Giọt Nước Nghiêng Mình…

Nguyễn Văn Sâm

Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…

Sơn Nam

mua-ve-dem-lanh-leo-co-don-nhat

1.

VA, xe chạy đường trường hơn một giờ, lòng vòng trong xóm quê thêm độ nửa giờ nữa thì rẻ vô một khu hơi nghèo vắng rồi ngừng lại trong sân một căn nhà có vẽ khang trang trên khu đất rộng. Tấm bảng sơn xanh chữ đỏ có tên ngôi chùa nằm khiêm nhường bên một cội cây cành lá xum xuê. Tên chùa cũng bình thường nhưng chữ chùa khiến già Thanh có cảm tình hơn tiếng tự thường gặp. ‘Chùa Php Vân.’ nghe gần gũi hơn ‘Pháp Vân Tự’ nhiều. Cũng không thấy những câu đối liễn màu đỏ chói chang, mệt mắt với kiểu chữ Việt viết tròn tròn giả Hán tự thường có. Già Thanh nói thầm trong bụng: ‘Chắc chắn sư trụ trì nhiều Việt tính… những chi tiết nho nhỏ như thế nầy rất đáng ngưỡng phục và nên khuếch tán.  Hẵn sẽ có nhiều điều đáng nghe, đáng học ở vị sư nầy.’

Cảnh quang khoáng đãng, vắng bóng những tượng đá trắng rườm rà phô trương tạc những nhân vật huyền thoại chẳng ai biết nghệ nhân lấy chi tiết từ đâu. Chỉ có một mình ngôi tượng mẹ Quan Âm đưa thiên nhãn hiền từ nhìn khách, như theo dõi để che chỡ những bước chân của tín chúng thập phương. Cả ba người bước tới chưn tượng xá ba xá làm lễ ra mắt rồi đến cửa, bấm chuông. Hai chiếc xe quẹo vô bãi đậu, ba cặp khách Mỹ tới dưới chân tượng, chấp tay ngang bụng, nghiêm chỉnh đứng mặc niệm.

‘Hình tượng Phật Bà dễ được kính tin vì tương tợ với hình tượng Đức Mẹ của họ.’ Già Thanh nói với con gái, mắt không rời những vị khách tóc vàng với lòng cảm phục. ‘Chùa Việt Nam nơi xứ người dựng tượng Phật Bà ngoài sân trống trải mục đích là tạo sự dễ dàng cho việc chiêm bái ngoài nghi thức. Người bản xứ chỉ cần đến cầu nguyện rồi về, không phải vào chánh điện, không phải nói chuyện với vị trụ trì, vốn trở ngại về ngôn ngữ tôn giáo.’

Người phụ nữ mỉm cười hãnh diện trao ánh mắt với chồng như thầm nói đạo Phật của mình cũng có chút nào ảnh hưởng lên người bản địa rồi áy náy nói với cha rằng mình rất ngại khi đến đây mà không thông báo trước cho ni sư. Anh chồng nói mình có lý do vì làm theo ý cha từ xa đến muốn thăm linh của cháu, nhân tiện viếng cảnh một ngôi chùa địa phương.

Vậy mà chúng không cho mình biết đây là chùa sư nữ! Già Thanh hơi ngạc nhiên rồi mạnh dạn bước lên thềm bấm chuông. Hình như lâu lắm, chừng hơn mười phút, sư cô trụ trì mới ra mở cửa. Nụ cười hiền hòa và thân thiện chiếm ngay cảm tình của khách. ‘Xin lỗi vì để quí khách đợi hơi lâu. Chùa vắng, ngày thường phải đóng cửa, tín hữu viếng chùa thì bấm chuông, ni  ở đây chỉ có mình mình, phải cẩn thận phòng ngừa những bất trắc.’

Trụ trì thân mật dẫn khách đi viếng phòng ốc. Chánh điện trang nghiêm. Gian phòng thờ các linh sạch sẽ, ấm cúng trong cách trình bày đơn giản. Hình đứa cháu gái chớm tuổi hai mươi đang nở nụ cười vui như cười chào cha mẹ và ông ngoại đến thăm. Con bé toát ra nét trẻ trung yêu đời biết bao bên cạnh hàng mấy mươi hình đồng cảnh khác. Già Thanh nhìn từng hình, từng hình. Hầu hết là những bức hình tươi trẻ. Có thể người nhà đã chọn tấm ảnh đẹp nhứt cho người nằm xuống. Già Thanh không thấy mình khác với họ bao nhiêu khi nghĩ rằng bất kỳ ai trong các hình kia trước đây cũng như mình và sau nầy mình cũng như họ thôi. Người mẹ ngước nhìn hình con gái mình, thân thiết, mắt đỏ hoe, mọng ước, đưa tay len lén dụi. Người cha day mặt ra sau, cúi đầu. Không khí lắng đọng.

Già Thanh muốn đưa tay lên sờ tấm hình cháu ngoại nhưng ngại tạo thêm nỗi buồn cho cha mẹ nó nên đành thôi. Nói nhỏ: ‘Cháu ở chùa nghe kinh, mau siêu thoát.’

Tiếng ni sư phá tan sự buồn thảm đó:

‘Cũng gần giáp năm cháu rồi. Mau quá. Hai tháng nữa chứ mấy.’

Người mẹ:

‘Dạ, sư cô nhớ hay quá. Đến lúc đó cũng xin nhờ sư cô lo liệu mọi sự cho cháu. Chúng con không hiểu biết lắm những gì cần phải làm.’

Tiếng con  của người tín hữu xem chừng bằng tuổi với ni sư trụ trì khiến già Thanh thấy vui vui. Con gái mình đã phần nào đè xuống cái ngã mạn khi thốt ra trôi chảy tiếng con. Bản ngã nói cho cùng cũng là không, chỉ vì con người gán cho nó tánh cách nhập làm một với hình hài huyễn hóa hiện tại vốn bị lầm tưởng là thường trụ, nên ngại ngùng khi sử dụng với người tu hành ngang tuổi đời…

Sư nữ để tay lên vai người đàn bà như chấp nhận, như hứa hẹn…

Sang phòng kinh sách. Từng kệ, từng kệ kinh sách và đĩa kinh giảng.  Ni sư mỉm cười. ‘Khi ni về đây thì phòng nầy rất là lộn xộn, kinh sách chất đống ngổn ngang dưới thềm. Phải cho đóng kệ và xắp xếp lại để ai cần tìm hiểu thêm về đạo dễ dàng tham khảo. Xắp xếp lại, mất thời giờ vậy mà vui. Vô tình thấy được những quyển kinh hoặc vài ba bài báo mình cần đọc hay trả lời được những điều mình đương thắc mắc.’

Đưa mắt của người ham sách quan sát, già Thanh thấy có mấy quyển sách về linh hồn, về luân hồi, tái sinh của Feffrey Long và Paul Newton (Evidence After Life), của Michael Newton (Journey of Souls và Destiny of Souls) mấy quyển sách nói về linh hồn rất được ưa thích gần đây. Già đưa tay với lấy quyển sách nhỏ mỏng của tác giả trẻ Chung Mậu Sum 鍾茂森 của Đài Bắc, ‘Nhân Quả Luân Hồi Đích Khoa Học Chứng Minh’, hỏi:

‘Thưa, ni sư có thích đọc những quyển sách quí nầy?’

“Cũng muốn đọc lắm nhưng chưa đủ cơ duyên. Ni sang đây chưa lâu, trình độ Anh ngữ còn phải trau luyện nhiều.’

Già Thanh thích câu trả lời thiệt tình như vậy. Ở bên kia ni sư chịu ảnh hưởng một nền giáo dục khác nên cần có thời gian cho những cuốn sách loại nầy, không có gì phải dấu diếm…

2.

‘Ni ở trong chùa nầy một mình, tuần sáu ngày cô độc, chỉ Chúa Nhựt mới có độ chục tín hữu đến sinh hoạt. Quí khách thử tưởng tượng đêm vắng, không một tiếng động, chùa rộng hơn nhà thường, lại có phòng thờ các linh, nếu không đủ tinh tấn thì dễ buồn chán biết bao. Trước đây nhiều sư đến chỉ sau vài ba tháng trụ là từ giả. Có nhiều lý do, ngoài cảnh vắng vẻ còn có sự cực nhọc phải tự lo ẩm thực, giặt gỵa, tài chánh… Chùa vắng, Phật tử cúng dường không đủ chi trả cho tiền cơ sở nói gì tới tiền tiêu vặt và bảo hiểm y tế thuốc men…

Già Thanh dà dạ vuốt đuôi. ‘Nhờ ni sư nói chúng tôi mới biết được những điều đó. Cứ tưởng là đi tu không còn những chuyện phải lo lắng tầm thường như người ngoài đời.’

Vị trụ trì cười tươi:

‘Rồi mọi chuyện cũng đâu vô đó. Có Phật lo hết. Ông coi, khi ni về đây thì cửa chánh điện chưa mở ra phía trước như hiện giờ. Chưa có đường riêng cho người khuyết tật. Phòng khách nầy nguyên là căn phòng chỉ có một cửa sổ thôi. Nay thì khá hơn nhiều. Nhờ Phật lo hết.’

… ‘Sư coi vậy tu cũng còn dễ dàng, ni chúng tôi khó hơn chút đỉnh. Nhiều trường hợp bị thúc bách của gia đình hay cha mẹ, không thể từ chối được phải đội tóc giả đi làm nail.’

Ba người khách đồng loạt ồ ngạc nhiên và đổi thế ngồi.

Ni sư chầm chậm bưng chén nước đưa lên miệng:

‘Nữ phái dầu đã xuất gia, tình cảm với mẹ cha cũng còn nặng nề. Chữ hiếu khó lòng bị xóa bỏ hoàn toàn khi nhớ đến cha mẹ già yếu bịnh hoạn đương sống nghèo khổ nơi quê nhà.

Những cái gật đầu biểu đồng tình nhiều hơn của người nghe.

‘…Dầu sao tu bên nầy cũng êm ấm, đường tu hành cũng ít trắc trở. Bên kia, chùa thường bị đập phá, can thiệp, o ép. Nhiều sư trẻ không biết xuất thân từ đâu được gởi tới chùa nầy chùa kia, thét rồi sư chân chánh với sư bia, sư karaoke, sư có nợ phong lưu, sư sát thủ… chẳng thể nào phân biệt được.’

Ni sư trở giọng sau tiếng thở dài:

‘Xin lỗi khách. Kẻ xuất gia không nên để tâm mình trĩu nặng như vậy. Đáng lẽ không nên nói nhiều.’

Đưa tay lật lật một quyển tập nảy giờ để trước mặt, ni sư nói thêm:

‘Ngoài tụng niệm kinh kệ và chăm chút ngôi chùa, thời giờ rảnh rang, ni thích đọc chép những vần thơ liên quan tới việc tu hành của người xưa. Chẳng hạn bà Quỳnh Hoa Công Chúa nói khi tu hành thấy thời gian qua mau, bà mỗi lúc một lớn tuổi, không còn sự tinh anh như trước: Mắt phụng long lanh phai vẻ nước, Mày ngà lấp lánh nhạt màu xuân. Và bà Huyền Tùng Quận Chúa nói chăm chỉ việc tu hành khiến mình hiểu đạo hơn: Trông về cổ tích ngàn thu trước, Mở lá niệm kinh thấy rõ ràng.

Gió lạnh tạt vô phòng khách, kéo theo những giọt mưa hung hăng.. Già Thanh đứng dậy bước ra đóng cửa lại. Mọi người yên lặng ngó ra ngoài trời. Cơn mưa coi chừng hơi nặng hột. Người đàn bà kéo hai vạt áo lại che bớt hơi lạnh, cặp mắt vẫn đỏ.

Ni sư đưa tay lượm vài cánh bông rơi rụng trên bàn bỏ vô dĩa đựng tách trà, ngó thẳng vô mặt người khách nữ, nói như khuyên giải:

‘Tiểu bang nầy lắm mưa, nhiều khi một mình ngồi ngó mưa rơi, ni nghĩ rằng từng giọt mưa là từng linh hồn con người nghiêng mình rớt xuống để nhập làm một với Đại Ngã là sông, biển. Chết là giai đoạn hủy xác, hồn về lại nơi phát sinh. Chết sống chỉ là những giai đoạn du hành rong chơi của tiểu linh hồn.’

Người mẹ đưa mắt về phòng thờ linh bên kia, như cố tìm hình ảnh đứa con gái của mình…

3.

Trên đường về, người con phá tan sự yên lặng, rụt rè hỏi cha mình:

‘Con thấy ni sư thông tuệ. Nhưng sự so sánh sông biển với cái Đại Ngã ba thấy có đúng không?’

‘Mọi so sánh tỷ dụ đều khiến cho vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.’ Già Thanh trả lời không suy nghĩ, ngừng một lúc hèn lâu, nuốt nước miếng, ông nói thêm:  ‘Nhưng so sánh nào cũng vậy, chỉ có giá trị tương đối. Vũng nước, ao hồ, biển cả có thể ví như cái Đại Ngã của nhân loại như ni sư đã nói theo sách, mà cũng có thể ví như hồn dân tộc, như nền văn hóa của một sắc dân, như nguồn sống của một quốc gia. Điều quan trọng là mọi giọt nước đều nghiêng mình để bơi về hợp với vùng nước lớn, cách nầy hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp.’

Người con rể, vốn ít mở miệng bây giờ mới lên tiếng, thiệt chí lí:

‘Kẻ nào, nhà cầm quyền nào, bao che cho bất kỳ ai làm ô nhiễm vùng nước lớn thì đều có tội tày trời, tùy theo cách nhìn, hoặc là đã làm hư hoại cái Đại Ngã của nhơn loại, hoặc là làm tàn hại nguồn sống của một dân tộc, khiến cho dân tộc tội nghiệp đó có nguy cơ bị teo cụm lần lần rồi biến mất trên quả địa cầu.’

Già Thanh gật gật đầu biểu đồng tình.

Cơn mưa chuyển sang ồ ạt, dũng mãnh kinh hồn. Những giọt nước hai bên cửa kiếng hông xe cuống quít nghiêng mình chạy mau hơn để nhập bọn với nhau. Trong trí già Thanh, những giọt nước mắt của anh ngư phủ ‘mất cá, mất biển’ ngồi khóc trên bờ biển chết cũng tương tợ như vậy. Chúng cuống quít nghiêng mình xuống cát, len lõi ra biển lớn.

Nhưng than ôi, biển lớn bây giờ đã chết vì chất độc. Giọt nước nào, dòng sông nào nghiêng mình ra biển cũng đều thất vọng.

Trong âm thanh ồn ào của tiếng mưa rơi ngoài kia, giọng ngâm nga lạc điệu của già Thanh cất lên: ‘Giọt nước nghiêng mình khóc biển Đông.’

bien-chet

Người con gái và chàng rể của già Thanh tròn xoe mắt ngác ngơ. Trên đường về từ đó cả ba người đều đắm mình trong những suy nghĩ mông lung, man mác buồn. Bên ngoài mưa vẫn nặng hột.

Charlotteville, VA, Oct. 1- 3, 2016

Nguyễn Văn Sâm

Lời tác giả:

Mọi sự trùng hợp nếu có là ngoài ý muốn của tác giả. Bốn câu thơ được trích từ quyển sách Nôm tựa là Tẩy Tâm Chơn Kinh, khắc in năm Bảo Đại Thứ Tư (1929). Mở lá: Lật sách kinh, xưa kinh viết trên lá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *