Trần Phong Vũ
Hôm Thứ Bảy 11-02-2017, bà Bùi Thị Minh Hằng, người phụ nữ kiên trì đấu tranh cho quyền sống, quyền làm người Việt Nam đã hiên ngang bước qua cổng nhà tù Gia Trung, Gia Lai, kết thúc ba năm bị CSVN giam giữ. Dủ công an được lệnh ngấm ngầm ngăn cản, nhưng đã có không ít những khuôn mặt đấu tranh từ Sài gòn và các tỉnh miền tây tới chào đón tù nhân lương tâm danh tiếng này.
Được biết bà Hằng bị bắt vào ngày 11/2/2014 khi trên đường tới thăm nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp
Thời điểm bước ra khỏi nhà tù cũng như ngày bà Hằng nhận bản án oan sai đã để lại những dấu ấn đậm nét về sự thất bại của Hànội.
Từ ‘nhà tù nhỏ’ bước ra ‘nhà tù lớn’
Đúng 7 giờ 50 sáng Thứ Bảy 11-02-17, trước cổng tù vừa khép lại sau lưng, tay trái ôm bó hoa rực rỡ, tay phải bà Hằng vẫy chào đám đông túc trực náo nức đón bà. Tiếng vỗ tay hoan hô vang dội khi tiếng cựu TNLT Bùi Thị Minh Hằng sang sảng cất lên.
“Tôi vừa tốt nghiệp ưu hạng trường đào tạo những nhà tranh đấu cho Tự Do, Nhân Quyền Việt Nam do nhà cầm quyền cộng sản tổ chức”.
Tiếng cười nói, tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay tiếp tục vang lên trong gió sớm
Với nét cười rạng rỡ đón nhận những vòng tay thân ái của đồng hương, trong số có người con trai là Bùi Trung Nhân, ông bà Nguyễn Bắc Truyển, chị Dương Thị Tân, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, anh Nguyễn Văn Minh[1], một số tín độ Phật giáo Hòa hảo, bà Hằng lên tiếng bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những cá nhân, đoàn thể đồng bào trong ngoài nước, bao gồm những cơ quan bảo vệ Nhân quyến Quốc tế… đã hỗ trợ, an ủi, nâng đỡ bà trong suốt thời gian lâm nạn. Bà lớn tiếng tuyên bố.
“Sẽ có ngày tôi khởi tố vụ án phi nhân, phi pháp này ra trước Tòa Án Quốc Tế để cho công luận thế giới thấy rõ sự ‘rách rưới’ của một nền tư pháp rừng rú dưới chế độ gọi là Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Công sản Việt Nam”.
Vẫn với âm sắc tự tin, đanh thép quen thuộc của những ngày nào, nhìn thẳng vào đám đông qua cặp kính mát, bà Hằng nói tiếp.
“Nhân dịp này tôi muốn nhắn gửi tất cả những bạn bè đấu tranh của tôi rằng: Đừng ai sợ đi tù. Vì nhà tù chính là nơi đào luyện chúng ta. Nơi giúp chúng ta tự mình trải nghiệm những khổ đau, nhục nhằn để từ đấy nhận rõ hơn tâm địa và những hành vi độc ác của kẻ thù, không phải chỉ riêng đối với những người trực diện tranh đấu như chúng ta, mà toàn thể đồng bào cũng đang phải gánh chịu.”
Theo bản tin BBC, trên đường từ nhà tù Gia Trung về Sàigòn, bà Hằng đã ghé nhà bà quả phụ thày giáo Đinh Đăng Định ở Dak Nông để thắp hương trước bàn thờ nhà hoạt động nhân quyền cựu TNLT này. Được biết thày Định được trả tự do cùng thời gian với người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, nhưng chỉ ít ngày sau thày qua đời vì bệnh ung thư giai đoạn cuối. Được biết, hồi ấy vì biết thày sẽ chết nên họ mới trả tự do cho nạn nhân.
Sau cuộc hành trình dài, chiều tối cùng ngày bà Hằng và một số thân nhân, bằng hữu tới thăm Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, Sàigòn. Linh mục Phạm Trung Thành nguyên Bề Trên Dòng, một số Linh mục và hàng trăm người đã túc trực tại đây để chào đón người vừa về từ ngục tù cộng sản. Đối diện mọi người, sau khi bày tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ và lời cầu nguyện của Nhà Dòng đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong ba năm tù CS, bà Hằng tâm tình với cô Đỗ Thị Minh Hạnh, cựu TNLT và là một trong những sáng lập viên Công đoàn Độc lập.
“Động lực đấu tranh của chị có được là nhờ những người đi trước… như em. Chính họ -nhà cầm quyền và những nhà tù do họ dựng lên- đã tạo dũng khí cho chúng ta tranh đấu và giúp cho chúng ta trưởng thành.”
“Khoảnh khắc đời người”
Đời người có những khoảnh khắc dị thường, biến ta thành con người khác. Nó được Người Buôn Gió ghi lại trong một bài viết diễn tả cái ‘sát-na’ hiếm có ấy nơi bà Bùi Thị Minh Hằng trong vụ án oan sai ở Đồng Tháp năm 2014. Sau khi thuật lại cuộc trao đổi giả tưởng đầy kịch tính giữa viên sĩ quan Công an CS với vai trò thẩm vấn và một tù nhân, tác giả viết.
“Từ hai người nông dân hiền lành, vô danh như Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thuý Quỳnh, họ đã để lại tên mình trong tâm khảm của hàng triệu người dân Việt Nam về sự oan ức, bất công, sự dối trá của hệ thống pháp luật hiện nay, cũng như mưu toan thủ đoạn bất nhân của nhà cầm quyền.
Cái khoảnh khắc họ đứng nhận phán quyết của toà án, cũng là khoảnh khắc họ đã ghi tên mình vào lịch sử như những chứng nhân của sự bất công, tha hoá, phi đạo đức tràn lan trong chế độ.
Một người phụ nữ bình thường với tính cách dân dã, chợ búa như Bùi Thị Minh Hằng, học thức không cao, gần cả cuộc đời chỉ toan tính thiệt hơn trong kinh doanh bỗng nhiên đã tìm được khoảnh khắc để làm chói sáng cuộc đời mình. Để được những khoảnh khắc như thế, người ta phải vượt qua những toan tính tầm thường, phải có một nội tâm sâu sắc và niềm tin mãnh liệt. Để đi đến khoảnh khắc ấy là bao nhiêu thử thách, bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu lời đường mật đưa ra để ngăn cản.
Những con cá hồi làm cuộc hành trình hàng chục ngàn cây số, đối đầu với những sự chết chóc bởi những con cá to lớn hung ác. Để làm gì, để chúng đến một nơi chúng sẽ chết. Và cái khoảnh khắc được chuyển sang màu đỏ hồng phơi chết trên mặt nước, đúng cái nơi mà chúng muốn, đúng cái thời điểm chúng muốn. Đó là khoảnh khắc vĩ đại nhất trong đời con cá hồi nào có được. Hàng triệu con khác đã chết trên đường đi. Chỉ những con cá hồi về được nơi chúng muốn chết là cái chết có ý nghĩa, vì nó sẽ sản sinh ra những sức sống mới cho thế hệ sau…”
Trong chớp mắt, Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu đã chụp bắt được cái khoảnh khắc họa hiếm ấy trên gương mặt cương nghị và trong ánh mắt sắc bén chan chứa tình người nơi người phụ nữ “dễ có mấy tay” mang chung một họ với anh. Nó đã theo sát bên bà Hằng, trang bị cho bà một ý chí sắt thép, một trái tim yêu thương đồng bào, gắn kết với Quê hương Việt Nam như hình với bóng, để hơn một lần dứt khoát trả lời KHÔNG trước lời dụ dỗ của chế độ: trả tự do sớm nếu chấp nhận bỏ nước lưu vong xứ người[2].
Khoảnh khắc biến một doanh gia thành một nhà tranh đấu
Cũng như đám đông, tôi chỉ biết về bà Bùi Thị Minh Hằng qua thành tích đấu tranh và chuyện ra tù vào khám của bà. Cho đến khi tìm đọc những bài viết cùa nhiều người, trong số có Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thiện Nhân, cách riêng Người Buôn Gió, tôi không khỏi ngỡ ngàng, cảm phục với lòng biết ơn người phụ nữ đáng mến này.
Trong bài viết “Phiên tòa khốn nạn và những thằng điên” Người Buôn Gió kể lại lần gặp bà Hằng nhân phiên tòa xử LS Cù Huy Hà Vũ ở Hànội. Một đoạn anh viết.
“… Thế rồi chị gắn bó với anh em chúng tôi, trong những cuộc biểu tình suốt cả mùa hè rực lửa năm 2011.
Trước khi đến với anh em chúng tôi, chị Bùi Thị Minh Hằng có một gia sản lớn, có một nhà hàng sang trọng sổ đỏ mang tên chị ở một con đường trung tâm thành phố Vũng Tàu, một ngôi nhà riêng và nhiều cổ phần ở cây xăng, bệnh viện tư, tàu vận tải. Hoá ra chị còn điên hơn tất cả chúng tôi. Chị nói, từng ấy năm bây giờ mới sống đúng con người của mình, đó là không thể làm ngơ trước bất công sai trái trong xã hội này, bất kể đứa nào làm sai đều phải vạch mặt.
Quãng thời gian chị ở Hà Nội tham gia biểu tình, nhà hàng đóng cửa. Chị không màng đến những nơi chị góp vốn làm ăn thế nào, họ báo cáo lỗ là vì sao. Chị dường như không còn quan tâm đến cái chuyện làm ra tiền nữa. Khi chị bị bắt, những kẻ mà chị góp vốn cùng đã làm sạch bách các cơ sở, rồi chúng báo với chị là lỗ vốn. Ác nghiệt là nhà hàng chị bị ngân hàng đòi xiết nợ, một số nợ cộng thêm số lãi thành gấp đôi.
Bùi Thị Minh Hằng đến với cuộc biểu tình chống TQ từ một người đàn bà có gang, có thép bởi tiền bạc. Khi ra tù ở trại Thanh Hà, chị bỗng trở thành khánh kiệt vì bọn góp vốn lừa đảo, chúng nhân dịp chị bị tù, thấy báo chí lên án chị, chúng hiểu chính quyền sẽ ghét chị, vì thế chúng giở thủ đoạn mượn gió, bẻ măng. Đã vài lần tôi muốn giúp chị, xử lý những đứa lừa chị, theo cái cách mà tôi làm khi còn trẻ. Nhưng chị kiên quyết ngăn vì sợ nếu có làm sao vợ con tôi khổ.
Phá sản, bệnh tật, bỗng dưng mang án tù. Người đàn bà ấy không một lời than thở. Chúng ta hẳn chưa ai nghe chị kể trên mạng về những gì chị đã mất. Chị coi như đó là của phù du, những cái mất đi ấy không làm chị sờn lòng, chị vẫn tiếp tục con đường đấu tranh với những bất công mà chị đã chọn.
Tôi gắn bó với chị chỉ vì tôi nhìn thấy những hy sinh mà chị đã mất. Thực ra tôi ngại cái tính nóng như lửa của chị, vì nóng tính mà đôi khi chị nặng lời với anh em từng gắn bó với nhau những lúc gian nan. Nhưng về tinh thần của chị với đất nước, nếu ai đã thấy không thể nào không nể phục…”
Qua những tiết lộ trên đây của Người Buôn Gió, bây giờ tôi hiểu được tại sao trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ năm 2011 và sau đó, lúc nào bà Bùi Thị Minh Hằng cũng trang phục thật đẹp, thật sang, đúng mốt, ngay cả khi bà đứng trước vành móng ngựa, lúc bước vào nhà giam hay ngày ra khỏi tù. Hai tấm hình trên chụp năm 2011. H.1 mang nón, mặc áo dài với khẩu hiệu chống Tàu cộng trên khăn quàng đó viền vàng với nét cười sang cả, rạng rỡ trên môi. H.2 chụp sau 5 tháng bị bắt và bị bị đày đọa, bà Hằng tuyệt thực, cất mạch máu tay để phản kháng chế độ ở trại Thanh Hà.
Kẻ thua đậm: đảng và nhà nước CSVN
Quan sát vẻ mặt rạng rỡ, ánh mắt sáng ngời, nụ cười tự tin và nghe những lời tuyên bố chắc nịch của người tù lương tâm vừa ra khỏi nhà tù cộng sản sáng 11-02-17, người ta nghĩ ngay tới kẻ thua cuộc lần này vẫn không ai khác hơn là Hànội. Đấy là một nghịch lý, nhưng là một nghịch lý có thể hiểu được. Nó tương tự như điều hàm ngụ trong câu ca dao quen thuộc của người bình dân Việt Nam.
Nực cười châu chấu đá xe,
Ngỡ rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.
Châu chấu đá xe ví như trứng chọi đá. Theo lẽ thường, bên nào thắng bên nào bại, bên nào được bên nào thua, là chuyện đen trắng rành rành không cần bàn cãi! Nhưng, theo cách nhìn và cách suy nghĩ đơn sơ, mộc mạc, trong suốt như pha lê, nặng về tinh thần, tâm linh của người bình dân Việt Nam, chấu không ngã nhưng xe đã bị xô nghiêng!
Bà Bùi Thị Minh Hằng, một phụ nữ chân yếu tay mềm đối đầu một hệ thống đảng và nhà cầm quyền được chống lưng bởi cả triệu công an, bộ đội với xe tăng, vũ khí, bom đạn cùng mình, theo triết lý của kẻ mạnh, đương sự sẽ không tránh khỏi bị nghiền nát! Nhưng, vẫn với cách nhìn và lối suy nghĩ của người bình dân trên đây, nghịch lý có khả năng xảy ra. Và cũng có thế hiểu. Hơn thế còn được nhiều người chia sẻ.
Sau phiên tòa ô nhục ở Đồng Tháp ngày 26-8-2014, Hànội muối mặt cột cho bà Hằng ba năm tù, Faceblogger Nguyễn Thiện Nhân đã viết bài “Xử Bùi Hằng, chính quyền thua toàn diện”. Tác giả viết.
“Bùi Thị Minh Hằng là một biểu tượng cho sức mạnh đấu tranh của phụ nữ ở tầng lớp bình dân. Nói là bình dân vì chị không phải người học cao hiểu rộng, chị cũng không thuộc tầng lớp thượng lưu, càng không phải quan chức nhà nước. Nhưng lạ thay, chị là một phụ nữ có sức mạnh ‘vô biên’…
Chị đấu tranh không ngơi nghỉ ở mọi nơi, từ bắc vào nam làm công an khó chịu và phải tăng lực lượng bám theo chị mỗi khi có bất cứ sự kiện gì dính đến chính trị. Chị lăn xả, giúp đỡ những người dân thấp cổ bé họng bị áp bức; chị tham gia hoạt động nhân quyền; chị biểu tình chống Trung Quốc xâm lược; chị hiệp thông cầu nguyện cho tù nhân lương tâm; chị vạch trần thủ đoạn của lực lượng an ninh chìm nổi… Thân thể chị còn để lại những thương tích bầm dập sau những lần va chạm với công an nhà nước. Chị trở nên mạnh mẽ phi thường khiến chính quyền lo ngại, họ bắt chị đi ‘cải tạo’ 2 năm vô lý tại trại Thanh Hà. Các blogger, trí thức, nhà văn lên tiếng trên blog, các trang mạng quốc tế đăng theo, tin tức lan tỏa kết hợp sự đấu tranh bất khuất của chị Hằng. Sau hơn 5 tháng, chính quyền buộc phải trả tự do cho chị…
… Xử chị tội ‘gây rối trật tự công cộng’ khiến dư luận dấy động làm xấu thêm bộ mặt của chính quyền vốn bế tắc trước sức mạnh đấu tranh đang dâng trào của những người đòi dân chủ. Quả không may cho Hànội khi lỡ dại bắt người phụ nữ có sức mạnh ‘vô biên’. Kỳ thực đây là một vụ án chính trị và chính quyền đã thua hoàn toàn.”
Vài suy nghĩ chót trước khi kết thúc
Đọc những bài viết của hai bloggers Người Buôn Gió, Nguyễn Thiện Nhân, nhìn tấm hình bà Bùi Thị Minh Hằng tại phiên Tòa ở Đồng Tháp, rõ ràng Hànội đã thua đau. Quan sát hình ảnh trên clip video ghi lại giây phút bà Hằng với nụ cười đắc thắng, đầu cao mắt sáng bước qua cổng nhà tù Gia Trung để ôm lấy đám đông đồng bào đang chờ đợi sáng hôm 11-02-2017, tôi có chung một ý nghĩ. Một lần nữa Hànội lại thua đậm!
Bất giác tôi nghĩ tới Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vy, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Dương Thị Tân, Cấn Thị Thêu, Đỗ Thị Minh Hạnh, những khuôn mặt đấu tranh thuộc phái nữ như bà Bùi Thị Minh Hằng. Từ đấy gợi nhắc tôi nhớ tới một đoạn trong lá thư Thượng Nghị Sĩ Bill Cassidy gửi bà Hằng hôm 09-9-2015 thời gian bà đang thụ án oan tại Gia Trung.
“Dù bị tước quyền tự do và bị buộc phải sống trong điều kiện giam cầm tồi tệ, bà vẫn tìm cách động viên những người cùng hoạt động xã hội với mình. Tôi xin vinh danh lòng can đảm và sự mạnh mẽ của bà”.
Rõ ràng nhà lập pháp Hoa Kỳ đã nhìn ra tấm lòng yêu thương quê hương dân tộc, ý chí kiên cường, thái độ can đảm và sức mạnh vô biên có sức lan tỏa, gọi mời của người phụ nữ Việt Nam mang tên Bùi Thị Minh Hằng. Không phải trong đời thường mà ngay trong lúc Tù Nhân Lương Tâm này còn đang nằm trong bàn tay sắt máu của chế độ nhà tù Cộng Sản. Hẳn ông cũng chia chung niềm hy vọng và cũng là niềm tin với trên 90 triệu đồng bào ta là chính những đặc tính ấy nơi bà Hằng sẽ là chất xúc tác nối kết toàn thể dân tộc trong và ngoài nước lại với nhau thành một khối để sớm xua tan bóng tối sự ác, mở ra một trang sử mới cho dân tộc.
Viết để vinh danh bà Bùi Thị Minh Hằng
Trần Phong Vũ
[1] Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26 tháng 8 năm 2014, tòa án tỉnh Đồng Tháp đã kết án bà Bùi Thị Minh Hằng như thủ phạm chính, với 3 năm tù giam, anh Nguyễn Văn Minh, 2 năm 6 tháng tù giam, và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, 2 năm tù giam, về tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật Hình sự. Cả ba người đều kháng án không nhận tội. Ngày 12/12/2014 một tòa án phúc thẩm của nhà nước CSVN giữ y án của tòa sơ thẩm. Anh Minh và chị Thúy Quỳnh ra tù trước và sáng Thứ Bảy 11 tháng 02 vừa qua đã cùng mọi người đi đón bà Hằng.
[2] Trả lời cuộc phỏng vấn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ nhân dịp cùng vợ và một số đồng hương đi đón bà Hằng hôm 11-02- 2017, ông Nguyễn Bắc Truyển cho hay.
“Chị Bùi Thị Minh Hằng là nhà tranh đấu cho quyền con người tại Việt Nam. Chính vì đấu tranh cho nhân quyền nên chị bị giam cầm, tù tội trong 3 năm vừa qua. Vừa rồi chị cho gia đình hay là Bộ Công An của chế độ vào khuyên chị nên đi định cư ở Hoa Kỳ, đổi lại họ sẽ thả chị sớm, nhưng chị Hằng đã kháng khái từ chối đề nghị này. Chị Hằng tuyên bố là chị sẽ ở lại cho đến ngày cuối cùng của hạn tù, và sẽ tiếp tục không ngơi nghỉ con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam.”