Mùa Phục Sinh, nói về: Giáo Hội chuyển mùa (phần I)

Đinh Từ Thức

h1
Giáo Hoàng Francis, hình vẽ trên tường (graffiti image) tại Saint-Romain-au-Mont-d’Or, France.
h2

Chuyến thăm nước Mỹ của Giáo Hoàng Francis vào cuối tháng 9, 2015, đã được coi là chuyến đi lịch sử. Tuy lãnh đạo hơn một tỉ giáo dân, còn kém số dân Tầu dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình, nhưng chuyến đi của nhà lãnh đạo thần quyền đã che lấp chuyến đi của nhà lãnh đạo thế quyền, cùng đến Mỹ trong một tuần. Truyền thông Mỹ và thế giới đã bình luận sôi nổi, loan tin và theo dõi sát từng bước đi, từng cử chỉ và lời nói của Giáo Hoàng. Người ta đã gọi Ngài là Giáo Hoàng Nhân Dân, Giáo Hoàng Cách Mạng, Giáo Hoàng Cấp Tiến, thậm chí, có người còn chụp cho Ngài cái mũ là Giáo Hoàng Cộng Sản.

Thật ra, nếu theo dõi kỹ, sẽ thấy Giáo Hoàng Francis không phù hợp với bất cứ nhãn hiệu nào vừa kể. Ngài là Giáo Hoàng trở về nguồn, “phúc âm hoá” (evangelization). Ngài là vị Giáo Hoàng Thứ Sáu vào thời kỳ Giáo Hội đang chuyển mùa. Chuyển từ thời đại xa rời Phúc Âm, trở lại con đường Phúc Âm.

Những ai sống ở miền ôn đới, khí hậu mỗi năm có bốn mùa rõ rệt, đều thấy vào thời gian từ mùa nọ sang mùa kia, gọi là chuyển mùa, nhiệt độ trồi sụt bất thường. Ví dụ từ Hạ sang Thu năm 2015, ngày chính thức đổi mùa là 23 tháng 9, nhưng không phải chỉ qua một đêm, cái nóng nực mùa Hạ bỗng chuyển qua mát mẻ của mùa Thu. Kinh nghiệm cho thấy, nhiệt độ thường thay đổi từ từ, mát dần, có khi đột biến nóng trở lại trong vài ngày, rồi lại mát, lên xuống nhiều lần, trước khi ổn định. Thời gian chuyển mùa này thường kéo dài nhiều ngày, có khi vài ba tuần.

Một năm có bốn mùa, mỗi mùa dài ba tháng, nếu chuyển mùa trung bình lâu ba tuần, là thời gian chuyển mùa chiếm khoảng 25 phần trăm thời gian toàn mùa. Giáo Hội Công Giáo đã tồn tại hai ngàn năm, thời gian mỗi mùa không bằng nhau, mỗi lần chuyển mùa ắt phải kéo dài trong nhiều thập kỷ, hay hàng thế kỷ. Nếu mùa Xuân của Giáo Hội xây dựng trên Phúc Âm là lời dậy của Đức Giê Su vào Thế Kỷ thứ 1, mùa Hạ từ thời Constanstine ở Thế Kỷ thứ 4 mở Nước Chúa bằng binh đao, mùa Thu từ Thế Kỷ 19 thoả hiệp với thế quyền để sống còn, thì Giáo Hội đang trong thời kỳ chuyển từ Thu sang Đông, bắt đầu từ khi Giáo Hoàng John XXIII lên ngôi vào tháng 10, 1958.

Từ John XXIII tới Benedict XVI

Sau mấy thế kỷ bị bách hại ban đầu, tiếp theo là nhiều thế kỷ Giáo Hội phát triển và tự bảo vệ bằng binh đao và toà án, quyền bính bao trùm cả thần và thế quyền, từ cuối thế kỷ 18 Giáo Hội bắt đầu gặp khó khăn từ các phong trào giải phóng, thế quyền nổi dậy ngay từ các vùng vốn là con cưng của Giáo Hội như Pháp và Ý, khiến lãnh thổ và quyền bính của Giáo Hội bị thu hẹp dần. Tuy số tín hữu thần phục Giáo Hội trên thế giới vẫn tăng, đạt con số hàng tỉ người vào cuối Thiên niên kỷ thứ Hai, nhưng sau Đại chiến thứ Nhất vào đầu thế kỷ 20, lãnh thổ mênh mông dưới quyền của Giáo Hoàng (Papal states) trước kia chỉ còn lại một khu rộng chưa tới một nửa cây số vuông, với “dân số” chưa tới một ngàn người, hầu hết thuộc nam giới, là Vatican City ngày nay.

Trước những điều kiện thực tế thay đổi khiến Giáo Hội phải thay đổi. Giáo Hoàng John XXIII kế vị Giáo Hoàng Pius XII vào tháng 10, 1958. Lên ngôi ở tuổi 77, dư luận không trông đợi tân Giáo Hoàng có những thay đổi lớn, nhưng chính Ngài đã mở đầu giai đoạn chuyển mùa bằng nhiều quyết định quan trọng. Tuy bề ngoài, Ngài vẫn giữ những hình thức cũ, vẫn đội vương miện ba tầng (triregnum) và đi kiệu (Sedia Gestatoria) vào ngày lễ đăng quang, mặc lễ phục rực rỡ như các Giáo Hoàng từ hàng nghìn năm trước. Nhưng sau khi lên ngôi, Ngài đã có nhiều thay đổi táo bạo, đáng kể hàng đầu là việc triệu tập Công Đồng Vatican II vào tháng 10, 1962. Tuy thời gian trị vì của Ngài chỉ có 5 năm, Công Đồng Vatican II chưa kết thúc, nhưng nhờ người kế vị Ngài vào năm 1963 là Giáo Hoàng Paul VI, thay vì những dự án riêng, đã tiếp tục hoàn tất công việc của người đi trước.

h3
Giáo Hoàng John XXIII được phong thánh cùng với Giáo Hoàng John Paul II vào tháng 4/2014

Với thời gian trị vì lâu gấp ba lần người tiền nhiệm, Giáo Hoàng Paul VI, mặc dầu trước nhiều chống đối ngay trong nội bộ Giáo Hội từ những người không muốn thay đổi, đã can đảm làm nốt những gì Giáo Hoàng John XXIII đã khởi sự. Ngoài ra, Ngài là Giáo Hoàng đầu tiên đi máy bay, đã mở những cuộc du hành xa tới 6 lục địa, tới Thánh Địa và Ấn Độ vào năm 1964, tới Liên Hiệp Quốc vào năm 1965, đồng thời, mở đối thoại với Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Phương Đông, và Anh Giáo. Về hình thức, Ngài vẫn giữ lễ đăng quang, đi kiệu và đội mũ ba tầng, nhưng chỉ một thời gian sau, qua cử chỉ bầy tỏ sự khiêm nhường để phù hợp với tinh thần thay đổi của Công đồng Vatican II, Ngài đã chính thức từ bỏ việc đội mũ ba tầng, mang ý nghĩa “cha của các hoàng tử và hoàng đế; người cai trị thế giới; và đại diện Chúa Giê Su dưới thế” (patrem principum et regum, rectorem orbis in terra vicarium Salvatoris nostri Jesu Christi).

Hồng Y Albino Luciani, tuy ít được biết tới ngoài nước Ý, nhưng Ngài đắc cử ngay vòng bỏ phiếu thứ ba vào ngày đầu mật nghị bầu người kế vị Giáo Hoàng Paul VI vào tháng 8, 1978. Ngài đột ngột từ trần vào cuối tháng 9, ở ngôi vị Giáo Hoàng có 33 ngày, chưa làm được điều gì cụ thể. Tuy nhiên, là người đầu tiên chọn danh hiệu Giáo Hoàng gồm tên của hai vị tiền nhiệm ghép lại, John Paul I, điều này chứng tỏ Ngài muốn tiếp tục công cuộc thay đổi của hai vị đi trước. Ngài cũng bỏ lễ đăng quang theo truyền thống, thay bằng lễ nhậm chức giản dị hơn.

Một trong những thay đổi có ảnh hưởng nhiều sau này của Giáo Hoàng Paul VI là vào năm 1970, Ngài định tuổi hưu trí của linh mục và giám mục là 75, và đến tuổi 80, Hồng Y không còn tham dự vào công việc của giáo triều nữa. Khi Ngài được bầu làm Giáo Hoàng, tổng số Hồng Y chỉ có 80, nhưng đến năm 1976, Hồng y đoàn lên tới 138, gồm nhiều người được chọn từ thế giới thứ ba, khiến số Hồng Y người Ý chỉ còn là thiểu số. Tuy vậy, Giáo Hoàng John Paul I được bầu mau lẹ, vì ngài từng là một trong hai Hồng Y được cố Giáo Hoàng Paul VI đặc biệt chú ý như những người sẽ kế vị Ngài. Người kia là Hồng Y trẻ Wojtyla, người Ba Lan, mới nổi nhờ những đóng góp cho Công Đồng Vatican II.

Ở mật nghị bầu giáo hoàng vào tháng 10, 1978, sau vài vòng phiếu đầu, vài ba Hồng Y người Ý nổi bật đã chia phiếu, không ai có hy vọng chiếm đủ đa số đắc cử. Trong khi ấy, Hồng Y trẻ người Ba Lan, Karol Wojtyla 58 tuổi, như ngôi sao đang lên, đã mau chóng được các Hồng Y cử tri không phải người Ý dồn phiếu cho, đắc cử ở vòng bầu thứ tám, với tỷ lệ tuyệt đối 103 trên 109 phiếu (có tài liệu ghi là 99 trên 108 phiếu), nối tiếp danh hiệu của vị tiền nhiệm đoản mệnh: John Paul II.

h4

Giáo Hoàng John Paul II vào năm 1991 – Hình L’Osservatore Romano

Là Giáo Hoàng đầu tiên ngoài nước Ý từ trên 400 năm, và cũng là Giáo Hoàng đầu tiên từ một nước cộng sản, ưu tiên của tân Giáo Hoàng là giải thoát Giáo Hội khỏi sự bức hại của cộng sản vô thần, đồng thời cũng góp phần giải phóng quê hương mình. Tuy còn trẻ, Ngài theo khuynh hướng bảo thủ; sống dưới chế động Cộng Sản, bị tấn công liên tục, bám vào những giá trị cổ truyền để bảo vệ Giáo Hội, đó là chọn lựa tự nhiên. Hơn nữa, xuất thân từ Ba Lan và với những kinh nghiệm sống từ Ba Lan, có lẽ, đối với Ngài, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ cũng giống như một phóng ảnh của Giáo Hội Ba Lan. Do đó, trong suốt hơn 26 năm trị vì, Giáo Hoàng John Paul II lo củng cố, hơn là thay đổi Giáo Hội. Về hình thức, Ngài cũng theo đường lối giản dị của vị tiền nhiệm, bỏ lễ đăng quang rườm rà, tất nhiên cũng bỏ luôn việc đội vương miện ba tầng và đi kiệu. Nhưng về nội dung, Ngài vẫn theo đường lối bảo thủ. Trong khi Ngài bôn ba, du hành khắp các lục địa trên thế giới, công việc giữ gìn kỷ cương của Giáo Hội được trao cho Hồng Y người Đức Joseph Ratzinger, một nhà thông thái về thần học và giáo sử có khuynh hướng bảo thủ giống ngài, đứng đầu Thánh bộ Giáo lý và Đức tin.

Trong gần ba thập niên thời đại John Paul II, Giáo Hội chẳng những không có thay đổi quan trọng nào có thể sánh với thời John XXIII và Paul VI, mà còn có chiều hướng muốn sửa lại những thay đổi từ Công Đồng Vatican II.

Sau thời gian đứng đầu Giáo Hội lâu gần đạt kỷ lục, và những thành quả vang dội liên hệ tới chính trị và ngoại giao thế giới của Giáo Hoàng John Paul II, không ai nổi bật là người có thể kế vị Ngài bằng chính cánh tay mặt của Ngài trong gần một phần tư thế kỷ, là Hồng Y Ratzinger. Tuy đã 78 tuổi, vị Hồng Y bảo thủ này đã được bầu làm Giáo Hoàng, với danh hiệu Benedict XVI, ở vòng phiếu thứ 5, mật nghị 2005. Tuy Giáo Hoàng là người ngoài nước Ý, nhưng cũng như vị tiền nhiệm, vẫn là người châu Âu.

Thoát khỏi bóng cả của Giáo Hoàng tiền nhiệm, tân Giáo Hoàng có toàn quyền theo đường lối bảo thủ của mình. Về hình thức, tuy Ngài cũng bỏ lễ đăng quang, không đội vương miện ba tầng do Công giáo Đức tặng, nhưng ngay từ đầu, Ngài đã chọn y phục, từ mũ áo đến giầy, chỉ dành riêng cho Giáo Hoàng từ hàng chục thế kỷ trước. Ngài làm sống lại nhiều trang phục rực rỡ từ lâu vắng bóng, đến nỗi tạp chí Esquire đã tặng Ngài danh hiệu “Accessorizer of the year” năm 2007. Trong khi ấy, dưới triều đại của Ngài, có những dấu hiệu chuẩn bị phục hồi những thay đổi sau Công Đồng Vatican II. Ví dụ, về phụng vụ, khuyến khích việc cử hành trở lại thánh lễ bằng tiếng Latin.

Cũng như với thiên nhiên, nếu có những người dị ứng với khí hậu chuyển mùa, thì cũng có nhiều người muốn thời gian thay đổi sớm hoàn tất để dễ thở hơn. Nếu uy tín lớn của Giáo Hoàng John Paul II có thể chặn được những chống đối công khai hay ngấm ngầm thì người kế vị là Giáo Hoàng Benedict không có may mắn này. Những thay đổi cần thiết được mong đợi, chẳng những không sẩy ra, còn có cơ nguy bị lật ngược. Sự chia rẽ đã thành hình, ngay trong nội bộ giáo triều, bao gồm cả âm mưu chống đối. Cụ thể là những tin tức thuộc loại thâm cung bí sử được tiết lộ cho báo chí bên ngoài, kể cả vụ trộm tài liệu mật ngay từ văn phòng Giáo Hoàng. Cảm thấy không thể tiếp tục sứ mạng cao cả, Giáo Hoàng Benedict XVI đã bất ngờ tuyên bố từ chức vào ngày 11 tháng 2, 2013, một việc chưa hề diễn ra trong hơn 800 năm, từ thời Giáo Hoàng Celestine V, từ nhiệm ngày 13 tháng 12, 1294.

h5-6

          Giáo Hoàng từ nhiệm Benedict XVI…..  và Giáo Hoàng kế nhiệm Francis

Francis, mục tử khó nghèo

“Từ khi Ngài bước vào ban công sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, sự việc đã khác. Mặc chiếc áo trắng giản dị, Ngài yêu cầu những người hành hương cầu nguyện cho mình và tự tới khách sạn trả tiền phòng. Sự khiêm nhường và thân thiện của Giáo Hoàng Francis đã chiếm được trái tim của hàng triệu người”. Đó là nhận xét của bà Meghan J. Clark, một học giả và tác giả viết về Đức Giáo Hoàng Francis trên New York Times, trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Ngài.

Thật ra, không phải chỉ có thế, và không cần đợi tới khi Ngài bước lên ban công ra mắt và ban phép lành đầu tiên theo truyền thống, người ta mới thấy sự khác biệt giữa vị Giáo Hoàng mới và các bậc tiền nhiệm. Sự khác biệt đã diễn ra ngay trong mật nghị (conclave) ở nhà nguyện Sistine, nơi 115 Hồng Y họp mật bầu tân Giáo Hoàng bắt đầu vào ngày 12 tháng 3, 2013, và kết thúc vào hôm sau.

Bắt đầu mật nghị, các Hồng Y phải đặt tay vào Kinh Thánh thề không được tiết lộ bí mật, nhưng có một cặp vợ chồng ký giả, Elisabetta Piqué và chồng là Gerry, nhờ làm việc lâu năm tại Roma, và quen biết hầu hết các Hồng Y, đã biết được nhiều chuyện mật trong mật nghị. Elisabetta là ký giả duy nhất trên thế giới đã viết trên báo La Nación ở Buenos Aires vào hôm trước ngày mật nghị kết thúc là Jorge Bergoglio, một Hồng Y người Argentina gốc Ý dư luận ít biết tới, có thể được bầu làm Giáo Hoàng. Cuốn tiểu sử Life and revolution FRANCIS của Elisabetta Piqué cho biết rõ về cuộc đời và hướng đi của Giáo Hoàng.

Trước mật nghị 2013, không có ai nổi bật như Hồng Y Ratzinger năm 2005. Bầu cử Giáo Hoàng không có ứng cử, không có vận động tranh cử. Trên lý thuyết, cử tri bầu chọn theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, sau buổi lễ cầu nguyện chung mấy ngày trước khi mật nghị khai mạc, các Hồng Y cũng có ít phút trình bầy quan điểm của mình. Ngày 7 tháng 3, năm ngày trước mật nghị, chỉ trong hơn ba phút, Tổng Giám Mục Buenos Aires đã được nhiều bạn đồng liêu, cả bảo thủ và cấp tiến, chú ý và khen ngợi về quan điểm rõ ràng của mình đối với tương lai Giáo Hội. Elisabetta ghi lại lời kể của Hồng Y nổi tiếng người Cuba là Jaime Ortega, rằng: Hồng Y Jorge Bergoglio đã nói về phúc âm hoá, là lý do tồn tại của Giáo Hội. Theo Ngài, Giáo Hội phải tự lột xác, ra khỏi vỏ bọc của mình để đến với tầng lớp ngoại vi, những người thuộc thành phần tội lỗi, đau khổ, chịu bất công, thiếu hiểu biết, thiếu đức tin, nghèo khó dưới mọi hình thức. Ngài chỉ trích một Giáo Hội chỉ biết có mình, tự ái, làm nẩy sinh những tư tưởng thế tục xấu xa và sống để ca tụng lẫn nhau. Theo Ngài, “Có hai hình ảnh của Giáo Hội: Giáo Hội phúc âm hoá, tự ra khỏi mình, Giáo Hội của lời Chúa, trung thành nghe và rao giảng lời Chúa; và Giáo Hội thế tục, sống cho mình, bởi mình và vì mình. Nhận thức này nên soi sáng cho những thay đổi và cải tổ để hoàn thành việc cứu rỗi các linh hồn”.

Cần 77 trên 115 phiếu để đắc cử. Tại vòng bỏ phiếu thứ sáu – cũng có thể gọi là thứ năm, vì vòng thứ năm bị huỷ, do một phiếu không hợp lệ — Hồng Y Bergoglio được gần 90 phiếu, trở thành Giáo Hoàng thứ 266, nối ngôi Thánh Phê Rô.

Khác với các Giáo Hoàng trước, phần đông chọn danh hiệu là tên các vị tiền nhiệm danh tiếng, như Pius, Paul, John, Benedict… , tân Giáo Hoàng khiến nhiều người ngạc nhiên khi Ngài chọn Francis. Khởi đầu, người ta tưởng Ngài chọn Francis Xavier, là nhà truyền giáo nổi tiếng, đồng sáng lập Dòng Jesuit, là dòng tu của Ngài. Nhưng Ngài chọn Francis của vùng Assisi, một vị thánh người Ý con nhà giầu, bỏ hết của cải, chỉ trích sự giầu có, chuyên giúp người nghèo, hoà mình với thiên nhiên, làm bạn với chim muông, cầm thú; yêu sự nghèo hèn đến nỗi mong được chết không một mảnh vải che thân, để giống với hình ảnh Chúa trên thập giá.

Hình ảnh tương phản giữa hai Giáo Hội đã thể hiện qua bề ngoài của hai người ngay sau khi vừa được chọn làm chủ chăn: Benedict XVI mặc bộ phẩm phục vương giả, rực rỡ, dành cho Giáo Hoàng theo truyền thống từ hàng ngàn năm trước; ngay cả những bộ phận không còn dùng nữa hay đã cải tiến giản dị từ thời Giáo Hoàng Paul VI, như áo khoác ngắn đến khửu tay bằng nhung đỏ viền lông chồn trắng (mozzetta), dải biểu tượng quyền bính (pallium) to bản và dài đến chân theo mẫu từ thế kỷ 11, đôi giầy đặc biệt bằng da đỏ…Ngược lại, Francis chỉ mặc bộ đồ giản dị toàn trắng, không thêu thùa mầu sắc rực rỡ, từ chối đeo giây, tượng, và nhẫn vàng dành cho Giáo Hoàng, vẫn dùng giây đeo thánh giá và nhẫn bạc, cả đôi giầy đen cũ của mình. Tại ban công Đền Thánh Phê Rô, Benedict rạng rỡ mở đầu thời đại của mình bằng Phép Lành Toà Thánh ban cho mọi người, Francis khiêm nhường xin mọi người cầu nguyện cho mình.

Người con xa tìm về nguồn

Trên nguyên tắc, Giáo Hội được xây dựng và mở mang dựa trên lời dậy của Đức Giê Su, được gọi là Tin Mừng, hay Phúc Âm. Như vậy, sao lại có chuyện “Phúc Âm hoá”? Có thể dùng ngay ví dụ trong lịch sử gần đây của Việt Nam để hiểu điều này. Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến Việt Nam, đã có “Việt Nam hoá”. Bởi vì, do thời cuộc đưa đẩy, từ năm 1965, cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ VNCH đã bị “Mỹ hoá” thời Tổng Thống Johnson. Rồi lại do thời cuộc đưa đẩy, đến khi không thể tiếp tục đường lối Mỹ hoá, Tổng Thống Nixon đành phải Việt Nam hoá cuộc chiến, bắt đầu từ năm 1969.

Giáo Hội Thiên Chúa cố gắng lớn lên theo Phúc Âm trong ba thế kỷ đầu. Cuối thế kỷ thứ ba, Giáo Hội đang trong hoàn cảnh bị bách hại, bỗng có biến cố lớn vào đầu thế kỷ thứ bốn: Năm 312, trong nỗ lực thống nhất sơn hà, Hoàng Đế La Mã Constantine cho biết, trước trận đánh quan trọng tại cầu Milvian trên sông Tiber ở Roma, ông đã thấy biểu tượng đạo Chúa là cây Thánh Giá hiện ra trước ánh mặt trời sáng chói, điều này khiến ông tin tưởng và quân sĩ nức lòng. Ông tiến về hướng hình ảnh Thánh Giá và đánh tan kẻ thù. Thay vì cấm đạo như các Hoàng Đế tiền nhiệm, ông quyết định theo đạo. Giáo Hội, đang trong tư thế bị bách hại, bỗng nhiên trở thành thế lực tinh thần, là đồng minh của bên chiến thắng.

Hoàng Đế tân tòng, tuy chưa rửa tội cho tới ít lâu trước khi qua đời vào năm 337, Constantine dành cho Giáo Hội nhiều ưu đãi. Giáo hữu được miễn dịch, phục vụ tôn giáo cũng được kể như phục vụ tổ quốc. Giáo Hội được cấp đất, cấp tiền xây những nhà thờ đồ sộ, làm chứng cho sự phát triển của tôn giáo, và sự thịnh vượng của triều đại. Đền Thánh Phê Rô đầu tiên được xây cất thời kỳ này. Việc đạo và việc nước pha trộn với nhau. Sau khi Constantine mất, chiến tranh, xáo trộn kéo dài một phần tư thế kỷ. Năm 361, cháu Constantine là Julian lên ngôi, phủ nhận đạo Thiên Chúa, nhưng chỉ cai trị được hai năm, không ngăn nổi sức phát triển đã có đà của tôn giáo này. Đây cũng có thể coi như thời kỳ chuyển mùa đầu tiên, từ mùa Xuân của Giáo Hội theo Phúc Âm, sang mùa Hạ của Giáo Hội Đế Chế hoá, xa rời Phúc Âm, phát triển và tổ chức như một đế quốc.

Trong hơn mười thế kỷ, Phúc Âm vẫn được rao giảng, nhưng không được thể hiện hoàn toàn đúng trên thực tế. Có rất nhiều thí dụ về việc này:

h7

Đức Giê Su cưỡi lừa vào Thành Jerusalem

– Vào một ngày quan trọng hàng đầu trong cuộc đời giảng đạo, Đức Giê Su và các môn đệ tiến vào thành Jerusalem, trước sự tung hô của dân chúng (được kỷ niệm bằng Chủ Nhật Lễ Lá, mở đầu Tuần Thánh, mùa Phục Sinh). Dịp này, Ngài cưỡi một con lừa mượn tạm của dân làng (Mt 21, 1-10; Mc 11, 1-11; Lc 19, 28-38; Ga 12, 12-16). Đây là dịp duy nhất Ngài không di chuyển bằng đôi chân của mình.

Nhưng qua hàng ngàn năm, mãi đến 1978, trong những dịp trọng thể, các vị Giáo Hoàng vẫn ngồi trên kiệu (sedia gestoria) như vua chúa, do 12 người khiêng. Cho đến Giáo Hoàng Benedict XVI, con lừa của các vị thay mặt Thiên Chúa ở thế gian là những chiếc xe Mercedes sang trọng hàng đầu và đắt tiền. Mãi đến Giáo Hoàng Francis, con lừa của Ngài mới là chiếc xe con cóc Fiat 500 nhỏ xíu, rẻ tiền.

h8

Một Giáo Hoàng trên kiệu giống như Hoàng Đế Ai Cập

Về trang phục, Đức Giê Su bảo: “Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, ta bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomon trong vinh quang tột bậc cũng không đẹp đẽ được như một trong những bông hoa ấy. Bởi đó, với những bông hoa nay còn mai huỷ mà Chúa còn cho mặc đẹp như vậy, chẳng lẽ Ngài không lo cho anh em nhiều hơn về chuyện mặc. Sao yếu đức tin thế? (Mt 6, 28-30; LC 12, 27-28). Phúc Âm đã nói rõ như vậy, nhưng từ khi Giáo Hoàng, chẳng những được coi ngang Hoàng Đế, mà còn trở thành “Siêu Hoàng Đế”, vua của các Hoàng Tử và Hoàng Đế, phẩm phục của các ngài còn rực rỡ hơn cả cẩm bào của Hoàng Đế. Hãy so sánh phẩm phục của Giáo Hoàng Benedict XVI với bộ áo của Giáo Hoàng Francis, sẽ thấy rõ Ngài Phúc Âm hoá như thế nào.

– Khi sai các tông đồ đi giảng đạo, Đức Giê Su chỉ thị cho các ông, ngoài cây gậy, đôi dép và bộ quần áo trên người, không được mang theo lương thực, tiền nong (Mt 10, 5-15; Mc 6, 8-9; Lc 9, 1-6). Đến đâu, ai cho ăn thì ăn, cho ở thì ở. Khi người ta không cho ăn ở nữa, thì đi chỗ khác. Người lập ra Giáo Hội dậy như thế, nhưng khi Giáo Hội giầu mạnh, các đấng thay mặt Chúa ở thế gian cư ngụ trong những cung điện nguy nga tráng lệ. Mới cách đây hơn hai năm, vào cuối năm 2013, một trong những việc bận tâm của tân Giáo Hoàng Francis là cách chức Giám Mục Franz Peter Tebartz van Elst thuộc Địa Phận Limburg (Đức), vì ông này đã chi trên 40 triệu đô la để tân trang tư dinh của mình, trong đó trên một triệu dành cho vườn cảnh, và riêng chiếc bồn tắm giá 20 ngàn đô la.

– Ham mê tiền của cũng là một thứ nô lệ tai hại như nô lệ ma quỷ. Cho nên, Phúc Âm ghi lại lời Chúa dậy rằng “anh em không thể vừa là tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được ((Mt 6, 24; Lc 16, 13), và “anh em đừng tích trữ kho tàng dưới đất (Mt 6, 19-20; Lc 12, 33-34). Ngài còn nói rõ hơn: “người giầu vào nước Thiên Đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim” (Mt 19, 23-26; Mc 10, 23-25; Lc 18, 24-27). Nhưng trong hàng chục thế kỷ, Giáo Hội đã rất giầu có. Của nổi của chìm mỗi địa phận ít “đại gia” nào sánh bằng, và người giầu đã từng có địa vị đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Bao nhiêu Giáo Hoàng từng xuất thân từ những dòng họ giầu sang như Borgia, Medici, hoặc từ những vùng giầu có như Florence, Venice và Milan.

Chiều tối Chủ Nhật 27 tháng 9, 2015, trong Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Francis cử hành ở Philadelphia trước khi Ngài về lại Roma, bài Thánh Thư thứ nhì do nữ tu Hồng Quế đến từ Việt Nam đọc, không phải là bài đọc đặc biệt riêng cho Thánh Lễ này, đó là lời trong thư của Thánh Gia Cô Bê Tông Đồ (St. James), đã được đọc trên khắp thế giới vào cùng ngày, và từng được đọc đi đọc lại từ hai ngàn năm. Bài đọc không dài, có thể ghi lại đầy đủ như sau:

Giờ đây, những kẻ giầu có, các người hãy than khóc về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người đã bị hư hại, quần áo của các người đã bị mối xông. Vàng bạc của các người đã bị han rỉ, và chính rỉ sét ấy là bằng chứng chống lại các người, và sẽ thiêu huỷ xác thịt các người như lửa đốt. Các người đã thu góp tài sản cho những ngày cuối cùng. Các người đã gian lận ăn bớt tiền lương của những người thợ gặt khiến họ kêu khóc, và những tiếng kêu đã thấu tai Thiên Chúa. Các người đã sống khoái lạc và buông thả trên mặt đất này, các người đã được hả dạ trong ngày sát sinh. Các người đã kết án và giết hại người công chính; và họ đã chẳng hề cưỡng lại.

Từ các bậc trưởng thượng trong Giáo Hội đến hàng tỉ giáo dân, vẫn đọc, vẫn nghe nhắc đi nhắc lại như trên từ hai ngàn năm nay, nhưng đã có bao nhiêu người xa lánh sự giầu có? Ngay trong thánh lễ đọc Thánh Thư trên, rất có thể, vẫn có người cầu xin cho mình trúng số, buôn bán phát tài, làm ăn trúng mối, một vốn mười lời. Năm 1963, đang khi đất nước trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục nâng lễ Ngân Khánh của mình ngang tầm quốc lễ, để Chủ Tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ làm trưởng ban tổ chức, cử hành lưu động khắp Trung Nam. Có người bênh vực: “Đức Tổng làm vậy để lấy tiền giúp Địa Phận, cho Đại Học Đà Lạt, đâu phải cho cá nhân Ngài”. Cho việc riêng hay cho việc chung, cũng là mù quáng chạy theo tiền tài. Mà, một khi chạy theo của cải, như Thánh Gia Cô Bê đã nói, “các người hãy than khóc về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người”.

– Theo tinh thần Phúc Âm, việc Nước và việc Đạo tách rời nhau. Khi có người hỏi có phải đóng thuế cho Caesar không, Chúa trả lời: “Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa ((Mt 22, 15-22; Mc 12, 17; LC 20, 20-26). Từ thời Constantine, việc nước đã nhập chung với việc đạo, rồi quyền bính giữa đạo và đời gắn bó với nhau. Thời Giáo Hoàng Gregory I (590-604), người đứng đầu Giáo Hội kiêm cả việc trị nước; tự mình thương thảo về hiệp ước, chọn tướng lãnh và trả lương cho binh sĩ.

Sự lạm dụng quyền bính của Giáo Hoàng đã lên tới cao độ, tạo tì vết trong lịch sử Giáo Hội, mang nhiều tiếng xấu khiến các Giáo Hoàng ngày nay vẫn còn phải xin lỗi, ví dụ những việc làm thời Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216). Nhiều vương quốc thời này như Bulgaria, Poland, Portugal… đã phải quy phục Giáo Hoàng, trở thành lãnh địa của Toà Thánh. Văn kiện nhân quyền đầu tiên của thế giới Magna Carta do vua John nước Anh ban hành năm 1215 bị huỷ bỏ, với lý do các bá tước áp lực nhà vua ký mà không có sự chấp thuận của Giáo Hoàng.

Vạ tuyệt thông (Excommunication) và Toà án dị giáo (Inquisition) cũng được thiết lập thời kỳ này, dưới quyền Giáo Hoàng Gregory IX (1227-1241) để trừng phạt những kẻ không tuân lệnh Giáo Hội, kể cả Hoàng Đế từng là bạn và được Giáo Hoàng gửi vương miện tấn phong, như Frederick II. Điều đặc biệt, chính Giáo Hoàng Gregory IX từng là bạn của Francis ở Assisi (Thánh danh của Giáo Hoàng hiện tại) và phong thánh cho Ngài năm 1228, chỉ hai năm sau khi Ngài qua đời, nhanh kỷ lục.

Đáng nói hơn nữa, mặc dầu theo Phúc Âm, Chúa đã cấm việc xử dụng vũ khí, “kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26, 52; Mc 14, 43-50; Lc 22, 47-53; Ga 18, 3-11), Giáo Hoàng Urban II (1088-1099), đã khởi sự cuộc Thánh Chiến Thứ Nhất (First Crusade – 1096), coi bạo lực là việc làm thiêng liêng để bảo vệ nước Chúa; quân sĩ đeo Thánh Giá, được gọi là “Thập Tự quân”. Và đúng như lời Chúa, sau hai thế kỷ, – từ 11 đến 13 – và chín cuộc Thánh Chiến lớn, lãnh thổ của Giáo Hội ngày càng thu hẹp. Tuy không còn Thánh Chiến, tinh thần hiếu chiến trong đạo, được biểu lộ dưới nhiều hình thức vẫn còn tồn tại đến thời hiện đại. Trẻ con các xứ đạo được tổ chức thành đoàn ngũ gọi là “Nghĩa binh Thánh Thể”, những giáo hữu nam nữ họp lại chỉ để cầu nguyện và làm việc thiện, được gọi là “Đạo binh Đức Mẹ”, quý vị nam giới đã trưởng thành được mời tham gia các tổ chức “Hiệp Sĩ”, mặc y phục như các hiệp sĩ đời xưa, tuốt gươm sáng ngời trong nhà thờ vào các dịp lễ trọng.

Thời Trung cổ, dù các cuộc Thánh Chiến lớn đã chấm dứt, Giáo Hoàng Boniface VIII (1294-1303) vẫn mặc phẩm phục như Hoàng Đế, tự cho mình vừa là Giáo Hoàng, vừa là Hoàng Đế, công bố giáo chỉ (bull) “Unam sanctam” khẳng định mọi tạo vật cần phải quy phục Giáo Hoàng La Mã là điều cần thiết cho công trình cứu chuộc. Và, cũng chính vị Giáo Hoàng này phán rằng “Chúa đã đặt chúng tôi trên các vua chúa và các vương quốc”.

Chỉ qua một số dẫn chứng trên cũng đủ thấy Giáo Hội, trong hơn một ngàn năm, đã đi xa tinh thần Phúc Âm như thế nào.

Giáo Hoàng Benedict XVI, tựa như một Hồng Y sống vào thế kỷ 13, được Thánh Nicholas, (Santa Claus – Ông Già Noel) cõng về Bắc Cực, làm đông lạnh, rồi gần một ngàn năm sau cho ấm lại, mang về Roma lên ngôi Giáo Hoàng năm 2005. Nhờ trí tuệ còn tốt, và nhờ Thánh Thần soi sáng, Ngài biết cơ thể mình từng đông lại ở mùa Hạ, không thể thích hợp với mùa Đông, bèn từ chức. (Nhà lãnh đạo thần quyền, dầu sao cũng sáng suốt hơn các nhà lãnh đạo thế quyền, thường bị mù quáng bởi tiền của và địa vị, dù trần truồng tồng ngồng trước mắt thiên hạ mà vẫn tưởng mình được che phủ bởi vương phục rực rỡ, chỉ biết tại chức hay thăng chức, không bao giờ biết từ chức).

Trong khi ấy, vào cùng thời kỳ cuối thế kỷ 12, đầu 13, chán cảnh Giáo Hoàng và Giám Mục chỉ lo bảo vệ quyền lực và của cải trần thế, tại vùng Assisi nước Ý, một người con nhà giầu mang tên Francis, đi ngược trào lưu thời đại, bỏ hết của cải, lập dòng tu, phục vụ người nghèo, chăm lo cho tạo vật, sống đời khó nghèo theo gương Chúa, được Chúa cho mang năm Dấu Thánh, và cũng là người đã viết ra “Kinh Hoà bình” rất gần với tinh thần “Bài giảng trên núi” của Chúa. Linh hồn Francis thoát xác năm 1226. Là tinh thần, linh hồn không bị đông lạnh hay bốc hơi, vẫn còn nguyên vẹn những đức tính khó khăn, khiêm nhường, yêu người, yêu vật, chu du khắp nơi trong gần mười thế kỷ, đã nhập vào một Giám Mục có lối sống gần với mình, coi thường địa vị và của cải, ở chung cư, đi xe buýt, từng xin về hưu khi được 75 tuổi ở tận Nam bán cầu, trở thành Giáo Hoàng Francis, nối ngôi Benedict XVI, cố đem Giáo Hội trở lại với tinh thần Phúc Âm.

(Xem tiếp phần II)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *