Sơn Tùng
Cụ Diễn là một nhà tướng số được nhiều người khâm phục tại Việt Nam trong những năm giữa Thế kỷ 20 và đã “coi” cho nhiều nhân vật quan trọng vào giai đoạn xảy ra những biến động lớn trong lịch sử Việt Nam. Những danh hiệu như “Thày ma xó”, như “Thiên Linh sư”, hay “thánh” được gán cho Nhà Tướng số Ngô Hùng Diễn thời ấy đã nói lên lòng ngưỡng mộ của nhiều người đối với Cụ Diễn. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời truyền tụng trong dân gian, cho đến hai năm trước đây, khi cuốn Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được ấn hành ở hải ngoại, những gì liên quan đến Cụ Diễn mới được “bạch hoá” và những tướng pháp căn bản của Cụ mới được viết ra một cách có hệ thống như một khoa học thực nghiệm.
Tác giả cuốn sách này là Thái Minh Trần Quang Quyến, người học trò tâm đắc của Cụ Diễn trong gần suốt một thập niên tại Việt Nam, và sau đó tiếp nối con đường của người thầy đã đi với những khai triển mới theo tinh thần khoa học hiện đại để đem ánh sáng của lý luận vào khoa nhân tướng – cho đến nay vẫn được coi là “huyền bí”, giống như nhiều khoa bói toán “hoang đường” khác. Nhiều người vì vô tình đã đặt tin tưởng vào những kẻ bất lương lợi dụng bịp bợm làm tiền có khi đi đến chỗ tán gia, bại sản.
Phải chăng mỗi con người sinh ra dưới vòm trời này đều có một số mệnh định sẵn do ngày, giờ, tháng, năm khi lọt lòng mẹ, hoặc một tướng mệnh bất di bất dịch do một diện mạo bên ngoài? Phải chăng số mệnh hay tướng mệnh này do “trời ban cho”?
Không ít người đã tin như vậy, và dại dột “nuôi” những “thầy bói” bất lương để họ tiếp tục quảng bá những điều dị đoan, mê tín, phản khoa học, gieo rắc những nhận định sai lầm, đẩy nhiều người vào thái độ buông xuôi, tuyệt vọng trước nghịch cảnh.
Với quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn, tác giả Trần Quang Quyến đã giới thiệu với người đọc một khoa nhân tướng được trình bày theo tinh thần khoa học, từ cách quan sát các sự kiện, cách lập luận, cách xử dụng các tướng luật như những chià khoá để mở cánh cửa vào lãnh vực thường được coi như “huyền bí” của vận mệnh con người.
Ngay ở “Lời Mở Đầu”, tác giả đã viết rõ quan niệm của Cụ Diễn về vận mệnh con người trong khoa nhân tướng trên căn bản tướng pháp Ngô Hùng Diễn: “Cụ Ngô Hùng Diễn quan niệm ‘định mệnh’ không bất di, bất dịch. Quan niệm này không phải là mới. Đại thi hào Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh đã viết: ‘Xưa nay nhận định thắng thiên cũng nhiều’, và cổ nhân cũng dạy: ‘tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt’. Xây dựng trên quan niệm như vậy, Tướng pháp Ngô Hùng Diễn trong nhiều trường hợp đã trực tiếp ‘can thiệp’ vào diễn tiến của thân, nghiệp, duyên để thay đổi kết quả hoặc hậu quả của luật này. Nhưng Cụ luôn luôn nói cho biết một cách rõ ràng là:Dù có đạt được ít nhiều kết quả do sự can thiệp của tướng pháp, nhưng đó chỉ là tạm bợ, nhất thời. Để thay đổi nghiệp phải làm phúc và tạo nhiều duyên lành.”
Như vậy, theo tướng pháp Ngô Hùng Diễn, sống với tâm thiện thì vận tốt sẽ tăng lên, vận xấu sẽ bớt đi. Sống với tâm ác thì nghiệp dữ càng ngày càng chồng chất, phước sẽ chẳng còn mà họa thì “vô đơn chí”.
Đây là một quan niệm tuy không phải là mới, nhưng muốn hiểu thấu đáo để ứng dụng vào đời sống thì không dễ. Trong quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn với gần 300 trang khổ lớn được soạn thảo công phu, tác giả đã ghi lại những điều đã học được từ Cụ Diễn trong suốt 9 năm gần gũi Cụ. Tác giả cho biết đã chứng kiến tận mắt lòng từ tâm của Cụ đối với mọi người, không kể sang hèn, giàu nghèo, đôi khi ngay cả với cây cỏ. Khi xem cho ai, Cụ luôn khuyên người ta nên làm phúc và tránh tạo thêm nghiệp. Khoa nhân tướng Ngô Hùng Diễn gồm hình tướng, sắc tướng, thanh tướng. Thần tướng được coi như đứng đầu trong bốn tướng. Tuy nhiên khi đề cập tâm tướng thì tâm tướng sẽ đứng đầu trên cả năm tướng. Diễn trình tương quan của năm tướng này như sau: Tâm tướng sinh thần tướng, thần tướng sinh sắc, thanh và hình tướng. Sự liên hệ này xảy ra từng giây, từng phút, nhất là mỗi khi cái “tâm” bị khích động bởi lựa chọn hoặc hành động dựa trên thiện, ác.
Tác giả đã thận trọng và tỉ mỉ nói về vai trò của tâm tướng trên vận mệnh của con người từ những trang đầu tới những trang cuối của quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn. Tuy nhiên, ông đã khiêm nhường viết: “Tác giả không nhằm viết một quyển sách toàn bộ về khoa nhân tướng học mà chỉ biên soạn lại những tướng pháp căn bản đã được Cụ chỉ dạy cho”.
Dù vậy, sự đóng góp của tác giả vào khoa nhân tướng không phải là nhỏ. Ông đã luôn luôn nhắc nhở người đọc về “phép lạ” của cái tâm trên hình, sắc, thanh và thần tướng, tức là trên mọi lãnh vực của đời sống con người, hay “định mệnh” như ta thường nói. Thí dụ như khi tác giả nói: “Tâm” bất an thì “thần” sẽ loạn. Thần loạn thì sắc hãm, khi đen, khi trắng, thanh âm thì yếu, khi mất, khi còn. Mệnh như ngọn đèn trước gió. Họa đến thì chết dữ.
Hy vọng của tác giả Trần Quang Quyến là quyển Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn sẽ giúp người đọc tự tìm thấy nơi mình sự bình an những khi bị mất thăng bằng trong cuộc sống. Ngoài ra, nội dung quyển sách cũng có thể giúp người đọc nắm được những điều căn bản để phân biệt người tốt, xấu trong việc chọn bạn hoặc người chung đụng làm ăn, và quan trọng hơn nữa là hiểu được những khó khăn của người trong gia đình để giúp đỡ tìm giải pháp. Ông cho biết khi xem tướng cho ai thì “tâm phải an, trí phải tĩnh, luận lý phải vững”. Ông còn nói: “Y thì có y lý, Tướng thì có tướng lý. Nghĩa là trước một việc nếu lý đã không đứng vững thì kết luận chưa chắc đã có thể đứng vững”.
Hy vọng của tác giả Trần Quang Quyến đã phần nào trở thành hiện thực sau khi cuốn Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn được phát hành và được đón nhận nồng ấm, ở hải ngoại cũng như tại Việt Nam. Tác giả đã được nhiều báo, truyền thanh, truyền hình phỏng vấn, và ông đã có cơ hội nói rõ thêm những điều chưa được viết trong sách.
Qua các cuộc phỏng vấn này, người ta càng thấy môn nhân tướng rất thâm sâu, tinh tế, không phải ai cũng có thể học và trở thành nhà tướng số, bất kể trình độ học vấn tới đâu. Muốn trở thành một nhà tướng số chính danh, trước hết phải có một nhãn quan đặc biệt, khác thường, và một khả năng luận giải bén nhạy, xuất chúng, cộng với một đức tính không thể thiếu là có thiện tâm và ý hướng giúp người, làm tốt cho đời.
Cũng qua cuốn Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn và qua các cuộc phỏng vấn tác giả, người ta thấy các đặc điểm trên đây hội đủ nơi ông Trần Quang Quyến. Với 9 năm học hỏi thân cận Cụ Ngô Hùng Diễn và 45 năm ứng dụng, khai triển các điều đã nhập tâm, ông Trần Quang Quyến không bao giờ coi việc “xem tướng” như một phương tiện để tìm kiếm lợi, danh, hay ân huệ. Ông nói: “Tôi chỉ xem và nói cho bạn tôi và bạn của bạn tôi một vài câu những lúc họ cần ý kiến của tôi. Đâu có gì mà nói tới chuyện thù lao hay ân huệ.”
Khi còn ở Việt Nam, ông Trần Quang Quyến là một giáo sư Toán tại các trường Trung học ở Sài-gòn như Võ Trường Toản, Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Phan Sào Nam, là chuyên viên của Hội Đồng Kinh Tế, Xã Hội, là giảng sư môn Tài chánh Xí-nghiệp tại Trường Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà-Lạt, và sau đó là một thành viên Ban Tham Vấn của Qũy Phát Triển Kinh Tế Quốc gia. Sau 1975, ông là một chuyên viên tài chánh của Ngân Hàng Thế Giới (The World Bank) ở Washington DC. Ngoài ra, ông dành thì giờ cho những hoạt động xã hội, cộng đồng, từ thiện (như đã tặng toàn thể số sách Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn cho Hội Bạn Người Mù do ông thành lập năm 2003 để gây quỹ mổ mắt cho những người nghèo bị khiếm thị tại quê nhà. Để biết về hoạt động của hội thiện nguyện này, có thể vào trang nhà:www.tuongphap.com ).
Dựa trên nền tảng “Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”, ông Trần Quang Quyến bác bỏ ý niệm về “ngày, giờ tốt xấu” do người Tàu du nhập vào nước ta, nhất là lại áp dụng chung cho cả hàng trăm triệu người trong mọi cảnh huống của cuộc sống, ở rải rác trên khắp quả địa cầu, nơi là ngày, nơi là đêm. Ông nhấn mạnh vai trò của “tâm” trong khoa nhân tướng và trên vận mệnh con người. Ông viết:“Người có tâm thiện, tạo được duyên lành thì thần khí sung mãn. Trong điều kiện này, hình tướng sẽ nở nang, sắc tướng sẽ tươi nhuận, thanh tướng có hùng lực.Vận tốt sẽ tới. Người có tâm ác, tạo nhiều nghiệp dữ thì thần khí suy đồi. Trong điều kiện này, hình tướng sẽ dữ tợn, sắc tướng sẽ u ám, thanh tướng sẽ yếu ớt. Vận xấu sẽ tới.”
Nhân loại hiện với hơn 7 tỉ người, sống trên một hành tinh không ngừng di chuyển với những biến thái do ngoại cảnh luôn tác động, ảnh hưởng vào vận mệnh của mỗi con người, và tùy cách ứng xử của từng người, mỗi người sẽ phải có một vận mệnh khác nhau.
Nhìn xa rộng hơn, vận mệnh con người còn bị ảnh hưởng bởi thời thế và không thể tách rời khỏi vận mệnh quốc gia hay những biến động quốc tế. Hitler gây ra trận Thế Chiến II đã làm hàng chục triệu người thiệt mạng và làm thay đổi vận mệnh hàng trăm triệu người khác. Karl Marx khai sinh ra chủ thuyết cộng sản được Lenin, Stalin thi hành và những đàn em Mao-Trạch-Đông, Hồ-Chí-Minh, Castro, Pol Pot… bắt chước theo đã khiến hàng trăm triệu người vô tội chết oan và ảnh hưởng đến vận mệnh hàng tỉ người khác trên mặt đất cho đến ngày nay. Điều hiển nhiên là nếu không có Hitler, Karl Marx… thì vận mệnh của hàng tỉ con người trên hành tinh này đã đi theo những chiều hướng khác. Ông Trần Quang Quyến giải thích cho vấn đề này trong Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn: “Vận người thua vận nước, vận nước thua vận trời.”
Tiến bộ khoa học cũng đã làm thay đổi vận mệnh của loài người. So với các thế kỷ trước, nhờ môi sinh được cải thiện và điều kiện sinh sống tốt hơn, tuổi thọ của con người được nâng cao rất nhiều. Tiến bộ y khoa giúp phòng ngừa hay chữa được những bệnh nan y từng giết chết hàng triệu sinh linh trong quá khứ. Ngược lại, tiến bộ khoa học cũng là mối tai họa lớn của loài người. Các loại vũ khí giết người ngày càng tinh vi và có sức sát hại lớn. Hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối cuộc Thế Chiến II đã giết hàng trăm ngàn người trong chớp mắt và biến hàng trăm ngàn người khác thành phế nhân. Nhưng các loại vũ khí giết người tập thể ngày nay càng khủng khiếp hơn nhiều, và nếu được đem ra xử dụng trong một trận thế chiến nữa có thể biến trái đất thành một hành tinh chết. Thật nghịch lý khi vẫn còn nhiều người tin rằng vận mệnh của từng con người đã được định đoạt trên lá số tử vi chỉ dựa vào ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch, hay do nhân tướng ngoại hình bất biến qua những khoảng thời gian dài, ngắn của người đó, rồi được giải thích dựa trên những yếu tố mang tính cách hoàn toàn “huyền bí” mà khoa học hiện đại cũng phải bó tay, không thể giải thích được.
Trở lại câu thơ của Nguyễn Du: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”và câu nói của người xưa: “Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt” thì chính “tâm” của mỗi con người sẽ định đoạt vận mệnh của người ấy trong một thế giới luôn luôn thay đổi và biến động. Vậy, những khoa học liên quan tới vận mệnh của con người nên được hiểu theo ý niệm “tâm tướng” mà ông Trần Quang Quyến đã viết trong cuốn Tướng Pháp Ngô Hùng Diễn và đã được ông giải thích rõ thêm trong những cuộc phỏng vấn.
Giáo sư Trần Quang Quyến đã đưa “Tâm, Trí , Luận Lý” vào một lãnh vực được coi là “huyền bí”, thường là nơi gieo rắc những điều phản khoa học, nguy hại cho sự phát triển con người và tiến bộ của xã hội.
Sơn Tùng
Virginia, Tháng 8/2012