Nguyễn Văn Sâm
Năm sáu đứa học trò coi bộ thiếu ăn, ốm nhom, chừng 12, 13 tuổi nhảy chưn sáo chung quanh đoàn du khách, nhìn ngó lom lom từng người như muốn khám phá điều gì đó. Cuối cùng một đứa coi bộ sáng láng nhứt rụt rè nói với tôi:
‘Chú có muốn đi thăm ông Sáu Hấu không vậy? Ai tới đây cũng đi thăm ông Sáu Hấu hết hà.’
Tôi quay lại, hỏi bằng mắt. Đứa khác chỏ miệng xía vô:
‘Giờ nầy chắc ổng có ở nhà đó.’
Đứa nầy thúc đứa kia, co ro, chùm nhum vô một đám nhưng không đứa nào tới quá gần chúng tôi.
‘Chắc chắn là có mà. Năm giờ rồi. Cở chừng 4 giờ thì ổng đã về rồi hà.’
Tiếng mà, hà của nó lập lại, kéo dài, dễ mến cách gì. Bỗng nhiên tôi thấy mình muốn biết nhân vật Sáu Hấu nầy.
‘Mà ông Sáu Hấu là ai vậy mấy cháu?’
‘Ổng là người quét mã Cụ Phan đó mà.’
Hết hà lại mà! Tôi cười trong bụng.
‘Ủa lạ há? Vậy ai trả tiền cho ông ta?’
‘Đâu ai trả tiền cho ổng đâu hà. Ổng tự nhiên lấy chổi quét mình ên mỗi ngày. Ban đầu người ta còn đuổi đi nhưng thét rồi chán không ai rầy rà nữa, ổng cứ quét tự nhiên như nhà của ổng hà, họ để ổng mình ên muốn làm gì làm.’
Tôi khoái tiếng mình ên nầy, còn làm bộ ngu ngơ:
‘Bộ chủ đất hay là chủ mã ngầy ngà ổng hả?’
Mấy đứa nhỏ bỗng nhiên xô nhau chạy nhảy lung tung, cười nức nẻ:
‘Làm gì có chủ mã! Đó là Chú Tám Chinh, Chủ Tịch Xã đó.’
Mệt quá với mấy cái tên như Sáu Hấu, Tám Chinh…, nghe qua khó nhớ thấy bà nội. Tôi tò mò thêm nên quyết định đi tới nơi cho biết nhân vật Sáu Hấu.
‘Xa không vậy mấy đứa?’
‘Quẹo sau bụi chuối đằng kia, đi thẳng chừng mười phút, bỏ cái chùm cây nhum thì thấy nhà ổng dưới cây trâm bầu lớn nhứt chỗ ao cá đó.’
Một đứa liếng thoắng nhứt chỉ thằng nhỏ vừa mới nói câu vừa rồi.
‘Đó là hố bom có ông nội nó bị bắn chết hồi xưa ở đó.’
Tôi thở dài, nói nho nhỏ : ‘Chiến tranh di hại lâu dữ ha, tới bây giờ còn để lại vết tích.’
Thằng nhỏ nghe nhắc chuyện xưa có vẽ ngơ ngác, chắc nó lạ lẫm với cái từ chiến tranh di hại. Nó ngó tôi lặng thinh. Cái thằng! Chỉ đường coi bộ rành rọt nhưng làm cho tôi lờ mờ thêm vì cây trâm bầu ra làm sao tôi thiệt tình không biết, chỉ biết qua cái tên của một cuốn tiểu thuyết nào đó thời xa xưa. Cây nhum thì tôi còn mù tịt hơn.
‘Tụi con đi với chú.’ Một đứa con gái nảy giờ lặng thinh bây giờ mới lên tiếng.
Đó, tôi biết ông Sáu Hấu trong trường hợp như vậy bốn năm về trước khi thiết đặt chương trình đi thăm mộ các danh nhân trong nước. Mộ Phan Thanh Giản nằm ở cái xã nhỏ thuộc huyện Ba Tri, Bến Tre. Điều đầu tiên làm tôi thất vọng khi so sánh mộ Cụ Phan khiêm nhường ở trong một rẻo đất, chung quanh đầy nhà cửa dân chúng, cây cối mọc lan tràn lấn chiếm, trong khi đó lăng Nguyễn Đình Chiểu cách không xa bao nhiêu nằm ở một vị thế trang trọng, có đền thờ, có quá nhiều bậc thềm lên lăng, có mấy cô thuyết minh duyên dáng lịch thiệp, có nhiều người săn sóc, quét tước, tỉa cây và nhang đèn cung cấp cho khách viếng với giá tự nguyện.
