Tụng Trà

Thơ Trần Quốc Bảo

Thuở xa xưa, lúc tuổi còn thơ ấu,

Những sớm mai, khi phụ mẫu dùng trà

Tôi thường ngồi trong lòng mẹ hoặc cha,

Thỉnh thoảng được mẹ cha cho uống ké.

 

Thế nên tôi ghiền trà từ tấm bé,

Cho tới nay, tám chín chục năm qua.

Nhìn khay trà, liên tưởng đến mẹ cha,

Uống nước nhớ nguồn… nhớ ơi là nhớ !!!

 

Rồi trưởng thành, ngày đầu tiên lấy vợ

Cùng người yêu, khi làm lễ Thành hôn,   

Nghi thức trao nhau cả xác lẫn hồn,

Là uống chung một ly trà hạnh phúc. 

 

Trà tiếp sức, suốt con đường thế tục,

Trà, niềm vui, giải tỏa mọi ưu phiền.

Trên đường đời, khi gặp được bạn hiền,

Họp bạn “trà đàm”, là những giờ hạnh ngộ.

  

Trà chính thực, chất keo sơn gắn bó,

Tứ hải giao tình; Tri kỷ tri âm.

Cuộc đời ta, dù trôi nổi, thăng trầm,

Nâng ly trà vẫn thấy vầng nhật nguyệt. 
 
     
Xưa trận mạc, xông pha vùng quyết liệt,

Uống ly trà, coi nguy hiểm nhẹ tênh!

Gặp thời kỳ vận Nước đảo điên,

Thân bách chiến, bỗng sa vòng tù ngục.

 

Lúc vô phúc; mới biết trà là “phúc”,

Chiêu ngụm trà, chuyện khổ nhục, coi pha!

Lao động tay chân mà có hớp trà,

Giải mệt nhọc, sức tăng cường bền bĩ.

 

Trà đem tới cho văn nhân thi sĩ,

Cảm hứng trào dâng, ngôn ngữ xuất thần!  

Tọa ẩm “trà thiền”, giúp vị tu hành,

Lòng đại từ bi; Tâm năng hỉ xả.

 

Trà rất thường,  nào có gì xa lạ,

Nhưng trà là vưu vật của đời ta.

Biết dùng trà, thì hưởng được tinh hoa,

Của : -Trời đất – Quê hương và -Tư tưởng.

 

Thưởng thức trà, với tâm hồn hướng thượng

Phúc dạt dào vô lượng, ở tầm tay !

Hân hoan tụng trà, muôn vạn điều hay !!!

Trà thấm đượm vị Quê Hương bát ngát!!!

Trần Quốc Bảo

Richmond, Virginia

Địa chỉ điện thư của Tác Giả: quocbao_30@yahoo.com

Về sự khác biệt của 2 cuộc chiến tranh Việt Nam và Afghanistan (A Phú Hãn)

Cao Tuấn

Đoạn kết của chiến tranh A Phú Hãn tháng 8/ 2021 giống như đoạn kết của chiến tranh Việt Nam tháng 4/ 1975. Người Mỹ tháo chạy trong hỗn loạn, không xứng đáng là đệ nhất siêu cường. Cùng lúc, chính quyền Kabul giống như  chính quyền VNCH, được Mỹ ủng hộ trên dưới 20 năm, sụp đổ tan hoang.

Tuy nhiên nhìn kỹ hơn thì cuộc chiến tranh Việt Nam và chiến tranh A Phú Hãn khác nhau về nhiều mặt.

Một: 

Chiến tranh Việt Nam là sự đụng độ giữa Mỹ và cả khối Cộng Sản, lúc đầu chính yếu là Cộng Sản Tầu, Cộng Sản Việt nhưng sau gồm cả Liên Xô, Bắc Hàn, Cu Ba, các nước Cộng Sản Đông Âu. Mỹ kéo được một số đồng minh Á Châu tham chiến như Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân nhưng các đồng minh mạnh nhất của Mỹ ở trong Nato lại chọn đứng ngoài. Dù sao, chiến tranh Việt Nam cũng là cuộc xung đột dữ dội nhất, nóng nhất , dai dẳng nhất của thời kỳ chiến tranh lạnh giữa 2 phe Cộng Sản và Tư Bản, một thứ thế chiến thu gọn trên chiến trường Đông Dương.

Mỹ ở thế “thắng rất khó” mà “thua thì hiểu được” vì khối Cộng Sản lúc đó rất mạnh và dốc toàn lực dù bề ngoài là chỉ có Cộng Sản Việt Nam đánh nhau với Mỹ. Nhờ sự chống lưng vô giới hạn của Trung Cộng, Bắc Việt không cần chia quân lo phòng thủ vì biết trước Mỹ, sau kinh nghiệm xương máu trong chiến tranh Triều Tiên, không muốn hoặc không dám đụng độ trực tiếp với một biển quân Tầu thêm lần nữa, nên chắc chắn sẽ không vượt sông Bến Hải  tiến binh ra Bắc. Trong khi đó thì Bắc Việt cứ tự do hàng hàng lớp lớp theo hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh đổ quân vào Nam.

