Trầm Luân

Nguyễn Hiền

Dằng dai đến tháng thứ sáu thì vợ chồng Thuận đã mất kiên nhẫn và cùng đi đến quyết định là phải chỉnh đốn lại bàn thờ. Chỉnh đốn hiểu theo nghĩa của hai vợ chồng là thay pho tượng Phật trên bàn thờ bằng một pho tượng khác hợp thời trang hơn. Chỉ khổ cho pho tượng, nếu gỗ đá cũng có linh hồn thì hẳn nó cũng đang lo cho số phận mình, chẳng biết sẽ đi về đâu.

Nếu nói là cả hai cùng đi đến quyết định thì cũng không đúng lắm. Thực ra là vợ Thuận quyết định, như đã từng quyết định những chuyện quan trọng hàng ngày. Thuận chỉ có một việc là chiều theo. Quyết định quan trọng độc nhất trong đời Thuận có lẽ là quyết định lấy Diễm làm vợ. Ðây có lẽ cũng là quyết định quan trọng cuối cùng, bởi theo như miệng lưỡi người đời là vợ con chỉ làm hèn đi chí nam nhi. Có lẽ cũng vì cớ ấy, cho đến bây giờ, mọi chuyện trong nhà nhất nhất đều trông cậy vào hai tay và một miệng Diễm.

Nói đúng ra, việc ‘chỉnh đốn’ lại bàn thờ không phải hoàn toàn không có ý kiến của Thuận. Thực ra anh cũng thấy có cái gì đó không ổn, không hài hòa ở đám đồ vật chung quanh anh, theo ngày tháng, đã dần trở thành thân quen. Hôm đám cưới, dì Ba của Diễm mang từ trong nước ra cho hai người một pho tượng Phật làm quà. Pho tượng là nguyên một khối gỗ nâu sậm, được thợ khéo ra công chuốt, đánh bằng lá mít đến nhẵn bóng (dì bảo vậy), lại còn đính thêm một vòng hào quang có những bóng điện tí hon vàng và đỏ thay phiên nhau chớp tắt. ‘Ðồ này hiện đang mốt ở Việt Nam đó, dì cho hai cháu để bàn thờ, chưng vừa đẹp, vừa có Phật phù hộ hai cháu làm ăn phát đạt. Dì đã lên chùa thỉnh thầy Trí Huệ xin Phật gia ân rồi, tượng bán ngoài chợ có khi ma quỉ ám vô không tốt đâu cháu.’ Có lẽ Phật phù hộ hai vợ chồng mới cưới thực, nên chỉ vài tháng sau Thuận đã xin được chỗ làm tốt hơn. Diễm cũng ra được cửa hàng bán đồ ăn dặm. Hai vợ chồng tậu xe, mua nhà, chỉ trong vòng bốn năm nhìn lại đã thấy bạn bè mình ở tuốt dưới xa ngước lên thèm thuồng.

*

Nhưng cũng chính vì vậy mà mới đâm ra cớ sự. Một tối, sau khi đã bật nhang và đèn cầy điện trên bàn thờ, đặt lên đó một dĩa trái cây mới mua ngoài chợ theo thói quen, Diễm bỗng buột miệng:

‘Anh à! Mình để hoài bức tượng đó coi quê quá đi.’

Khi người ta buột miệng nói một điều gì, thì điều ấy luôn từ tiềm thức trồi lên, không gạn lọc, không sửa chữa. Nhưng vì vậy, thường làm người khác mích lòng.

Thuận cũng không thoát khỏi những qui luật trần tục như thế. Anh đỏ mặt nạt ngang:

‘Bậy nào! Tượng để bàn thờ đâu có phải muốn thay là thay như thay áo được đâu.’

‘Hôm qua con Hồng nó sang đây chơi, nó nói với em: trong nhà mày cái gì cũng xịn, chỉ có cái bàn thờ là đồ mã.’

‘Em mà nghe nó có ngày bán lúa giống mà ăn. Con quỉ ấy lúc nào cũng muốn kê mỏ vô chuyện người khác.’

‘Thì em đã nói với nó là thời này ai cũng chơi nhang điện, đèn cầy điện hết. Bên nhà con Bé Tư chồng nó còn mua thêm cái timer có vô chương trình sẵn, tới mồng một và rằm là tự động bật đúng từ sáu giờ sáng đến chín giờ khuya, em thấy nó cũng tiện. Hay là mình mua một cái để khỏi mất công coi ngày…’

‘Anh thì anh để nhang đèn tối ngày sáng đêm hoài, khỏi mất công tắt.’

‘Ðể như vậy nó giống nhà Tàu lắm. Mà coi nó u ám làm sao ấy. Nhưng thôi. Con Hồng nó nói với em là mày có cái nhà đẹp, đồ chưng toàn thứ xịn, chỉ có cái bàn Phật chớp đèn xanh đỏ là không giống ai.’

Cũng bằng chừng đó ý, nhưng lời nói được thêm mắm dặm muối đã trôi được một nửa. Thuận buông xuôi:

‘Vậy em tính làm sao?’

‘Em đã nói với con Hồng thấy có tiệm nào bán tượng lớn mà đẹp thì kêu mình đi coi. Không chừng để hè này mình về nhờ dì Ba dỉ coi mua giùm cho mình, bằng không mình ghé Hồng Kông hay Ðài Loan gì đó mua một cái. Tượng Phật mà mua tận gốc chắc chắn phải đẹp hơn đồ nhái lại anh há.’…

*

Thế là một ngày kia, sau khi bức tượng Phật mới đã được thỉnh lên bàn thờ cùng một bữa cỗ chay mời bạn bè, vợ chồng Thuận và Diễm trịnh trọng mang bức tượng có phần số hẩm hiu đến gặp thầy trụ trì ngôi chùa hai người thỉnh thoảng vẫn đến thăm vào những ngày rằm chính.

Diễm bàn với chồng:

‘Ðể lần này em cúng trước một trăm đồng thì mọi chuyện sẽ êm đẹp, đầu xuôi rồi thì đuôi lọt được ngay.’

Thuận tiếp bằng bản nhạc ruột:

‘Ừ thì em muốn làm gì đó thì làm.’

‘Nhưng anh phải cất cái bản mặt hâm của anh đi, ra đường họ thấy họ lại nói em ăn hiếp chồng.’

‘Ừ thì em tính làm sao đó thì tính, miễn là đừng để mình phải mang cái tượng về thì không ra cái gì cả.’

Anh chàng bồi thêm một phát: ‘Sao em không xem bạn bè ai cần thì cho họ, khỏi phải mất công tính tới tính lui xem cúng một trăm hay cúng năm chục như mọi lần.’

‘Em đã hỏi mấy con bạn rồi. Nhưng đứa nào cũng có bàn thờ, không thờ Phật thì thờ Chúa. Ai mà vượt biên lọt cũng phải vội vàng lập bàn thờ tạ ơn. Còn mấy gia đình bên Tiệp mới chạy sang tị nạn thì em không biết, nhưng anh đừng có láng cháng qua bên đó, mấy đứa bạn anh họ thấy họ đồn tùm lum lên thì tiệm mình có nước dẹp.’

Vợ chồng anh tiếp tục lái xe, không nhìn lại phía sau. Trên băng nệm pho tượng nằm lăn lóc. Nếu tình cờ ngoái lại, may ra họ chỉ thấy pho tượng tủi thân chảy nước mắt. Ðọc tới đây có lẽ bạn sẽ nghĩ như vậy, nhưng từ xưa tới nay người ta chỉ thấy tượng Mẹ Maria chảy nước mắt. Bằng nước mắt, nỗi đau của con người được cất đi. Nhưng nỗi đau trần thế cũng giảm khi con người biết mang nụ cười vào đời. Pho tượng Phật tắt hào quang néon thấm tư tưởng này, đã mỉm cười ở yên trong tư thế tòa sen trên suốt khoảng đường dài, mặc cho xe dằn, bỏ ngoài tai những lời toan tính trần tục.

