Chu Lynh và “Mảnh Da Vàng”

Nguyễn Quang Dũng

Bìa “Mảnh Da Vàng”, trải rộng

Ở bài viết này, tôi sẽ là người đọc và viết về  tập sách “Mảnh Da Vàng” của Chu Lynh ở một góc cạnh không giống với một độc giả bình thường vì tôi là một trong những người bạn ở chặng đường cuối cùng với tác giả lo việc trình bày từ trong ra ngoài, kiểm lỗi đánh máy, và  giúp tay cho “đứa con tinh thần” của Chu Lynh đã “thai nghén” hơn 30 chục năm qua được “ra đời”.

Chu Lynh đến với  cơ sở ấn loát của tôi cách đây đã hơn 20 năm với công trình sưu khảo của anh trong một tập sách dầy hơn 400 trang về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Anh là một trong những người rất kính trọng Giáo Sư Huy và tôi cũng vậy. trước 1975, tôi đã là một môn sinh của GS Huy ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Tôi đã sốt sắng giúp tay Chu Lynh trong việc trình  bày và ấn loát tác phẩm sưu khảo của anh.

Và lần này, vào  cuối tháng 2 năm 2022, Chu Lynh  lại gỏ cửa “nhà in” của tôi,  nói với tôi rằng anh muốn in tập sách “Mảnh Da Vàng”. Tập sách Chu Lynh mang theo trong đời sống nổi trôi theo vận nước của anh suốt hơn ba mươi năm.

Tôi và Chu Lynh đều là những người “cầu toàn“ do vậy đã tốn nhiều thì giờ cho việc chuẩn bị cho ra đời Mảnh Da Vàng. Chúng tôi làm việc, thảo luận qua lại với nhau hơn hai tháng trường để trình bày cái bìa sách, đọc và sửa lỗi đánh máy, trình bày các trang trong của tập sách  với nhiều hình ảnh tư liệu do tác giả cung cấp và đồng ý với nhau về kế hoạch và trình tự thời gian hoàn thành.

Nhưng cả hai chúng tôi đều không biết rằng vào tháng 3/2022, tác giả Chu Lynh đã trải qua một biến cố “thập tử nhất sinh” khi đang trên đường cho những cuộc phỏng vấn làm phim tài liệu. Chu Lynh thuật lại:

“Tôi đang qua đêm ở nhà một người bạn trẻ. Buổi sáng, bất ngờ tim tôi đập mạnh, khó thở, tiếng nói ú ớ không thành lời. Người bạn gọi xe cấp cứu vào bệnh viện Fountain Valley. Áp huyết lên 221.

Qua một đêm, bác sĩ cho biết ống dẫn máu vào tim bị vỡ, …” (Mảnh Da Vàng, tr 368)  

Chu Lynh trong phòng ICU Bệnh viện Keck Medical Center of USC, Los Angeles, California. (Ảnh: Mảnh Da Vàng, Trang 369)

May mắn, Chu Lynh vượt qua cuộc giải phẩu tim ở California. Còn sống. Còn thở. Chỉ yếu sức so với trước kia. Và lên máy bay về lại được Virginia.

Do vậy chương trình làm việc với nhà in của tôi dự trù 2 tháng phải được nới dài ra, mãi cho đến tháng 8/2022 thì mới in xong tác phẩm Mảnh Da Vàng

Ở trên, tôi không nói và viết gì về Mảnh Da Vàng có lẽ là vì tôi không muốn là người thêm vào trong số những nhà văn, nhà báo đã viết nhiều lời khen tặng hay  đã trích dẫn những đoạn văn  mang nhiều tâm tình về một thời trôi nỗi thăng trầm trên quê hương Việt Nam của Chu Lynh.

Ở đây, tôi muốn nói với Chu Lynh rằng  anh đã chọn cái tựa sách rất hay và rất đúng với những gì anh chuyên chở trong  400 trang sách của Mảnh Da Vàng.

Những gì Chu Lynh viết xuống, ghi lại khi  trong trại tù cộng sản, hay khi được thả ra ngoài – trong một nhà tù lớn hơn, trong thân phận một người lính bại trận sau 1975 ở quê hương Việt Nam khốn khó, không là những điều gì mới mẻ hay lạ lùng đối với tôi.

Nhưng có một cảm giác kỳ lạ từ những mảnh tâm tình rời rạc, những mảnh ký ức lộn xộn, từ một tập sách với nhiều đoản văn, bài viết, bút ký, xen lẫn với những hình ảnh tư liệu của tác giả: Những mảnh đời sống của Chu Lynh trong Mảnh Da Vàng làm tôi liên tưởng đến những tâm tình vụn vỡ của hàng triệu người Việt miền Nam Việt Nam sau 1975, bỏ nước ra đi, tìm đến một mảnh đất tự do. Trong đó có những người lính thất trận, những người dân với thân phận “ngụy quân, ngụy quyền” …những người không còn đất sống trên chính quê hương mình. Mà tôi cũng ở trong số đó, những người Việt được thế giới gọi là “Boat People”, một phần của đội ngũ những người Việt vong quốc.

Sau những năm dài mở ra hàng triệu mảnh đời sinh tồn của người Việt trên xứ người, dường như đời sống của Chu Lynh, của tôi, hay của nhiều người Việt đồng cảnh ngộ là đời sống của nhịp đôi. Nửa Mỹ, nửa Việt. Hay nửa Úc, nửa Việt. Hay nửa Pháp, nửa Việt…là đời sống của bên này, bên nhà. Dường như có cái gì phân đoạn, ngắt quãng, không liền lạc, trong tâm thức của những người Việt lưu vong.

Đó là những cảm nhận rất thực trong  tôi khi gấp lại tập sách  Mảnh Da Vàng của Chu Lynh: Những mảnh đời vụn vỡ sau 1975. Những tâm tình của bèo dạt hoa trôi. Những mệt mỏi của ngày này, tháng nọ trên con đường tìm lại quê hương đã xa. Những thất vọng khi thấy lũ tà quyền, ác nhân, cho đến nay, vẫn toàn quyền trên xứ sở Việt Nam thân yêu. Những chua xót từ sự mất mát những nhân tài Việt Nam lưu vong như Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mà không tìm thấy người kế tục.

Nhưng ít nhất Chu Lynh cũng đã “tận nhân lực” khi lao mình vào việc thực hiện những cuốn phim tài liệu của Vietnam Film Club hay VFC, một tổ chức do anh sáng lập cùng với GS Nguyễn Ngọc Bích năm 2010. Chu Lynh “đơn thương, độc mã”, đi xuyên bang nước Mỹ, tới tận trời Âu, vượt ngàn dặm tới Úc và nhiều quốc gia khác trên  thế giới để thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn những nhân chứng lịch sử của tập thể người Việt lưu vong và cho ra mắt hàng chục tập phim tài liệu chưa ai làm được.

Và điều quan trọng là Mảnh Da Vàng (*) đã ghi lại được gần hết những nỗ lực vượt mức của Chu Lynh:

  • Để tồn sinh vượt thoát những nghiệt ngã tàn bạo nhất của cộng sản Việt Nam
  • Để đấu tranh, bằng mọi phương tiện tự lực của chính mình, nói lên tiếng nói của chính nghĩa và nhân bản Việt Nam Cộng Hòa.
  • Và để tiếp tục là Trái Tim Lửa trong tập hợp hàng vạn Trái Tim Lửa của những người Việt Nam lưu vong yêu quê hương, vẫn còn đang trên đường tìm về, với hy vọng tìm thấy lại Quê Hương Việt Nam Tự Do Dấu Yêu.

Nguyễn Quang Dũng

Focus Digital Publishing

Tháng 1/2023

 

(*) Mảnh Da Vàng, 400 trang, Tác giả tự xuất bản, phát hành tháng 9/2022. Liên lạc tác giả: CHULYNH@GMAIL.COM

Từ “Black April: The Fall Of South Vietnam 1973-1975” Đến: “Drawn Swords In A Distant Land: South Vietnam Shattered Dreams”

Nguyễn Quang Dũng

George J. Veith và hai tập sách nghiên cứu về Việt Nam

Ông George J. Veith không phải là một người xa lạ với cộng đồng người Việt Quốc Gia vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn mà trái lại là một người bạn rất thân với nhiều người Việt trong vùng. Nhiều năm về trước, tại trụ sở Hội Người Việt Cao Niên, nhiều người chúng ta có dịp gặp Veith trong buổi Ra Mắt Sách bản dịch “Black April”( “Tháng Tư Đen”) và có lẽ nhớ đến Veith là tác giả của cuốn sách nổi tiếng này về những năm chiến đấu cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày Sài Gòn thất thủ, 30/4/1975.

Nhưng Veith không ngừng ở “Black April.” Trong cuốn sách mới nhất của ông, “Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams” do Encounter Books xuất bản năm 2021, ông dẫn người đọc đi sâu hơn, xa hơn trong hành trình nghiên cứu phức tạp và rộng lớn hơn về sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam hay về một giấc mơ, hay nói đúng hơn, về một hoài bão xây dựng một miền Nam Việt Nam dân chủ, độc lập và tự cường cuối cùng đã bị vỡ vụn.

Phải nói hai cuốn sách nói trên của Veith đều là những cuốn sách “nặng ký”, cả lượng lẫn phẩm.
Cả hai cuốn sách đều dày trên 600 trang, chữ nhỏ, bìa cứng. Bài viết này sẽ cố gắng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách mới của Veith, Drawn Swords in a Distant Land.

1.

Tựa đề của cuốn sách là một chọn lựa chữ nghĩa “kỳ lạ” của Veith.
Không đơn giản và trực tiếp như “Black April”, “Drawn Swords in a Distant Land” làm độc giả người Việt liên tưởng ngay đến một cuộc “đấu gươm” hay “kiếm đã tuốt ra khỏi vỏ” và cuộc đấu kiếm đã khởi động ở một vùng đất xa xôi, Việt Nam.

Nhưng thực ra không phải vậy.
Veith có cách đặt tựa đề cho mỗi chương sách rất lôi cuốn. Người đọc có cảm tưởng như đang theo chân một phóng viên chiến trường (như trong “Black April” ) tường thuật những trận chiến ác liệt hay theo dõi một phóng viên thời sự phân tích những cuộc chiến phức tạp đầy dẫy những toan tính, đấu đá trên đấu trường chính trị. Và trong Drawn Swords in a Distant Land , chỉ có một chương, là chương chót, có nhắc đến chữ “Sword”: Chương 24, trang 535, với tựa đề là “I Will Draw Out My Sword”.

Ở cuối chương 24, những dòng chót trong phần kết luận của cuốn sách, Veith trích dẫn câu Kinh Thánh ẩn dụ số phận của dân tộc miền Nam Việt Nam: “I will turn my face against you so that you will be defeated by your enemies…I will scatter you among the nations and will draw out my sword and pursue you. (82)”
Tìm cái “ghi chú” số (82) ở trang 618 thì chỉ là mấy chữ: “Leviticus 26:17-38” (Lê-vi-ký 26:17-38).

Dưới đây là bản tiếng Việt sách Lê-vi-ký, đoạn 26, dòng 17 đến 38:

(Lê-vi-ký 26:17Ta sẽ nổi giận cùng các ngươi; các ngươi sẽ bị quân thù nghịch đánh đập; kẻ nào ghét các ngươi sẽ lấn lướt các ngươi, và các ngươi sẽ chạy trốn không ai đuổi theo. 18 Nếu đến đỗi vậy mà các ngươi không khứng nghe ta, ta sẽ vì cớ tội phạm, thêm gấp bảy lần đặng sửa phạt các ngươi, 19 và ta sẽ dẹp sự kiêu ngạo về năng lực các ngươi. Ta sẽ khiến trời các ngươi cứng như sắt và đất trơ như đồng; 20 năng lực mình hao mòn vô ích, đất không sanh sản huê lợi, cây cối không kết bông trái. 21 Nếu các ngươi phản đối cùng ta, và không muốn nghe ta, thì ta sẽ tùy theo tội phạm giáng tai vạ trên các ngươi gấp bảy lần nữa. 22 Ta sẽ sai những thú đồng đến tha con cái các ngươi đi, ăn hại súc vật, diệt số người ra ít; và đường nẻo các ngươi sẽ vắng tanh. 23 Dẫu đến những việc ấy mà các ngươi cứ không phục sự sửa phạt ta, cứ phản đối cùng ta, 24 thì ta đây cũng sẽ nghịch lại cùng các ngươi, và vì cớ tội lỗi, sẽ giáng tai vạ cho các ngươi gấp bảy lần nữa. 25 Ta sẽ khiến gươm giáo đến trên các ngươi đặng báo thù sự giao ước ta; khi các ngươi hội hiệp trong những thành mình, ta sẽ giáng dịch hạch đến giữa các ngươi, và nộp các ngươi vào tay thù nghịch. 26 Khi ta dẫn sự đói kém đến, mười người nữ sẽ nướng bánh của các ngươi trong một lò, cân bánh trao lại cho các ngươi; các ngươi sẽ ăn mà không no. 27 Dẫu đến nỗi vậy, mà các ngươi cứ không khứng nghe ta, còn phản đối cùng ta, 28 thì ta cũng sẽ nghịch lại cùng các ngươi cách giận dữ, và vì cớ tội lỗi các ngươi, sẽ sửa phạt gấp bảy lần nữa. 29 Các ngươi sẽ ăn thịt con trai con gái mình; 30 ta sẽ hủy diệt những nơi cao các ngươi, phá đổ những hình mặt trời, và để thây các ngươi chồng trên thây của hình tượng mình, tâm hồn ta sẽ ghê gớm các ngươi. 31 Ta sẽ làm cho thành các ngươi ra vắng vẻ, các nơi thánh quạnh hiu, và ta chẳng còn hưởng mùi thơm về của lễ các ngươi nữa. 32 Ta sẽ làm xứ ra đồi bại, đến đỗi kẻ thù nghịch ở tại đó cũng lấy làm lạ. 33 Ta sẽ tản lạc các ngươi trong các dân và rút gươm ra đuổi theo sau các ngươi: xứ các ngươi sẽ hoang vu, thành sẽ vắng vẻ. 34 Trọn trong lúc đất bỏ hoang vu, và các ngươi ở trong đất của kẻ thù nghịch, khi đó đất sẽ được an nghỉ hưởng những năm sa-bát. 35 Trọn lúc đất bỏ hoang vu sẽ được an nghỉ; vì lúc các ngươi còn ở đất đó, nó không được an nghỉ trong những năm sa-bát của các ngươi. 36 Còn ai trong các ngươi sống sót lại, ta sẽ làm cho họ nhát gan trong xứ của thù nghịch mình; tiếng lá khua sẽ làm cho họ chạy trốn, khác nào chạy trốn trước lưỡi gươm, té ngã mà không ai đuổi theo. 37 Người nầy vấp ngã trên người kia như trước ngọn gươm, vốn chẳng ai rượt đuổi theo họ; các ngươi không thể chịu nổi trước mặt quân thù nghịch mình. 38 Các ngươi sẽ bị chết mất giữa các dân, đất kẻ thù nghịch sẽ nuốt các ngươi.

Nguồn: https://vietchristian.com/kinhthanh/tim.asp?btt/2/26:0-27:0 )

Rất lạ lùng với ẩn dụ từ đoạn kinh Lê-vi-ký trong Thánh Kinh mà Veith dùng để so sánh với số phận nghiệt ngã của dân tộc miền Nam Việt Nam sau 30-4-1975: Người dân Việt chúng ta, phân tán, lưu vong khắp nơi trên thế giới, giống như dân Do Thái, nhận lãnh hình phạt của Đức Chúa Trời từ những tội lỗi mà chúng ta đã làm do cuộc sống chạy theo những sa đọa tội lỗi, vật chất, không thờ phượng và tuân phục Luật Chúa.

Rất lạ lùng, vì nếu có chăng trong ý nghĩ của nhiều người Việt, chịu ảnh hưởng nặng văn hóa Khổng giáo và Phật giáo, thì số phận của hàng triệu người Việt lưu vong sau 30-4 là cộng nghiệp từ hệ nghiệp-quả của việc xóa bỏ và đồng hóa dân tộc Chàm trên bước đường Nam Tiến, mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của cha ông chúng ta.

2.

Veith dành hơn 6 năm trời để thu thập, nghiên cứu tài liệu; tiếp xúc, phỏng vấn nhiều nhân vật đã từng tham gia các vị trí quan trọng trong chính phủ VNCH; và nhất là đặt trọng tâm cho công trình nghiên cứu của ông để theo dõi và tìm hiểu về tiến trình khai sanh của Đệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và về một vị tổng thống bị bỏ quên bên bờ lịch sử vì đã thua trận chiến cuối cùng với kẻ địch: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Rất hiếm các sách báo tiếng Anh hay tiếng Việt nghiên cứu nghiêm túc về Đệ Nhị Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của TT Nguyễn Văn Thiệu. Lấy ví dụ, tập sách “Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975)” (Tiếng Nói từ Đệ Nhị Cộng Hòa Nam Việt Nam 1967-1975) do Sử gia K.W. Taylor, Trung tâm Xuất bản Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell, chủ biên, thì chỉ là một thu thập một số bài viết từ 10 tác giả VNCH đã từng tham chính và giữ vị trí quan trọng trong chính phủ Nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Veith trình bày công trình nghiên cứu lịch sử về miền Nam Việt Nam của ông một cách có hệ thống và xuyên suốt dẫn đi từ thời Gia Long thống nhất Việt Nam, thời Pháp thuộc, giai đoạn phân chia đất nước 1945-1954, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, và rốt ráo đặt hết trọng tâm cuốn sách cho Đệ Nhị Cộng Hòa và TT Nguyễn Văn Thiệu. Veith chọn một con đường riêng không ai làm trước đây khi chọn TT Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật lịch sử trọng điểm cho công trình nghiên cứu sử của ông, trong lúc TT Nguyễn Văn Thiệu thường bị lãng quên, hay tệ hơn, bị đổ tội hay nhắc tới trong các sách báo nghiên cứu như một TT độc tài, bất xứng, không có khả năng lãnh đạo và dẫn tới hậu quả tất nhiên là sự sụp đổ của miền Nam.

Lịch sử thường thuộc về Phe Thắng Cuộc. Các tài liệu, văn bản, nhân chứng của Phe Thua Cuộc sẽ đi vào lãng quên hay mất mát theo thời gian. Công trình nghiên cứu của Veith trong Drawn Swords in a Distant Land do vậy sẽ là tài liệu rất quan trọng (nhất là cho người Việt ở nước ngoài) ghi nhận lại những nỗ lực của miền Nam Việt Nam trong việc xây dựng một thể chế dân chủ, pháp quyền, và kinh tế thị trường dựa trên quyền tư hữu trong thời chiến tranh.

3.

Trọng tâm cuốn sách Drawn Swords in a Distant Land là sự nghiệp chính trị của TT Thiệu và nỗ lực của ông trong việc xây dựng Đệ Nhị Cộng Hòa, một chính thể cộng hòa dân chủ, pháp quyền với một nền kinh tế tư hữu. TT Thiệu đã phải hoàn thành điều này trong khi chiến đấu quyết liệt chống lại kẻ thù cộng sản nằm vùng và xâm nhập từ miền Bắc. Veith là một nhà nghiên cứu sử hiếm hoi đặt mình vào vị trí và góc nhìn của Nam Việt Nam, điều này làm giảm bớt vai trò của các góc nhìn “kiểm soát và thống trị” của chính phủ Hoa Kỳ đối với sinh hoạt chính trị Nam VN và cho phép độc giả nhìn nhận chính quyền Nam VN như một thực thể chính trị độc lập và sinh động, đối phó với các tình huống thay đổi hàng ngày trước mặt.
Veith cho rằng vai trò của TT Thiệu đã bị đánh giá một cách không công bằng. Nhiều thành tích và thành quả chính trị, kinh tế của ông đã bị lãng quên. TT Thiệu thực hiện cải cách ruộng đất, xây dựng vững mạnh guồng máy chính quyền trung ương và địa phương, giám sát một số cuộc bầu cử, và hàn gắn lại một miền Nam VN sống thường xuyên và liên tục trong xung đột và rạn nứt. TT Thiệu phải vượt qua tất cả những khó khăn trong việc xây dựng đất nước trong khi hàng ngày phải lãnh đạo quân đội VNCH bảo vệ sự toàn vẹn và an ninh lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Bức chân dung đầy thiện cảm của Veith về TT Thiệu cho thấy hình ảnh một cá nhân kiên cường, một người đã biến đổi từ một vị tướng quân đội khiêm tốn thành một chính trị gia đầy khả năng và mưu lược để đứng vững trước nhiều tình huống của thời cuộc.

Veith mô tả TT Thiệu như một hình mẫu của khả năng quản lý, nhưng đồng thời cũng không thể giám sát một chính phủ đang gặp khó khăn bởi tham nhũng và bê bối mà ông không thể kiểm soát. Thêm vào đó, TT Thiệu không bao giờ có thể thống nhất các nhóm xung đột giữa những người theo chủ nghĩa quốc gia của miền Nam Việt Nam.

Những vấn đề này là đặc tính của tất cả các nền dân chủ non trẻ, và mặc dù có sự bất mãn giữa người dân miền Nam Việt Nam với chính phủ của TT Thiệu, chính thể Đệ Nhị Cộng Hòa nhất định vẫn tốt đẹp hơn nếu so với chính thể độc tài đảng trị của cộng sản miền Bắc. Nhưng cuối cùng, TT Thiệu đã không thể vừa xây dựng đất nước vừa chống lại kẻ thù sau khi mất đi sự ủng hộ của người Mỹ.

4. Tạm kết:

Đối với nhiều độc giả người Việt, chúng ta có thể tìm thấy lại mình ở trong một giai đoạn lịch sử nào đó dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Nếu đời sống mỗi người chúng ta tạo thành một mảnh của bộ tranh ráp hình thì Veith là người đã cặm cụi nhiều năm trời để góp nhặt, tìm hiểu quan sát và lắp ráp hàng trăm ngàn mảnh nhỏ của đời sống người dân và chính quyền miền Nam Việt Nam. Sau cùng, Veith cũng đã hoàn thành được việc “lắp ráp” một bức tranh lớn của Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Điều quan trọng Veith muốn trình bày với độc giả là bức tranh này có hình dáng đặc thù và sắc thái riêng của nó. Nhất định đây là một công trình thực hiện đầy tham vọng của Veith đáng được đánh giá cao và là thách thức đối với nhiều sách báo, truyền thông và nghiên cứu cho rằng miền Nam Việt Nam là một con rối thối nát của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Và ở lúc này, bây giờ, 47 năm ngày quốc hận 30-4, xin cảm ơn ông, George J Veith.

Vì lẽ, cuối cùng ở đây chúng ta thực sự có một người bạn Hoa Kỳ, rất tài giỏi, am hiểu tình hình đất nước Việt Nam và đứng cùng chung một chiến tuyến của những người Việt Quốc Gia yêu tự do, và nhất là đã giúp chúng ta nói lên được những nỗ lực để xây dựng một miền Nam dân chủ, cộng hòa pháp trị, song song với những nỗ lực phát triển kinh tế trong thời chiến dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Cho dù hoài bão hay giấc mơ này đã thất bại và tan vỡ vào tháng tư đen 1975, điều đó cũng không làm chúng ta, những người Việt Quốc Gia lưu vong, mất hy vọng vào một thay đổi cho Việt Nam tương lai.

Nguyễn Quang Dũng
Mùa Quốc Hận thứ 47

Đặc San Cao Niên Xuân Nhâm Dần 2022

Ở phía trên Đặc San, xin bấm vào ký hiệu 4 mũi tên (được khoanh đỏ như trong hình trên) để xem toàn màn hình (full screen). Bấm nút “Esc” để trở về trang web. (áp dụng cho laptop hay PC)

Đặc San Cao Niên Xuân Tân Sửu 2021

Ở phía trên Đặc San, xin bấm vào ký hiệu 4 mũi tên (được khoanh đỏ như trong hình trên) để xem toàn màn hình (full screen). Bấm nút “Esc” để trở về trang web. (áp dụng cho laptop hay PC)

Lê Văn Khoa, một đời không phải chỉ cho nghệ thuật

Sơn Tùng

Lê Văn Khoa, Một Đời Cho Nghệ Thuật”, là tên của một phim tài liệu do Việt Nam Film Club vừa thực hiện và ra mắt ngày 22.7. 2018 tại Virginia, Vùng Hoa-Thịnh-Đốn. Sau đó, đã ra mắt tại nhiều nơi khác.
Nhan đề ấy đã nói lên tất cả về nội dung của cuốn phim mà nhóm sản xuất cho biết đã “được thực hiện công phu nhất từ trước đến nay của Vietnam Film Club, với phần phỏng vấn 22 nhân vật Việt Nam và ngoại quốc nhận định về sự nghiệp 65 năm đóng góp cho đất nước Việt Nam của nghệ sĩ Lê Văn Khoa trong lãnh vực giáo dục, nhiếp ảnh và âm nhạc”.
Thật vậy, nhận định về sự nghiệp của Lê Văn Khoa là điều rất khó. Sự nghiệp ấy đã khởi đầu cùng một lúc với việc thành lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam và đã đơm hoa kết trái cùng với đời sống tự do, ấm no, an hòa của người dân miền Nam cho đến khi VNCH bị đột tử năm 1975 thì sự nghiệp của Lê Văn Khoa vẫn tiếp tục thăng hoa, mang hình ảnh tươi đẹp của miền Nam Việt Nam tự do tới khắp các miền đất lạ trên thế giới, trong đó quan trọng nhất là qua âm nhạc.
Năm 1995, Lê Văn Khoa viết xong bản hợp tấu “Symphony Vietnam 1975”, hay “Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975”, và được trình tấu lần đầu tại California. Viết về buổi hòa nhạc này, Quỳnh Giao đã ghi nhận như sau: “Hồi tưởng lại sự cảm nhận của mình khi nghe hòa nhạc chúng tôi thấy rằng, quả Lê Văn Khoa đã chọn cho ông con đường khó. Ông đã lấy biến cố lớn lao của đất nước làm cảm hứng sáng tác sau 20 năm tưởng như đã lắng đọng. Nhưng dù 20 năm đã qua, biến cố ấy vẫn còn bừng bừng trong tâm tư của chúng ta. Lê Văn Khoa lại chọn một thể loại trừu tượng và cầu toàn nhất là nhạc không lời để diễn tả những cảm xúc và suy tư của mình về một biến cố chỉ riêng người Việt Nam mới thấm thía tới tâm can. Nhưng khác một số nghệ sĩ sáng tác Việt Nam, ông không đi thẳng vào thế giới âm nhạc không lời hiện vẫn là vùng ngự trị của nhạc cổ điển Tây phương, tức là viết một tác phẩm mang nhiều âm sắc Tây phương. Ông ngoái nhìn lại và cố bắt một nhịp cầu dẫn thính giả Việt Nam đi từ những giai điệu đã quen tai văng vẳng có lời ru, tiếng hò tới những vùng âm thanh mới lạ hơn. Ông cố hòa hợp giai điệu ngũ cung của nhạc truyền thống Việt Nam với cái đại đồng của âm nhạc không biên giới. Lê Văn Khoa cũng cố tình viết từng cảnh thu nhỏ và sắc nét được minh họa bằng dân ca quen thuộc để người nghe dễ tiếp nhận một tác phẩm diễn tả những biến cố đau thương của đất nước bằng ngôn ngữ toàn cầu là nhạc…”
Lý do viết nhạc giao hưởng, Lê Văn Khoa giải thích như sau trong một buổi nói chuyện tại Viện Việt Học ở Orange County, Nam California, vào năm 2007:
“Thực ra, ý tưởng dùng nét nhạc dân tộc trong tác phẩm mình không phải là mới mẻ. Đã có rất nhiều tên tuổi âm nhạc lớn quay về cội nguồn quê hương, đưa bản sắc dân tộc vào nhạc của họ, như Chopin, Liszt, Tchaikovsky, Dvorak…
“Tôi muốn viết nhạc làm sao để đưa dân nhạc ra khỏi biên cương Việt Nam. Viết cho những nhạc cụ phổ thông thế giới để người ta chơi được thì mình phải mất đi một phần tinh túy của nét nhạc mình…
“Viết trên nền nhạc dân tộc không phải là chuyện dễ vì nét nhạc gò bó. Nhưng mình cũng phải viết vì không làm thì không có. Điệu nhạc Bình Bán Vắn mình nghe hoài, thấy rất tầm thường. Nhưng khi nó được tấu lên bằng dàn nhạc giao hưởng thì khác hẳn. Nó sáng rực lên, khác nào Cinderella được bà tiên hóa phép cho mặc bộ áo dạ hội lộng lẫy.”
Trong buổi ra mắt “Lê Văn Khoa – Một Đời Cho Nghệ Thuật” tại Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, Lê Văn Khoa cũng nói về nhu cầu phải viết nhạc giao hưởng nếu muốn đem âm nhạc Việt Nam ra với thế giới. Ông nói năm 1973 ông từng có nhiều buổi nói chuyện với Giáo Sư Nguyễn Hữu Ba, một chuyên gia về cổ nhạc Việt Nam, và đã không đồng ý với nhau. Ông Ba muốn nhạc cổ truyền của mình phải chơi bằng nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, lục huyền cầm hay đàn bầu…
Theo ông Lê Văn Khoa thì chưa chắc mấy nhạc cụ đó đã là của Việt Nam, trong khi muốn người ta chơi nhạc của mình thì mình phải làm sao viết cho họ chơi được bằng nhạc cụ của họ. Ông đã nói về cây đàn Bandura, một nhạc cụ nhiều dây cổ truyền tuyệt vời của Ukraine, nhưng rất khó viết nhạc cho cây đàn này, với cả nhạc sĩ Ukraine. Nhưng Lê Văn Khoa đã say mê Bandura và đã đưa những bài dân ca Việt Nam như Lý‎ Ngựa Ô, Se Chỉ Luồn Kim, Trống Cơm vào những bản hợp tấu viết cho nhạc cụ này.
Những nhạc sĩ người Ukraine đã rất hãnh diện được trình tấu nhạc Việt Nam với cây đàn Bandura và mê nhạc cổ truyền Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên họ được dùng nhạc cụ này để chơi một bản nhạc ngoại quốc, và những bản hòa tấu này như một sứ giả “đã nối liền hai nền văn hóa rất xa nhau về địa lý nhưng lại rất gần trong tim và tinh thần”, như phát biểu của một nữ nhạc sĩ người Ukraine.
Nhưng, đã nói về “Symphony Vietnam 1975” thì không thể không nói tới “Ca Ngợi Tự Do”, hành âm cuối cùng này của “Symphony Vietnam 1975” đã xác lập tài nghệ âm nhạc của Lê Văn Khoa trên sân khấu quốc tế, đồng thời cũng làm nổi bật sứ mạng của một chiến sĩ văn hóa mà ông đã tự nhận lãnh từ khi dấn thân vào thế giới nghệ thuật muôn màu, muôn vẻ 65 năm trước, khi vừa 20 tuổi đời.
Giờ đây, đã 85 tuổi, mái tóc đã bạc trắng trên đầu, và lưng đã còng sâu xuống, dáng đứng của người chiến sĩ văn hóa ấy đã không hề thay đổi. Vẫn hiên ngang, hào hùng, vẫn lạc quan, và tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng của Lý tưởng Tự Do trên quê cũ và ước hẹn một ngày về trong vinh quang.
Nhưng, Lê Văn Khoa không phải chỉ mang một sứ mạng cao cả trong phạm vi âm nhạc. Ông còn là một khuôn mặt lớn trong thế giới nhiếp ảnh mà ông khiêm tốn tự gọi mình là “một người chụp hình”.
Tại buổi ra mắt ngày 22 tháng 7 ở Vùng Hoa-Thịnh-Đốn, trong phần “mạn đàm”, đáp câu hỏi “là một nghệ sĩ ông đã có những hoạt động gì để phục vụ quê hương, đất nước Việt Nam Cộng Hòa”, Lê Văn Khoa nói rằng bất cứ ai cũng có thể phục vụ quê hương bằng nhiều cách. Riêng ông, là “một người chụp hình”, không dám nhận là một nhiếp ảnh gia vì “chưa đủ tư cách”, dù ông đã có vài giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, ông đã dùng hình ảnh  để làm đẹp quê hương miền Nam. Ông nhận thấy muốn làm cho thế giới ủng hộ mình thì phải cho họ biết về đất nước mình, cho họ thấy những hình ảnh đẹp của quê hương mình. Về mặt này, gọi là tuyên truyền, thì mình quá yếu, trong khi đó thì cộng sản tuyên truyền rất mạnh. Họ mở những cuộc triển lãm ở ngoại quốc với những hình ảnh rất đẹp, rất sạch sẽ và an bình ở miền Bắc, còn hình ảnh trong Nam thì toàn những cảnh xấu xa, dơ bẩn, với những cô gái gần như không có quần áo gì cả, ngồi trên đùi mấy ông Mỹ đen và để cho bàn tay của những người này thám hiểm khắp nơi trên thân thể.
Trước tình thế ấy, ông Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa Giáo Dục VNCH có mời ông Lê Văn Khoa tới để hỏi ý kiến, ông đề nghị nên thực hiện một bộ hình ảnh đẹp của Nam Việt Nam để đưa ra ngoại quốc triển lãm. Ông tổng trưởng đồng ý và ông Lê Văn Khoa, với sự hợp tác của nhiều nhà nhiếp ảnh, đã thực hiện bộ “Hình ảnh đẹp Việt Nam”, nhưng chỉ triển lãm được một lần ở Brussels (thủ đô nước Bỉ).
Rồi ông tổng trưởng Ngoại giao cũng mời ông Lê Văn Khoa tới hỏi ý kiến và ông đề nghị nên gửi bộ “Hình ảnh đẹp Việt Nam” tới các nhiệm sở ngoại giao của VNCH trên thế giới để triển lãm. Bộ Ngoại giao đồng ý, sau đó ông có nhận được bản sao một văn thư mà Bộ Ngoại giao đã gửi cho tất cả nhiệm sở ngoại giao. Kết quả, chỉ một nơi nhận lời là lãnh sự VNCH tại Ấn Độ!
Lê Văn Khoa nói trong những nước Bắc Âu lúc ấy, ủng hộ CSBV mạnh nhất và chống VNCH dữ nhất là Thụy Điển, nhưng ông đã liên lạc được với một nhóm sinh viên bằng lòng giúp ông mở một cuộc triển lãm “Hình ảnh đẹp Việt Nam” tại Stockholm. Ông nhấn mạnh rằng đây chỉ là việc làm của một người, một cá nhân, để phục vụ quê hương, không phải của bộ nào hay cơ quan, tổ chức nào.
Nhưng, hôm khai mạc cuộc triển lãm có vài người đã lợi dụng lúc nghỉ trưa dùng búa, dao đập phá và xé nát những bức ảnh chưng bày trong phòng. Những kẻ phá hoại đã chạy thoát trước khi cảnh sát đến.
Ông Lê Văn Khoa nói: “Nếu tất cả nhiệm sở ngoại giao VNCH đều mở những cuộc triển lãm ‘Hình ảnh đẹp Việt Nam’ thì đã không có ngày 30 tháng 4 năm 1975.” Có lẽ ông muốn nói, qua hành động đập phá cuộc triển lãm của ông tại Thụy Điển, cho thấy phe cộng sản đã đặt nặng chiến thuật tuyên truyền dối trá tới đâu và rất sợ sư thật.
Nghe vụ này, tôi nhớ tới câu chuyện ông Trần Văn Ân, phụ tá chính trị của TT Nguyễn Văn Thiệu, đã nói với tôi khi ông trở về sau một chuyến đi Thụy Điển và mấy nước Bắc Âu với sứ mạng “giải độc” vào năm 1972. Tôi tới thăm ông tại tư gia ở Sài-Gòn, ông buồn rầu cho biết mấy nước này đã bị tuyên truyền của Việt cộng đầu độc nặng. Ông nói: “Họ ác cảm và lạnh nhạt với mình ra mặt. Tới đâu cũng nghe họ nói chính phủ VNCH là bù nhìn của Mỹ với những ông tướng thối nát.” Không có cách nào để “giải độc”, ông Trần Văn Ân đành phải nói nếu cho rằng xã hội miền Nam VN thối nát thì trong vũng bùn ấy cũng còn có những đóa sen đẹp, còn xã hội miền Bắc dưới chế độ độc tài sắt máu của cộng sản chỉ là một khối băng giá lạnh và buồn thảm, không một loài hoa nào có thể bám rễ nảy mầm.
Lại nghĩ đến xã hội Việt Nam ngày nay để thấy thương ông Trần Văn Ân và cả ông…Lê Văn Khoa! Những đóa hoa sen trong bùn?
Trở lại với buổi ra mắt “Lê Văn Khoa, Một Đời Cho Nghệ Thuật”. Trả lời một câu hỏi khác, một câu hỏi rất cần đặt ra cho những văn nghệ sĩ ở hải ngoại: CSVN có tìm cách dụ dỗ hay mua chuộc ông không, Lê Văn Khoa nói: “Cũng không thể tránh khỏi”.
Ông Lê Văn Khoa cho biết năm 2001, sáu năm sau ngày cha ông qua đời (1985) ông mới trở lại Sài-Gòn vì bổn phận làm con. Trong dịp này, ông có gặp người nhạc trưởng ban nhạc giao hưởng thành phố, người này đề nghị giúp ông tổ chức một buổi hòa nhạc và ông đã từ chối. Bí thư thành ủy cũng có gặp ông và đề nghị ông trở về Việt Nam sinh sống, ông Lê Văn Khoa trả lời: “Không thể được.”
Bí thư thành ủy Việt cộng: “Tại sao không được? Tôi sẽ giúp làm mọi giấy tờ cho anh.”
Lê Văn Khoa: “Tôi mà ở lại đây thì không thể trở lại Mỹ.”
Bí thư thành ủy: “Tại sao?”
Lê Văn Khoa: “Đồng bào bên đó sẽ chửi rủa tôi. Không phải chửi một mình tôi, mà chửi cả ba bốn đời nhà tôi. Và khi ấy tôi cũng không thể sống ở Việt Nam”.
Thành ủy VC: “Vì sao?”
Lê Văn Khoa: “Các ông có để cho tôi sống không?”
Ông Lê Văn Khoa cho biết viên thành ủy suy nghĩ một phút, rồi trả lời thẳng thừng: “Chỉ có chết!”
“Chỉ có chết”, nhưng nhiều người trong giới ca nhạc ở hải ngoại đã về Việt Nam sinh sống, ca hát, và đã trở thành những con cừu giả dối, sau khi đã tự trút bỏ nhân cách, nhân quyền, nhân phẩm, và để cho CSVN dùng họ vào mục đích tuyền truyền cố hữu, đánh bóng, tô màu cho cái chế độ gian ác.
Thế còn những ca nhạc sĩ ở lại ngoài này và tương lai nền âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại?
Ông Lê Văn Khoa cho rằng đang “đi vào ngõ bí”. Ông nói rằng ở hải ngoại nhiều người viết nhạc nhưng không biết nhạc. Họ chỉ hát vào máy cát-xét rồi nhờ ngừơi khác chỉnh lại và cho phổ biến, trình diễn, nhưng những ban nhạc hòa tấu không thể chơi được. Tóm lại là mình chỉ thưởng thức với nhau trong cộng đồng!
Nhiều người không hiểu biết âm nhạc chắc phải kinh sợ trước sự thật này.
Lê Văn Khoa là con người lặng lẽ, nhưng sống rất nhiều, làm việc rất nhiều, đóng góp rất nhiều cho xã hội và quê hương đất nước, trong đó ông đã dành rất nhiều tình yêu và thì giờ cho trẻ thơ, từ đứa bé bụi đời cho tới những em sớm bước chân vào thế giới âm thanh.
Khởi đầu với chương trình “Thế Giới Của Trẻ Em” trên đài truyền hình Sài-Gòn khi còn là một chàng trai ở tuổi thanh xuân cho tới hôm nay với 85 tuổi đời chồng chất, Lê Văn Khoa chưa bao giờ ngừng nghỉ phục vụ xã hội và quê hương, qua nghệ thuật, và bằng nghệ thuật.
Việt Nam đã may mắn có Lê Văn Khoa.

Sơn Tùng

Virginia, cuối tháng 8, 2018

Đọc “Người Việt Nam Tồi Tệ” của Lâm Nhược Trần

Nguyễn Hiền

 Người Việt chúng ta tự hào về điểm mà ta thường được nghe trong các bài diễn thuyết về văn hóa, thường đọc trong sách… Việt: chúng ta có hơn bốn ngàn năm văn hiến.

Nhưng bản tính người Việt hiện nay, sau khi trải qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, như thế nào thì ta phải xét kỹ.

Bàn về tính tình của người Việt, hơn 100 năm trước, cụ Phan Bội Châu đã viết:

“(…) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi.” (Việt Nam Quốc sử khảo, chương thứ năm – xuất bản năm 1909)

Mười năm sau (1919), trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim cũng đã ghi khá rõ rệt:

Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.

Hay gần đây, Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình văn học, đã tóm tắt:

Người Việt rất đáng yêu trong quan hệ cá nhân và ở những nơi quan hệ cá nhân đóng vai trò chủ đạo: gia đình, bàn tiệc, quán nhậu, và hàng xóm. Ở những nơi đó, người Việt, nói chung, rất nhiều tình cảm và tình nghĩa. Và cũng ở những nơi đó, ít ai phàn nàn về người Việt.

Nhưng vượt ra ngoài quan hệ cá nhân thì khác. Bước vào không gian công cộng ở Việt Nam, nhất là không gian công cộng thuộc quyền nhà nước, từ uỷ ban nhân dân đến công an phường, quận, thành phố; từ bưu điện đến bệnh viện; từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh, v.v…ở đâu người Việt Nam cũng dễ ghét.” (Trích blog Nguyễn Hưng Quốc).

Nhưng ta không thể mãi tự mãn với “Người Việt Đáng Yêu” (Doãn Quốc Sỹ) hay “Người Việt Cao Quý” (A. Pazzi, tức Vũ Hạnh) mà phải luôn sửa mình bằng cách bỏ dần tật xấu còn tồn tại và tập những nết tốt học được từ người cho đồng bộ với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Do đó mới có phương pháp tu thân là “Thuốc đắng giã tật”, người ta thường nói. Trong tác phẩm nổi tiếng “Người Trung Quốc xấu xí” xuất bản vào hậu bán thế kỷ trước, Bá Dương đã thẳng thừng vạch ra nhiều nét xấu của dân Trung Quốc. Tác phẩm này đã trở thành một cuốn sách bán chạy. Chẳng biết thực tế tác dụng của những bài tham luận mà Bá Dương đã đọc có cải biến người Trung Quốc được mấy phần?

Còn với người Việt thì sao? Không cần phải tìm tòi đâu xa, người Việt hiện nay khá mang tiếng xấu trên thế giới với những tổ chức băng đảng quốc tế khai thác dịch vụ cần sa ma túy, tật ăn cắp vặt, tải hàng lậu, khai gian thuế, hối lộ, bằng giả bằng dỏm và chiếm ngôi vị đầu của cuộc tranh giải xì phé thế giới (poker)… Nói tóm lại, hơn bốn ngàn năm văn hiến để có một di sản là người Việt như thế này hay sao? Có cần một “liều thuốc đắng” cấp kỳ không?

Trong chiều hướng đó, tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ” của Lâm Nhược Trần có thể coi là một bước đầu trong chuỗi: nhận biết bịnh, tìm nguyên nhân gây bịnh, trị bịnh và phòng bịnh.

Tương tự như Bá Dương, trong “Người Việt Nam Tồi Tệ”, Lâm Nhược Trần đã khai triển những tật xấu của người Việt, bằng cách liệt kê ra những chi tiết, gồm ít nhất 63 thói tật sau đây: dân trí thấp kém, giáo dục bất cập, văn hóa lạc hậu, gia trưởng, độc đoán, bảo thủ, thiếu trung thực (hay gian dối), xảo trá, lật lọng, thiếu uy tín, vô cảm, thiếu tự trọng, vô trách nhiệm, thiếu ý thức (quan hệ cá nhân và cộng đồng), tùy tiện, cẩu thả, thiếu kỷ luật, thiếu óc tổ chức, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tinh thần cầu thị, xuề xòa, thiếu nguyên tắc, mơ hồ, nhập nhằng, thiếu minh bạch, hay nói nước đôi lập lờ, tính thực dụng, cảm tính, nhẹ dạ, cả tin, mê tín dị đoan, khôn vặt, ăn xổi ở thì, làm ăn chụp giật chỉ thấy cái lợi trước mắt, tham lam, nhiều chuyện, hay ganh ghét, đố kỵ, thích gièm pha, bôi nhọ và đâm thọc, hay bắt chước, a dua, học đòi, vọng ngoại, xô bồ, nhếch nhác, ăn dơ ở bẩn, thích ăn nhậu bài bạc, lưu manh, thích bạo lực, hay nổ, háo danh, hay khoe khoang, tự cao tự đại, thích phô trương và chuộng hình thức bề ngoài, cậy thần cậy thế, cửa quyền, đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm…

Đọc một danh sách dài với gần như tất cả tĩnh từ chỉ thói hư tật xấu của con người, ai không sợ.

Khác hơn Bá Dương, một nhà văn kiêm nhà báo dùng lối văn châm biếm điểm chút hài hước để chuyển tải ý tưởng, Lâm Nhược Trần (một bác sĩ Tâm lý đã sống ở Hòa Lan hơn 20 năm) đã dùng kinh nghiệm ông có được qua hơn 10 năm làm việc chung với người Việt trong nước cộng thêm những dữ kiện thu thập qua báo chí để khai triển đề tài này theo phương pháp thống kê khoa học.

Tác phẩm là kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu về văn hóa và điều tra về xã hội, như đã ghi trong tiểu tựa. Trong 18 bài tiểu luận, ông đã phân những tật xấu của người Việt thành từng nhóm. Những trích dẫn từ báo chí, trang mạng là từ những tờ báo, trang mạng có uy tín trong nước, và phần lớn được dẫn nguồn. Đại đa số những dữ kiện này được ông thu thập trong hai năm 2015 – 2016, chứng tỏ sự cập nhật của tác phẩm.

Để tránh hiểu lầm, tác giả cũng minh định là “…đối tượng tôi muốn đề cập là cái số đông, là những phần tử chiếm đa số trong hơn 90 triệu dân đang sinh sống trên cái mảnh đất hình cong như chữ S này…” (tr. 30). Người gốc Việt sống ở hải ngoại thoát nạn. Hú vía.

Với tựa đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”, những điểm son của người Việt hay của xã hội Việt Nam trong tác phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hình như tác giả chỉ muốn nêu những điểm này ra cho thấy có một chút xíu khía cạnh tích cực của xã hội Việt Nam mà thôi. Bởi vì luận đề của tác phẩm là “tồi tệ”, không phải một cuộc nghiên cứu hai chiều. Nhưng mà phải vậy thôi, nếu muốn trị bịnh bằng thuốc đắng.

Từ những dữ kiện trích dẫn, ông đã đưa ra một số nhận định về nguyên nhân đưa đến những tính xấu này, mà có cội nguồn sâu xa là vì do hấp thụ một nền giáo dục truyền thống, và có gốc từ một xã hội thuần nông:

“… Đó là nguyên nhân chính đưa đến sự trì trệ lâu dài mang tính hệ thống khiến cho xã hội và đất nước chậm phát triển so với tiềm năng thực tế mà thật ra nó phải có” (tr. 82).

Và cũng chính vì tính đặc thù của gia đình họ hàng Việt Nam làm cho con người khó có thể theo được sự tiến hóa của xã hội: “…do nhận thức thấp kém cùng sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của đa số người dân, cái quan hệ chằng chịt bởi nếp sống ràng buộc của đại gia đình Việt Nam không thường xuyên mang lại niềm vui và sự hạnh phúc, nó hầu như chỉ đem đến những khó khăn sự phức tạp và nỗi thống khổ cho những người trong cuộc.” (tr. 49).

Và do “…nền tảng văn hóa bị đánh mất, nền giáo dục thì trì trệ, bất cập và lạc hậu, từ đó, dân trí sẽ chậm phát triển nên ý thức của người dân không có điều kiện và cơ sở để được nâng cao…” (tr. 174).

Tóm lại, lỗi phần lớn, theo Lâm Nhược Trần, nằm ở một số khía cạnh đặc thù của bản sắc dân Việt. Nhưng vì sao đến nông nỗi này, trong khi nếp sống gia đình làng xã của Việt Nam khá giống xã hội nơi một số nước tiến bộ khác trong vùng Đông Nam Á?

Tuy tác giả không nói trắng ra vì sao đất nước, con người Việt trở nên tệ hại như thế nhưng người ta có thể đọc giữa những hàng chữ là trách nhiệm lớn nằm ở bộ máy cầm quyền, đã dung túng cho thuộc hạ các cấp từ cao tới thấp mặc tình thao túng theo một chính sách tùy tiện, chắp vá. Chính sách này, cộng thêm một số thói tật đã tạo nên một “…tư duy mang ơn, cảm ơn theo cái cách quỳ lụy, xin xỏ cũng rất phổ biến… Nghĩ cũng lạ, mà người dân có hiểu gì đâu, dân đóng thuế để nuôi cán bộ, cán bộ có trách nhiệm giải quyết những bức xúc của dân, nhưng họ vẫn có thói quen một cách rất quan liêu, ban ơn và hành dân.” (tr. 142). “Thực tế là như vậy, nhưng để biện minh cho sự yếu kém, cho tiêu cực và những bất cập tồn tại trong xã hội, nhiều người, nhất là các cơ quan công quyền thường hay có thói quen đổ lỗi cho nhau hay cho kinh tế thị trường… Sai phạm xảy ra, nếu chi với điệp khúc ‘rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ’ rồi ‘khiển trách hay cảnh cáo’ như trò trẻ con sẽ không giải quyết được vấn đề.” (tr. 173).

Và còn nhiều nữa…, như “chạy theo thành tích là một vấn nạn có hệ thống và đã trở thành một nếp sống xã hội mang tính tiêu cực trầm trọng” (tr. 42), là điều bất cứ người nào khi nhìn vào những công trình hoành tráng kiểu đồ hàng mã đầy dẫy ở Việt Nam đều thấy rõ và ngán ngẩm trò đời lẫn ngán sợ tai nạn chưa biết sẽ xảy ra lúc nào do tắc trách.

Đọc hết 360 trang với đầy dẫy lời kết tội, khi gấp sách lại, người đọc sẽ bàng hoàng tự hỏi: có thật vậy chăng? Nếu quả tình 90% dân Việt mang nhiều tính xấu như vậy thì đất nước sẽ ra sao? Bởi vì, ngay chính bản thân họ (có lẽ cũng do cảm tính chăng?), họ thấy những tật xấu này không nằm trong họ và có lẽ những thành viên trong gia đình họ đâu có xấu xa như thế.

Một câu hỏi nhức nhối đã được tác giả đưa ra cho mọi người, bất kể ở đâu, tự suy ngẫm: “Bạn muốn con mình trờ thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc? Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống?…” (tr. 104).

Nhưng thực tế có lẽ đây là bài toán không lời giải, bởi vì: “…Một số người bạn của tôi làm việc trong giới khoa học và nghệ thuật… trong lúc bàn luận chuyện thế sự, nhìn thấy tình hình đất nước, xã hội, con người ngày nay, họ cảm thấy ‘bó tay toàn tập’, không làm gì được chỉ biết nhìn nhau mà chửi thề…” (tr. 112).

Đương nhiên, vì đúng như trong nhận định của Nguyễn Hưng Quốc nêu ở phần đầu về tâm tính của người Việt, là “khi ra ngoài quan hệ cá nhân thì mọi chuyện sẽ khác ngay”. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là một cuộc nghiên cứu dựa trên tài liệu từ báo hàng ngày hay báo mạng bằng cách rút tỉa chọn lọc không có được sự trung thực đúng mức. Báo chí đưa nhiều tin “giựt gân”, tai nạn cướp bóc, chuyện gây sốc… để câu độc giả, điều đó ai cũng biết. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của những tờ báo đại chúng ngày nay, bất kể ở nước nào. Đó là chưa nói tới chuyện ở Việt Nam, sự lèo lái quần chúng để họ chỉ chăm chăm bàn tán về những tệ nạn xã hội, về cuộc sống xa hoa của đại gia với siêu sao chân dài… theo kiểu những bài trên báo sẽ làm cho dân chúng bớt quan tâm tìm hiểu thêm về những vấn nạn gốc rễ của xã hội, nhìn theo mặt chính trị, văn hóa chính thống.

Vì thế, nếu chúng ta đọc những trang mạng hay blog của các tổ chức tranh đấu chẳng hạn, thì ta sẽ có cảm giác phần lớn người dân trong nước hằng ngày quan tâm đến việc tranh đấu cho tự do dân chủ. Nếu chúng ta đọc những thông tin từ những cơ sở tôn giáo thì chúng ta sẽ thấy người dân nhường cơm xẻ áo cho nhau trong cơn hoạn nạn…

Người đọc tinh ý có thể thấy những dữ kiện tác giả dẫn chứng phần lớn là những trường hợp cá biệt. Sự giải quyết (hay không giải quyết) của chính phủ Việt Nam trước những tệ nạn này không thấy tác giả đề cập. Hơn nữa, có những chuyện không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, như chuyện các quan chức đổ lỗi cho nhau khi có sai phạm, như chuyện ăn tô phở 25.000 VND vừa phải chịu đựng một cung cách phục vụ bất lịch sự, vừa bị nghe chửi khi đưa tờ 500.000 (bằng 20 lần giá tô phở hay 1/10 của tháng lương của dân trung bình) để trả tiền, hoặc như trường hợp của chính tác giả “…sau khi tôi chính thức cho phát hành một văn hóa phẩm, một nhà văn nổi tiếng rất có uy tín, lại là bạn thân, đã không ngần ngại, thẳng thừng đặt điều kiện để anh ấy viết một bài quảng bá cho ấn phẩm.” (tr. 177-178). Tuy nhiên, bên cạnh đó phải nói là còn có rất nhiều “chuyện lạ bốn phương” động trời được tác giả nêu ra, mà nếu tác phẩm được dịch ra ngoại ngữ và phổ biến thì chắc lượng du khách tới Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể.

Do đó, nhận xét tác giả đưa ra trong Lời Mở Đầu là “…dân tộc nào cũng có cái hay cái dở, nhưng cái xấu xí của người ta nó hạn chế, bình thường, có thể chấp nhận được, chưa cần phải uống thuốc dể điều trị, còn cái tồi tệ của người Việt Nam chúng ta thì thật sự đã ‘hết thuốc chữa rồi’!” (tr. 28) tôi cho là có phần nào tiêu cực. Dù sao, không thể chối cãi được là những tệ nạn ở Việt Nam đã lan tràn quá mức, đến nỗi Việt Nam hiện đang đứng ngang hàng với nhiều nước ở Phi châu hay Nam Mỹ châu. Đó là cái nhục chung của người Việt chúng ta, nhưng lời giải thì không đơn giản. Đúng như tác giả nhận định: mọi người đã trở nên vô cảm.

Tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ”, xét cho cùng, sẽ tìm được hai đối tượng. Thứ nhất là tuyệt đại đa số những người tị nạn trên khắp thế giới thuộc thế hệ thứ nhất, họ mang theo những nét văn hóa đẹp của một xã hội Việt Nam hơn 40 năm về trước để rồi chỉ thấy những chuyện trái tai gai mắt họ gặp trên internet hay qua lời kêu rêu của thân nhân từ trong nước, thì tác phẩm này là một sưu tầm khá đầy đủ những gì họ đã biết và đang muốn biết. Thứ hai là những người trong nước còn đang trăn trở tìm một giải pháp khả thi để có thể cùng nhau cứu vãn sự tuột dốc của văn hóa Việt một khi nước nhà tới vận hội chuyển đổi, thì có thể coi tác phẩm này là một phân tích khá có hệ thống những thói tật của đa số người Việt trong nước.

Nguyễn Hiền

_________

Người Việt Nam Tồi Tệ – Nghiên cứu văn hóa – Điều tra xã hội

Lâm Nhược Trần

360 trang, bìa mềm

Người Việt  Books xuất bản (2016)

Giá US $20,-

Hai giờ tìm về “thế giới trẻ thơ” với Chiêu Anh

Sơn Tùng

Trong “thế giới trẻ thơ”.

Sống tới một tuổi nào đó, người ta không còn nhớ có thời mình cũng từng là một đứa trẻ thơ. Một phần vì đã trải nghiệm quá lâu trong những phiền lụy của “cuộc sống người lớn”, phần khác vì “bộ nhớ” lúc còn non nớt không ghi lại được một kỷ niệm hay hình ảnh nào trong óc về cái thế giới thần tiên  của mấy năm đầu đời.

Nói “thế giới thần tiên” của trẻ thơ không sợ sai, vì trong thế giới của lứa tuổi ấy chỉ có hoa, bướm, chim chóc, những nàng công chúa xinh đẹp, và bà tiên với chiếc đũa thần ban phát những ước mơ. Không có hận thù, ganh ghét, hiểm độc, tàn ác, lo sợ, chết chóc …

Thật đáng tiếc cái thế giới thần tiên ấy chỉ có vài năm ngắn ngủi của đời người trước khi bước vào con đường trần ai đầy khổ lụy dài dằng dặc. Nhưng, cũng thật may mắn có những người nghệ sĩ, với tâm hồn yêu trẻ thơ và tài năng thiên phú, đã làm cho thế giới thần tiên của trẻ thơ đẹp hơn và làm cho tâm hồn người lớn bớt già, bớt khô. Ngoài một Walt Disney đã trở thành cái tên bất tử trên hành tinh này còn bao nhiêu người khác cũng đang tô vẽ cho thế giới của trẻ thơ thêm màu sắc, thêm tươi đẹp.

Hơn ba mươi năm qua, tôi đã viết quá nhiều về “chuyện người lớn” ở hải ngoại, mà buồn nhiều hơn vui. Hôm nay xin viết về trẻ thơ.

Ngày 21.01.2017, tôi có cái may mắn tình cờ được tới dự buổi ký‎ tên ra mắt sách cho tuổi thơ, cuốn “Color Wonder: Hooray for Spring!”của Chiêu Anh Urban tại một Nhà sách Barnes & Noble ở Maryland.

Nơi một góc trên tầng lầu của nhà sách rộng lớn được trang trí thành “thế giới của trẻ thơ” với cây lá, hoa, bướm, chim, sóc và những bộ bàn ghế nhỏ vừa cho những độc giả tí hon, da trắng có, da màu có, được cha mẹ đưa tới.  Chúng có vẻ vui sướng và thích thú được sống trong thế giới riêng, với những bạn bè mới, với bánh kẹo, với cuốn sách dạy cách pha màu đầy sáng tạo được chính tác giả ký ‎tặng và chỉ dẫn.

Cha mẹ chúng đứng chung quanh, nói chuyện với nhau với vẻ mặt hạnh phúc. Họ đã không tiếc vài giờ làm việc hay hưởng những thú vui riêng để đưa con tới đây vì họ thương yêu con và biết sự hữu ích của những cuốn sách đối với con cái họ. Tôi nghe vui vì thấy có vài người Việt, và nghĩ thương cho những đứa trẻ trên đất nước Việt Nam.

Một người bạn giới thiệu tôi với chồng của Chiêu Anh, một người da trắng nho nhã, và cho biết tôi là một nhà văn Việt Nam. Ông ta tỏ vẻ thích thú và nói với nụ cười kính nể: “A difficult language!”

 Chiêu Anh bận rộn với những đứa trẻ suốt hai tiếng đồng hồ, từ 3 tới 5 giờ chiều. Hướng dẫn chúng dùng cuốn “Color Wonder: Hooray for Spring!” để trộn màu và thân mật chuyện trò với chúng. Dường như không phải chỉ có cô đem niềm vui cho những đứa trẻ thơ mà chính chúng cũng đem lại cho cô những giờ phút hạnh phúc. Cô có ba con gái phụ giúp cho mẹ. Hôm ấy, bốn mẹ con cùng mặc đồng phục, váy hoa và áo khoác đỏ.

Tác giả Chiêu Anh và những độc giả tí hon.

Cuối giờ, tôi có vài câu hỏi đặt ra cho Họa sĩ Chiêu Anh.

–         Vì lý‎ do nào cô đã chọn công việc sáng tác sách cho trẻ em?

–         Tôi có căn bản về nghệ thuật truyền thông và vẽ đồ án, và làm nghề “graphic designer”. Khi các con gái lớn của tôi vào lớp sơ học, tôi quyết định làm một cuốn sách để dạy chúng về màu sắc. Kết quả là, cuốn sách đầu tay của tôi, cuốn “Raindrops: A Shower of Colors”, được Nhà Xuất bản Sterling Publishing ấn hành năm 2010.  Đây là bước khởi đầu mới của tôi trên con đường làm sách trẻ em. Sau đó, tôi tiếp tục hứng thú sáng tạo những cuốn sách vừa vui vừa tác động hai chiều nhằm đưa đến sự vui học và khám phá cho những độc giả ít tuổi nhất.

–         Cô có thể cho biết con đường trở thành một tác giả và nhà minh họa có sách xuất bản?

–         Mất sáu năm để tìm đúng nhà xuất bản cho cuốn “Raindrops: A Shower of Colors”. Ba năm sau, Scholastic nhận ấn hành cuốn sách thứ hai của tôi, cuốn “Away We Go”, năm 2013. Hiện nay tôi cộng tác với một người đại l‎ý tuyệt vời, Jamie Weiss Chilton làm việc với Andrea Brown Literary Agency. Jamie chỉ dẫn cho tôi trong việc thực hiện các dự án và công việc của một tác giả và nhà minh họa. Tôi tiếp tục tham dự các cuộc hội thảo hàng năm của SCBWI (Society of Children’s Book for Writers and Illustrators), và giữ mối quan hệ với cộng đồng sách thiếu nhi. Bộ sách mới của tôi COLOR WONDER với Nhà Xuất bản S&S, Little Simon, đã khởi đầu với cuốn sách thứ nhất “Color Wonder: Hooray for Spring!” Các cuốn sắp tới gồm có:
Color Wonder: Winter is Here! (S&S, October 2017), Quiet As A Mouse and Other Animal Idioms (Sterling, Nov. 2017), và 123.

–         Ngoài viết sách cho trẻ em, cô làm gì và có dự định gì cho tương lai?

–         Tôi rất nhiệt tình trong sáng tạo và chia sẻ những kinh nghiệm viết truyện với những đứa bé. Chúng học và khám phá điều mới mỗi ngày, và tôi mê sáng tạo sách đem lại sự vui thích cho chúng. Chương trình của tôi là tiếp tục phác họa và phát triển những sách mới lạ có tác dụng hỗ tương cho những độc giả nhỏ tuổi nhất. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ làm thêm loại sách truyện bằng tranh. Tôi có một phòng vẽ tại nhà và tôi mong ước có thể làm việc tại nhà, và ở tại đây với các con khi chúng từ trường học về.

–          Cô có thể chia sẻ đôi điều về gia đình và quan hệ với Cộng đồng người Việt ở đây?

–         Tôi sống trong vùng ngoại ô Maryland với chồng và các cháu gái. Chung quanh chỗ tôi ở có ít người Việt.

Chiêu Anh và con gái.

Trời đã xẩm tối. Bên ngoài gió rét căm căm. Còn đúng một tuần là Tết Đinh Dậu. Tôi vừa trải qua hai giờ với thế giới của trẻ thơ đã mất từ lâu, và nghĩ nên chia sẻ hạnh phúc ấy với cộng đồng người Việt.

Trên đường ra xe, mẹ của Chiêu Anh, bà Thúy Diệm, nói: “Trẻ con ở xứ này thật sướng.”

Tôi lại nghĩ đến những đứa trẻ Việt Nam.

Virginia, đầu năm Đinh Dậu

Sơn Tùng

Để tìm hiểu thêm:
Chiêu Anh Urban
Children’s Book Author/Illustrator

My website: www.chieuurban.com
My facebook page: www.facebook.com/chieu.anh.urban
My blog: www.chieuurban.blogspot.com
My author page: amazon.com/author/chie