“Việt Nam Tôi Đâu?” Ca khúc của Việt Khang trong UNSONGS

Nhạc sĩ Việt Khang được nhiều người biết đến qua một số nhạc phẩm thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa như “Anh là ai ?” và “Việt Nam tôi đâu ?”.

Nhạc sỹ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí, 37 tuổi, sinh tại Tiền Giang, được biết đến với hai ca khúc ‘Anh là ai’ và ‘Việt Nam tôi đâu’ sáng tác năm 2011. Hai bài hát này có ca từ cảnh báo hiểm họa mất nước, thể hiện cảm xúc của tác giả trước việc chính quyền đàn áp những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam.

Ngày 30/10/2012, ông bị Tòa tại TP Hồ Chí Minh tuyên án 4 năm tù và 2 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Ngày 14/12/2015, Việt Khang ra tù . Một đoàn gồm hơn 40 đã có mặt từ sớm tại Mỹ Tho để đón mừng ông.

Vừa ra khỏi tù, Việt Khang đã trả lời phỏng vấn đài Á Châu Tự Do (RFA)

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viet-khang-freed-kh-12142015083406.html

Kính Hòa (RFA): Bây giờ nhìn lại các nhạc phẩm anh sáng tác, mà vì những nhạc phẩm đó anh bị tù đày, anh có cảm thấy một sự hối tiếc hay không?

Nhạc sĩ Việt Khang: Chắc chắn là tôi không hối tiếc. Tất cả những gì tôi làm cũng góp một phần chứ không phải là vô nghĩa đối với tôi. Tôi góp một phần để nói lên tiếng nói của trái tim của người Việt nam.

Tôi là một người nghệ sĩ thì yêu nước theo cái cách của một nghệ sĩ, có gì đâu mà hối tiếc. Tôi được sự cảm thông của rất nhiều người, cảm thông cho nỗi niềm trong bài hát của tôi. Bao nhiêu đó thôi là tôi cũng cảm thấy hạnh phúc.

 Lời giới thiệu trên trang web http://www.unsongs.com cho biết nhạc sĩ Moddi và nhiếp ảnh gia Jogen Nordby đã theo gót những bản nhạc đã bị cấm hát, cấm lưu hành, kiểm duyệt hay bị xóa sổ. Lặn lội đến những quốc gia thật xa như Mexico và Việt Nam, nhạc sĩ Moddi đã gặp gỡ những nhạc sĩ tuy không có cùng hoàn cảnh lịch sử đang sống nhưng có cùng một ngọn lửa đấu tranh thật mãnh liệt cho quyền được hát những sáng tác của chính mình.

12 nhạc phẩm bị cấm ở 12 quốc gia trong đó có Việt Nam đã được chính nhạc sĩ Moddi hát bằng tiếng Anh trong album Unsongs. Ca khúc của Việt Khang có tên “Where Is My Vietnam” trong album nhạc này .

Xin vào:

https://www.amazon.com/Unsongs-Moddi/dp/B01LEGEYQ4/ref=sr_1_1_twi_mus_1?ie=UTF8&qid=1485097998&sr=8-1&keywords=unsongs mời mua TOÀN BỘ ALBUM NHẠC hay chỉ mua  bản “Where is My Vietnam”  dưới dạng mp3 (với giá $0.99 )  để ủng hộ cuộc tranh đấu cho Tự Do hay có thể xem Youtube video dưới đây:

WHERE IS MY VIETNAM?

My Vietnam, I have known you for so long.

Lately I’ve become aware of all your sorrow.

People are hungry and afraid, while hundred miles away,

their leaders pig on pork chops and champagne.

My Vietnam, there is rust upon your star,

and your wealth is with those who are in power.

They have betrayed your mountains and your rivers.

They have all failed you and sold your land away.

Where are you now, my Vietnam?

Where are your daughters and sons?

You must wake up and raise your voice as one.

And though we deal but little strokes, in time we will fell great oaks.

Who’s with me now? Ask “Where is my, where’s my Vietnam?”

My Vietnam, how many young and brave

must sleep beneath the waves, must fall before the cannons?

On Paracel and Spratly’s bloody shores our name will stand or fall,

a thousand years of darkness still remain.

Our own have invited China in,

they are cowards and lackeys of Beijing.

Where are the heirs to your mountains and your rivers?

They will be here when they hear your call to arms!

So where are you now, my Vietnam?

Where are your daughters and sons?

You must wake up and raise your voice as one.

And though we deal but little strokes, in time we will fell great oaks.

Hold your fist high, together we’ll fight for a new Vietnam.

Về tác phẩm của PHẠM VĂN THUYẾT: “VIỆT NAM, MÃNH HỔ hay MÈO RỪNG” – lời nhắn gửi bi thiết từ một chuyên gia tới lớp trẻ Việt Nam còn nặng tình đất nước.

Uyên Thao

pvthuyet-3

Phạm văn Thuyết

Phạm Văn Thuyết có thể là cái tên xa lạ với nhiều người Việt Nam ngay lúc này. Nhưng cái tên Phạm Văn Thuyết chắc chắn rất gần gũi với nhiều thế hệ sinh viên Luật Khoa tại Sài Gòn từ thập niên 1960 và cũng quen thuộc với không ít người ngoại quốc tại nhiều quốc gia trên thế giới từ Nam Mỹ qua Đông Âu tới Phi Châu và Á Châu từ sau năm 1975.

Lý do là từ thập niên 1960, Phạm Văn Thuyết là một giảng sư tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và từ 1975 tới 2007, Phạm Văn Thuyết là một chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới – World Bank, từng nhận lãnh công tác tại 25 quốc gia  Âu – Á – Phi – Mỹ.

Phạm Văn Thuyết sinh năm 1934 tại Nam Định, đầu thập niên 1950 là học sinh trung học đệ nhị cấp tại trường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Năm 1954 di cư vào Nam, Phạm Văn Thuyết làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn đồng thời tiếp tục học tại Đại Học Luật Khoa, tốt nghiệp Cử Nhân Luật và Cao Học Kinh Tế năm 1959. Đầu thập niên 1960, Phạm Văn Thuyết trở thành giảng sư Đại Học Luật Khoa tới 1964 được học bổng du học Hoa Kỳ. Tại đại học Wharton, University of Pennsylvania, Hoa Kỳ, Phạm Văn Thuyết theo học Kinh Tế, chuyên ngành Kinh Toán Học — Econometrics, một ngành tương đối mới vào thời đó và tốt nghiệp Master Degree rồi Ph.D năm 1967.

pvthuyet-4

Phạm Văn Thuyết – Tại quân trường , Khóa 26/SQTB Thủ Đức

Về nước ở độ tuổi 33, theo quy định của luật tổng động viên, Phạm Văn Thuyết đã có mặt trong khóa 26 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Đây là một khóa khá đặc biệt của trường võ bị Thủ Đức, vì các sinh viên sĩ quan phải tham gia cuộc chiến ngay khi vừa làm quen với súng đạn do cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 của Cộng Sản Bắc Việt. Khi lực lượng Cộng Sản xâm nhập Sài Gòn, Phạm Văn Thuyết đã gánh chung nhiệm vụ tác chiến với các chiến binh bảo vệ trụ sở Bộ Quốc Phòng.

Tuy nhiên, do chủ trương ưu tiên cho ngành giáo dục nên sau khi mãn khóa, Phạm Văn Thuyết được biệt phái về lại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn để tiếp tục vai trò giáo sư trường này cho đến ngày phải di tản qua Hoa Kỳ tháng Tư 1975.

Tại Hoa Kỳ, Phạm Văn Thuyết trở thành chuyên viên phát triển kinh tế — industrial economist của Ngân Hàng Thế Giới — World Bank từ 1975 tới 1996. Sau đó, dù về hưu, Phạm Văn Thuyết vẫn tiếp tục nhận lãnh vai trò tư vấn — consultant cho các dự án công tác tại nhiều quốc gia trên thế giới. Là chuyên viên World Bank, Phạm Văn Thuyết đã có nhiều dịp về Việt Nam công tác trong các lãnh vực thương mại quốc tế, WTO, ngân hàng và khung luật pháp kể từ đầu thập niên 1990 tới năm 2007.

Kinh nghiệm lãnh hội do phần hành trách nhiệm bản thân cùng những tình huống thực tế trực tiếp ghi nhận ngay tại chỗ đã giúp Phạm Văn Thuyết hình thành một căn bản vững chắc cho ý hướng xây dựng và phát triển đời sống kinh tế Việt Nam là chủ điểm của tác phẩm Việt Nam, Mãnh Hổ Hay Mèo Rừng. Tác phẩm được nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, thương mại…đón nhận và đánh giá cao về tác động hữu hiệu cho tiến trình nâng cao mức độ phát triển đời sống kinh tế Việt Nam như phản ảnh sau:

pvthuyet1Cuốn sách của giáo sư Phạm Văn Thuyết… đã nêu ra nhiều vấn đề của nền kinh tế Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới. Tác giả cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng hiện thời nền kinh tế thị trường của Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Ông chỉ ra một số hạn chế, đó là khung luật pháp cần hoàn chỉnh nhiều để phù hợp với kinh tế thị trường, tham nhũng cần được đẩy lùi, bất công về thu nhập trong xã hội cần được thu hẹp, tư duy phát triển cần thay đổi…”

Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh từng một thời thành đạt trong lãnh vực kinh doanh trước 1975 tại Sài Gòn diễn tả bao quát về tác phẩm  qua nhận định:

“Tác phẩm này không những phân tích tình trạng kinh tế Việt Nam mà còn chẩn bệnh hiểm nghèo rồi lại biên toa thuốc để chữa cái ung thư đang hoành hành trong cơ thể con bệnh.”

Trong khi đó, chuyên viên dầu khí và điện lực Phạm Lương Tấn, một Việt kiều New Zealand đang làm việc tại Sài Gòn phát biểu:

“Cuốn sách dựa trên kinh nghiệm dày dạn của một người đã hoạt động và chứng kiến, không những là sách vở mà thực tế của các quốc gia đang phát triển. Cuốn sách này sẽ đóng góp rất nhiều vào những tranh luận về phát triển kinh tế và tương lai của Việt Nam trong giới trí thức cũng như người dân bình thường…”

Bạn đọc Hạ Long Lưu Văn Vịnh viết một bài dài về các chủ điểm trong nội dung Việt Nam, Mãnh Hổ Hay Mèo Rừng dẫn đến kết luận:

Tác giả — giáo sư Phạm Văn Thuyết Ph.D.— trong cuốn sách loại kinh tế xã hội hiếm hoi này, đã vạch ra những nét chính yếu trong hành trình phát triển kinh tế Việt Nam, từ thập kỷ 1960, qua 70, 80 cho tới hiện tại, với những nhận xét chuyên môn, khách quan, điềm tĩnh, chỉ lối ra, lối thoát, cho một nước chậm tiến, đưa kế sách xây dựng…khiến người đọc thấy được tổng thể và chi tiết, thấy được VN trong bối cảnh Đông Á …

Cuốn sách quý hiếm của giáo sư Phạm Văn Thuyết giúp người trong nước nhìn ra vị trí và mức độ của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Đông Á, giúp người Việt hải ngoại nhìn ra mấu chốt vấn đề thực tế của Việt Nam, tránh được những diễn giải hàm hồ. Trong và ngoài đều hiểu Việt Nam với 90 triệu dân thông minh, trí thức sắc sảo, có thể trở thành mãnh hổ chứ không phải mèo rừng, nếu không bị xích sắt kìm hãm…”

Gần như chia xẻ hoàn toàn với nhận thức kể trên từ Lưu Văn Vịnh là ý kiến của Trần Quỳnh:

Theo nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới, đặc điểm nhận biết một quốc gia rơi vào bẫy thu nhập trung bình thường là mức đầu tư sẽ giảm, tăng trưởng công nghiệp giảm, công nghiệp không đa dạng và thị trường lao động không năng động. Thật không may đây chính là kịch bản mà Việt Nam có thể sẽ đối mặt trong thời gian tới.Với Việt Nam, sách lược thích hợp để có thể vượt lên mức tăng trưởng trung bình là tăng năng suất, tiến sâu vào “chuỗi giá trị” sản xuất công nghiệp. Để thực hiện sách lược này cần làm tốt ít nhất ba việc đó là tăng cường chính sách giáo dục và nhân lực chuyên môn, điều chỉnh gấp chính sách đầu tư nước ngoài và đồng thời xây dựng công nghiệp phụ trợ.

Cần thấy việc ưu tiên cấp bách nhất là phải đổi mới tư duy, đổi mới nền giáo dục đã bị trì trệ mấy chục năm. Ông Thuyết lý luận, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài nhưng sẽ mãi là nước có thu nhập trung bình như phần lớn các nước Đông Nam Á khác. Và nếu không triệt để thay đổi và áp dụng các biện pháp cần thiết thì lộ trình mà kinh tế Việt Nam đề ra và muốn thực hiện được là điều xa vời…”

Ngoài các nhận định tích cực kể trên của một số chuyên gia đương thời, Việt Nam Mãnh Hổ Hay Mèo Rừng đã được chuyên gia lão thành Vũ Quốc Thúc coi như một biểu tượng đặc biệt với giá trị tinh thần rất cao. Giáo sư thạc sĩ Vũ Quốc Thúc là chuyên gia Luật Pháp và Kinh Tế Tài Chánh lỗi lạc của Việt Nam từ giữa thập niên 1940, giám đốc Trường Luật Hà Nội trước 1954, khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn sau 1954, từng lãnh nhiều vai trò như bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục, thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia, phó chủ tịch Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia, quốc vụ khanh đặc trách Tái Thiết Và Phát Triển …

Trong thư riêng gửi tác giả Phạm Văn Thuyết, giáo sư Vũ Quốc Thúc đặt tác phẩm Việt Nam, Mãnh Hổ Hay Mèo Rừng vào vị thế một sách lược cứu nguy có thể đưa Việt Nam thoát khỏi ngõ bí lạc hậu nghèo đói kéo dài từ giữa thế kỷ 20 cho tới nay:

…. Cuốn sách của Anh đối với tôi, có một giá trị tinh thần rất cao và đặc biệt biểu tượng. Anh đã làm một việc khiến cho tôi thành thực hãnh diện vì chúng ta cùng xuất thân từ Trường Luật Hà Nội và cùng là giáo sư Trường Luật Sài Gòn. Hơn thế nữa lại cùng một ngành chuyên môn Kinh Tế Tài Chánh.

Tôi thành khẩn cầu nguyện là những nhận định cũng như đề nghị của Anh sẽ được kẻ hữu trách, hữu quyền, hữu thế ở nước ta chấp nhận rồi thực thi; có như vậy thì tổ quốc thân yêu của chúng ta mới ra thoát ngõ bí “THU NHẬP TRUNG BÌNH” hiện thời và sẽ biến thể như dụ ngôn CÁ CHÉP HÓA RỒNG.

Tôi không mong nước ta thành mãnh hổ thay vì mãi mãi là mèo hoang … chỉ mong biến thành con Rồng phương Nam mà thôi!” 

Ước vọng của giáo sư Vũ Quốc Thúc chính là ước vọng chung của mọi người Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ mãi mãi là ảo vọng nếu chỉ trông chờ sự tự nguyện tự giác đáp ứng từ riêng những “kẻ hữu trách, hữu quyền, hữu thế” tức tập thể thủ đắc quyền lực hiện nay tại Việt Nam. Bởi như Phạm Văn Thuyết phân tích, 4 trở lực đang vây hãm mọi ý hướng phát triển và tăng trưởng đời sống Việt Nam là :

1- Hạ tầng cơ sở quá tồi tệ.

2- Chính sách bất cập từ vi mô tới vĩ mô do đặt nặng vai trò chỉ đạo của Nhà Nước.

3- Cơ cấu tổ chức và định chế pháp luật thiếu minh bạch, bị khai thác dễ dàng cho các mưu đồ bất chính.

4- Vấn đề phát triển nhân lực hoàn toàn bị bỏ rơi do chủ trương độc tôn ý thức hệ.

Để vượt khỏi các trở lực này, không thể chỉ bằng những biện pháp cải cách thu gọn riêng trong phạm vi một lãnh vực hoạt động nào mà đòi hỏi nỗ lực thực hiện cải cách đồng loạt trên mọi lãnh vực từ xã hội, giáo dục, kinh tế, pháp luật tới chính trị. Phạm Văn Thuyết nêu ra hàng loạt trở lực mà trong đó chỉ riêng tính luật pháp mập mờ về quyền tư hữu đất đai của người dân theo các khẩu hiệu là thuộc “quyền làm chủ tập thể của nhân dân” đã là một trở lực đáng kể:

“Hiện nay “nhân dân được quyền xử dụng đất đai” và trong một vài trường hợp có thể chuyển nhượng quyền này cho người khác. Đối với đất dành cho ngành nông nghiệp thì các nhà nông có “quyền xử dụng” đất trong 15 năm, và quyền có thể chuyển nhượng cho các người thừa kế. Trong thành phố, người ta có quyền sở hữu căn nhà chứ không có quyền sở hữu miếng đất.

Thật là một hệ thống rất mập mờ phản ánh thái độ chưa dứt khoát của chính phủ hãy còn vương vấn với ý thức hệ. Các tài liệu chính thức như hiến pháp vẫn còn tuyên bố rằng tất cả đất đai, đều thuộc quyền sở hữu của Nhà Nước.”

Theo Phạm Văn Thuyết, “phạm vi rộng lớn của quốc doanh áp đảo và sự không công nhận quyền tư hữu bất động sản đã thu hẹp tính cách thị trường của kinh tế Việt Nam.

Hơn 200 trang sách nêu bật đủ loại tệ nạn trong đời sống Việt Nam từ tham nhũng, áp bức, bất công… tới vây hãm bóp nghẹt nhu cầu khai triển dân trí… đẩy mọi lãnh vực sinh hoạt chung vào ngõ cụt tối tăm vì không thể hội đủ điều kiện định hướng đối đầu hữu hiệu với những thách thức ngày một thêm chồng chất. Trước thực trạng này, từ thế đứng của một chuyên gia kinh tế, Phạm Văn Thuyết khẳng định đòi hỏi cấp thiết để cứu nguy cho Việt Nam là phải thực hiện cải cách toàn diện về chính trị, vì “Không thể có một chính sách kinh tế tốt nếu không có một khuôn khổ chính sách cai trị hay quản lý đất nước tốt. Nói cách khác, nếu tổ chức chính trị không tốt thì kinh tế không tốt.”

Bởi :

Xưa nay kinh tế bao giờ cũng chịu ảnh hưởng của thể chế chính trị. Những thể chế có “tính dung hợp — inclusive institution” như thể chế dân chủ là tốt cho sự phát triển vì nó có khả năng tạo nên sự thay đổi chính sách khi chính sách không thích hợp.

Nhận xét trên về nhu cầu cứu nguy cho đất nước Việt Nam đang lao dốc rõ ràng đơn sơ và thiết thực. Nhưng thực tế Việt Nam mà Phạm Văn Thuyết trực tiếp đối diện hơn mười năm trong vai trò tư vấn Work Bank cho nhiều chính sách phát triển kinh tế đã giúp tác giả ý thức đó là một tiếng bom kinh hoàng đối với những “kẻ hữu trách, hữu quyền, hữu thế” mà giáo sư Vũ Quốc Thúc hy vọng sẽ tự nguyện tự giác đổi thay. Cho nên Phạm Văn Thuyết không có ý trông chờ như giáo sư Vũ Quốc Thúc mà chỉ mong truyền đạt suy tư tới mọi giới quần chúng Việt Nam như đã biểu lộ qua lời mở đầu sách:

“Tác giả muốn hướng tập sách này tới độc giả mọi giới nên cố gắng viết giản dị với hy vọng ai đọc cũng thấy dễ hiểu và vì thế người viết đã tránh tối đa việc trình bày các con số khô khan hay những điểm lý thuyết kinh điển.”

Cùng trong Lời Nói Đầu, Phạm Văn Thuyết còn ghi một lời nhắn hàm chứa nhiều ẩn ý: “Những ý kiến trong sách không nhất thiết là khả thi trong thời gian gần vì những trói buộc của thực tế chính trị và cơ chế, nhưng hy vọng có thể có ích cho sự suy ngẫm để làm chính sách trong trách nhiệm của những người trẻ sẽ kế thừa đất nước và lãnh đạo mai sau.”

Chắc chắn đây là lời nhắn thiết tha gửi tới mọi người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ để gợi nhắc và thúc đẩy một suy ngẫm cần thiết về trách nhiệm công dân trước “những trói buộc của thực tế chính trị và cơ chế” đang đẩy đất nước xuống hố thẳm.

Ngày 15/1/2015, Phạm Văn Thuyết đã vĩnh viễn giã từ cuộc sống.

Nhưng lời nhắn thiết tha trên vẫn đang vang vọng và chắc chắn sẽ còn vang vọng cho đến ngày những xích xiềng chính trị đang trói buộc đất nước Việt Nam thực sự bị đập tan.

Virginia  Sept. 04.2016

UYÊN THAO

pvthuyet-5

Giới thiệu “Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo”

Nguyễn Văn Thành

vnvhslk-image

 

nước Việt Nam xưa, trước khi có văn chương bác học (loại văn thơ bằng văn tự, có niêm luật hẳn hoi), thì đã có một nền văn chương bình dân, bất thành văn, gọi là văn chương truyền khẩu.  Loại văn chương này thể hiện qua Ca dao, Tục ngữ đã lưu truyền trong dân gian từ rất lâu.

Ca dao hay còn gọi là phong dao, là những bài hát ngắn, không có chương khúc, thường mô tả tính tình, phong tục của lớp người bình dân.

Ca dao cũng như Tục ngữ, thường không rõ tác giả là ai.  Tôi cho rằng, tác giả không ai khác hơn là các Nhà Nho sống ẩn dật nơi thôn dã, hoặc là các vị quan trong triều cáo lui, xin về trí sĩ nơi vùng quê, sau lũy tre xanh, tức cảnh sinh tình mà sáng tác ra. Có người gọi là “Văn chương sau lũy tre xanh”.

Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã mê câu ca dao:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Hình ảnh cô thôn nữ tát nước đêm trăng mà được mô tả đẹp đẽ, mượt mà như vậy, thiết tưởng văn chương bác học đã chắc gì hay hơn được!

Tục ngữ còn gọi là ngạn ngữ hay phương ngôn (do tính cách địa phương), là những câu nói cô đọng, gọn ghẽ và có ý nghĩa, cũng được lưu hành từ ngàn xưa bằng truyền khẩu như:

Có cứng mới đứng đầu gió!

Hay:

Có thực mới vực được đạo!

Hoặc:

Tốt danh hơn lành áo!

Ca dao, Tục ngữ Việt Nam có thể sánh ngang với Kinh Thi của Trung Hoa!  Chỉ khác là Kinh Thi đã được Khổng Tử chọn lọc và san định lại, để trở thành một thứ sách giáo khoa, một trong ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Thư, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu) cho Nho sinh học.

Học giả Dương Quảng Hàm, tác giả Việt Nam Văn Học Sử Yếu (VNVHSY) khẳng định:  Tục ngữ, Ca dao Việt Nam là mọi nguồn cảm hứng cho thi văn VN sau này.  Do đó khi viết VNVHSY, tác giả đã để ngay lên phần đầu (phần I) của cuốn sách.

Do bị ảnh hưởng của Dương Quảng Hàm từ hồi còn Trung học, nên khi vừa đọc cuốn Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo (VNVHSLK) của Hải Bằng-Hoàng Dân Bình, tôi vội gọi điện thoại hỏi anh Bình thì được tác giả cho biết: muốn để phần Ca dao, Tục ngữ ở phần II của cuốn sách!  Được thôi, tôi tôn trọng ý muốn của tác giả.

Đọc xong VNVHSLK của Hải Bằng, tôi có cảm tưởng như vừa đọc xong hai cuốn sách: Một Văn Học Sử VN và một cuốn Lịch Sử VN cổ đại và cận đại

Như tác giả nói ở trang đầu cuốn sách, ông đã làm một công trình biên khảo công phu, để liên kết nội dung các tác phẩm tiêu biểu trong văn học cổ điển VN, với dòng lịch sử trải dài từ thế kỷ thứ 10 tới thời cận đại, tức là thời kỳ độc lập của nước ta (Ngô Quyền 898-967) cho đến ngày nay.

Nhân vật mở đầu cho cuốn VNVHSLK của Hải Bằng là Chu Văn An (1292-1370) với Thất Trảm sớ, tuy không được Vua nghe theo nhưng ảnh hưởng của nó rất lớn vào thời ấy.  Nhà sử học Lê Tung trong cuốn Việt Nam Thông Khảo Tổng Luận đã khen Thất Trảm sớ của CVA như sau: “Thất Trảm chi sớ, nghĩa động càn khôn…”

Về phương diện sử học, Hải Bằng đã chọn cách viết theo lối “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, chứ không theo lối Sử Biên Niên của Ban Cố.  Tác giả đã khéo léo lồng vào phần Sử Ký những câu chuyện thần kỳ có tính cách Huyền Sử, làm cho người đọc cảm thấy thích thú.  Chẳng hạn như ở Chu Văn An, có câu chuyện “Thuồng luồng cầu mưa”;  Ở Nguyễn Trãi có câu chuyện “Thị Lộ”, gọi là “Vụ án Lệ Chi viên”;  Thời nhà Lê có chuyện “Thần Cá Quả” v.v.

Phần viết về Trường Bưởi-CVA sau này, cũng như phần viết về Nostradamus, tôi đã đề nghị dời qua phần Phụ Lục, để cho phần Văn Học Sử được liên tục, tác giả đã đồng ý.

Nguyễn Trãi có hai “công cuộc” đóng góp cho đất nước, đều xuất sắc cả, đó là Chính Trị và Văn Hóa.

Về Chính Trị, có thể nói mà không ngoa, ông là Kiến trúc sư, tạo dựng nên nhà Hậu Lê:  Ông đã giúp cho Lê Lợi hoàn thành công cuộc kháng chiến trường kỳ (10 năm) và đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ông cũng là một nhà Văn Hóa vĩ đại, vô tiền khoáng hậu của VN.  Cơ quan Văn Hóa, Khoa Học và Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc đã xếp ông vào danh sách “Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới”.

“Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi có thể gọi là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập số 2, sau bài thơ của Lý Thường Kiệt:

Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…

Ngay từ hồi còn trẻ, tôi đã bị những câu văn trong Bình Ngô Đại Cáo thu hút:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân mà thay cường đạo!

Đây chẳng khác nào Kim Chỉ Nam Chính Trị cho mọi thời đại.

Nhà Hậu Lê cũng tự sản sinh được một Nhà Văn Hóa lớn, đó là Vua Lê Thánh Tôn (1442-1497), một ông vua tài giỏi và hiền đức, lại trị vì lâu nhất nhà Hậu Lê (1460-1497). Dưới thời Lê Thánh Tôn đã cho ban hành một bộ luật rất nổi tiếng, đó là Bộ Luật Hồng Đức, hay còn gọi là Quốc Triều Hình Luật. Tuy chịu ảnh hưởng của luật Nhà Minh bên Trung Hoa nhưng là một bộ luật rất tiến bộ, văn minh hơn hẳn bộ luật nhà Mãn Thanh sau này!  Bộ luật của Nhà Mãn Thanh gọi là Đại Thanh Luật Lệ, chỉ thiên về hình phạt roi, trượng, có tính cách nhục hình (như thời Trung cổ ở Châu Âu).  Đại Thanh Luật Lệ lại ảnh hưởng đến Bộ Luật Nhà Nguyễn gọi là Hoàng Việt Luật Lệ.  Như vậy ta có thể coi đây là bước thụt lùi về phương diện luật pháp của VN.

Tác giả VNVHSLK-Hải Bằng đã làm một việc nghiên cứu tường tận về Luật Hồng Đức.  Ông nhận thấy ở đấy cả tinh thần thượng tôn luật pháp qua chỉ dụ của Vua Lê Thánh Tôn: “Luật Pháp là Công Pháp của Quốc Gia, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo!”.  Qua đó, ta thấy tinh thần Pháp trị cũng đã được thể hiện.

Ngoài việc khảo cứu Luật Hồng Đức, tác giả VNVHSLK còn quan tâm tới các vấn đề khác như Kinh tế, Chính trị và Xã hội dưới Triều Đại Hậu Lê nữa.  Điều này cũng hợp lý vì tác giả Hải Bằng vốn xuất thân từ Trường Luật Sài Gòn trước kia.

Vua Lê Thánh Tôn còn là một Nhà Văn Hóa nữa, nên dưới thời ông, thơ văn được phát triển rất rực rỡ.  Vua lập ra một Hội Tao Đàn và xưng mình là Tao Đàn Nguyên Soái, để khuyến khích mọi người cùng phát huy văn học.  Thơ của Lê Thánh Tôn khá xuất sắc, lại rất có khẩu khí của bậc đế vương.

Nhà văn lớn thứ tư mà tác giả VNVHSLK-Hải Bằng đề cập đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), một người nổi tiếng uyên bác và tính tình kín đáo.

Khi đọc VNVHSLK của Hải Bằng, chúng ta sẽ biết rõ hơn về Nguyễn Bỉnh Khiêm, một học giả uyên thâm cả về Đạo Phật lẫn Đạo Lão cũng như về phương diện Lý số.  Những bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm chứa nhiều ẩn dụ khiến người đời sau gọi là “Sấm Trạng Trình”.

Ngoài ra, tác giả lần lượt giới thiệu cho chúng ta về nhiều danh nhân khác trong lãnh vực văn học, như: Nguyễn Kiều, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, và Nguyễn Công Trứ v.v…

Hải Bằng có kể một giai thoại về bà Đoàn Thị Điểm, tác giả câu đối: “Da trắng vỗ bì bạch”, mà ngay đến Trạng Quỳnh cũng không đối được.  Mãi về sau mới có người đưa ra câu đáp: “Rừng mát mưa lâm râm”.

Theo thiển ý, câu đáp này khá chỉnh về chữ và ý, nhưng lại không đối về âm (bằng trắc): Da “trắng” và rừng “mát” là hai âm (trắc) giống nhau chứ không đối.  Tôi đề nghị một câu đáp khác: “Rừng sâu mưa lâm thâm”. Chữ “sâu” vần bằng sẽ đối với chữ “trắng” vần trắc.  Từ xưa, tôi vẫn  nghĩ câu đối “Da trắng vỗ bì bạch” là của Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ độc nhất vô nhị, làm thơ luôn bao hàm hai ý nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng, khiến cho các dịch giả muốn chuyển thơ của bà ra tiếng nước ngoài rất là khó khăn, có những câu hầu như không dịch nổi, chẳng hạn như:

Vành ra ba góc da còn thiếu,

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.

(Vịnh Cái quạt)

Hoặc là:

Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,

Một lạch đào nguyên suối chửa thông.

(Thiếu nữ ngủ ngày)

Nói về Nguyễn Công Trứ, tôi còn nhớ một giai thoại vui, xin kể thêm để quý độc giả thưởng lãm: Nguyễn Công Trứ (NCT) như chúng ta đều biết, ông mê hát cô đầu ngay từ hồi còn trai trẻ, chưa thành đạt. Muốn được nghe hát cô đầu, chàng thư sinh NCT phải tình nguyện đi theo sách đồ, dụng cụ riêng (như tráp, cỗ phách …) cho một cô đầu.  Một bữa, hai người đi ngang qua một cánh đồng vắng, cùng ngồi nghỉ dưới một tàn cây (ngô đồng).  Rồi thì chuyện phải đến đã đến giữa đôi trai gái còn rất trẻ trung này.

Sau này khi NCT thành đạt, làm quan lớn, cho vời một đoàn hát đến tư thất hát cho mình nghe.  Trong đoàn có một cô đầu nhận ra Nguyễn Công Trứ là người năm xưa, vẫn theo mình đi hát, nên lúc mở đầu bài hát, cô hát hai câu (miễu đầu) như sau:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?

Trong số những tác phẩm bằng thơ mà tác giả VNVHSLK Hải Bằng đã đề cập như: Chinh Phụ Ngâm, Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc …, tôi đặc biệt yêu thích Truyện Kiều (TK) hơn cả, vì TK có thể coi là một áng văn thơ toàn bích nhất về phương diện văn chương.

Chính Hải Bằng tác giả VNVHSLK cũng cho rằng Nguyễn Du là một nhà ảo thuật tài ba về cách vận dụng ngôn ngữ trong TK.

Xưa kia, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu (VNVHSY) đã khen Nguyễn Du là bậc thầy về việc sử dụng Điển cố trong TK.  Tôi hoàn toàn đồng ý với cả hai vị .

Một ví dụ về cách dùng “Điển” của Nguyễn Du:

Sông Tương một giải nông sờ

Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia

Nguyễn Du chỉ cần hai chữ “Sông Tương” trong Tình Sử:

Quân tại Tương Giang đầu

Thiếp tại Tương Giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm Tương Giang thủy

Hai chữ “Sông Tương” dùng trong TK của Nguyễn Du rất tự nhiên, tan biến trong thơ ông, khiến người đọc không nghĩ nó xuất phát từ một Điển cố. Sử dụng Điển cố mà như vậy thì thật là “tuyệt diệu hảo từ”!

Văn chương thì như vậy, còn vấn đề Triết lý trong TK thì sao?

Hải Bằng, tác giả VNVHSLK đã viện dẫn khá đầy đủ các triết thuyết trong TK như: Thuyết Tài Mệnh Tương Đố của nhà Nho; thuyết Nhân Quả, Nghiệp Báo của nhà Phật; Rồi chữ TÂM làm nền tảng đạo lý cho Truyện Kiều.

Tôi cũng đã đọc khá nhiều các tác giả nói về TK, nhưng chưa thấy ai đề cập Thuyết Vô Vi của Đạo Lão cả.  Theo thiển ý thì thuyết Vô Vi từng hiện diện trong TK qua nhân vật Thúy Vân.

Xin tóm tắt một cách đơn giản về Thuyết Vô Vi:  Không làm thì không có hậu quả, không yêu thì không thất tình, không tranh thắng thì không bị bại…

Con người, sở dĩ phải khổ sở, lo nghĩ là vì phải hành động (hữu vi).  Nguồn gốc của hành động là Dục tình, nếu dứt hết được dục tình thì không phải lo nghĩ, khổ sở.  Muốn cho lòng được thư thái, thân được an nhàn thì không hành động (vô vi).  Trong dân gian kẻ gần Đạo nhất là những đứa hài nhi; Người có nhiều Đức cũng hồn nhiên như trẻ thơ vậy.

Như đã nói ở trên, Thúy Vân là con người luôn luôn có tâm hồn vô tư và hồn nhiên trong mọi hoàn cảnh.

Thúy Vân cũng xấp xỉ tuổi tác của Thúy Kiều, nhưng Thúy Kiều thì tiêu biểu cho con người “hữu vi”, gặp hoàn cảnh nào cũng động lòng trắc ẩn. Dọc đường, khi gặp mộ của Đạm Tiên, là một nấm mồ vô chủ, không ai nhang khói; Thúy Kiều liền lên tiếng hỏi:

Rằng sao trong tiết thanh minh

Mà sao hương khói vắng tanh thế mà…

Và sau khi nghe Vương Quan kể lể:

Đạm Tiên nàng ấy vốn là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xốn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh …

Nhưng rồi khi nghe Vương Quan kêt luận:

Sống làm vợ khắp người ta

Hại thay thác xuống làm ma không chồng …

Đến đây thì Thúy Kiều đã không nén khỏi nỗi thương cảm:

Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa …

Trong khi đó Thúy Vân vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, còn quay ra trách chị mình:

Vân rằng chị cũng nực cười,

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa…

Điều này chứng tỏ Thúy Vân tiêu biểu cho con người “vô vi”, hồn nhiên, vô cảm trước mọi hoàn cảnh.

Kế đến, ba chị em gặp Kim Trọng, một chàng thư sinh đẹp trai, con nhà giầu, còn là chỗ đồng thân với Vương Quan (học cùng trường).  Kim Trọng tiến lại chào hỏi, hai Kiều thì:

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

Đến đây, tôi xin mở một dấu ngoặc để nói về cách tả chân của Nguyễn Du:  tả người con gái đẹp đã đành, nhưng khi tả người con trai đẹp cũng tuyệt diệu làm sao:

Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao …

Cái đẹp (trai) của Kim Trọng còn lây lan ra cả một vùng quanh chàng, bảo sao mà những người con gái như Thúy Kiều, Thúy Vân không thích cho được!  Ấy vậy mà chỉ có Thúy Kiều bị Kim Trọng “hớp” mất hồn:

Người quốc sắc kẻ thiên tài,

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e …

Rồi sau khi chia tay, về nhà, cũng chỉ có Thúy Kiều là:

Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không …

Không nghe nói Thúy Vân có “suy nghĩ” gì sau khi gặp Kim Trọng.

Đến khi gia đình Kiều gặp nạn, do thằng bán tơ vu oan, giá họa cho khiến hai cha con Vương ông và Vương Quan đều bị đóng gông và bị trói chung lại với nhau, bọn sai nha nhân cớ này hành hạ và đánh đập hai cha con rất tàn nhẫn để khảo của:

Lạ gì là thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền …

Phải có tiền nhiều mới dàn xếp nổi vụ này, do đó Thúy Kiều, vì là chị lớn trong nhà, phải đi đến một quyết định quan trọng làm đảo lộn hết cuộc sống trong gia đình Kiều nói chung và cuộc đời của nàng Kiều nói riêng: nàng phải bán mình cứu lấy cha và em thoát vòng lao lý!  Trong giờ phút nghiêm trọng ấy, Kiều phải cân nhắc giữa hai bên: Tình (với Kim Trọng) và Hiếu (với cha):

Duyên hội ngộ, đức cù lao

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn …

Như chúng ta đã biết, cuối cùng Kiều đã chọn chữ Hiếu.

Việc nhà coi như tạm ổn, lúc đó Kiều mới tự nghĩ đến riêng mình, làm sao trả được mối duyên nợ đã thề bồi.  Kiều chong đèn suốt đêm, sụt sùi than khóc.  Trong khi đó thì Thúy Vân, sau một giấc ngủ thật ngon (giấc xuân) chợt tỉnh dậy, thấy chị khóc, mới đến bên Thúy Kiều an ủi:

Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân

Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han …

Đọc đến đây ta mới thấy rõ cái tâm tính hồn nhiên, vô tư lự của Thúy Vân, biểu lộ thật rõ nét!  Gia đình gặp nạn lớn như vậy mà nàng Vân ta vẫn cứ thản nhiên đánh một giấc ngủ ngon lành (giấc xuân).  Như thế không gọi là “vô vi” thì gọi là gì?

Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa …

Trong Truyện Kiều, ta thấy Thúy Vân về sau là vợ của Kim Trọng, sinh con đẻ cái cho chàng, và trở thành một mệnh phụ phu nhân:

Một cây cù mộc, một sân quế hòe …

Và:

Một nhà phúc lộc gồm hai

Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần

Tôi đã mạo muội đưa thuyết “Vô Vi” vào Truyện Kiều, đúng hay sai tùy sự thẩm định của bạn đọc.

Trở lại với cuốn VNVHSLK của Hải Bằng, phải công nhận tác giả đã dày công sưu tầm những công trình văn học của các danh nhân trong lịch sử nước ta, mà biên soạn thành bộ VNVHSLK, là một cuốn sách về văn học rất súc tích, rất đáng để chúng ta tìm đọc và cất giữ trong tủ sách gia đình, dùng làm tài liệu văn học cho các thế hệ mai sau.

Vì thế, tôi xin trân trọng giới thiệu VNVHSLK của tác giả Hải Bằng-Hoàng Dân Bình đến tất cả độc giả bốn phương.

Nguyễn Văn Thành, Cựu Thẩm Phán

Viết xong tại VA ngày 10/07/2016

Ghi chú: 

Liên lạc tác giả Việt Nam Văn Học Sử Lược Khảo:

Hải Bằng Hoàng Dân Bình: Email: binhhoang684@yahoo.comTel:    (480) 330-3371

 

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa – Chuông gọi hồn ai?

Sơn Tùng

ntbh-cover

Trước khi qua đời năm 2000 tại California, Học giả Phạm Kim Vinh đã viết 37 cuốn sách (Việt ngữ và Anh ngữ) để đề cao chính nghĩa của người Việt Quốc Gia trong cuộc chiến đấu kéo dài 30 năm (1945-1975) chống lại chủ nghĩa cộng sản do Hồ Chí Minh và đồng đảng đem từ Nga về núp dưới chiêu bài kháng chiến, giải phóng, gây ra hai cuộc chiến tranh khốc liệt gieo rắc bao đau thương, đổ vỡ cho dân tộc Việt Nam.

Trong 37 cuốn sách đã xuất bản tại hải ngoại (1976-1999), ông Phạm Kim Vinh đã dành hai cuốn để viết về người lính Việt Nam Cộng Hòa: cuốn “Thiên Anh Hùng Ca Viết Cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” (1984) và cuốn “Tôn Vinh Cuộc Chiến Đấu Thần Thánh Của Quân Lực VNCH (1999).

Trong hai cuốn sách này, tác giả Phạm Kim Vinh, với bản thân mình cũng từng là một người lính, đã gửi gắm tâm huyết trên hơn 500 trang giấy mà ông muốn người đọc cùng ông đi lại con đường “người lính” VNCH đã đi như những dòng bi phẫn được ông viết trên bìa sau cuốn sách thứ nhất: “Mời độc giả làm một cuộc hành hương để đi lại con đường dài mà Quân lực VNCH đã bình thản đi trong hơn hai chục năm, – con đường  mà kể về sự khắc khổ và chịu đựng còn vượt xa con đường Vạn Lý Trường Chinh của Mao Trạch Đông, và về tính cách thiêng liêng, vị tha và cao quý còn vượt xa các cuộc Thánh Chiến thời Trung Cổ. Cuộc hành hương ấy sẽ giúp chúng ta tìm lại được niềm kiêu hãnh về Quân lực VNCH, và sẽ cung cấp cho chúng ta chứng liệu cần thiết để đòi thế giới bên ngoài phải trả lại cho quân lực ấy cái danh dự mà thế giới ấy đã đánh cắp mất, rồi lại còn dám trơ trẽn buộc tội cho quân lực ấy là ‘không chịu chiến đấu’.”

Từ lúc ông Phạm Kim Vinh viết những dòng trên đây đến nay (1984-2016), 32 năm đã trôi qua. Biết bao đổi thay đã diễn ra, bao nhiêu sự thật đã được đưa ra ánh sáng, trong đó có những tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam đã hết còn “mật”. Những sự thật ấy đã được “thế giới bên ngoài” nói lên qua những bài báo, những cuốn sách, những cuộc hội thảo, và những cuốn phim. Những sự thật ấy đã phần nào trả lại danh dự cho Quân lực VNCH.

Dựa trên những sự thật ấy, gần đây nhất, một cuốn phim tài liệu về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa và Quân Lực VNCH đã được thực hiện, không phải do “thế giới bên ngoài”, mà do chính người Việt ở Mỹ làm.

Cuốn phim này tựa đề là “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa”, do Vietnam Film Club thực hiện, song ngữ (nói tiếng Việt, phụ đề Anh ngữ), dài một giờ chiếu.

Cuốn phim 60 phút cho một cuộc chiến dài 30 năm và những gì xảy ra trong hơn 40 năm sau đó cho một nghĩa trang với 16 ngàn ngôi mộ của quân đội bên bại trận sẽ nói được gì?

Dĩ nhiên là không nhiều lắm. Nhưng, nó như một tiếng chuông gọi hồn, không phải chỉ cho 16 ngàn chiến sĩ nằm trong một nghĩa trang điêu tàn thảm đạm mà còn cho hàng triệu người đã ngã xuống trong hơn 30 năm trên mọi miền đất nước vì không muốn sống cuộc đời của những con “thú người” mất tự do, nhân quyền, nhân phẩm.

Cuộc chiến đấu bằng súng đạn đã chấm dứt vào ngày 30.4.1975, nhưng chưa chấm dứt trong lòng người, trong tư tưởng và vẫn còn đang diễn ra hàng ngày, không tiếng súng, trên một đất nước được cho là đã “hòa bình” nhưng là “hòa bình của nấm mồ”, là cái chết của Tự Do cho cả một dân tộc.

Thực trạng của “nền hòa bình” ấy người ta có thể nhìn thấy qua hình ảnh trên cuốn phim những ngôi mộ hoang phế, bị đập phá, hương tàn khói lạnh trong một khu đất trước đây được gọi là “Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” (NTQĐBH). Cảnh hoang tàn nơi đây tương phản hẳn với những nghĩa trang dành cho tử sĩ phe thắng trận – huy hoàng, tráng lệ.

Một phần của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ngày nay

Một phần của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ngày nay

Sự kiện trái ngược này cho thấy không thể so sánh cuộc Chiến tranh Việt Nam (1945-1975) với cuộc Thế Chiến I (1914-1918) và cuộc Thế Chiến II (1939-1945), càng không thể so sánh với cuộc Nội Chiến tại Hoa Kỳ (1861-1865) vì có một khác biệt căn bản không thể bỏ qua: Những cuộc chiến tranh này đã thực sự chấm dứt khi im tiếng súng với sự toàn thắng của chính nghĩa.

Trái lại, cuộc Chiến tranh Việt Nam kéo dài 30 năm giữa Thế kỷ 20 đã kết thúc với sự thua bại của chính nghĩa. Vì vậy cuộc chiến ấy chưa chấm dứt và đã chuyển sang một hình thái khác, không có tiếng súng.

Đó là lý‎ do vì sao những kẻ chiến thắng bằng xe tăng đại pháo Nga Tàu chưa hết sợ sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Họ sợ những người lính phe địch đã buông súng, và sợ cả những kẻ thù đã chết. Họ cần phải xóa bỏ NTQĐBH, dấu tích của một quân đội hùng mạnh đã chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ chính nghĩa Tự Do mà hàng chục triệu dân miền Nam VN vẫn không thôi tưởng nhớ. Chính điều này đã khiến CSVN chưa dám thẳng tay phá hủy NTQĐBH nhưng đã từng bước thực hiện kế hoạch thâm độc mà bước đầu tiên là đổi tên thành “Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An” và giao cho địa phương quyền quản trị và sử dụng khu đất ấy.

Bước thứ hai là để cho dân địa phương lấn đất nghĩa trang, hủy hoại dần những ngôi mộ, đồng thời cho trồng những loại cây lớn xen kẽ ngay bên cạnh những ngôi mộ. Những hàng cây này nay đã cao hơn đầu người, năm bảy năm nữa NTQĐBH sẽ biến thành một khu rừng và những nấm mồ sẽ không còn nữa, xương thịt bên dưới sau nửa thế kỷ sẽ tan biến vào lòng đất.

Phải là người vô tâm lắm, không dám nói “ngây thơ”, mới không nhìn thấy dã tâm của người cộng sản. Nhưng từ mấy năm gần đây, người ta đã nghe nói nhiều, và tranh cãi nhiều về việc “trùng tu” NTQĐBH dù chưa ai thấy có văn kiện nào cho biết UBND Xã Bình An đã đồng ý ‎ cho ai “trùng tu” Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An.

Trong khi đó đã diễn ra những cuộc thăm viếng của các phái đoàn người Việt từ hải ngoại về, kể cả vài viên chức ngoại giao Mỹ và VC, kể cả những cuộc gây quỹ nhân danh “trùng tu NTQĐBH”, dù trên giấy tờ nghĩa trang ấy không còn nữa.