*

Cũng may mọi sự xảy ra dễ dàng hơn hai vợ chồng đã nghĩ. Thầy trụ trì nhìn hai vợ chồng trẻ rón rén đặt pho tượng lên bàn, nhỏ nhẹ nói:

‘Con đừng nên câu nệ tượng lớn tượng nhỏ. Phật ở trong tâm. Tượng chỉ là phương tiện, là một phần nhỏ trong Tam Bảo…’

‘Nhưng thầy nghĩ coi. Chúng con ở căn nhà rộng rinh, tượng nầy nhỏ quá để trên bàn thờ huốt trong một góc không ai thấy hết. Thầy tính coi,’ chị van nài. ‘Nếu thầy để bức tượng nhỏ chút xíu trên bàn thờ trong chánh điện thì nó chướng mắt lắm, mà người ta thấy tượng nhỏ họ lại nói tới nói lui…’

Phải nói miệng lưỡi đàn bà… Chỉ một câu từ tốn đã dồn vị tăng mười mấy năm tu luyện đến một tình thế khó xử. Hoặc giả trên con đường tu tập không có những khóa học dậy cách đối phó với những mánh khóe điên đảo ngoài đời. Thầy ngần ngừ trước một tình thế nan giải, trước một nan đề chưa ai đặt ra với thầy. Bởi vì, khi mới nghe ban trị sự bắn tin khởi công khơi mở lại cảnh chùa lớn hơn và có ngăn nắp hơn, một Phật tử mộ đạo đã khẩn khoản xin thỉnh cả một bộ ba tượng cũ của chùa, Phật Thích Ca, Quan Âm và Địa Tạng, để mang về giữ làm kỷ niệm. Ðổi lại, gia đình đó đã chịu một nửa kinh phí mua và chở bộ tượng mới, thếp kim nhũ, đặt thợ làm từ Hồng Kông, chưa kể một mâm sen Bạch Ngọc đem thả xuống hồ.

Tội nghiệp cho Thuận và Diễm. Họ chưa có gì để nổi tiếng ngoài mấy món đồ ăn vặt bán cho một dúm khách bụng bự quen ăn quà chợ. Bức tượng của họ, vì thế, giá cũng chẳng hơn được lũ tượng đất nung sờn sứt bày ngoài chợ đồ cũ bao nhiêu.

Cũng may bác Thọ, ông già lụm cụm, người giữ việc coi sóc ngôi chùa, làm những chuyện lặt vặt tình nguyện như nhổ cỏ, thổi cơm… đang ngồi tiếp nước, đã nhanh trí đỡ lời:
‘Thôi nếu hai cháu đã thỉnh tượng mới rồi thì cứ để Phật ở đây,’ bác nói một cách thành kính như sợ phạm thượng. ‘Ðể bác hỏi những người mới đến quy y, thế nào cũng có người cần.’

Vợ chồng mừng rỡ cám ơn, ríu rít dắt nhau ra về. Xe chưa khuất, thầy trụ trì đã cau mặt nhìn bác quản chùa:

‘Bác nhận như vậy rồi cất chỗ nào đây?’

Thầy đang nghĩ đến chuyện trong tương lai không khéo Phật tử khi nghe chuyện này đồn ra, họ sẽ dùng ngôi chùa làm chỗ tống khứ đồ tế tự thì thật phiền. Bác Thọ đoán được ý thầy, thưa:

‘Chuyện đó để con tính. Thầy khỏi lo. Con cất nó dưới nhà hậu, chừng có dịp tuần chay thế nào cũng có người hỏi…’

*

Tuy thế bức tượng để trong nhà kho chùa đã trải qua mấy mùa Phật Ðản, Vu Lan, rồi mấy bận rằm tháng giêng, tháng mười trôi qua không ai thăm nom đến. Cho tới một hôm, tình cờ trong câu chuyện sau buổi lễ cầu siêu, các bà từ chuyện đạo nhảy sang chuyện đời, so sánh đạo Phật với đạo Thiên Chúa. Một bà hỏi bác Thọ vì sao thầy không làm phép hôn phối như cha sở nhà thờ. Nghe bác hỏi tới, bà kể:

‘Tôi mới làm đám hỏi cho con bé nhà tôi, bên đàng trai họ tính năm tới thì rước dâu. Tôi chỉ muốn chúng nó cưới sớm chừng nào hay chừng nấy. Nếu bên Phật mà mấy thầy cũng chịu đi làm phép cưới, tụng kinh cho bọn trẻ thì nói gì nó chẳng nghe. Tôi chỉ sợ chúng nó hư, thời này mới nứt mắt chưa gì đã ngủ với nhau.’

‘Nhưng còn hơn để thằng rể tương lai của bà đi ngủ lang rồi sau này đổ bệnh cho con vợ nó,’ bà bạn ngắt lời.

Bác Thọ bỗng trực nhớ ra pho tượng Phật bỏ lăn trong hậu liêu. Ðược dịp, bác nói:

‘Trong chùa có cái tượng Phật của một Phật tử để lại cho chùa giữ. Chị có muốn thỉnh thì nói với thầy một tiếng.’

Bác dắt bà tín chủ xuống gian nhà ngang cất bên hông chùa, bên trong lỉnh kỉnh đồ làm vườn chung lộn với đồ nấu tiệc. Chiếc hộp carton được mang xuống, nét chữ bằng mực bút nỉ bên ngoài còn nguyên như mới: ‘Tượng Phật.’ Bác mở hộp, kính cẩn lấy pho tượng ra, se sẽ thổi bụi và đưa cho bà nọ:

‘Bà về lấy nước chùi lại là nó sạch bóng như mới liền. Của hai vợ chồng ông đó, nhờ có bức tượng mà họ ăn nên làm ra…’

‘Sao họ không giữ mà lại cho đi?’ bà kia ngần ngại hỏi.

‘Họ không ở đây nữa,’ bác Thọ nói, dường như vì thấy kết quả sắp tới bác đã quên cả giới thứ tư. ‘Mà thường thì khi người ta thành công rồi lại hay quên ơn người đã giúp. Ðời mà chị.’

*

Thế là pho tượng đã có chủ mới. Thùng phước sương cũng được lót thêm ít tờ bạc. Bác Thọ mừng rỡ. Chiều đó bác định làm một món gì ngon dâng thầy, nhưng cả đời bác chỉ quay trong vòng dăm bảy món: hết đậu hũ kho tương chung với cà rốt, mì căn xào măng thì tới canh trái su bắp cải. Ðồ chay khó làm tiệc hơn đồ mặn. Thế là bác đành quay lại bản cũ: một đĩa gỏi chay, một tô canh cà rốt củ cải và một ơ nhỏ dăm miếng tàu hũ chiên, kho với đu đủ xanh xắt quân cờ. Hai thầy trò im lặng ăn, mùi hương phảng phất từ chánh điện đưa xuống dẫn cả hai tâm hồn theo ngõ của ý. Bác Thọ tưởng đến nét hớn hở của bà khách khi mang bức tượng đến nhà cậu con rể tương lai, như một thứ bùa trấn yểm, để những chuyện bậy bạ ngoài ý muốn của bà sẽ không xảy ra. Còn vị đại đức. Ông đang suy tư về những hệ lụy giữa đạo và đời, hai phạm trù cần nương tựa vào nhau, không thể tách lìa. Cũng như ông và bác Thọ. Cả hai đều cần đến nhau. Không có ông, chắc bác Thọ giờ này đang quay cuồng theo những toan tính người trần. Không có bác Thọ, chắc giờ ông cũng vẫn còn tiếp tục ngồi thiền trên căn gác nhỏ, cả chuông lẫn mõ đều phải ngậm giẻ tránh làm phiền hàng xóm. Chân lý mầu nhiệm nhưng đơn giản ấy, giờ như mới thấm vào tâm của vị sư già.

Chỉ riêng pho tượng trên đường về chỗ mới vẫn nguyên vẻ hồn nhiên, nụ cười muôn thuở vẫn như dạo nào, không thay đổi, dù chỉ một nét nhỏ.

Nguyễn Hiền

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *