Người Gìn Giữ Quá Khứ

Nguyễn Văn Sâm

Tu tập có muôn vạn pháp môn,

chọn đúng pháp môn của mình cần can đảm

vượt qua những khó khăn. (NVS)

1.

‘Bình đã đậy nắp, đổ nước hoài cũng không đầy. Tính chất nóng lạnh của nước, mùi vị của trà trong đó cũng không thay đổi được!’

Vị sư trung niên mặc áo dà, đầu cạo trọc sát, một chút tóc vừa mới lú lú ra trên đỉnh đầu hơi dài hơn những chỗ khác chút xíu, ý chừng được dưỡng theo ý của chủ nhơn, đẩy cửa tăng phòng thiệt nhẹ nhàng, nói với chú Tuấn trong khi bước qua ngạch cửa. Nét mặt sư thanh thản, khác với nội dung câu nói, khiến chú để tâm hơn tới ý nghĩa câu nói và chú ý đến quyển sách cũ kỹ, mỏng tanh mà sư đương cầm trên tay.

Tuấn liếc nhìn cái tựa: Bồ Tát Giới Pháp Diễn Âm. Chú nói nho nhỏ với mình: Sách Nôm, một trong số kinh rất hiếm hoi do người Việt Nam viết và khắc in cuối thế kỷ 19. Chuyện Đức Phật sai Bồ Tát A Nan Đà hóa độ một thái tử nọ đắm mê sắc dục. Thái tử chỉ tu hành một ngày trước khi chết thôi mà vẫn được độ sanh vào miền Cực Lạc.

Mình đã bị sách mê hoặc suốt đời, sư Quán Thông đây còn bị mê hoặc hơn mình. Chú Tuấn nghĩ thiệt mau. Rồi không từ chối cái vẫy tay mời của chủ nhơn tăng phòng chú bước theo qua khỏi ngạch cửa. Sư dặn trong khi vói tay bật nút mở đèn.

‘Xin kéo cửa lại giùm.’ Chủ nhơn thêm cho nhẹ hơn câu sai khiến của mình: ‘Để cho căn phòng ấm cúng vậy mà.’

Chú đưa mắt chung quanh. Bốn tủ kiếng dựa vách đầy sách. Sách cũ xưa Nôm, Hán, sách kinh kệ khắc bản đầu thế kỷ trước, tất cả đều ngăn nắp, ngay ngắn. Chủ phòng mời trà. Cử chỉ chuyên trà của chủ thiệt đĩnh đạc. Trong khi trịnh trọng đẩy chén trà ra trước mặt khách, sư nói chậm rãi:

‘Nói với chú như vậy vì tôi được sư phụ trụ trì khuyên dạy nhiều lần nhưng vẫn chưa bỏ được tánh mê sách, vẫn dùng nhiều thời giờ cho sách vở hơn kinh kệ.’

Khách mỉm cười sau câu nói của chủ, chưa thể góp ý, chỉ đưa mắt theo sự mời gọi của những quyển sách trong tủ.

‘Đó là cái duyên, nói lý thuyết hơn đôi chút là cái nghiệp. Tôi cảm thấy đọc một trang sách mới hay vài chục trang từng được đọc đi đọc lại thú vị hơn là tụng một thời kinh. Tội lỗi của tôi nằm ở đó. Nặng lắm mà chưa biết tính sao.’

‘Như vậy trong những buổi lễ, trong thời kệ kinh thường nhựt thầy đã không chuyên chú, cái tâm viên ý mã của thầy chạy nhảy lung tung không kềm chế?’

‘Cũng không hẳn như vậy.’ Thầy Quán Thông nhẹ nhàng vừa xác định vừa phủ nhận. ‘Chỉ nghĩ về những quyển sách mới vừa trao đổi hay mới thủ đắc, chỉ nghĩ đến những đoạn văn hay những chữ Nôm quá mắc mình vừa mới khám phá cách đọc, những ngữ nghĩa mình mới suy nghiệm, từ đó khám phá ra những ngữ ý mới mà người xưa kèm giấu trong sách. Nói chung, cái tâm mình động vì nội dung sách chứ không vì những thứ khác, kể cả chính quyển sách. Nhiều khi dựa trên đó tôi tự bào chữa mong nhẹ bớt cái tội lỗi mình đã phạm.’

Khách trịnh trọng bưng chén trà lên, đưa cao tận miệng, không cúi đầu xuống, chỉ chu môi húp từ hớp nhỏ, khi trà gần cạn chén, khách đặt lại trên dĩa, thở dài:

‘Thầy để lòng mê sách lôi kéo quá xa. Như một cỗ xe mà người cầm cưong để cho tuấn mã chạy vào con đường cấm. Người trần như tôi thì được. Như thầy thì không. Tu hành!’

Khách cố tình nhấn mạnh hai chữ tu hành nhưng không lý giải gì thêm.

Cái cười gượng gạo điểm pha chút xấu hổ, thầy Quán Thông nhẹ nhàng:

‘Như đã nói với chú, tâm tôi như bình trà đã được đậy nắp rồi, đổ bao nhiêu thêm nữa cũng chẳng vô bình. Bỏ tánh ham quí sách vở để chuyên chú vô kinh kệ nhứt thời tôi đành cáo lỗi không làm được. Người tu hành không ngại hơi thở mình ngừng, nhưng tôi vẫn lo có điều gì thì công việc cho quyển sách lớn đời mình không hoàn thành.’ Ngừng chút xíu thầy nói thêm. ‘Và nhiệm vụ giữ gìn quá khứ không viên mãn.’

Chú Tuấn nói ngay mà không sợ bạn giận. Chú nói trong cái cười nhè nhẹ:

‘Coi chừng cái tâm vọng tưởng về danh tiếng núp đâu đó trong hình thức viết lách cống hiến cho đời.’

‘Cũng có thể là như vậy, cái tâm muốn có danh tiếng biến hóa khôn lường khiến mình không nhận chân được bản lai diện mục của nó, chỉ thấy được biến tướng của nó là lòng muốn viết và sự cố gắng viết như là một lý tưởng cao đẹp thôi. Mà sư phụ tôi thì không vui gì với những sưu tập sách vở và trang viết của đệ tử, vốn chẳng phải là kinh kệ theo đường truyền thống lâu nay.’

‘Thầy nói giữ gìn quá khứ?’

‘Vâng! Giữ gìn sách xưa là giữ gìn quá khứ nếu ta chịu đọc, suy nghiệm từ đó rồi lọc ra những điều hay đẹp để thực hành. Nếu chỉ sưu tập rồi giữ sách cho thiệt nhiều thì là chuyện khác.’

Khách đưa mắt trên một quyển sách đóng bằng giấy bản dầy trên có đặt một cây bút lông.

‘Đấy cũng là một cách giữ gìn quá khứ của tôi…. Chú biết rồi, một phần triệu triệu của phút giây trước đây là quá khứ, một phần thiệt nhỏ của phút giây sau đây là tương lai. Cái giây phút nhỏ nhít gọi là hiện tại có mà không có bởi vì nó sẽ biến mất ngay. Người đời cứ chăm chăm vào cái hiện tại ảo đó mà bỏ quên quá khứ. Tôi trân trọng nó bằng cách ghi lại những gì xảy ra bây giờ. Dĩ nhiên người đọc từ đó sẽ thấy được quá khứ.’

‘Thầy làm công việc của Tư Mã Thiên?’

Có tiếng gõ cửa rụt rè bằng những tiếng nhẹ, rời rạc. Chủ nhơn cất cao giọng nhưng âm thanh vẫn nhẹ nhàng, thân tình:

‘Cửa mở, xin mời vào.’

Một thiếu phụ đẩy cửa bước vô. ‘Con chào thầy, cháu chào Bác!’

Chủ nhân tăng phòng giới thiệu:

‘Nguyên Tịnh, chuyên viên Hán Nôm, người rất thích tìm hiểu về những vấn đề cơ bản của Phật đạo.’

Hai người khách chào nhau.

Một áng mây vẩn đục bay qua trong trí chú Tuấn. Người đẹp thanh mảnh, duyên dáng như vậy đến liêu của thầy, chuyện nầy xốn mắt quá, chú Tuấn trầm ngâm ngó người nầy, đảo mắt sang người kia xong rồi ngước nhìn lên bức tượng Bồ Đề Đạt Ma quảy dép sang sông. Người thiếu phụ ý chừng không quan ngại cái nhìn và những diễn biến trong tâm của chú, cứ thảo luận với chủ nhân tăng phòng về chữ tâm mê, về mấy từ khó hiểu trong các hội 5, 6 của bài phú Cư Trần Lạc Đạo.

Chú mơ mơ màng màng nghe như tiếng thiếu phụ:

‘Tâm mê trần gian coi mọi sự trên đời là thật. Thiệt ra mọi vật trên đời là ảo, chỉ hiện diện một thời gian rồi mất, tan biến vào cõi vĩnh hằng… cũng chẳng có nam nữ, chỉ có linh hồn và tục thân, tục thân hiện ra dưới hình thức nầy kia. Người mạnh kẻ yếu, người kẹp kẻ xấu, người nam kẻ nữ …’

Chú bừng tỉnh khi tiếng giảng và tiếng hỏi ngừng khá lâu. Chú mở mắt thấy cả hai đương nhìn mình ái ngại. Chú hơi sượng sùng, trở bộ ngồi, tự mình lấy lại chút bình tĩnh bằng cách hớp hớp những hớp nước bự trong tách…

‘Chú coi bộ hơi mệt, nên nghỉ ngơi. Mười năm kia ai bị cũng dễ mất sức, bịnh hoạn…. Mấy quyển kinh sách chú hỏi mượn đã được để sẵn trên bàn đằng đó. Cứ yên tâm cầm về xem, đừng ngại. Sách là để đọc, không phải để trưng bày hay làm của.’

Chú Tuấn liếc nhìn vẻ mặt thanh thoát, đẹp đẽ và hai bàn tay thon thả của người thiếu phụ đang chắp trước ngực…

Hình như cái xốn xang trong mắt đời của chú vẫn còn quanh quất, chưa chịu tan biến…..

2.

Tám tháng sau chú Tuấn lại đạp xe đến chùa. Tăng phòng cũ của vị sư bạn đã được giao cho sư khác. Thầy Quán Thông bây giờ dọn vô một liêu phòng nhỏ cất tạm xa xa, trước rìa nghĩa địa chùa. Thầy để tóc như người cư sĩ tại gia. Áo nâu sòng nhưng không phải là áo tràng của người xuất thế. Thầy mời chú vào thảo liêu với cái mỉm cười.

‘Xin mời vào! Xưa Khổng Minh thanh thản ở mao lư, nay tôi ngự thảo liêu thì cũng như nhau thôi.’

Thầy quay lui, ngó ra ngoài nội, cũng vẫn là câu biểu nhờ nhưng lần nầy nghịch lại:

‘Thôi chú cứ đề cửa mở cũng được. Ta hưởng chút khí trời buổi xế chiều.’

Sách vở nhiều hơn và bề bộn hơn. Nhiều quyển mở ra để trên bàn với những tờ giấy nhỏ ghi chú chằng chịt. Nhiều quyển tự điển nầy nọ dầy cộm mở ra có cây viết đặt vào để làm dấu.

Chủ nhân mở đầu:

‘Nay tôi chỉ còn thuần là một phật tử, một cư sĩ tại gia. Sư phụ trụ trì không khuyên tôi hoàn tục, cũng chẳng muốn tôi hoàn tục nhưng người nói tâm tôi đầy sách vở của văn chương chữ nghĩa, tôi lại cứ ghi ghi chép chép nên tâm không có chỗ cho kinh sách nữa, sư phụ không nói tâm tôi như cái bình đầy đậy nắp, nhưng đại khái tương tợ như thế… Tôi hiểu nghiệp mình và nửa năm trước đã xin thầy cho được sống và tu theo lối của mình. Tôi dịch kinh viết bằng chữ Nôm của các thầy mấy thế kỷ trước, tôi nghiền ngẫm những bài phú của vua Trần, những bài thơ của các thiền sư đời Lý. Tôi xa rời kinh Hán tự, Phạn ngữ….’

Ngước nhìn bức tượng Bồ Đề Lạt Ma, chú Tuấn nhớ tới người thiếu phụ trước đây.

‘Thưa huynh, người tín nữ tha thiết đến chuyện tâm đạo tâm mê tôi hạnh ngộ lần trước bây giờ vẫn khỏe?’

Huynh Quán Thông sửa lại thế ngồi, đưa tay rót trà cho khách, ngó mông ra cửa. Ngoài nội bao la lửng lơ vài ba cụm mây trắng trên nền trời trong xanh. Gió làm lao xao cành lá những tàng cây trước mặt.

‘Tất cả các pháp đều vô thường. Biến đổi không cùng. Đời người như những đám mây kia. Như những cơn gió nọ.’

Chú Tuấn nghe như có luồng điện cao thế chạy xẹt từ chơn cẳng lên tuốt trên đỉnh đầu mình. Chú tròn xoe mắt ngó người đối diện nhưng không dám hỏi. Người cư sĩ đóng lại một cuốn sách đương để lật ra trên bàn, đem xếp chung vô với những cuốn để đứng trong tủ kiếng, đẩy đẩy nhẹ những quyển sách khác lại cho ngay ngắn, nói tiếp:

‘Nguyên Tịnh là người chăm chút trau dồi cái tâm của mình, nhưng cũng không lơ là chi mấy với tục thân. Nguyên Tịnh khám bác sĩ riêng hằng tháng suốt mấy năm qua vì bác sĩ là người bà con. Vậy mà 7 tháng trước nghe tin mình bị bướu não. Được khuyên mổ óc lấy khối u ra, Nguyên Tịnh từ chối với lý do nếu phải tới lúc hết nghiệp, phải để lại tục thân, thì chữa chạy cũng vô ích thôi. Đời sống vốn vô thường, cứ để cái vô thường hành sử quyền của nó.’

Lần nữa huynh Quán Thông ngó lên bầu trời. Một vài đám mây khi nãy đã tan, giờ có thêm vài đám mới. Huynh nhớ đến gương mặt của thiếu phụ thông minh có tinh thần tìm học, đã coi nhẹ một trong những nỗi khổ của nhân sinh. Huynh nhắc thêm:

‘Nguyên Tịnh xác quyết với tôi rằng con người mang tiếng khóc ban đầu mà ra, không phải vì đau đớn khổ sở mà là phản ứng của cơ thể để có thêm không khí khi mới thay đổi môi trường bên trong cơ thể mẹ sang môi trường bên ngoài đời. Và Nguyên Tịnh sẽ chứng minh rằng cái được gọi là khổ chót đời của nhơn sinh ai nấy đều sợ xem ra cũng không phải là cái khổ. Nó là một giai đoạn của quá trình. Tới giai đoạn nào thì ta chấp nhận giai đoạn đó. Giai đoạn chót là một phút giây cực kỳ ngắn, chủ thể chẳng kịp cảm nhận, vậy thì nó vô tính, sướng khổ hay gì gì thì là do người ngoài gán cho nó mà thôi. Không phải cảm thức của chính chủ thể.

Chú Tuấn gật gù. Đi ngược lại lời dạy căn bản lưu truyền mấy ngàn năm nay của đấng từ phụ sáng suốt ngàn đời không phải điều chú có thể chấp nhận được liền. Chú rụt rè ngó người đối thoại, nói cho có, vô thưởng vô phạt:

‘Nguyên Tịnh thông minh và can đảm. Không phải dễ dàng có được một người như vậy trên đời nầy.’

Ngoài kia có tiếng ồn ào cãi cọ của dân chúng và những người gọi là giữ gìn trật tự khu phố. ‘Mấy vụ kiện cáo khiếu nại xảy ra hà rầm mấy năm nay mà có ai giải quyết được đâu, miếng đất phía sau của Chùa cũng bị hăm he giải tỏa, sư trụ trì cứ chấp tay Mô Phật hoài chớ biết tính sao bây giờ!’

Huynh Quán Thông nói rồi đưa tay lên nhổ những cọng râu vừa mới nhú nhú ra ở dưới cằm. Hai người ngó vô mặt nhau xong cùng liếc mắt ra đường. Không khí bỗng nhiên nặng nề như đông đặc làm cho người ta phải è ạch thở.

Huynh kéo tủ, mở một cuốn sách ghi chú dang dở của mình ra, chấm chấm đầu bút lông vô nghiên mực Tàu, cầm ngang bút rồi nhè nhẹ gạt gạt đầu bút vô nghiên để mực không đọng trên ngọn, viết tiếp theo trang viết dang dở:

‘Tháng Mười năm nay dân oan thường bị đuổi dạt tan tác, một số nhỏ thoát chạy ngang chùa. Người tín nữ thường đem nước và xôi cúng dường cho họ đã siêu hóa hơn năm tháng nay không còn cúng dường cho họ nữa…’

Huynh ngừng viết hỏi người đối diện:

‘Mà chú Tuấn nầy, chữ dạt ngày nay viết Nôm sao cho đúng nhỉ? Hài thanh với dật, diệt, đạt hay cát?’

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA, 20 Dec.2013)

Cám Ơn Người Lính Mỹ

Cám Ơn Người Lính Mỹ                                       
Thơ: Nguyễn Thị Thanh Dương                           
Nhạc: Vĩnh Điện                                                     
Dịch: Trịnh Bình An                                               

Thank you, the American Soldiers
Poem: Thanh-Duong Nguyen
Music: Vinh Dien
Translation: Binh-An Trịnh

 

Bao nhiêu mùa Lễ Tạ Ơn cho vừa
Để tạ ơn người lính Mỹ năm xưa.
Hình ảnh của anh bồng bế những trẻ thơ,
Trong lúc giao tranh trong cơn hoạn nạn
Thắm thiết tình người dù điều đơn giản.
Giữa đạn bom sống chết thật mong manh.
Người dân Việt Nam, người Mỹ các anh
Đã có lúc khổ đau, cùng nhau chia sẻ.

How many Thanksgiving seasons would be enough for us
To thank the American soldiers from those old days?
Pictures of you carrying our children
On the battlefields, in perilous moments,
Were simple things that best defined humanity
When human lives were dangling in the line of fire.
We the Vietnamese people and you the American people
Have once shared the sufferings with one another.

Anh ôm đồm hai tay hai đứa,
Súng kẹp trong tay, chân bước vội vàng.
Cha mẹ chúng chết hay đã bị thương?
Đứa trẻ khóc giữa mịt mờ khói súng.

Under your arms you carried two kids
While holding your gun in fast-paced motion.
Who knew if their parents were killed or injured?
Only their cries were heard amidst gun smoke.

Anh bế nó chạy trên con đường làng vắng.
Quấn cho nó tấm chăn mỏng che thân.
Lội dưới ruộng đồng nước ngập ngang lưng.
Đứa trẻ ấm trên vai người lính Mỹ.

You picked up a child along a deserted country road.
You wrapped his tiny body in a thin blanket.
And while you waded through muddy rice fields
He was kept warm on your shoulders.

Anh bế nó trong căn nhà đổ nát.
Bước qua tan hoang, qua cảnh đau lòng.
Đến một nơi nào tạm trú yên lành.
Giữa lúc hiểm nguy bên ta bên địch.

You picked up a child from a collapsed house
You carried him through the ruins of war
And brought him to a safe refuge
While dangers were all around you.

Anh vác nó đường hành quân vai nặng.
Đi giữa rừng để tới trạm cứu thương.
Đứa bé trúng đạn anh gặp trên đường.
Máu nó thấm trên áo người lính Mỹ.

You carried a child along the battlefield
Into the forest towards a medics unit.
For you found that child with a bullet wound.
And his blood was dripping on your jacket.

Anh đã ngồi với một đàn trẻ nhỏ.
Tay súng chở che trong một chiến hào.
Chúng nằm im nghe súng nổ qua đầu.
Ánh mắt tin cậy nhìn người lính Mỹ

You were in a trench with a bunch of kids.
Your gun being held tight to safeguard them.
They listened to bullets ripping over their heads.
And looked up to the American soldier with trust.

Anh đã cõng những người già người trẻ.
Băng bó vết thương máu chảy thịt rơi.
Họ lạc người thân mỗi người một nơi.
Được anh giúp người lính Mỹ xa lạ.

You carried the old people, the young people.
You affectionately tended to their wounds.
They lost their loved ones in the war.
But got this strange American soldier to turn to.

Có thể hôm nay anh không còn nữa,
Có thể hôm nay anh lẩm cẩm già nua.
Anh không nhớ nữa cuộc chiến tranh qua,
Không nhớ những đứa trẻ trên tay anh thuở nọ.
Nhưng chúng tôi người Việt Nam vẫn nhớ
Khi nhìn những hình ảnh cảm động này.
Thêm mùa Tạ Ơn để nói thêm lời cảm ơn
Người lính Mỹ
Trên quê hương tôi
Lửa khói.

Today you might have passed away,
Today you might have grown too old
To remember the war of those days
And the children you once carried in your arms.
But we the Vietnamese people – we remember you,
Whenever we look at these touching images.
One more Thanksgiving for us to say thankyou
The American soldiers
Who once went to our country
At a time of fire and smoke.

 Sâu Chuỗi  Da  Voi

 Nguyễn Văn Sâm

1.

Sáng nay là tới ngày hẹn, tuần trước Tuấn hứa sáng sẽ ghé nhà thăm ba má tôi và ra mắt Ông Ngoại. Tôi thẹn thùng lí nhí báo tin với má, bà cười hiền không nói gì nhưng từ hai ba bữa trước đã đi chợ hơi sang, thoáng lắm. Tôi biết tánh má, đã sỡi lỡi mà lại cứ sợ người ta chê cười mình bỏn xẻn, không biết cách tiếp khách. Tuấn nói úp úp mở mở là sẽ có món quà cho tôi và cả gia đình. Tôi không trông quà, tôi biết ý nghĩa của thành ngữ há miệng mắc quai nên từ trước tới giờ từ chối tất tần tật mọi biếu xén nầy quà nọ của bất kỳ anh chàng nào. Tôi trông chờ từng phút vì ngại Tuấn mất điểm với  các trưởng thượng trong nhà. Thành kiến ban đầu dễ để lại ấn tượng, tôi muốn ai tới nhà nầy cũng đều được ấn tượng tốt trước tiên. Đó là lẽ công bình.

Thế mà! Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé, để lòng buồn em dạo khắp quanh sân. (Hồ Dzếnh).

Hẹn sáng mà quá trưa anh chàng vẫn chưa ló mặt. Cũng chẳng điện để báo là mình đến trễ. Cha cằn nhằn là cái thằng coi bộ không biết điều chút nào. Hẹn với  hò như thề cá trê chui ống. Tôi  không đủ thời giờ để hiểu coi có sự tương quan nào giửa lời thề cá trê chui ống với hẹn đến nhưng mà đến trễ. Chỉ đi ra đi vô cố tình tỏ ra vẽ thiệt bình thường, cốt để ba và Ông Ngoại không coi đây là chuyện quan trọng. Má thì cứ binh anh ta chầm chập. Nào là ‘Nó có chuyện gì đó quan trọng nên mới vậy.’ Nào là ‘Nó ngại điện thì con lo nầy lo kia bâng quơ nên mới làm thinh. Nào là ‘Chắc có lý do gì đó…’ Bào chữa như là chàng rễ quí đã được chấm điểm xong xuôi không bằng!

