Phạm Văn Tuấn
Joseph Rudyard Kipling là nhà văn kiêm nhà thơ người Anh, ra đời tại nước Ấn Độ, nổi tiếng về các truyện trẻ em của ông như The Jungle Book (Truyện Rừng Xanh, 1894), The Second Jungle Book (Truyện Rừng Xanh Thứ Hai, 1895), Just So Stories (Các Truyện Như Vậy, 1902), Puck of Pook’s Hill (Ngọn Đồi của Pook, 1906), cuốn tiểu thuyết Kim (1901), các bài thơ Mandalay (1890), Gunga Din (1890) và If (Nếu, 1910)…
Kipling được coi là nhà văn cải tiến về nghệ thuật của truyện ngắn, các truyện trẻ em của ông thuộc loại văn chương thiếu nhi cổ điển. Kipling là một trong các nhà văn người Anh được mọi người biết tới nhiều nhất, cả về văn xuôi lẫn thơ phú, trong cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhà văn danh tiếng Henry James đã nói về Kipling như sau: “Kipling gây ấn tượng tới cá nhân tôi như là một thiên tài toàn hảo nhất mà tôi đã từng biết“.
Vào năm 1907, Kipling được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương, ông là nhà văn viết tiếng Anh đầu tiên lãnh nhận Giải Thưởng cao quý này và cho tới ngày nay, là nhà văn trẻ nhất lãnh được vinh dự đó. Ngoài ra, Kipling còn được bầu là Thi Sĩ Khôi Nguyên của nước Anh (the British Poet Laureateship) và nhiều lần ông được đề nghị trao tặng tước vị Hiệp Sĩ (Knighthood) nhưng tất cả các danh vọng này đã bị ông từ chối.
Vào lúc cuối cuộc đời, Kipling được nhiều người coi là “nhà tiên tri của chủ nghĩa Đế Quốc Anh (a prophet of British imperialism), theo như lời của nhà văn George Orwell. Người ta đã tìm thấy trong các tác phẩm của ông các thành kiến và chủ nghĩa quân phiệt (militarism) và cuộc tranh luận này đã kéo dài trong thế kỷ 20. Theo nhà phê bình Douglas Derr: “Khi chủ nghĩa đế quốc của châu Âu thoái hóa thì Kipling được coi là người có một không hai, ngay cả khi gây tranh luận, đã diễn tả đế quốc đã trải qua các kinh nghiệm như thế nào“.
1/ Thời niên thiếu của Joseph Rudyard Kipling.
Rudyard Kipling sinh vào ngày 30 tháng 12 năm 1865 tại Bombay, nước Ấn Độ thời đó còn là thuộc địa của nước Anh, là con của ông John Lockwood Kipling và bà Alice Kipling, với tên con gái là Alice MacDonald. Bà Alice là một phụ nữ hoạt bát còn ông Lockwood là một nhà điêu khắc, nhà vẽ kiểu đồ gốm, hiệu trưởng và giáo sư về điêu khắc kiến trúc (architectural sculpture) tại ngôi trường mới được thành lập tại Bombay, có tên là Trường Nghệ Thuật và Kỹ Nghệ Jejeebhoy (The Jejeebhoy School of Art and Industry).
Trước kia, hai ông bà Lockwood đã gặp nhau bên bờ Hồ Rudyard thuộc miền thôn dã Staffordshire, nước Anh, họ đã say sưa với phong cảnh hữu tình của hồ nước nên họ đã đặt tên của người con đầu lòng là Rudyard Kipling.
Kipling được cha mẹ nuôi nấng tại Bombay cho tới khi lên 6 tuổi thì theo tập tục của các người Anh làm việc tại Ấn Độ, Kipling và cô em gái Alice, còn được gọi là Trix, được gửi về nước Anh, cư ngụ tại Southsea (Portsmouth), sinh sống trong một gia đình nhận nuôi giữ các trẻ con mà cha mẹ ở nước ngoài. Hai đứa trẻ này đã lưu trú trong nhà của Đại Úy và bà Holloway tại Lorne Lodge trong 6 năm. Trong cuốn sách tự thuật mà tác giả phổ biến 65 năm về sau, Kipling đã nhớ lại thời kỳ này với sự kinh hãi bởi vì ông đã gặp cảnh tàn nhẫn và thiếu chăm sóc trong cách đối xử của bà chủ nhà Holloway. Người em gái Trix của Kipling thì cảm thấy dễ chịu hơn tại Lorne Lodge bởi vì bà Holloway muốn rằng sau này Trix sẽ kết hôn với một trong các con trai của bà ta.
Hai đứa trẻ này cũng có các người họ hàng sinh sống tại nước Anh nhờ vậy chúng được trải qua các kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh với bà dì ruột tên là Georgiana (Georgy) với ông chồng là nghệ sĩ Edward Burne-Jones tại nhà của họ tên là “The Grange” (Trang Trại) tại Fulham, London, nơi đây Kipling coi là “một thiên đường đã cứu giúp tôi”.
Vào mùa xuân năm 1877, bà mẹ Alice Kipling từ Ấn Độ trở về nước Anh nên đã dẫn hai đứa trẻ ra khỏi miền Lorne Lodge. Tới tháng 1 năm 1878, Kipling được nhận vào trường United Services College (Đại Học Tổng Hợp Công Tác) tại Westward Ho!, Devon, đây là một ngôi trường mới được thành lập vài năm về trước để chuẩn bị cho các thiếu niên bước vào nghề quân sự.
Đầu tiên lối sống tại ngôi trường này khá cực nhọc nhưng rồi Kipling đã có vài người bạn thân và nơi đây là khung cảnh để ông viết ra các truyện dành cho con trai có tên là Stalky & Co., xuất bản nhiều năm về sau. Trong thời gian này, Kipling đã gặp rồi say mê cô Florence Garrad, một cô bạn gái của Trix, cùng cư ngụ tại Southsea, nơi mà Trix đã trở lại. Cô Florence này là nhân vật Maisie mà Kipling mô tả trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tên là “The Light that failed” (Ánh Sáng không còn, 1891).
Vào cuối thời kỳ theo học bán quân sự, Kipling đã thiếu điểm văn hóa để được nhận học bổng của trường Đại Học Oxford và do cha mẹ cũng không có đủ tiền để trợ cấp học hành cho con, vì vậy ông Lockwood Kipling đã xin cho con trai một việc làm tại Lahore (bây giờ thuộc nước Pakistan), tại nơi này, ông Lockwood là Viện Trưởng của trường Đại Học Nghệ Thuật Mayo (the Mayo College of Art) và cũng là Giám Đốc Quản Thủ Viện Bảo Tàng Lahore.
Tại Lahore, Kipling là phụ tá chủ nhiệm của một tờ báo địa phương nhỏ có tên là “Báo Dân Sự và Quân Đội” (the Civil & Military Gazette). Tới ngày 20/9/1882, Kipling xuống tầu đi Bombay rồi tới nơi này vào ngày 18/10/1882.
2/ Các cuộc Du Lịch.
Tờ “Báo Dân Sự và Quân Đội” tại Lahore được Kipling gọi là “người tình đầu tiên của tôi và là tình yêu thực sự nhất” (my first mistress and most true love). Tờ báo này xuất bản 6 ngày một tuần trong suốt năm và chỉ đóng cửa 2 ngày vào Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Kipling làm việc rất bận rộn với viên chủ nhiệm Stephen Wheeler nhưng dù thế, nhu cầu bài viết rất nhiều. Vào năm 1886, Kipling cho phổ biến tập thơ đầu tiên có tên là Departmental Ditties (các bài thơ ca ngắn cục bộ). Cũng vào năm này, tờ báo kể trên có viên chủ nhiệm mới là ông Kay Robinson, ông này đã cho phép Kipling làm việc tự do hơn và Kipling được mời đóng góp bằng các truyện ngắn cho tờ báo.
Trước kia vào năm 1883, Kipling đã thăm viếng Simla (bây giờ là Shimla), là thủ đô Mùa Hè của Đế Quốc Anh tại Ấn Độ. Đây là trung tâm quyền lực và tiêu khiển với vị Phó Vương Ấn Độ, và chính quyền cũng di chuyển về đây trong 6 tháng. Tại Simla, ông Locwook được mời vẽ một bức tranh fresco cho nhà thờ Chúa Kitô; từ năm 1885 tới năm 1888, Kipling thường thăm viếng nơi này và đã dùng địa điểm này để viết ra 39 truyện ngăn cho tờ báo Gazette từ tháng 11 năm 1886 tới tháng 6 năm 1887. Tập truyện “Plain Tales from the Hills” (Các Truyện bình thường từ các Ngọn Đồi) được Kipling cho phổ biến tại Calcutta vào tháng 1 năm 1888, một tháng sau ngày sinh nhật thứ 22 của tác giả.
Qua tháng 11 năm 1887, Kipling được đổi sang làm việc cho tờ báo lớn hơn tên là The Pioneer (Người Tiên Phong) tại thành phố Allahabad nhưng tác giả Kipling vẫn viết văn với tốc độ thực nhanh, nhờ vậy qua năm sau Kipling đã cho xuất bản 6 tuyển tập truyện ngắn, đó là các truyện Soldiers Three (Lính 3 Người), The Story of the Gadsbys (Truyện của Gadsbys), In the Black and White (Trong Màu Đen và Trắng), Under the Deodars, The Phantom Rickshaw (Con Ma Rickshaw) và Wee Willie Winkie, tất cả gồm 41 truyện với vài truyện khá dài.
Ngoài ra Kipling còn làm phóng viên đặc biệt cho tờ báo The Pioneer tại miền phía tây của Raiputana, nơi đây ông đã viết ra nhiều tập phác thảo để về sau gom lại thành tập “Letters of Marque” (Các Bức Thư của Marque) rồi được phổ biến trong cuốn truyện “From Sea to Sea” (Từ Biển tới Biển) và “Letters of Travel” (Các Bức Thư Du Lịch).
Vào đầu năm 1889, Kipling bán bản quyền của 6 bộ truyện để lấy 200 bảng Anh và bán truyện “Plain Tales” (Các Truyện Bình Thường) lấy 50 bảng, rồi tờ báo The Pioneer trả lương 6 tháng cho Kipling, dùng số tiền gom lại này, Kipling di chuyển về London bởi vì nơi đây là trung tâm văn chương của Đế Quốc Anh.
Vào ngày 9 tháng 3 năm 1889, Kipling rời khỏi xứ Ấn Độ, đi du lịch qua Rangoon, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản rồi tới San Francisco. Trong khi đi đường, Kipling vẫn viết các bài cho tờ báo The Pioneer, tất cả được gom lại trong tuyển tập “Letters of Travel” (Các Bức Thư Du Ngoạn). Tại Hoa Kỳ, Kipling đã thăm viếng rất nhiều nơi, đã gặp nhà văn Mark Twain tại Elmira, New York. Kipling vượt qua Đại Tây Dương, tới Liverpool vào tháng 10 năm 1889.
Trong 2 năm kế tiếp, Kipling cho phổ biến cuốn tiểu thuyết “The Light that Failed” (Ánh Sáng không còn), đã gặp một nhà văn và cũng là nhà xuất bản tên là Wolcott Balestier, với ông này Kipling cộng tác trong cuốn tiểu thuyết “The Naulakha”.
Qua năm 1891, Kipling đã dùng đường biển đi du lịch qua các xứ Nam Phi, Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ rồi ông hưởng Lễ Giáng Sinh với gia đình tại Ấn Độ. Khi nghe tin ông Balestier đột ngột qua đời vì bị bệnh sốt thương hàn, Kipling bèn trở về London nhưng trước khi đi, ông đã dùng điện tín để cầu hôn với cô em gái của ông Balestier, tên là Caroline (Carrie), đây là người thiếu nữ mà ông đã gặp 1 năm trước. Trong khi đó vào cuối năm 1891, Kipling cho xuất bản tại London truyện ngắn viết về người Anh tại Ấn Độ “Life’s Handicap” (Khuyết Tật của Đời Sống).
Vào ngày 18/1/1892, cô Carrie Baristier (29 tuổi) và Rudyard Kipling (26 tuổi) đã thành hôn tại London, trong nhà thờ All Souls Church, Langhan Place, với Henry James là người dẫn cô dâu. Tân lang và tân giai nhân đã trải qua thời kỳ trăng mật tại Vermont, Hoa Kỳ, rồi Nhật Bản. Trong khi đang ở Yokohama, Nhật Bản, Kipling được tin ngân hàng của họ là The New Banking Corporation đã bị thất bại, vì vậy ông bà Kiping đã phải trở lại Hoa Kỳ và trong thời gian này, bà Carrie mang bầu đứa con đầu lòng, họ thuê một căn nhà nhỏ tên là Bliss Cottage, gần Brattleboro với tiền thuê một tháng là 10 đô la.
3/ Viết ra các tác phẩm danh tiếng.
Chính tại căn nhà Bliss Cottage, đứa con gái đầu lòng Josephine ra chào đời vào ngày 29/12/1892 trong khi bên ngoài có 3 feet tuyết rơi. Cũng chính trong căn nhà nhỏ này, Kipling bắt đầu viết cuốn “The Jungle Book” (Sách Rừng Xanh).
Bé Josephine ra đời đã làm cho căn nhà nhỏ Bliss Cottage trở nên chật hẹp, vì vậy Kipling đã mua lại của người anh vợ 10 mẫu đất nhìn xuống giòng sông Connecticut và xây cất tại nơi đây một căn nhà mà ông đặt tên là Naulakha, đây là tên của một sợi dây chuyền trong truyền thuyết của một bà hoàng hậu Ấn Độ. Căn nhà một mái này ngày nay còn tồn tại trên Đường Kipling.
Trong cuộc sống ẩn dật tại Vermont, cùng với sức khỏe tốt, Kipling đã viết ra, ngoài cuốn truyện “The Jungle Book”, còn có tuyển tập các truyện ngắn “The Day’s Work” (Công Việc trong Ngày), cuốn tiểu thuyết “Captain Courageous” (Thuyền Trưởng Can Đảm) và rất nhiều bài thơ, gồm cả tập thơ “The Seven Seas” (Bẩy Đại Dương). Tuyển tập thơ “Barrack-Room Ballads” được xuất bản vào tháng 3 năm 1892 trong đó có hai bài thơ nổi tiếng là “Mandalay” và “Gunga Ding”.
Trong thời gian sinh sống tại căn nhà Naulakha, Kipling đã gặp lại cha là ông Lockwood khi ông về hưu năm 1898, gặp Arthur Conan Doyle và nhà văn này đã dạy cho Kipling cách đánh golf. Nhưng Kipling ưa thích nhất là phong cảnh tuyệt vời của miền Vermont khi là vàng rực rỡ lúc mùa Thu sang. Vào tháng 2 năm 1896, đứa con gái thứ hai tên là Elsie ra đời nhưng gia đình của Kipling đã gặp cảnh bất hòa.
Vào khoảng năm 1890, nước Anh và xứ Venezuela đã tranh chấp nhau vì miền Guiana thuộc Anh, rồi sau đó, vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ lại can thiệp vào vụ xung đột khiến cho hai nước Anh và Mỹ chuẩn bị chiến tranh. Cuộc khủng hoảng này khiến cho Kipling bị ngỡ ngàng trước các tình cảm chống Anh tại Hoa Kỳ.
Về gia đình bên vợ, người anh Beatty bất hòa với em gái là Carrie. Tới tháng 5/1896, ông Beatty này say rượu, đã gặp Kipling ở ngoài đường phố và muốn hành hung người em rể, nên bị bắt. Tới tháng 7/1896, một tuần lễ trước khi vụ xử tiếp tục thì gia đình Kipling đã đóng hành lý, từ bỏ căn nhà Naulakha, Vermont, rồi vĩnh viễn rời Hoa Kỳ.
Trở lại nước Anh vào tháng 9 năm 1896, gia đình Kipling cư ngụ tại Torquay trên bờ biển Devon, một nơi sườn đồi nhìn ra biển. Kipling bây giờ đã là một nhân vật danh tiếng, thường viết các bài báo mang tính cách chính trị. Hai bài thơ “Recessional” (Bài thơ cuối lễ, 1897) và “The White Man’s Burden” (Gánh Nặng của người Da Trắng, 1899) đã tạo nên cuộc tranh cãi khi phổ biến. Vài người cho rằng các bài thơ này có tính cách tuyên truyền cho chế độ đế quốc và các thái độ kỳ thị chủng tộc.
Trong thời gian sinh sống tại Torquay, Kipling đã viết cuốn truyện “Stalky & Co.”, đây là tuyển tập các truyện về trường học gồm các kinh nghiệm của tác giả tại trường The United Services College ở Westward Ho! Theo gia đình tác giả kể lại sau này, Kipling thường đọc lại vài mẩu truyện rồi cười lớn về cách pha trò của mình.
Vào đầu năm 1898, Kipling và gia đình thường đi du lịch qua xứ Nam Phi (South Africa), đây là thói quen đi chơi vào mùa đông kéo dài tới năm 1908. Với danh tiếng là nhà thơ của Đế Quốc (the poet of empire), Kipling được tiếp đón bởi các chính trị gia mạnh thế nhất tại Cape Colony, gồm có Cecil Rhodes, Sir Alfred Milner và Leander Starr Jameson. Ngược lại, Kipling cũng rất khâm phục 3 vị này với đường lối chính trị của họ.
Thời kỳ 1898 – 1910 là giai đoạn lịch sử của xứ Nam Phi, kể cả cuộc chiến tranh Boer thứ hai (the Second Boer War, 1899-1902), tiếp theo là hiệp ước hòa bình và việc thành lập xứ Đoàn Kết Nam Phi (the Union of South Africa) vào năm 1910.
Trở lại nước Anh, Kipling viết ra các bài thơ ủng hộ lý do của nước Anh trong cuộc chiến tranh Boer rồi một cuộc viếng thăm Nam Phi vào đầu năm 1900 đã khiến cho Kipling bắt đầu làm tờ báo “The Friend” (Bạn Hữu) dành cho quân đội Anh tại Bloemfontein, một thủ đô mới chiếm được của xứ Orange Free State.
Kipling bắt đầu thu gom tài liệu để viết ra một truyện trẻ em cổ điển có tên là “Just So Stories for Little Children” (Các Truyện dành cho Trẻ Em nhỏ), tác phẩm này được phổ biến vào năm 1902, rồi tới cuốn truyện dài “Kim”.
Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 1899, Kipling và người con gái lớn Josephine đã bị sưng phổi rồi sau đó, Josephine đã qua đời.
Về phạm vi không giả tưởng, Kipling liên quan tới cuộc tranh luận về cách nước Anh đối phó với sự tiến triển của lực lượng Hải Quân Đức. Loạt bài viết này được ông cho phổ biến vào năm 1898 bằng cuốn sách A Fleet in Being (Hạm Đội đang hình thành).
Vào thập niên thứ nhất của Thế Kỷ 20, Kipling ở đỉnh cao của danh vọng khi ông được trao Giải Thưởng Nobel Văn Chương vào năm 1907. Ủy Ban Nobel đã dẫn chứng về tác giả như sau: “Cứu xét về năng lực quan sát, nguồn gốc của trí tưởng tượng, sức mạnh của các ý tưởng và tài năng đáng kể về kể chuyện, và đây là đặc tính sáng tạo của tác giả danh tiếng này trên thế giới” (in consideration of the power of observation, originality of imagination, virility of ideas and remarkable talent for narration which characterize the creations of this world-famous author).
Các Giải Thưởng Nobel được thành lập vào năm 1901 và Joseph Rudyard Kipling là tác giả người Anh đầu tiên được nhận lãnh danh dự này. Vào Buổi Lễ Phát Giải tại thành phố Stockholm ngày 10/12/1907, ông Tổng Thư Ký của Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã ca ngợi Tác Giả Rudyard Kipling cùng với 3 thế kỷ của nền Văn Chương Anh Quốc.
Vào năm 1910, Kipling cho xuất bản tập thơ Rewards and Fairies (Các Phần Thưởng và các Nàng Tiên) trong dó có bài thơ “If – ” (Nếu – ). Bài thơ này được coi là nổi tiếng nhất của tác giả.
Trong Thế Chiến Thứ Nhất, Kipling đã gặp thảm cảnh là đứa con trai duy nhất của ông tên là John đã bị tử trận vào năm 1915 trong Trận Loos (the Battle of Loos). Do thảm cảnh này, Kipling đã tham gia với Sir Fabian Ware vào Ủy Ban của Các Ngôi Mộ Chiến Tranh của Đế Quốc Anh (the Imperial War Graves Commission), bây giờ được đổi tên thành “Ủy Ban của các Ngôi Mộ Chiến Tranh của Khối Thịnh Vượng Chung” (the Commonwealth War Graves Commission).
Vào năm 1922, Kipling đã dùng các bài viết và các bài thơ phú để nói về các công trình của các kỹ sư của trường Đại Học Toronto, Canada, rồi ông trở nên Viện Trưởng của Đại Học Saint Andrew (Lord Rector of St. Andrew University) tại Tô Cách Lan (Scotland), một chức vụ tới năm 1925.
Rudyard Kipling qua đời vì bị ung thư cuống bao tử (duodenal ulcer) vào ngày 18/1/1936, thọ 70 tuổi. Cốt tro của Kipling được chôn tại Góc của các Nhà Thơ (the Poets’ Corner) trong Tu Viện Wesminster Abbey, tại nơi này nhiều Văn Nhân danh tiếng của nước Anh được an nghỉ và tưởng niệm.
4/ Ảnh Hưởng của Nhà Văn Kipling.
Các bài viết và các bài thơ của Rudyard Kipling thường diễn tả các quan điểm xã hội và chính trị của tác giả và nhiều người đã chỉ trích các quan điểm này là kỳ thị chủng tộc (racist), chẳng hạn trong Tập Thơ Recessional (Bài thơ cuối lễ), các người dân thuộc địa bị coi là “nửa ác quỷ và nửa trẻ con” (half-devil and half-child). Các bài viết của Kipling trước Thế Chiến Thứ Nhất bị coi là mang giọng điệu “đế quốc” (imperialist tone). Các truyện và thơ của Kipling, ngoại trừ các truyện trẻ em, đã bị cấm đoán tại nước Ấn Độ, ngoài công việc dùng để tìm hiểu chủ nghĩa đế quốc (imperialism).
Về một phương diện khác, ông Baden-Powell, người sáng lập ra Hướng Đạo Quốc Tế (Scouting) đã dùng nhiều đề tài trong cuốn truyện “Sách Rừng Xanh” (The Jungle Book) và truyện “Kim” của Kipling để thiết lập các sói con (the wolf cubs). Ngoài ra, cuốn “Sách Rừng Xanh” còn được chuyển thành nhiều bộ phim ảnh đầu tiên bởi nhà sản xuất Alexander Korda, rồi về sau do Công Ty Walt Disney.
5/ Bài Thơ If- , Bản Tiếng Anh.
If…
If you can keep your head when all about you
Are losing theirs and blaming it on you,
If you can trust yourself when all men doubt you,
But make allowance for their doubting too;
If you can wait and not be tired by waiting,
Or being lied about, don’t deal in lies,
Or being hated, don’t give way to hating,
And yet don’t look too good, nor talk too wise:
If you can dream—and not make dreams your master;
If you can think—and not make thoughts your aim;
If you can meet with Triumph and Disaster
And treat those two impostors just the same;
If you can bear to hear the truth you’ve spoken
Twisted by knaves to make a trap for fools,
Or watch the things you gave your life to, broken,
And stoop and build ’em up with worn-out tools:
If you can make one heap of all your winnings
And risk it on one turn of pitch-and-toss,
And lose, and start again at your beginnings
And never breathe a word about your loss;
If you can force your heart and nerve and sinew
To serve your turn long after they are gone,
And so hold on when there is nothing in you
Except the Will which says to them: ‘Hold on!’
If you can talk with crowds and keep your virtue,
Or walk with Kings—nor lose the common touch,
If neither foes nor loving friends can hurt you,
If all men count with you, but none too much;
If you can fill the unforgiving minute
With sixty seconds’ worth of distance run,
Yours is the Earth and everything that’s in it,
And—which is more—you’ll be a Man, my son!
RUDYARD KIPLING (1865 -1936)
6/ Bài Thơ “Nếu…”, Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao.
Nếu…
Nếu con tự tại an nhiên
Khi người chao đảo và phiền trách con;
Nếu con tin tưởng mình luôn
Mặc người nghi kỵ không buồn tin con;
Nếu con quyết chí chờ trông,
Hay người gian dối, mình không theo người,
Ai sân hận, mình thảnh thơi,
Không khoe bản ngã, không lời tự kiêu;
Nếu con mơ ước đủ điều
Không sùng bái mộng, sớm chiều buông lơi;
Nếu con suy nghĩ chuyện đời
Không dùng, lại bỏ ra ngoài mục tiêu;
Nếu con đối xử hai điều
Thành Công, Hoạn Nạn đồng đều như nhau;
Nếu con nhẫn nhục trước sau
Nghe chân lý vốn từ lâu đẹp lời
Nay phường gian xảo dong chơi
Cố tình xuyên tạc bẫy người vô minh;
Hay con nhìn sự nghiệp mình
Cả đời xây dựng, tan tành phút giây,
Và con quyết tạo lại ngay
Dù không phương tiện, trắng tay, tiêu điều;
Nếu thâu góp của rất nhiều
Đỏ đen nướng hết khi liều ăn thua
Rồi con khởi nghiệp như xưa
Không than tài sản mình vừa tiêu tan;
Nếu con tâm trí lỡ làng
Sức tàn, lực kiệt chẳng màng làm chi,
Rồi vươn lên tiếp bước đi
Giữ nguyên Ý Chí kiên trì: “Quyết tâm!”
Nếu con đạo hạnh vẹn phần,
Không phân Vua hoặc thường dân cận kề;
Nếu thù hay bạn đôi bề
Khó làm con bị não nề tổn thương,
Nếu người tính toán đủ đường
Nhưng con vẫn thấy tầm thường đáng chi;
Nếu từng phút lãng trôi đi
Con đều tận dụng không hề bỏ qua;
Thì con ơi, cõi Ta Bà
Cùng muôn sự vật: con là chủ nhân
Và hơn nữa quý bội phần
Con sẽ là kẻ Thành Nhân con à!
Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO (chuyển ngữ)