Phạm Thành Châu
Biết bạn đang trải qua một thời gian dài tự cô lập trong lo lắng và buồn bực vì nạn Covid-19, tôi sẽ viết linh tinh “đủ thứ bà rằng” và cố gắng thêm thắt sao cho bạn nằm trong chăn, vừa hưởng cái thú gây gây lạnh của mùa thu vừa mĩm cười với những dòng chữ lẩm cẩm nầy. Tuy chẳng nghiêm trang, nhưng cũng được “một vài trống canh”.
Từ tháng 3 năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới. Tử thần Covid khởi hành từ thành phố Vũ Hán bên Tàu. Đó là một trong những thứ vũ khí sinh hóa, giết người tàn độc nhất mà tất cả các quốc gia, từ văn minh đến chậm tiến đều bó tay chịu chết. Nó tàn sát, đa số là những người lớn tuổi. Đã già mà còn thêm bịnh nền (có sẵn) trong người thì lưỡi hái của nó vung lên lấy mạng trong chớp mắt. Người lớn tuổi khiếp vía. Họ không dám ra đường, không dám tiếp xúc với ai. Có một bà già sợ đến nỗi không đi chợ, không lấy thức ăn mà bạn bè, con cháu để trước cửa, sợ vi rút dính ở bao bì, nên cứ để đó suốt mấy ngày, hàng xóm thấy lạ, gọi cảnh sát. Hóa ra bà ta gần chết vì đói. Chưa bao giờ người lớn tuổi nhìn thấy rõ cái chết của người khác (cỡ tuổi mình) bằng lúc nầy. Bạn bè, thân quyến chết hằng ngày, chết liệt địa! Tuần trước, ông X. mới gọi nói chuyện, hôm qua đã nghe “đi” rồi. Ông K. mình mới đến nhà thăm hôm kia, thấy vẫn mạnh khỏe, cười nói vui vẻ, vậy mà vừa nghe, đã được đưa vô bịnh viện, thở Oxy. Giở tờ báo, mấy trang sau đầy cáo phó với chia buồn. Tính đến hôm nay (thời điểm tháng 9 năm 2020) trên thế giới, đã có gần 30 triệu người nhiễm Covid-19 với gần 1 triệu người chết. Bịnh dịch đã giết hơn 7,000 bác sĩ, y tá, y công, là những người làm công tác chống đỡ, cứu chữa người bị lây nhiễm. Riêng nước Mỹ, số người nhiễm dịch Covid-19 gần 7 triệu người và số người chết đã trên 200 nghìn. Điều buồn cười là một quan chức y tế hàng đầu của Canada, Therese Tam khuyên mọi người không hôn và cần đeo “khẩu trang?” (che miệng lại!) khi quan hệ tình dục để bảo vệ bản thân khỏi virus corona.
Sau đây là những suy nghĩ vụn vặt của một người lớn tuổi, đang bị Cô (tên) Vít ám ảnh trong đầu. Như người lính ra trận, trước kẻ thù mà run sợ thì có mà bỏ mạng sớm. Nhưng kẻ thù thì có thể thấy được, chứ với cái “Cô Vít-19” nầy thì dung nhan chỉ thấp thoáng trong kính hiển vi điện tử với hình chụp như trái banh có gai màu sắc sáng chói, thấy đã lạnh người. Cá nhân tôi, “thí mạng cùi”, cứ nhởn nhơ khắp nơi, cà phê, cà pháo với bạn bè mà vẫn bình yên vô sự. Mà giả sử như thình lình Cô Vít-19 (tuổi) nhảy đến ôm chầm lấy tôi thì sao? Sao trăng gì! Sống đến tuổi nầy, trên bảy mươi, quá đủ rồi, Còn gì phải lưu luyến chốn trần ai nầy nữa? Đời chỉ là vở hài kịch mà tôi là tên hề giễu dỡ, hạ màn thì vừa. Nhưng, cũng giống như trong tuồng cải lương, Nhân vật sắp chết mà vẫn ngóc đầu ca đủ sáu câu vọng cổ mới chịu tắt thở. Tôi cũng vậy, nhưng chỉ nói chuyện vui thôi vì “Khóc lóc, rên rỉ là hèn nhát”.
Mỗi người, sinh ra đời có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu, “tin” có ông già Noel (Santa Claus), giai đoạn kế tiếp là “không tin” có ông già Noel và giai đoạn cuối cùng là “làm” ông già Noel. Giai đoạn đầu, trẻ con, ăn chơi và học hành, không có gì đáng nói. Đoạn giữa mới nhiều chuyện rắc rối cuộc đời, mà cái rắc rối nhất là tình yêu, rồi tiến đến hôn nhân (lập gia đình), có cặp chia tay (ly dị) và cuối cùng kéo nhau chui xuống đất (xuống “âm phủ!).
Xin nói chuyện tình yêu trước. Yêu ai phải tìm cách cho người ta biết. Người ta yêu lại mình mới ngỏ lời xin cầm bàn tay tức là cầu hôn. Mà muốn cầu hôn phải làm gì? Quì xuống dưới chân người đẹp với bó hoa hoặc với chiếc nhẫn hột xoàn. Khi người đẹp đã khoái mình thì dù nói “ba hoa thiên địa” gì nàng cũng gật đầu. Ngược lại người ta không ưng mà mình cứ lải nhải thì coi chừng ăn guốc lên đầu. Có vài màn cầu hôn đáng chú ý như sau.
Ngày 8 tháng 3, 2020, một cậu ở đường Abbeydale, nam Yorkshire, nước Anh, sửa soạn một buổi tối long trọng gồm hàng trăm ngọn nến được thắp lên, rượu, bong bóng bay và thức ăn bày lên bàn rồi vội vã lên xe đi đón người yêu. Lúc quay về thì căn nhà đang cháy tưng bừng với ba xe cứu hỏa đang xịt nước vào đám cháy một cách tuyệt vọng. Người đẹp khoái quá, nhận ngay lời cầu hôn của cậu ta trước đống tro tàn. Chả cần, hoa lá, đèn đóm phiền phức.
Một chuyện khác. Cậu Jérémy đưa người đẹp Athina Yalias vào công viên quốc gia Kruger, Nam Phi. Đến một nơi vắng vẻ, rậm rạp, cậu Jérémy quì xuống, thiết tha ngỏ lời yêu thương. Người đẹp cảm động, cúi xuống, hôn lên trán cậu ta. Thình lình, một con nhện có nọc cực độc tanratula, chích cho cậu ta một phát vào mông đít. Cậu Jérémy hét lên đau đớn, người đẹp cũng suýt ngất xiu vì lo sợ. Cũng may, con nhện không chích vào “điểm chiến lược” nên cậu vẫn là vợ chồng được như thường.
Một cậu khác, có sáng kiến lặn xuống nước, ngỏ lời cầu hôn với người đẹp đang đứng trên cầu nhìn xuống, lắng nghe. Cậu nói cách nào mà nước tràn vào họng và cậu chết đuối. Kính lạy ngài Allah! Xin ngài nhận cậu ta lên thiên đường và tặng cho cậu bảy (7) nàng trinh nữ kẻo tội nghiệp.
Rồi đến chuyện gia đình. Có mấy ông thần ve chai ngồi nhậu, gật gù với nhau. Một ông đề nghị, mọi người thử gửi tin nhắn (message) bằng điện thoại về cho vợ câu “Anh yêu em” để xem các bà trả lời ra sao? Bà vợ 20 tuổi trả lời “Em cũng yêu anh” Bà 30 tuổi “Xỉn rồi phải không?” Bà 40 tuổi “Ông điên rồi hả?” Bà 50 tuổi “Ông gửi lộn cho con đĩ chó nào hở? Về đây, bà thiến tận gốc cho biết tay bà”
Sống với nhau qua thời gian, làm gì cũng xảy ra chuyện “Ông ăn chả, bà ăn nem”, nghĩa là ngoại tình. Đã là vợ chồng mà còn ngoại tình thì gia đình trở thành địa ngục. Khi một người ngoại tình cũng giống như cây đinh đã đóng vào tường. Cây đinh có được nhổ đi nhưng cái lỗ đinh vẫn còn đấy. Nó ám ảnh suốt đời sống vợ chồng. Nhiều khi cố quên để hàn gắn tình cảm gia đình, nhưng đã thật sự nguội lạnh, thấy ghê tởm, hết phương cứu chữa, đành sống với nhau như đóng kịch, coi như bạn “share” phòng. Hiếm có những cặp vợ chồng lớn tuổi sống hòa hợp bên nhau tuy người ngoài nhìn vào tưởng như họ đang hạnh phúc, vì trải qua bao nhiêu năm, làm gì cũng có lúc họ vi phạm nghĩa vụ vợ chồng (nghĩa vụ đồng cư, chung thủy). Với người Âu, Mỹ, hễ có xích mích nhỏ là họ chia tay. Người Việt thường vì sĩ diện, vì con cái, vì xã hội mà miễn cưỡng chịu đựng nhau “Ở chung với người nghịch như nếm mật nằm gai” Không gì khổ sở bằng sống dưới một nhà mà hằng ngày phải nhìn thấy mặt người mà mình không dám nhìn. Có mấy ông già ngồi uống cà phê. Một ông hỏi các bạn “Ở tuổi gần đất xa trời. các ông ghét nhất là điều gì?” Người thì nói “Cái mặt lầm lì của mụ vợ khi có chuyện không vừa ý. Nó như người câm, miệng như dán băng keo” Người khác “Vợ tôi mở miệng ra là gầm gừ như sủa. Hỏi nó thì nó hỏi ngược lại. Nó cũng có học mà không hiểu sao càng ngày nó càng hỗn hào, mất dạy. Tôi là chồng nó mà nó nạt tôi như đứa ở” Ông khác “Mình già rồi, đâu thiết chuyện lăng nhăng. Vậy mà cứ ghen bóng ghen gió. Hết chuyện mới lại đem chuyện xưa rích ra kể lễ, đay nghiến. Ước gì được như mấy ông độc thân. Sống không có vợ sung sướng như đang ở trên thiên đàng”. Báo chí thường đăng chuyện nhiều ông chồng sợ vợ đến nỗi phải vào nhà băng cướp tiền rồi ngồi chờ cảnh sát đến bắt đi. Hỏi tại sao? Ông ta bảo, mong được ở tù còn hơn là phải về nhà nhìn thấy mặt bà vợ. Muốn “thoát ly” khỏi tay bà vợ đâu phải chuyện dễ. Trốn đi dâu mà không bị “dẫn độ” về nhà? Ăn uống, sinh hoạt ra sao? Ai săn sóc khi bịnh hoạn? Chỉ có nhà tù là tốt nhất. (xin lưu ý. Tốn kém mỗi năm để giam giữ một tù nhân ở Mỹ là trên ba mươi nghìn USD, thời giá năm 2000)
Bây giờ nói qua chuyện ly dị. Ở Việt Nam ta, ngày xưa, có luật “Thất Xuất” (7 lý do chồng đuổi vợ ra khỏi nhà)
1- Tuyệt tự. Không con trai nối dõi tông đường.
2- Dâm dật (không chung thủy)
3- Không thờ cha mẹ chồng.
4- Lắm điều (chua ngoa, khiến người khác khó chịu).
5- Trộm cắp.
6- Ghen tuông vô cớ.
7- Có ác tật (bịnh tật, không đảm đương được việc nhà, có thể truyền bịnh cho người nhà, con cái)
Xem ra, người chồng, chỉ cần viện cớ mơ hồ (điều 4, điều 6) là có thể tống xuất vợ ra khỏi nhà. Tuy nhiên, cũng có luật “Tam Bất Khả Xuất” để bảo vệ người đàn bà dù người vợ phạm “Thất Xuất”.
1- Người vợ đã từng để tang cha mẹ chồng trong ba năm.
2- Trước nghèo, sau giàu (người vợ đã góp công sức vào gia đình nhà chồng)
3- Không còn chỗ nương thân (thông thường, chồng trả vợ về bên nhà vợ. Nếu cha mẹ vợ không còn thì không được đuổi vợ)
Tôi không thấy luật cho vợ được phép bỏ chồng?! Luật xưa, coi cho biết, chứ thời bây giờ, không ưa nhau, thì lôi nhau ra tòa xin li dị mà không cần nêu lí do. “Anh đi đường anh, tôi đường tôi…” Ly hôn chớp nhoáng được luật Hồi giáo chấp nhận. Người chồng chỉ nói, (có thể gọi điện thoại) 3 lần, 2 tiếng “Galak” (ly hôn) là coi như đã ly hôn (Xin báo một tin vui. Tôi đã theo đạo Hồi sáng nay. Chiều nay tôi sẽ về nói với vợ tôi “Galak. Galak. Galak!” Hê Hê Hê!)
Sau đây là một vài lý do (vui) khiến vợ chồng đưa nhau ra tòa. Một bà vợ đòi li dị ông chồng vì “Ông ta cứ gài ngược cuộn giấy vệ sinh khiến tôi bực mình hết sức”. Một bà vợ phát hiện chồng dẫn gái về nhà trong lúc bà ta đi vắng, vì con vẹt cứ nói “Vào nhà đi em. Anh nhớ em, thèm em quá!” Một bà khác thưa chồng vì tội phỉ báng “Hắn nói tôi là con khỉ già” Quan tòa hỏi “Ông ta nói như thế với bà từ khi nào?” “Cách nay 20 năm” “Sao bây giờ bà mới thưa ông ta ra tòa?” “Tuần trước tôi đi sở thú mới thấy rõ con khỉ già nó như thế nào” Một bà khác đưa chồng ra tòa vì nói nhiều quá, chịu hết nỗi, quan tòa hỏi lý do, ông chồng trình bày sự việc suốt bốn tiếng đồng hồ khiến quan tòa cũng phải phát khùng! Một bà khác thưa với quan tòa “Buổi sáng, tôi chiên trứng cho thằng chả ăn thì hắn nói “Sao không làm ốp-la?”(chiên hơi sống). Bữa sau tôi làm ốp-la, thằng chả lại hòi “Sao không chiên trứng mà làm ốp-la?” Bữa sau nữa tôi làm ốp-la một trứng, chiên một trứng khác. Thằng chả lại nói “Trứng chiên thì làm ốp-la, trứng ôp-la thì lại đem chiên. Ai ăn cho được?”
Vậy thì vợ là người như thế nào? Một ông bố nhận được thiệp hồng (thư mời đám cưới) của con trai, ông ta trả lời thư như sau. “Một số người nói. Khi hai người kết hôn, họ trở thành những người thân. Nhưng bố muốn nói với con rằng. Cho dù con kết hôn bao nhiêu năm, con phải nhớ. Cha mẹ, con cái mới là người thân, còn vợ chỉ là người yêu. Vợ con không phải là người thân của con. Con có thể la lối, hờn trách bố mẹ vì bố mẹ là người sinh ra con. Mối liên hệ nầy không thể chối bỏ được, nhưng vợ thì không. Quan hệ với cô ấy là hai bên cùng có lợi. Nếu con phạm lỗi, cô ấy có thể rời con bất cứ lúc nào” (và thành vợ người khác)
Nói vậy tôi không có ý đánh giá thấp tình vợ chồng. Người Á Đông như người Việt, nhất là vùng thôn quê, hiếm có chuyện vợ chồng bỏ nhau. Họ yêu thương nhau cho đến trọn đời. (Ngày xưa, vợ gian dâm với người không phải chồng mình thì bị gọt đầu, bôi vôi, đóng bè cho trôi sông, không ai dám cứu). Ở hải ngoại, vợ chồng sống giữa xã hội văn minh với người bản xứ, ngôn ngữ bất đồng, như người câm điếc, cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng nên vợ chồng phải nương tựa, che chở cho nhau, tình nghĩa vợ chồng càng trở nên sâu đậm. Thế nên khi đôi vợ chồng già mà một người từ giả cõi đời thì người kia đau khổ, nhớ nhung dẫn đến suy sụp cả tinh thần lẫn thể chất. Người đàn ông chịu đựng mất mát tình cảm kém hơn đàn bà nên thường gục ngã rất nhanh sau khi vợ chết.
Có vài chuyện kể, khiến ta cảm động.
Cụ ông John Wilson 92 tuổi, cụ bà Marjorie 88 tuổi sống bên nhau gần 62 năm. Cụ bà bị bịnh phải vào nằm nhà thương Queen Hospital Burton ở Staffordshire, nước Anh. Rồi cụ ông mắc bịnh ung thư giai đoạn cuối phải vào cùng bịnh viện. Lúc đó cụ bà bịnh đã ổn định sẽ được đưa về nhà dưỡng lão. Nhận thấy, có thể hai người sẽ không còn dịp gặp nhau, bịnh viện sắp xếp hai giường của hai cụ gần nhau. Cụ ông nắm tay cụ bà, nói lời vĩnh biệt rồi mỉm cười, nhắm mắt đi vào cõi hư vô.
Đôi vợ chồng đều mù. Ngày cưới về, chồng nắm tay vợ dẫn đi khắp nhà cho vợ quen biết mọi vật. Nay cả hai đã gần tám mươi tuổi. Chồng làm nghề thổi kèn đám cưới, lúc nào cũng nắm tay vợ, dẫn theo, coi như thổi kèn cho vợ nghe “Trăm con phượng hoàng”, “Niềm vui đầy nhà”. Trong đám đông lao xao tiếng cười nói, chỉ cần nghe tiếng gọi nho nhỏ, chỉ cần nghe hơi thở, họ cũng tìm thấy nhau. Một lần, chồng ngã gãy chân, phải nằm bệnh viện. Vợ bốn ngày không ăn hạt cơm. Không sờ thấy bàn tay quen thuộc kia, bà không còn hồn vía nào nữa.
Bây giờ đến “Cái vấn đề” mà các cụ ông, cụ bà quan tâm, lo lắng. Đó là cái Chết.
Đứa bé, vừa lọt lòng mẹ đã chào đời bằng tiếng khóc “Oe oe!”. Trần có vui sao chẳng cười khì? Lớn chút nữa, chập chửng biết đi. Bước đi đầu tiên cũng là bước tiến đến bức tường trước mặt. Bức tường vô hình nhưng không người nào, kể cả vua chúa hay thánh nhân có thể vượt qua. Đó là cái Chết.
Nhưng chết là hết hay còn gì xảy ra?
Lai như lưu thủy hề, thệ như phong.
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.
(Đến như nước chảy, như gió thoảng.
Không biết ta từ đâu đến, rồi về đâu?)
Nếu người có linh hồn thì khi chết, hồn đi đâu? Lang thang trong cõi âm tăm tối, mịt mù, không thấy đường đi, không có lối về, bơ vơ, trơ trọi. Ai? Có ân nhân nào ra tay cứu vớt, đưa đường, dẫn lối cho linh hồn về với ánh sáng, thoát khỏi trầm luân? Thế là các triết gia, các ngài giáo chủ các tôn giáo đứng ra giải thích, rằng có những thế giới khác. Nó ở “trên cao” là thiên đường, nát bàn, cõi tiên… sướng lắm! Nó ở “dưới” địa ngục, hỏa ngục, âm phủ… đau đớn, khổ sở?
Triết gia Epicure (341-270 tcn) viết “Ta không sợ chết. Nó chẳng là gì đối với ta cả, vì khi ta sống, nó chưa có, đến khi nó có mặt thì ta không còn tồn tại”. Phái Khắc Kỷ, đặc biệt là Senèque và Epitète, lại có một lý luận khác để chiến thắng nỗi sợ chết. Họ coi sự chết là một tất yếu của thiên nhiên. Con người là một phần của thiên nhiên. Thiên nhiên có lý tính và con người tham dự vào lý tính ấy. Với cái chết, cá nhân sẽ tan biến, nhưng thiên nhiên là cái toàn thể vẫn tồn tại. Vì thế ta hãy chấp nhận cái chết như một “tất yếu theo định luật thiên nhiên”.
Đa số những lời giải thích của các tôn giáo thường siêu hình và áp đặt. Tôi không có thẩm quyền trên tôn giáo nên chỉ trích đăng một vài đoạn ngắn về phát biểu của các tín đồ của tôn giáo họ.
Trước hết là bài viết vui của luật sư Nguyễn văn Chức, một tín đồ Thiên Chúa Giáo. Ông tưởng tượng, sau khi mình chết, linh hồn mình sẽ “sinh hoạt” như sau. (bài của vip kk)… Sau khi đi thăm một vài nơi ở thế giới của Dante, tôi được đưa ra trước tòa phán xét của Thượng Đế. Tôi là người Công Giáo, tôi phải trả lời về tất cả những hành vi và ý nghĩ của tôi lúc còn sống. Ôi “ngày của thịnh nộ” (Dies irae, dies illa). Nếu linh hồn tôi có tội trọng (mortal sin), tôi sẽ phải xuống hỏa ngục, chịu lửa thiêu đốt đời đời. Nếu linh hồn tôi không có tội trọng và trong trắng như gương, tôi sẽ được lên Thiên Đàng ngay lập tức. Nhưng nếu linh hồn tôi, tuy không có tội trọng, nhưng không trong sáng như gương, nghĩa là còn lợn cợn bụi trần, thì tôi sẽ đi đâu? Tôi sẽ phải xuống ngục luyện tội (purgatory) một thời gian để lửa đốt con người tôi cho sạch những lợn cợn, và sau đó tôi mới được lên Thiên Đàng. Thời gian ở luyện tội, có thể là 10 năm, 20 năm, 50 năm . . . Tùy trường hợp nặng nhẹ. Mà tôi thì như cụ đã biết, nhiều lợn cợn lắm, thể xác cũng như tâm hồn. Có lẽ phải ở luyện tội cả mấy trăm năm. Tôi được đưa đến tòa phán xét. Chưa đầy 5 phút, có tiếng loa. “Ai có vợ, và đã sống với vợ từ 30 năm trở lên, hãy đứng sang bên phải.” Tôi lễ mễ chạy theo tiếng loa, đứng sang bên phải. Đông lắm, người nào trông cũng thiểu não quá sức. Hai phút sau, có tiếng vọng từ trời cao: “Các con yêu mến, lúc còn sống, các con có vợ và đã ở với vợ trên 30 năm, như thế các con được coi như đã ở luyện tội cả mấy trăm năm rồi, các con sạch mọi tội lỗi và đáng được lên Thiên Đàng ngay lập tức để hưởng Thiên Nhan Chúa”. Mọi người đều hoan hô. Một ông già Mỹ móm mém, phều phào “All right!”. Tôi cũng phều phào “All right!”.
Sự chết đối với người Hồi giáo. Theo Qur an: Thiên Chúa định trước thời điểm một người chết trước khi được sinh ra. Không ai có thể đẩy nhanh hoặc trì hoãn cái chết của chính mình hoặc cái chết của người khác nếu điều ấy trái với ý muốn của Thiên Chúa, bất kể nguyên nhân cái chết. Theo Kinh Qur an 45:26: “ Allah sẽ ban cho bạn sự sống, sau đó giết bạn, và sau dó Ngài sẽ tập hợp bạn đến Ngày Phục sinh, trong đó không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không biết điều nầy”. Có người nói rằng, người chiến binh Hồi giáo chết vì kẻ thù, linh hồn sẽ được lên thiên đàng và được Allah thưởng cho bảy (7) trinh nữ. Trước kẻ thù mà người chiến binh Hồi giáo bỏ chạy thì đàn bà cũng có quyền chém chết.
Phát biểu của đức Đạt Lai Lạt Ma (Phật giáo) về cái chết.
Với những người chuyên tạo ác nghiệp thì hơi ấm của thân thường thất thoát ở phần trên của thân trước tiên và sau đó mới thất thoát ở các phần khác của thân. Ngược lại, người chuyên tạo nghiệp thiện, thì hơi ấm thường thất thoát từ dưới chân trước tiên. Trong cả hai trường hợp trên, hơi ấm sau cùng tụ lại ở nơi tim, và từ đấy lìa khỏi thân. Các phần tử vật chất này, gồm tinh cha và huyết mẹ kết hợp lại, là nơi thần thức nhập vào lúc đầu tiên để vào tử cung mẹ khi bắt đầu sự sống. Các phần tử vật chất này biến thành trung tâm luân xa tim, và chính từ những điểm nầy mà thần thức cuối cùng lìa khỏi thân. Ngay khi thần thức lìa luân xa tim, thân trung ấm bắt đầu, trừ trường hợp của các vị tu hành cao, thác sinh trong cảnh trời vô sắc của các cõi không vô biên giới, thức vô biên giới, các “cõi Không” hoặc là các cảnh giới cao nhất của cõi luân hồi, thì đi tái sinh ngay sau khi chết. Những người thác sinh vào các cõi dục giới và sắc giới thì vẫn phải trải qua thân trung ấm, ở trong đó những người này sẽ mang hình dạng của thân tái sinh tương lai. Thân trung ấm có đầy đủ 5 giác quan và có cả nhãn thông, có khả năng đi xuyên qua vật chất, và bay ngay lập tức đến nơi mình muốn. Thân trung ấm cũng có thể thấy được các thân trung ấm khác cùng thể loại (tức là cùng cõi đi tái sinh). Các thể loại khác nhau là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a tu la và trời. Khi thân trung ấm chưa tìm được nơi đi tái sinh thích hợp với nghiệp lực của mình sau 7 ngày thì nó sẽ phải trải qua sự chết của trung ấm và tái sinh trong một thân trung ấm mới. Tái sinh trung ấm chỉ có thể diễn ra nhiều nhất là 6 lần, có nghĩa là thần thức chỉ có thể trải qua tối đa là 49 ngày trong cõi trung ấm. Điều đó cũng có nghĩa là khi một thần thức sau khi chết đi một năm trời, hiện ra và cho biết vẫn chưa được tái sinh, không còn ở trong cõi trung ấm nữa, thì thần thức đó đã tái sinh thành ma. (hết trich)
Tóm lại đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái tin rằng, sau khi chết, linh hồn sẽ bất diệt, được về với Thiên Chúa nơi thiên đàng. Đạo Phật thì cho rằng, linh hồn không bất diệt mà được đầu thai vào kiếp khác tùy theo cái nghiệp mà mình đã tạo nên. Thế thì với người Á Đông (đặc biệt Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản) chịu ảnh hưởng của ba tôn giáo Phật giáo, Nho giáo, và Đạo giáo, nhận định ra sao về cái chết?
Như đã nói ở trên, với Phật giáo, con người khi chết, thân xác tiêu tan nhưng linh hồn sẽ đầu thai vào sáu cõi tùy nghiệp chướng do mình tạo ra khi còn sống. Lão giáo (Đạo gia) cho rằng, ngoài thân thể, là phần vật chất hữu hình còn có hồn và phách (vía). Lão Tử không bàn đến Thượng Đế, linh hồn, thiên đàng, địa ngục mà chỉ nói một cách tổng quát về nguồn gốc của con người và vạn vật là từ Đạo mà ra, và cuối cùng trở về Đạo, hòa với Đạo. “Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh” (Đạo mà có thể nói ra được không phải là đạo thường hằng vĩnh cửu, Tên mà có thể gọi ra được không phải là tên thường hằng bất biến) Xin trích một bài báo: Đạo giáo thâm nhập vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ thứ 2. Đạo giáo có hai phái tu là nội tu và ngoại dưỡng, phái nội tu phổ biến ở Việt Nam hơn. Thời Bắc thuộc, Đạo giáo chỉ phổ biến trong dân gian, đến thời phong kiến độc lập, các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần đều coi trong các đạo sỹ không kém các tăng sư, bên cạnh Tăng quan còn có cả Đạo quan. Từ đời Lê Trung hưng Đạo giáo bắt đầu suy thoái, những đạo quán bị Phật giáo hóa, trở thành chùa. Bên cạnh tượng các thánh của Đạo giáo còn có thêm tượng Phật[3]. Ngày nay, Đạo giáo Việt Nam với tư cách là một tôn giáo không còn tồn tại nữa, tuy nhiên những ảnh hưởng của nó đến tư duy và đời sống xã hội của người Việt thì vẫn còn. Thuật phong thủy, các phương pháp dưỡng sinh, các môn võ thuật, các hình thức bói toán, cúng bái, trừ tà của Đạo giáo vẫn phổ biến tại Việt Nam. Tại Hà Nội vẫn còn một số đạo quán của Đạo giáo như Thăng Long tứ quán bao gồm Trấn Vũ quán, nay gọi là đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh; Huyền Thiên quán, nay là chùa Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai; Đồng Thiên quán, nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành; Đế Thích quán, nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên.
Đạo giáo đi vào Việt Nam, đặc biệt là Đạo giáo phù thủy, tìm thấy ngay rất nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng ma thuật của người Việt nên Đạo giáo ăn sâu vào người Việt rất dễ dàng. Trước đó người Việt đã từng sùng bái ma thuật, phù phép. Họ tin rằng những lá bùa, những câu thần chú có thể chữa được bệnh tật và trị được tà ma. Tương truyền Hùng Vương vì giỏi phù phép nên có uy tín thu thập được 15 bộ để lập nên nước Văn Lang. Dưới thời Bắc thuộc, Đạo giáo rất phát triển ở Việt Nam. Nhiều quan lại Trung Hoa sang Việt Nam cai trị đều thích phương thuật, ví dụ Cao Biền đời Đường từng “cưỡi diều tìm long mạch” để triệt nguồn nhân tài Việt Nam. Thế nên, nếu Nho giáo phải đến thời Lý mới được thừa nhận thì Đạo giáo hòa trộn với tín ngưỡng ma thuật đến mức không còn ranh giới. Từ Trung Quốc vào Việt Nam, Đạo giáo cũng vẫn giữ hai phái là Đạo giáo nhân gian thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão Quân, thần Trấn Vũ (Huyền Vũ), Quan Thánh Đế Quân. Bên cạnh đó, có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo còn thờ nhiều vị thần thánh khác của người Việt như Đức thánh Trần, Thánh mẫu Liễu Hạnh, cùng với Tam Phủ, Tứ Phủ, cho thấy sự hòa quyện giữa Đạo giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ngoài ra, các pháp sư Việt Nam từ Bắc chí Nam còn thường hay thờ các thần Ngũ Hổ bằng bức tranh con hổ hay Quan Lớn Tuần Tranh là hai con rắn Thanh Xà và Bạch Xà quấn trên xà nhà trước bàn thờ. Đặc biệt, Đạo giáo đã đem sang Việt Nam phương pháp cầu Tiên (hết trích).
Tóm lại, theo đạo Giáo, ngoài thân thể, phần vật chất hữu hình, còn có hồn và phách (vía). Hồn là phần tinh thần. Khi thân thể chết đi thì phách không còn nữa, hồn tiếp tục tồn tại trong thế giới vô hình. Nguồn gốc của con người và vạn vật là từ Đạo mà ra, và cuối cùng về với Đạo hòa với Đạo. “Sống chết là do khí tụ lại hay tan mà thôi” (Trang Tử). Đạo giáo là một triết lý, sau biến thành một thứ mê tín dị đoan, ma thuật, phù thủy, bùa chú.
Còn theo Nho giáo thì người có khí, có hồn, có phách. Chết không phải là hết. Chỉ chết cái hình hài, còn cái khí tinh anh, cái hồn khí ấy thì lại về với chỗ sáng tỏ của vũ trụ. Tuy nhiên, đạo Nho chỉ hướng sự quan tâm về những vấn đề nhân sinh, nên xiểng dương phương châm “Sự quỉ thần” (khí, phách được gọi cung kính là sự quỉ thần) “Kính nhi viễn chi” và dụng đạo thần minh làm phương tiện giáo hóa tức đề cao khía cạnh phong hóa mà không bàn về khía cạnh siêu hình. Có người hỏi Khổng Tử “Con người có số mệnh không?” Khổng tử đáp “Có số mệnh nhưng không nên đứng dưới bức tường sắp đổ” “Chưa biết chuyện sống, sao biết được chuyện chết?”
Còn người Việt ta nghĩ gì về cái chết, về linh hồn?
Người Việt đa số, có đi chùa lễ Phật, xin lễ cầu siêu cho thân nhân, tin lời Phật dạy nhưng vẫn tự cho rằng mình theo “Đạo Ông Bà”. Họ vẫn tin rằng thân nhân mình, chết đi không phải đầu thai kiếp khác, không phải lên Niết Bàn hay xuống địa ngục mà vẫn ở cùng với con cháu trong gia đình. Trong nhà, chỗ trang trọng nhất là bàn thờ tổ tiên, thân nhân người đã khuất. Ngày xưa, trên bàn thờ có bài vị (thần chủ), là nơi linh hồn người đã khuất ẩn náu, ngày nay thay bài vị bằng di ảnh, tưởng như người đã chết vẫn hiện diện trong gia đình. Khi người thân trong gia đình bị “bất tỉnh nhân sự”. Để hồi sinh, chủ nhà đứng trước sân kêu lớn “Hú ba hồn chín vía (bảy vía nếu là nam) X. về nhập xác” đồng thời thắp đèn nhang trên bàn thờ, cầu xin ông bà phò hộ cho con cháu tai qua nạn khỏi. Khi người thân bị tai nạn hay bịnh tật mà “chết đường, chết chợ” thì gia chủ ra nơi người đã chết kêu lên “Hú ba hồn chín vía Nguyễn, hay Lê… X. theo tôi về nhà” Họ tin rằng nếu không gọi như vậy, hồn người chết sẽ không biết nhà ở đâu mà về để hưởng sự cúng kiếng, sẽ thành ma đói, ma khát. Người chết đuối phải nhờ thầy cúng đến lập đàn trục vong, hướng dẫn hồn về chùa nghe kinh kệ mà siêu thoát, nếu không hồn vẫn phải ở dưới nước cho đến khi (lôi kéo) một người khác chết (đuối) thay, hồn mới thoát khỏi trầm luân. Họ tin rằng, những người chết đuối, chết oan, chết “bất đắc kỳ tử”, linh hồn vất vưởng (oan hồn uổng tử) không nơi nương tựa thành ma, thành quỉ nên ngày rằm, mồng một thường có lẽ vật cúng ngoài trời (bàn thiên) cho các hồn ma đến hưởng và chấp nhận lời cầu xin của gia chủ đừng quấy phá, gây xáo trộn trong nhà đồng thời phù hộ cho mọi người được mạnh khỏe, vạn sự như ý. Vào dịp cuối năm âm lịch có lễ “rước ông bà” về đoàn tụ, vui xuân với con cháu. Sau ba ngày tết có lễ “tiễn ông bà”. Đa số người Việt tin rằng, linh hồn thân nhân vẫn đoàn tụ với nhau ở một thế giới (vô hình) khác gọi là Âm Phủ. Âm Phủ không phải là địa ngục như Phật giáo mô tả mà là nơi linh hồn những người đã chết vẫn sinh hoạt, đi lại, giao tiếp, chuyện trò với nhau giống như một xã hội bình thường nơi dương thế. Vì vậy đến ngày giỗ chạp, rằm tháng bảy, ngoài lễ vật còn đốt theo “giấy tiền vàng bạc”, áo quần, nhà lầu, xe hơi, đô la… để người thân nơi cõi âm được sung sướng. Người bịnh nặng thường kể lại. Họ thấy cha, me, vợ, chồng… (đã khuất) đến nắm tay đòi dẫn đi. Trong cuộc chiến vừa qua “Mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình”. Mạng người như hạt gạo trên sàng. Sống sót được là nhờ phước đức ông bà.
Bây giờ mới thực sự là những suy nghĩ của bọn đàn ông già của chúng tôi. Người trẻ thường hỏi người già “Có sợ chết không?” Xin trả lời “Không sợ chết, chỉ sợ bịnh” Già lão đi đôi với bịnh tật. Nhiều người lớn tuổi ngồi với nhau thường nói về bịnh hoạn của mình như chuyện thời sự. Sau đây là những lời đối đáp của mấy ông già. Một ông nói “Tôi không muốn đến thăm người bịnh, vì thấy chính mình sẽ như vậy. Nằm một chỗ, cựa mình cũng đau, thở không nỗi, ăn uống, tắm rửa, thậm chí đi vệ sinh cũng phải có người giúp đỡ… Khổ như thế thà chết quách còn hơn” Một ông khác thở dài “Vậy mà lúc đó lại muốn sống. Chẳng phải lưu luyến cuộc đời mà vì bản năng sinh tồn của một sinh vật. Hơn nữa, người bịnh chẳng nghe ai nói mình sẽ chết mà an ủi rằng không sao đâu, bịnh sẽ hết. Ngay đến bác sĩ cũng quả quyết rằng bịnh đang được cải thiện, nhưng ra bảo nhỏ với người thân rằng. Bịnh nhân khó qua khỏi, về chuẩn bị tang lễ là vừa” Một ông có vẻ vô tư “Người chết có số. Mới thấy đó mà đã bịnh chết, còn người khác bị ung thư cả mấy chục năm vẫn sống nhăn. Có người cho rằng, do di truyền. Ông bà, cha mẹ sống thọ được bao nhiêu tuổi thì con cháu thọ được khoảng tuổi đó. Vậy tôi xin hỏi. Mấy ông có lưu luyến cuộc đời nầy không?” “Ra đi tay không. Chết là hết. “Gia tài” theo mình là cái “Quan tài”. Giờ thì chỉ cầu sao ngủ một giấc và không hề thức dậy nữa” .
Đọc đến đây, làm gì bạn cũng sẽ phàn nàn “Viết dài dòng quá! Tôi chỉ muốn biết ông đã chuẩn bị những gì trước khi ông từ giã cõi đời?” Xin thưa “Tôi chả làm gì cả ngoài việc viết mấy dòng di chúc, đại ý: Khi đưa tôi vô bịnh viện, thấy không hi vọng gì thì rút ống trợ thở. Liên lạc với nhà quàng, lo quan tài, tẩn liệm. Không làm lễ tang ma, không cáo phó, không thăm viếng, không phúng điếu. Tẩn liệm xong đưa quan tài thẳng ra nghĩa trang. Thế là xong một đời người!” Hết!
Phạm Thành Châu
tháng 9/2020