Người Gìn Giữ Quá Khứ

Nguyễn Văn Sâm

Tu tập có muôn vạn pháp môn,

chọn đúng pháp môn của mình cần can đảm

vượt qua những khó khăn. (NVS)

1.

‘Bình đã đậy nắp, đổ nước hoài cũng không đầy. Tính chất nóng lạnh của nước, mùi vị của trà trong đó cũng không thay đổi được!’

Vị sư trung niên mặc áo dà, đầu cạo trọc sát, một chút tóc vừa mới lú lú ra trên đỉnh đầu hơi dài hơn những chỗ khác chút xíu, ý chừng được dưỡng theo ý của chủ nhơn, đẩy cửa tăng phòng thiệt nhẹ nhàng, nói với chú Tuấn trong khi bước qua ngạch cửa. Nét mặt sư thanh thản, khác với nội dung câu nói, khiến chú để tâm hơn tới ý nghĩa câu nói và chú ý đến quyển sách cũ kỹ, mỏng tanh mà sư đương cầm trên tay.

Tuấn liếc nhìn cái tựa: Bồ Tát Giới Pháp Diễn Âm. Chú nói nho nhỏ với mình: Sách Nôm, một trong số kinh rất hiếm hoi do người Việt Nam viết và khắc in cuối thế kỷ 19. Chuyện Đức Phật sai Bồ Tát A Nan Đà hóa độ một thái tử nọ đắm mê sắc dục. Thái tử chỉ tu hành một ngày trước khi chết thôi mà vẫn được độ sanh vào miền Cực Lạc.

Mình đã bị sách mê hoặc suốt đời, sư Quán Thông đây còn bị mê hoặc hơn mình. Chú Tuấn nghĩ thiệt mau. Rồi không từ chối cái vẫy tay mời của chủ nhơn tăng phòng chú bước theo qua khỏi ngạch cửa. Sư dặn trong khi vói tay bật nút mở đèn.

‘Xin kéo cửa lại giùm.’ Chủ nhơn thêm cho nhẹ hơn câu sai khiến của mình: ‘Để cho căn phòng ấm cúng vậy mà.’

Chú đưa mắt chung quanh. Bốn tủ kiếng dựa vách đầy sách. Sách cũ xưa Nôm, Hán, sách kinh kệ khắc bản đầu thế kỷ trước, tất cả đều ngăn nắp, ngay ngắn. Chủ phòng mời trà. Cử chỉ chuyên trà của chủ thiệt đĩnh đạc. Trong khi trịnh trọng đẩy chén trà ra trước mặt khách, sư nói chậm rãi:

‘Nói với chú như vậy vì tôi được sư phụ trụ trì khuyên dạy nhiều lần nhưng vẫn chưa bỏ được tánh mê sách, vẫn dùng nhiều thời giờ cho sách vở hơn kinh kệ.’

Khách mỉm cười sau câu nói của chủ, chưa thể góp ý, chỉ đưa mắt theo sự mời gọi của những quyển sách trong tủ.

‘Đó là cái duyên, nói lý thuyết hơn đôi chút là cái nghiệp. Tôi cảm thấy đọc một trang sách mới hay vài chục trang từng được đọc đi đọc lại thú vị hơn là tụng một thời kinh. Tội lỗi của tôi nằm ở đó. Nặng lắm mà chưa biết tính sao.’

‘Như vậy trong những buổi lễ, trong thời kệ kinh thường nhựt thầy đã không chuyên chú, cái tâm viên ý mã của thầy chạy nhảy lung tung không kềm chế?’

‘Cũng không hẳn như vậy.’ Thầy Quán Thông nhẹ nhàng vừa xác định vừa phủ nhận. ‘Chỉ nghĩ về những quyển sách mới vừa trao đổi hay mới thủ đắc, chỉ nghĩ đến những đoạn văn hay những chữ Nôm quá mắc mình vừa mới khám phá cách đọc, những ngữ nghĩa mình mới suy nghiệm, từ đó khám phá ra những ngữ ý mới mà người xưa kèm giấu trong sách. Nói chung, cái tâm mình động vì nội dung sách chứ không vì những thứ khác, kể cả chính quyển sách. Nhiều khi dựa trên đó tôi tự bào chữa mong nhẹ bớt cái tội lỗi mình đã phạm.’

Khách trịnh trọng bưng chén trà lên, đưa cao tận miệng, không cúi đầu xuống, chỉ chu môi húp từ hớp nhỏ, khi trà gần cạn chén, khách đặt lại trên dĩa, thở dài:

‘Thầy để lòng mê sách lôi kéo quá xa. Như một cỗ xe mà người cầm cưong để cho tuấn mã chạy vào con đường cấm. Người trần như tôi thì được. Như thầy thì không. Tu hành!’

Khách cố tình nhấn mạnh hai chữ tu hành nhưng không lý giải gì thêm.

Cái cười gượng gạo điểm pha chút xấu hổ, thầy Quán Thông nhẹ nhàng:

‘Như đã nói với chú, tâm tôi như bình trà đã được đậy nắp rồi, đổ bao nhiêu thêm nữa cũng chẳng vô bình. Bỏ tánh ham quí sách vở để chuyên chú vô kinh kệ nhứt thời tôi đành cáo lỗi không làm được. Người tu hành không ngại hơi thở mình ngừng, nhưng tôi vẫn lo có điều gì thì công việc cho quyển sách lớn đời mình không hoàn thành.’ Ngừng chút xíu thầy nói thêm. ‘Và nhiệm vụ giữ gìn quá khứ không viên mãn.’

Chú Tuấn nói ngay mà không sợ bạn giận. Chú nói trong cái cười nhè nhẹ:

‘Coi chừng cái tâm vọng tưởng về danh tiếng núp đâu đó trong hình thức viết lách cống hiến cho đời.’

‘Cũng có thể là như vậy, cái tâm muốn có danh tiếng biến hóa khôn lường khiến mình không nhận chân được bản lai diện mục của nó, chỉ thấy được biến tướng của nó là lòng muốn viết và sự cố gắng viết như là một lý tưởng cao đẹp thôi. Mà sư phụ tôi thì không vui gì với những sưu tập sách vở và trang viết của đệ tử, vốn chẳng phải là kinh kệ theo đường truyền thống lâu nay.’

‘Thầy nói giữ gìn quá khứ?’

‘Vâng! Giữ gìn sách xưa là giữ gìn quá khứ nếu ta chịu đọc, suy nghiệm từ đó rồi lọc ra những điều hay đẹp để thực hành. Nếu chỉ sưu tập rồi giữ sách cho thiệt nhiều thì là chuyện khác.’

Khách đưa mắt trên một quyển sách đóng bằng giấy bản dầy trên có đặt một cây bút lông.

‘Đấy cũng là một cách giữ gìn quá khứ của tôi…. Chú biết rồi, một phần triệu triệu của phút giây trước đây là quá khứ, một phần thiệt nhỏ của phút giây sau đây là tương lai. Cái giây phút nhỏ nhít gọi là hiện tại có mà không có bởi vì nó sẽ biến mất ngay. Người đời cứ chăm chăm vào cái hiện tại ảo đó mà bỏ quên quá khứ. Tôi trân trọng nó bằng cách ghi lại những gì xảy ra bây giờ. Dĩ nhiên người đọc từ đó sẽ thấy được quá khứ.’

‘Thầy làm công việc của Tư Mã Thiên?’

Có tiếng gõ cửa rụt rè bằng những tiếng nhẹ, rời rạc. Chủ nhơn cất cao giọng nhưng âm thanh vẫn nhẹ nhàng, thân tình:

‘Cửa mở, xin mời vào.’

Một thiếu phụ đẩy cửa bước vô. ‘Con chào thầy, cháu chào Bác!’

Chủ nhân tăng phòng giới thiệu:

‘Nguyên Tịnh, chuyên viên Hán Nôm, người rất thích tìm hiểu về những vấn đề cơ bản của Phật đạo.’

Hai người khách chào nhau.

Một áng mây vẩn đục bay qua trong trí chú Tuấn. Người đẹp thanh mảnh, duyên dáng như vậy đến liêu của thầy, chuyện nầy xốn mắt quá, chú Tuấn trầm ngâm ngó người nầy, đảo mắt sang người kia xong rồi ngước nhìn lên bức tượng Bồ Đề Đạt Ma quảy dép sang sông. Người thiếu phụ ý chừng không quan ngại cái nhìn và những diễn biến trong tâm của chú, cứ thảo luận với chủ nhân tăng phòng về chữ tâm mê, về mấy từ khó hiểu trong các hội 5, 6 của bài phú Cư Trần Lạc Đạo.

Chú mơ mơ màng màng nghe như tiếng thiếu phụ:

‘Tâm mê trần gian coi mọi sự trên đời là thật. Thiệt ra mọi vật trên đời là ảo, chỉ hiện diện một thời gian rồi mất, tan biến vào cõi vĩnh hằng… cũng chẳng có nam nữ, chỉ có linh hồn và tục thân, tục thân hiện ra dưới hình thức nầy kia. Người mạnh kẻ yếu, người kẹp kẻ xấu, người nam kẻ nữ …’

Chú bừng tỉnh khi tiếng giảng và tiếng hỏi ngừng khá lâu. Chú mở mắt thấy cả hai đương nhìn mình ái ngại. Chú hơi sượng sùng, trở bộ ngồi, tự mình lấy lại chút bình tĩnh bằng cách hớp hớp những hớp nước bự trong tách…

‘Chú coi bộ hơi mệt, nên nghỉ ngơi. Mười năm kia ai bị cũng dễ mất sức, bịnh hoạn…. Mấy quyển kinh sách chú hỏi mượn đã được để sẵn trên bàn đằng đó. Cứ yên tâm cầm về xem, đừng ngại. Sách là để đọc, không phải để trưng bày hay làm của.’

Chú Tuấn liếc nhìn vẻ mặt thanh thoát, đẹp đẽ và hai bàn tay thon thả của người thiếu phụ đang chắp trước ngực…

Hình như cái xốn xang trong mắt đời của chú vẫn còn quanh quất, chưa chịu tan biến…..

2.

Tám tháng sau chú Tuấn lại đạp xe đến chùa. Tăng phòng cũ của vị sư bạn đã được giao cho sư khác. Thầy Quán Thông bây giờ dọn vô một liêu phòng nhỏ cất tạm xa xa, trước rìa nghĩa địa chùa. Thầy để tóc như người cư sĩ tại gia. Áo nâu sòng nhưng không phải là áo tràng của người xuất thế. Thầy mời chú vào thảo liêu với cái mỉm cười.

‘Xin mời vào! Xưa Khổng Minh thanh thản ở mao lư, nay tôi ngự thảo liêu thì cũng như nhau thôi.’

Thầy quay lui, ngó ra ngoài nội, cũng vẫn là câu biểu nhờ nhưng lần nầy nghịch lại:

‘Thôi chú cứ đề cửa mở cũng được. Ta hưởng chút khí trời buổi xế chiều.’

Sách vở nhiều hơn và bề bộn hơn. Nhiều quyển mở ra để trên bàn với những tờ giấy nhỏ ghi chú chằng chịt. Nhiều quyển tự điển nầy nọ dầy cộm mở ra có cây viết đặt vào để làm dấu.

Chủ nhân mở đầu:

‘Nay tôi chỉ còn thuần là một phật tử, một cư sĩ tại gia. Sư phụ trụ trì không khuyên tôi hoàn tục, cũng chẳng muốn tôi hoàn tục nhưng người nói tâm tôi đầy sách vở của văn chương chữ nghĩa, tôi lại cứ ghi ghi chép chép nên tâm không có chỗ cho kinh sách nữa, sư phụ không nói tâm tôi như cái bình đầy đậy nắp, nhưng đại khái tương tợ như thế… Tôi hiểu nghiệp mình và nửa năm trước đã xin thầy cho được sống và tu theo lối của mình. Tôi dịch kinh viết bằng chữ Nôm của các thầy mấy thế kỷ trước, tôi nghiền ngẫm những bài phú của vua Trần, những bài thơ của các thiền sư đời Lý. Tôi xa rời kinh Hán tự, Phạn ngữ….’

Ngước nhìn bức tượng Bồ Đề Lạt Ma, chú Tuấn nhớ tới người thiếu phụ trước đây.

‘Thưa huynh, người tín nữ tha thiết đến chuyện tâm đạo tâm mê tôi hạnh ngộ lần trước bây giờ vẫn khỏe?’

Huynh Quán Thông sửa lại thế ngồi, đưa tay rót trà cho khách, ngó mông ra cửa. Ngoài nội bao la lửng lơ vài ba cụm mây trắng trên nền trời trong xanh. Gió làm lao xao cành lá những tàng cây trước mặt.

‘Tất cả các pháp đều vô thường. Biến đổi không cùng. Đời người như những đám mây kia. Như những cơn gió nọ.’

Chú Tuấn nghe như có luồng điện cao thế chạy xẹt từ chơn cẳng lên tuốt trên đỉnh đầu mình. Chú tròn xoe mắt ngó người đối diện nhưng không dám hỏi. Người cư sĩ đóng lại một cuốn sách đương để lật ra trên bàn, đem xếp chung vô với những cuốn để đứng trong tủ kiếng, đẩy đẩy nhẹ những quyển sách khác lại cho ngay ngắn, nói tiếp:

‘Nguyên Tịnh là người chăm chút trau dồi cái tâm của mình, nhưng cũng không lơ là chi mấy với tục thân. Nguyên Tịnh khám bác sĩ riêng hằng tháng suốt mấy năm qua vì bác sĩ là người bà con. Vậy mà 7 tháng trước nghe tin mình bị bướu não. Được khuyên mổ óc lấy khối u ra, Nguyên Tịnh từ chối với lý do nếu phải tới lúc hết nghiệp, phải để lại tục thân, thì chữa chạy cũng vô ích thôi. Đời sống vốn vô thường, cứ để cái vô thường hành sử quyền của nó.’

Lần nữa huynh Quán Thông ngó lên bầu trời. Một vài đám mây khi nãy đã tan, giờ có thêm vài đám mới. Huynh nhớ đến gương mặt của thiếu phụ thông minh có tinh thần tìm học, đã coi nhẹ một trong những nỗi khổ của nhân sinh. Huynh nhắc thêm:

‘Nguyên Tịnh xác quyết với tôi rằng con người mang tiếng khóc ban đầu mà ra, không phải vì đau đớn khổ sở mà là phản ứng của cơ thể để có thêm không khí khi mới thay đổi môi trường bên trong cơ thể mẹ sang môi trường bên ngoài đời. Và Nguyên Tịnh sẽ chứng minh rằng cái được gọi là khổ chót đời của nhơn sinh ai nấy đều sợ xem ra cũng không phải là cái khổ. Nó là một giai đoạn của quá trình. Tới giai đoạn nào thì ta chấp nhận giai đoạn đó. Giai đoạn chót là một phút giây cực kỳ ngắn, chủ thể chẳng kịp cảm nhận, vậy thì nó vô tính, sướng khổ hay gì gì thì là do người ngoài gán cho nó mà thôi. Không phải cảm thức của chính chủ thể.

Chú Tuấn gật gù. Đi ngược lại lời dạy căn bản lưu truyền mấy ngàn năm nay của đấng từ phụ sáng suốt ngàn đời không phải điều chú có thể chấp nhận được liền. Chú rụt rè ngó người đối thoại, nói cho có, vô thưởng vô phạt:

‘Nguyên Tịnh thông minh và can đảm. Không phải dễ dàng có được một người như vậy trên đời nầy.’

Ngoài kia có tiếng ồn ào cãi cọ của dân chúng và những người gọi là giữ gìn trật tự khu phố. ‘Mấy vụ kiện cáo khiếu nại xảy ra hà rầm mấy năm nay mà có ai giải quyết được đâu, miếng đất phía sau của Chùa cũng bị hăm he giải tỏa, sư trụ trì cứ chấp tay Mô Phật hoài chớ biết tính sao bây giờ!’

Huynh Quán Thông nói rồi đưa tay lên nhổ những cọng râu vừa mới nhú nhú ra ở dưới cằm. Hai người ngó vô mặt nhau xong cùng liếc mắt ra đường. Không khí bỗng nhiên nặng nề như đông đặc làm cho người ta phải è ạch thở.

Huynh kéo tủ, mở một cuốn sách ghi chú dang dở của mình ra, chấm chấm đầu bút lông vô nghiên mực Tàu, cầm ngang bút rồi nhè nhẹ gạt gạt đầu bút vô nghiên để mực không đọng trên ngọn, viết tiếp theo trang viết dang dở:

‘Tháng Mười năm nay dân oan thường bị đuổi dạt tan tác, một số nhỏ thoát chạy ngang chùa. Người tín nữ thường đem nước và xôi cúng dường cho họ đã siêu hóa hơn năm tháng nay không còn cúng dường cho họ nữa…’

Huynh ngừng viết hỏi người đối diện:

‘Mà chú Tuấn nầy, chữ dạt ngày nay viết Nôm sao cho đúng nhỉ? Hài thanh với dật, diệt, đạt hay cát?’

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA, 20 Dec.2013)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *