Phạm Thành Châu
Năm nay là năm Thìn, cầm tinh con rồng. Chẳng ai thấy dung nhan con rồng ra sao. Nó là sản phẩm của tưởng tượng. Có điều, không hiểu ai đã đồng hóa con rồng của châu Á với con dragon của châu Âu. Một bên là con rắn (long), bên kia là con kỳ nhông, kỳ đà (dragon). Con rồng Á Châu tượng trưng cho cao quí, quyền năng (nhà vua) và nhân hậu (rồng hút nước, phun nước làm mưa giúp mùa màng xanh tốt) trong khi con dragon Âu châu vừa giống con khủng long vừa giống con hải mã (các ông thường ngâm rượu để uống cho mạnh gân cốt), là con ác thú, chuyên phun lửa đốt người ta. Bài nầy sẽ nói đại khái về con Dragon Châu Âu trước sau đó sẽ nói về con rồng Á Châu.
Con dragon, trong thực tế, có thật. Ðó là con vật ăn thịt, giống như con kỳ đà, rắn mối của ta. Bạn mở Google rồi đánh chữ “Dragon” thì thấy đủ loại Dragon. Con Dragon tiếng La Tinh: Draco, tiếng Anh, Pháp: Dragon, tiếng Ý: Dragone… Dragon nhỏ cỡ con thằn lằn, to lớn thì có con Dragon Komodo ở đảo Komodo, Indonesia, tên khoa học là Varamuo Komodoensi, dài 2 mét, nặng 150 ki lô. Tôi xem trong TV. thấy chúng ở chung với người trên đảo Komodo. Dân trên đảo phơi cá, chúng bò tới ăn, phải đánh đuổi. Hình như chính phủ nuôi chúng để hấp dẫn khách du lịch, nhưng cũng khá tốn kém, có mấy con trâu già chết, người ta mang cho chúng, chúng nhai sạch cả xương, lông. Không hiểu khi đói chúng có ăn thịt trẻ con không? chứ tôi thấy mấy đứa nhỏ lấy roi đuổi đánh chúng chạy vô rừng. Khi giành ăn, giành con mái, chúng đánh nhau rất hăng, máu me tùm lum mà vẫn cứ lăn xả vào nhau. Nhỏ hơn có con Dragon Volan mà ta gọi là thằn lằn bay, tên khoa học là Physignathus Cocinan. Miền thượng du Bắc Việt cũng có loại nầy. Có một loại tương tự lớn hơn, tên là rồng đất, người Tày gọi là Turong Ðang, người Mường gọi là Rềnh, dài khoảng 50 cm. Con chuồn chuồn không giống con dragon mà cũng được gọi là Dragon Fly? Có con cá dưới biển, màu sắc sặc sỡ, đầu dẹp cũng được gọi là con Dragonet. Ở Mỹ, có nhiều con dragon nhỏ được bày bán trong các tiệm bán thú nhỏ (pet). Mấy con nầy chẳng làm được tích sự gì, chỉ thấy bò tới , bò lui như con kỳ nhông vậy thôi (con tắc kè còn kêu được vài tiếng vào ban đêm). Tôi xem phim (vẽ) truyện cổ tích cho trẻ con Châu Âu, con Dragon được thêm vây, cánh, móng vuốt dữ dằn. Có con năm bảy đầu. Nó to như cái nhà, hiệp sĩ đến gần để chiến đấu thì nó phun lửa, chặt đầu, nó mọc lại đầu khác, phun lửa tiếp. Có khi nó bay trên trời, dùng móng vuốt bắt người. Cuối cùng chàng hiệp sĩ cũng giết được nó (hoặc bắn tên cho nó rớt xuống đất) để vào hang cứu công chúa (và để vui lòng lũ trẻ), tương tự chuyện Thạch Sanh, Lý Thông của ta vậy. Dragon là con ác thú, các ông gọi mấy bà dữ dằn, ác phụ là Dragon lady.
Bây giờ qua chuyện con rồng của ta.
Chưa ai thấy con rồng thật, tôi cũng chưa thấy, nên tôi chỉ dựa vào sách báo, truyền thuyết, tranh vẽ, hình tượng để để trình bày với hi vọng quí độc giả có được những giây phút giải trí thoải mái trong mấy ngày xuân.
Hình tượng con rồng có từ khi nào? Có thể khẳng định, rồng có từ thời lập quốc nước Việt Nam ta. Sử Trung Hoa có nhắc đến con Giao Long, là con rồng của người Giao Chỉ. Các di chỉ lịch sử của Trung Hoa không thấy hình tượng con rồng (chỉ có con lân), mãi đến đời Tuyên Ðức (1426-1435) mới thấy rồng xuất hiện trên các đồ đồng, đồ gốm, đồ sành (ông vua nầy chỉ thích đá dế, sao lại thích con rồng?). Ðến đời Thành Hóa (1465-1487) mới thấy xuất hiện Long Phụng Hòa Minh rồi Phụng Mao Lân Giác… Ngay cả đến con Phụng Tàu cũng chỉ xuất hiện sau Phụng Việt ít ra cũng 400 năm. Ðời Lý, thế kỷ 11, phụng đã thấy xuất hiện trên đồ gốm, đồ đồng rồi. Con phụng Việt dáng uy nghi nhưng nặng nề, người Trung Hoa “chế biến” con phụng Việt thành bay bướm, rực rỡ, thanh thoát ra vẻ mẫu nghi thiên hạ (phụng tượng trưng cho hoàng hậu). Xem thế từ thời thượng cổ, người Lạc Việt đã vẽ hình giao long trên người để tránh bị giao long làm hại, thuyền bè cũng vẽ con mắt phía trước mũi thuyền, mục đích đồng hóa với giao long. Người Mường (gốc người Việt cổ) gọi con rồng là Prudồng và con thuồng luồng là Tu Luông. Con rồng ở Việt Nam không chỉ dành riêng cho vua chúa mà dân gian cũng có thể dùng hình tượng rồng, chỉ khác biệt là con rồng, tượng trưng cho nhà vua thì mỗi chân có năm (5) móng, rồng của các quan bốn (4) móng, dân chúng (các đình chùa, miếu đền) chỉ được làm hình con rồng ba (3) móng thôi. Ra Huế, bạn thăm cung điện, lăng tẩm các vua đều thấy rồng năm móng, Ðồ cổ, có hình vẽ rồng năm móng là biết đó là đồ ngự dụng (vua dùng), rất có giá trị. Nếu có lên Ða Lạt, nhớ ghé thăm biệt điện Bảo Ðại, bạn xem trong tủ triển lãm đồ ngự dụng, có một bình trà (cho vua dùng) vẽ hình con rồng sẽ biết. Thời các vua nhà Nguyễn, có lịnh cấm dân chúng dùng hình tượng con rồng. Theo Khâm định Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ , quyển 186 về luật lễ thì “Nếu thêu vẽ con rồng, con phượng, giao long thì quan hay dân đều bị phạt 100 trượng (đánh bằng gậy) và lưu đầy 3 năm. Quan thì cách chức, thợ làm bị phạt 100 trượng”. Ðến thời Pháp thuộc, triều đình nhà Nguyễn chỉ là bù nhìn nên chẳng ai sợ lệnh vua mà phải tuân hành nên đình chùa, miếu võ, các đồ dân dụng (ấm, tách, đĩa, chén) vẫn vẽ con rồng, có khi rồng năm móng!
Huyền sử Việt Nam có kể rằng chúng ta là con Rồng cháu Tiên (các cháu gặp người “ngoại quốc” có thể tự giới thiệu “We are children of the Dragon and the Fairy” nhưng nhớ chỉ rõ hình con rồng chứ không phải con dragon, khủng long hay ác thú phun lửa giết người, và cô Tiên của chúng ta là người đẹp bằng người thật, nhân hậu và có phép tiên, chứ không phải cô tiên có cánh, bé tí xíu như con ong, tay cầm chiếc đũa thần, nhấp nháy như pháo cầm tay thường xuất hiện trong các hình vẽ và phim cổ tích cho trẻ em ở Châu Âu).
Sách xưa có ghi rõ về các loại rồng như sau: Rồng có cánh gọi là Ứng Long, rồng có sừng gọi là Cù Long, không có sừng gọi là Ly Long, rồng có vảy gọi là Giao Long (con rồng ở xứ Giao Chỉ. Giao Long thường xuất hiện ở bến sông thành Ðại La và Long Biên). Rồng 500 tuổi thì có sừng, 1000 tuổi thì có cánh, rồng chưa bay lên được thì gọi là Bàn Long. Trung Hoa đem con Giao Long (của xứ Giao Chỉ) ra “vẽ rắn thêm chân” (đầu lạc đà có sừng, tai bò, bốn chân, râu ria, móng vuốt trông rất hùng vĩ, dữ tợn) phổ biến đến các nước chung quanh nên nước Nhật chọn con rồng đen là rồng thiêng của họ (trước 1945, có đảng Hắc Long của Nhật), và con Thanh Long là rồng thiêng của dân tộc Triều Tiên.
Trở lại tục xăm mình của người Việt mà đến đời Trần vẫn còn giữ và con rồng đời nhà Lý chỉ là con rắn có vảy, có chân đến đời nhà Trần mới dùng hình tượng con rồng (có vây, kỳ) như của người Trung Hoa. Nhưng con rồng có thật hay không? hay biến dạng từ con vật nào? Theo các nhà nghiên cứu về tục xâm mình và con rồng Việt Nam thì có lẽ đó là hình ảnh con thủy quái. Họ suy luận rằng: Thời thượng cổ, đồng bằng sông Hồng và vùng bờ biển vịnh Hạ Long (vịnh rồng đáp xuống) còn rất hoang vu, thú dữ đầy dẫy. Người Việt đánh cá thường bị loại thủy quái nầy sát hại. Họ sợ hãi và nghĩ cách xâm hình con thủy quái lên toàn thân, hi vọng chúng tưởng đồng loại mà không ăn thịt. Loài thủy quái nầy rất to lớn, chúng thường băng qua sông hoặc lội từ đảo nầy qua đảo kia ở vịnh Hạ Long để săn mồi. Vì là ác thú hại người nên con người phải chiến đầu, tiêu diệt chúng để sống còn, giống như đã tiêu diệt hổ báo, cá sấu ở nam bộ thời người Việt mới đến khai phá. Tuy vậy đến thời Pháp thuộc, loài thủy quái nầy vẫn còn. Xin trích sau đây một số tài liệu liên quan đến con thủy quái mà người ta gọi là rồng biển, có ghi nhận trong các “Nhật Ký Hải Trình” của hải quân Pháp trên vịnh Hạ Long như sau. Theo Oudemans người ta đã trông thấy rồng hiện ra 134 lần từ năm 1802 đến năm1890. Ông Oudemans đã được trông thấy rồng hiện lên ở vịnh Hạ Long (bai d ùAlong) nên ông có tả rõ hình con rồng dài từ 15 đến 30 thước, đầu nhỏ có râu, đuôi dài lắm, có 4 vây to, lúc ngoi dưới nước mình như con rắn. Vị chỉ huy tàu Avalanche là Lagrisill có kể chuyện rằng: Năm 1897, hồi tháng 7, tàu ông đang đi ở vịnh Hạ Long, thình lình, ở đằng xa, xuất hiện một vật đen đen, chiếu ống dòm thì thấy con rồng đang rẽ nước, ông liền cho tàu chạy đến gần độ 600 thước rồi ra lịnh lấy súng đại bác bắn một phát, nhưng không trúng, rồng lặn xuống nước. Rồng thở phì phào như con trâu đầm nước và phun nước lên cao như cá ông voi. Ngày 15 tháng 2 năm 1898 rồng lại hiện lên gần Faist-si-long, trên tàu bắn nhiều phát súng, cách rồng 3, 4 trăm thước, hình như có hai phát trúng nên thấy rồng cuộn khúc lên khỏi mặt nước và phun nước lên trên không. Chín ngày sau, từ tàu Bayard, một sĩ quan (quan năm) hải quân và tám hạ sỹ quan đang đứng chơi trên tàu cũng lại thấy rồng hiện lên, đầu nó nhỏ như đầu chó bể (phoque), lưng có gai như răng cưa”. Mới đây, vào năm 2009, ở vịnh Bristol (Alaska) người ta quay video được một sinh vật to lớn, dài khoảng 6 – 9 mét, di chuyển trong nước với cổ dài, đầu giống đầu ngựa. Giáo sư Paul LeBlond, trưởng khoa Khoa Học Trái Ðất Và Ðại Dương, đại học British Columbia cho biết, sinh vật trong video dao động lên xuống theo chiều dọc chứ không di chuyển sang hai bên như cá. Có thể đó là loài rắn biển khổng lồ, được gọi là Cadborosaurus, là động vật bò sát biển, thường xuất hiện ở các bờ biển Bắc. Như vậy, con Giao Long (con rồng của người Giao Chỉ) là có thật, đến thế kỷ 19 còn sống sót vài con và bị người Pháp tiêu diệt. Có phải con thủy quái ở hồ Loch Ness (xứ Scottland) cũng là bà con giòng họ gì với con giao long của ta chăng?
Năm 1925, giáo sư Gruvel xuất bản một cuốn sách nói về nghề đánh cá cũng có kể chuyện về con rồng biển. Theo lời ông bác sĩ Kremp, nguyên quản đốc viện Ðông Dương Hải Học đã nghe một người Nam phần, 56 tuổi, chủ thuyền ở sở Thương Chánh Sài Gòn thuật lại rằng, năm 1883, có trông thấy trên bể một con rắn biển to bị sóng đánh giạt vào. Con rắn bể nầy dài 19 thước, lưng rộng 1 thước và có nhiều đốt. Da nó xám, cứng, gõ kêu như sắt tây (Theo Nguyễn Công Huân, Văn Hóa Nguyệt San, T. XIII, Q I, Sài Gòn 1964, tr. 26-30).
Trở lại chuyện con rồng. Vì là con vật được tượng trưng cho cao quí, sang trọng, quyền năng và nhân hậu nên các vua tự xem mình là rồng, những gì thuộc về nhà vua đều thêm chữ long vào. Long nhan (mặt rồng), long sàn (giường vua nằm), long xa (xe vua)… Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung có “Ðồ Long Ðao” (đồ long là giết rồng) là cây đao sẽ dùng để giết vua Mông Cổ giành lại nước Trung Hoa cho người Hán. Người Việt mình rất thích dùng chữ “long” để chỉ các công trình, địa danh. Long Biên, Hàm Rồng, Long Hải, sông Cửu Long, thành Thăng Long… ngoài ra còn có Long Beach (bãi biển rồng), Long Island (đảo rồng) ở xứ Mỹ, và Longine (con rồng nằm trong đồng hồ?) của Thụy Sĩ nữa!
Hiện nay người ta thích vẽ, tạc tượng con rồng ở các đình chùa, miếu đền và cả các công viên, khu giải trí. Dài nhất Việt Nam là 2 con rồng bằng xi măng trước đền thờ Ngọc Hân công chúa và vua Trần Nhân Tông, cách đàn Nam Giao 6 km trên núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, thành phố Huế. Con rồng xi măng nầy dài 105 mét, thân cao 2,5 mét, đầu cao 3,5 mét. Trong truyền thuyết, có con rồng dài gần chục nghìn cây số, từ thành phố cổ Hội An đến nước Nhật. Người ta kể rằng. Nước Nhật thường hay động đất vì có con rồng nằm dưới đó, thỉnh thoảng cựa mình là đất đai rung chuyển, cây đổ, nhà sập. Thầy địa lý Nhật bảo rằng, mình con rồng ở Nhật nhưng đầu nó ở tận xứ Việt Nam. Vậy nên, vào đầu thế kỷ 15, thầy địa lý Nhật đến xứ Ðàng Trong (của chúa Nguyễn), tìm long mạch thì thấy ở Phố Hội có đầu con rồng nằm dưới một rạch nước, họ bèn xây đè lên (đầu rồng) một cây cầu, xây thêm trên cầu một ngôi chùa, có tượng ông (thần) tướng cầm cây gươm, ghìm ngay đầu con rồng để kềm chế, không cho nó cục cựa, vậy là nước Nhật bớt động đất. Ðó là Chùa Cầu, tỉnh Quảng Nam, đến nay vẫn còn, như một kỷ niệm của người Nhật tặng cho dân Hội An, nhiều người gọi đó là cầu Nhật Bản, có ghi công trình nầy ở các bia đá trên cầu. Ðến Hội An xem Chùa Cầu, bạn nhớ vô chùa (ngay trên cầu) sẽ thấy rõ tượng ông (thần) tướng cầm gươm. Có lẽ người dân Hội An thêm thắt vô cho bọn trẻ chúng tôi tin là thật, sau nầy, đọc sách chúng tôi mới biết là khoảng thế kỷ 15, 16, người Trung Hoa và người Nhật đến phố Hội lập thương cục buôn bán. Phía bắc phố Hội bên kia con rạch là nơi cư ngụ của người Nhật, phía nam của người Tàu. Người Nhật xây cây cầu để tiện đi lại, nhưng sách vở không nói về chuyện ngôi chùa (miếu) thờ ông thần nào đó, tướng tá, võ phục trông giống của người Nhật.
Bây giờ, để chấm dứt bài con rồng, tôi xin hiến quí vị tuổi Thìn (con rồng) một quẻ bói. (Xin lỗi, tôi không có quẻ tuổi Thìn cho quí bà). Ðàn ông tuổi con rồng thường gặp may mắn. Năm nay lại càng may mắn hơn vì là năm Giap Thìn. Người tuổi Rồng có thừa sức khỏe, năng nổ nhưng dễ bị kích động và mất thăng bằng. Cực kỳ ương ngạnh nhưng ăn ở có đức độ, không biết đạo đức giả. Ðược thiên hạ kính nể, có thế lực. Tuổi Rồng hăng hái ít ai sánh kịp. Thời trẻ hay gặp trắc trở, lớn lên vùng vẫy như rồng có cánh tuy cũng lắm thăng trầm, về già nhàn nhã. Tuổi Rồng hợp với tuổi chuột, rắn, khỉ, gà. Kị nhất với tuổi trâu, chó. Năm nay, tuổi Rồng khá giả, yên thân, miễn là đừng giao dịch, tiếp xúc với người cùng tuổi Thìn (con rồng) vì là năm Rồng lại nằm ở cái thế “lưỡng long tranh châu”, chưa biết thắng bại ra sao?
Bài con Rồng xin chấm dứt, sang năm xin hầu quí vị chuyện con Rắn, năm Tỵ.