Trần Đức Tường
Đứng ngoài hành lang của tòa nhà Tiểu Đoàn Quân Y nhìn ra sân sau với dẫy nhà tiền chế dùng làm trại nội khoa cho bệnh binh Sư Đoàn, đầu óc miên man, nhớ tới những kỷ niệm xa xưa của 18 năm trước, 20 tháng 7 năm 1954, ngày mình rời miền Bắc vào Nam… Điếu thuốc lá Rugby Quân tiếp vụ cháy tàn trên tay. Tôi búng nó ra ngoài mưa, rơi xuống đất ướt át, mà còn cố tỏa lên một làn khói trắng trước khi tắt lịm. Những giọt mưa vẫn rơi từ trên mái fibrociment xuống sân sỏi, thật là buồn. Ngước mắt lên, mây thật thấp, không thấy một khoảng trời xanh nào.
– Bác sĩ đang làm thơ ạ ?
Tiếng nói của cô nữ quân nhân Mai Minh ở phía sau kéo tôi về thực tế. Cô là một trong những khuôn mặt xinh xắn và kỳ cựu nhất của binh chủng Nhẩy Dù vì đã tình nguyện nhập ngũ từ trước năm 1954. Gốc Hà Nội, từng học trường các bà phước Saint Paul danh tiếng đất Hà Thành. Gia đình nề nếp nên ăn nói rất lễ độ và vui vẻ với mọi người.
– Không ! Tôi mà thơ thẩn gì ! Trời mưa nên nhìn trời xem bao giờ tạnh để còn đi nhẩy nữa chứ. Có gì cho tôi ký hả ?
– Vâng ạ ! Vừa nói tôi vừa quay về văn phòng cách đó mấy thước.
Cô Minh để chồng giấy cần tôi duyệt ký trên bàn và quay ra :
– Thưa thiếu tá cứ thong thả, khoảng 3 giờ chiều nay mới cần ạ.
Tôi chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại trên bàn reo. Cô chào tôi và bước ra ngoài.
Lần thứ nhất
Từ khi thi tuyển vào Trường Quân Y năm 1958, tôi đã mơ trở thành một bác sĩ nhẩy dù, mơ một nếp sống oai hùng, và chắc có nhiều dịp cứu sống đồng đội hơn ở những đơn vị tĩnh tại. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng để trở thành một bác sĩ của binh chủng oai hùng này, chắc chắn là phải nhẩy dù. Đó là vấn đề của riêng tôi vì tôi bị mắc chứng sợ chiều cao (vertigo). Lúc nhỏ đã từng té giếng. Nhưng vì quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình, kỳ nghỉ hè sau khi học hết năm thứ ba y khoa, tôi đã nộp đơn xin đi học một khóa nhẩy dù theo đúng quy định của sinh viên quân y. Qua rất nhiều phấn đấu, tự thắng bản thân, tôi đã tốt nghiệp khóa 50 Nhẩy Dù vào tháng 8 năm 1963. Chưa bao giờ tôi hãnh diện như thế. Trên ngực áo của tôi từ đó lấp lánh bằng nhẩy dù ! Nhưng khi về trình diện Sư Đoàn thì một giấc mơ nữa đã nhen nhúm trong lòng, đó là cái bằng nhẩy dù điều khiển mầu vàng với ba vòng ở vị trí ngôi sao. Thú thật, lúc đi học dù, tôi coi những người đeo cánh dù này như những vị thần vì họ là huấn luyện viên của tôi. Tôi cũng đã thấy trên ngực đàn anh Văn Văn Của cánh dù vàng này. Luôn coi anh là thần tượng, tôi nhủ lòng, một ngày kia mình cũng phải đeo cánh dù này. Về trình diện TĐ3ND, lại thấy ông tiểu đoàn trưởng Trần Quốc Lịch cũng đeo cánh dù vàng. Cánh dù này trở thành một ám ảnh đối với tôi trong suốt những năm ở tiểu đoàn tác chiến. Hết trận này đến trận khác, hành quân liên miên, mỗi năm trên 270 ngày đi lội hết Vùng, Vùng II đến Vùng III… Tôi thầm nghĩ, chắc phải chờ lúc về bệnh viện Đỗ Vinh hay Bộ Chỉ Huy TĐQY mới có thể thực hiện giấc mơ này được.
Khi về Đại Đội 1 Quân Y thì vẫn còn phải hành quân liên miên, nên tôi vẫn chưa thực hiện được giấc mơ của mình. Khi đi học ở Hoa Kỳ về, tôi đã được điều lên Bệnh Viện. Tôi vừa vui vừa buồn. Buồn vì sẽ không còn được tung hoành ngoài trận địa. Vui vì tôi có thể có thời giờ thực hiện điều mình hằng mong ước. Việc đầu tiên của tôi khi về Đỗ Vinh là làm đơn theo hệ thống quân giai xin đi học nhẩy dù điều khiển.
Ngay ngày hôm sau, tôi đã được gọi lên trình diện Y sỹ Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐQY/SĐND. Sau một hồi thuyết phục tôi bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, đại ý “Toa là bác sĩ nhẩy dù chứ không phải nhẩy dù bác sĩ” và “chef” đã tuyên bố “moa sẽ không chuyển đơn của toa”. Tôi chỉ biết tuân lệnh, đúng như truyền thống kỷ luật của Nhẩy Dù, chào kính rồi đi ra. Mắt nóng như muốn khóc.
Ít tháng sau, bác sĩ Hoàng Cơ Lân thuyên chuyển về Cục Quân Y và bàn giao TĐQY cho bác sĩ Bùi Thiều. Từ dưới đôn lên, bác sĩ Vũ Khắc Niệm làm Tiểu Đoàn Phó và tôi đảm nhiệm chức vụ Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Đỗ Vinh. Và “nhân bên Tầu có loạn” tôi lợi dụng cơ hội, nộp lại đơn xin đi học nhẩy dù điều khiển. Và cảm ơn bác sĩ Thiều, vị tân Tiểu Đoàn Trưởng đã vui vẻ chuyển đơn với ý kiến thuận. Và Trung Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn đã chấp thuận cho tôi được toại nguyện. Trung tá Trần Văn Vinh, Chỉ Huy Trưởng TTHLND đã giao cho thượng sĩ Thuật là người phụ trách huấn luyện tôi. Và sau những tháng vừa luyện tập ở TTHL vừa làm việc ở bệnh viện, cuối cùng thì trên ngực áo tôi đã có cánh dù vàng ! Lúc đó thì bác sĩ Thiều cũng rời TĐQY/SĐND để đi làm Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1 Quân Y ở Đà Nẵng. Bác sĩ Niệm lên làm Tiểu Đoàn Trưởng và tôi làm Tiểu Đoàn Phó. Bác sĩ Trần Quý Nhiếp thay tôi làm Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Đỗ Vinh.
– Alô, Bác sĩ Tường tôi nghe !
Tôi nhận ra ngay tiếng nói đầu dây bên kia là của ông Thầy Vinh, ông nói về một người Pháp đã học để lấy bằng dù Việt Nam. Ông trình bầy nhanh gọn, nên tôi không rõ đầu đuôi như thế nào, nên tôi đã nói với ông là tôi xuống ngay TTHLND gặp ông.
Theo sự trình bầy của trung tá Vinh, ông trung tướng hồi hưu Paul Vanuxem của Pháp hiện đang ở Sài Gòn để làm việc gì với chính quyền. Ông là một sĩ quan chỉ huy nhẩy dù đã từng phục vu chiến trường Đông Dương thời kỳ sơ khai của binh chủng trước khi được chuyển sang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông có người con trai là Jean Vanuxem hiện sang ở với ông và anh ta đã được phép, từ những bộ phận tối cao của Việt Nam, cho được huấn luyện để lấy bằng nhẩy dù Việt Nam. Anh ta đã hoàn tất 3 sauts trên 4 sauts huấn luyện và ngày mai sẽ nhẩy saut thứ tư. Trung tá Vinh muốn nhân dịp này các huấn luyện viên nhẩy biểu diễn và mang bằng nhẩy dù và rượu champagne từ trên trời xuống gắn cho cậu ta và mở rượu uống mừng. Vì ông Thầy Vinh biết tôi không bỏ lỡ lần nhẩy biểu diễn nào, với lại tôi cũng nói tiếng Pháp thông thạo, nên ông gọi tôi để ngày mai đi nhẩy. Tôi có lưu ý ông rằng trời xấu, mây thấp thế này ở dưới làm sao nhìn thấy gi. Ông cười và nói :
– Hy vọng mai khá hơn, với lại mùa này thì thường “sớm nắng, chiều mưa mà” bác sĩ !
Tôi cũng cười vì dù ở dưới đất không thấy gì, thì mình vẫn có cơ hội nhẩy.
– Vâng, tôi cũng mong như vậy, Trung tá !
Đôi ba câu chuyện phiếm, tôi nhìn trên bàn giấy của ông thấy còn một chồng bằng dù ông đang ký dở. Tôi chào kính rồi kiếu ông ra xe.
Tôi tạt ngang nhà dù. Trung sĩ Khoái, người thường vẫn gấp và bảo quản dù cho tôi, nói ngay:
– Nghe nói ông thầy ngày mai nhẩy, em đã chuẩn bị dù cho ông thầy rồi.
– Merci cậu. Sáng mai tôi tới lấy nghe.
– Dạ bác sĩ !
Tôi lùi xe lái về Bệnh Viện, trong bụng nghĩ, anh chàng Khoái này thật dễ thương, lúc thì gọi mình là ông thầy, mà anh ta cũng là huấn luyện viên, trước cả tôi nữa, lúc thì gọi là bác sĩ, lúc thì gọi là thiếu tá… Đúng là tình huynh đệ chi binh vì anh không phải là lính của TĐQY, không là thuộc cấp của tôi, nhưng anh rất thân tình với tôi, chăm lo từng chút cho cây dù của tôi. Đúng thật là tôi đã vô hình chung tin tưởng và giao tính mạng mình vào tay anh ta. Có phải vì anh thấy được lòng tin tưởng trọn vẹn của tôi đối với anh ta mà anh đã có những cảm tình đặc biệt đó chăng, nhưng chẳng bao giờ thấy anh vượt xa hơn.
Cũng may, bác sĩ Niệm, Tiểu Đoàn Trưởng ra Hành Quân và cho tôi về coi hậu cứ, nên mới có dịp đi nhẩy… dù với các khóa sinh hoặc đi nhẩy biểu diễn để tuyển mộ.
Tuy nhà gần sát trại Hoàng Hoa Thám, nhưng tôi vẫn thường ngủ trong hậu cứ tiểu đoàn thi hành lệnh cấm trại 100%. Tôi dặn hạ sĩ nhất Nguyễn Văn Bảo tài xế, là mai tôi đi nhẩy sớm, nên phải sẵn sàng lúc 7 giờ để đưa tôi qua phi trường.
Sáng sớm hôm đó, trời quả không mưa, nhưng cũng không có nắng. Mây vẫn giăng đầy trời, không thấy một khoảng xanh nào trên đầu. Tới bãi trực thăng, tôi đã thấy các ông thầy với đầy đủ trang bị. Vừa xuống xe, đang bắt tay các ông thầy thì một chiếc xe jeep trờ tới. nhẩy xuống xe là trung tá Lâm Quang Nhược. Ở SĐND không ai là không biết trung tá Nhược. Người nhỏ nhắn, gốc miền Nam, đã lớn tuổi và cũng mê nhẩy dù một cách điên cuồng. Không lần nào đi biểu diễn mà ông vắng mặt. Nhiều người có ý kiến này nọ về ông trung tá Nhược, nhưng đối với tôi, thì tôi lại thấy ông “sympa”. Chỉ phải cái, tôi với ông quen biết sơ sơ thôi mà ông vẫn rất tự nhiên xưng hô “mày, tao”. Tôi không phiền hà gì, nhưng vẫn thưa gửi với ông là trung tá hay là “ông, tôi”. Tôi bắt tay chào ông.
Tất cả bắt đầu mặc dù. Hôm đó tôi cũng mang cái combinaison (áo nhẩy) mầu đỏ mà bác sĩ Trần Quý Nhiếp đã tặng tôi. Tôi mặc dù xong thì xe chở phi hành đoàn cũng vừa tới. Với thời tiết này, trưởng toán bàn bạc với phi công, và đồng ý chỉ đi 1 passe và tất cả cùng ra ở cao độ 30 giây. Nếu plafond thấp hơn thì sẽ nhẩy ở cao độ 20 giây thôi. Sẽ nhẩy hai cửa hai bên thành tầu. Tôi nhẩy số 1 nhẩy bên trái, trung tá Nhược, số 1 cửa bên phải. Các thầy khác chia nhẩy 2 bên, tất cả có 10 người thôi.
Chiếc HU1D cất cánh và trực chỉ hướng Ấp Đồn. Điều bất ngờ là khi tới DZ thì mây lại thấp hơn ở Tân Sơn Nhất. Nhưng trưởng toán vẫn giữ cao độ và thời gian như cũ. Bay hai vòng trên mục tiêu, bỗng huấn luyện viên thả hô chuẩn bị, tôi ngồi sát sau lưng ông, nhìn xuống thấy có một khoản trống mây, một lỗ hổng, ông lùi về phía sau, vỗ vào đầu gối tôi và nói :
– OK, ông thầy !
Tôi bấm đồng hồ thời gian trên dù bụng giật trái khói tím ở chân trái và bay ra khỏi con tầu. Bao nhiêu động tác đó, chưa đầy một giây.
Gió lạnh tạt vào mặt, tôi ngước đầu lên, thấy trên trực thăng khói đỏ bốc ra phía bên phải, tôi nghĩ bụng : ông Nhược nhẩy đây. Không có giờ nhìn theo trực thăng nữa, tôi ngó xuống dưới, mây trắng mỏng như khói tạt lên mặt, nhưng tôi thoáng thấy giải khói vàng ở dưới đất, gần phía đồn dân vệ. Khói bay về phía đồn. Ngay dưới tôi là trường học. Tôi nghiêng người hướng về phía đồn. Mọi sự tốt đẹp. Thế bay của tôi cũng stable, không bị quay lộn. Tóm lại là rất “êm”. Liếc nhìn đồng hồ cao độ, kim xuống khá mau. Nhìn đồng hồ chronomètre 10 giây rồi 20 giây… Vì đã nhẩy cao hơn nên cứ yên trí còn thời gian. Chợt nhìn xuống đồng hồ cao độ thấy còn có 2200 bộ. Tôi thu tay vào, cầm tay nắm và mở dù.
Có vẻ dù tôi bung ra tốt vì nó đã kéo ngược tôi lên. Nhưng ! Nhanh như một tia chớp, tôi có cảm tượng như có cái gì lướt ngang vào dù tôi. Má bên phải nóng rát, như bị một tấm giấy nhám chà qua thật nhanh. Tôi thấy mình bị đu lên rất cao vì ngước mắt lên tôi vừa thấy chóp dù vừa thấy cây cối. Tôi vừa bị đu qua, đu lại, vừa bị nhún lên nhún xuống, và thấy mình bắt đầu bị quay như xoắn dù. Nhìn lên thấy lá dù phía sau, chỗ cửa sổ lớn bên trái bị rách từ lề bắt gió lên đến chóp. Nhìn xuống thấy một gói dài mầu đỏ. Chắc có ai nhẩy vào dù mình và đang bị treo lủng lẳng dưới chân mình. Khói đỏ từ trong cái gói dài đó bay lên. Thấy người đó bị treo vào tôi bằng mấy sợi dây dù nhỏ mắc vào dù bụng của tôi. Thuộc bài, nên tôi cố gắng với tay xuống dưới dù bụng của tôi, nắm lấy mớ dây dù của người đó kéo lên và cuốn một vòng quanh dù bụng của mình. Dù tôi quay càng lúc càng nhanh, mà tốc độ xuống cũng nhanh như dù đuôi nheo.
Không nghĩ đến việc nhìn đồng hồ, tôi vội vàng mở dù bụng. Dù bụng không bung. Tôi liệng tay nắm dù bụng đi và hai tay móc lá và dây dù giải ra phía trước mặt. May quá, gió bắt vào dù mồi và cánh dù trắng nở lên như một sự cứu rỗi ! Dù bụng vừa bung thì dù lưng bị rách nên hết gió xẹp xuống. Tôi thấy, chắc hai người đáp xuống với một dù bụng thì chắc chắn, thế nào cũng bị thương.
Bỗng nghe rắc rắc, nhìn xuống dưới thấy cái gói đỏ nằm giữa hai ngôi mộ xây. Còn tôi thì không chạm đất. Đã nghĩ cách đó mấy giây là thế nào cũng bị thương, mà sao thấy mình không thấy chạm đất, cũng không thấy đau đớn, mà lại thấy mình lơ lửng thế này. Một ý nghĩ kỳ quặc hiện ra trong đầu sau khi nhìn thấy cái gói đỏ dưới đất, tôi cố ngó quanh ngó quẩn xem có thấy mình nằm ở chỗ nào gần đó không… Không thấy. Chỉ thấy mấy đứa trẻ con chạy tới nhìn dưới đất rồi nhìn lên tôi đang bị treo trên một cây tre cao bị gẫy gác qua mái nhà của dân trước Ấp Đồn.