Bắc Việt cũng  không cần làm kinh tế sản xuất vì lương thực, súng đạn đã được đàn anh cung cấp đủ. Không còn là một quốc gia bình thường, phe Cộng Sản đã biến Bắc Việt thành một trại lính – chỉ ăn, ngủ, huấn luyện ngắn ngủi rồi lên đường “chống Mỹ, cứu nước”, “sinh Bắc, tử Nam” nghĩa là đánh cho tới chết, đánh đến người Việt Nam cuối cùng. (Ngay cả người Việt chết hết, Mỹ vẫn còn đối phó với một tỉ người Tầu thù nghịch…)

Chiến tranh A Phú Hãn ngược lại. Tương quan lực lượng hoàn toàn chênh lệch. Lợi cho Mỹ và bất lợi cho Taliban. Trước sau chỉ đơn độc Taliban đối đầu với Mỹ và các lực lượng đồng minh của Mỹ gồm cả quân đội của chính quyền Kabul do Mỹ dựng lên cộng với quân đội trong khối NATO như của Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Spain, Portugal, Norway, Canada …Thế mà cuộc chiến 20 năm kết thúc với Taliban toàn thắng mặc dù sự giúp đỡ từ bên ngoài mà Taliban nhận được rất không đáng kể. Đó là một điều rất đáng ngạc nhiên: Tại sao người khổng lồ và “bè đảng” lại thua một chú bé con một cách thảm thương như vậy!? Không những Mỹ là cọp giấy- như Mao Trạch Đông từng nói – mà cả NATO cũng là cọp giấy luôn, ít nhất trong trường hợp này.

Hai: 

Mỹ tốn phí khoảng 1,000  đến 2,000 tỉ đô la cho chiến tranh A Phú Hãn, tuỳ theo cách tính. Có thể là ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn chi phí của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam tính theo thời giá hiện hành. Mặt khác, cường độ và qui mô của chiến tranh A Phú Hãn lại chỉ bằng 1/10 hay 1/20 chiến tranh Việt Nam.

Trong chiến tranh Việt Nam ước lượng Mỹ chết 58 ngàn, phe Quốc Gia VN chết trận 250 ngàn, phe Cộng Sản VN chết 1 triệu. Số bị thương gấp mấy lần số chết. Thường dân chết vì bom đạn cũng thêm cả triệu. Trong chiến tranh A Phu Hãn, Mỹ chết khoảng tổng cộng 6 ngàn (cả quân sự, dân sự); quân đội và cảnh sát của chính quyền Kabul chết khoảng 70 ngàn; Taliban chết 60 ngàn; thường dân chết vì bom đạn cũng khoảng 70 ngàn. Tại cao điểm của chiến tranh Việt Nam, quân Mỹ hiện diện là hơn nửa triệu so với 100 ngàn tại cao điểm chiến tranh A Phú Hãn. Toàn bộ chiến tranh Việt Nam lấy đi ít nhất 3 triệu sinh mạng so với hơn 200 ngàn chết trong toàn bộ chiến tranh A Phú Hãn.

Chiến tranh A Phú Hãn căn bản là đánh du kích và phản du kích không có những trận đại chiến “long trời, lở đất” cấp sư đoàn như ở Việt Nam. Các  trận đánh Tết Mậu Thân, Lam Sơn 719, Bình Long, Kontum, Quảng Trị, Ban Mê Thuật, Long Khánh…đều đáng ghi vào quân sử thế giới.

Có thắng, có bại nhưng thực tế đã chứng tỏ quân đội của phe quốc gia Việt Nam thiện chiến và rất anh dũng dù sự lãnh đạo chính trị ở tầm mức quốc gia thì kém cỏi. Con số tử sĩ 250 ngàn cũng chứng tỏ chính đạo quân 1 triệu người này – trải qua hàng ngàn trận chiến lớn, nhỏ – mới là chủ lực ngày đêm bảo vệ cái thực thể Việt Nam Cộng Hoà suốt 20 năm chứ không phải quân viễn chinh của nước Mỹ, trông cậy quá nhiều vào hoả lực áp đảo và thường “vồ hụt” địch quân.

Đạo quân người Việt này đã bị “bức tử” một cách vội vã, hết sức thiếu công bằng trong năm cuối cùng của cuộc chiến. Giữa lúc đối phương mang toàn lực tấn công, viện trợ không được gia tăng mà còn bị cắt tàn nhẫn – đột ngột và toàn diện – cho nên không sụp đổ mới là chuyện lạ.

Nếu Liên Xô, Trung Cộng cũng cúp lương thực, cúp xăng dầu, cúp đạn, cúp pháo, cúp tăng…đối với Bắc Việt y chang như Mỹ đã làm đối với đồng minh Nam Việt thì chắc chắn không bao giờ có biến cố lịch sử tháng 4/1975!

Chiến tranh Việt Nam cũng làm đảo điên nước Mