“Thác Là Thể Phách, Còn Là Tinh Anh”

Bài tưởng niệm nhân vật lịch sử Nguyễn Ngọc Huy 31 năm sau ngày mất (28/07/1990)

Cao Tuấn

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (1924 – 1990)

Cuối cùng ai cũng phải chết. Đối với đại đa số người ta, ngoài phạm vi gia đình riêng, chết là hết. Nhân vật lịch sử thì khác. Chết mà vẫn còn. Ảnh hưởng của họ sau khi chết có thể quan trọng hơn cả ngay khi còn sống. Ông Nguyễn Ngọc Huy là một người như vậy hay là một trường hợp như vậy.

Nói như thế có quá đáng không?

Câu trả lời phải tìm trong cuộc đời tranh đấu phi thường của ông Nguyễn Ngọc Huy trong một giai đoạn lịch sử rất phức tạp, khó khăn. Và phải nghĩ cả đến tương lai của nước Việt Nam – sẽ Độc Lập, Dân Chủ, Tự Do, Hoà Bình, Hạnh Phúc hay vẫn tiếp tục chìm đắm, suy đồi trong độc tài, đảng trị để rồi tan biến không dấu vết vào nước Tầu Cộng Sản?

Làm chính trị đúng đắn cũng là làm cách mạng

Trong bài thơ “Anh Hùng Đất Việt” ông Nguyễn Ngọc Huy sáng tác ngày 27/07/1948 – vào khoảng 3 năm sau khi gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng ở tuổi 21 – được in trong tập thơ Hồn Việt, dưới bút hiệu Đằng Phương có đoạn như sau:

Đây những người sinh nhằm thời quốc biến

Trong gian truân, cố chuyển lại cơ trời

Giữa đêm sâu, mưa máu rộn tơi bời

Vẫn thẳng tiến, không rời đường cách mạng

Ông Nguyễn Ngọc Huy lúc còn trẻ phải rất cảm hứng với “đường cách mạng” mới có thể viết được lời thơ rất truyền cảm vừa bầy tỏ sự khâm phục vừa bao hàm cả quyết tâm của chính mình muốn noi theo những tấm gương của những người hy sinh cho nước.

Điều khá lạ lùng là về sau này, ít nhất từ khi ông từ Pháp trở về nước năm 1964, lúc 40 tuổi, để tích cực hoạt động chính trị công khai như lập đảng Tân Đại Việt, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (hay Liên Minh Dân Chủ Việt Nam ở hải ngoại sau biến cố 1975), ông không còn hay nhắc tới “đường cách mạng”.

Từ đó, ông thường  nói “làm chính trị” mà không nói “làm cách mạng”. Lý tưởng và quyết tâm rõ ràng không suy suyển nhưng ngôn ngữ có sự thay đổi. Vậy, giải thích làm sao?

Thời Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam ông Nguyễn Ngọc Huy là một trong 4 vị giáo sư nổi tiếng uyên bác nhất của trường Quốc Gia Hành Chánh, trường Luật, các trường đại học và cao đẳng khác trên toàn quốc về bộ môn chính trị học. (Ba vị kia là các ông Nguyễn Văn Bông, Vương Văn Bắc, Nguyễn Mạnh Hùng). Mà đối với chính trị học hay khoa học chính trị thì cách mạng (revolution) là một chủ trương chính trị hướng đến sự thay đổi xã hội một cách toàn diện thành ra làm cách mạng cũng là làm chính trị rồi.   Cố ý tách rời cách mạng khỏi chính trị, mang tính cách chủ quan, thiên về mục đích tuyên truyền, đặc biệt khi có người nhấn mạnh mình làm cách mạng, không làm chính trị.

Thời Pháp thuộc, vì điều kiện hoàn cảnh, các đảng phái cộng sản hay không cộng sản thường là các đảng kín, kỷ luật sắt, hoạt động bí mật, chủ trương tranh đấu lật đổ chế độ đương hữu, lập chế độ mới nên thường tự xem là làm cách mạng. Riêng người cộng sản lúc nào cũng tự nhận họ làm Cách Mạng (viết hoa), mà cuộc cách mạng cộng sản đồng nghĩa với cực đoan, bạo động trong khi từ ngữ cách mạng chỉ hàm ý một sự thay đổi sâu rộng không nhất thiết phải có bạo động, chém giết tàn bạo.

Một lý do khác: ông Nguyễn Ngọc Huy nhìn thấy những sai lầm căn bản của các cuộc  cách mạng cộng sản và người cộng sản đã lạm dụng danh từ quá đáng  nên để tránh những nhập nhằng hay ngộ nhận ông đã cố ý không nói nhiều đến việc “làm cách mạng”. Nhất là sau khi đã đóng góp ý kiến thiết thực tạo lập bản Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam năm 1967 – đặt khá nhiều hy vọng nó  sẽ là nền tảng cho chế độ Dân Chủ Pháp Trị. Ông chủ trương làm chính trị công khai, đúng đắn trong khuôn khổ luật pháp như là một giải pháp cứu đất nước khỏi hiểm hoạ cộng sản và xây dựng một quốc gia dân chủ tự do, trường tồn, hạnh phúc.

Trước hết, theo ông, người hoạt động chính trị phải hiểu thế nào là chính trị và ảnh hưởng của chính trị đối với con người rồi mới thấy rõ công việc của mình làm.

Dạy về khoa học chính trị (political science), ông Nguyễn Ngọc Huy biết từ ngữ chính trị đã được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng qua những phát biểu và cung cách hành xử trong cả cuộc đời tranh đấu thì có thể thấy ông đã chọn và đã sống  một quan điểm về chính trị và về “làm chính trị” ngay từ đầu một cách rất tự nhiên và thành thật với chính mình, không phải đóng tuồng, đóng kịch chi cả. Sự chọn lựa này hoàn toàn phù hợp với cá tính và hoài bão của chính ông.

Chính trị là làm cho xã hội ngay thẳng, lành mạnh. Chính trị là khoa học hay nghệ thuật về việc điều khiển quốc gia. Người làm chính trị có thể phải khôn ngoan, uyển chuyển nhưng không được lừa lọc, dối trá. Người làm chính trị tất nhiên phải nghĩ tới việc nắm quyền lực nhưng quyền lực là phương tiện không phải là mục đích. Chính trị bao trùm mọi khía cạnh của đời sống con người. Nó tốt thì người được sung sướng, nó xấu thì người phải chịu đau khổ. Các chế độ độc tài, dành độc quyền làm chính trị, đều khuyến khích, cổ võ chủ trương phi chính trị trong giới người không thuộc phe cánh, ngoài tầm kiểm soát của họ. Phi chính trị, thực tế, là một thái độ chính trị. Là chấp nhận cái chính trị của nhà cầm quyền đương hữu, làm theo ý muốn của họ hay ít nhất không chống lại họ…

Tư tưởng của ông Nguyễn Ngọc Huy là một hệ thống hoàn chỉnh. Do sở học và do tự suy nghĩ. Là nhà khoa học chính trị đồng thời là một chính trị gia/ chính khách/ nhà cách mạng, hầu như ông luôn luôn có câu trả lời đầy đủ cho bất cứ một câu hỏi quan trọng nào liên quan đến các vấn đề cứu quốc và kiến quốc. Hoạt động của ông phản ảnh trung thực tư tưởng của ông. Nói và làm hoàn toàn tương hợp. Không bao giờ nói một đằng, làm một nẻo.

Chẳng hạn là người theo đạo Phật, thấm nhuần Phật pháp nhưng khi làm chính trị – sáng lập và điều khiển đảng Tân Đại Việt, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến hay Liên Minh Dân Chủ Việt Nam ông luôn giữ một khoảng cách hợp lý, vừa phải với giáo hội Phật Giáo nói riêng và các tổ chức tôn giáo nói chung cho dù ông biết rất rõ đảng chính trị dựa vào tôn giáo dễ thu hút, dễ tuyển mộ, dễ huy động quần chúng, đặc biệt trong trường hợp xã hội Việt Nam.

Không giống với một số chính trị gia khác, ông phân biệt rõ ràng đạo và đời, thần quyền và thế quyền. Trong cả lý thuyết và thực tế. Tôn giáo và chính trị là 2 lãnh vực khác nhau. Lịch sử cho thấy 2 thứ trộn lẫn vào nhau có những hậu quả tai hại, hoặc rắc rối không hay. Như trường hợp ông Ngô Đình Diệm và cuộc khủng hoảng với Phật giáo năm 1963. Như suýt có chiến tranh tôn giáo năm 1965, 1966 ở Sài Gòn, ở Huế. Như xẩy ra trên khắp thế giới qua các thời đại cổ, kim.

Ông Nguyễn Ngọc Huy luôn luôn từ chối đi đường tắt nếu nó trái với nguyên tắc, trái với điều ông tin tưởng.

Có khá nhiều minh chứng khác nữa.

Người cộng sản như các ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Văn Linh… yêu Đảng (viết hoa) của họ hơn hết. Lịch sử cho thấy họ chấp nhận “thà mất nước còn hơn mất Đảng” .

Ông Nguyễn Ngọc Huy hoàn toàn khác.

Ông cũng thấy trong cuộc tranh đấu vì đất nước cần thiết phải xây dựng được ít nhất một đoàn thể, một đảng chính trị thích ứng – tập hợp được một số đông người, tổ chức chặt chẽ để duy trì được lâu dài, huy động được dễ dàng, hoạt động một cách thống nhất, làm việc một cách hữu hiệu. Muốn thế cần huấn luyện đoàn viên hay đảng viên tin tưởng nơi sự đứng đắn của lập trường mình, có tinh thần xung phong tranh đấu cho lý tưởng, có khả năng thực hiện các công tác được giao phó… Nhưng đảng hay đoàn thể đối với ông chỉ là phương tiện để phục vụ quốc gia, không phải là cứu cánh. Đảng quan trọng, cần thiết nhưng đảng không có đời sống riêng. Không có nước thì không có đảng. Đối với ông, “thà mất nước còn hơn mất đảng” chắc chắn là chuyện phi lý.

Từ lúc ông viết bài thơ “Nén Hương Lòng” khi mới chân vào đời hoạt động:

Hỡi những ai kia đã luỵ mình

Đã vì non nước chịu hy sinh

Đã vì chủng tộc khai đường sống

Đây nén hương lòng kẻ hậu sinh

cho đến bài viết cuối cùng, hơn 40 năm sau, vài ngày trước khi mất, với nét chữ yếu ớt, nguệch ngoạc vì hơi đã tàn, lực đã kiệt:

không một lúc nào, trong 40 năm ấy, ông không bận rộn, không làm hay  không nghĩ đến việc phải làm, cần làm để cứu dân tộc, cứu đất nước. Ông muốn sống thêm vài năm mặc dù cơ thể đau đớn vì bệnh ung thư ngày đêm hành hạ chẳng phải vì còn tha thiết với cuộc đời riêng mà chỉ muốn hoàn tất cái trách nhiệm mà ông đã tự trói buộc  mình, đã tự nguyện đảm đương.

Một người yêu dân tộc, thương giống nòi  đến nỗi sao nhãng cả đời sống gia đình, quên cả bản thân, không vụ lợi, không màng danh – “thân còn chẳng kể, kể chi danh!” – không thể là người có tinh thần tư đảng, không thể là người làm chính trị đảng phái chỉ để làm chính trị đảng phái, tranh đoạt quyền lực chỉ để tranh đoạt quyền lực.

Là đảng viên đảng Đại Việt, trong tập thơ Hồn Việt in năm 1950, ông từng làm thơ khóc các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng tuẫn tiết trên đoạn đầu đài trong “Ngày Tang Yên Bái” hay tưởng tượng lời khẳng khái của Nguyễn Thái Học nói với Đoàn Kiểm Điểm trong bài “Lòng Người Đảng Trưởng”.

Ông tách khỏi Đại Việt Quốc Dân Đảng để sáng lập Tân Đại Việt vì nhìn thấy nhu cầu phải tranh đấu theo phương cách mới. Ông sáng lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến vì muốn tiến tới một tập hợp chính trị đoàn kết rộng rãi để có sức mạnh trên toàn quốc . Ông sáng lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam để tiếp tục cuộc tranh đấu trong môi trường và điều kiện khác hẳn từ hải ngoại…

Ông vẫn duy trì Tân Đại Việt làm căn bản hay nòng cốt nhưng không bao giờ có dấu hiệu ông xem Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến hay Liên Minh Dân Chủ Việt Nam chỉ là các tổ chức “ngoại vi” như có người nghĩ như vậy. Nhất là từ ngữ hay khái niệm “ngoại vi” làm người ta liên tưởng đến các tổ chức bung xung của đảng cộng sản chỉ lập ra để tuyên truyền hay che mắt thế gian. Như Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hoà Bình Việt Nam (Trịnh Đình Thảo, Lâm Văn Tết), Mặt Trận Tổ Quốc (Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Thế Duyệt), đảng Dân Chủ Việt Nam ( Dương Đức Hiền, Nghiêm Xuân Yêm), đảng Xã Hội Việt Nam (Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám), etc… đều là  các tổ chức “ngoại vi” hữu danh, vô thực của Đảng Cộng Sản, được hay bị đảng Cộng Sản giật dây từ đầu chí cuối.

Ông Nguyễn Ngọc Huy không làm chính trị thủ đoạn “lá mặt, lá trái” như vậy. Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam từng là các đoàn thể chính trị có thực chất và phẩm chất do ông gây dựng. Bằng sự tận tuỵ, tận tâm, tận lực. Đó là những tác phẩm tim óc của ông chẳng khác tác phẩm Tân Đại Việt. Đó là những nỗ lực chiến lược đặt căn bản trên sự thành tín giữa những người chung lý tưởng vào các khúc quanh lịch sử của dân tộc.

Như giữa ông và người bạn tâm giao là ông Nguyễn Văn Bông. Ông Bông, kém ông Huy 5 tuổi, không phải đảng viên Tân Đại Việt, cũng không thuộc đảng phái nào nhưng là người trí thức dấn thân, tài đức xuất sắc. Ông cùng ông Huy lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến năm 1969. Dậy về chính trị học với bằng cấp cao nhất nước là tiến sĩ rồi thạc sĩ công pháp (Paris), lần đầu tiên trong cuộc đời, ông Nguyễn Văn Bông bước chân vào chính trường “gió tanh mưa máu” theo đúng nghĩa. Ông Bông làm chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, ông Huy làm Tổng Thư Ký. Phong Trào phát triển nhanh chóng và được sự gia nhập của nhiều cá nhân và tổ chức để sớm trở thành            một đoàn thể chính trị có thực lực và quy củ nhất trong Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam. Phong Trào giữ thế đối lập với chính quyền nhưng đối lập xây dựng và ôn hoà. Chuyện đáng chống thì chống. Chuyện đáng ủng hộ thì ủng hộ.  Cặp đôi giáo sư Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Huy ngày ấy danh tiếng như cồn. Ông Bông bị đặc công cộng sản ám sát bằng mìn, thân thể tan nát và cháy đen, khi chuẩn bị ra làm Thủ Tướng cuối năm 1971 theo lời mời bất đắc dĩ của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…

Không thể nói Phong Trào QGCT là ngoại vi của Tân Đại Việt và ông Huy đã “giật dây” ông Bông dù có thể chính ông Huy đã “tuyển mộ” ông Bông bằng tình bằng hữu chân thành ngay từ ngày cùng đèn sách đại học và cùng làm bồi bàn ở Paris . Cũng không thể nói Tân Đại Việt “điều khiển” luôn Việt Nam Quốc Dân Đảng (hệ phái Nguyễn Tường Tam) chỉ vì đoàn thể này cũng là một thành viên của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến…Đoàn kết, liên minh, tập hợp chặt chẽ, rộng rãi để cùng tranh đấu hữu hiệu cho đất nước – một bắt buộc cần thiết, hợp lý và chính đáng – không thể là một chiến thuật giai đoạn nhất thời hay một nước sơn bề ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Huy sống ở nước Mỹ 15 năm (1975-1990) nhưng ông không vào quốc tịch Mỹ. Ông giải thích rất nhẹ nhàng “người khác làm thế thì được nhưng tôi thì không”. Tưởng như là lời lẽ của người kiêu ngạo mà không phải. Chính là lời lẽ của người âm thầm tự nhận lấy cái gánh nặng lãnh đạo cuộc tranh đấu cứu vớt đất nước. Ông đã nguyện hy sinh hết cuộc đời, ông có kinh nghiệm, ông có kiến thức, ông đã suy nghĩ về con đường phải đi, ông có viễn kiến… Nếu ông không làm thì ai làm?! Nếu ông vào quốc tịch Mỹ, thề trung thành với nước Mỹ, trở thành công dân nước Mỹ thì còn nhân danh cái gì để lãnh đạo cuộc tranh đấu cho nước  Việt Nam?! Chắc ông phải nghĩ đến ông tướng De Gaulle lúc lưu vong ở nước Anh trong thế chiến thứ hai…

Có thực học, thực tài, thực tâm nên ở ông không bao giờ có sự phù phiếm hay cầu kỳ. Mọi sự đều như ăn khớp với nhau một cách giản dị, hợp lý và mang thực chất. Người ta có thể gọi giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhưng ông không tự xưng giáo sư hay tiến sĩ bao giờ. Ông không cường điệu, không tự quan trọng hoá mà cũng không cố ra vẻ khiêm tốn. Nguyễn Ngọc Huy là Nguyễn Ngọc Huy. Lúc nào cũng vậy. Có lần ông cười vui: “con gái tôi biểu: Ba nói tiếng Pháp như người Anh và Ba nói tiếng Anh như người Pháp” (Con gái của ông, tiến sĩ luật khoa Nguyễn Ngọc Thuý Tần, trưởng thành trong cả hai nền giáo dục Pháp và Mỹ).      Ông  còn cho biết làm phụ khảo ở đại học Harvard cho ông cơ hội nghiên cứu Luật Nhà Lê, vừa có lương để sống, vừa có bảo hiểm sức khoẻ, vừa tương đối tự do nên có thể đi đây đi đó để phát triển đoàn thể, tiếp xúc với chính giới các nước vận động thành lập Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do. Công việc nghiên cứu trong môi trường đại học thích hợp và thuận tiện với hoàn cảnh của ông. Ông nói tự nhiên và thành thật.

Với ông “văn là người”, “người là văn”. Cùng lúc vừa bác học, vừa bình dân.        Vấn đề phức tạp, cao xa, khó khăn đến mấy, qua ông, cũng trở nên đơn giản, gần gũi, dễ hiểu. Khả năng hiếm có ấy tất nhiên là do thông minh bẩm sinh, quá trình tôi luyện nhưng cũng do tấm lòng đôn hậu, thành thực lúc nào cũng nghĩ đến quốc gia dân tộc. Ông Lý Đông A chẳng nói “nuôi tâm thì làm thiên tài, nuôi trí thì làm nhân tài, nuôi thân thì làm nô tài” đấy sao? Nếu không phải là thiên tài thì ông đã không phải là người duy nhất tìm ra tất cả “các ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung” một cách có hệ thống, đâu ra đấy, hợp tình, hợp lý không bác bỏ được – Xin nhắc lại: người duy nhất trong mấy trăm triệu người Trung Hoa và người Việt Nam đã đọc và nghiền ngẫm các tác phẩm của nhà đại văn hào này! Một khả năng phân tích và tổng hợp đã phát huy đến một độ cao hiếm có!

Thành công hay thất bại?

Như đã nói đối tượng của chính trị là quyền lực, ông Nguyễn Ngọc Huy cả đời làm chính trị, làm từ A tới Z – học hỏi, suy nghĩ, viết lý thuyết, viết chính sách, viết tài liệu huấn luyện , viết sách, viết báo, tìm người cộng tác, tổ chức và phát triển đoàn thể, đối nội, đối ngoại…chưa kể phải soạn bài, chấm bài, đến lớp dậy học làm công việc chuyên môn của một giáo sư đại học để sống như mọi người. Một đời bận rộn, gian nan không kể xiết vậy mà chức vị to nhất, cao nhất chỉ là một lần làm Đổng Lý Văn Phòng của Phó Thủ Tướng đặc trách Bình Định & Phát Triển trong vài tháng của năm 1964. Ông Nguyễn Tôn Hoàn làm phó thủ tướng lúc bấy giờ.

Rồi để giúp xây dựng một hệ thống lý luận đối phó với phe cộng sản trong cuộc hoà đàm Paris nổi tiếng thế giới – vừa đánh vừa đàm – ông đã chấp nhận làm nhân viên trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà cùng vài người khác như ông Trần Thanh Hiệp, ông Vương Văn Bắc, bà Nguyễn Thị Vui… trong những năm 1968-1970. Lãnh đạo phái đoàn lúc đầu là phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, nổi tiếng về khá nhiều mặt kể cả mặt hay nói “bốc đồng” và “ruột để ngoài da”. Riêng ông Huy, từ Đổng Lý Văn Phòng đến làm Nhân Viên phái đoàn thương thuyết, về chức tước, thì đúng là “phú quý giật lùi”. Đã thế còn bị nói xấu là “đối lập lom khom” của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu!

Hiển nhiên, về phương diện chức vụ và quyền hành ông Nguyễn Ngọc Huy không thể so sánh được với các nhân vật lịch sử của đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà Việt Nam – cho dù sự nghiệp hay thành tích của họ luôn là đối tượng tranh cãi – như các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Bá Cẩn… Ông Nguyễn Ngọc Huy cũng không so sánh được với các ông  Quốc Trưởng, Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, Phó Thủ Tướng, Chủ Tịch Thượng Hội Đồng Quốc Gia, Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Thượng Nghị Sĩ : Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Xuân Chữ, Phan Quang Đán, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Nguyễn Lưu Viên, Dương Kích Nhưỡng, Nguyễn Bích Huệ, Nguyễn Tiến Hưng, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Quốc Thúc, Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Chức, Thái Lăng Nghiêm…là các chính trị gia, chính khách đứng đắn, có tiếng tăm tốt …cùng với ít nhiều huyền thoại.

Một số nhân vật, đúng ra, chỉ là những nhân sĩ độc lập, chuyên gia không hoạt động chính trị hay cách mạng bao giờ vậy mà đầu hôm sớm mai trở thành bộ trưởng, tổng trưởng một cách dễ dàng chẳng hạn như  các vị giáo sư Vương Văn Bắc, Trần Văn Kiện, Nguyễn Duy Xuân, Nguyễn Văn Tương…của trường Quốc Gia Hành Chánh. Tuy nhiên một sự thực không ai phủ nhận là các vị này đã dành cho người bạn đồng nghiệp đi dậy học bằng xe đạp hay xe Honda “ôm” một sự quý mến và kính trọng đặc biệt. Không phải vì người bạn là bạn đồng chí hướng của ông viện trưởng trường QGHC Nguyễn Văn Bông mà vì họ đã nhìn thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo quốc gia rất xứng đáng trong tương lai, dù có danh hiệu, chức tước hay không. Cũng vì thế mà không ai cảm thấy cần thiết phải ái ngại cho tình cảnh “phú quý giật lùi” hay “đường công danh” quá chậm chạp, vất vả của ông Nguyễn Ngọc Huy.

Cũng không phải chỉ các giáo sư và sinh viên trường QGHC mới thấy ông thầy giáo Huy “không giống ai”. Nhiều người đã nhìn thấy điều này. Những người để ý tới thời cuộc. Chính giới. Báo chí. Trí thức. Sinh viên các trường đại học. Người dân thường…

Và dĩ nhiên luôn cả tình báo cộng sản, tình báo Mỹ và cả ông tổng thống đương quyền Nguyễn Văn Thiệu. Mỗi nơi này đều có những tính toán riêng với trường hợp ông Nguyễn Ngọc Huy.

Dù là tính đến hại hay tính đến lợi cho chính họ, mỗi bên đều biết rằng ông Huy là một người làm chính trị vì lý tưởng, có tư tưởng phong phú, chặt chẽ, kiên định, làm việc có nguyên tắc, có sách lược, có chiến lược, có tổ chức. Họ đã nhìn thấy một nhân vật chính trị với bề ngoài giản dị bình thường nhưng bề trong là một bản lĩnh xuất sắc nhất hay xuất sắc vào bậc nhất của thời đại. Họ đã nhìn thấy một con người rất thận trọng nhưng một khi quyền lực vào tay, sẽ có đủ khả năng xoay chuyển bàn cờ chính trị Việt Nam theo một hướng khác hẳn.

Những bí mật lịch sử được bạch hoá gần đây cho thấy từ năm 1968, người Mỹ đã ý thức rằng sách lược chiến tranh “tốc chiến, tốc thắng” của họ không có kết quả nếu không nói họ đã bị sa lầy không rút chân ra được. Sách lược của Mỹ đã bị vô hiệu hoá bởi sách lược “chiến tranh nhân dân” đánh tiêu hao, đánh lâu dài của Mao Trạch Đông. Hoả lực và kỹ thuật Mỹ không cản được quân cộng sản xâm nhập qua đường biên giới Việt-Miên-Lào quá dài, quanh co cả ngàn cây số, không cản được Đảng cộng Tầu  tích cực yểm trợ và thúc đẩy đảng cộng sản Việt “đánh đến người Việt Nam cuối cùng” và sẵn sàng đánh thêm 20 năm hay 50 năm, không cản được lãnh đạo chóp bu ở Hà Nội tiến hành cuộc chiến ở miền Nam VN bằng tuyên truyền, khủng bố, vừa đánh vừa đàm nhằm gây rối loạn ngay trong nước Mỹ…

Giết ông Diệm, ông Nhu là một sai lầm. Đổ bộ hơn nửa triệu quân mà không dám Bắc Tiến vì  sợ tái diễn một cuộc chiến Triều Tiên thứ 2 với một biển quân Tầu trên đất Việt là một sai lầm khác. Người Mỹ không còn kiêu ngạo nữa: vấn đề Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết. Chỉ có một chính quyền miền Nam Việt Nam thật hữu hiệu, thật lương hảo, đích thực của dân, do dân, vì dân và được dân ủng hộ tích cực mới có thể đánh bại mưu đồ và nỗ lực nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam của phe cộng sản. Và giúp cho người Mỹ rút quân trong danh dự.

Người Mỹ đi tìm kiếm một liên hệ tốt với nhóm của ông Bông-ông Huy vì lý do này. Nhân chứng và tác nhân khả tín là ông Stephen B. Young của toà đại sứ Mỹ lúc bấy giờ và ông đại sứ đương nhiệm Ellsworth Bunker. Người Mỹ vận động hay làm áp lực với ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời ông Bông làm thủ tướng thay ông Trần Thiện Khiêm để bắt đầu tiến hành cải cách theo chương trình và kế sách của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến mà kiến trúc sư chính là ông Nguyễn Ngọc Huy: lập nội các đoàn kết quốc gia, làm dân chủ pháp trị đúng nghĩa, dân sự hoá và trong sạch hoá chính quyền ở mọi cấp, thực hiện công bằng xã hội, phát triển kinh tế, cải tiến đời sống nông dân bằng các chính sách ruộng đất thích hợp, đoàn ngũ hoá nhân dân để cô lập cộng sản…

Ông Thiệu chống cộng, điều này ai cũng biết. Có lẽ ông cũng yêu nước – một cách có mức độ như đa số mọi người – nhưng ông không yêu nước bằng yêu quyền lợi của ông, bằng yêu cái chức Tổng Thống và quyền lực đi kèm với nó. Ông Bông làm Thủ Tướng có thể có hại mà có thể cũng có lợi cho ông trong đoản kỳ và trong trường kỳ. Ông chấp nhận ông Bông vì có thể ông tự tin rằng, ảo tưởng hay không, ông có thể “đối phó” được với  “ông Bông thủ tướng” một khi ông vẫn là tổng thống và có quân đội trong tay. Và “đối phó” với ông Bông thì dễ hơn “đối phó” với ông Huy. Có thể ông tính toán: ông Bông ít tuổi hơn ông Huy; ông Bông, một nhà khoa bảng lỗi lạc mới bước vào chính trường  không lâu – tương đối ít kinh nghiệm hoạt động chính trị so với ông Huy là người đã xông pha mấy chục năm, từ một đảng viên thường trở thành lãnh tụ, lý thuyết gia, chiến lược gia, nhà tổ chức. Có thể ông Thiệu lo ngại sẽ bị “ông Huy thủ tướng” làm cho lu mờ, mất dần quyền lực đồng thời ông cũng không an tâm lắm với những người thân tín chung quanh ông Huy nhất là nhóm sĩ quan trong quân đội thuộc thành phần trung cấp và cao cấp khá đông đảo có “gốc” Đại Việt hay Tân Đại Việt mà có người đã từng tham gia các cuộc binh biến trong những năm trước. Chẳng hạn như các ông đại tá “không bao giờ được cho lên tướng” Huỳnh Văn Tồn, Nhan Minh Trang, Dương Hiếu Nghĩa …từng chỉ huy sư đoàn hay các đơn vị lớn…Có thể ông lo ngại ảnh hưởng của ông Huy, đã đáng kể với lớp người xuất thân từ trường Quốc Gia Hành Chánh đang điều khiển nền hành chánh ở khắp các tỉnh quận trên toàn quốc, sẽ còn lan toả nhanh chóng sang cả tập thể quân đội vốn là căn bản phát xuất sự nghiệp chính trị của ông.

Diễn biến lịch sử cho thấy: Ông Thiệu đã mời ông Bông làm thủ tướng. Tin bị tiết lộ. Câu hỏi “ai tiết lộ?” chưa được trả lời. Phía cộng sản quyết định ám sát ông Bông ngay tức khắc trước khi sự bảo vệ được chặt chẽ nâng cao dành cho người giữ chức thủ tướng chính thức. Về phía cộng sản, vụ  mưu sát có tầm quan trọng chiến lược được chuẩn bị từ cấp cao nhất, cẩn thận, tỉ mỉ và đã thành công. Đối với họ,  Nguyễn Văn Bông phải chết trước khi quá trễ cũng như các lãnh tụ xuất sắc nhất, tài đức nhất của phe quốc gia phải chết trước khi quá trễ: Lý Đông A, Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ…

Giết các đại kình địch như thế – thể hiện một thứ chính trị bá đạo, độc hiểm và đê  hèn nên đảng cộng sản đã giữ im lặng rất lâu chung quanh những vụ mưu sát này. Họ không thể rêu rao: “phản động đã đền tội” như thường lệ vì sẽ ngắc ngứ trước công luận: “phản động” chỗ nào? “Tội” gì mà phải “đền”?

Họ giết vì họ sợ. Họ giết ông Bông để chặn đường ông Huy. Chặn một thế lực chính trị đầy triển vọng của người quốc gia Việt Nam. Để phá tan một đường lối mới, dập tắt một hy vọng của chính quyền Mỹ. Quả thật, chính quyền Mỹ, người Mỹ lại tính sai và thất bại nữa vì đã không bảo vệ được người mà họ đặt cái hy vọng ấy.

Mặt khác, không ai biết rõ cảm giác thực của ông Thiệu khi nghe tin ông Bông bị ám sát. Ông có hối tiếc đã không ra lệnh bảo vệ an ninh đầy đủ cho vị thủ tướng tương lai của ông không hay ông chỉ cảm thấy nhẹ người?