Anh em y tá, và các HLV chạy tới kéo tôi xuống. Lúc đó, chui từ trong dù ra là ông trung tá Nhược. Lúc mới ló đầu ra, tôi chỉ thấy hai mắt ông mở lớn. Ông ấp úng :
– Đm; tao tính dỡn chụp chân mày chơi…
Không thể tưởng tượng nổi. Cũng không nghĩ đến nổi nóng hay gay gắt. Có lẽ còn bị shock. Tôi khoát tay, vừa đi vừa nói :
– Muốn gì thì hẹn trước, để tôi chờ chứ. Ông làm thế suýt chết cả hai đó.
Và tôi đi ra ngoài bãi, cảm thấy rất mệt. Miệng khô và đắng. Tôi bắt tay anh chàng Jean Vanuxem rồi lên xe ngồi, mặc cho anh em kéo dù tôi xuống.
Hú hồn ! Anh em có hỏi tôi, lúc đó có sợ không. Thú thật, lúc đó tôi đã không có thời giờ để sợ. Mà chỉ lo giải quyết vấn đề đang xẩy ra với mình để cứu người và cứu mình. Nhưng sau đó thì sợ. Giả dụ ông đâm thẳng vào người tôi với tốc độ hơn trăm cây số giờ, thi tiêu cả tôi lẫn ổng. Bây giờ kể lại hai tay vẫn còn đổ mồ hôi.
Lần thứ hai
Quả thật, cú shock này đã đeo bám theo tôi nhiều ngày sau đó. Nhưng cũng may là tình hình chiến sự và công việc bề bộn hàng ngày đã khiến cho tôi quên đi và lấy lại phần nào tinh thần. Đó là không kể bà xã tôi đang có bầu, sắp đến ngày sinh rồi. Anh em trong tiểu đoàn thì hay hỏi tôi để nghe kể lại tai nạn vừa qua. Các ông thầy của TTHL/ND thì khuyến khích tôi :
– Bác sĩ à, bị tai nạn rồi mà không nhẩy lại ngay thì sẽ sợ không dám nhẩy nữa đâu !
Và tôi cũng nghĩ như thế. Để lấy lại tinh thần, hai tuần lễ sau tôi đã đi nhẩy dù tự động cùng với khóa sinh. Lúc chiếc C119 bay vào trục thả dù, quả trong lòng có hơi nao núng. Nhưng tiếng hát của các khóa sinh đã làm tôi quên hết lo âu để hát cùng anh em. Tôi đã móc dây SOA vào dây cáp trên đầu và bung ra cửa với tư thế dang tay như nhẩy điều khiển. Ông thầy thả tôi ở cửa máy bay dơ ngón tay cái lên, tôi cười và dù bọc, thật tròn, thật đẹp, không như lá dù rách tả tơi của tôi lần trước.
Đích thân Vũ Khắc Niệm ưu ái đã để tôi ở lại coi tiếp hậu cứ chờ vợ tôi sinh. Và ngày đó đã tới, đứa con trai út của tôi đã chào đời ngày 20/8/1972, tuổi Nhâm Tý. Thế là tôi đã có đến 6 đứa con rồi. Đến lúc phải cột cái tù và lại, chứ không thì …
Bỗng ngày 25/8/1972, bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh mới đi du học Hoa Kỳ về, vào tiểu đoàn chào tôi và khoe có mua được một bộ áo combinaison mầu đen để mặc đi nhẩy. Cũng nên nhắc là sau khi tôi có bằng nhẩy dù điều khiển thì bác sĩ Trần Quý Nhiếp và bác sĩ Thịnh cũng xin đi học. Bác sĩ Trần Văn Tính cũng được tốt nghiệp trước khi đi làm TĐT/TĐ7QY ở vùng IV. Bác sĩ Thịnh rủ tôi đi nhẩy ngày chúa nhật 27/8/1972. Tôi cũng được TTHL/ND thông báo có nhẩy dù điều khiển chung với Mỹ và vì tôi là bác sĩ của Saigon Parachuting Club, nên tôi cần có mặt để phụ trách y tế. Vả lại hôm đó cũng có lễ “cúng bãi” nhân dịp rằm tháng 7 ta như thông lệ hàng năm. Thật ra, đúng ngày rằm là ngày thứ tư 23, nên có lẽ vì là ngày thường, đã rời việc cúng bãi đến cuối tuần.
Về lời mời của bác sĩ Thịnh, tôi ừ ào cho xong; nhưng lòng cứ bâng khuâng, ngại ngùng. Tuy thế, sáng sớm hôm sau, tôi cũng ghé nhà dù. Trung sĩ Khoái đon đả :
– Chào bác sĩ, hôm nay bác sĩ đi nhẩy lại sao ?
– Ừ, để lâu chắc giải nghệ luôn !
– Em mới gấp cây dù này ngon lành lắm, tốt hơn dù bác sĩ nữa.
– Ủa, thế dù tôi đâu ?
– Nó rách tùm lum, phế thải rồi. Bác sĩ nhẩy tạm cây dù này, tụi em đang làm cho bác sĩ cây dù mới thay thế.
Vừa nói, vừa thẩy lên quầy túi dù. Anh ta mở và lấy cây dù ra để trước mặt tôi.
Nhìn thấy, đai, khóa có vẻ mới và sáng loáng, tôi mở nắp đậy giàn kim mở dù, và kiểm soát không thấy cây nào cong, vẹo gì hết. Tôi đóng nắp đậy, miệng nói :
– Mở ra không đây ?
– Một trăm phần trăm, bác sĩ ơi ! Khoái cười nheo mắt và bỏ cây dù vào bao, kéo fermeture đóng lại.
Tôi bê túi dù ra xe, thẩy ra đàng sau và thầy trò chạy xe xuống Sài Gòn, ghé phở gà Hồng Hương, đường Nguyễn Thiện Thuật ăn sáng trước khi lên bãi. Buổi sáng mùa mưa Sài Gòn không khí mát mát, ăn tô phở da lòng phao câu nước béo thật là đã làm sao. Một ly cà phê sữa đá, một điếu Rugby, khói xanh tỏa lên pha lẫn mùi phở làm thành một thứ mùi khó quên, mùi kỷ niệm.
Xe lên đến Ấp đồn, đồng hồ chỉ 10 giờ hơn. Bác sĩ Thịnh đã có mặt với bộ combinaison đen mới toanh. Tôi bắt tay mọi người, trong đó có cố vấn Mỹ của Sư Đoàn. Một lúc sau các xe jeep khác chở những người Mỹ trong Club tới. Một số các thầy của TTHL/ND lo bàn thờ, heo quay và các thứ để chúng bãi. Bỗng thấy thêm một chiếc xe jeep của Nhẩy Dù đang lao tới chỗ chúng tôi. Vừa dừng lại thì từ trên xe nhẩy xuống ông trung tá Lâm Quang Nhược ! Trời đất ! Đúng là cà chớn !
Thấy tôi, ông chạy ngay tới chỗ tôi đứng với bác sĩ Thịnh, ông sổ một tràng :
– Tường ơi, hôm nay tao cũng đi nhẩy lại. Hôm trước mày cứu tao ! Tao cám ơn và cũng xin lỗi mày. Đừng giận tao nghe. Anh em nhẩy dù mà.
Tôi chào kính ông nhưng không bắt tay. Tôi chưa kịp nói thì ông lại tiếp ngay :
– Để xả xui, hôm nay tao cũng sẽ nhẩy cùng với mày, y như hôm trước. Mày nhẩy bao nhiêu giây tao nhẩy theo mày. Mày ra cửa trái, tao ra cửa mặt. OK.
Tôi thực sự bực mình :
– Thật tình tôi không muốn nhẩy với ông. Nhưng nếu ông muốn thì tôi khuyên ông đừng bám sau tôi. Quay lại mà tôi thấy ông là tôi bắn ông chết trên trời đó.
Vừa nói tôi vừa kéo fermetur trên túi áo ngực để lộ khẩu beretta 6.35 ra.
– Đm, làm gì dữ vậy, tao không bay theo mày đâu. Thôi bỏ đi, đã biểu đừng giận tao nữa mà, Tường.
Tôi không trả lời, rút điếu thuốc ra hút. Thịnh nhìn tôi cười và nói :
– Moa mới nhẩy cắt đuôi được mấy sauts thì đi Mỹ, hôm nay moa cũng nhẩy 5 giây thôi.
– Ừ, cho nó chắc. Moa lên cao hơn, 30 giây.
Mắc cái giống gì mà sao hôm nay trực thăng tới trễ quá. Trực thăng của Mỹ. Hơn 12 giờ trưa mới tới. Máy bay của Mỹ đương nhiên là nó ưu tiên cho Mỹ nhẩy trước. Có lẽ họ nhẩy thử dù chữ nhật của họ nên họ mở dù thật sớm. Dù của họ hai lớp nên bay tới bay lui, bay ngược gió cũng được. Thấy mà mê. Hồi ở bên Mỹ lúc tới Denver đã thấy bọn Golden Nights họ nhẩy biểu diễn dù này rồi. Mắc quá, ngoài khả năng của mình nên không mua được. Ngay cả dù classic paracommander cũng quá mắc rồi. Đành quay về nhẩy dù TU của pilot không quân vậy.
Trời càng về trưa, càng có gió, đưa nhiều đám mây từ đâu kếo tới, chứ từ sáng đến giờ trời nắng đẹp. Thịnh và tôi cùng lên trực thăng, và vì sẽ ra trước nên Thịnh ngồi dưới sàn tầu, tôi ngồi trên ghế, chờ lên cao hơn. Tới cao độ của Thịnh, ông thầy nói ok và Thịnh bay ra khá đẹp. thấy hoa dù của Thịnh đã nở, tôi yên trí cho Thịnh, nhưng hồi hộp cho mình. Ai nói nhẩy dù quen rồi là hết sợ, chứ tôi thì, dù lúc chưa bị tai nạn hồi tháng trước, mỗi lần vào axe là tôi hồi hộp, và chỉ được giải thoát khỏi cái sợ khi đã lao mình ra ngoài không trung. Bây giờ thì còn sợ hơn nữa.
Tôi thấy ông Nhược quỳ một gối bên cửa phải, tôi rời ghế xích lại gần cửa trái. Nghe lệnh OK, tôi bung ra và cố gắng nhìn lên trực thăng, thấy ông Nhược ra phía bên kia và nghiêng người lạng sang phải, tôi cũng nghiêng người để bay sang phía bên trái hướng bay. Có lẽ không bình tĩnh như mọi khi, nên tôi đã nhìn xuống đồng hồ bốn hay năm lần gì đó mà vẫn chưa tới lúc mở. Rồi, 2400 bộ, tôi cầm tay nắm mở dù.
Sao vậy ? Cứng ngắc, giựt không ra. Vì có thói quen mở dù bằng tay trái, tôi dùng bàn tay phải đánh thật mạnh vào tay trái đang cầm tay nắm. Vẫn không ra. Tôi lộn một vòng. Đấm lần thứ nhì, cũng thế. Nhìn xuống đồng hồ còn khoảng 1000 bộ, tay trái tôi hất tay nắm dù lưng ra sau và tay phải giật dù bụng. Tôi thấy dù mồi nhẩy ra và một giải trắng tuôn ra kéo cong người tôi ưỡn ra phía trước. Nghĩ trong đầu, dù bụng mở rồi. Tôi nhìn lên thấy dù còn móp như một quả lê mất vài ba giây trước khi nó căng tròn. Dù thở ! Nhìn xuống dưới, gió lớn làm lá cây lật phía dưới lên một mầu bạc trắng, gió đưa tôi khá nhanh, qua rặng tre, vào một khu vườn, có một cây khá lớn, tôi co chân équerre để không vướng vào nó. Lá cây quất vào mông. Nhưng phía trước còn có một cây nhỏ hơn, không cách nào tránh. Đành gồng mình chịu trận. Lá dù vướng vào cành lá, quật tôi xuống một bờ ruộng. Khá đau, nhưng có vẻ không gẫy cái xương nào, không thấy chẩy máu ở đâu cả. Người tôi nóng ran lên….
Còn chưa hoàn hồn thì anh em nhẩy dù, cả lính mình lẫn lính người chạy tới. Câu tôi nghe thấy đầu tiên là :
– Đm, ổng ở đây này, bác sĩ Tường còn sống !
Bác sĩ Thịnh, mặt tái xanh chạy lại bên cạnh tôi :
– Tường ! Có sao không ?
Lập tức các ông thầy nhẩy dù của tôi đã tới và cẩn thận gỡ dù lưng của tôi ra để mang về điều tra. Thông lệ, trong quân đội và đặc biệt là trong SĐND, khi có trường hợp dù người nhẩy không mở được là phải điều tra xem nguyên nhân là kỹ thuật hay phá hoại.
Anh em đỡ tôi ra xe và Thịnh lái chở tôi về chỗ tập trung ở giữa bãi. Thịnh kể :
– Thấy toa rớt thấp quá mà không mở dù bụng, ông thầy Thuật la lớn “Dù Bụng : Dù Bụng…”
– Trên đó, gió như bão, mình đâu có nghe được gì.
– Lúc bị rặng cây che khuất mà vẫn chưa thấy dù trắng, nhiều người dưới bãi đã dơ tay chào rồi.
– Toa có chào moa không ? vừa nói tôi vừa cười.
– Bác sĩ ở lại ăn một miếng, cúng xong rồi. Một HLV tới nói với tôi.
Thật tình lúc đó tôi không còn thấy đói nữa mà hình như chưa hoàn hồn, nên chỉ buồn ói thôi. Tôi xin ly xá xị và uống một ngụm rồi xin phép về. Thịnh nói :
– Moa về với toa để xem có vấn đề gì không. Toa có chắc không bị đập đầu chứ ?
– Bị đập đít thì có, chứ không đập đầu. À mà Thịnh này, về nhà đừng nói gì về vụ này nghe. Lần trước bả đã cằn nhằn moa nhiều lắm rồi đó.
Xe tôi chạy trước, Thịnh theo sau. Cả hai đều về nhà tôi. Lúc đó cũng đã hai giờ trưa rồi. Bà xã mới sinh được 1 tuần còn chờ cơm tôi.
Cái anh chàng Thịnh này thật tình không biết giữ bí mật, đang ăn bỗng hắn hứng lên :
– Phụng à ! Tường nó nhẩy hôm nay suýt chết đó.
Thế là bả khóc như mưa, tay đánh tôi tay đánh Thịnh :
– Các anh ác lắm ! Em mới sinh được một tuần. Anh chết rồi, ai lo cho con ?
Thế là hai đứa lại phải uốn lưỡi Tô Tần năn nỉ, ỷ ôi đã đời, nàng mới nguôi con thịnh nộ.
Sáng hôm sau, tôi được các thầy ở TTHL/ND thông báo kết quả điều tra, có ghi bìên bản. Các thầy nói là hình như thầy Cư hay thầy Hưởng đã để nguyên dù như thế và giật tay nắm cũng không được. Sau đó chính đích thân ông thầy lớn Trần Văn Vinh mặc dù vào và nằm lên bàn, giật cũng không ra. Lúc đó mới có quyết định mở nắp kim ra xét nghiệm. Các kim đều ngay thẳng, không bị cong; bị vẹo. Nhưng sao đẩy vẫn không ra khỏi mấy cái lỗ khuyết được. Các ông đã lật dây kéo sang phía bên kia và lúc đó kéo ra dễ dàng. Lý do là vì dù quá cũ, những lỗ khuyết giữ kim không tròn nữa mà bị biến thành hình bầu dục, nên nếu dây kéo kim nằm bên này thì kéo không ra, và nếu ở bên kia thì kéo ra. Trường hợp này thật là hiếm thấy. Có lẽ là lần đầu.
Đời người lính nhẩy dù, rất ít người phải mở dù bụng. Trường hợp của tôi thì lại càng hi hữu hơn nữa vì đã phải hai lần mở cây dù secours này mà lại là hai lần liên tiếp cách nhau một tháng.
Tôi đã giải quyết được nỗi ám ảnh dù không bung. Bà xã tôi cũng đã, không những quen với đam mê của tôi, mà còn hãnh diện và đã cùng tôi lên trực thăng để nhìn tận mắt tôi nhẩy ra như thế nào.
Tôi đã chỉ cho nàng và các con tôi cây dù bụng dễ thương đã hai lần cứu mạng tôi và đã cứu mạng bao chiến binh nhẩy dù.
Chợt nhớ có ai đó kể câu chuyện tiếu lâm về dù bụng. Trong một lần đi tuyển mộ, sau khi nghe trả lời câu hỏi về an toàn nhẩy dù vì mỗi người linh khi nhẩy dù đều có 2 cây dù, dù lưng và dù secours hay dù bụng. Nếu dù lưng không mở thi mở dù bụng để đáp xuống đất an toàn. Thế mà cũng có người cắc cớ hỏi vặn lại
– “Thế còn dù bụng cũng không mở thì sao ?”
Vị sĩ quan tuyển mộ cũng hóm hỉnh trả lời ngay rằng :
“Nếu dù bụng không mở… thì về nhà đổi dù mới”
Trần Đức Tường