Những hiện tượng ấy đã tạo ra ảo tưởng rằng CSVN đã “thay đổi”, đã “cởi trói” và đồng ‎ý, cho phép “trùng tu NTQĐBH”. Cần phải cảnh giác về ảo tưởng này, vì nó chỉ là… ảo tưởng trong lúc CSVN  muốn mọi người nghĩ như thế, và vì đó là một xảo thuật lừa gạt dư luận mà CSVN quen dùng.

Nhóm làm phim "Hồn Tử Sĩ - Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa"

Nhóm làm phim “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa”

Cuốn phim “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” là một tài liệu “giải ảo”, một tài liệu lịch sử rút ngắn về Quân đội VNCH và về NTQĐBH (xưa và nay) để nhắc nhở mọi người không thể lãng quên, nhất là những thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh, để – như lời Học giả Phạm Kim Vinh – “giúp chúng ta tìm lại được niềm kiêu hãnh về Quân lực VNCH” và ghi ơn những chiến sĩ của quân lực ấy, nhất là những người đã ngã xuống trong khi chiến đấu chống lại kẻ thù chung của dân tộc và nhân loại, kẻ thù của Tự Do và Tình Người.

Ngay ở đầu cuốn phim, Thiếu tá Richard Botkin, tác giả cuốn Ride the Thunder, đã nói “người cộng sản không bao giờ quên và không bao giờ tha thứ” (the communists never forget and never forgive). CSVN đã phải trả giá rất đắt trong cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam VN vì sự chiến đấu dũng cảm trong suốt 20 năm của Quân lực VNCH. Cộng sản không bao giờ quên điều ấy và không bao giờ tha thứ.

Nhưng người CSVN cũng không nên quên rằng cái gọi là “Đại thắng mùa xuân” năm 1975 không phải là chiến thắng cuối cùng. Cái thắng bằng xe tăng đại pháo Nga Tàu trước một quân đội đã bị trói tay chưa trả lời dứt khoát câu hỏi “ai thắng ai”. Khối Cộng sản Đông Âu và Liên-sô, cái nôi của CSVN, đã mồ yên mả đẹp từ một phần tư thế kỷ trước. CSVN không thể tồn tại mãi để trả thù những người đã chết.

Muốn được nhẹ tội khi ngày phán xét cuối cùng đến để trả lời câu thách thức “ai thắng ai”, CSVN nên bắt đầu sám hối là vừa, trước tiên là tạ tội với những người đã chết, ngưng ngay kế hoạch xóa bỏ NTQĐBH. Bằng không, ngày luận tội sẽ không tránh khỏi những bản án nặng nề, mà cuốn phim “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa có thể được dùng như một bằng chứng buộc tội. (*)

Virginia, ngày 8.9.2016

Sơn Tùng

(*) Phim “Hồn Tử Sĩ – Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, sẽ được chiếu ra mắt (giới thiệu và phát hành) tại Nhà Hàng Harvest Moon, Falls Church, Virginia, ngày Chủ Nhật 16.10.2016 (https://caoniendc.com/event/gioi-thieu-va-phat-hanh-phim-tai-lieu-hon-tu-si-nghia-trang-quan-doi-bien-hoa/)

Vết Thương Lòng Của Một Thế Hệ

Phan Thanh Tâm

tho-linh-new-home-pageTuyển tập Thơ Lính Chiến Miền Nam (ARVN Soldiers Poetry) tập hợp 125 bài thơ của hơn 50 tác giả là tuyển tập có nhiều hình ảnh sống động của thuở tao loạn trước 1975, được vẽ lên bằng chữ về người đi đánh trận với balô, nón sắt, súng dài, súng ngắn, bản đồ, địa bàn; ở một tiền đồn xa xôi, hay trong một cuộc hành quân trên kinh rạch vào một đêm đen kịt, hoặc đang nằm kích ở  một khu rừng vào một buổi chiều tà lúc trăng vừa ló lên ở bên kia đồi. Tuyển tập còn vang vang tiếng  bom, tiếng đạn, tiếng ca, tiếng khóc, tiếng gió, tiếng lá khô xào xạc, cùng tiếng chửi thề và cả tiếng sóng trong lòng của những người trong cuộc; và dường như có phảng phất cả  mùi tử khí của nhiều xác chết đủ kiểu.

Hầu hết các bài thơ đều có âm điệu và màu sắc đáng nhớ vọng lên nỗi niềm của người chiến binh. Các bài thơ chẳng những đã thể hiện những chấn thương trong tâm hồn của tác giả; mà còn ghi dấu một địa danh, một nẻo đường nào đó trên khắp bốn vùng chiến thuật. Tuyển tập “đầy chất lính trận”. Người sưu tập và chuyển ngữ tuyển tập là cựu sinh viên sĩ quan khóa 3/73 Trường Bộ Binh Thủ Đức  Nguyễn Hữu Thời (NHT), sinh năm 1953, hiện sống ở  Saigon. Trong lời giới thiệu, tác giả cho biết, các bài thơ này là của lính tác chiến thứ thiệt. Một số đã chết trận, nhiều người mất đi một phần thân thể; sau chiến tranh họ phải ở tù, bị hành hạ, bị giết hại. Một số khác, may mắn hơn thì lưu lạc xứ người trong lứa tuổi về chiều.

Tôi không phải là người sính thơ nhưng khi đọc tuyển tập tôi thấy nó hay vì nó chân thật.  Trong những câu thơ bàng bạc nỗi ”thống hận” không đối với địch quân mà chỉ đối với chiến tranh và vận rủi của đất nước. Đúng như tác giả NHT nhận xét, chữ nghĩa trong thơ không cường điệu, không làm dáng. Họ không nói thành, nói tướng  mà đầy vẻ hào hiệp. Họ ngang tàng mà không  ngang ngược, phách lối; không bi thảm hóa hoàn cảnh sống và chết của mình và đồng đội. Hồn thơ toát ra một phong cách khai phóng và còn cho thấy họ đã sống trong một không khí tự do, cởi mở. Câu thơ rất đơn giản, khi thì mạnh mẽ, cứng cỏi; khi thì đầy tình cảm, đầy những ham muốn rất người.

Ôi năm năm dài ta tới lui cuồng nhiệt

Ta được ngủ bờ  ngủ bụi giữa sình lầy

Ta được chuyện trò cùng muỗi mòng điã vắt

Ta được ăn gạo hẩm cơm thiu

Ta được uống nước đià un rửa

Ta được trực thăng vận kích đêm

Ta được thủ dâm từng đêm ham muốn

Ta được ngửi xác thối máu tanh

Ta được nhớ em tận cùng nổi nhớ

 Hà Nghiêu Bích ( Thơ Viết Từ Một KBC)

Tôi cũng có nhận xét như tác giả tuyển tập NHT là những dòng thơ sẽ  “cho ta cảm thấy dường như những người lính này đã linh cảm – mặc dù đã nhập cuộc, đã góp phần vào công cuộc chung nhằm giúp mau kết thúc thời kỳ đen tối – niềm mơ ước chung của họ về một quê hương thanh bình, tươi sáng… có lẽ rồi cũng sẽ không thành! Họ không chủ bại nhưng quả thật khá bi quan. Nó như một dự cảm cho thân phận của họ, của đất nước”.  Tuy vậy, không thấy có dòng thơ nào nói lên lòng căm thù người lính bên kia chiến tuyến “Chúng ta đều bình đẳng trước thương đau” (Ý Yên). Dù rằng họ phải “xếp bút, treo nghiên, bỏ mái trường”(Phạm Quang Ngọc)  để “Rừng thưa dạt gió Hạ Lào; đêm nằm phục kích nhìn sao nhớ nhà.( Trần Vạn Giả)

Tác giả các bài thơ gốc gác từ đâu và là ai? Theo lời giới thiệu trong tuyển tập, họ đã đáp lời sông núi, “đi chiến đấu để đổ  máu và chết”. Họ có thể là một sinh viên đã tốt nghiệp đại học hay dở dang đại học, một thầy giáo, một kỹ sư hay một giáo sư khoa bảng, một học sinh vừa xong trung học..”Dù độc thân hay đã lập gia đình, họ đều rất trẻ, đang tuổi thanh xuân với nhiều mộng tưởng”. Họ cùng được đào tạo ở Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức hay Trường Bộ Binh hoặc trường Hạ Sĩ  Quan Đồng Đế. Họ chỉ mơ ước thanh bình, để có thể  trở về và sống lại lối sống của họ. Nhập ngũ, họ không phải lính thành phố. Họ đều có những trải nghiệm phong phú và tàn bạo vì hoàn cảnh sống chết của họ quá đặc biệt.

Hãy ngủ ngon đừng kinh hoàng nghe con

Dù đêm nay thật nhiều súng nổ

Hãy ngủ ngon đừng đợi chờ nghe em

Dù đêm nay anh đi ra trận

Dù đêm nay anh đi không về

 Tô Nhược Châu  (Lời Cho Vợ Con Trước Giờ Hành Quân)

 Vẫn theo lời của tác giả tuyển tập NHT, nếu không được hấp thụ một nền giáo dục đề cao nhân bản, họ khó lòng viết ra được những dòng thơ của đời lính trận hay như vầy.Tác giả NHT cho biết tuyển tập không gom đủ thơ chiến đấu của những tác giả nổi tiếng hoặc vô danh trong quân đội miền Nam. Đây chỉ  là một sưu tầm nhỏ của một độc giả bình thường, một người lính đọc thơ của lính. Sự chọn lựa những tác giả đưa vào tập thơ hoàn toàn chủ quan và không chuyên nghiệp; nhiều nhà thơ quân đội nổi tiếng ở miền Nam đã không có mặt. Lý  do? Người sưu tầm không có cơ hội đọc thơ của các vị đó hoặc có khi chỉ vì vài tác giả nào đó, dù là quân nhân, nhưng không phải lính chiến, nên những bài thơ của họ không được đưa vào.

 Mưa đổ quanh mặt trận đầy thây người chết

Xác vắt trên kẽm gai, xác vắt cạnh hào

Xác cúi khom khô cứng, xác gầy như bệnh

Mưa trên xác chết trời chẳng chút nghẹn ngào

Có mẹ già bỏ nhà chạy mang cháu nhỏ

Những đoàn người ngơ ngác chạy trốn chiến tranh

Đạn vẫn rơi và thêm nhiều người ngã xuống

Còn nỗi chết nào hơn nỗi chết quanh đây

 Nguyễn Tiến Cung (Mưa Và Nỗi Chết ở An Lộc)

Mấy tháng rồi tao chưa thấy Saigon

Mấy tháng rồi tao không được hôn em

Tao thèm làm tình như tao thèm sống

Tao thèm hôn em hôn liên miên

Lê Công Sinh ( Người Về)

Trong lời mở đầu tuyển tập, tác giả NHT cho biết, ông thực hiện tuyển tập với bản dịch các bài thơ sang tiếng Anh, nhằm hướng đến độc giả mà tiếng Anh là bản ngữ, nhất là các độc giả từ những nước ít nhiều đã dính líu đến cuộc chiến, để phần nào giúp họ hiểu được tâm tình cũng như xúc cảm của người lính miền Nam. Theo tác giả  tuyển tập, ông tự thấy có trách nhiệm ghi lại, giữ lại những gì đã là tim óc, máu huyết của những đồng đội đàn anh, những người đã dùng thơ nói lên thay cho mình và cả thế hệ của mình những điều mình đã trải qua và cảm nhận nhưng đã không thể nói. Vẫn theo tác giả NHT, “nếu không được gìn giữ, biết đâu rồi sẽ mai một, sẽ bị quên lãng, sẽ biến mất.. thì quả là đáng tiếc cho cho tất cả chúng ta, nhất là với những nhà nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam”  về “Người lính miền Nam đi đánh giặc ; ba lô mang theo hồn thơ văn (Nguyện Phúc Sông Hương)”   

 Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, người hiệu đính tuyển tập, trong lời bạt viết, “những binh sĩ nhà thơ này không những đã đền ơn xã hội sinh thành ra họ mà còn lưu lại một di sản không xóa nhòa được cho các thế hệ mai hậu  để con em chúng ta có thể chiêm ngưỡng bất kể họ ở đâu trên khắp địa cầu”. Cố Giáo sư còn tỏ ý mong tập thơ sẽ giúp độc giả  có khái niệm tốt về người lính VNCH, những người suốt 20 năm đã xả thân bảo vệ hoà bình và an ninh cho miền Nam. Cố Giáo sư trong lời dẫn nhập còn viết,  tuyển tập là sản phẩm của lính chiến đấu trong một cuộc chiến cam go, đứng trước một kẻ thù đầy mưu mẹo, nhưng lòng họ vẫn có chỗ cho người yêu, cho tình đồng đội, không trừ cả tình lân mẫn dành cho đối phương. Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương cho biết cố Giáo sư ngoài viết Anh-Việt lời dẫn nhập và lời bạt cũng đã giúp layout cuốn sách.

Ba làm sao quên được

Rồi ngày mai ngày mốt và những ngày sau đó

Ba sẽ ở một tiền đn xa xôi nào đó

Thật ngòai tầm nhìn của con , của mẹ, của nội ngoại

Con không bao giờ biết

Không ai có thể biết được

Một đời làm lính thú như ba

Cho tôi ngủ nhà một đêm

Để nghe hơi thở của vợ, của con mùi nước tiểu

                    thương yêu đã từ lâu tôi thèm muốn

Âu yếm nào trên môi

Hãy cho tôi lời xin thật nhỏ

Một lần rồi thôi

Đã từ lâu ba hằng nhớ các con

Như đã khóc một mình

Trần Yên Hòa (Lời Xin)

Trong tuyển tập có bài thơ Kỷ Vật. Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Ông đã chắp cánh cho nó bay xa cùng khắp đất nước từ năm 1970; khiến bản nhạc trở thành một hiện tượng.. Tuyển tập in bài thơ là của Chuẩn Nghị với ghi chú: Chuẩn Nghị, tên thật là Nguyễn Đức Nghị, người Phan Rang, nhập ngũ khóa 26 SQTB Thủ Đức, về tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, hy sinh tại mật khu Bời Lời, Tây Ninh tháng 4/1969; đã viết nhiều thơ đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong, Chiến Sĩ Cộng Hòa. Bản nhạc của Phạm Duy thì ghi lời là của Linh Phương. Nhà văn Uyên Thao, chủ trương Tủ sách Tiếng Quê Hương (TQH), nơi phát hành tuyển tập cho biết, tác giả tuyển tập NHT đã khẳng định, bài thơ là của Chuẩn Nghị vì Chuẩn Nghị là bạn của ông làm từ đầu năm 1969.

Tựa bản nhạc của Phạm Duy là  Kỷ Vật Cho Em. Tựa của Linh Phương: Để Trả Lời Một Câu Hỏi.  Bản gốc của hai bài thơ  Linh Phương, Chuẩn Nghị đều có hai câu đầu:” Em hỏi anh bao giờ trở lại; Xin trả lời mai mốt anh về”. Bài của Chuẩn Nghị làm bằng thể thơ tự do còn của Linh Phương bằng thể thơ thất ngôn. Cả hai bài cùng viết về sự mất mát của chiến tranh và có  nhiều ý tưởng trùng nhau nên khiến gây ra nghi vấn.

Tủ sách TQH là nhà xuất bản hay giới thiệu các tác phẩm giá trị của các tác giả đang sống tại quê nhà và các tác giả trẻ. Mọi giao dịch qua địa chỉ: P.O Box 4653- Fall Church, VA 22044 – USA hay qua điện thư: uyenthao174@yahoo.com.

 Kỷ Vật. – Chuẩn Nghị

Em hỏi anh bao giờ trở lại ?

Xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,

Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng.

Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,

Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.

Anh trở về nằm giữa vòng hoa,

Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt. 

Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,

Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.

Nó đã từng che nắng che mưa,

Đã từng hứng cho anh giọt nước.

Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,

Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.

Anh gởi cho em một tấm poncho,

Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.

Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,

Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.

Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,

Và….khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.

Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,

Nhận không em chút tình lính này đây ?

Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,

Nhưng tình lính chỉ lạt phai

Khi hình-hài và con tim biến-thể.

———————————————-

Phan Thanh Tâm

Saint Paul, 8/16.