Nguyễn Quang Dũng
1.
Tháng 5 1981. Tôi và vợ cùng hai đứa con, một trai một gái, quyết định vượt biển, vượt thoát khỏi quê hương Việt Nam khốn khó đang sống ngột ngạt trong cuộc đổi đời dưới chế độ kiểm soát tù tội của chính quyền cộng sản từ phương bắc.
Đây là lần vượt biên thứ tư của gia đình tôi, ba lần trước đều bị bỏ rơi, phải trở về, may mắn là không bị bắt, cũng như chưa ra biển.
2.
Lần này, chuyến vượt biên thành công. Chiếc tàu nhỏ dùng chạy đường sông được sửa mủi tàu để có thể vượt sóng biển, thoát khỏi lòng sông ở cửa Cần Giờ, Long An, trực chỉ biển lớn.
Những người tổ chức của chiếc tàu vượt biên mang theo 60 người, mãi mấy ngày sau tôi mới biết, chỉ có một kế hoạch duy nhất là chạy ra hải phận quốc tế và tìm tàu lớn để mong được cứu vớt. Chúng tôi mất đúng năm ngày đêm chỉ để thực hiện được mục tiêu này: Chạy được tới hải phận quốc tế, tìm thấy được nhiều chiếc tàu hàng hải lớn. Nhưng duy chỉ là mỗi lần xả máy lại gần để cầu cứu thì những chiếc tàu sắt lớn này im lặng lừng lững bỏ đi, không hề quan tâm đến những dấu hiệu S.O.S của chúng tôi.
Ngày thứ sáu lênh đênh giữa biển khơi trong những cuộc đuổi bắt và cầu cứu vô vọng, tôi biết được từ người tổ chức là chiếc tàu nhỏ của chúng tôi đã gần cạn xăng dầu và nước uống. Sẽ phải ngưng lại việc rượt đuổi theo tàu lớn và nước uống sẽ được phân phối hết sức hạn chế .
Những mệt mỏi. lo âu và thất vọng hiện ra ở gương mặt mỗi người lớn. Những đứa nhỏ nằm la liệt trên sàn tàu, ói mửa, hốc hác…
Tối hôm đó. Biển động.
Trời đen.
Biển đen.
Những con sóng đen ngòm, với độ cao và độ nghiêng đến chóng mặt.
Lần đầu tiên trong đời, tôi ở trong lòng biển động, giữa trùng khơi sâu thẳm.
Tôi sống ở Nha Trang từ nhỏ. Biển vẫn là niềm vui và gần gủi trong đời sống của tôi. Khi lớn lên, hàng ngày trước khi đi học, tôi thường ra biển từ sáng sớm để ngụp lặn bơi lội trong làn nước xanh mặn mát ấm. Biển do vậy là những nỗi niềm thân thiết rất riêng tư của tôi. Tôi biết Biển có những lúc là Biển của hiền hòa yên tĩnh, cùng nhịp với tiếng gió thông reo hay ánh trăng đêm rằm nhẹ nhàng tỏa sáng mặt biển đêm. Tôi biết Biển có những khi gầm thét, hung dữ trong những ngày bão lớn với những con sóng xám đen cao ngất lừng lững từ xa chạy vào và đập vỡ tung bờ cát trắng.
Nhưng tôi chỉ mới biết Biển khi chân tôi đứng trên mặt đất yên ổn nhìn Biển cuồng nộ. Chưa một lần tôi cảm nhận được cái nhỏ bé mong manh đến không tưởng của chiếc tàu nhỏ như một cọng rơm giữa biển đen sóng dậy. Không một chỗ tựa. Tôi nhìn thấy chung quanh tôi là biển nước đen ngòm hun hút đến tận trời xa đen thẳm. Biển động đang sắp sửa nhận chìm chúng tôi xuống đáy biển sâu! Ý tưởng đó, sắc như con dao nhọn bén, đâm thẳng vào đầu tôi.
Sợ hãi ập tới. Như con sóng lớn đen ngòm kia đang ập tới, nhận chìm và chiếm ngự tôi trọn vẹn. Không gì cản nỗi.
3.
Sợ hãi là một thứ tình tự lạ lùng và ma quái. Tôi nhận ra trong đời tôi, tôi có nhiều nỗi sợ linh tinh, thường là những dấu hiệu báo trước một loại hiểm nguy hay bất trắc nào đó tôi nhắc tôi nên tránh. Tôi gọi nó là sợ hãi nhỏ. Thường vì nhỏ nên chuyện vượt qua loại sợ này cũng là chuyện nhỏ.
Nhưng tôi cũng nhận ra sự hiện hữu của một thứ sợ hãi với mức độ và tầm cỡ kinh khủng, ảnh hưởng và tác động cùng lúc trên nhiều người. Thứ sợ hãi này liên quan đến những biến cố lớn trong đời sống mỗi người. Và cũng thường tình, người ta dùng màu đen để diễn tả một cánh ngắn gọn nhưng đầy đủ về những biến cố mang tính phá hoại hay bi thảm này. Tháng Tư Đen chẳng hạn, tên gọi ngắn cho biến cố 30-4-1975, nhận chìm hàng triệu người miền Nam Việt Nam trong bóng đen của sợ hãi, chết chóc và bi thảm trong thân phận những người thua trận và mất nước.
Trải qua và vượt qua biển nước mênh mông đen kịt tối hôm mưa gió đó, tôi nhận ra tại sao màu đen gắn liền với sợ hãi trong tôi bấy giờ:
Đơn giản bởi vì tôi sợ những gì tôi không hình dung, không thấy được.
Biển động ngoài trùng khơi xa thẳm hôm đó chỉ toàn là một màu đen.
Biển đen. Trời đen.
Trong bóng tối, tôi không nhìn thấy được gì ngoài màu đen. Và chính trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra tôi không là gì hết khi đem cái hữu hạn của tôi đặt trước cái vô cùng của trời đất. Những gì tôi biết, tôi thấy, không là gì hết trước khoảng không của hằng hà vô số những gì tôi không thể biết và không thể thấy.
Chỉ như vậy: Tôi sợ.
4.
Tháng 4 năm 2020, Tháng Tư Đen của cả thế giới.
Con vi khuẩn nhỏ nhưng với khả năng phá hoại khủng khiếp đã làm cả thế giới sợ hãi.
Cho đến nay, đầu năm 2021, hàng triệu người chết. Hàng triệu người bị lây nhiễm phải nhập viện và vất vả chiến đấu tồn sinh. Đời sống và sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn đến cùng cực. Lệnh cách ly và hạn chế mọi sinh hoạt tụ họp hay sinh hoạt mang tính giao tiếp làm mọi người co rúm trong sợ hãi.
Cha mẹ con cái xa cách ông bà. Người yêu người không còn biểu hiện ở những xiết chặt của vòng tay ôm, không còn những nụ hôn gần gũi ngọt ngào, không còn những nụ cười vui. Không còn ai thấy ai. Tôi có cảm tưởng dường như những ngày tháng của Tháng Tư Đen 46 năm trước lại trở về. Người xa người trong những chia xa, ngăn cách.
Và tôi cũng nhận ra len lõi đâu đó trong tâm trí dường như là nỗi sợ hãi khi đối diện với nhiều điều tôi không biết, không thấy được và không lường trước được. Con vi khuẩn nguy hiểm lây lan trong không khí là kẻ thù độc hại và khi nhìn thấy nó thì đồng nghĩa là tôi đã gục ngã. Nỗi sợ hãi này không khác gì nỗi sợ lúc tôi ở trong lòng biển đen trong chuyến vượt biển năm nào.
Chỉ khác một điều: Vào Tháng Tư Đen 1975 tôi biết rất ít về những gì sắp sửa xảy ra trong lúc ở Tháng Tư Đen 2020 thông tin về dịch bệnh lại nhiều đến mức không tưởng. Các cơn bão thông tin này với những phương tiện truyền thông hiện đại từ những chiếc điện thoại cầm tay nhỏ xíu lan truyền đi rộng rãi, khuếch tán lớn thêm mãi về cái hữu hạn của kiến thức loài người hay những-điều-không-biết của con người đứng trước bệnh tật.
5.
Nhưng điều tôi chưa viết ở đây là tối hôm biển động trong chuyến vượt biên của tôi và gia đình, đêm tối tôi tưởng là đã vùi thây trong lòng biển như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác trên đường tìm tự do, biển lớn hay Trời Phật đã nhẹ tay không dìm chết những sinh mạng nhỏ nhoi kia, trong đó có tôi, đang loi ngoi trên làn nước mênh mông. Và còn ban phát những giọt nước cứu tinh.
Là mưa. Những giọt nước mưa lúc đó quý hơn vàng. Trong đêm tối, mưa ướt ngọt trong môi miệng tôi. Chúng tôi loay hoay hứng mưa dự trữ nước uống, cộng thêm kinh nghiệm của người lái tàu biết cách cỡi sóng và nhờ vậy cầm cự, sống sót thêm được vài ngày. Hai ngày sau, sau khi bàn thảo rút kinh nghiệm, chúng tôi đổi cách cầu cứu: Chiếc tàu nhỏ của chúng tôi sẽ ngừng máy, thả neo, đốt khói đen, giăng bản vải S.O.S và khi thấy tàu hàng hải lớn thì những người biết bơi sẽ nhảy xuống biển vẫy tay kêu cứu.
Kế hoạch này thành công một nửa: Một tàu hàng hải của Trung Cộng đã dừng lại cung cấp cho chúng tôi mọi thứ cần thiết: thức ăn, nước uống, xăng dầu và quan trọng nhất là bản đồ hàng hải hướng dẫn chúng tôi đi đến Mã Lai. Họ không cứu chúng tôi âu cũng là may mắn vì dĩ nhiên là chúng tôi không muốn chạy họa cộng sản lại đến một xứ cộng sản khác.
Bốn ngày sau đó chúng tôi tấp vào thương cảng Singapore thì bị tàu tuần quốc gia này kéo ngược ra, bảo là họ không nhận người tỵ nạn từ Việt Nam, họ khuyên chúng tôi đi đến Phi Luật Tân. Không còn cách nào khác hơn, tàu chúng tôi đâm vào bờ biển Mã Lai, thả người vào bờ và đục tàu, đánh chìm chiếc tàu nhỏ. Sáu chục thuyền nhân của tàu chúng tôi sau đó cũng gia nhập đại gia đình của người Việt tỵ nạn tại đảo Pulau Bidong.
6.
Tôi nhận ra trong tuyệt vọng của đói khát và đối diện với tử vong trong chuyến vượt biển năm nào thì hy vọng đến cho tôi cơ hội tiếp tục tồn sinh.
Đến bây giờ có một lý lẽ rất đơn giản mà tôi trực nghiệm từ những trải nghiệm của đời sống là tôi luôn sống trong cái hữu hạn của kiếp người. Cái biết của tôi không là gì hết trong cái vô hạn của Trời Đất.
Cũng cho đến bây giờ tôi vẫn còn tự hỏi: Làm sao tôi còn sống sót trong lúc hàng trăm ngàn người vượt biển tìm tự do như tôi vùi thây trong lòng biển sâu? Có chăng Trời Phật với những sắp xếp mà loài người không biết được?
Và tôi cũng như triệu tỷ người khác trên trái đất này là những kẻ không-hiểu-gì, loay hoay cả đời trong những tất bật mang tính đối cực, nhị nguyên, cái lý lẽ hai-mặt-của một-đồng-tiền: Sáng-Tối. Vui-Buồn. Sướng-Khổ. Thăng-Trầm. Giàu-Nghèo. No-Đói. Trẻ-Già. Khóc-Cười. Sống-Chết…
Nhưng có một điều tôi hiểu rõ, một cách chắc chắn, là không khi nào tôi có thể ở mãi trong một mặt của đời sống. Tôi không thể có bình an mãi được vì đời sống vốn đầy dẫy những bất an giăng bủa chung quanh. Tôi không thể sống khỏe mãi được vì hàng triệu vi khuẩn gây đủ thứ bệnh tật tìm đủ mọi cơ hội để xâm nhâp các cơ quan chức năng của cơ thể tôi. Và không chóng thì chầy thì tôi sẽ chết vì lẽ đơn giản tôi không thể sống mãi được. Vậy thì tại sao tôi phải sống co rúm trong sợ hãi vì mãi lo bám víu một mặt nào đó của cái đồng-tiền-hai-mặt?
Cũng như trong bóng tối mênh mông của đêm trên biển động tôi tìm thấy hy vọng từ những giọt nước của Trời. Và sau đó là ánh sáng và bình lặng của Biển lớn.
Cũng như lúc này, ở đây, trong trắng lạnh của tuyết giá một ngày cuối năm âm lịch tôi nhìn thấy con chim anh vũ đỏ từ đâu bay lượn về đáp xuống trước sân nhà bình thản ngắm tuyết rơi.
Ơ hay! Nếu tôi không biết gì về cái lẽ chuyển vận vô hạn, vô cùng của Trời Đất, của Sống và Chết, thì không có lý do gì tôi phải sống trong lo sợ và bám víu. Buông Xả tôi sẽ Nắm Bắt được Cái Đẹp của màu đỏ con chim Anh Vũ trên màu trắng của Tuyết.
Còn gì cần thiết phải nghĩ ngợi lôi thôi?
Nguyễn Quang Dũng
tháng 2/2021