Truyện Ngắn
Sơn Tùng
Cảm hứng từ câu chuyện có thật của một cựu trung tá Không Lực VNCH
Hôm nay mùng ba, Tết đã nhạt. Với chàng “Long Trời” thì Tết chẳng những nhạt mà còn có vị đắng. Đắng và cay. Hắn không có cái gì để yêu hay luyến tiếc trên đời này. Tất cả những gì hắn có là một thân xác già nua tàn tạ với những cơn đau hành hạ hắn từng giây từng phút, và một căn nhà lợp tôn ọp ẹp trong một con hẻm giữa cái thành phố mang tên một kẻ mà hắn thù ghét. Dĩ vãng của hắn thật dài cùng với cuộc chiến tranh khởi đầu từ khi hắn còn thơ ấu. Và tương lai thì hắn chỉ mong chấm dứt sớm phút nào hay phút ấy.
Hắn được gọi là “Long Trời” vì những năm khoác áo bay trong binh chủng Không Quân hắn đã thực hiện nhiều phi vụ cực kỳ nguy hiểm và táo bạo, tạo nên những chiến công long trời lở đất. Bây giờ, muốn di chuyển từ nhà bếp lên giường có khi phải lết mười lăm phút với những khớp xương co quắp nóng bỏng như lửa đốt. Hắn còn sống được là nhờ có vài người bạn, thỉnh thoảng ghé thăm, cho ít đồ ăn và thuốc men, hay vài chục đô-la từ nước ngoài.
Ba ngày Tết trong nhà cũng có khá nhiều đồ ăn, quà cáp do bạn bè đưa tới. Họ lưu lại năm mười phút, nắm tay nhau, nhìn nhau ngậm ngùi rồi ra đi. Họ còn cuộc đời của họ, gia đình họ. Trưa nay, Thùy Trang đem đến cho một hộp thịt kho và dưa giá. Nàng cầm tay hắn, mỉm cười nhưng mắt long lanh lệ rồi quay mặt bước nhanh ra cửa. Hắn nhìn theo và nước mắt cũng lưng tròng, miệng thốt nhỏ như nói với chính mình: “Thời đại gì ai cũng khổ đau…”
Thùy Trang là vợ cũ của một đồng đội với Long. Nhan sắc từng một thời làm điêu đứng nhiều anh hùng. Nàng có hai con khi chồng đi tù cải tạo. Ngày chồng về thì nàng đã có thêm đứa con trai với một kẻ ở bên kia chiến tuyến. Một kẻ thù của chồng. Anh chồng nói với Long: “Nếu nó đừng có con và muốn trở lại, mình sẵn sàng bỏ qua. Khó ai biết được phải làm gì trong cuộc đổi đời khốn nạn này!” Và anh ta đem hai con sang Mỹ trong Chương trình HO. Một lần, Thùy Trang tới thăm Long, nàng gục đầu vào vai hắn và khóc: “Ai cũng khinh em, kể cả chính em. Nhưng hình như anh hiểu em…” Từ đó, thỉnh thoảng nàng ghé qua, đưa ít đồ ăn, nhìn Long hồi lâu, không nói gì rồi lặng lẽ ra đi.
Mấy ngày Tết những cơn đau của Long tăng lên nhiều, có lẽ vì tiết trời trở lạnh. Chiều sắp tàn. Căn nhà nhỏ thêm nhiều bóng tối. Long bật đèn và cố di chuyển, bày món thịt kho của Thùy Trang ra bàn cùng với vài miếng bánh chưng và một đĩa dưa giá, ngồi ăn một mình. Hắn vẫn tự cho là mình còn “hạnh phúc” hơn nhiều người trên đất nước được mệnh danh là “độc lập, tự do, hạnh phúc” này. Ít nhất thì hắn cũng còn cái hạnh phúc cảm nhận được ý nghĩa cao đẹp nhất của tình bạn trong những ngày tháng đen tối của đời mình.
Có tiếng gõ cửa, trước còn rụt rè, nhè nhẹ, rồi mạnh dần. Long nghiêng đầu nghe.
– Ông ơi! Tôi đói…
– …
– Ông ơi! Cho xin chén cơm ăn làm phước…
– Ông ơi! Tôi là người lương thiện, … không phải kẻ gian…
Tiếng một người đàn ông đứt quãng, run rẩy. Long suy nghĩ vài giây rồi quyết định men theo vách tường, vừa đi vừa nhăn nhó, vì đau, để ra mở cửa. Trước mặt hắn là một ông già gầy ốm, tiều tụy, quần áo hôi hám, với chiếc mũ phở sùm sụp trên đầu. Lão khúm núm chắp tay van xin:
– Tôi ở tù mới ra. Đói quá. Xin ông cái gì ăn đỡ lòng.
Lão liếc nhìn vào chiếc bàn bên trong với những thức ăn ngày Tết. Trong đầu Long có nhiều câu hỏi về ông già xa lạ này, nhưng hắn nghĩ ông ta đang cần được ăn. Hắn lưỡng lự rồi nói:
– Như ông thấy đó, tôi đang không được khoẻ để có thể giúp gì cho ông, nhưng ông có thể bước vào nhà và ăn bất cứ cái gì trên bàn.
Ông già bước vội vào nhà và ngồi vào bàn, để chiếc mũ phở trên ghế, ăn ngấu ăn nghiến. Trong khi ăn, lão đưa mắt nhìn trộm Long nhiều lần, và Long cũng có dịp nhìn kỹ ông ta dưới ánh đèn. Có lẽ ông ta không già như cái bề ngoài do sự đói khổ tạo ra.
Ăn lưng bụng, ông già bắt đầu nói:
– Chắc là ông ngạc nhiên tại sao tôi lại biết có một mình ông trong căn nhà này và có nhiều đồ ăn? Tôi đã quanh quẩn ngoài kia suốt mấy ngày Tết và thấy những người vào đây với các món ăn. Khi người ta đói thì nhân cách chỉ là đồ xa xí vô dụng. Ông có thể khinh tôi, nhưng cái bao tử của tôi lúc này quan trọng hơn mọi thứ. Ông có thể cho tôi là một thằng điên, nhưng khi cả nước này đều điên thì khó mà biết ai điên ai tỉnh.
Ông già ngưng nói để tiếp tục ăn. Long nhìn người khách lạ trong nhà, khó hiểu.
Vài tràng pháo nổ ran bên ngoài. Người khách lạ cũng vừa ăn xong. Ông ta nghiêng đầu lắng nghe, gương mặt căng ra với râu ria lởm chởm, và bỗng ngẩng đầu lên nhìn Long đăm đăm, rồi nói với giọng khản đặc:
– Hừ, những tiếng pháo Tết… Hơn bốn mươi năm rồi… Dĩ nhiên là ông không còn nhớ tôi, và không biết tôi là ai. Nhưng tôi đã nhận ra ông. Đôi mắt của ông. Đôi mắt của người đã chĩa súng vào đầu tôi và bóp cò. Chúng in mãi trong óc tôi như một tấm ảnh không phai mờ. Nếu khi ấy ông bắn vào óc tôi thì đời tôi đã chấm dứt vào lúc hai mươi tuổi với một lý tưởng tuyệt vời trong đầu, và không khốn khổ như ngày nay…
Long kinh ngạc nghe những lời thốt ra từ cái mồm hôi hám của người khách lạ. Quả thật Long không nhận ra lão là ai, nhưng một vài lời y vừa hé lộ đã làm loé lên trong óc hắn một ký ức đã xa xưa lắm rồi. Long chưa kịp nói gì thì ông già lại tiếp tục:
– Thế đấy, tuổi đôi mươi lý tưởng và bồng bột, những mưu mô phỉnh gạt…Hừ. Vì ông không bắn vào óc tôi nên tôi đã phải kéo dài cuộc đời cho đến hôm nay… với những hối tiếc, những dày vò của lương tâm, những bất mãn, những phản kháng, và tù đày…
Ông già đứng lên, chụp chiếc mũ phở lên đầu, gằn giọng: “Tôi ghét ông.” Và y bước ra cửa.
