Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu chính là đạo con
Hải Bằng HDB
*
Trên toàn quốc Hoa Kỳ, ngày vinh danh người cha là ngày Chủ Nhật của tuần lễ thứ 3 trong tháng Sáu.
Tại sao vinh danh người cha? Ai là người có ý nghĩ đầu tiên về Ngày Của Cha? Con cái cũng như người phối ngẫu, nên làm gì để Ngày Của Cha có ý nghĩa đậm đà hơn hết?
Cô Sonora Dodd gốc ở Washington là người đầu tiên có ý nghĩ vận động cha Ngày Của Cha khi cô lắng nghe lời thuyết giảng về Ngày của Mẹ vào năm 1909 và cô tự hỏi tại sao lại không có một ngày tương tự cho người cha?
Nguyên cha của cô là ông William Smart, một cựu chiến binh của Cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ, đã ở vậy nuôi con khi vợ của ông qua đời lúc bà sinh hạ người con thứ sáu trong một trại miền quê ở miền đông Washington. Khi trưởng thành, cô Sonora cảm thông sâu xa về lòng vị tha của cha trong hoàn cảnh gà trống nuôi con. Cô nghĩ cha cô đã phải là người hết lòng tận tụy và hy sinh tất cả cho hạnh phúc của các con. Cha cô qua đời vào tháng Sáu, vì vậy cô chọn cử hành Ngày Của Cha đầu tiên tại Spokane, Washington vào ngày 19 tháng 6, 1910. Và cuộc vận động cho Ngày Của Cha bắt đầu từ năm đó.
Ngày vinh danh người cha được nhìn nhận muộn màng so với ngày vinh danh người mẹ.
Ngày Của Mẹ được nhìn nhận vào năm 1914, còn Ngày Của Cha được Tổng Thống Lyndon Johnson ký nhìn nhận vào năm 1968 tuy Tổng Thống Calvin Coolidge đã ủng hộ ý kiến nhìn nhận Ngày Của Cha từ năm 1924. Có lẽ vì người Mỹ thường quá bận rộn nên việc này phải chờ lâu mới dược giải quyết chăng?
*
Nhân loại hầu hết khởi sự cuộc sống theo chế độ mẫu hệ, nghĩa là, con cái chỉ biết có mẹ mà không biết tới cha là ai. Chẳng bao lâu sau đó, với trí khôn bén nhậy hơn, cả người nam và người nữ cùng cảm thấy sự gắn bó yêu thương đặc biệt với nhau bắt đầu nẩy nở và người nữ cần có sự che chở trung thành của người nam nên dần dần chế độ mẫu hệ chấm dứt nhường chỗ cho chế độ phụ hệ ra đời và cuộc sống có phân công rõ rệt: đàn ông lo săn bắt, đàn bà hái quả và trông nom con cái. Từ đó, địa vị đầu đàn của người đàn ông càng ngày càng được củng cố thêm.
Chế độ phụ hệ hình thành là một bước tiến dài trong cuộc sống của nhân loại. Con cái được bảo vệ và chăm lo đầy đủ và chu đáo hơn. Trách nhiệm của người đàn ông, người cha nặng nề hơn, tình yêu thương trong bầy từ đó nẩy nở, gắn bó hơn, và cuộc sống trở nên vui tươi hơn. Do đó có câu tục ngữ “đàn ông làm nhà, đàn bà tạo tổ ấm” (man makes a house, woman makes a home).
Tình cha con cũng như tình mẹ con là thiêng liêng phát xuất từ máu mủ nên trong lương tâm của cha mẹ cũng như con cái đều có tiếng gọi thiết tha của yêu thương và của nhu cầu tìm đến nhau để chia xẻ. Do đó, cha mẹ nào cũng hết lòng lo cho con, nhưng mỗi người chăm sóc và tỏ tình yêu thương một khác. Người mẹ ngọt ngào và khéo léo hơn trong việc cho con ăn uống; người cha ít ngọt ngào nhưng khôn ngoan hơn trong việc dạy bảo con. Con cái sẽ không thể nào quên được những tình thương trọn vẹn của cả cha lẫn mẹ. Lúc còn trẻ dại, chúng cảm thấy cha mẹ là nơi nương tựa, là lá chắn, là quê hương của chúng.
*
Người Việt chúng ta có tục thờ cúng tổ tiên, ông bà để tỏ lòng nhớ ơn. Ca dao có câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu chính là đạo con
Ðạo Phật và Ðạo Khổng sau này du nhập nước ta giúp những tình cảm thiêng liêng và những giá trị đạo đức xã hội căn bản được phát huy sâu rộng hơn. Ðây là một vài tư tưởng của cổ nhân đáng suy ngẫm.
Khổng Tử nêu lên đạo làm cha: “Cha mẹ nuôi con mà không dạy là không yêu con. Dạy mà không nghiêm cũng là không yêu con vậy. Cho nên nuôi con thì phải dạy; dạy thì phải nghiêm; nghiêm thì phải siêng; siêng thì tất làm nên được.”
Như vậy, phải nên hiểu nghiêm là gì? Có lẽ nên hiểu nghiêm là nghiêm cả với chính mình chứ không chỉ nghiêm với con. Nghiêm với chính mình tức là mình phải làm gương tốt trước. Cũng trong ý nghĩa đó, người Mỹ có câu “Ðừng lo con cái không nghe lời mà hãy coi chừng chúng đang nhìn những điều mình làm.”
Tư Mã Ôn nói: “Nuôi con không dạy là lỗi của người cha. Dạy dỗ không nghiêm là lỗi của thày học. Cha dạy, thày nghiêm mà học hỏi không nên người là lỗi của người con.”
Mạnh Tử nói: “Người xưa dạy con đổi cho nhau, vì chỗ cha con không trách thiện. Trách thiện thì xa nhau. Xa nhau thì không gì bất tường hơn.”
Lã Vinh nói: “Trong không cha, anh hiền; ngoài không thầy, bạn tốt mà nên người được thì ít có lắm vậy.”
Tóm lại, người cha được coi là chủ gia đình và có trách nhiệm dạy con. Dạy con thì phải nghiêm bao hàm ý nghĩa là chính mình phải nêu gương đạo đức như “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, chứ không phải là nghiêm khắc với con. Những giá trị đạo đức này, người Mỹ đều nhìn nhận và phát huy chặt chẽ.
*
Nhà thơ Khiết Châu Nguyễn Huy Hùng ở Cali (cựu Đại Tá Sĩ Quan Truyền Tin/QLVNCH) có bài thơ Ngày Của Cha như sau:
Ngày của Cha: Father’s Day
Ðất Mỹ có ngày để nhớ cha
Hàng năm, tháng Sáu, trẻ bên già
Chia nhau chiếc bánh mừng thương bố
Sương gió, bụi đời xám nếp da
Ðất Mỹ có ngày để nhớ cha
Vì dân, vì nước phải bôn ba
Ðêm ngày gian khổ không sờn chí
Tóc bạc, răng long vẫn diệt tà
Ðất Mỹ có ngày để nhớ cha
Canh khuya thao thức vọng quê nhà
Chiến binh hoài bão còn giang dở
Vững chí đường dài chẳng ngại xa
Ðất Mỹ có ngày để nhớ cha
Gương trong: Thành, Tín, Lễ, Trung, Hòa
Ðuốc ngời: Hiếu, Nghĩa, Nhân, Liêm, Dũng
Con cháu nhờ ơn phước Bố Già
*
Người Mỹ cũng đề cao vai trò người cha và con cái nên phải vinh danh người cha.
Có những câu đáng suy ngẫm như sau:
· Cha tôi là ai; điều đó không quan trọng. Ðiều quan trọng tôi nhớ cha tôi là ai. (Anne Sexton)
· Một người cha hơn cả trăm thầy giáo (tục ngữ Anh)
· Con ngoan biết làm cha vui (A wise son maketh a glad father, Old Testament)
· Người con nào biết vinh danh cha sẽ sống thọ (he that honoureth his father shall have a long life)
· Một nhu cầu lúc còn nhỏ thật vô cùng cần thiết cho tôi là sự che chở của một người cha (Sigmund Freud).
Có mười điều răn đối với một người cha Mỹ là:
1. Cố gắng làm gương tốt (Strive to be a good example)
2. Yêu thương con cái (Love your children)
3. Yêu vợ (Love your wife)
4. Có sáng tạo (Be creative)
5. Dạy con cái biết tách rời bạn (Raise your children to leave you)
6. Dành thì giờ vui với con cái (Spend time with your children)
7. Nói chuyện với con cái (Communicate with your children)
8. Kỷ luật các con đúng mức (Discipline your children properly)
9. Phát triển óc hài hước (Develop a sense of humor)
10. Thích thú được là người cha (Enjoy being a father)
Ðối với sự tận tụy của người cha như vậy, con cái phải đền đáp lại như thế nào cho phải lẽ?
Các nhà hiền triết thuở trước bày tỏ những ý đáng suy ngẫm như sau:
Thiên Khúc Lễ viết:
Hễ làm con thì khi đi phải cho cha mẹ biết; lúc về phải cho cha mẹ hay; chơi phải có chỗ; nói năng chớ bảo cha mẹ là già. [góp ý]
Khổng Tử nói:
Cha còn sống, xem khí cha; cha mất, xem nết cha. Ba năm không thay đổi đạo cha, khá gọi là hiếu.
Tuổi cha mẹ không thể không biết. Biết để mà mừng và biết để mà lo.
Thái Công nói:
Mình hiếu với cha mẹ, con mình cũng sẽ hiếu với mình. Còn mình không hiếu, hỏi sao con hiếu được. Hiếu thuận sinh con hiếu thuận; ngỗ nghịch sinh con ngỗ nghịch. Chẳng tin, hãy xem nước mái nhà: giọt trước nhỏ sao, giọt sau nhỏ vậy.
Tăng Tử nói:
Cha mẹ yêu thì mừng và không quên ơn. Cha mẹ ghét thì mệt mà không oán. Cha mẹ có lỗi thì can mà không làm phật ý. [góp ý]
Mạnh Tử kể 5 tội bất hiếu:
(1) Chân tay lười biếng không làm nuôi cha mẹ. (2) Say mê cờ bạc, rượu trà, không nghĩ đến cha mẹ. (3) Ham tiền của, chỉ lo cho vợ con, chẳng đoái hoài tới cha mẹ. (4) Làm cho vui tai, sướng mắt và mang nhục cho cha mẹ. (5) Ham sức mạnh, thích đánh nhau để cha mẹ liên lụy.
Tăng Tử nói:
Hiếu là nết đứng đầu trăm nết. Hiếu cảm đến trời thì gió mưa hòa thuận. Hiếu cảm đến đất thì cây cỏ tốt tươi. Hiếu cảm đến người thì phúc, lộc, thịnh vượng.
*
Thời buổi nay ở Mỹ, cha mẹ thường không phải nhờ vả vào con cái nhiều như trước mà chỉ mong con cái biết nghĩ đến mình:
Một Tấm Lòng
Tôi chẳng cần chi – chỉ tấm lòng
Tấm lòng ưu ái nghĩ về nhau
Dòng thư thăm biết cha còn khỏe?
Cú điện hỏi xem mẹ có đau?
Quân tử xa xôi luôn nhớ bạn
Tiểu nhân kề cận vẫn quên bầu
Thần giao cách cảm vô biên giới
Quên mất, nhớ còn, rất nhiệm mầu
Hải Bằng HDB