Nguyễn Bá Lộc
Đại dịch coronavirus là một tai họa lớn cho nhân loại. Nạn dịch nầy xẩy ra từ tháng 12-2019 tại Vũ Hán, Trung quốc. Trong khoảng hai tháng sau, nó lan mạnh ra tới nhiều quốc gia. Cho tới ngày 12 tháng tư -2020 trên thế giới đã có 184 nước chịu tai nạn khủng khiếp nầy với gần 2 triệu người bị nhiễm bịnh và hơn 120,000 người chết. Tai họa nầy còn tiếp diễn và là mối lo sợ to lớn của nhiều nước, vì nó tiến quá nhanh mà lại chưa có thuốc trị. Hầu hết người dân phải cách ly phải xa nơi đông người, nên tạo ra bế tắc và sụp đổ lớn về kinh tế, tai hại hơn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm 2008.
Không kể đại dịch nầy tiêu diệt nhiều sinh mạng, nó còn làm thiệt hại kinh tế toàn cầu toàn diện và khó phục hồi. Mỗi quốc gia có mức độ thiệt hại kinh tế khác nhau. Chiến trận với coronavirus mới có hơn ba tháng, và chưa chấm dứt. Điều rõ ràng là trận chiến càng kéo dài thì kinh tế bị thiệt hại càng lớn và sự phục hồi càng khó khăn.
Nhiều quốc gia đã bị đặt trong tình trạng khẩn cấp và lo sợ. Ngoài việc chống đỡ trên mặt trận y tế, còn phải lo liệu trên mặt kinh tế và đời sống của dân. Về kinh tế, các chánh quyền đã có một số biện pháp cứu nguy.
Trên bình diện quốc tế, có sự xáo trộn mậu dịch và đầu tư. Và một số vấn đề đặt ra và tương lai có một số điều chỉnh
Dưới đây, tôi xin tóm lược cách sơ khởi trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế to lớn và nhanh chóng nầy trên cả thế giới, và một số quốc gia quan trọng như Hoa kỳ, Trung quốc và Việt nam.
1. Thiệt hại kinh tế thế giới do đại dịch
Kinh tế thế giới bị sụp đổ gần toàn diện. Dưới đây là các điểm chánh:
a/ Thiệt hại sơ khởi kinh tế thế giới .
Nền kinh tế toàn cầu có mối liên hệ chặc chẽ với nhau trên nhiều mặt nhiều lãnh vực. Cho nên sự thiệt hại lớn của những quốc gia mạnh về mậu dịch và đầu tư ngoại quốc thì ảnh hưởng. Đàng nầy đại dịch xẩy ra hơn phân nữa thế giới. Do đó lần nầy kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng và trên mọi mặt, từ sản xuất, đến tiêu thụ, vận chuyển, và tài chánh.
Theo Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (World Bank, WB) David Malpass : “Ngoài tai họa về sức khỏe và sinh mạng con người, chúng ta đang phải đón nhận cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.
Theo cơ quan OECD và của một số trung tâm nghiên cứu thì năm 2020, tỷ suất phát triển kinh tế thế giới chỉ còn độ 1.5%, tỷ suất nầy là 2.9% năm 2019. Theo World Economic Forum thì kinh tế thế giới có thể bị mất $2.3 ngàn tỷ.
Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khủng khoảng kỳ nầy nặng hơn các lần khủng hoảng tài chánh trước kia (2008-2009).
Các ngành quan trọng bị ảnh hưởng nặng như:
Tài chánh, chứng khoán xuống thê thảm (cả ngàn điểm) và không ổn định của các thị trường Trung quốc, Hoa kỳ, Anh và Nhựt.
Xuất nhập cảng cũng giảm mạnh, nhứt là ngành không cần thiết lắm và hệ thống tiếp liệu dây chuyền (supply chain).
Chuyển vận, và du lịch. Hàng không bị nặng nhứt. Riêng hàng không và cruises thiệt hai 30 tỷ, (theo ước lượng của ABC News). Hàng không thế giới có thể mất $113 tỷ trong năm 2020
Giá dầu sụt 18% ngay trong tháng đầu có đại dịch (Theo Trung tâm nghiên cứu BESA). Các quốc gia sản xuất dầu lửa (OPEC) cắt giảm 25%.
Ngành ngân hàng và các định chế tài chánh khác.
Tai họa ác nghiệt hơn cho các nước nghèo về mặt kinh tế lẫn xã hội.
b/ Biện pháp trợ giúp cấp thời của quốc tế và của các chánh quyền
Ngân khoản trợ cấp sơ khởi của các cơ quan quốc tế:
Ngân Hàng Thế Giới (WB): Gói trợ cấp $160 tỷ cho các quốc gia trong 15 tháng tới. Gồm 14 tỷ cứu trợ khẩn cấp nhứt là cho dụng cụ và thiết bị y tế. $2 tỷ cho xây cất ngay cơ sở y tế khẩn cấp. $2 tỷ cho mậu dịch, trong đó có chuỗi cung ứng “supply chain”. $2 tỷ cho vốn hoạt động của tiểu thương. Và $2 tỷ cho vận chuyển tiếp tế.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund, IMF) bỏ ra $50 tỷ cho cứu cấp những quốc gia bị nặng nhứt và yếu kém.
Ngoài ra WB và IMF cho các nước nghèo hoãn trả nợ ít nhứt một năm.
Các quốc gia có đại dịch đều có đưa ra trợ cấp nhứt thời chống đỡ tăng cường hệ thống y tế và phục hồi kinh tế, nhiều hay ít tùy sức lực kinh tế và sự tàn phá lớn hay nhỏ.
Ví dụ một số nước:
Hầu hết các quốc gia cũng bỏ ra số tiền lớn để giải quyết đại dịch và phục hồi kinh tế. Hoa kỳ (US) đã có một package lớn là $2.2 ngàn tỷ và sẽ còn nữa. Trung quốc (TQ) khoảng 600 tỷ qua Ngân hàng trung ương đưa xuống các ngành thương mại và kỹ nghệ giúp cho các hoạt động sản xuất thương mại. Đức bỏ ra khoảng 600 tỷ gói hỗ trợ. Pháp cũng có kế hoạch cứu kinh tế với khoảng 500 tỷ, Canada bỏ ra 52 tỷ. Nhựt ngoài gói trợ cấp còn bỏ ra 2 tỷ mỹ kim giúp cho các công ty nào ở TQ trở về Nhựt. VN cũng có chương trình cứu nguy nhưng tới giờ còn quá nhỏ.
2. Một số vấn đề kinh tế thế giới qua đại dịch cần điều chỉnh
Qua đại nạn một số vấn đề quốc tế nổi lên, từ tổ chức quốc tế đến mậu dịch có trục trặc và có thể phải điều chỉnh. Qua đại dịch kỳ nầy, nền kinh tế thế giới có khá nhiều vấn nạn. Ở đây xin nêu ra hai vấn đề: (1) Sách lược Toàn cầu hóa, và (2) sự lũng đoạn thị trường thế giới của TQ.
a/ Về Toàn cầu hóa (TCH, Globalization) và mậu dịch tự do.
Nhìn chung, Toàn cầu hóa có kết quả tốt. Nhờ nó kinh tế thế giới ổn định hơn. Các nước nghèo được khá hơn. Sự hợp tác giữa các quốc gia tốt hơn, chẳng những về mặt kinh tế mà cả về mặt xã hội và nhân quyền. Các công ty đa quốc ào ạt tìm nơi đầu tư có nhiều thuận lợi hơn. Cũng từ khi TQ tham gia mạnh mẽ vào thị trường thế giới từ khoảng năm 2000 và rồi dần trở thành nước đứng đầu về chế tạo và xuất cảng toàn cầu thì mô hình và hoạt động TCH bị lệch lạc và bị TQ lợi dụng cho âm mưu bá quyền của cái gọi là “Giấc mộng Trung hoa”. Các nước tư bản vốn chủ trương mậu dịch tự do chịu nhiều thiệt hại.
TQ lợi dụng nhiều thứ trong sách lược TCH. Chẳng hạn lợi dụng “qui chế nước đang phát triển” (status of developing country) của WTO để được tự bảo vệ kỹ nghệ, để trợ giá, phá giá, để lủng đoạn tiền tệ. TQ dùng tiền mua chuộc lãnh tụ một số quốc gia nghèo và tham nhũng để tạo thế mạnh trên toàn cầu.
Trong giai đoạn đại dịch vừa qua có những trục trặc lớn về mậu dịch toàn cầu, đặc biệt là hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu “global supplies chain” mà TQ nắm đầu mối và thực hiện sự lũng đoạn kinh tế thế giới.
Một nhà nghiên cứu kinh tế quốc tế có nêu ra một số ý kiến nay cần phải xem lại nguyên tắc và mô hình TCH. Có một số suy nghĩ của một số nhà nghiên cứu:
Mậu dịch tự do hoàn toàn hay có hạn chế và điều nầy gần như một dạng “Bảo hộ mậu dịch”(Protectionism). Nói khác đi để đối phó trò ma giáo của TQ, các nước cần xem lại sự an toàn và an ninh kinh tế quốc gia. Cần có sự nhập cảng chọn lọc và có tính chiến lược hơn, trong khi đó vẫn giữ nguyên tắc mậu dịch tự do.
Thứ hai là sự hợp tác và đầu tư ồ ạt của một số ngành kỹ nghệ mang đến TQ chẳng những làm giàu cho một nước gian ác muốn thống lãnh toàn cầu, mà còn làm kinh tế nước nhà có nhiều khó khăn không dễ giải quyết như hàng chục năm qua, nhứt là khi có đại nạn. Ý niệm nầy có thể đi tới một loại “Chủ nghĩa quốc gia”( Nationalism) dưới một dạng nào đó hay một mức độ nào đó, và điều nầy đi ngược lại chủ trương nền kinh tế tự do trong hơn nửa thế kỹ nay.
Các ý kiến trên còn đang tranh cãi.
b/ Trung quốc và chuỗi cung ứng toàn cầu về y cụ và dược liệu
Dụng cụ y khoa và dược phẩm (Health care and Medical products) là phần quan trọng nhứt trong việc chống đỡ đại dịch. Trong ba tháng qua, hầu hết các nước bị virus corona nhiều ở trong tình trạng thiếu hụt các sản phẩm trên. Thứ hai là các hàng hóa trên bị TQ lũng đoạn để vừa tạo lợi ích kinh tế vừa về mặt chánh trị quốc tế.
Đây là phần quan trọng nguy hiểm của “Global supplies chain” do TQ nắm đa số và đang sử dụng như một công cụ chánh trị. Theo World market tháng 3/2020 :
Tỷ phần Global supplies chain của TQ tăng rất nhanh từ 4% (2002) lên 20% (2019).
Trong bài nầy tôi chỉ nêu ra hàng hóa liên hệ y tế, vì có rất nhiều hàng hóa khác như đồ parts xe hơi, điện tử, kim loại cũng dưới đầu mối TQ nắm. Hoa kỳ và Tây Âu đang kẹt nhiều nhứt.
Hoa kỳ lệ thuộc sản phẩm y tế của TQ, nhập từ TQ năm 2019 như sau (Theo tài liệu của Congrestional Research Service, CRS, April/6/2020) :
Dược liệu (Pharmaceutical products): $1,560,469,274 – 80% nhu cầu.
Thuốc trụ sinh (Antibiotics): $307,137,836 – 90% nhu cầu
Dụng cụ y tế (Medical instruments, Appliances, and parts): $1,700,501,270
Y cụ chữa bịnh (Mechano-Therapy and Respiration Apparatus): $1,386,955,875
Và còn nhiều thứ nữa cho chăm sóc sức khỏe.
Tổng cộng trong năm 2019, Hoa kỳ nhập các loại Medical supplies từ TQ là :
$224,573,271,721 (nguồn: CRS)
Trong quá khứ sự lệ thuộc sản phẩm y tế quá lớn như trên, nay bị đại dịch, các công ty sản xuất từ trước tại Hoa kỳ không nhiều lại có một số công ty chuyển qua TQ. Nên Hoa kỳ Tây Âu nay bị lúng túng nhiều.
Cho tới nay có một số dấu hiệu cho thấy TQ đã có kế hoạch đầu cơ Medical supplies nhân vụ đại dịch. Một số điều ghi nhận :
Tháng 2/2020, chánh quyền TQ đưa sản phẩm y tế trước kia thuộc bộ Information Industry and Technology quản lý sang qua cơ quan kiểm soát sản phẩm chiến lược kiểm soát chặc chẽ từ sản xuất tới xuất cảng. TQ còn đặt sản phẩm y tế nằm trong danh sách hàng hóa quan trọng mà TQ phải thực hiện trong kế hoạch “Made in China 2025”. Điều nầy TQ đúng vì trên giới hầu hết các nước đã kỹ nghệ hóa không hoặc sản xuất rất ít hàng nầy. Và thực tế, TQ nắm ưu thế.
Cũng trong tháng 2, TQ ra lịnh cấm các công ty kể cả công ty ngoại quốc, xuất cảng sản phẩm y tế các loại, lấy lý do để dùng trong nước. Nhiều yêu cầu nhập cảng từ bên ngoài bị hủy bỏ. Trong lúc nhu cầu về sản phẩm y tế tăng lên mạnh tại nhiều nước.
Trong các công ty bị cấm xuất cảng có công ty 3M, một công ty rất lớn của Mỹ ở TQ, không thể đưa hàng về Hoa kỳ khi Hoa kỳ đang thiếu hụt nhiều. Điều nầy sai luật của WTO, theo luật nầy thì một quốc gia thành viên chỉ “không xuất cảng vì an ninh quốc gia”. Sau đó, một quyết định của G20 đưa ra ngày 30/3/2020 yêu cầu các nước phải mở cho xuất cảng sản phẩm y tế.
Đồng thời Chánh quyền TQ ra lịnh sản xuất thật nhiều dụng cụ y tế phòng chống coronavirus.
Và trong khoảng thời gian nầy TQ đi nhập cảng rất nhiều sản phẩm y tế từ nhiều nước. Hàng trong nước với hàng nhập được tồn trữ thật nhiều. TQ nhập 1.2 tỷ mask, máy trợ tim, áo quần bảo hộ y tế từ cuối tháng giêng đến cuối tháng hai (Theo Reddit).
Sau đó qua giai đoạn thế giới bị đại dịch tràn lan, TQ tung hàng ra trên nhiều nước. Một phần nhỏ là tặng cứu trợ, phần lớn bán với giá rất cao.
Trong tháng ba, khi có nhiều nước bị đại dịch nặng: Ý, Tây Ban Nha, Pháp , Hoa kỳ thì TQ tung loại hàng nầy tới. Truyền thông TQ rêu rao TQ là nước duy nhứt làm từ thiện lớn. TQ tự coi như ân nhân của nhân loại. Hàng y tế TQ rất nhiều nhưng giá cao và thứ dõm. Hoặc gạ trao đổi có điều kiện như khi thương thảo với Pháp yêu cầu Pháp cho công ty Huawei thiết lập ở Pháp thì sẽ có đầy đủ. Mặt khác, TQ xuất cảng lẫn hàng giả không đạt tiêu chuẩn, như khẩu trang , máy trợ tim giả giao cho Hòa Lan và Tây Ban Nha, và Tiệp Khắc và bị các nước nầy tố cáo.
TQ ép FDA của Mỹ giảm tiêu chuẩn sản phẩm y tế sản xuất ở TQ để đưa vào Mỹ.
Do tình trạng trên, một số quốc gia có phản ứng. Hoa Kỳ ra lịnh một số công ty trong nước sản xuất sản phẩm y tế nhanh cho nhu cầu, qua xử dụng quyền trong thời chiến (luật Defense Production Act). Pháp, Anh cũng có quyết định phát triển công ty nội địa sản xuất trong nước.
Tuy nhiên còn rất nhiều nước không tự túc được sản phẩm y tế, phải nhập của TQ. Cho tới cuối tháng ba, có 58 nước đã ký hợp đồng và 71 nước đang sửa soạn ký để mua sản phẩm y tế TQ cho đại dịch.
Trên đây là một kinh nghiệm đau thương về “Global supplies chain” mà Tàu nắm gần hết. Khi trong nước có nhu cầu, sản xuất nội địa gần như bị bế tắt, và nhập thì bị TQ làm khó khăn hay bị đặt điều kiện. Vấn đề nầy cần phải được điều chỉnh lại.
3. Thiệt hại kinh tế Hoa kỳ do đại dịch
Với nền kinh tế hàng đầu thế giới và số người bị bịnh đứng đầu thế giới. Cho tới ngày 12 tháng tư Hoa kỳ có hơn 560,000 người mắc bệnh và có hơn 4200 người chết. Các biện pháp ngăn ngừa toàn nước cùng sự sợ hãi của người dân làm nền kinh tế phải bị bể nát nhiều lãnh vực từ sản xuất, chuyển vận, dịch vụ đến tiêu thụ. Nền kinh tế Hoa Kỳ bị suy sụp nặng thì kinh tế thế giới bị ảnh hưởng theo.
a/ Kinh tế trong nước.
Chỉ có hơn một tháng bị đại họa, kinh tế trong nước bị suy sụp quá nặng nề
Sản xuất bị giảm mạnh. Hầu hết các cơ sở sản xuất bị giảm hay bị ngừng, nhứt là lãnh vực tiểu doanh nghiệp.
Thất nghiệp tăng từ 3.3 triệu lên 6.6 triệu trong vòng 2 tuần tháng ba, và đến giữa tháng tư con số nầy lên tới trên 16 triệu.
Hàng quán và mọi dịch vụ, trung tâm giải trí, thể thao.. đóng cửa vì người dân không ra ngoài.
Cho tới ngày 9 tháng 4, có tới 96% hành khách máy bay bị mất.
Thị trường chứng khoán bị giao động mạnh nhứt kể từ 2008. Mấy ngày nay tăng lại phần nào do có gói trợ cấp kinh tế.
b/ Kinh tế đối ngoại .
Ngoại thương cũng bị suy thoái theo vì nhu cầu hàng hóa thông thường bị giảm nhu cầu, vì công nhân ngại đi làm, vì chuỗi cung ứng nguyên liệu của TQ bị sụt giảm.
Tai họa từ “chuỗi cung ứng“ quốc tế mà Hoa Kỳ kỳ nầy thấy rõ ràng nhứt. Hoa Kỳ và nhiều nước thấy được sự tai hại của sự lệ thuộc kinh tế bá đạo kiểu TQ. (Chi tiết nầy tôi trình bày ở phần 2).
Sự thỏa thuận phần 1 của chiến tranh mậu dịch Hoa kỳ -TQ ký hồi 15 tháng giệng và có hiệu lực 15 tháng hai/2020 bị ảnh hưởng phần nào của đại dịch. Chiến tranh mậu dịch các giai đoạn tới của hai nước sẽ thảo luận sau đại dịch.
Mặc dù hàng hóa sản xuất tại Hoa kỳ phần lớn tiêu thụ trong nước. Nhưng sự đình trệ các công ty máy bay , xe hơi, hàng điện tử kỹ thuật cao, máy móc xuất cảng của Hoa kỳ có ảnh hưởng kinh tế Hoa kỳ và mậu dịch thế giới.
c/ Sự can thiệp của chánh quyền
Chánh quyền Hoa kỳ đang chiến đấu trên hai mặt trận: Thứ nhứt là chống coronavirus, thứ hai là phục hồi kinh tế.
Về phương diện kinh tế, chánh phủ đang thi hành luật CARE với ngân khoản rất lớn là $2,2 00 tỷ. Số tiền trợ giúp trên mọi mặt. Trước hết là ngành y tế, kế là giúp người tiêu thụ, tiền cho không và tiền thất nghiệp, thứ ba là Doanh nghiệp nhỏ, và phần rất lớn trợ cấp cho một số ngành đặc biệt bị tổn thất nặng, như hàng không chẳng hạn.
Chánh quyền Mỹ muốn kinh tế phục hồi sớm. Tổng Thống định mở lại kinh tế từ ngày tháng 5 nầy. Nhưng đang có những ý kiến trái ngược nhau. Vì không dễ dàng khi đại dịch chưa giảm mạnh. Lo sợ của quần chúng còn cao. Nhưng nếu trì trệ kinh tế càng lâu thì thiệt hại càng lớn.
Trong dài hạn, chắc Hoa kỳ phải có một số điều chỉ với TQ trong thương mại và đầu tư. Mà Thỏa ước vừa ký chỉ có một phần của bước đầu của hai cường quốc kinh tế. Trong đó có sự điều chỉnh “chuổi cung ứng toàn cầu” tôi trình bày ở phần trên; cũng như vấn đề an ninh kinh tế với TQ phải xem trọng trong an ninh quốc gia.
4. Kinh tế Trung Quốc do hậu quả đại dịch
TQ là nước xuất phát đại dịch từ tháng 12/2019. Về số người bị bịnh và người chết không cao bằng Hoa kỳ, mà nhiều người nghi là TQ dấu bớt rất nhiều chỉ có hơn 3000 người chết và 81,000 người bi bịnh. Nhưng thực tế kinh tế TQ bị thiệt hại rất nặng nề, trong nước cũng như giao thương quốc tế. TQ đang mở lại hoạt động kinh tế và muốn chứng tỏ với thế giới là kinh tế sớm bình phục. Xuất nhập cảng và đầu tư ngoại quốc là phần chánh yếu, TQ muốn các nước vẫn tiếp tục giao dịch bình thường. Theo một số nhà nghiên cứu thì hiện nay và về lâu dài kinh tế TQ có sứt mẽ to lớn trong nội địa cũng như trong kinh tế đối ngoại. Trong phản ứng của một số dân chúng, sự bất đồng ý kiến trong nội bộ đảng CSTQ, cũng như những chỉ trích bất lợi của nhiều nước với TQ trong sự xuất phát coronavirus, sự hợp tác kinh tế và chánh trị một cách gian dối trên nhiều mặt trong đại nạn nầy.
a/ Kinh tế trong nước
Tổng quát: Tỷ suất phát triển dự tính trước đại dịch 5.5%, sau đại nạn nầy sụt xuống còn 2.9- 3% /2020 (Theo ngân hàng Goldman Sachs). Như vậy kinh tế TQ có thể bị giảm gần 50% so với 2019. Theo Ngân hàng thế giới ước tính thì năm nay TQ chỉ đạt 2.3%.
Về sản xuất: Gồm các hảng xưởng đóng cửa . Ngành chế biến sản xuất giảm 20% trong tháng 2/2020. Đầu tư nội địa giảm 30.2% (theo World Market ngầy 27/3/20)
Chỉ trong nửa tháng ba, đã có tới 10 triệu người thất nghiệp mới.Con số nầy chắc phải cao lắm.
Tiêu thụ giảm 20.5% (Theo World market)
Cuối tháng rồi chánh quyền ra lịnh giải tỏa, cho nhà máy và cơ sở thương mại mở cửa lại. Nhưng có 1/3 hảng xưởng cho rằng họ gặp khó khăn là nguyên liệu thiếu và thị trường bị thu hẹp. Các tiệm bán lẻ giảm 20% trong hai tháng giêng và tháng hai.
Ngành xe hơi số bán ra trong tháng hai/2020 giảm 80% so với năm rồi. (Theo OECD)
Ngành nhà đất bị dao động mạnh.
Tiêu thụ: TQ thiếu hụt lương thực phải nhập.
TQ có nợ công rất lớn (300% GDP) nay phải tung ra món tiền rất lớn để cứu kinh tế thì lạm phát sẽ tăng cao.
Mặt khác thị trường chứng khoáng giảm sụt mạnh .
Các hảng hàng không bị giảm khách tới 90%. (Theo National Interest)
b/ Kinh tế đối ngoại
Kinh tế TQ mạnh chính yếu nhờ xuất cảng. Hai năm trước kinh tế TQ đã bị suy yếu rồi. Nay bị hậu quả đại dịch, tình trạng càng xấu thêm.
Về xuất cảng trong hai tháng giêng và hai/2020, giảm sụt 17%, nhập cảng giảm 4% (Theo Reutrs ngày 6 tháng 3). Nhập siêu là 709 tỷ (trước kia TQ luôn xuất siêu). Xuất siêu với Mỹ hai tháng qua là 25.37 tỷ, năm trước cùng thời kỳ là 42.16 tỷ.
TQ lợi dụng tình hình gia tăng xuất khẩu rất lớn các loại sản phẩm y tế như máy trợ tim, mask, quần áo chống vi khuẩn cho hơn một trăm quốc gia đã ký hợp đồng mua của TQ.
Một số công ty ngoại quốc như công ty Fiat-Chrysler tạm ngừng sản xuất đồ parts xe cho Serbia, công ty Hyundai cũng tạm ngừng sản xuất cho hảng chánh ở Korea. Công ty viễn thông Apple tạm ngưng.
c/ Sự can thiệp và chỉ đạo của chánh quyền TQ
Là nước độc tài toàn trị, CSTQ trọn quyền chỉ đạo và yểm trợ kinh tế trong mọi lãnh vực.
Cho tới nay chỉ thấy Ngân hàng trung ương cho ra một gói lớn hỗ trợ kinh tế là 570 tỷ mỹ kim để hỗ trợ cho thương mại và sản xuất.
Ngân hàng trung ương cũng bỏ ra 394 tỷ để phân phát cho các địa phương chi cho ngành y tế
Chánh quyền cho giảm thuế và hoãn thuế. Ngân hàng cắt giảm lãi suất.
Tuy chánh quyền tuyên bố hết coronasvirus, cho mở lại mọi sinh hoạt. Nhưng dân chúng còn hãi hùng vì có một số bịnh nhân mới. Nội bộ đảng có xào xáo và có thể đấu đá mạnh. Trên thế giới thì càng ngày càng nổi lên sự thù ghét TQ cho rằng đảng CSTQ nhúng tay trong việc bành trướng đại dịch ra thế giới.
5. Kinh tế Việt Nam trong đại nạn coronavirus
Theo báo cáo của chánh quyền VN thì cho tới nay bịnh dịch corona coi như quá nhỏ. Chỉ có trên 280 người bị bịnh và không có người chết. Nhưng sự thật chắc không phải vậy. Vì một nước có hàng triệu du khách TQ, có hệ thống y tế rất kém, có khả năng tài chánh rất yếu, một chế độ độc tài, dân chúng phức tạp sẽ đối phó nhiều vấn nạn.
Nhưng hãy nhìn thực tế trên đường phố trong làng xóm, trong bịnh viện, cách phong tỏa của chánh quyền và qua người dân, hệ quả tai hại kinh tế của VN cũng khá lớn và sự phục hồi không dễ dàng.
a/ Sự bể vở kinh tế và hậu quả
Theo tin tức ghi nhận được thì sự khó khăn lớn cho mọi người dân. Từ các nhà máy, các hàng quán, dịch vụ chuyên chở, tới nông nghiệp.
Sự sụp đổ kinh tế kỳ nầy là toàn diện. Từ sản xuất đến thương mại đến nông nghiệp, xuất nhập cảng, tài chánh công và ngân hàng.
Mức tăng trưởng năm nay chỉ còn độ 4.9% ( World Bank ước tính), chỉ tiêu VN đặt là 6.8-7% .
Lạm phát tăng do chánh phủ phải in thêm tiền cho đại nạn. Giá cả gia tăng. Người nghèo thêm khổ. Nợ công tăng, công chi xáo trộn.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hay thương mại sẽ bị giảm tới 70% (Theo WB)
Xuất cảng và đầu tư ngoại quốc giảm . Đây là trụ cột chánh của kinh tế VN, nên ảnh hưởng lớn.
Về xuất cảng bị ảnh hưởng vì các thị trường ngoại quốc đều co cụm lại. Về đầu tư ngoại quốc có thể vừa bị thiệt hại trong đoản kỳ, nhưng trung hạn và dài hạn rất có thể có lợi cho VN vì một số nhà đầu tư ngoại quốc có ý định chuyển ra khỏi TQ nhiều hơn trước. Theo WB đầu tư ngoại quốc tại VN sẽ bị giảm 50%.trong năm nay.
Riêng việc mất tiền thuế ước tính độ 27000 tỷ đồng (1.16 tỷ US). Đây là sự mất mát đáng kể vì VN luôn có thiếu hụt ngân sách.
Chánh quyền đang dự trù bỏ ra một gói cứu trợ lớn là 7,7 tỷ mỹ kim và chờ Quốc hội thông qua. Nhiều người cho rằng chánh quyền CS sẽ lợi dụng việc dùng tiền dân lớn như vậy để tham nhũng. Một phần tiền sẽ vào khu quốc doanh hay chánh quyền các cấp.
Nhiều ngành lệ thuộc nguyên liệu ở ngoại quốc nay bị giảm sản xuất như may dệt, giày, linh kiện điện tử.
Thất nghiệt cao, tiền cho trợ cấp thất nghiệp là gánh nặng to lớn.
Những người nghèo chiếm đa số gồm nông dân, người buôn gánh bán bưng, người chạy xe ôm.. giờ không còn tiền đâu để sống.
Một lãnh vực quan trọng VN có số thu ngoại tệ lớn là du lịch. Du khách phần lớn là từ TQ , Nam Hàn, Nhựt và và Âu Mỹ. Hiện nay các nước nầy bị đại dịch và chánh quyền phong tỏa không đi ngoại quốc trong đó có VN. Ngành du lịch có thể mất 5-6 tỷ Mỹ kim.
b/ Sự phục hồi khó khăn và nhiều đau thương
Dù đại dịch nhẹ theo như chánh quyền CS nói. Có nghĩa là kinh tế bị đỗ vỡ ít. Nhưng sự phục hồi kinh tế của VN rất khó khăn. Vì các lý do:
Sự mâu thuẩn giữa hai nguyên tắc kinh tế vừa tự do vừa XHCN. Chánh quyền nắm gần hết của cải kinh tế kể cả đi vay mượn hay in thêm tiền.
Nền kinh tế không bền vững và có tiềm năng yếu kém. Mà sự phục hồi đòi hỏi sự cố gắng vươn lên cách đồng bộ. Quốc doanh bị lỗ nặng. Tư doanh dù đông nhưng qui mô quá nhỏ, thiếu vốn thiếu kỹ thuật, trừ một số ít của tư bản đỏ. Khu nông nghiệp càng thiếu khả năng phục hồi và thị trường bấp bênh. Khu vực kinh tế đối ngoại dù rất khá trong mấy năm qua, nhưng phải lệ thuộc nguyên liệu và nhà đầu tư ngoại quốc và thị trường ngoại quốc có bình ổn trở lại không.
Về tài chánh tiền tệ càng không vững vàng. Ngân sách luôn thiếu hụt. Nợ công gồm vay trong nước (in tiền) và vay ngoại quốc quá cao, trên 120% GDP, VN trả tiền nợ quá cao thấm nhiều trong nền kinh tế vốn yếu đuối.
Sự bất quân bình bất ổn trong cơ cấu kinh tế. Khu vực quốc doanh 70% bị lỗ nhưng được cứu trợ ưu tiên. .
Khu vực nghèo nhứt và đông nhứt bị tai họa lớn nhứt là người mua bán rất nhỏ, công nhân , nông dân không được chánh phủ bỏ ra số tiền kích thích kinh tế nào.
Ngoài công cuộc ngăn chận và điều trị bịnh, chánh quyền VN cũng cố gắng giúp đỡ các ngành kinh doanh bớt thiệt hại. Còn kế hoạch trợ giúp để phục hồi chưa có.
Chánh quyền VN có một số biện pháp cứu trợ cấp thời gồm:
Hoãn đóng thuế doanh nghiệp, thuế đất.
Chánh phủ bỏ ra số tiền rất nhỏ 180,000 tỷ đồng (gần 100 triệu đô) để giúp cho các cơ sở kinh doanh vay.
Chưa thấy biện pháp toàn diện cho sự phục hồi. Ngay cả cho sự ổn định phần nào đời sống quá khó khăn của dân hiện nay. Mới đây chánh phủ đưa qua Quốc hội một gói lớn cho trợ cấp kinh tế xã hội là 7,7 tỷ mỹ kim.
Ngoài ra, sự cản trở cho sự bình phục kinh tế còn do bộ máy hành chánh công quyền của nhà nước và của đảng quá to, quá tham nhũng và thiếu khả năng. Tiền của bỏ ra kể cả tiền vay của các định chế quốc tế sẽ bị lọt rất nhiều vào túi đảng viên và viên chức.
Trong chế độ độc tài thì không có niềm tin của dân với chánh quyền, nên mọi kế hoạch nhà nước đưa ra không có kết quả tốt.
Trên đây là tóm tắt sơ khởi về đại họa kinh tế do đại dịch coronavius gây ra trên toàn thế giới trong ba tháng qua. Sự thiệt hại quá lớn, toàn diện và toàn thế giới. Nỗi sợ hãi và niềm đau quá lớn cho nhân loại nói chung còn đó. Sự phục hồi cho tới giờ còn quá nhiều khó khăn.
Nguyễn Bá Lộc
Cali ngày 14 tháng 4 năm 2020