Tôi thiệt tình không thích hẹn hứa kiểu nầy, nhứt là có dính dáng tới người trên kẻ trước. Phong cách kẻ cả, coi người khác không ra gì khiến anh chàng chẳng bận tâm giữ lời hứa về giờ giấc với cả người con gái mới quen! Tưởng cái mã hoàng thân đỏ và cái gọi là đẳng cấp đại thiếu gia đè bẹp được lòng tự trọng của tôi chắc.

Tôi ra vườn ngó lên cây ổi say trái đương đong đưa những chùm bự xộn trắng xanh bóng lưởng thấy thèem nhiễu nước miếng. Thời gian qua mau, con người trong nháy mắt đã phải sống theo cái tuổi xã hội của mình, không còn được tùy theo bản tánh nữa. Mới bốn  năm trước tôi còn xắn ống quần nhảy qua mương nước hay lận lưng quần để nhảy cò cò, mấy anh chàng lối xóm đứng xa xa trơ mắt ếch mà tôi chẳng lý gì, cứ việc nhảy, nhảy… Mới hai năm trước thôi tôi còn trèo lên cháng ba ngồi vắt vẻo trên đó cắn ăn ngon lành những trái ổi vừa chín tới. Bây giờ thì chỉ mới ngước mặt ngó lên cây đã bị má la chằng chằng, đành nuốt nước miếng, làm yểu điệu thục nữ lấy lồng mà hái như kiểu tiên nữ hái trăng! Má không biết rằng thưởng thức trái cây bình thường từ chợ mua về hay ai đó hái sẵn rửa sạch, chưng bày trên dĩa coi vậy không thú vị bằng thú được leo trèo, lựa chọn, bấm trái nầy, nghía trái kia, thỉnh thoảng với tay ra thiệt xa ngắt một trái ngon lành nhứt, chùi đại đùa sơ sài vô tay áo rồi cắn một miếng thiệt lớn, nhai ngồm ngoàm…

Tôi cười một mình khi nghĩ tới ý nầy. Nhớ tới nhỏ Thu ưa xù xì với tôi về chuyện lựa bỏ phũ phàng mấy khách tình si của nó: ‘Tao thích lựa chọn, giống như bắt lên bỏ xuống mấy con gà con vịt khi đi chợ, lúc đó mình thiệt thọ là chủ nhơn, là nữ hoàng. Ông gì thì ông, mình nói là họ  tiu ngỉu cụp đuôi như con Cún bị rầy, rồi từ từ biến, giàu cách mấy, đi xế hộp xịn cách mấy thấy không hợp là cho de không thương tiếc quá khứ… Nó thường tâm sự với tôi trong tiếng thở dài: ‘Tao sợ tụi mình rồi ra sẽ ế, dầu bây giờ lúc nào cũng có cả tá đón đưa. Mầy biết tại sao không? Đàn ông ở đây ngày nay sao mà mạt hạng, không rượu chè bóc hốt gà móng đỏ dài ngày tháng cũng đàng điếm lê lết ở các nhà nghĩ sang hèn với bò lạc đường, nai bơ vơ. Không hung dữ ác độc với người cô thế dưới quyền thì cũng ù lì, nhắm mắt sống chết mặc ai, chỉ biết vinh thân cho mình và cái gia đình nhỏ…’ Thấy tôi làm thinh suy nghĩ thường nó chấm dứt bằng một câu nghe quá nhiều tới nhàm tai: Mấy cha nội sống kiểu đó cần gắn thêm cái đuôi với cặp sừng là đủ bộ.

Tôi nghe mà ừ hử cho qua buổi. Nó khắc khe quá chăng? Thời buổi nầy cũng nên  nương  nhẹ chút chút, tiêu chuẩn quá thì ‘quy mã’ may ra mới gặp người vừa ý!

Rồi Tuấn cũng tới, quá giờ cơm chút chút. Tóc tai bảnh bao, người thơm phức, áo quần và hơi thở hôi mùi thuốc lá. Tôi làm mặt tỉnh để coi anh chàng nói gì.

Không có một lời xin lỗi. Chỉ đưa lý do là  phải tranh đấu với hai ba khách xộp khác để thủ đắc được mấy món quà đặc biệt cho tôi. Và phải ghé chỗ thường chịu ơn nhờ vã để lấy hàng cho Ông Ngoại với Ba Má được chuồn từ Kambuchia sang theo đường cửa khẩu Mộc Bài…

Tôi chẳng cần hỏi quà gì cho tôi, chỉ nháy nhó nhắc anh ta xin lỗi ba bậc trưởng thượng trong nhà, họ đương  ngó coi tình hình để đánh giá thí sinh.

Má coi bộ cưng ứng viên nầy nên săn sái dọn cơm và rầy tôi nói lỗi phải gì cho thêm phần hình thức, lo cơm nước cho cậu ấy, trưa quá rồi, khách đói bụng…

2.

Tuấn bước ra chỗ xe đậu, oang oang ra lịnh:

‘Mầy lấy mấy gói hàng mới nhận được ở cửa khẩu khi sáng đem ra đây tao. Sao mà rùa vậy không biết. Rùa như mầy thì cạp đất ăn là phải.’

Anh tài xế lật đật mở cốp sau lục lựa trong đám hàng lỉnh kỉnh những thứ chủ mình cần.

‘Mầy sao ngu tuyệt trần đời, đã nói là thứ mới được trao tay khi sáng chính mắt mầy thấy sao lại phải đi tìm. Hậu Đậu thế! Mầy có tắt nhạc đi không? Làm việc mà mầy để nhạc thì chú tâm sao được!’

Lục lọi, chất chồng rồi thì anh tài xế cũng khệ nệ mang vô lỉnh kỉnh những hộp nầy hộp nọ gói trong những tờ giấy màu sang trọng đẹp mắt. Tuấn đủng đỉnh xách hai chai rượu đi theo sau. Con Cún thấy lùm xùm sủa vang, ba của Thảo phải nạt nó lui ra sau.

Đứng dưới máy hiên Thảo chứng kiến hết mọi chuyện, cô day mặt như là không thấy gì khi Tuấn bước vô nhà, nháy mắt cho Tuấn đưa quà kính biếu Ông Ngoại trước tiên, vậy mà anh chàng cũng lỡ bộ tới sát thiếu điều đụng cô rồi mới quay lại. Ba má mỗi người được hai gói. Thằng Cảnh em trai Thảo được hai chai rượu ngoại. Thảo không mở quà, Tuấn lí nhí nói:

‘Mua cho em chai nước hoa hão hạng, thứ quí nhứt không đụng hàng và vài ba chai kem dưỡng da mà các siêu sao Hàn Quốc thích sử dụng. Hàng chỉ nhập số rất ít theo yêu cầu vì giá hơi khủng…’

Cha mẹ ơi! Nghe mà bắt mệt. Tôi đâu ham hố gì những thứ đó. Tôi cần tấm tình chơn thật và cần con người có giá trị. Nếu hàng tặng quí giá thay thế được con người thì cuộc đời nầy đão lộn hết giá trị, và đâu còn những mối tình trong sáng đáng ca ngợi nữa…

Ông Ngoại đuợc hai sâu chuỗi da voi với một cái sừng tê giác. Cha Thảo được một chai lớn bự xộn rượu thuốc hão hạng ngâm rắn mãng xà … MáThảo có mấy hộp yến huyết, vài hộp vi cá Bắc kinh và ba bốn hộp sửa ong chúa. Cả ba người nhận quà, mở quà theo phép lịch sự nhưng khi thấy vật được tặng thì không có bất kỳ ánh mắt thích thú ở một ai dầu là cái cười gượng gạo và lời cám ơn ngoại giao cần có. Thằng Cảnh vui nhứt. Nó rủ rê ‘ông thí sinh anh rễ’ ra ngồi riêng để chén chú chén anh khai trương chai rượu mà nó nói là thứ hàng độc của đại gia không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức.

Được một chập, chừng hơi sừng sừng, Tuấn bưng ly rượu tới trước Ông Ngoại cúi chào lễ phép:

‘Thưa Ông, cháu kính chúc Ông sức khỏe và trường thọ.’

Ông lão đưa tay bưng ly, cố gượng đứng dậy, ngước cao mặt lên trời:

‘Được vậy thì quí hóa. Mấy năm học tập trong rừng, sức khỏe tôi hao mòn gần tới cuối dốc. Bây giờ được như vầy cũng nhờ ơn Trời. Cám ơn cậu nhiều.’

Người đối diện hơi tiu ngỉu nhưng chuyển đề tài thiệt lẹ:

‘Cháu biết vậy nên chọn thứ cần cho ông. Sừng tê giác mài uống khi cảm thấy mệt sẽ điều hòa tim đập loạn nhịp. Chuỗi hột da voi ngoài giá trị trang sức còn trừ được nhiều bịnh tật như cao máu, bổ thận, cường dương, ngăn ngừa ung thư…’

Ông Ngoại chêm vô không cho đương sự nói hết ý:

‘Da voi thì cũng như da trâu da bò thôi, chỉ có điều là voi lớn con nên da nó dầy hơn, làm sao mà trừ được nhiều bịnh nan y như vậy? Còn sừng tê giác nữa, bất quá như sừng trâu sừng bò thôi, cũng là sừng thú, cấu tạo cùng một chất… Tụi con buôn bày đặt bày điều lừa gạt người nhẹ dạ mà làm giàu thôi.’

Để chửa quê độ, Tuấn uống cạn ly của mình, xua tay phân bua, cười  mơn:

‘Thiệt đó ông, nhiều người đã dùng rồi lên tiếng xác nhận hiệu nghiệm vô cùng đó ông. Bởi vậy chuỗi da voi bên Miến Điện bán đắc hàng lắm, cả trăm đô một chuỗi. Đem về đây tốn thêm tiền di chuyển, chung chi, bôi trơn và giao tiếp nầy nọ nên giá thành 8 tới 10 triệu. Dân chạy hàng đem về bao nhiêu cũng hết. Kỳ nào cũng cháy hàng. Toàn là đại gia dùng thôi. Cháu có máu mặt nên giành mua được chỉ có mỗi bốn chuỗi cho gia đình Thảo, chẳng có vòng nào cho bố của cháu.’

Ông lão, ngồi xuống, hơi thở mạnh, trả lời nhẹ nhàng nhưng quyết liệt:

‘Thôi  tôi không đeo thứ vòng tiên đó đâu. Giá trên trời! Tôi mà mua vòng đó thì  không mang bị chín quai cũng bị chúng níu.’

Tuấn ngó sang Thảo cầu cứu vì anh thiệt sự không hiểu ông cụ nói gì. Thảo cứu bồ:

‘Ông nói vòng nầy mắc tiền quá, ông mua thì nghèo mạt rệp, nếu không đi ăn xin thì cũng mang nợ.’

Tuấn cười ruồi:

‘Dạ đâu có ông, cháu mua tặng ông, hai  bác và Thảo… Ông biết không, muốn có da  voi để làm vòng nầy, bọn săn voi sẽ đi từng nhóm 5, 6 tên với đầy đủ thức ăn, lặn lội trong rừng già cả tháng, họ lần mò đến nơi thường có đàn voi đi qua, đứng xa xa rồi dùng súng bắn kim bơm thuốc độc nhắm vô chừng 1, 2 con là đủ cho chuyến. Thuốc thấm, con voi cũng đi được theo đàn nhưng dần dần chậm lại vì sự đau đớn càng lúc càng tăng, cả đàn thỉnh thoảng đứng lại chờ. Chừng ba bốn ngày thì nó mệt lã, rú lên những tiếng rú vang dội khắp cả khu rừng nghe thảm thiết lắm, cuối cùng ngã xuống chết. Đàn voi thương tiếc bạn, lẩn quẩn kế bên lấy vòi khều khều bạn chừng nửa ngày rồi cũng bỏ đi.’

Những người trong nhà mở tròn mắt, vảnh ngược tai. Người kể vẫn còn hào hứng:

‘Họ đợi đàn voi tới con chót đi khỏi mới tới bên con voi xấu số, lạn  lấy lớp da sần sùi dầy cộm của voi, lạn được càng nhiều càng tốt, vì đem về là tiền nhưng da thì nặng mà đường rừng thì nhiêu khê. Có khi lại gặp cướp…. Đem về họ rửa sạch, cắt ra từng sợi bằng ngón tay cái, sau đó cắt thành hình khối vuông như cục xí ngầu, rồi cho qua một quá trình tác dụng hóa học ít người biết, xong cắt đẻo thành những viên đạn lớn nhỏ tùy theo nhu cầu. Giai đoạn sau cùng là đánh bóng để thành ra những viên có màu huyết dụ, rồi kết thành các chuỗi hạt để người mua đeo vô cườm tay, trị bịnh… ’

Thấy cả nhà trầm ngâm sau câu chuyện kể hào hứng của mình, Tuấn tiếp, chửa lửa:

‘Để có được những thứ thuốc tiên kia, một số con vật bị chết oan, nhưng mà ông bà mình đã nói vật dưỡng nhơn, trời đất sanh ra thú vật là để nuôi sống con người.’

Cả nhà im lặng thêm chừng năm mười phút nữa. Thảo biết rằng họ không muốn phát pháo mở đầu một cuộc tranh luận  sẽ không có điểm kết thúc nên ngậm miệng làm thinh.

Cảnh ngồi hơi xa, hỏi vọng tới để phá tan bầu không khí nặng nề:

‘Giết voi để lấy da, họ có lấy ngà không?’

‘Sao lại không? Bịnh sao bỏ! Họ dùng cưa máy, cưa cặp ngà, họ tranh nhau vặt lông đuôi bỏ vô túi.’

Cô gái độc nhứt trong nhà bụm miệng hỏi qua kẻ tay:

‘Để làm gì vậy?’

‘Lông đuôi voi kết thành nhẫn đeo tay trừ tà ma và đem lại điều hên cho người đeo! Bỏ theo trong bóp cũng có tác dụng tốt tương tợ.’ Tuấn vừa nói vừa đưa tay ra túi sau  như lấy bóp trình làng.

Ba của Thảo bây giờ mới lên tiếng đồng thời với cái xua tay:

‘Thôi khỏi cần chứng minh! Bày đặt! Bày đặt lòi đuôi! Tụi con buôn đặt điều xạo rồi tuyên truyền cho người nhẹ dạ tưởng thiệt. Cuối cùng không chỉ là voi mà cả hùm beo, tê giác, heo rừng, gấu, yến, dơi, rắn rùa, ba ba, cá voi, cá mập… đều bị chết do lòng tham lam và ham sống của con người.

Thữ nghĩ nếu  mấy con thú đó  có khả năng đem  tới cái hên cho người, thân thể nó đem lại sức khỏe cho con người thì chúng đã là thần, chúng sống dai có đâu bị loài người giết hại tới gần tuyệt chủng…’

Anh chàng Tuấn chống chế trong tuyệt vọng:

‘Thiệt mà bác, cả bao nhiêu nước ở Á Châu nầy đều tin chuyện đó. Người Trung thì càng tin nhiều hơn.  Bao nhiêu  chuỗi, bao nhiêu sừng tê giác, cả tấn yến huyết, vi cá… đem về đều hết…’

Má của Thảo nói với con gái:

‘Má không đeo vòng da voi đâu! Chịu! Nghe kể mà thương  bầy voi, thương mấy con nầy con kia quá. Mình muốn tốt, muốn sống sung sướng mà giết hại chúng nó thì là quá tàn nhẫn…’

Ngừng một chút, như để lấy lòng người tặng quà, bà tiếp:

‘Có lẽ má dùng yến huyết, nghe nói đó là thứ bổ hảo hạng. Với lại đó là nước miếng của chim yến,  lấy tổ của nó người ta chẳng cần phải sát sinh như các trường hợp khác.’

Người chồng lên tiếng bát ý kiến vợ:

‘Bà nói vậy mà nghe được! Bà biết không, tổ yến làm bằng nước miếng của yến với lại lông của nó. Lấy tổ nó thì nó phải khạt nước miếng ra nhổ lông mình để làm tổ khác. Khạt hoài thì nó chảy máu cổ rồi có thể rủ ra chết… Nghĩa là  ăn tổ yến cũng là giết yến. Một cách sát sinh…. Mà nói cho bà nghe nha: Yến huyết chẳng có nhiều đâu, bọn con buôn bỏ phẩm màu làm như máu yến đó. Yến nhỏ hí, có bao nhiêu máu mà họ bán đầy trời yến huyết từ nước nầy qua nước khác.’

Thấy bạn bị đì quá, Thảo kêu em cứu bồ, kéo bạn mình trở lại bàn nhậu hai người bỏ dở nảy giờ. Những tiếng vô … vô điếc tai thỉnh thoảng lại vang lên. Mỗi lần nghe Thảo đều nhăn mặt. Tuy không chú ý nghe đề tài họ trao đổi, thỉnh thoảng cả nhà đều nghe Tuấn và Cảnh nói nầy nọ nào là xả lủ đúng quy trình, nào là ngập lụt xứ nào chẳng có, nào là ở Phi Châu ở Trung quốc họ còn tham những gấp mười, ở Mexico chánh quyền giết  cả mấy ngàn người để bịt miệng….

Những ánh mắt thất vọng được trao đổi nhanh, thầm lén….

3.

Sau khi Tuấn ra về chừng cả tiếng đồng hồ gia đình nhỏ chúng tôi năm người mới trở lại bình thường. Ba lên tiếng trước tiên:

‘Cái thằng ma lồi nầy tao coi bộ không được.’ Ngó thẳng vô mặt tôi ba tiếp: ‘Bây giao thiệp với nó thì coi chừng. Thứ đội trên đạp dưới. Thứ ăn tươi nuốt sống con nầy vật kia  để bổ máu, cường dương thì sau nầy bây bị nó nhai xương cái rột khỏi cần chặt khúc nấu nhừ.’

Tôi xụ mặt bỏ xuống nhà dưới nhưng đã quyết định rút lui từ cả giờ trước. Lấy anh ta thì tôi phải làm thêm nhiệm vụ giúp anh chống lại lòng ích kỷ của anh. Con người mà! Chống lại lòng ích kỷ của mình đã khó, làm sao tôi có thể cưu mang thêm một nhiệm vụ nữa? Lấy anh ta là tự nhiên tôi đeo cái vòng kim cô trách nhiệm hòa hợp giửa con người chỉ biết mình của anh với lòng nhân từ đạo đức bình thường của gia đình tôi. Trời Phật ơi, mới nghĩ tới tôi đã thấy ngộp.

Ông Ngoại chậm rãi hơn:

‘Tao không khuyên đừng, cũng không khuyến khích. Tao chỉ nhận xét là thằng nầy mê muội lắm. Ỷ có tiền, nó xài vung tay. Nghe ai thuốc nước món nào quí, món nào bổ là nhào vô. Mà mấy món sừng tê giác, chuỗi da  voi, yến huyết thì nói thiệt mà nghe, cũng như đông trùng hạ thảo, cũng như sửa ong chúa hay tế bào gốc chỉ là đồ xạo. Tin họ thì hết tiền, thì  tật mang, thì bị dán cái bảng NGU to tổ chảng trên trán…’

‘Mà nghe nó kể chuyện giết voi,  săn tê giác với phương châm vật dưỡng nhơn sao tao thấy tiếc điểm với nó quá!’ Ông cười lớn vui  tới bắt ho, nói trong từng tiếng ho đứt khoảng:

‘ Tao.. tao…tao cho …dưới … dưới …điểm loại…’

Cả nhà cười ồ. Cảnh đứng đậy cái rột, tới trước mặt ông Ngoại, đỏ mặt giơ lên chai rượu còn nguyên và cái nón bảo hiểm của dân đi mô tô ở Mỹ:

‘Ông Ngoại ghét anh ta thì nói vậy, chớ riêng con thì con chấm đậu. Anh Tuấn cho con rượu đã đành. Anh ta còn hào sãng tặng con cái nón nầy. Mua bên nây làm sao có? Thấy đẹp con khen là anh ta phóng tay cho ngay mà còn kể về thành tích tại sao có cái nón đó.’

Má vừa dọn dẹp vừa nói:

‘Đâu con kể thành tích nó coi được không!’

‘Anh Tuấn khôn lanh lắm.’

‘Đã biểu kể mà ở đó kà kê dê ngỗng hoài. Anh Tuấn, anh Tuấn hoài thấy bắt mệt. Kể lẹ đi để má còn dọn dẹp nhà cửa.’

Cảnh lấy cái nón bảo hiểm, giơ lên cao lần nữa:

‘Nón nầy do hãng Davidson Motor bên Đức sản xuất cho người đi mô tô. Vậy cho nên rất chắc, té mạnh mấy cũng không bể. Một bữa kia ảnh thấy ông Việt kiều nọ chạy xe máy, đội nón nầy. Anh rà theo, tới chừng ông ta đi gởi xe, gởi luôn cái nón thì anh vô thương lượng với tên giữ xe kêu nó bán cái nón với giá 4 triệu, dặn nó sau đó nói với ông Việt Kiều rằng chỗ gởi xe không chịu trách nhiệm  nón áo… cho nên mất rồi. Việt kiều lớ ngớ bực bội  lầu bầu  một lúc rồi thì cũng  bỏ đi chớ làm gì ai. Cả nhà coi anh ta khôn lanh  quyền biến không?’

Má nói sau cái chép miệng:

‘Khôn lanh kiểu đó sao tao ớn tới cần cổ. Chỉ có mình mầy thích vì ‘còn nó còn những món quà cho mầy, hết nó thì mầy bơ mỏ. Cho nên mầy xắn tay áo bảo vệ bất kể trật trúng.’

4.

Tôi bỏ ra vườn. Trên nhánh ổi cao hai con chim chìa vôi nhảy qua lại thiệt là thanh bình trong khi lòng tôi lăn tăn gợn sóng. Hình như từ đây tôi sẽ không được như chúng một thời gian dài. Cuộc chia tay nào chẳng có lý do hữu lý. Nhưng chắc chắn đoạn cuối cuộc tình nào cũng phảng phất một chút u buồn dầu mình là người quyết định chấm dứt. Không thể  nói dễ dàng như nhỏ Thu nhưng tôi sẽ nói.  Anh chàng Tuấn nầy mánh mung và máu lạnh. Tai tiếng như âm thanh xì xào của buội tre làng làm sao chận được? Như phấn hoa gió thổi  bay tràn lan trong không khí, tay nào chụp bắt cho hết? Rồi cả nhà sẽ gánh nhuốc lây… Ngày mai tôi sẽ đổi số điện thoại. Và sẽ chẳng bao giờ mở gói quà vừa nhận khi nảy.

Ngoài kia dòng sông Cổ Chiên chạy qua chợ Bãi Vàng vẫn lặng lẽ trôi chảy. Những con đò xuôi ngược đầy người trên đường ra chợ hay trên đường từ chợ về, thỉnh thoảng con đò máy Bãi Vàng – Hòa Minh ghé bến trước nhà đổ xuống từng đoàn người cười cười nói nói. Có ai biết được tâm tình của tôi!

Buồn ơi chào mi! Ta thả mi xuống dòng nước, hãy trôi ra cửa biển tới tận ngoài Cồn Ngao nha,  xa hơn nữa càng tốt, như  những ngày thơ ấu ta thả thuyền giấy xuống con sông tuổi thơ nầy và van vái nó trôi ra thật xa, biền biệt….

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA, Oct., 2017

(Tháng 10 nhớ lại tháng 10 sống ở Trà Vinh 1978 lo chuyện đi xa.)

 

Từ Hành Trình Chữ Nghĩa đến Hành Trình Nhân Ái

Cao Nguyên

Do duyên giao ngộ với các bạn trẻ trong sinh hoạt văn hóa cùng tâm trí hướng về quê hương nguồn cội. Tôi đã gặp một số bạn trẻ, hoặc chỉ mới quen biết nhau trên sinh hoạt online từ các trang web hoặc Facebook. Nhưng tất cả các bạn đã có sự đồng cảm cùng tôi trên hành trình nhân ái, mong cầu quê hương Việt Nam thoát cơn điêu linh do cộng sản thống trị, để đồng bào cùng chung dòng máu vui hưởng cảnh thanh bình trong cuộc sống đúng nghĩa mỗi con người có quyền bình đẳng trong một chế độ dân chủ, tự do.

Với trách nhiệm dấn thân vào cuộc đấu tranh chung vì nhân quyền cùng các bạn trẻ trong và ngoài nước. Những ngày qua, tôi theo dõi các sinh hoạt trong đại hội giới trẻ vì nhân quyền cho Việt Nam được tổ chức tại Australia.

Trước đó, tôi có nhận thư của luật sư Trần Kiều Ngọc, người đứng ra vận động và tổ chức đại hội, đã mời tôi tham dự đại hội. Do bận việc không tham dự được, tôi có gởi một số sách của 2 tác phẩm “Hành Trình Nhân Ái” và “Nhà Việt Nam” làm quà tặng các đại biểu tham dự đại hội.

Điều may mắn đến với tôi là sách tặng được các đại biểu, và các bạn trẻ ưu ái tiếp nhận. Hơn thế, khi được luật sư Trần Kiều Ngọc trao tặng quyển sách “Hành Trình Nhân Ái”, cháu Nancy Nguyễn nói là đã có quyển sách này do chú Cao Nguyên tặng từ lúc gặp nhau trong buổi hội luận tại Virginia. Nên cháu Nancy Nguyễn gợi ý đấu giá quyển sách với chữ ký của Nancy Nguyễn để có thêm khoản tiền góp vào quỹ của đại hội. Kết quả đạt được thật hào hứng với số tiền 3200 đô la Australia từ sự nhiệt tình của một bạn trẻ.

Tôi vô cùng xúc động với kết quả chữ nghĩa mình có chút đóng góp vào quỹ của đại hội. Chân thành cảm ơn Ban Tổ Chức Đại Hội và các bạn trẻ thân mến.

Qua những dòng tâm cảm về sự kiện vừa nêu. Tôi muốn gởi theo đây nội dung Lời Dẫn vào tác phẩm “Hành Trình Nhân Ái” và bài “Người Con Gái Ngoan Cường” tôi viết tặng cháu Nancy Nguyễn có trong tác phẩm, như một minh chứng đồng hành với bài phát biểu “Vượt Qua Sợ Hãi” của Nancy Nguyễn trong đại hội.

Trân trọng,
Cao Nguyên
Washington.DC – 9/9/2017

Về miền Tây

Sơn Tùng

Tháng 1 năm 1983, tôi từ Trại Tị nạn Bataan, Philippines, được người thân bảo lãnh sang Mỹ. Nơi đến: Santa Clara, miền Bắc California. Vài tháng sau, tôi di chuyển sang Orange County, miền Nam Califonia.

Orange County được người Việt tị nạn gọi là “Quận Cam”, bao gồm ba thành phố: Santa Anna, Westminster và Garden Grove nên được gọi là “khu tam tỉnh”, hay “Little Saigon”, hay oai hơn: “Thủ đô Tị nạn”.

Hai năm sau, tôi lại di chuyển sang Virginia, thuộc Vùng Hoa-Thịnh-Đốn (Washington Area), ở miền Đông nước Mỹ, cho tới ngày nay, và không có mấy dịp trở lại miền Tây. Lần chót tôi đi California cách đây sáu năm.

Ngày 9.6.2017, Nhà văn Nguyễn Quang từ miền Tây gọi điện thoại cho tôi báo tin chị Minh Đức Hoài Trinh, người bạn đời của anh, từ trần. Tôi cảm thấy như vừa mất một người thân trong gia đình.

Tôi đã đọc Minh Đức Hoài Trinh hơn 60 năm nhưng mới quen biết chị khoảng 20 năm nay, khi có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại mà tôi đang là người đứng mũi chịu sào trước cơn mưa to gió lớn.

Trong cái rủi đã có cái may. Vì vài kẻ làm loạn trong Văn Bút, tôi đã có dịp gặp Minh Đức Hoài Trinh, một người cầm bút với nhân cách tuyệt vời hiếm có, khác hẳn với một số nhà văn, giáo sư, bác sĩ, luật sư…mà tôi đã biết.

Bản tính hiền hòa, nhưng trong cuộc sống, khi phải chọn lựa, chị luôn luôn dứt khoát đứng về phía lẽ phải và chân l‎ý. Không mập mờ, không ngả nghiêng, không chao đảo, không đứng giữa, không đứng ngoài, đứng bên…

Trước đây ba năm, năm 2014, cuốn “Minh Đức Hoài Trinh, Chính Khí Của Người Cầm Bút” được xuất bản dày ngót 400 trang gồm bài viết của nhiều tác giả ở nhiều nơi, thuộc những thế hệ khác nhau, đã khẳng định một điều: Minh Đức Hoài Trinh là người cầm bút dấn thân và có một sứ mạng.

Chị đã dùng hai chữ Minh Đức ghép vào tên làm thành bút hiệu đã thể hiện đúng con đường mà chị đã đi trong hơn 60 năm cầm bút.

Được anh Nguyễn Quang cho biết Minh Đức Hoài Trinh đã rời khỏi trần thế  một cách nhẹ nhàng, thanh thản, với gương mặt vui tươi. Tôi nghĩ vì chị đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đã làm những gì chị muốn làm và có thể làm, cho mình và cho mọi người, bằng tình thương yêu mọi người và cũng được mọi người yêu thương.

Khi được tin chị Minh Đức Hoài Trinh mất, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là phải sang Cali tiễn đưa chị, trong khi tôi chưa bao giờ sang miền Tây để dự tang lễ của ai, dù cũng có vài người thân và rất thân đã ra đi.

Tôi không thích những cảnh buồn, không thích nhìn những cảnh buồn, và rất ngại đi xa, nhất là trong thời buổi khám xét cực kỳ gắt gao tại phi trường vì nạn khủng bố khắp nơi trên mặt đất này.

Nhưng, cuối cùng tôi cũng lên máy bay sang Cali để tiễn đưa chị Minh Đức Hoài Trinh. Anh Nguyễn Quang cảm động lắm, anh nói: “Minh Đức luôn nhắc tới anh với một cảm tình đặc biệt.”

Tôi cũng cảm nhận điều ấy trong những lần sang “thủ đô của người Việt tị nạn” trước đây,  chị Minh Đức Hoài Trinh đều “giành quyền” thù tiếp tôi trong khi tôi có khá nhiều bạn và bà con ở miền Tây.

Sang đây lần này, không còn chị. Tôi ngủ hai đêm trong căn nhà xinh xắn ở Midway City đầy những sách và hình bóng của chị. Anh Nguyễn Quang đi quanh quẩn trong nhà như tìm kiếm một báu vật đã mất. Tôi nói chuyện bình thường, hy vọng giúp anh khuây khỏa.

Có người hỏi tôi đám tang Minh Đức Hoài Trinh có lớn không? Tôi không biết trả lời thế nào. Và thế nào là “lớn”? Có đông người tới phúng điếu? Có nhiều người nổi danh, nhiều chức tước tới đọc điếu văn tán dương công đức? Có nhiều vòng hoa? Có làm lễ phủ cờ?

Nếu như thế thì tang lễ Minh Đức Hoài Trinh không “lớn”. Chắc tang gia và chính người đã ra đi cũng không mong muốn có một tang lễ như vậy, dù tôi cũng thấy có nhiều vòng hoa đẹp, cũng có những khuôn mặt nổi danh tới viếng, kể cả Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, và Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí.

Thị trưởng Tạ Đức Trí chia buồn với tang gia

 Có nhiều điều đáng nói về sự hiện diện của ông Tạ Đức Trí. Ông thị trưởng trông rất trẻ và nhã nhặn nhưng phong thái tỏa ra cái uy của một quan chức chính quyền. Nhìn ông thị trưởng tiếp xúc với cư dân đồng hương của ông, tôi liên tưởng tới những cảnh thường ngày thời Việt Nam Cộng Hòa khi ông tỉnh, ông quận “thăm dân cho biết sự tình”, và không thể không nghĩ đến thực trạng vùng “Quận Cam” ở miền Nam California hiện nay. Dân Việt Nam tại đây đã chiếm đại đa số và có quốc tịch Mỹ, có lá phiếu đi bầu và cũng có quyền ứng cử. Vì vậy ngày nay vùng này đã có người Việt làm thị trưởng, và dân biểu, nghị viên, công chức các cấp. “Little Saigon” đã trở thành một phần của “Sài-gòn hoa lệ” năm xưa trên đất Mỹ!

Và, vì là một phần của Sài-gòn hoa lệ nên cũng có những lề thói của dân Sài-Gòn năm xưa, như ồn ào, chia rẽ, ham danh, thích khoa trương, chơi nổi, thích nhậu nhẹt…Trở về miền Tây nước Mỹ tôi nghe lòng ấm áp như được sống lại với “Sài-Gòn của tôi” năm xưa khi gặp lại bạn bè, bà con, được đón tiếp đầy thân tình.

Nói tới Sài-Gòn năm xưa trên đất Mỹ ở “Quận Cam” trong chuyến về miền Tây vừa qua, tôi không thể không nói tới Nhạc sĩ Lam Phương. Có thể nói những bài hát của Lam Phương đã là một phần của đời sống Sài-Gòn trong nhiều thập niên.

Thật vậy, nhiều bản nhạc của Lam Phương (như Duyên Kiếp, Đèn Khuya, Khúc Ca Ngày Mùa, Kiếp Nghèo, Chiều Hành Quân, vân vân) đã không ngừng vang lên ngày đêm cùng với nhịp thở của Sài-Gòn qua làn sóng các đài phát thanh, truyền hình, trên sân khấu, hay từ các cô gánh nước mướn nơi những xóm nghèo ở ngoại ô. Đến nay, Lam Phương đã sáng tác trên 200 bản nhạc.

Thăm Nhạc sĩ Lam Phương

Sau tang lễ chị Minh Đức Hoài Trinh, còn một ngày lưu lại “Quận Cam”, tôi đã tới thăm Lam Phương và dùng cơm trưa với ông. Nhìn người nhạc sĩ tài hoa ngày nào, hình ảnh Sài-Gòn năm xưa lại trở về. Tôi hỏi ông có nhớ Sài-Gòn không. Lam Phương cười:

–         Nhớ lắm chứ. Nhớ từ góc phố, từ con đường, từ gốc me…

–         Sao ông không về Việt Nam, như Phạm Duy, Khánh Ly và bao nhiêu ca nhạc sĩ miền Nam ngày trước?

–         Làm sao mà trở về được khi mà mình đã chống lại họ hai mươi mấy năm qua những bản nhạc đã viết. Vả lại, bà con ở ngoài này đối với tôi quá tử tế, thương tôi, giúp đỡ tôi trong những lúc bệnh hoạn, khó khăn. Tôi không thể làm cho họ buồn.

–         Thế chúng nó có cho người tới rủ rê, thuyết phục, hay mua chuộc ông không?

–         Có chứ! Họ tới đây hoài nhưng thấy không đi tới đâu nên hồi này thôi rồi.

–         Chúng nó không dùng tiền mua chuộc ông à?

–         Có chứ. Như nói tôi về sẽ cho vô biên chế, như “nghệ sĩ nhân dân”, lãnh lương suốt đời.

–         Ông tin không?

–         Tin gì! Họ chỉ dùng sự trở về của mình để tuyên truyền. Một khi vô tròng rồi thì biết ngỏ nào ra?

Lam Phương thật hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lập trường chính trị thật dứt khoát, thái độ phân minh giữa cuộc tương tranh quốc/cộng mà ông đã bày tỏ qua nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến vào năm chưa đầy 20 tuổi, khi Hiệp Định Genève được ký‎ kết, chia đôi nước Việt Nam. Chính nhạc phẩm này và vài nhạc phẩm khác có liên quan đến tình hình đất nước, được viết vài năm sau nhạc phẩm đầu tay Chiều Thu Ấy, đã thực sự xác định thiên tài âm nhạc của Lam Phương và đưa tên tuổi của ông lên vị trí xứng đáng cho đến ngày nay.

Những năm sau này, nhiều người trong giới nghệ sĩ ở hải ngoại từng thành danh và làm nên cơ nghiệp trong xã hội tự do ở miền Nam trước đây cùng một thời với Lam Phương đã theo nhau trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống, vì nhiều lý‎ do khác nhau.Nhưng, họ giống nhau một điều: họ đã vứt bỏ cái áo khoác tị nạn cộng sản, mà nhờ đó họ được nhận cho định cư tại một nước tự do, được cung cấp những trợ giúp cần thiết và cơ hội được sống với nhân vị, nhân phẩm, và nhân cách của mỗi người.

Không ít người trong số đó, sau khi về Việt Nam, đã trở mặt và có những  lời nói đáng tiếc khiến cho hình ảnh nhiều “thần tượng” đã sụp đổ trong lòng những kẻ từng ái mộ họ. Và họ đã nhận được sự phỉ nhổ của công luận.

Được biết tháng mười tới đây một nhạc hội sẽ được tổ chức tại Virginia để vinh danh Lam Phương. Đồng hương và những người ái mộ ông tại Vùng thủ đô nước Mỹ chờ đợi để được đón tiếp người nhạc sĩ quốc gia tị nạn cộng sản đích thực đến từ “thủ đô tị nạn Quận Cam” ở miền Tây.

Sau năm ngày ở California, tôi sửa soạn trở về Virginia thì được tin lại có “loạn” trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, khi người khai sinh ra nó vừa nằm xuống.

Diễn đàn “Nhịp cầu Văn hữu” của hội viên Văn Bút trên Internet đã biến thành chiến trường để các “văn hữu” trao đổi hỏa lực với những loại văn chương bị tố giác là (nguyên văn) “ tiếp tục gắp lửa bỏ tay người, dùng loại văn chương rác rưởi đối với tập thể cầm bút; dùng danh vị luật sư để hăm doạ người khác; dùng mớ kiến thức bùi nhùi, hổ lốn đối với những ai chống đối… một con người có đầy đủ những tố chất mưu mô, quỷ quyệt, gian hùng, xảo ngôn, lật lọng, điên khùng, háo danh…”

Cuộc chiến này chưa biết sẽ đưa VBVNHN đến đâu khi cuộc bầu cử ban chấp hành mới sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Thưa chị Minh Đức Hoài Trinh, chị đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản với gương mặt vui tươi, xin chị cũng đừng phiền muộn vì những gì đang diễn ra trong VBVNHN, cái hội mà chị đã mang nặng đẻ đau với bao nhiêu ước mơ, kỳ vọng cao đẹp.

Sơn Tùng

 

Chiến Thắng Vũng Rô

Trần Quốc Bảo

Viết cho Ngày Quân Lực VNCH 19/6

Xin nhắc lại những dòng Quân Sử

Thật lẫy lừng “Chiến Thắng Vũng-Rô

Để Người Lính trên bước đường viễn xứ

Vẫn tự hào “Chiến sĩ dìệt Cộng nô”!

-o-

Nếu bạn đi trên Quốc lộ Số Một

Qua Khánh-Hoà, đến dãy Trường-Sơn

Gặp đèo cao nhất Nước, là Đèo-Cả

Hùng vĩ quanh năm, gió hú mây vờn

Nhìn xuống chân Đèo … Tu-Bông, Vạn-Giả

Xa xa Đại-Lãnh, xóm lá dân nghèo

Đến một vùng, vách đá cheo leo

Eo biển “Vũng-Rô” hoang vu  nằm giữa (hình: A )

Thấp thoáng sườn non, vài tiều phu chặt nứa

Dăm ba dân chài, ngoài bãi biển giăng câu

Ai ngờ … nơi đây là bí mật “bến tầu”

Cộng sản Bắc Việt chuyên chở vũ khí

Tiếp tế ngầm, cho bọn Cộng phỉ miền Nam

 

Ngày 16 tháng 2 năm 1965

Trung úy Bowers lái trực thăng dọc bờ duyên hải (1)

Thấy một tầu khả nghi tại bãi Vũng-Rô

Liền báo  Cố vấn trưởng MACV, Thiếu tá Rodgers (2)

Cùng Hải Quân Thiếu tá Hồ-Văn-Kỳ-Thoại (3)

Tư lệnh Vùng 2 Duyên hải, tại Nha-Trang

Lập tức, phi cơ thám thính phái tới hiện trường

Quan sát thấy, sườn núi nhiều địch quân ẩn nấp

Cuộc Hành quân quy mô liền được triệu tập

Phối hợp đủ thành phần: Hải Lục Không quân

 

Khu trục AD-1 Skyraider cấp tốc thực hiện phi tuần

Oanh kích phủ đầu, nhận chìm tầu biển địch

Thiếu tá Thoại chỉ huy cuộc Hành quân xung kích (hình: B )

Quân số tham chiến rất hạn chế trong tay

Chiến trường nơi đây, sườn núi, rừng cây

Địch chiếm cao điểm,  nhiều hang  sâu ẩn trốn

Lực lượng cơ hữu của ta, có Duyên đoàn 24

Và Liên đoàn Nguời Nhái, quen hoạt động biển hồ

Được Hộ tống Hạm Tụy-Động (HQ-04) chở tới Vũng-Rô

Gặp chiến địa núi rừng, vẫn xông pha dũng  cảm

Đơn vị tiền kích, làm Cộng quân khiếp đảm

Là Lực lượng Đặc Biệt, do Trung úy Từ-Vấn chỉ huy (4)

Được trực thăng vận bốc đến Đại-Lãnh cấp kỳ

Lên Hải Vận hạm Tiền-Giang HQ.405 vào trận

 

Cuộc chiến diễn ra đã vô cùng gay cấn

Trung đoàn Cộng trên cao, xạ kích điên cuồng

Đợt xung phong đầu, hai chiến sĩ ta tử thương

Hạm đội : HQ-405, HQ-04 và Chi-Lăng II.HQ-8

Nã đại bác, liên hồi vào khu rừng rậm rạp

Khoá miệng sơn pháo ,  hỏi tội quân thù

Thung lũng hoang vu, khói lửa mịt mù

Thêm hỏa lực không quân, dội long trời lở đất

Lực lượng Đặc biệt nương theo địa hình địa vật

Bung vào trận địa, cận chiến với Cộng nô

Tình báo cho hay:  bọn địch ở Vũng-Rô

1 Trung đoàn, thuộc Quân đoàn 5 Công sản

Nhiệm vụ  tử thủ nơi đây giữ kho súng đạn

Từ Bắc chở vào cất dấu trong hang.

 

Những Chiến sĩ can trường “Lực Lượng Đặc Biệt”

Suốt 3 ngày quần thảo với lũ sài lang

Đến chiều 19 tháng 2 (1965), quân ta toàn thắng

Chiến lợi phẩm:  Gồm 1 kho vũ khí hạng nặng

Đại bác 57 ly, 2 Đại liên, 1000 trung liên,

1 hang chứa vũ khí cá nhân còn mới nguyên

Gồm 2000 Mauser, 150 Tiểu liên Trung cộng,

300  Carbin và Tiểu liên Tiệp Khắc

Trên 1 triệu đạn súng cá nhân cùng đại bác

1 kho mìn cùng chất nổ hiệu Nga sô (hình: C )

Ta đã xóa sổ gọn một Trung đoàn Cộng nô

Thắng lợi hành quân, được ghi nhận quá ư to tát

Đại Tướng Nguyễn-Khánh đã đến tận nơi thị sát.(hình: D )

Tổng Tư Lệnh khen thưởng xứng đáng tất cả chiến binh (hình E & G)

Chiến thắng này, lột trần mặt nạ Hồ-Chí-Minh

Phản bội Hiệp định Genève, chủ trương xâm lăng binh biến

Ngày hôm sau, Uỷ hội Quốc-tế Kiểm-soát Đình-chiến

Đến chiến trường, xác nhận: CSBV xâm nhập Miền Nam

-o-

“Đại thắng Vũng-Rô”, Một chiến tích vẻ vang

Chói lọi muôn đời những trang Quân Sử Việt

–  Bằng chứng hiển nhiên cho ngàn sau rõ biết

Lũ Bắc Cộng  đội lốt Giải phóng miền Nam

Gây nên cuộc chiến tranh Nam Bắc tương tàn

Đưa trọn Việt Nam vào ao tù Cộng Sản

– Người Lính VNCH, dù trên đường di tản

Vẫn luôn tự hào với  “Đại Thắng Vũng-Rô”!

Thực xứng danh:  “Chiến-Sĩ diệt Cộng nô”

 Trần Quốc Bảo

Richmond,Virginia

Ghi chú:

(x) Bài Thơ “Chiến Thắng Vũng Rô” này, là một tài liệu Quân-Sử, tác giả đã tham khảo tư liệu và được sự hiệu đính trực tiếp, của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Houston,TX) và Đại Tá Từ Vấn (Sacramento,CA)

.(1) Trong một phi vụ tản thương, Trung Úy J.S.Bowers lái trực thăng UH.1B   đã bay qua vùng Vũng Rô,cách Nha Trang khoảng 50 dặm.

.(2) Thiếu tá H.P.Rodgers, Cố vấn trưởng, Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên hải tại Nha-trang

.(3) Sau này ông Hồ-Văn-Kỳ-Thoại là Phó Đề Đốc Hải quân/QLVNCH

.(4) Ngay sau Trận Vũng Rô, Trung uý Từ Vấn được gắn lon Đại Úy (thăng cấp tại Mặt Trận) – Sau này ông Từ-Vấn là Đại Tá/Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 5.BB /QLVNCH  (Tư Lệnh SĐ 5 là Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ – đã tuẫn tiết 30/4/75)

 

Hình ảnh đính kèm: (6 hình ảnh tư liệu do PĐĐ.Hồ Văn Kỳ Thoại và ĐTá Từ Vấn  cung cấp)

.(A) Bản đồ vùng Vũng-Rô

.(B) Thiếu Tá Hồ-Văn-Kỳ-Thoại (người thứ 1, trái) sau chiến thắng Vũng-Rô, được ân thưởng Bảo-Quốc Huân-Chương Bội Tinh kèm Anh-Dũng Bội-Tinh với nhành dương liễu, hình chụp chung cùng các Hạm trưởng Hải Quân (1965)

.(C) Vũ khí, đạn dược, mìn chất nổ … tịch thu của VC sau trận Vũng-Rô

.(D) Thiếu Tá Hồ-Văn-Kỳ-Thoại (quân phục mầu xanh,người thứ 2 từ trái) Chỉ huy cuộc Hành quân Vũng-Rô; và – Đại Tướng Nguyễn-Khánh (tay cầm thuốc lá,ngườì thứ 2 từ phải) đến thị sát Chiến trường Vũng-Rô, đang xem chiến lợi phẩm.

.(E) Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn Đệ  Ngũ Dẳng Bảo Quốc Huân Chương với ngành Dương Liễu cho Trung Úy Từ Vấn

(G) Trung ÚY Từ Vấn (thứ 2 từ trái) và các Chiến Hữu, Trận Vũng Rô đứng trước chiến lợi phẩm

 

Thơ Father’s Day

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

 

MOST OF ALL

I love you, Dad, for all the things you do.
You make laugh when I am feeling blue.
You can untie the hardest knot of all,
Although I've tugged the lace until it's small.

You know the reason for 'most everything,
Like why it rains and why bees sometime sting,
Like why the sun comes up and flowers bloom,
And why a jet creates a sonic boom.

You are the closest friend I've ever had.
You share with me the times both good and bad.
You play those games I know you hate to play.
And plan a trip for me each holiday.

I love you, Dad, for all the things you do,
But most of all I love you, Dad, for you.

Anonymous

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

WHAT IS A DAD?

A Dad is a person
who is loving and kind,
And often he knows
what you have on your mind.
He's someone who listens,
suggests, and defends.
A dad can be one
of your very best friends!
He's proud of your triumphs,
but when things go wrong,
A dad can be patient
and helpful and strong
In all that you do,
a dad's love plays a part.
There's always a place for him
deep in your heart.
And each year that passes,
you're even more glad,
More grateful and proud
just to call him your dad!

Thank you, Dad...
for listening and caring,
for giving and sharing,
but, especially, for just being you!

Anonymous

ĐIỀU TRÊN HẾT

Con yêu Cha rất nồng nàn
Yêu vì những thứ Cha làm con vui.
Khi con cảm thấy buồn đời
Cha làm con nở nụ cười được ngay.
Khi con làm kẹt nút dây
Cha luôn gỡ nút, khéo tay vô cùng.

Cha còn biết rất tinh thông
Hầu như mọi chuyện lạ lùng khắp nơi.
Như sao mưa rớt ngoài trời
Sao ong đôi lúc đốt người thật đau,
Mặt trời sao mọc lên mau
Và hoa sao nở đua nhau vườn này,
Phi cơ phản lực khi bay
Sao gây tiếng nổ vang ngay trên đầu.

Cha là người bạn từ lâu
Bạn thân thiết nhất ai đâu sánh cùng.
Cha thường chia xẻ hết lòng
Bao thời tốt xấu của con trong đời.
Cùng con tham dự trò chơi
Mà con biết chắc Cha thời ưa chi.
Mỗi ngày lễ tới hạn kỳ
Vì con Cha sắp chuyến đi chu toàn.

Con yêu Cha! Yêu vô vàn!
Yêu vì những thứ Cha làm trên kia,
Nhưng điều quan trọng cần ghi
Con yêu Cha chính là vì Cha thôi.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)

 

 

BỐ LÀM GÌ NHỈ?

Bố luôn luôn là một người
Dễ thương, tử tế đồng thời giỏi thay
Bố thường đoán biết ra ngay
Trong đầu ta nghĩ loay hoay những gì.
Bố là người biết lắng nghe
Đôi khi góp ý rất chi tận tình
Và luôn bảo vệ cho mình.
Bố là người bạn chân thành nhất thôi.
Khi ta thắng lợi trong đời
Bố thường kiêu hãnh thốt lời ngợi ca
Khi ta thất bại xót xa
Bố thường kiên nhẫn giúp ta tới cùng
Không hề có lúc nản lòng.
Những điều ta thực hiện trong đời này

Thời tình của Bố đẹp thay
Luôn luôn đóng góp tiếp tay dự phần.
Bố luôn ngự trị sáng ngần
Ta luôn tôn kính trong tâm khảm mình.
Mỗi năm thời khắc trôi nhanh
Ta càng vui sướng với tình Bố thôi
Càng thêm biết đến ơn người
Tự hào gọi “Bố” với lời thân thương!

Con tri ân Bố mọi đường
Ân cần tìm hiểu, dịu dàng chăm nom
Từ bi, hỉ xả luôn luôn
Nhưng điều đặc biệt con cần thưa thêm
Con trân quý Bố vô biên
Chính riêng vì Bố, đâu quên điều này!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)

Chiếc Ba Lô Để Lại

Nguyễn Văn Sâm

1.

Sau cơn mưa, đường ngập linh láng như biển. Chiếc xe 14 chỗ ngồi của chúng tôi vừa lội vừa thở phì phò, xém tắt thở nhiều lần mới thoát được vùng ‘biển hồ’ Minh Phụng để quẹo vô đường 3 Tháng Hai. Khúc nầy tương đối ít ngập, chỉ tới nửa bánh, xe cộ vì vậy cũng nhiều hơn. Nước không còn tạt vũ bão ra hai bên hông như trước mà phóng ra với vẽ hiền thục dễ thương. Sau thời gian đụt mưa thiên hạ gấp về, nhiều anh vọt lẹ, lắm khi xẹt qua đầu xe lớn đương ngon trớn mà coi như không, khiến anh tài xế lâu lâu lại chắc lưỡi lắc đầu.

Bỗng nhiên có tiếng thắng mạnh.Mọi người bị giựt ngược, tỉnh ngủ. Tài xế mím môi, la lớn:

‘Khiến!’

Rồi anh xuống giọng như nói với mình:

‘Không mau chưn mau cẳng thì bà hú nó rồi!’

Hành khách trong xe nhớn nhác ngó nhau. Hai ba người đàn bà đưa tay vuốt ngực.

Chiếc xe gia tốc, chồm tới, cố gắng bắt kịp người thanh niên phóng bạt mạng kia. Đèn đường bật lên đỏ. Cả hai đậu song song chờ. Tài xế quay cửa kiếng xuống, chồm đầu ra ngoài, phun nước miếng cái phẹt xuống đường, nói lớn với kẻ làm anh giựt mình hồi nảy:

‘Mầy đứng lại cho tao lạy mầy mấy cái chớ mầy chạy kiểu đó chắc tao chết vì đứng tim. Mầy tội nghiệp tao với chớ! Tao đâu có muốn vô tù đâu!’

Người thanh niên nhăn răng cười rồi chỉ chờ đèn đường bên kia vừa bật qua màu vàng là phóng thẳng bất kể những chiếc chót của làn lưu thông ngược chiều chưa qua hết khoảng đường trước mặt.

Tôi cười thầm. Anh tài xế nầy nói chuyện có văn hóa giao thông ghê. Chẳng bù với tháng trước tôi ngồi trên xe buýt, cũng trường hợp tương tợ, tên nhóc tì phụ xế kiêm bán vé đã ló đầu ra ĐM lia chia rồi tuyên bố một câu xanh dờn:

‘Mấy muốn tự tử thì về nhà mà tự tử, ngon thì vô đồn công an mà tự tử. Mầy nên nhớ mạng mầy chỉ có ba chục triệu thôi không hơn đâu.’

Không khí im lặng nảy giờ trở nên sôi động bằng những lời bàn tán chung quanh chuyện chạy ẩu của xe nầy xe kia. Anh tài xế nói lớn:

‘Làm nghề nầy thấy cái chết của thiên hạ quá thường nên nhàm luôn, trở thành vô cảm trước máu me. Chết vì chạy ẩu xị, chết vì do xe lớn lấn đường, do tài xế mệt mỏi, xỉn xay, ngáo đá, hay do đường xá xấu hư làm lạc tay lái… Muôn ngàn lý do, kề tới mai chưa hêt!.’

Tôi lên tiếng cho vui:

‘Chết vì tài xế mua bằng nữa đó cha nội. Học ba xí ba tú, lái chưa rành, mót tiền quá chạy đi mua bằng, lên xe ngồi điều khiển mà không hiểu luật lại vụng về nên thường làm chết thiên hạ rồi bỏ xe lẫn trốn…. chuyện nầy xảy ra hà rầm.’

Anh tài xế dễ thương tuy nghe nói đụng chạm tới giới của mình nhưng vẫn làm thinh.

Tiếng ai đó, giọng của người đứng tuổi:

‘Thét rồi hết muốn ra đường. Sợ quá! Những cái chết nát thây không báo trước. Còn hơn là ngày xưa đi hành quân hay nhảy toán. Đời sống bây giờ thiệt là bất an!’

Không khí trong xe tới đây thì lắng xuống, ai nấy theo đuổi tư tưởng mình.

Khi xe quẹo vô đường Nguyễn Kim thì người bạn tôi nói vọng ra sau:

‘Nếu chừng mờ mờ sang đi tới đây, góc Nhật Tảo và Nguyễn Kim nầy, dưới gốc cây dầu bự chảng bên tay trái, thì sẽ gặp một người đàn ông còm cõi đứng phụ vợ bán bánh giò. Đó là người bạn lính trước đây cùng đơn vị của tôi ở Pleiku. Anh ta tên Thanh, bị lựu nổ mất nửa bàn tay mặt, đương chờ giải ngũ thì đứt phim. Lãnh lịch hết gần chục có đầu. Nay gặp lại bạn bè xưa nhiều khi anh làm lơ hay ngồi cho có mặt, thường ngó mông lung. Lạ lắm!’

Tôi ngạc nhiên hỏi lại vì cái chép miệng sau khi xuống giọng của bạn:

‘Chục có đầu sao không đi H.O. mà ở lại cho cực thân.’

‘Vậy đó!’

Tôi không biết gì thêm từ hai tiếng trả lời gọn lỏn kiểu miền Tây của bạn nhưng biết chắc chắn rằng người đàn ông phụ vợ bán bánh kia là người đặc biệt. Và tôi thấy mình cần phải tìm hiểu anh ta.

Vậy mà sau gần cả tháng tôi mới làm thân được với Thanh. Cũng nên kể ra đây lần gặp gỡ của tôi với Thanh.

2.

Sáu giờ sang trời còn lờ mờ nhưng thành phố đã thức. Những người lớn tuổi đi bán giấy số bắt đầu đổ xô ra đường. Mấy chiếc xe bán thức ăn nầy nọ đã được đẩy ra vị trí và đốt lò. Tôi thay quần sọt ra đi tới chỗ người bạn tôi chỉ hôm nọ và ngồi xuống một cái ghế nhỏ không thể nhỏ hơn để kế bên hai xửng bánh bao bánh giò của cặp vợ chồng nầy. Người vợ luôn tay lấy bánh bỏ vô bao xốp trao cho khác với nụ cười giao tế. Người chồng lãnh nhiệm vụ thâu tiền. Nụ cười cũng có trao đổi với khách nhưng hơi gượng gạo. Tiếng cám ơn luôn luôn thốt ra mỗi khi anh hoàn thành một dịch vụ.

Ngồi câu giờ cố ăn hết một cái bánh bao và một cái bánh giò nóng, tôi liếc chừng chừng quan sát con người đặc biệt kia.

Hình như anh ta cũng bắt thóp được ý định của tôi nên thỉnh thoảng đưa mắt ngó. Tôi phóng ra con bài ngoại giao bằng nụ cười và cả cái nheo mắt nhưng anh cố tình làm lơ. Ăn xong ý chừng đã ngồi hơi lâu tôi mua thêm một cặp bánh nữa và đưa cho anh tờ giấy nửa triệu, với câu nói nhỏ:

‘Anh khỏi thối, mình xin phép được chia sẻ với anh.’

Tôi nhận được câu trả lời lạnh băng như là người đối thoại cố tình làm cho mình tức giận:

‘Chúng tôi buôn bán, không ăn xin! Anh cầm tiền thối.’

Tôi vớt vát:

‘Mình cùng cảnh ngộ ngày trước’, tôi thấy mình hay ho tận mạng khi đem ra xài mấy chữ nầy, vừa nói vừa ren rén ngó mau về bàn tay phân nửa của anh ám hiệu rằng cùng là cựu quân nhân.‘Bây giờ khá hơn anh nên xin chia sẻ. Anh nhận để mua quà cho các cháu.’

Người bán hàng đẩy mạnh tay tôi ra với số tiền thối lại, quyết liệt:

‘Chúng tôi không có con. Xin lỗi anh. Anh cầm. Tôi còn phải thối tiền các khách khác.’

Thế mà tôi vẫn kiên nhẫn lập lại lời yêu cầu nầy hai lần tới sau đó nữa. Lần thứ ba thì anh chắc lưỡi, bỏ tiền thối vô xấp tiền anh cầm. Chắc là lần nầy nhờ tôi nhắc tên người bạn chung. Tôi ngồi nán lại để anh dãn khách, nói vài ba câu vô thưởng vô phạt rồi ra về. Hai bên nói chuyện tâm tình bên mấy ly trà nóng một cách tự nhiên những lần sau đó…

3.

Tôi ra trường với lon Thiếu Úy lúc 24 tuổi, tình nguyện vô binh chủng cọp ba đầu rằn.Thời chiến chinh, mỗi người làm hết bổn phận mình trong chức vụ mà xã hội phân công, cách nầy hay cách khác, đó là điều bắt buộc. Cam đảm hay hèn nhát gì cũng không bằng hên xui: bà độ hay bà xô vô chỗ tử. Phải giữ vững tinh thần, lương thiện và không nghĩ đến cái chết mới sống đúng nghĩa người trai. Hơn một năm sau khi ra trường tôi về tiểu đoàn sau khi lên Trung Úy.

Những lúc rảnh rỗi, ngó lại anh em dưới quyền trong đơn vị, so sánh với cuộc sống lạc điệu của hậu phương, tôi cũng văng tục thầm. Mẹ ơi, hậu phương làm mình giận muốn nổi cơn điên. Cho nên binh sĩ dưới quyền, tôi thương hết biết. Nhiều đứa đi phép về trễ vài ba ngày tôi cũng nạt nộ để tụi nó không lờn nhưng báo cáo hay làm gì đó nặng hơn thì không.

Cầm đầu phải làm gương, tôi xông vô nguy hiểm coi như đạn có bổn phận tránh mình. Cũng làm thơ hào hùng kiểu Hồ trường: Ta xông pha hề, trận mạc. Coi tử sinh hề, cỏ rác dưới chân. Thỉnh thoảng hớp ngụm rượu của đàn em rồi sảng khoái ngâm nga tử sinh hề, cỏ rác… vui đời lính, thương đồng đội, quên mình đương ở tuổi cần có bên mình một bóng hồng…

Trong trận Hạ Lào năm đó, Tiểu đoàn tụi tôi bị tụi nó cầm chưn. Được bỏ thêm để giải vây cho đồng đội, nhưng chúng tôi bị lún. Chúng pháo kích ngày đêm nhưng tấn công lần nào cũng bị tiêu diệt trọn. Bên mình cũng hao bộn do mỗi lần một ít. Tôi được lịnh là sáng mai lúc trời hơi tan sương mù thì trực thăng bốc, ưu tiên thương binh.

Vậy mà chuyện đau lòng xảy ra đêm đó.

Thằng Tánh trung sĩ thường trực, đệ tử ruột của tôi bị nạn. Cái thằng cũng trí thức lắm, nó rớt Tú Tài nên đi Trung sĩ. Khuya tôi đương thiu thiu ngủ sau ba ngày trắng dờ con mắt thì nghe báo cáo Tánh bị đạn nặng lắm. Tôi nói nó ngủ trong hầm mà bị đạn cái củ c. gì. Nãy giờ có trái nào nổ gần đâu.

Thiệt ra thì khuya thằng con bò ra ngoài đi tiểu. Miểng nhỏ pháo kích từ đâu bay ra cắt đứt mạch máu chủ ở háng.

Tôi tới thì anh em đương xúm bên nó, lo lắng. Quân y cố hết sức cầm máu. Thằng Tánh thấy tôi thì mắt sáng lên nói thiệt lẹ, rõ ràng:

‘Em không sao đâu Trung Úy. Chuyện nhỏ! Sẵn dịp lên trực thăng về thăm vợ luôn. Con vợ em đương có bầu ba tháng. Chắc nó cũng nhớ em.’

Tôi đuổi mấy đứa không có phận sự ra chỗ khác. An ủi nó. Nó cứ lập đi lập lại hoài điệp khúc ‘không sao đâu là không sao đâu’. Bác sĩ Quân Y ngó tôi với cặp mắt buồn, nói thiệt nhỏ trong khi thằng Tánh vẫn nói không sao đâu:

‘Không xong, máu ra nhiều quá, vết thương lớn không bịt được.’

Nó thấy mặt tôi buồn chắc là hiểu được điều chúng tôi trao đổi nên trở giọng:

‘Em lạnh quá Trung Úy! Có bề gì thì Trung Úy mang ba-lô em về cho bà xã em. Bả tên Trinh, địa chỉ ở trong đó. Tiền lương tháng nầy với phần còn lại từ trước cũng mấy ngàn. Nó cấn thai được ba tháng. Trung Úy giúp đỡ nó với con em giùm. Tụi em đồng ý đặt tên con là Trần Trinh Thảo Tánh. T tứ thừa đó Trung Úy. Cái tên tụi em nghĩ nát óc mới đặt được đó Trung Úy.’

Thằng Thạch Buôn, từ xa diễu dở bằng mấy tiếng ‘Nôm luôn! Hốt hụi chót!’ Tôi đứng rột dậy, lên cò súng quát lớn: ‘Mầy nói lại một lần nữa đi!’

Thạch Buôn lạy như tế sao rồi chuồn thẳng.

Tôi cởi áo trận đắp cho Tánh. Nó run lập cập than lạnh liên hồi. Hai tay tôi nắm hai bàn tay lạnh ngắt của nó nói: Không sao đâu để anh đem ba-lô về cho. Mà chắc không cần nữa, em lo được chuyện đó. Dễ mà! Nó nhắm mắt thì thào: ‘Coi tử sinh cỏ rác dưới chân…’ Tôi vuốt mắt nó, đứng dậy chùi nước mắt của mình. Chúng tôi ở kế nhau cũng hơn một năm. Mến tay mến chưn. Nó đoán biết ý của tôi, không bao giờ làm trái, cũng không sa đà trong chuyện cờ bạc, gái gú mỗi khi ra thị xã…

Đạn trung liên của địch bắn liên hồi nhưng chiếc trực thăng bốc quân điêu luyện luồn lách cũng hạ xuống an toàn. Chừng chục thương binh được di chuyển lên sàn phi cơ lẹ làng không thể tưởng. Viên Trung Úy trách nhiệm ra lịnh cho những ai lên trước lên sau sắp hàng thứ tự. Cuối cùng khi phi cơ vừa nhấc mình lên thì cũng là lúc ông chạy ra cố gắng cho phần mình.

Cái ba lô nặng làm ông chạy chậm, gió phần phật từ cánh quạt gần như đuổi ông ra xa. Cuối cùng trong lúc gần hụt thì hai tay giơ lên của ông được hai binh sĩ nào đó trên phi cơ chụp dính.

Phi cơ bốc lên cao, khỏi ngọn cây. Đạn bắn chéo chéo bên tai và gió thổi vù vù. Viên Trung Úy thấy mình càng lúc càng tuột ra khỏi tay người nắm. Cái chết đã cận kề. Bỗng nhiên ông thấy mình được nắm vững, thân mình ông với cái ba lô trên vai treo tòn teng song song với càng trực thăng. Một người thương binh nào đó đã cố nhoài mình ra nắm được hai cái quai đeo của ba lô. Chắc chắn.

Mọi người reo hò khi viên Trung Úy được kéo lọt vô sàn. Bên ngoài đạn vẫn vẽ những lằn đỏ cong cong. Tiếng người phi công nói:

‘Anh may mắn cùng mình, những trường hợp như vừa rồi một trăm phần trăm là rớt xuống.’

Viên Trung Úy lột ba lô ra, cúi xuống vỗ vỗ, nói trong sự ngạc nhiên của những người không biết chuyện Trung sĩ Tánh:

‘Cám ơn em đã cứu anh, anh sẽ làm tròn lời hứa…chắc chắn như đinh đóng cột.’

Tôi không thể nào chịu nổi cảnh người vợ khóc chồng. Cô ta ngã xuống như cái bị rách ai đó liệng xuống đất, đầu úp lên cái ba-lô, hai tay ôm choàng như ôm người tình.

Đau lòng như xé ruột tôi muốn bỏ đi nhưng nhà cô ta đơn chiếc quá, chỉ có một mẹ già, bà đương đứng xơ rớ với cặp mắt đỏ hoe, không biết thương cho số phần con cháu mình hay thương thằng rể vắn số. Chừng một giờ sau tôi kiếu, đi chập chạng như về từ đám tang người em ruột thịt của mình, không còn nhớ mình lang thang ngoài đường đã bao lâu.

4.

Tôi trở lại căn nhà đó chừng năm lần nữa mỗi khi về phép. Lần nào cũng vậy, tôi cố tình ngồi lại trong thời gian thiệt ngắn. Tôi sợ tình cảm trai gái nẩy nở. Mọi chuyện rồi không biết sẽ về đâu. Đúng hay sai. Con bé T tứ thừa học càng ngày càng giỏi. Mẹ bé cho biết cha bé ngày trước đùa là nếu anh hy sinh thì bất cứ giá nào em cũng xin cho bé vô trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Tôi có đến đó hỏi thì được biết phải chờ cho bé xong Tiểu Học mới được. Trường chỉ bắt đầu bằng lớp Sáu thôi.

Rồi tôi bị thương ở bàn tay nầy. Chưa kịp báo tin cho ai thì phải đi gỡ lịch. Trong thời gian dài tôi tập sinh tồn bằng cách quên hết mọi chuyện bên ngoài, nhắm mắt trước những bất công và vô lý, tập quên mình là ai.

Khi được thả ra thì biết bao nhiêu chuyện đổi thay đã ụp xuống vùng đất thua trận. Nhà cô ta đã đổi chủ hai ba lần. Không ai biết cái gia đình ba người đàn bà ba thế hệ đó trôi dạt về đâu. Ai  cô thế mà ở yên được với chánh sách dãn dân vô lý trong thập niên đầu họ từ rừng chui ra?

Nhiều khi ngủ tôi chiêm bao thấy lại cảnh thằng Tánh nói ‘Em lạnh quá’ rồi i ỉ ngâm nga ‘Coi tử sanh hề, cỏ rác dưới chân. Cảnh nầy đan chéo với cảnh cái bàn thờ đơn sơ có tấm hình nó cười, dưới chưn bàn thờ là người đàn bà tóc tai rũ rượi ngồi khóc, kế bên bàn thờ là cái ghế cao cẳng có đặt đứng cái ba lô của nó. Cái ba lô đã cứu mạng tôi. Cái ba lô tượng trưng cho tình yêu của nó và gợi cho mặc cảm của tôi về sự không làm tròn lời hứa. Tôi thấy mình như có lỗi với Tánh và với con bé T tứ thừa.

Đó cũng là một lý do khiến tôi không góp đơn ra đi theo dạng H. O. Lý do khác là tôi muốn chứng kiến tận mắt coi người ta đọa đày đất nước nầy tới nước nào. Tôi không phải là người được đào tạo để làm theo cách thế của bất kỳ ai khác dầu cho họ là đám đông khôn khéo tới mức nào, tôi có hệ thống giá trị của riêng mình. Và tôi theo nó tận cùng…

Nguyễn Văn Sâm

(San Diego, CA, 30-04-2017)

Niềm Đau Vô Tận

thơ cao nguyên

 

mai - ba mươi
bữa nay - hai chín
ta đếm thời gian
câm nín
ngược dòng !

nay - hai chín
bữa qua - hai tám
ta nghe không gian
vỡ rạn
vết thù găm !

ta nhớ Tháng Tư
còn rõ hơn ngày
mẹ sinh ta ra
làm người mặt đất
vừa lọt lòng
đã khóc
lầm than !

ta nhớ Tháng Tư
còn dài hơn
cuộc đời đang có
nghe vết máu rơi
gõ xuống mặt đời
khốn khó
trăm năm !

ta ư ?
một kẻ Việt Nam
ngồi đếm thời gian
chạy ngược
trên không gian
thiếu trước
hụt sau
mà niềm đau
đã sâu vô tận !

Cao Nguyên

tháng 4 năm 2017