Ông Sáu Hấu cười như mếu:
‘Điều vui cho Cụ Phan là Cụ có bạn láng giềng’, ông vừa nói vừa hất hàm chỉ về ngôi mộ của Võ Trường Toản ở gần đó. ‘Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu chỉ có người sống đến làm lễ nầy lễ kia, còn đại thần Phan Thanh Giản có bạn cõi âm cận kề tâm sự luôn luôn. Chưa biết điều nào làm thỏa lòng người đã khuất hơn!’
Tôi buột miệng ngâm:
Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử..
Ông Sáu Hấu làm tôi ngạc nhiên khi tỏ ra hiểu rành vế đối:
‘Ừ! Cụ Võ không con mà có bao nhiêu học trò trọng nể coi như cha ruột. Cụ Phan có nhiều con cháu nay vì thời thế tản lạc tứ phương. Tôi quét mộ Cụ coi như là cháu chít tinh thần…. Mà cần gì máu thịt hả? Thương nể chân thành là được rồi. Tôi thương mến Cụ vì tập Lương Khê Thi Thảo, tôi nể phục Cụ vì chén thuốc độc ung dung bưng đưa lên môi uống cạn.’
Ngoài sân một con gà mái đương túc con, độ mười con gà con lông tơ vàng, dễ thương cách gì tít tít chạy theo mẹ. Chút nắng vàng èo uột sót lại trên tàng cây càng làm cho cảnh trí mang thêm nét tiêu điều cố hữu.
Tôi hậm hực hỏi giống như tra vấn:
‘Sao mộ Cụ Phan không được chánh quyền địa phương săn sóc trong khi ông là đại thần dính dáng đến lịch sử và đất địa nầy, ông đã sống tiết tháo và chết oai hùng với nhiệm vụ. Cụ Nguyễn Đình Chiểu chỉ là nhà văn lên tiếng chống ngoại xâm thôi, không có dịp chứng tỏ sự anh dũng bằng hành động dầu rằng văn ông bốc lửa khi nước nhà ngữa nghiêng?’
‘Biết đâu nà! Muốn thì người ta làm, hơi sức đâu mà giải thích. Với lại ai dám hỏi mà người ta có dịp nói nà?’
Tôi thích thêm tiếng nà chấm câu của ông Sáu Hấu, cũng như tôi thích tiếng cơ lúc còn học Trung Học qua miệng cô bạn cùng lớp mang dòng máu đất Thăng Long văn vật xa xưa. Nói chung tôi thích những tiếng ít người dùng như tía, chế, hia, như mình ên, như huốt, như thây nó… Thích tiếng, lắm khi tôi thích luôn người xài tiếng đó mà không biết tại sao. Trong năm đầu tiên vô Đại Học tôi quấn quít bên thằng Ngầu, nó là kho tàng tiếng địa phương mà tôi chưa có dịp khám phá. Thích tiếng lạ, tôi lại mê những vật có tên là lạ, tôi thích cầm cái ky, mân mê cái chày vồ, ưa rờ cái khạp da bò, thích ngồi mép đít trên thành cái mái vú to tổ chảng, thích lột ăn từ lớp từ lớp bánh pía ngon lành, thích thưởng thức bánh thửng, mè xửng, bánh còng, bánh khọt, bánh tai heo, thích nhìn ngắm mấy lớp bánh da lợn màu mè… Tóm lại, tôi khoái nghe những tiếng lạ lạ, chơn chất không tìm thấy trong văn học, chỉ tồn tại bằng giọng nói của người bình dân nơi thôn quê ruộng rẫy.
‘Nè ông Sáu!’ Tôi giải thích theo kiểu khiên cưỡng là đất nước mình cần anh hùng. ‘Dám chống lại giặc, đối đầu với lực lượng áp đảo của giặc là anh hùng. Giao thành cho giặc xong dầu uống thuốc độc tự vận cũng là đầu hàng giặc, đâu thể gọi là anh hùng được phải không? Hạ bệ là phải thôi.’
Ông Sáu Hấu bình thản quấn điếu thuốc sâu kèn, đốt lửa, bập bập:
‘Chuyện đời, ở bên ngoài biết hết bí ẩn bên trong được đâu nà! Giao thành để cứu dân ba tỉnh hay nướng hết dân đen ba tỉnh cho súng lớn súng nhỏ cái nào hay? Nói nhón một câu, khó biết lắm ông Việt Kiều ơi? Bàng nhơn thiên hạ phê bình thì dễ, tới chừng đụng chuyện mới biết khó dàng trời mây, bứt hết tóc cũng tính không ra kế.’
Tôi nhột khi bị kêu bằng Việt Kiều. Chẳng biết tại sao nữa, nhưng mà áy náy giống như mình làm điều gì sai trái người ta biết tẩy nhưng không nói ra. Có lẽ tôi mặc cảm trước việc làm vô vị lợi của ông già gầy còm nầy trong khi mình mạnh khỏe bảnh bao thọc tay vô túi quần đứng ngó. Tôi nói đẩy đưa cho có chuyện:
‘Và ông cho rằng biết thời thế để xử trí như Cụ Phan là anh hùng. Quét lau mộ Cụ, ông chứng tỏ rằng mình theo bảng giá trị khác với người đời phải không? Nói thiệt đi ông bạn!’ Tôi dùng chữ ông bạn với giọng thân mật, cầu hòa.
Ông Sáu Hấu ngó xuống cườm tay mình, đen mốc, khét nắng, sần sùi thẹo, rải rác mấy chỗ da chai, không trả lời thẳng, chỉ nhẹ nhàng:
‘Ừ thì làm nhón vậy mà. Cực khổ gì đâu chú em. Ngồi ngó mong ra ngoài sân cũng hết ngày, hết đời. Bóng thiều quang có chờ đợi ai bao giờ đâu. Quét tướt quơ quào ba cái lá khô, mấy đống chó ị cho mát dạ tiền nhơn vậy mà! Tôi nói bậy bạ vậy mà chú em thấy phải không chớ?’
Ông đứng dậy, hai cái ống quần xà lỏn hơi rộng, đong đưa trong khoảng không giữa lớp vãi quần xám mốc và bắp chân đen đủi như khúc củi mục nhỏ xíu của ông, tay vói lấy cây chổi tào cau, tay cầm nùi giẻ bỏ vô một cái sô lưng lửng nước. Bộ tịch hơi chậm, chưn đứng lên run run. Tuổi già ở quê tới mau hơn dân thành thị.
‘Đi! Tôi phải quét mộ cụ. Mặt trời xuống chút nữa thì tụi nhỏ cặp nầy cặp kia ngồi choáng chỗ khó lau quét.’
Tôi đề nghị xách giùm ông sô nước, ông Sáu Hấu từ tốn gạt nhẹ tay tôi ra điều nói mình chưa già.
Nơi mộ danh nhân kia, bóng chiều đã xuống nhiều, gió mát lạnh. Hai ba cặp trẻ đã giành những chỗ tốt, mấy chiếc xe gắn máy dựng che nửa hở nửa kín cho chỗ tình tự, mân mơn.
Ông Sáu Hấu lui cui quét dọn, như mình không có mặt trên cõi đời nầy. Ông nói nhỏ với tôi:
‘Đừng ngó bọn trẻ. Mắc cở tội nghiệp. Tuổi mới lớn thời nào cũng vậy thôi. Hưởng, mai tính theo mai.’ Ông nheo mắt mặt như dân chơi thứ thiệt: ‘Hôm nào huỡn huỡn mình ôn lại chuyện cũ đời mình coi. Đâu thua gì chúng nó đâu nè!’
Qua Tết, tôi mượn cớ dò đọc bài văn bia trên mộ Cụ Phan, lâu rồi hứa chép tặng một cơ quan văn hóa ở bên nầy, nên xuống lại vùng mộ Cụ để có dịp nói chuyện bá vơ với ông Sáu Hấu.
Thấy gần cả chục dưa bự xộn bỏ lăn lóc trong góc nhà, tôi xuýt xoa rằng ông ăn Tết quá lớn, ông giải thích:
‘Thằng Tám Chinh cho người đem tặng đó, tôi đâu thèm nhận. Của ăn cắp nhận mang tiếng chết. Tuần trước gần ngã ba đường cái có hai xe tãi chỡ dưa, giành lấn đường sao đó mà một xe lật nhào xuống ruộng, dưa bể lăn lủ khủ, tài xế cà nhắc bỏ chạy trốn, dân chúng hè nhau tới hôi dưa mang về chưng Tết. Bậy hết chỗ nói! Đã vậy mà thằng Tám Chinh còn thị thiềng cho bà con của nó đem xe ba bánh tới chỡ ra chợ bán. Tôi la rầy phản đối, nó trám miệng bằng mấy trái dưa ế nầy, nói là để kiếng Cụ Phan. Nói kiếng Cụ Phan thì tôi phải nhận nhưng mà chỉ để đó, thủng thẳng rồi tính. Vong hồn Cụ đâu chứng giám kiểu ăn cướp có ba tăng nầy mà kiếng với cúng.’
Tôi buột miệng nói một câu lãng nhách, hớ vô cùng:
‘Thôi mình lấy một trái xẻ ăn, còn bao nhiêu trả lại tụi nó.’
Sáu Hấu đỏ bừng mặt, lớn tiếng phản đối:
‘Ông là Việt Kiều mà nói vậy nghe được sao? Muốn ăn thì tôi ra chợ mua về một cặp mình ăn cho đã luôn. Của nầy là của bá vơ, ăn nuốt làm sao trôi khỏi cổ?’
Tôi phải cười mơn, giả lả là nói chơi, ông Sáu Hấu lâu lắm mới nguôi nguôi cơn giận.
Lúc sau tôi giả bộ thiệt thân tình hỏi về vợ con, ông ngâm nga theo điệu thơ Quê Hương … Chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi. Rồi ông kéo áo lên khỏi bụng:
‘Xin lỗi ông Việt Kiều nha, tôi không tính cho ông biết cái vụ nầy nhưng mà… Thôi! Cái thẹo chần vần như vầy mà vợ con gì nữa.’
‘Sao lạ vậy kìa?’
‘….Thuyền tui tới Hồng Kông sau khi ở đây đã hết hạn tiếp nhận người tỵ nạn cho nên họ nhốt hết nguyên đám vô tù. Rạc ràng chừng hơn hai năm thì có chuyện cưỡng bức hồi hương. Mẹ, mình đã đánh đố với Tử Thần để đi thoát mà bị cưỡng bức hồi hương vì là người khách đến trễ giờ thì có là ăn c. Biểu tình hoài mà họ cứ trói từng người liệng lên xe trả về, từng đợt, từng đợt. Tụi tui 9, 10 đứa xung phong rạch bụng tự tử để phản đối. Máu chảy ngập sân, nhầy nhụa đỏ gạch mà nhân loại ngủ hết, chẳng ai lên tiếng lên tăm. Mấy đứa chết thẳng cẳng, còn mấy đứa ngất ngư. Tôi tỉnh dậy thì thấy mình đương ở trên máy bay bay về nơi xuất phát, bụng còn băng mấy lớp, máu tươm ra thấm đỏ áo. Cô nhân tình bé bỏng mất liên lạc từ đó.’
Tôi thở dài:
‘Thôi thì là… số mạng hết ông Sáu à! Ở đâu cũng là do thiên định sẵn rồi. Bôn ba chẳng qua thời vận. Cần là mình sống cho phải đạo. Quét mộ Cụ Phan, ông ơi, phải đạo hơn ngàn lần làm Việt Kiều quậy phá, ăn cắp ăn gian tiền nọ tiền kia của đất nước rộng mở bao dung.’
Sáu Hấu vui hơn đôi chút, tâm sự:
‘Thời gian ở trại, những đêm mưa rỉ rã, âm thanh giọt mưa gõ lên mái tôn trong đêm vắng nghe như nhạc chết, nói lên cái tương lai đen tối của người chẳng có quê hương. Thêm buồn vì sự tranh đấu phải giữ kín, không dám lộ, tôi ngâm nga mấy câu thơ của Cụ Phan làm khi Cụ đi xa không thể ngủ:
Nằm không ngủ đêm thành dài vô tận,
Nín lặng thinh ý tưởng hóa thâm trầm.
Năm tàn hết chuyện ngày qua tồn đọng,
Trở thành xưa cổ tích của ngàn năm.
Sông trôi chảy sánh thời gian tuôn lướt,
Vầng trăng kia soi mượt đỉnh cô phong.
Mang tâm sự biết ai đâu kỳ vọng,
Khách địa buồn đau xoáy buốt thân tâm.
‘Về lại đất nước mình, sau thời gian lăn lóc kiếm ăn khó nhọc, tôi trôi dạt tới đất địa linh nầy. Thấy mộ Cụ Phan điêu tàn, gà bới, chó chạy rong ị bậy, bọn trẻ xả rác lềnh khênh, mấy đứa chăn trâu đập bể đá cẩn, khẻ khờn mép bia… nhớ lúc ở trại trong vòng rào kẻm gai, tôi nuôi sống tâm hồn mình bằng bài thơ Bất Mỵ của Cụ nhờ đó khỏi điên, khỏi nhảy lầu, tôi phát nguyện….’
Tôi đứng bật dậy, đưa hai tay bắt tay người bạn già, nâng niu như bàn tay một người trưởng thượng trong gia đình lâu ngày không gặp. Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau, chẳng cần nói điều gì thêm.
Mấy năm rồi hễ có ai về tôi đều nhờ ghé tìm thăm ông Sáu Hấu của tôi. Chẳng ai cho được một chi tiết cụ thể nào. Ai cũng nói hỏi không ra, không biết ông đi đâu rồi. Cái ao cá hố bom trước nhà ông bây giờ đã lấp mất, biến vào Không như dật sử đời ông. Sau cùng có người mơ hồ cho tôi biết ông vấp miễng sành hay đạp miểng bom, đinh sét gì đó rồi bị phong đòn gánh giựt chết. Riêng tôi nghĩ rằng ông đã lìa bỏ xác phàm, xa rời cõi có không trần cảnh để đi vào Cõi Không rốt ráo. Ông hóa thân xuống ban dạy từ bi cho người đời, thức tỉnh lòng hỉ xã trong tôi lâu nay đương mê ngủ. Có thể công nghiệp đã xong, ông chọn cách tịch gây nhiều cảm xúc nhằm nhắn nhủ gì đó với đời, chẳng hạn như: Đất nước chưa thật sự an lành, nỗi rủi ro bất hạnh vẫn đương rình rập dân đen từng giờ… Biết đâu được nà! Bài học ở đời nhan nhản quanh ta, khó là tự ta phải biết tìm ra bài để học.
Ở phương trời xa xôi, đôi lúc ngồi ngắm mây trời phiêu lãng trôi, nhớ xứ sở, tôi trách thầm khi thấy mình ngày đó ngu ngơ không giải nỗi bài toán tại sao lại quét mộ Cụ Phan. Ông Sáu Hấu đã gián tiếp cho lời gợi ý: ‘Giữa người yếu không thể tự vệ là dân ba tỉnh Miền Nam và kẻ xách vũ khí đi xâm lược là thực dân Pháp ai là kẻ đáng tôn vinh, ai là người nên xếp vào hàng bất xứng?’
Nguyễn Văn Sâm
Victorville, CA, June 1-10, 2011
Lời người viết truyện:
Ông Sáu Hấu à! Thường truyện ngắn viết hết truyện thì thôi, thậm chí tác giả cũng không có quyền giải thích về tác phẩm của mình, phải trao toàn quyền hiểu như thế nào cho từng độc giả. Xin ông Sáu Hấu bỏ qua cho vài ba điều ông không muốn nói mà tôi đã nói, nhiều đoạn tôi hơi cường điệu chút đỉnh. Ông còn sống hay đã mất quan trọng đối với một đời người nhưng không quan trọng đối với bài học người đó trao truyền cho đời, do đó tôi nói lại chuyện của ông mà sẽ không đi tìm nơi ông an nghĩ dù chỉ để thắp một nén hương. Xin ông hiểu cho.
Về các chi tiết: Lăng mộ cụ Phan và Cụ Võ ở tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, cùng huyện.
Câu đối ở mộ Cụ Võ:
Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử.
Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong.
Bài Bất Mỵ (không ngủ) của Phan Thanh Giản trong Lương Khê Thi Thảo: Bất mỵ tiêu hà vĩnh/Vô ngôn ý chuyển thâm/Chung tuế tích xuân hạ/ Lãi vãn thành cổ câm/Giang lưu tranh nhật quỹ/ Minh nguyệt quá cô sầm/Hữu hoài phục thùy ngữ/ Đao đao du tử tâm. (Nguyễn Văn Sâm dịch.)