng của ông Huy, đã đáng kể với lớp người xuất thân từ trường Quốc Gia Hành Chánh đang điều khiển nền hành chánh ở khắp các tỉnh quận trên toàn quốc, sẽ còn lan toả nhanh chóng sang cả tập thể quân đội vốn là căn bản phát xuất sự nghiệp chính trị của ông.
Diễn biến lịch sử cho thấy: Ông Thiệu đã mời ông Bông làm thủ tướng. Tin bị tiết lộ. Câu hỏi “ai tiết lộ?” chưa được trả lời. Phía cộng sản quyết định ám sát ông Bông ngay tức khắc trước khi sự bảo vệ được chặt chẽ nâng cao dành cho người giữ chức thủ tướng chính thức. Về phía cộng sản, vụ mưu sát có tầm quan trọng chiến lược được chuẩn bị từ cấp cao nhất, cẩn thận, tỉ mỉ và đã thành công. Đối với họ, Nguyễn Văn Bông phải chết trước khi quá trễ cũng như các lãnh tụ xuất sắc nhất, tài đức nhất của phe quốc gia phải chết trước khi quá trễ: Lý Đông A, Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ…
Giết các đại kình địch như thế – thể hiện một thứ chính trị bá đạo, độc hiểm và đê hèn nên đảng cộng sản đã giữ im lặng rất lâu chung quanh những vụ mưu sát này. Họ không thể rêu rao: “phản động đã đền tội” như thường lệ vì sẽ ngắc ngứ trước công luận: “phản động” chỗ nào? “Tội” gì mà phải “đền”?
Họ giết vì họ sợ. Họ giết ông Bông để chặn đường ông Huy. Chặn một thế lực chính trị đầy triển vọng của người quốc gia Việt Nam. Để phá tan một đường lối mới, dập tắt một hy vọng của chính quyền Mỹ. Quả thật, chính quyền Mỹ, người Mỹ lại tính sai và thất bại nữa vì đã không bảo vệ được người mà họ đặt cái hy vọng ấy.
Mặt khác, không ai biết rõ cảm giác thực của ông Thiệu khi nghe tin ông Bông bị ám sát. Ông có hối tiếc đã không ra lệnh bảo vệ an ninh đầy đủ cho vị thủ tướng tương lai của ông không hay ông chỉ cảm thấy nhẹ người?
Và những câu hỏi khác nữa, chẳng hạn:
Ông Bông không còn, tại sao ông Thiệu không mời ông Huy thành lập chính phủ thay thế mà chỉ nghĩ đến việc duy trì ông Trần Thiện Khiêm đến giờ chót hoặc thay ông Khiêm bằng ông Nguyễn Bá Cẩn khi tình thế đã suy đồi đến mức không thể cứu vãn? Tình thế biến chuyển quá nhanh, “đồng minh tháo chạy quá sớm” hay ông cố tình trì hoãn việc hợp tác thành thực với ông Nguyễn Ngọc Huy để cứu Miền Nam VN chỉ vì tính toán quyền lợi riêng quá kỹ? Ông cũng “ngán” ông Nguyễn Ngọc Huy như người cộng sản “ngán” ông Nguyễn Ngọc Huy chăng? Ông có muốn bào chữa rằng ông không mời ông Huy làm thủ tướng chỉ vì ông lo lắng ông Huy sẽ bị cộng sản giết như họ đã giết ông Nguyễn Văn Bông? Ông có muốn kể công đã mời ông Huy tham gia phái đoàn hoà đàm Paris nổi tiếng thế giới năm 1968-1970 đối diện với truyền thông quốc tế, đối diện cả với Henry Kissinger, Lê Đức Thọ đã khiến Cộng Sản không dám giết “sứ giả” Nguyễn Ngọc Huy khi 4 bên đang thương thuyết để…vãn hồi hoà bình?
Các nghi vấn đều có thể nêu ra, mọi sự giải thích chỉ là suy đoán. Những câu trả lời chính xác nhất vẫn thuộc về ông Nguyễn Văn Thiệu nếu ông Thiệu thành thật với chính mình. Đáng tiếc, ông Thiệu đã trở thành người thiên cổ!
Ông Nguyễn Ngọc Huy không cứu được Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản năm 1975. Ngày ông qua đời 28/07/1990 cả nước Việt Nam vẫn dưới ách độc tài đảng trị cộng sản. 31 năm sau, 2021, chưa thay đổi, vẫn còn độc tài đảng trị cộng sản trên toàn cõi. Tương lai đất nước bấp bênh, đen tối trước một nước Tầu cộng sản hùng mạnh và hung hãn. Ông Nguyễn Ngọc Huy đã không cứu được, chưa cứu được nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam như lòng ông mong muốn.
Người ta thường nói thành công cần 3 yếu tố, thiếu một cũng không xong: tài năng, cố gắng và may mắn. Ông Huy thực là người có tài. Ông đã cố gắng, chính xác nghĩa đen không phải nói văn chương, cho đến hơi thở cuối cùng. Ông cầu nguyện xin được sống thêm vài năm có lẽ cùng tấm lòng với Gia Cát Lượng khi làm lễ dâng sao trên Ngũ Trượng Nguyên hơn ngàn năm trước:
Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời
Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động
(Đằng Phương)
Ông Nguyễn Ngọc Huy quả thực đã không may mắn.
Đành phải nói là vận nước.
NẾU tháng 11/1971 đặc công cộng sản không giết được ông Nguyễn Văn Bông…NẾU ông Nguyễn Văn Thiệu không quá tham quyền cố vị… NẾU ông Nguyễn Ngọc Huy không bị ung thư kéo dài và chết ở tuổi 66, sớm ít nhất là 10 năm so với tuổi thọ của người trung bình… NẾU “quần chúng đối với thiên tài KHÔNG PHẢI là cái đồng hồ đi trễ”…NẾU có nhiều người yêu nước tuyệt đối như ông Nguyễn Ngọc Huy v…v…THÌ mọi sự có thể khác, rất khác. Chẳng hạn như Việt Nam có thể đã là một con rồng châu Á thay vì là con rắn, con trăn như trong chế độ chính trị tệ hại hiện hành.
So sánh người làm chính trị – cá nhân với cá nhân – Nguyễn Ngọc Huy của Việt Nam có kém gì Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan, Phác Chính Hi của Đại Hàn hay Lý Quang Diệu của Singapore – về cả ý chí, lý tưởng, kiến thức, tài năng, đức độ, lòng yêu nước? Vậy có nên đem thành bại mà luận anh hùng?
Còn là tinh anh
Sự thất bại của ông Nguyễn Ngọc Huy là hoàn toàn và có tính cách chung cuộc nếu tất cả người Việt Nam đã cam tâm vĩnh viễn làm “cái đồng hồ đi trễ” – coi cái chế độ độc tài cộng sản tàn nhẫn, thối nát và cả triển vọng mất giống nòi là một thứ định mệnh vì “cái số của nước mình nó thế!” thì không còn gì để nói, để bàn.
Trong trường hợp ngược lại, chết chưa phải hết, “thác là thể phách còn là tinh anh”. Ông Nguyễn Ngọc Huy đã trở thành người của lịch sử, người của chung dân tộc Việt Nam, không còn giới hạn là người của gia đình hay của đảng – Đại Việt, Tân Đại Việt, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến hay Liên Minh Dân Chủ Việt Nam? Cuộc đời của ông là một đại tác phẩm. Các tác phẩm khác của ông, về văn hoá, luật pháp, chính trị cũng là những đại tác phẩm. Ông không giữ bản quyền. Không ai giữ bản quyền. Tất cả là một di sản hoàn toàn lành mạnh, vô cùng phong phú, hết sức hữu ích mà ông Nguyễn Ngọc Huy để lại cho lịch sử, cho dân tộc, cho thế hệ trẻ thanh niên trong và ngoài nước nhất là cho những ai còn trăn trở về tương lai của tổ quốc thân yêu. Ông Nguyễn Ngọc Huy đã ra đi nhưng để lại một con đường sáng. Rất sáng. Ông Nguyễn Ngọc Huy đã chết nhưng sẽ sống mãi trong lòng người Việt Nam.