Tiếng pháo vẫn nổ rền bên ngoài. Long đưa hai bàn tay ôm đầu, nhắm mắt. Tiếng pháo giống như tiếng pháo ngày Tết Mậu Thân hơn bốn mươi năm trước. Rồi thì súng nổ rền khắp nơi, người chết, nhà cháy, máu loang trên đường phố và thây người trong ngõ hẻm. Long như sống lại dĩ vãng. Chiều mùng 3 Tết năm ấy, Long lái chiếc Vespa chở Dạ Thảo từ Phi trường Tân Sơn Nhất về nhà nàng. Đường phố vắng tanh đến rợn người. Long vẫn mặc bộ đồ bay với khẩu P.38 dắt bên hông. Thảo nép sát người sau lưng Long, vòng hai tay ôm chặt lấy bụng hắn. Long nghĩ có lẽ tâm hồn nàng đang tan nát, rối bời. Hắn vừa đưa xác vị hôn phu của nàng từ Bình Long về căn cứ Tân Sơn Nhất trong một phi vụ hết sức mạo hiểm. Nàng đã ôm xác người yêu và ngất đi. Mấy ngày qua, từ khi được tin Thanh, một đồng đội của Long, bị bắn rơi và tử nạn, Thảo như kẻ mất hồn. Long khuyên nàng nên về nhà và đã bất chấp tình trạng giới nghiêm, chở nàng qua những đường phố không bóng người.
Dường như cả Long và Thảo đều không còn biết sợ nữa. Sự khổ đau và uất ức đã khiến họ trở nên gan lì. Xe chạy trên đường Lê Văn Duyệt gần đến ngã tư Phan Đình Phùng, tiếng súng bỗng nổ ran dữ dội từ hai dãy phố đối diện. Long vội thắng xe gấp, định núp vào sau gốc một cây me, nhưng đã quá muộn. Long thấy vòng tay Thảo quanh lưng hắn lỏng ra và nàng ngã xuống đường. Khi Long dừng được xe, đỡ Thảo lên thì nàng ngước nhìn hắn, lắp bắp nói: “Cám… ơn anh…” Và tắt thở. Long vuốt mắt Thảo, rút khẩu súng lục ra, nép sát vào gốc me, nhận định tình thế.
Cuộc giao tranh không kéo dài. Chỉ sau vài phút, tiếng súng im bặt. Có tiếng la hét từ trong một căn phố rồi một trung sĩ Biệt Động Quân bước ra, tay trái nắm cổ áo một thanh niên mặc thường phục, tay phải cầm khẩu M16 dí vào hông hắn. Long rời gốc me chạy ra. Viên trung sĩ đẩy gã thanh niên tới trước mặt Long, nói lớn:
– Chính thằng này đã bắn vào xe thiếu tá. Ông xử nó đi!
Máu nóng bốc lên mặt, hai mắt đỏ ngầu, Long dí khẩu P.38 vào đầu kẻ thù và nhìn vào mặt hắn. Hắn còn quá trẻ với đôi mắt đầy sợ hãi. Trong một giây ngắn ngủi, Long chùn tay. Thay vì bắn vỡ sọ tên đã giết Thảo, hắn hướng chệch nòng súng lên trời và bóp cò. Tiếng nổ từ khẩu súng nhỏ vang lên, Long nghe như tiếng đại bác phá tan lồng ngực hắn, vang rền trong đầu hắn, vang rền khắp bầu trời trên đất nước đau thương này. Hắn đẩy tên tù binh chưa hết run rẩy trả cho viên trung sĩ Biệt Động Quân. Sau đó, Long được biết tên này là một sinh viên nằm vùng trong một trường đại học ở Sài Gòn.
Bây giờ, hơn bốn mươi năm sau, hắn hiện ra trước mắt Long với thân xác già nua, tiều tụy, và một tâm trạng nửa điên nửa khùng.
Ngoài kia, tiếng pháo vẫn nổ rền từ những dinh cơ huy hoàng của giai cấp thống trị mới.
Long bỗng thấy buồn nôn và khạc nhổ không ngừng. Bên tai dường như nghe thấy tiếng súng từ năm xưa vang vọng về.