Và những câu hỏi khác nữa, chẳng hạn:

Ông Bông không còn, tại sao ông Thiệu không mời ông Huy thành lập chính phủ thay thế mà chỉ nghĩ đến việc duy trì ông Trần Thiện Khiêm đến giờ chót hoặc thay ông Khiêm bằng ông Nguyễn Bá Cẩn khi tình thế đã suy đồi đến mức không thể cứu vãn? Tình thế biến chuyển quá nhanh, “đồng minh tháo chạy quá sớm” hay ông cố tình trì hoãn việc hợp tác thành thực với ông Nguyễn Ngọc Huy để cứu Miền Nam VN chỉ vì tính toán quyền lợi riêng quá kỹ? Ông cũng “ngán” ông Nguyễn Ngọc Huy như người cộng sản “ngán” ông Nguyễn Ngọc Huy chăng? Ông có muốn bào chữa rằng ông không mời ông Huy làm thủ tướng chỉ vì ông lo lắng ông Huy sẽ bị cộng sản giết như họ đã giết ông Nguyễn Văn Bông? Ông có muốn kể công đã mời ông Huy tham gia phái đoàn hoà đàm Paris nổi tiếng thế giới năm 1968-1970 đối diện với truyền thông quốc tế, đối diện cả với Henry Kissinger, Lê Đức Thọ đã khiến Cộng Sản không dám giết “sứ giả” Nguyễn Ngọc Huy khi 4 bên đang thương thuyết để…vãn hồi hoà bình?

Các nghi vấn đều có thể nêu ra, mọi sự giải thích chỉ là suy đoán. Những câu trả lời chính xác nhất vẫn thuộc về ông Nguyễn Văn Thiệu nếu ông Thiệu thành thật với chính mình. Đáng tiếc, ông Thiệu đã trở thành người thiên cổ!

Ông Nguyễn Ngọc Huy không cứu được Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản năm 1975. Ngày ông qua đời 28/07/1990 cả nước Việt Nam vẫn dưới ách độc tài đảng trị cộng sản. 31 năm sau, 2021, chưa thay đổi, vẫn còn độc tài đảng trị cộng sản trên toàn cõi. Tương lai đất nước bấp bênh, đen tối trước một nước Tầu cộng sản hùng mạnh và hung hãn. Ông Nguyễn Ngọc Huy đã không cứu được, chưa cứu được nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam như lòng ông mong muốn.

Người ta thường nói thành công cần 3 yếu tố, thiếu một cũng không xong: tài năng, cố gắng và may mắn. Ông Huy thực là người có tài. Ông đã cố gắng, chính xác nghĩa đen không phải nói văn chương, cho đến hơi thở cuối cùng. Ông cầu nguyện xin được sống thêm vài năm có lẽ cùng tấm lòng với Gia Cát Lượng khi làm lễ dâng sao trên Ngũ Trượng Nguyên hơn ngàn năm trước:

Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời

Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động

(Đằng Phương)

Ông Nguyễn Ngọc Huy quả thực đã không may mắn.

Đành phải nói là vận nước.

NẾU tháng 11/1971 đặc công cộng sản không giết được ông Nguyễn Văn Bông…NẾU ông Nguyễn Văn Thiệu không quá tham quyền cố vị… NẾU ông Nguyễn Ngọc Huy không bị ung thư kéo dài và chết ở tuổi 66, sớm ít nhất là 10 năm so với  tuổi thọ của người trung bình… NẾU “quần chúng đối với thiên tài KHÔNG PHẢI là cái đồng hồ đi trễ”…NẾU có nhiều người yêu nước tuyệt đối như ông Nguyễn Ngọc Huy v…v…THÌ mọi sự có thể khác, rất khác. Chẳng hạn như Việt Nam có thể đã là một con rồng châu Á thay vì là con rắn, con trăn như trong chế độ chính trị tệ hại hiện hành.

So sánh người làm chính trị – cá nhân với cá nhân  – Nguyễn Ngọc Huy của Việt Nam có kém gì Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan, Phác Chính Hi của Đại Hàn hay Lý Quang Diệu của Singapore – về cả ý chí, lý tưởng, kiến thức, tài năng, đức độ, lòng yêu nước? Vậy có nên đem thành bại mà luận anh hùng?

Còn là tinh anh

Sự thất bại của ông Nguyễn Ngọc Huy là hoàn toàn và có tính cách chung cuộc nếu tất cả người Việt Nam đã cam tâm vĩnh viễn làm “cái đồng hồ đi trễ” – coi cái chế độ độc tài cộng sản tàn nhẫn, thối nát và cả triển vọng mất giống nòi là một thứ định mệnh vì “cái số của nước mình nó thế!” thì không còn gì để nói, để bàn.

Trong trường hợp ngược lại, chết chưa phải hết, “thác là thể phách còn là tinh anh”. Ông Nguyễn Ngọc Huy đã trở thành người của lịch sử, người của chung dân tộc Việt Nam, không còn giới hạn là người của gia đình hay của đảng – Đại Việt, Tân Đại Việt, Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến hay Liên Minh Dân Chủ Việt Nam? Cuộc đời của ông là một đại tác phẩm. Các tác phẩm khác của ông, về văn hoá, luật pháp, chính trị cũng là những đại tác phẩm. Ông không giữ bản quyền. Không ai giữ bản quyền. Tất cả là một di sản hoàn toàn lành mạnh, vô cùng phong phú, hết sức hữu ích mà ông Nguyễn Ngọc Huy để lại cho lịch sử, cho dân tộc, cho thế hệ trẻ thanh niên trong và ngoài nước nhất là cho những ai còn trăn trở về tương lai của tổ quốc thân yêu. Ông Nguyễn Ngọc Huy đã ra đi nhưng để lại một con đường sáng. Rất sáng. Ông Nguyễn Ngọc Huy đã chết nhưng sẽ sống mãi trong lòng người Việt Nam.

Cao Tuấn 

(Tháng 7/2021)

Nạn Nhân Cộng Sản

Thơ Cao Nguyên

Nạn Nhân hơn hai triệu người

chết trong rừng thẳm, chết từ biển sâu

chết bởi cuộc chiến thương đau

chết vì bảo vệ sắc màu cờ thiêng

 

Nạn Nhân có ba triệu người

rời xa đất Mẹ sống đời lưu vong

nén thương đau tận đáy lòng

để còn tiếp sức cháu con về nguồn

 

Nạn Nhân còn cả ngàn người

khắc khoải trong những nhà tù, trại giam

chỉ vì muốn được làm dân

trong một đất nước góp phần dựng xây

 

Đập tan thống trị độc tài

để khôi phục lại lâu đài Việt Nam

Nạn Nhân chung sức hợp lòng

tiêu diệt Việt cộng thoát vòng Hán nô!

 

Cao Nguyên

Thăm Lại Chiến Trường Xưa

Thơ Trần Văn Lương

 

Dạo:

Xưa tuôn máu giữa chiến trường,

Nay tuôn lệ giữa quê hương không còn.

Thăm Lại Chiến Trường Xưa

 

Từng bước lẻ ngập ngừng theo tiếng nạng,

Nắng xoay chiều, chập choạng bóng thương binh.

Đích viếng thăm bỗng xuất hiện thình lình,

Người chưng hửng, tưởng rằng mình hoa mắt.

     

Sửng sốt nhìn quanh quất,

Tự hỏi mình có thật đến đúng nơi,

Xưa kia đã một thời,

Mình chấp nhận xương rơi cùng máu đổ?

 

Mấy mươi năm gian khổ,

Lất lây kiếm sống ở đô thành,

Cố chắt bóp để dành,

Làm một cuộc du hành thăm chốn cũ.

     

Muốn tìm tới chỗ mình từng tử thủ,

Cùng bạn bè chống lại lũ Cộng quân,

Để giữ gìn lãnh thổ, bảo vệ dân,

Và đã bỏ một phần thân thể lại.

 

Nhờ ít mốc thiên nhiên còn tồn tại,

Mò mẫm ra nơi đóng trại năm nao,

Nhưng còn đâu bao cát, thép gai rào,

Cùng hệ thống giao thông hào phòng thủ.

     

Lặng cúi đầu ủ rũ,

Hình ảnh xưa vần vũ kéo nhau về.

Mắt khép hờ, vật lộn với cơn mê,

Ôn lại trận đánh mùa hè năm đó.

                       *

                  *          *  

Trời rực cháy, mênh mông màu lửa đỏ,

Giặc cùng ta đụng độ suốt đêm ngày,

Súng lúc nào cũng nạp đạn luôn tay,

Xác chết cứ chất đầy như rơm rạ.

     

Trận đánh cuối thật vô cùng vất vả,

Cộng quân đông gần gấp cả chục lần,

Dùng biển người, không ngần ngại thí quân,

Nhưng vẫn bị ta cầm chân từng phút.

     

Đạn lớn nhỏ hai bên giành nhau trút,

Máu đào loang như nước lụt mùa mưa,

Mình kiên trì chống cự, gắng cù cưa,

Cả đại đội chỉ còn chưa đến chục.

    

Bạn bè thi nhau ngã gục,

Viện binh may vừa gấp rút đến nơi,

Thêm không quân tới yểm trợ kịp thời,

Quân ta dẹp tan biển người của giặc.

                       *

                  *         *

Tiếng cãi vã xé toang màn nắng gắt,

Người giật mình mở mắt thoáng nhìn quanh,

Đâu đấy toàn chuyện dối trá gian manh,

Lòng chợt tiếc thời giao tranh chống địch.

 

Chiến trường cũ giờ thành nơi du lịch,

Chẳng còn gì là vết tích ngày xưa,

Dân tình nay cũng quen thói lọc lừa,

Chuyện đạo đức như chưa hề hay biết.

 

Trẻ đua đòi trắc nết,

Già mải miết ăn chơi,

Ngày mất nước tới nơi,

Không một lời thắc mắc.

               

Người uất ức, sắc mặt dần tái ngắt,

Muốn hét lên, nhưng vắt chẳng ra lời,

Ngực phập phồng, dòng đau đớn chợt khơi,

Buồn so sánh hai cảnh đời trái ngược.

     

Cán bộ với bọn Tàu tiền như nước,

Cậy thế cậy quyền, ngang ngược khắp nơi,

Trong khi dân kiếm cả mấy tháng trời,

Không bằng chúng xài chơi trong thoáng chốc.

 

Rồi cố nén nỗi sầu đang chực bốc,

Nhìn người già cực nhọc đạp xích lô,

Kẻ tật nguyền, gầy ốm tựa xương khô,

Ôm vé số co ro ngồi rao bán.

     

Nhưng khi thấy đám mang danh “tỵ nạn”,

Kéo nhau về nhan nhản, miệng huyên hoa,

Người thương binh không kềm được xót xa,

Khối tuyệt vọng vỡ oà trên nạng gỗ.

Trần Văn Lương 

Cali, đầu mùa Quốc Hận 2021   

Hy Vọng Khởi Đi Từ Màu Đen

Nguyễn Quang Dũng

1.

Tháng 5 1981. Tôi và vợ cùng hai đứa con, một trai một gái, quyết định vượt biển, vượt thoát khỏi quê hương Việt Nam khốn khó đang sống ngột ngạt trong cuộc đổi đời dưới chế độ kiểm soát tù tội của chính quyền cộng sản từ phương bắc.

Đây là lần vượt biên thứ tư của gia đình tôi, ba lần trước đều bị bỏ rơi, phải trở về, may mắn là không bị bắt, cũng như chưa ra biển.

2.

Lần này, chuyến vượt biên thành công. Chiếc tàu nhỏ dùng chạy đường sông được sửa mủi tàu để có thể vượt sóng biển, thoát khỏi lòng sông ở cửa Cần Giờ, Long An, trực chỉ biển lớn.

Những người tổ chức của chiếc tàu vượt biên mang theo 60 người, mãi mấy ngày sau tôi mới biết, chỉ có một kế hoạch duy nhất là chạy ra hải phận quốc tế và tìm tàu lớn để mong được cứu vớt. Chúng tôi mất đúng năm ngày đêm chỉ để thực hiện được mục tiêu này: Chạy được tới hải phận quốc tế, tìm thấy được nhiều chiếc tàu hàng hải lớn. Nhưng duy chỉ là mỗi lần xả máy lại gần để cầu cứu thì những chiếc tàu sắt lớn này im lặng lừng lững bỏ đi, không hề quan tâm đến những dấu hiệu S.O.S của chúng tôi.

Ngày thứ sáu lênh đênh giữa biển khơi trong những cuộc đuổi bắt và cầu cứu vô vọng, tôi biết được từ người tổ chức là chiếc tàu nhỏ của chúng tôi đã gần cạn xăng dầu và nước uống. Sẽ phải ngưng lại việc rượt đuổi theo tàu lớn và nước uống sẽ được phân phối hết sức hạn chế .

Những mệt mỏi. lo âu và thất vọng hiện ra ở gương mặt mỗi người lớn. Những đứa nhỏ nằm la liệt trên sàn tàu, ói mửa, hốc hác…

Tối hôm đó. Biển động.

Trời đen.

Biển đen.

Những con sóng đen ngòm, với độ cao và độ nghiêng đến chóng mặt.

Lần đầu tiên trong đời, tôi ở trong lòng biển động, giữa trùng khơi sâu thẳm.

Tôi sống ở Nha Trang từ nhỏ. Biển vẫn là niềm vui và gần gủi trong đời sống của tôi. Khi lớn lên, hàng ngày trước khi đi học, tôi thường ra biển từ sáng sớm để ngụp lặn bơi lội trong làn nước xanh mặn mát ấm. Biển do vậy là những nỗi niềm thân thiết rất riêng tư của tôi. Tôi biết Biển có những lúc là Biển của hiền hòa yên tĩnh, cùng nhịp với tiếng gió thông reo hay ánh trăng đêm rằm nhẹ nhàng tỏa sáng mặt biển đêm. Tôi biết Biển có những khi gầm thét, hung dữ trong những ngày bão lớn với những con sóng xám đen cao ngất lừng lững từ xa chạy vào và đập vỡ tung bờ cát trắng.

Nhưng tôi chỉ mới biết Biển khi chân tôi đứng trên mặt đất yên ổn nhìn Biển cuồng nộ. Chưa một lần tôi cảm nhận được cái nhỏ bé mong manh đến không tưởng của chiếc tàu nhỏ  như một cọng rơm giữa biển đen sóng dậy. Không một chỗ tựa. Tôi nhìn thấy chung quanh tôi là biển nước đen ngòm hun hút đến tận trời xa đen thẳm. Biển động đang sắp sửa nhận chìm chúng tôi xuống đáy biển sâu!  Ý tưởng đó, sắc như con dao nhọn bén, đâm thẳng vào đầu tôi.

Sợ hãi ập tới. Như con sóng lớn đen ngòm kia đang ập tới, nhận chìm và chiếm ngự  tôi trọn vẹn. Không gì cản nỗi.

3.

Sợ hãi là một thứ tình tự lạ lùng và ma quái. Tôi nhận ra trong đời tôi, tôi có nhiều nỗi sợ linh tinh, thường là những dấu hiệu báo trước một loại hiểm nguy hay bất trắc nào đó tôi nhắc tôi nên tránh. Tôi gọi nó là sợ hãi nhỏ. Thường vì nhỏ nên chuyện vượt qua loại sợ này cũng là chuyện nhỏ.

Nhưng tôi cũng nhận ra sự hiện hữu của một thứ sợ hãi với mức độ và tầm cỡ kinh khủng, ảnh hưởng và tác động cùng lúc trên nhiều người. Thứ sợ hãi này liên quan đến những biến cố lớn trong đời sống mỗi người.  Và cũng thường tình, người ta dùng màu đen để diễn tả một cánh ngắn gọn nhưng đầy đủ về những biến cố mang tính phá hoại hay bi thảm này. Tháng Tư Đen chẳng hạn, tên gọi ngắn cho  biến cố 30-4-1975, nhận chìm hàng triệu người miền Nam Việt Nam trong bóng đen của sợ hãi, chết chóc và bi thảm trong thân phận những người thua trận và mất nước.

Trải qua và vượt qua biển nước mênh mông đen kịt tối hôm mưa gió đó, tôi nhận ra tại sao màu đen gắn liền với sợ hãi trong tôi bấy giờ:

Đơn giản bởi vì tôi sợ những gì tôi không hình dung, không thấy được.

Biển động ngoài trùng khơi xa thẳm hôm đó chỉ toàn là một màu đen.

Biển đen. Trời đen.

Trong bóng tối, tôi không nhìn thấy được gì ngoài màu đen. Và chính trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra tôi không là gì hết khi đem cái hữu hạn của tôi đặt trước cái vô cùng của trời đất. Những gì tôi biết, tôi thấy, không là gì hết trước khoảng không của hằng hà vô số những gì tôi không thể biết và không thể thấy.

Chỉ như vậy: Tôi sợ.

 

4.

Tháng 4 năm 2020, Tháng Tư Đen của cả thế giới.

Con vi khuẩn nhỏ nhưng với khả năng phá hoại khủng khiếp đã làm cả thế giới sợ hãi.

Cho đến nay, đầu năm 2021, hàng triệu người chết. Hàng triệu người bị lây nhiễm phải nhập viện và vất vả chiến đấu tồn sinh. Đời sống và sinh hoạt thường nhật bị xáo trộn đến cùng cực. Lệnh cách ly và hạn chế mọi sinh hoạt tụ họp hay sinh hoạt mang tính giao tiếp làm mọi người co rúm trong sợ hãi.

Cha mẹ con cái xa cách ông bà. Người yêu người không còn biểu hiện ở những xiết chặt của vòng tay ôm, không còn những nụ hôn gần gũi ngọt ngào, không còn những nụ cười vui. Không còn ai thấy ai. Tôi có cảm tưởng dường như những ngày tháng của Tháng Tư Đen 46 năm trước lại trở về. Người xa người trong những chia xa, ngăn cách.

Và tôi cũng nhận ra len lõi đâu đó trong tâm trí dường như là nỗi sợ hãi khi đối diện với nhiều điều tôi không biết, không thấy được và không lường trước được. Con vi khuẩn nguy hiểm lây lan trong không khí là kẻ thù độc hại và khi nhìn thấy nó thì đồng nghĩa là tôi đã gục ngã. Nỗi sợ hãi này không khác gì nỗi sợ lúc tôi ở trong lòng biển đen trong chuyến vượt biển năm nào.

Chỉ khác một điều: Vào Tháng Tư Đen 1975 tôi biết rất ít về những gì sắp sửa xảy ra trong lúc ở Tháng Tư Đen 2020 thông tin về dịch bệnh lại nhiều đến mức không tưởng. Các cơn bão thông tin này với những phương tiện truyền thông hiện đại từ những chiếc điện thoại cầm tay nhỏ xíu lan truyền đi rộng rãi, khuếch tán lớn thêm mãi về cái hữu hạn của kiến thức loài người hay những-điều-không-biết của con người đứng trước bệnh tật.

5.

Nhưng điều tôi chưa viết ở đây là tối hôm biển động trong chuyến vượt biên của tôi và gia đình, đêm tối tôi tưởng là đã vùi thây trong lòng biển như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác trên đường tìm tự do, biển lớn hay Trời Phật đã nhẹ tay không dìm chết những sinh mạng nhỏ nhoi kia, trong đó có tôi, đang loi ngoi trên làn nước mênh mông. Và còn ban phát những giọt nước cứu tinh.

Là mưa. Những giọt nước mưa lúc đó quý hơn vàng. Trong đêm tối, mưa ướt ngọt trong môi miệng tôi. Chúng tôi loay hoay hứng mưa dự trữ nước uống, cộng thêm kinh nghiệm của người lái tàu biết cách cỡi sóng và nhờ vậy cầm cự, sống sót thêm được vài ngày. Hai ngày sau, sau khi bàn thảo rút kinh nghiệm, chúng tôi đổi cách cầu cứu: Chiếc tàu nhỏ của chúng tôi sẽ ngừng máy, thả neo, đốt khói đen, giăng bản vải S.O.S và khi thấy tàu hàng hải lớn thì những người biết bơi sẽ nhảy xuống biển vẫy tay kêu cứu.

Kế hoạch này thành công một nửa: Một tàu hàng hải của Trung Cộng đã dừng lại cung cấp cho chúng tôi mọi thứ cần thiết: thức ăn, nước uống, xăng dầu và quan trọng nhất là bản đồ hàng hải hướng dẫn chúng tôi đi đến Mã Lai. Họ không cứu chúng tôi âu cũng là may mắn vì dĩ nhiên là chúng tôi không muốn chạy họa cộng sản lại đến một xứ cộng sản khác.

Bốn ngày sau đó chúng tôi tấp vào thương cảng Singapore thì bị tàu tuần quốc gia này kéo ngược ra, bảo là họ không nhận người tỵ nạn từ Việt Nam, họ khuyên chúng tôi đi đến Phi Luật Tân. Không còn cách nào khác hơn, tàu chúng tôi đâm vào bờ biển Mã Lai, thả người vào bờ và đục tàu, đánh chìm chiếc tàu nhỏ. Sáu chục thuyền nhân của tàu chúng tôi sau đó cũng gia nhập đại gia đình của người Việt tỵ nạn tại đảo Pulau Bidong.

 

6.

Tôi nhận ra trong tuyệt vọng của đói khát và đối diện với tử vong trong chuyến vượt biển năm nào thì hy vọng đến cho tôi cơ hội tiếp tục tồn sinh.

Đến bây giờ có một lý lẽ rất đơn giản mà tôi trực nghiệm từ những trải nghiệm của đời sống là tôi luôn sống trong cái hữu hạn của kiếp người. Cái biết của tôi không là gì hết trong cái vô hạn của Trời Đất.

Cũng cho đến bây giờ tôi vẫn còn tự hỏi: Làm sao tôi còn sống sót trong lúc hàng trăm ngàn người vượt biển tìm tự do  như tôi vùi thây trong lòng biển sâu? Có chăng Trời Phật với những sắp xếp mà loài người không biết được?

Và tôi cũng như triệu tỷ người khác trên trái đất này là những kẻ không-hiểu-gì, loay hoay cả đời trong những tất bật mang tính đối cực, nhị nguyên, cái lý lẽ hai-mặt-của một-đồng-tiền: Sáng-Tối. Vui-Buồn. Sướng-Khổ. Thăng-Trầm. Giàu-Nghèo. No-Đói. Trẻ-Già. Khóc-Cười. Sống-Chết…

Nhưng có một điều tôi hiểu rõ, một cách chắc chắn, là không khi nào tôi có thể ở mãi trong một mặt của đời sống. Tôi không thể có bình an mãi được vì đời sống vốn đầy dẫy những bất an giăng bủa chung quanh. Tôi không thể sống khỏe mãi được vì hàng triệu vi khuẩn gây đủ thứ bệnh tật tìm đủ mọi cơ hội để xâm nhâp các cơ quan chức năng của cơ thể tôi. Và không chóng thì chầy thì tôi sẽ chết vì lẽ đơn giản tôi không thể sống mãi được. Vậy thì tại sao tôi phải sống co rúm trong sợ hãi vì mãi lo bám víu một mặt nào đó của cái đồng-tiền-hai-mặt?

Cũng như trong bóng tối mênh mông của đêm trên biển động tôi tìm thấy hy vọng từ những giọt nước của Trời. Và sau đó là ánh sáng và bình lặng của Biển lớn.

Cũng như lúc này, ở đây,  trong trắng lạnh của tuyết giá một ngày cuối năm âm lịch tôi nhìn thấy con chim anh vũ đỏ từ đâu bay lượn về đáp xuống trước sân nhà bình thản  ngắm tuyết rơi.

Ơ hay! Nếu tôi không biết gì về cái lẽ chuyển vận vô hạn, vô cùng của Trời Đất, của Sống và Chết, thì không có lý do gì tôi phải sống trong lo sợ và bám víu. Buông Xả tôi sẽ Nắm Bắt được Cái Đẹp của màu đỏ con chim Anh Vũ trên màu trắng của Tuyết.

Còn gì cần thiết phải nghĩ ngợi lôi thôi?

Nguyễn Quang Dũng

tháng 2/2021

Cá chậu chim lồng

Đào Hiếu Thảo/Th2

Trại lao động khổ sai tại K1 Gia Trung, Long Thành

Cố Thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill đã nói về chế độ tư bản và chủ thuyết cộng sản như sau: “Tư bản là tạo điều kiện cho mọi người giàu có, nhưng không bằng nhau, còn Cộng sản là đưa mọi người tới chỗ nghèo khó như nhau!”

Cuộc “đổi đời” ở Miền Nam Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 đen năm 1975 đã minh chứng rõ rệt điều ấy, ra đường phố thấy toàn dân đi xe đạp, xăng dầu khan hiếm, các cây xăng tư nhân bị đóng cửa, giá cả thì tăng đến chóng mặt,  trên khắp nẻo đường Saigon mọc lên những điểm bán xăng lẻ, trong những chai một lít hay 75 cl.

Khách mua xăng/dầu toàn là cán binh VC, “bộ đội nón cối”, “những người chủ mới” của đất nước, không biết từ đâu và bằng cách nào họ đã nhanh chóng sở hữu đủ loại xe gắn máy Honda, Yamaha, Suzuki và tai nạn lưu thông xảy ra như cơm bữa.  Từ rừng núi, đường mòn, mật khu, tràn về ngập Saigon, bộ đội Hồ Tặc nào có biết luật đi đường trong xã hội văn minh, tiến bộ là gì?

Dân chúng Saigon kể với nhau những chuyện không thể nín cười như: “Đang luồn lách trên đường phố, lọng cọng vì chưa biết chạy xe gắn máy, một lính Bắc Việt “bộ đội” đụng phải bà lão đang băng qua đường, làm bà té nhào. Tên bộ đội gắt-Tôi cố tránh né không muốn va xe vào người bà, bà có biết không?- Bà lão thản nhiên đáp -Tôi cũng cố tránh né các cậu từ năm 54 đến giờ, chẳng may phải gặp lại, thế cậu có biết không hả?-”.

Trong xã hội mới, dân tình còn chưa hết âu lo, băn khoăn, sợ sệt “chính quyền cách mạng”, một cái chánh quyền chuyên quản lý con người bằng súng đạn, hơi cay, kiểm soát cái bao tử thì không ai bảo ai, mọi người đều tự mặc  những bộ quần áo cũ, rách rưới cho ra vẻ dân lao động để tránh bị nhà cầm quyền CS liệt kê vào thành phần tư sản, mại bản, bị gán cho là “giai cấp bóc lột, ăn trên ngồi trước, làm giàu trên xương máu dân lành” và rồi, sớm muộn gì cũng bị họ tìm cách trấn lột tận xương tủy.

Bao nhiêu quần áo còn tươm tất hoặc mới, đồ đạc và máy móc trong nhà đều lần lượt theo nhau ra các chợ trời, những món hàng này được “bộ đội” đặc biệt chiếu cố, vơ vét và chuyên chở hết mọi “chiến lợi phẩm” ra ngoài Bắc bằng đủ mọi phương tiện. Ngoài đường chỉ còn thấy người ta mặc những bộ áo quần màu sậm, nâu, xám hay toàn đen trắng như để tang cho một đất nước bị bức tử, bổng dưng biến mất, bị xoá bỏ, cũng như quyền làm người ngày càng bị VC công khai tước đoạt.

Ngày qua ngày, tôi không tài nào tìm được một công việc dù nhỏ nhoi, dù phải lao động chân tay để đổi ra chút ít cơm gạo, buôn bán thì không vốn liếng và cũng chưa bao giờ biết mua bán ra sao, hơn nữa những anh em quân nhân chế độ cũ như tôi luôn bị an ninh phường khóm bám sát, hạch hỏi, theo dõi.

Để có tiền sống cầm hơi, cứ vài ba hôm tôi lại soạn ít đồ đạc cũ từ đôi giày đến chiếc nhẫn đưa ra chợ trời tiêu thụ. Anh em bạn gọi đó là nghề “chà đồ nhôm” tức chôm đồ nhà đi bán.  Món cuối cùng tôi phải rời xa là gia sản quý nhất mà tôi cố cầm cự, đành bán chiếc xe Vespa Spring cũ với giá rẻ mạt kiếm chút tiền cho gia đình cầm cự qua ngày.

Một hôm trong lúc đang đi bộ trên vỉa hè, bỗng có hai bộ đội rất trẻ, mỗi người đeo một khẩu AK 47,  chạy theo và hỏi tôi có đồng hồ Nhật muốn bán không? Đang đeo chiếc đồng hồ Seiko còn khá mới, chưa tính bán ngay, nhưng vì có người hỏi mua nên tôi muốn thử thời vận xem có được giá không. Đến hàng cà phê ở góc phố, hai bộ đội nói họ thích mua đồng hồ ngoại gởi về Hà Nội làm quà, họ nói như nằm lòng là đang tìm đồng hồ “không người lái, hai cửa sổ, 12 trụ đèn, không thấm nước” có nghĩa là tự động có ngày, tháng, có chấm lân tinh, sáng vào ban đêm.

Họ trầm trồ, mân mê, nhìn chăm bẩm, lúc lắc cái đồng hồ Seiko của tôi, thấy đã đạt đúng sở thích mà họ ước ao. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời hai cán binh cộng sản này cầm được trong tay chiếc đồng hồ mà dân chúng trong Nam có thể sắm bất cứ lúc nào mình cần.

Khi nói chuyện giá cả, hai tay bộ đội dốc hết túi, đếm bạc lớn, bạc nhỏ tính ra được trên 5 ngàn tiền Hồ, mà thời giá chiếc Seiko phải gấp ba, bốn lần như thế. Họ nài nỉ quá, họ nói đồng lương bộ đội rất kém, phải chiến đấu gian lao, sinh hoạt hạn hẹp, cho nên cuối cùng tôi xiêu lòng, tháo Seiko ra, nhận nắm tiền ít ỏi, dù sao cũng mua được chút ít thực phẩm trên đường về nhà.

Cầm nắm tiền Hồ trong tay, nhìn lại mới thấy giấy in phẩm chất rất xoàng, dễ nhầu nát, dễ rách, hình vẽ thô sơ, toàn là những chân dung “Hồ Chủ Tịt”, nào là bác Hồ nghe đài hình nghiêng, bác Hồ xem tivi chụp thẳng. Người dân Saigon xem những tờ giấy bạc đó không khác nào toa thuốc bọc dầu Nhị Thiên Đường, mà những đường nét và màu sắc trong toa còn có phần hấp dẫn hơn tiền Hồ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Uỷ Ban Quân Quản Saigon-Chợ Lớn-Gia Định ra lệnh đổi tiền theo tỷ lệ một đổi một,  giữa tiền cũ của Việt Nam Cộng Hoà và tiền của chính quyền mới Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Cộng Sản Bắc Việt).

Vào tháng 6 năm 1975, sau khi chúng tôi đã ra trình diện và đang bị nhốt trong ngục tù, họ lại khẩn ban hành lệnh đổi tiền tại Vùng Giải Phóng tức là từ vĩ tuyến 17 trở vào tận Cà Mau, các loại tiền đang lưu hành mất hết hiệu lực. Mỗi cá nhân có tên trong hộ khẩu, từ 18 tuổi trở lên chỉ được đổi mỗi người 200 đồng tiền mới phát hành. Trước ngày đổi tiền thì có lệnh giới nghiêm 24 giờ trên 24, trong 2 ngày (48 tiếng  đồng hồ), không ai được ra khỏi nhà (để đổi chác, chạy chọt, đầu cơ) mọi vi phạm đều bị nghiêm trị. Sau khi giới nghiêm giải toả mọi người bắt đầu được phép mang tiền ra đổi, số tiền mà mỗi cá nhân dự trữ lâu nay vượt quá 200 đồng tiền mới, trở thành những tấm giấy lộn, vậy là nhà nước đã cướp đoạt tiền của dân một cách trắng trợn và công khai. Chưa một quốc gia nào trên thế giới, ngoại trừ cộng sản Việt Nam lại cho áp dụng biện pháp đổi tiền phi lý như vậy, một cách “bóc lột con người tận xương tuỷ”. Câu nói “cộng sản biến mọi người thành nghèo như nhau” trong hoàn cảnh này quả thật là chính xác, chẳng sai trật chút nào.

Chắc nhiều người còn nhớ, sau khi Bức Tường Ô Nhục Bá Linh sụp đổ hoàn toàn, hai nước Đông và Tây Đức thống nhất vào tháng 11 năm 1989, tiền Mark tức đồng Đức Kim bên Cộng Sản Đông Đức chỉ bằng một phần sáu đồng Đức Kim phía Dân Chủ Tây Đức. Nhưng chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức quyết định nâng giá trị đồng tiền của Đông Đức lên ngang hàng với tiền của Tây Đức, có nghĩa là tài sản, vốn liếng của người dân từng sinh sống dưới chế độ cộng sản được nhân lên gấp sáu lần. Thời ấy, 72 triệu dân Tự Do, Tây Đức đồng ý dùng biện pháp kinh tế, tài chánh để thống nhất đất nước trong hoà bình, thịnh vượng với 16 triệu dân Cộng Sản Đông Đức dù họ còn thấp kém về mọi mặt sau gần một phần tư thế kỷ sống trong chính quyền Cộng Sản Đức dưới sự kềm kẹp, thống trị bằng bạo lực của nhà độc tài Erik Honecker.

Chỉ vài năm sau đời sống của người dân Đông Đức được cải tiến, phát triển nhanh chóng, hàng loạt xí nghiệp, hãng xưởng, nhà máy sản xuất được chuyển từ Tây sang Đông,  xã hội Đông Bá Linh chẳng bao lâu trở nên trù phú, phồn thịnh.

Còn chuyện “Saigon Giải Phóng”, đảng và nhà nước cũng hô hào thống nhất, Nam Bắc quy về một mối, không còn sự phân biệt giữa chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà với chính phủ Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (tên gọi của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam).

Lúc tiến vào Saigon, các chiến xa, xe tải Molotova đều treo cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, nửa trên màu xanh dương, nửa dưới màu đỏ, chính giữa có ngôi sao vàng. Bộ đội cũng mang trên nón cối của họ huy hiệu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhưng chỉ ít hôm sau, cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đột nhiên biến mất, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện đều khắp, nhà nhà phải tự mua và treo ở ngay mặt tiền, để “ăn mừng chiến thắng thần thánh”.

Vào tuần lễ cuối tháng 5, năm 1975, radio, tivi, báo chí phổ biến lệnh trình diện tập thể đối với tất cả các hạ sĩ quan, binh sĩ chế độ Việt Nam Cộng Hòa từ cấp binh nhì đến Chuẩn uý, nơi tập họp là trụ sở quận, phường, khóm, để tham gia lớp học tập gọi là “bồi dưỡng chính trị”, kéo dài 3 hôm. Sau khi hoàn tất khoá học các anh em được cấp giấy chứng nhận và tự do ra về làm ăn, sinh sống. Ai không tuân thủ lệnh triệu tập sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Nhớ lại Tết Mậu Thân 1968, sau khi cộng quân xâm chiếm khu vực Thừa Thiên-Huế, công chức, quân nhân của chánh quyền Saigon cũng có lệnh phải ra trình diện với “Cách Mạng”, nhưng sau đó mới biết đã có trên 10 ngàn người dân vô tội bị giết hại, chôn sống và lấp dưới những nấm mồ tập thể, khắp cố đô Huế và một số tỉnh thành khác.

Các anh em hạ sĩ quan, binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tham gia lớp học chính trị kể lại là họ được cán bộ cộng sản tiếp đón niềm nở, không khí buổi sinh hoạt vui vẻ, mọi người thấy yên tâm, bớt ái ngại vì thấy kẻ chiến thắng kêu gọi xoá bỏ hận thù, hoà hợp, hoà giải, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước hùng mạnh.

Sau khoá học chính trị kéo dài 3 hôm tổ chức ngay tại địa phương các anh em hạ sĩ quan, binh sĩ chế độ VNCH được tự do ra về. Chính quyền “thành Hồ” toan tính gì đây? Họ thường rêu rao là “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ quay trở lại”, việc thả hết các anh em hạ sĩ quan, binh sĩ về là chính sách “khoan dung, độ lượng, nhân đạo” hay chỉ là mánh khoé bịp bợm, thả con tép riu, bắt con cá mập? để đưa anh em chúng tôi vào cảnh “cá chậu, chim lồng” lâu dài?

Nhớ đến câu nói bất hủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng  nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.  Phân vân, mình có tin được vào những lời hứa hẹn, kêu gọi, khuyến dụ của chính quyền cộng sản hay không?

Chế độ chuyên chính vô sản có bao giờ chấp nhận quyền tư hữu, chấp nhận lề lối quản lý kinh tế của tư bản mà họ cho là “người bóc lột người”, toàn dân Miền Nam Việt Nam đã bắt đầu phải đi vào phương thức làm ăn tập thể, hoàn toàn do nhà nước chỉ đạo, định đoạt và điều hành.

Giai cấp tư bản và tiểu tư sản bao gồm những công thương kỹ nghệ gia toàn Miền Nam cũng phải trình diện, học tập chính trị để biết cách thức làm ăn mới mà với họ chính là “đi vào cửa tử” hay “chết dần chết mòn”, vì mọi phương tiện sinh sống của họ đều bị đảng và nhà nước tước đoạt sạch từ những ngày đầu tháng 5  năm 1975.

Không quen với công việc lao động tay chân nay lại bị ép buộc vào sinh hoạt tập thể những người lâu nay chỉ biết sống bằng nghề buôn bán, bây giờ phải làm thợ, làm công nhân trong các hợp tác xã, nhà máy, hãng xưởng quốc doanh với đồng lương cầm hơi, họ cảm thấy cuộc sống của mình đang “đi vào ngõ cụt”. Tin tức truyền khẩu cho nhau nghe là đã có một số thương gia giàu có, tiền rừng, bạc bể phải đi tìm cái chết để tự giải thoát.  Bên cạnh đó, người ta rỉ tai nhau là chỗ này, chỗ kia có những tổ chức bí mật đưa người ra khơi, trốn chạy cộng sản, nhưng cần phải chi rất nhiều vàng làm lộ phí.

Chính quyền mới cũng ban hành hàng loạt quy định (rất ngược ngạo, vô lý) trong đó có việc ngăn cấm dân chúng không được tiếp xúc với người nước ngoài với bất cứ lý do gì, mọi cuộc gặp gỡ bị xem là trái phép, lén cung cấp thông tin hoặc làm “gián điệp cho ngoại bang” là những “thế lực phản động, thù nghịch với Cách Mạng”. Việc dạy và học ngoại ngữ cũng bị triệt để ngăn cấm, các loại nhạc của  Saigon trước đây bị cấm phổ biến, họ cho “Nhạc Vàng” là nhạc bệnh hoạn, uỷ mị, ru ngủ.  Cấm hát, cấm nghe, sách báo, văn hoá phẩm của Miền Nam bị tịch thu và thiêu huỷ đồng loạt, bị phê bình là do ảnh hưởng của tư tưởng Mỹ Nguỵ không phù hợp với “đạo đức thế hệ Hồ Chí Minh?. Đám đông trên ba người không được tụ họp nơi công cộng nếu không xin phép trước, điều này có nghĩa là tại các giáo đường, đình chùa, thánh thất, hội quán, người dân không được tự ý đến cầu kinh, lễ bái, các vị lãnh đạo tinh thần không được phép cử hành những nghi thức tôn giáo mà cần phải có ý kiến của chính quyền sở tại.

Người ta vẫn thường nói rằng chế độ cộng sản Miền Bắc chủ trương “ngu dân” nay sự thật phơi bày, dân chúng Miền Nam ai nấy đều “sáng mắt” khi phải sống dưới “gông cùm cộng sản” và chứng kiến những gì xảy ra quanh mình mỗi ngày, từ khi cả nước bị nhuộm một màu đỏ của máu.

“Bao giờ sấm trước có mưa, bao giờ cộng sản mà ưa dân mình” là câu nói truyền khẩu mà bà con rao truyền cho nhau nghe, một khi thấy rõ dã tâm của phương Bắc chiếm đoạt trọn vẹn Miền Nam, thống trị cả nước bằng sắt máu, bằng súng đạn, để tiến thẳng đến chủ nghĩa Xã Hội Chủ Nghĩa mà người cộng sản cho là “ưu việt”, là tuyệt vời.

Việc Uỷ ban Quân quản kêu gọi các anh em hạ sĩ quan, binh sĩ của chế độ Saigon trình diện, tham dự các khoá “bồi dưỡng chính trị Mác-Lê” kéo dài 3 hôm, tổ chức ngay tại phường khóm, rồi sau đó cho tất cả ra về được dư luận bàn tán không ngớt,  có người xem đó là một cách đối xử tử tế, rộng lượng, cũng không ít người nghĩ đó chỉ là những màn dàn dựng chứa đựng thâm ý nhằm thực hiện kế “điệu hổ ly sơn”, thi thố các chiêu độc hại đối với những người bại trận.

Đến đầu tháng 6 năm 1975, báo chí, radio, tivi Saigon Giải Phóng ra rả những thông báo yêu cầu tất cả sĩ quan từ cấp Thiếu tá đến cấp Trung tướng thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải ra trình diện để được hưởng sự khoan hồng và tham gia khoá học tập chính trị, mỗi người cần mang theo quần áo, đồ dùng cá nhân và tiền mặt đủ dùng trong một tháng. Bất cứ ai không tuân hành lệnh này sẽ bị Cách Mạng xử phạt thích đáng. Thông cáo cũng nhắc lại rằng tất cả anh em hạ sĩ quan, binh sĩ của chế độ Saigon được gọi tập trung đi học tập chính trị, nhưng sau đó toàn bộ được tự do ra về và làm ăn sinh sống yên ổn ở địa phương.

Thời hạn trình diện là hai ngày 14 và 15 tháng 6 năm 1975, tại các địa điểm tập trung, tuỳ theo nơi mình cư trú, là những trường đại học, trung học, tiểu học. Các cơ sở giáo dục này đang đóng cửa vì lúc ấy là thời gian sinh viên, học sinh nghỉ hè.

Theo lời kể của các thân nhân thì khi đến trình diện tại những cơ sở giáo dục được chỉ định, các sĩ quan cấp tướng và cấp tá được bộ đội tiếp đón tử tế. Buổi trưa có nhân viên thuộc những nhà hàng nổi tiếng ở Saigon, từng là nơi tổ chức tiệc cưới, mang cơm nước thịnh soạn đến phục vụ tận nơi. Bà con Saigon lại bàn bạc cho rằng mấy ông tướng, ông tá được chăm sóc chu đáo, ân cần như thế thì học tập chỉ một tháng trời, đâu có gì nhọc nhằn, gay go mà phải lo lắng quá đáng.

Nhưng bước qua sáng ngày 16 tháng 6 năm 1975 thì tất cả các vị trí tiếp nhận sĩ quan cấp tướng và cấp tá của Miền Nam đều vắng lặng, không còn một bóng người, không biết họ được di chuyển đi đâu trong đêm tối?

Dân chúng Saigon hoài nghi chủ trương của chính quyền mới, họ thắc mắc tại sao người cộng sản chỉ ra tay trong đêm tối. Trong thời kỳ chiến tranh du kích quân cộng sản cũng chỉ hiện về trong đêm tối, thu thuế, ám sát, giết hại quan chức, đặt mìn, phá cầu, cắt đường, đắp mô…

Sau khi bắt gọn toàn bộ sĩ quan cấp tướng và cấp tá thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cho tất cả vào rọ một cách khoa học (bịp bợm, láo khoét), chính quyền cộng sản chuẩn bị kế hoạch “hốt hết, thà bắt lầm còn hơn bỏ sót” sĩ quan cấp Thiếu uý đến Đại uý của miền Nam mà quân số có thể lên tới hàng trăm ngàn người.

Mười hôm sau khi các sĩ quan cấp tướng và cấp tá của Miền Nam lên đường vào trại tập trung, Uỷ Ban Quân Quản ra lệnh cho các sĩ quan cấp uý trình diện đi học tập. Cấp Đại uý trình diện vào hai ngày 23 và 24 tháng 6 năm 1975, cấp Trung uý và Thiếu uý trình diện vào hai ngày 25 và 26 tháng 6 năm 1975. Địa điểm tập họp vẫn là những cơ sở giáo dục trong phạm vi Saigon-Chợ Lớn-Gia Định, mỗi người phải mang theo ít tiền, quần áo, thức ăn, đồ dùng đủ cho 10 ngày.

Đã từng đọc qua nhiều sách báo, nghiên cứu, thuyết trình về chủ nghĩa cộng sản quốc tế và cộng sản Việt Nam, tôi nghi ngờ là rồi đây tương lai của những “tù, hàng, bại binh” theo cách gọi của Cách Mạng sẽ không bình an, vô sự như họ thường rêu rao, tuyên truyền, khuyến dụ.

Theo tinh thần thông tư yêu cầu các sĩ quan cấp uý ra trình diện, tôi phải có mặt trong các ngày 23 và 24 tháng 6 năm 1975, dành cho cấp Đại uý, nhà tôi thuộc Quận 10, Saigon nên địa điểm tập trung là trường trung học Trần Hoàng Quân.

Tôi chuẩn bị ít quần áo cũ, mùng mền, gọn nhẹ, vét món tiền mọn dành dụm còn lại, tính ra chỉ đủ dùng trong vòng 10 hôm, vì hai con tôi, cháu trai,  Khiêm mới 19 tháng và con gái út, cháu Trâm vừa được 6 tháng, cần tiền mua sữa hơn. Tôi tin rằng “Trời sinh voi, sinh cỏ”, ai sao mình vậy, thua trận, đầu hàng, rơi vào tay địch thì kẻ thắng cho sống mình nhờ, mà họ buộc phải chết thì đành chịu thôi, có than vãn mấy cũng vô ích.

Tôi đến trình diện bộ đội Bắc Việt sáng ngày 24 tháng 6 năm 1975 vì muốn được sống tự do, quây quần với gia đình thêm một ngày nữa.  Nào biết, bước chân đi lần ấy biền biệt sáu năm sau mới may mắn quay về, tôi nói may mắn vì có rất nhiều bạn lính, bạn tù đã mãi mãi không về nữa.  Họ đã nằm xuống trong những ngục tù cộng sản ở hai miền Nam-Bắc, không một người thân, không một nắm mồ!

Hôm 24 tháng 6, 1975 buổi trưa trước khi lãnh phần ăn, mọi người phải ra sân tập họp, ngồi  dưới đất, phơi nắng, nghe cán bộ giảng về những nội quy, điều lệnh phải nghiêm chỉnh chấp hành, nói chung là cái “thòng lọng” cứ siết chặt dần, cho đến khi người ta bị ngộp thở, gục ngã.

Sau màn phơi nắng sơ khởi, mỗi người được phát một phần cơm, lon nước ngọt do các nhà hàng Tàu trong vùng thủ đô Saigon cung cấp. Cơm trưa xong là màn kê khai lý lịch, mỗi người phải xếp hàng, gặp cán bộ hỏi han một số chi tiết về mình.

Anh bạn xếp hàng khai báo lý lịch trước tôi kể lại rằng, bộ đội cộng sản hỏi anh thuộc đơn vị nào, anh đáp: “Lữ Đoàn Dù”, tên cán bộ viết xuống: “Nữ Đoàn Dù”! …

Đến phiên tôi, họ hỏi tên tuổi, cấp bậc, chức vụ, tôi khai: 28 tuổi, cấp bậc Đại uý Hiện dịch, chức vụ Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng Không Quân, trình độ học vấn, trên đại học…Bộ đội cộng sản nhìn mặt tôi và nói “Gớm! lên cho nhanh để đi giết người ấy”, các bạn đứng gần cười ồ lên, tay cán binh cộng sản không hiểu vì sao, cho tôi thông qua và gọi người kế tiếp.

Sau buổi cơm chiều, mọi người lo tìm chỗ nghỉ tạm qua đêm, rồi sẽ tính tới nữa. Nhiều anh bạn đi trình diện tay không, cho rằng nếu chỉ học tập có 10 ngày thì mang theo hành lý làm gì, một bộ quần áo mặc vào người, một bộ khác để thay đổi là quá đủ.

Đang ngồi, nằm la liệt dưới đất, mọi người bị tiếng còi inh ỏi đánh thức  lúc 12 giờ khuya, bảo phải tập họp gấp, đội ngũ chỉnh tề, chuẩn bị “cơ động hành quân”? Hết bắn nhau rồi, còn “hành quân” cái quái gì nữa? Sau này mời hiểu lệnh ấy có nghĩa là mọi người sắp di chuyển, lên đường đến vị trí khác.

Bên ngoài trời mưa tầm tả, giông gió liên hồi, tiếng máy nổ của đoàn xe vận tải vang rền. Chúng tôi thu dọn hành trang và ra tập họp ngoài sân, lúc ấy mưa như trút nước, từng nhóm 30 người xếp hàng chờ lên xe Molotova, mui vải bịt bùng. Lúc luống cuống leo lên xe, tôi bị trượt chân, trèo lên tuột xuống mấy lần, nên bị một tên bộ đội la mắng và dọng cho một báng súng AK 47 vào bả vai, đó là một đòn thù đầu tiên trong kiếp sống tù tội.

Tiếng còi, tiếng thét vang dội, thúc hối mọi người phóng nhanh lên xe, ai còn chần chờ, khó xoay trở vì mang theo túi hành lý kềnh càng thì bị bộ đội lấy báng súng nện sau lưng, quát tháo, xô đẩy, nhồi nhét cho đủ số người, rồi sập mui xuống, tối mù, ngộp thở.

Sao đêm hôm ấy trời lại mưa ngập nước, sấm chớp, giông tố kéo tới trên vùng Saigon, phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy kiếp sống tù đày “cá chậu chim lồng” sẽ vô cùng cay đắng, khắc nghiệt, khổ ải triền miên ?

Xin thành kính tưởng niệm vong linh các bậc tiền bối, chiến hữu, đồng cảnh đã vĩnh viễn nằm lại trong chốn ngục tù cộng sản, cầu nguyện cho oan hồn của quý cô chú bác, quý anh, quý chị được siêu thoát Cõi Vĩnh Hằng.

Viết nhân tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30 tháng tư năm thứ 45 (1975-2020) và để nhớ lại những ngày, tháng tù đày qua các trại lao động khổ sai: Hóc Môn, Long Giao, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Nghệ Tĩnh.

Đào Hiếu Thảo/ KBC 3011            

Những Lần Ba Về

Thơ Cao Nguyên

lần Ba về – năm mươi năm trước
Mẹ bồng con ra đón ở đầu làng
trên bờ đê, Ba hiên ngang bước
bên vợ con, như giữa buổi quân hành
lần Ba về – bốn mươi năm trước
áo lính vắt vai, giày trận cầm tay
Mẹ hỏi Ba: ai còn, ai mất
Ba lắc đầu, buông tiếng thở dài
lần Ba về – ba mươi năm trước
đưa tặng con chiếc lược tự Ba làm
duy nhất đó, thứ mà Ba có được
sau mười năm lao động khổ sai
lần Ba về – hai mươi năm trước
Ba cùng con so tóc bạc màu
hai thế hệ khác gì đâu chứ
ưu tư nào mà chẳng giống nhau
vài năm tới, nếu Ba còn về nữa
chỉ cần Ba cho con nụ cười
như truyền cho cháu, con ánh lửa
của niềm tin, yêu thương một đời !

Cao Nguyên

Phổ nhạc và trình bày: Đình Dương