Mùa Phục Sinh, nói về: Giáo Hội chuyển mùa (phần II)

Đinh Từ Thức

(tiếp theo từ phần I)

Francis trong chuyến đi lịch sử

Chính trong chuyến đi Mỹ, được gọi là chuyến đi lịch sử vào cuối tháng 9, 2015, dư luận đã thấy rõ chiều hướng Phúc Âm hoá của Giáo Hoàng Francis, mà theo Ngài, đó là lý do tồn tại của Giáo Hội. Từ những lời phát biểu và cách cư xử của Ngài trong chuyến đi, không phản ảnh hào quang của các Giáo Hoàng trong quá khứ, mà rất gần với tinh thần Phúc Âm, tiêu biểu là thái độ của Ngài đối với trẻ em, với người nghèo, với các nạn nhân, những người tù tội, với những tôn giáo khác, và cả với những người làm chính trị.

h9

Với trẻ em: Theo dõi những cuộc tiếp xúc với dân chúng của Giáo Hoàng Francis, ai cũng thấy, từ khi lên ngôi, tại bất cứ đâu, Ngài cũng rất gần gũi với trẻ em. Trong chuyến thăm nước Mỹ, từ Washington, New York và Philadelphia, ở đâu Ngài cũng ân cần, ôm hôn, xoa đầu hàng chục trẻ em. Điều này, đúng như Phúc Âm kể lại thái độ của Đức Giê Su từ hai ngàn năm trước: “Rồi người ta mang những trẻ nhỏ đến để Người đặt tay lên chúng mà cầu nguyện; và các tông đồ ngăn cản chúng. Nhưng Đức Giê Su nói, hãy để chúng đến với ta, đừng ngăn cấm, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Người đặt tay lên chúng, rồi đi khỏi (Mt19, 13-15; Mc10, 13-16; Lc18, 15-17). Trong một dịp khác, khi các tông đồ thắc mắc về ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Đức Giê Su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông, rồi nói: “Ta bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”. (Mt18, 1-4; Mc9, 33-37; Lc9, 46-48).

Với người nghèo và tù nhân: Cùng với nếp sống giản dị, Giáo Hoàng Francis đã đặc biệt gần gũi với người nghèo. Điều này cũng theo sát tinh thần Phúc Âm, qua đó, Đức Giê Su dậy rằng bất cứ ai làm điều gì dù nhỏ nhặt để giúp đỡ người nghèo, tù đầy, bệnh tật hay không nơi nương tựa là đã giúp chính Người và đáng được hưởng phúc trên Nước Trời (Mt25, 40).

h10

Sau khi đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội sáng 24 tháng 9, Giáo Hoàng đã từ chối dùng bữa trưa với các nhà lập pháp Mỹ, thay vào đó, Ngài tới nhà ăn miễn phí của một tổ chức từ thiện dành cho người nghèo, đi tới từng bàn, thăm hỏi trò truyện với nhiều người.

Khi xưa, Đức Giê Su tới nhà và ăn uống với những người tội lỗi. Những người đạo đức giả hỏi các môn đệ của Người: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?”. Người nghe thấy, bèn trả lời: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” ((Mt9, 10-13; Mc2, 15-17; Lc5, 29-32). Cũng trong tinh thần này, Giáo Hoàng Francis đã tới thăm các tù nhân tại trại giam Curran-Fromhold ở Philadelphia hôm 27 tháng 9. Ngài đã nói với các tù nhân về ý nghĩa việc Đức Giê Su rửa chân cho các tông đồ: “Cuộc đời là một chuyến đi, theo những con đường khác nhau, lối đi khác nhau, để lại dấu vết trên chúng ta. Tất cả chúng ta đều có chút gì đó cần phải gột rửa, thanh tẩy”. Và Ngài nói thêm, “Tôi là người đầu tiên trong số đó”.

Vào Mùa Phục Sinh đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo Hoàng tháng Ba năm 2013, Giáo Hoàng Francis nói về biểu tượng lễ rửa chân theo một ý hướng khác. Ngài nói: Chúa quan trọng nhất và Chúa rửa chân cho người khác, vì ai là người có địa vị cao nhất trong chúng ta phải là người phục vụ những người khác. Rửa chân cho người khác là nói rằng “Tôi là kẻ phục vụ”.

Tuy nhiên, mỗi người phục vụ một cách khác. Giáo Hoàng Benedict XVI cũng rửa chân, nhưng người được rửa chân là các đấng nam nhi, mặc áo giám mục hay linh mục, ngồi trên bệ cao như loại ghế đánh giầy ở nhà ga hay phi trường, rồi Giáo Hoàng đứng mà rửa, như hình sau đây vào tháng 04, 2012.

h11

 (Hình St. Peter’s List: 2012-04-05  • http://spl.link/6epr5)

Trong khi ấy, Giáo Hoàng Francis rửa chân cho các tù nhân, cho di dân, đàn ông và đàn bà, thuộc về những tôn giáo khác nhau, cả người nghèo ăn mặc rách rưới. Ngài không đứng, mà quỳ xuống đất, rửa và hôn chân từng người, cẩn trọng như người giúp việc trung thành phục vụ chủ nhân, như hình dưới đây:

h12

Vào Thứ Năm Tuần Thánh 24 tháng Ba 2016, Giáo Hoàng Francis đã quỳ xuống, rửa và hôn chân tám người nam và bốn người nữ là di dân thuộc nhiều tôn giáo khác nhau: Ba người theo Hồi giáo, ba người theo Thiên Chúa giáo Coptic, một người theo Ấn giáo. Ngài nói: “Chúng ta có văn hoá và tôn giáo khác nhau, nhưng chúng ta là anh em, và chúng ta muốn sống trong hoà bình” (Hình AP)

 (Không thể tránh liên tưởng tới Đảng Cộng Sản Việt Nam: Ra đời từ bảy tám chục năm trước, lê lết từ Cải Cách Ruộng Đất ở đồng bằng tới vượt Trường Sơn vô Nam, chân bê bết bùn đất, dính cả máu đồng chí và máu đồng bào, nhưng cương quyết không chịu nhìn nhận chân mình dơ bẩn, cần rửa. Hãy tưởng tượng, một người từ lúc sinh ra đến khi 80 tuổi, chỉ quen đi đất và dép râu mà chưa bao giờ chịu rửa chân. Kỷ lục dể sợ!)

– Có thể nói lời phát biểu đáng ghi nhất của Giáo Hoàng Francis là tại Bảo Tàng Tưởng Niệm 11 tháng Chín (Sept. 11 Memorial Museum) ở New York. Phần chính Đài Tưởng Niệm là hồ nước chảy vào nền toà tháp đôi đã bị phá huỷ ngày 11 tháng 9, 2001, gây thiệt mạng gần ba ngàn người. Mấy đoạn trích dịch lời của Ngài vào sáng 25 tháng 9:

Làn nước chảy này cũng còn là biểu tượng của nước mắt chúng ta, nước mắt tại nơi quá nhiều tàn phá huỷ hoại, quá khứ và hiện tại. Đây là nơi chúng ta chảy nước mắt, chúng ta khóc cho sự bất lực đối diện với bất công, giết hại và sự thất bại của dàn xếp qua đối thoại. Tại đây chúng ta để tang cho sự mất mát sai lầm và vô lý tính mạng của những người vô tội vì không tìm được giải pháp cho sự tôn trọng giá trị tốt đẹp chung. Làn nước chảy này nhắc nhở chúng ta nước mắt của hôm qua, nhưng cũng là tất cả nước mắt còn chảy hôm nay.

 Ít phút trước đây tôi đã gặp một số người là thành viên gia đình của những người cấp cứu đầu tiên đã thiệt mạng. Gặp họ khiến tôi thấy một lần nữa là những hành động phá hoại không bao giờ vô danh, trừu tượng, hay chỉ là vật chất. Chúng luôn có diện mạo, một câu truyện cụ thể, tên tuổi. Qua những thành phần gia đình này, chúng ta nhìn thấy bộ mặt của đau khổ, một sự đau khổ vẫn còn khiến chúng ta xúc động và kêu thấu trời cao. Cùng lúc ấy, những thành viên gia đình này cho chúng ta thấy bộ mặt khác của cuộc tấn công, bộ mặt khác sự tang tóc của họ: Sức mạnh của tình thương và niềm nhớ. Một niềm nhớ không để chúng ta trống vắng và co cụm. Tên của rất nhiều người yêu dấu đã được khắc nơi trước đây là các chân tháp. Chúng ta có thể nhìn thấy, chúng ta có thể sờ được, và chúng ta không bao giờ quên chúng…

 Nơi tử địa này cũng đã trở thành một sinh địa, một nơi đã cứu được nhiều mạng sống, một thánh ca cho khải hoàn của sự sống trên những tiên tri của huỷ hoại và sự chết, cho sự tốt lành trên ma quỷ, cho hoà giải và đoàn kết trên thù hận và chia rẽ.

(Lại không thể tránh liên tưởng tới thác nước mắt khác, khóc cho những người khác, ở nơi khác: Oriana Falaci, nữ ký giả người Ý đã phỏng vấn Tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội vào tháng Hai 1969, theo đó, tại trận Điện Biên Phủ, Pháp thiệt hại 12 ngàn binh sĩ, trong khi thiệt hại về phía Việt Minh là 45 ngàn. Tướng Giáp đã nói tới chuyện này như một người ngoài cuộc, hoàn toàn không ưu tư, trắc ẩn. Ông nhận xét: “Mỗi hai phút, có ba trăm ngàn người chết trên trái đất này. Bốn mươi lăm ngàn cho một trận đánh là cái gì? Chết không kể trong chiến tranh”. Nước mắt cũng chảy cho cả người chỉ biết tới con số, không biết tới nước mắt.)

– Nhiều người đã nói về tự do tôn giáo, nhưng được nghe một Giáo Hoàng nói về tự do tôn giáo, là cơ hội đáng chú ý. Trong bài giảng trước các Giám Mục và giáo sĩ tại Vương Cung Thánh Đường Phê Rô Phao Lồ ở Philadelphia trong thánh lễ trưa 26 tháng 9, Giáo Hoàng Francis mở đầu: “Sáng nay tôi đã được biết vài điều về lịch sử của ngôi Thánh Đường đẹp đẽ này: Câu truyện đằng sau những bức tường cao và cửa sổ. Tuy nhiên, tôi muốn nghĩ rằng, lịch sử của Giáo Hội tại thành phố và tiểu bang này thật ra không phải là việc xây cất những bức tường, mà về sự phá đổ chúng. Đó là câu truyện về thế hệ này sang thế hệ khác của những người Công Giáo tận tâm đã đi tới những vùng ngoại vi, và xây dựng những cộng đồng thờ phụng, giáo dục, bác ái và phục vụ cho xã hội lớn hơn”.

Cathedral Basilica of Saints Peter and Paul là nhà thờ hàng đầu ở Phila, được xây cất trong 18 năm theo kiểu mẫu Roma, hoàn tất năm 1864. Giáo Hoàng nói tới những bức tường và cửa sổ cao, vì nhà thờ bắt đầu xây hai năm sau cuộc nổi loạn của người bản địa (Nativist Riots), là những người di dân theo đạo Tin Lành, chống lại những di dân tới sau theo Công Giáo. Vì sợ bị phá, kiến trúc sư đã phải cho người ném đá lên cao, để định vị trí các cửa sổ ở mức cao hơn tầm có thể bị ném. Ý của Giáo Hoàng đã rõ, khi Ngài nghĩ rằng, việc xây những bức tường cao để bảo vệ Giáo Hội không quan trọng bằng việc phá bỏ những bức tường ngăn cách để xây dựng những cơ sở giáo dục, bác ái, phục vụ mọi người trong xã hội.

Sau đó, vào buổi chiều 26 tháng 9, tại Independence Hall, nơi đã khai sinh ra nước Mỹ, Giáo Hoàng Francis nói:

“Tại nơi chốn biểu tượng cho lối sống Mỹ này, tôi muốn cùng các bạn suy nghĩ về quyền tự do tín ngưỡng. Đó là một quyền căn bản định hình cho cách thức chúng ta cư xử với nhau trong xã hội, hay riêng cá nhân với những láng giềng; dẫu cái nhìn về tôn giáo có khác biệt với nhau.

 … Do đó tôn giáo có quyền và có bổn phận phải làm sáng tỏ rằng có thể xây dựng một xã hội đa tôn giáo lành mạnh trong đó các tôn giáo tôn trọng khác biệt và giá trị của nhau, và là một đồng minh quý giá trong sự cam kết bảo vệ phẩm giá con người… và một lối đi đến hoà bình trong thế giới bất ổn của chúng ta”.

So với chủ trương Giáo Hội độc tôn thời Trung Cổ, quan điểm về tự do tôn giáo của Giáo Hoàng Francis đã khác xa.

Thời Trung Cổ, các Giáo Hoàng đã dùng thế quyền để phục vụ thần quyền. Bây giờ, nhà cầm quyền cộng sản làm ngược lại, dùng thần quyền như công cụ để phục vụ thế quyền. Ngày xưa, vua chúa tùng phục Giáo Hội và được Giáo Hoàng tấn phong. Bây giờ, trong hệ thống Đảng và Nhà Nước, từ trung ương tới địa phương, đều có ban tôn giáo, hoạt động bằng ngân sách quốc gia; tôn giáo phải đăng ký và được chấp thuận mới có thể hoạt động hợp pháp. Bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo phải có sự đồng ý của nhà cầm quyền. Dùng thế quyền phục vụ thần quyền, tuy không hay như lịch sử đã chứng minh, nhưng ít nhất, vẫn có hướng đi lên. Trong khi ấy, dùng thần quyền phục vụ thế quyền, là theo hướng đi xuống, làm hư hỏng những giá trị tinh thần.

– Mặc dầu lần đầu tiên trong lịch sử, một vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo có cơ hội đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ là do lời mời từ Chủ Tịch Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hoà, nhưng thông điệp của Giáo Hoàng Francis không thiên về đảng nào. Ngài kêu gọi cả hai đảng, đôi khi chống nhau kịch liệt về ngân sách, về dùng súng, về phá thai, về hôn nhân đồng tính…cần hợp tác với nhau: “Chúng ta phải cùng nhau tiến tới, như một, trong sự làm mới tinh thần thân hữu và đoàn kết, rộng lượng hợp tác vì lợi ích chung… Những thử thách chúng ta phải đối diện hôm nay gồm có việc làm mới tinh thần hợp tác, điều này đã đạt được rất nhiều tốt đẹp trải qua lịch sử của Hoa Kỳ”.

Giáo Hoàng cũng nhắc nhở các nhà lập pháp Mỹ rằng đất nước này vốn là nơi tập hợp của những di dân, “Nên chúng ta hãy nhớ tới một khuôn vàng thước ngọc. ‘Hãy làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình’” (Mt7, 12). Sau khi trích Phúc Âm, Ngài còn diễn đạt thêm: “Cái thước để ta đo người khác, sẽ là cái thước có lúc sẽ dùng cho chính mình”.

Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner đã lau nước mắt trước lời lẽ của Giáo Hoàng. Có lẽ, ông thấy Ngài nói đúng, nhưng biết mình không thể thực hiện được, nên đã quyết định từ chức trong cùng ngày.

Chính thống và ngụy Giáo Hoàng

Trong hai ngàn năm lịch sử, Giáo Hội Công Giáo La Mã đã có ít nhất 40 ngụy giáo hoàng (antipope). Gọi là “ít nhất”, vì con số này vẫn còn tranh cãi, ví dụ Nguỵ Giáo Hoàng đầu tiên là Hyppolitus (217-235), tuy không được bầu chọn theo đúng thủ tục Giáo luật, nhưng sau vẫn được phong thánh. Ngay cả người lên ngôi đúng theo Giáo luật, như Giáo Hoàng Paul VI năm 1963, cũng bị một nguồn dư luận chống đối gọi là “nguỵ giáo hoàng”, vì Ngài đã thực hiện những thay đổi mà phe bảo thủ không thích. Ví dụ, chưa đầy hai tháng sau khi khai mạc khoá thứ nhì Công Đồng Vatican II, trong một thánh lễ vào tháng 11, 1963 tại Đền Thánh Phê Rô, Ngài đã bỏ triều thiên ba tầng (triregnum) trên bàn thờ chính, như cử chỉ khiêm nhường, từ bỏ biểu tượng quyền bính trên thế quyền, và không bao giờ đội lại triều thiên này nữa. Phe bảo thủ cho rằng triều thiên ba tầng là biểu tượng quyền uy chính thống của Giáo Hoàng từ hàng ngàn năm. Giáo hoàng từ bỏ biểu tượng chính thống, là phi chính thống, là “nguỵ giáo hoàng”.

Từ bỏ triều thiên ba tầng chỉ là việc làm có tính biểu tượng của Giáo Hoàng Paul VI. Thực tế, Ngài đã có những thay đổi quan trọng hơn nhiều, như là giáo hoàng đầu tiên du hành tới khắp châu lục trên thế giới, đối thoại với các tôn giáo khác; tháo gỡ thù hận với Do Thái và thân thiện với những anh chị em trong đại gia đình Thiên Chúa Giáo. Quan trọng hơn cả là những thay đổi trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo, như tăng thêm sự quan trọng của giám mục; từ vai trò viên chức cao cấp chỉ hành động theo lệnh Toà Thánh, tới địa vị đại diện địa phương mình tham gia vào việc hoạch định đường lối chung của Giáo Hội; và đổi mới về phụng vụ, “địa phương hoá” về ngôn ngữ, bỏ kiêng thịt ngày Thứ Sáu hàng tuần, cho tín hữu kết hôn với người theo tôn giáo khác…

Nhưng tất cả những thay đổi ngoạn mục của hai đời Giáo Hoàng John XXIII và Paul VI trong 20 năm đều đứng lại trong gần 40 năm dưới hai đời Giáo Hoàng John Paul II và Benedict XVI. Không phải hai Giáo Hoàng trước đã thay đổi đủ rồi, các Giáo Hoàng sau không cần thay đổi thêm nữa, mà vì người sau đã chận lại đà tiến của Giáo Hội.

Gần 40 năm “dậm chân tại chỗ” là khoảng thời gian vô cùng quý báu bị đánh mất, khiến Giáo Hội lâm vào tình trạng lạc hậu, bị hụt hơi trước đà tiến chóng mặt của xã hội. Giáo Hoàng John Paul II là một nhân vật xuất chúng. Về đạo đức, Ngài đã được phong thánh năm 2014. Về chính trị, Ngài đã đóng góp đáng kể vào tiến trình kết liễu Chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng với Giáo Hội, Ngài chỉ giữ nguyên trạng, trong khi Giáo Hội cần thay đổi.

Thay vì mở rộng, thay vì lắng nghe, Giáo Hội vẫn khép kín như thời Trung Cổ, khiến tiếng than của những đứa trẻ và gia đình nạn nhân ấu dâm không thấu tai Giáo Hội, làm cho Giáo Hội mang tiếng bao che tội phạm kinh tởm. Uy tín quá lớn của Giáo Hoàng John Paul II đủ khả năng chặn đứng mọi than phiền hay mầm mống chống đối, nhất là từ hàng giáo sĩ và giáo dân. Đến nỗi, người ta kính sợ Ngài, thế giới lắng nghe mỗi khi Ngài lên tiếng, nhưng chẳng mấy ai làm theo lời Ngài. Thí dụ rõ ràng nhất là lệnh cấm ngừa thai của Toà Thánh. Trước khi thành Giáo Hoàng John Paul II, từ hậu trường, chính Ngài đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lệnh cấm ngừa thai. Chuyện này đã gây khó khăn cho Giáo Hoàng Paul VI từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Trái với sự mong đợi của dư luận, qua sứ điệp Humanae Vitae (Về đời sống con người) ngày 24 tháng 7, 1968, Giáo Hoàng Paul VI đã không theo đề nghị của một uỷ ban do Giáo Hoàng tiền nhiệm John XXIII thành lập, Ngài vẫn cấm ngừa thai nhân tạo. Biện pháp này làm hài lòng những người theo khuynh hướng bảo thủ, vì bảo vệ được tính thánh thiện trong sự truyền giống. Nhưng với những người khác, nó chứng tỏ Giáo Hội chỉ khăng khăng giữ vững những nguyên tắc cứng nhắc thiếu thực tế của mình, không cần biết tới nhu cầu và hạnh phúc lứa đôi, cũng như nạn nhân mãn tại những xã hội quá nghèo nàn. Kết quả là giáo dân bất chấp những điều cấm kỵ của Giáo Hội. Bằng chứng là vào thời người Việt tị nạn tới Mỹ, có gia đình Công Giáo đông con được Giáo Xứ bảo trợ, trong món quà cứu trợ đầu tiên, ngoài gạo và nước mắm, còn cả “bao cao su”.

Ngay từ khi còn trẻ ở tuổi 40, Giám Mục Karol Wojtyla (sau là Giáo Hoàng John Paul II) đã viết một cuốn sách về “Tình yêu và Trách nhiệm” (Love & Responsibility), qua đó, Ngài khẳng định tình yêu đích thực phải nhằm mục tiêu sáng tạo, là tạo ra đứa con. Yêu đương chỉ để thoả mãn thôi thúc của dục vọng là không phải tình yêu đích thực. Ngừa thai nhân tạo là hạ thấp nhân phẩm phụ nữ, là biến phụ nữ thành phương tiện để thoả mãn đòi hỏi của nam giới. Tuy công nhận Ngài là một người cực kỳ khôn ngoan lanh lợi mới có thể làm Hồng Y dưới chế độ Cộng Sản Ba Lan, nhưng một người bạn phái nữ chí thân của ngài, Tiến sĩ Giáo Sư triết Anna-Teresa Tymieniecka nhận xét Ngài là một người rất ngây thơ về phương diện tình dục, cả trong cách cư xử cũng như trong nội dung cuốn Tình yêu và Trách nhiệm. Theo Carl Bernstein và Marco Politi ghi lại trong cuốn “His Holiness” (trang 135), Tiến sĩ Tymieniecka nhận xét rằng “Tôi thật ngạc nhiên khi đọc cuốn Tình yêu và Trách nhiệm. Tôi nghĩ rõ ràng là ngài không biết ngài đang nói về cái gì. Làm thế nào ngài có thể viết những chuyện như thế? Câu trả lời là ngài không có kinh nghiệm về chuyện ấy”. Không cần biết rõ về tình dục để được phong thánh, nhưng ở cương vị Giáo Hoàng, có thể ban hành chỉ thị hướng dẫn hay cấm cản những việc liên hệ tới tình dục, mà không biết rõ về lãnh vực này, là điều vô cùng hệ trọng, vì có liên hệ tới hạnh phúc hay đau khổ của hàng tỉ người. Một điều hầu như Ngài không biết, nhưng có lẽ ai cũng biết: Nam giới mua “bao cao su” cho mình, nhưng khách hàng mua những viên thuốc mầu hồng, một phát minh kỳ diệu vào giữa thế kỷ 20, là nữ giới. Theo Thánh Kinh, cơ thể họ cũng do Chúa tạo ra, như nam giới. Nếu Chúa đã cho nam giới được có chút thú vui trong sứ mạng truyền gống, tất nhiên, Chúa cũng không hẹp hòi chuyện này với nữ giới. Chẳng lẽ Chúa chỉ tạo ra người nữ như cái máy đẻ?

h13

Thánh Giáo Hoàng John Paul II và người bạn phái nữ của Ngài, TS Anna-Teresa Tymieniecka. (Hình Bill & Jadwiga Smith, New York Times 16/02/2016)

Khói Satan trong Đền Thánh

Sự khó khăn trong giai đoạn chuyển mùa của Giáo Hội không phải bây giờ mới lộ diện. Chính Giáo Hoàng Paul VI đã thấy từ trên 40 năm trước.

Qua bài giảng quan trọng vào ngày 29 tháng 6 năm 1972, nhân lễ kính các thánh Phê Rô và Phao Lồ, cũng là kỷ niệm chín năm lên ngôi và bắt đầu năm thứ mười triều đại của mình, trước những người hiện diện gồm Chức sắc Toà Thánh, trên ba chục vị trong Hồng Y Đoàn và nhiều đại diện ngoại giao từ các nước trên thế giới, Giáo Hoàng Paul VI nói về tình trạng đáng lo ngại của Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II. Không có nguyên văn toàn thể bài giảng của Ngài. Theo bản ghi lại nội dung bài giảng này do văn phòng Toà Thánh công bố, có những chỗ đáng chú ý như sau:

Nói về tình hình Giáo Hội hôm nay, Đức Thánh Cha xác nhận ngài đã cảm thấy rằng “từ một vài chỗ nứt, khói của Satan đã lọt vào đền thờ Chúa”. Có sự nghi ngờ, lưỡng lự, mơ hồ, băn khoăn, bất mãn, đương đầu. Đã không còn sự tin tưởng vào Giáo Hội; họ tin tưởng vào nhà tiên tri trần tục đầu tiên phát biểu trên vài tờ báo hay vài phong trào xã hội, và họ chạy theo anh ta và hỏi xem anh ta có cách thức nào cho cuộc sống thực sự. Và chúng ta không tỉnh táo trước sự kiện rằng chúng ta đã có và biết cách làm gì cho cuộc sống thực sự. Nghi ngờ đã đột nhập lương tâm của chúng ta, và nó đã vào qua cửa sổ đáng lẽ mở ra cho ánh sáng. Khoa học tồn tại để cho chúng ta những sự thật không phải để tách khỏi Thiên Chúa, nhưng để chúng ta tìm kiếm người nhiều hơn và ca ngợi người mãnh liệt hơn; thay vào đó, khoa học cho chúng ta chỉ trích và nghi ngờ. Khoa học gia là những người suy tư nhiều hơn và cực khổ nhiều trong việc sử dụng trí óc của họ. Nhưng cuối cùng họ dậy chúng ta: “Tôi không biết, chúng tôi không biết, chúng tôi không thể biết”. Trường học trở thành vận động trường của sự hỗn tạp và nhiều khi của sự mâu thuẫn vô lý. Tiến bộ được ca ngợi, rồi chỉ để phá đi bằng những cuộc cách mạng cấp tiến hơn và lạ lùng hơn, cũng như phủ nhận tất cả những gì đã được hoàn thành và bỏ đi như thuở ban sơ sau khi đã đề cao những tiến bộ của thế giới tân tiến.

Tình trạng bất ổn này gây lay chuyển ngay cả trong Giáo Hội. Chúng ta đã tưởng rằng sau Công Đồng sẽ là một ngày tràn ngập ánh sáng trong lịch sử Giáo Hội. Nhưng thay vào đó đã là sự xuất hiện của một ngày mây mù, bão táp, tăm tối, tìm kiếm, bất định. Chúng ta rao giảng toàn cầu nhưng chúng ta luôn luôn tự tách biệt chúng ta với người khác. Chúng ta tìm cách đào vực sâu thay vì lấp đầy chúng (1)

h14

 Giáo Hoàng Paul VI trước khi từ bỏ đi kiệu và đội mũ ba tầng

 Thật lạ lùng, một người có đầu óc tiến bộ, và từng dấn thân theo chiều hướng thay đổi của vị tiền nhiệm là John XXIII như Giáo Hoàng Paul VI đã tỏ ra thiếu bình tĩnh trước những phản ứng không thuận lợi phát sinh từ sự thay đổi. Lạ lùng nữa, Giáo Hội Công Giáo là sức mạnh chống Cộng hàng đầu, nhưng về phương diện đối phó với những nguồn dư luận chống đối, nhà lãnh đạo Giáo Hội và lãnh đạo Đảng có thái độ giống nhau. Giáo Hội cho là bị ma quỷ (Satan) quấy phá, trong khi Đảng đổ tội cho “thế lực thù địch”.

Dù bị đặt tên khác nhau, dù bị coi là “khói Satan” hay “lực phản động”, chống đối thật ra chỉ phát sinh từ những cọ sát là lực đẩy cần thiết để tiến bộ. Và cũng lạ khi một nhà thông thái như Giáo Hoàng Paul VI, vào hậu bán thế kỷ 20 mà vẫn còn tầm nhìn hẹp hòi về vai trò của khoa học. Đúng ra, khoa học đã phục vụ nhiều cho tôn giáo. Từ chỗ Lời Chúa đến với con người qua một bụi gai bên lề đường, hay từ một đám mây, khoa học đã có thể đưa Lời Chúa tức thì đến với mọi người tại khắp nơi trên thế giới chỉ bằng một cái nhấn chuột. Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giê Su sai tông đồ đi mượn tạm một con lừa của nông dân làm phương tiện di chuyển tiến vào thành Jerusalem, giữa thập niên 60 thế kỷ trước, Giáo Hoàng Paul VI cưỡi máy bay tới nói chuyện với các nhà lãnh đạo khăp thế giới tại Liên Hiệp Quốc. Đó là sự phục vụ cụ thể của khoa học cho Giáo Hội. Còn việc củng cố đức tin, là nhiệm vụ của các nhà truyền giáo, không phải của các nhà khoa học. Nếu có những khám phá khoa học khiến đức tin bị lung lay, như chứng minh được trái đất quay quanh mặt trời, thay vì ngược lại, đó không phải lỗi của khoa học.

Hơn nữa, đời sống tinh thần của con người cũng thay đổi. Khi còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều, dễ tin vào chuyện thần tiên, như Ông Già Noel chui lò sưởi mang đồ chơi tới vào dịp Giáng Sinh, con cò bay qua nhà để rơi cái bọc có em bé trước cửa… Nhưng một thiếu niên tới tuổi lái xe viết thư cho Ông Già Noel xin một cái xe, hay một thiếu nữ 17 tuổi tối tối quỳ gối cầu xin thần tiên sai khiến con cò mang tới cho một em bé để bế, đó không phải là chuyện bình thường, mà là dấu hiệu đáng lo, có vấn đề.

Hình ảnh nổi bật xưa nay diễn tả mối tương quan giữa tín hữu và người lãnh đạo là đàn cừu với người chăn cừu. Thay vì nhìn mối tương quan này đề định rõ trách nhiệm của người chăn cừu, lại thường được hiểu như tín hữu có bổn phận tuân phục người chăn như một đàn cừu. Phúc Âm dậy rằng, mọi việc dù nhỏ như cái tóc trên đầu, cũng đều do Chúa định. Nếu chỉ muốn có loài cừu, hà tất Chúa mất công tạo ra loài người và cho nó bộ óc thông minh hơn loài cừu. Chúa ban cho bộ óc người, mà chỉ xử dụng nó như bộ óc cừu, là làm hư một công trình sáng tạo của Chúa. Vận hành nó đúng theo khả năng Chúa đã tạo ra, chẳng lẽ là do quỷ Satan xui khiến?

Sức nặng của Thánh Giá

Những gì tồn đọng trong thời kỳ dậm chân tại chỗ bây giờ là sức nặng của Thánh Giá do Giáo Hoàng Francis gánh vác. Liệu Ngài có đủ sức, và còn đủ thời gian? Chỉ có Thiên Chúa biết rõ.

Điều người thường có thể thấy được là về mặt nổi, Ngài được dư luận khắp nơi ca tụng. Nhưng bên trong, Ngài đang, và sẽ còn bị chống đối từ nhiều phía, cả tả lẫn hữu. Phe hữu cho rằng Ngài theo chủ trương quá cấp tiến, từ bỏ hết những truyền thống và giá trị cao đẹp của Giáo Hội gìn giữ từ hàng ngàn năm. Có người đã gọi Ngài là “Nguỵ Giáo Hoàng”, hoặc “Giáo Hoàng Cộng Sản”, vì Ngài chỉ trích sự bất công của nền kinh tế tư bản, và bênh vực người nghèo. Trong khi ấy, phe tả cho rằng Ngài vẫn còn quá bảo thủ, vẫn chưa dám mạnh tay làm những thay đổi cần phải có. Cấm phá thai, có thể hiểu được, vì giết một bào thai, cũng như giết một mạng người. Cấm linh mục lấy vợ, cũng có thể hiểu được. Bốn tông đồ đầu tiên đã bỏ gia đình đi theo Chúa, nếu cho linh mục lập gia đình, chẳng hoá ra đi ngược lại chủ trương ban đầu của người lập ra Giáo Hội. Hơn nữa, nhiệm vụ người cha trong gia đình và cha linh hồn quan trọng ngang nhau, một sứ mạng cần toàn thời gian phục vụ. Một người kiêm hai việc, sẽ không đầy đủ bổn phận đối với cả hai; chỉ có thể phục vụ bán thời gian cho một nhiệm vụ cần toàn thời gian.

Nhưng, bây giờ còn cấm ngừa thai, không thể hiểu được. Ngoài ra, nữ nhà báo nổi tiếng từng được giải Pulitzer của New York Times là Maureen Dowd viết rằng Francis là Giáo Hoàng hoàn hảo cho Thế Kỷ 19, vì khi được hỏi về vấn đề phụ nữ làm linh mục, Ngài nói “Giáo Hội đã lên tiếng về chuyện này và nói không”, và thêm “Cánh cửa này đã đóng rồi”. Cùng với những vấn đề nổi cộm như cấm ngừa thai và không cho phụ nữ làm linh mục, cấm ly dị cũng là một vấn đề gai góc.

Thật ra, con đường Giáo Hoàng Francis theo đuổi còn cũ hơn Thế Kỷ 19 ít nhất 1500 năm, là con đường do Phúc Âm chỉ dẫn. Bởi vì, từ Thế Kỷ thứ Bốn, Giáo Hội không còn theo sát Phúc Âm nữa. Hoàng Đế Constantine, sau khi nhập đạo, đã trộn lẫn thế quyền với thần quyền, trong khi theo Phúc Âm, trả lời câu hỏi của Tổng Trấn Phi-la-tô về việc làm của mình, Đức Giê Su nói rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga18, 36). Nếu Nước của Đức Giê Su là Nước Trời, “không thuộc chốn này”, tại sao Giáo Hội của Người can thiệp quá sâu đậm vào sinh hoạt trần thế của loài người, từ khi thụ thai đến khi nằm sâu dưới lòng đất? Ở một chỗ khác trong Phúc Âm, Đức Giê Su nói rằng “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (Lc20, 34-35). Như vậy, rõ ràng trên Nước Trời không có chuyện hôn nhân, vợ chồng. Đó là chuyện của cõi thế, do luật pháp thế gian quy định. Giáo Hội áp đặt thêm luật lệ nghiêm ngặt về hôn nhân, về thụ thai, về sự chết… Phải chăng là một sự lạm dụng quyền bính, trái tinh thần Phúc Âm? Nếu chỉ lo những gì có liên hệ tới “Nước Trời”, còn những gì thuộc về xã hội trần thế như kết hôn, sinh con… hãy để cho cõi thế lo, Giáo Hội sẽ nhẹ gánh hơn nhiều, và cuộc sống con người cũng thảnh thơi hơn.

***

Giáo Hội Công Giáo đã bắt đầu chuyển mùa từ năm 1958 khi Giáo Hoàng John XXIII lên ngôi, và cuộc chuyển đổi đã gặp khó khăn ngay từ thời Giáo Hoàng Paul VI, vào thập niên 60-70. Trước những chống đối, chính Ngài đã nói tới chuyện từ chức, nhưng do bản tính thiếu dứt khoát, Ngài đã ở lại đến khi từ trần. Giáo Hoàng Benedict XVI, không nói trước chuyện từ chức, nhưng khi gặp chống đối ngay trong giới thân cận, Ngài đã bất ngờ từ chức, khi tự biết mình không thể vượt qua được những khó khăn. Trong dịp kỷ niệm hai năm nhậm chức vào Mùa Xuân 2015, đương kim Giáo Hoàng Francis cũng đã nói tới chuyện từ chức, mặc dầu Ngài tỏ ra là một người can đảm. Nhưng can đảm chỉ giúp vượt qua sợ hãi. Chưa nghe nói có ai kéo dài được tuổi thọ nhờ can đảm. Tháng 12, 2015, Ngài đã ở tuổi 79. Cuối năm 2016, Ngài sẽ vượt qua tuổi có thể bầu giáo hoàng. Không còn khả năng bầu giáo hoàng mà vẫn làm giáo hoàng, liệu Ngài có đủ sức vượt qua những khó khăn để hoàn tất cuộc chuyển mùa của Giáo Hội? Trong những ngày tháng còn lại, liệu Ngài có chọn đủ một Hồng Y Đoàn chắc chắn sẽ bầu ra vị Giáo Hoàng kế tiếp sẽ theo bước đi của Ngài? Hay một lần nữa lại trải qua một thời kỳ “gió chướng” hoặc dậm chân tại chỗ?

Qua diễn từ đọc trước các giám mục tham dự Đại hội Thế giới về Gia đình (World Meeting of Families) nhân chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng Chín 2015, Giáo Hoàng Francis nói: “Tín hữu Thiên Chúa Giáo không được miễn trừ trước các thay đổi trong thời đại của mình. Cho dẫu thế giới thực thể này có vô vàn những vấn nạn và tiềm năng, nó vẫn chính là nơi chúng ta đang phải sống, phải giữ niềm tin và tuyên xưng đức tin” (2). Không được miễn trừ trước các thay đổi của thời đại, nghĩa là Giáo Hội cũng phải thay đổi cho hợp thời. Không thay đổi kịp, sẽ lâm vào tình trạng lạc hậu, trước khi bị đào thải.

Đinh Từ Thức

—————

1- http://www.catholicstand.com/109/

2-  “Christians are not immune to the changes of their times,” Francis said. “This concrete world, with all its many problems and possibilities, is where we must live, believe, and proclaim.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *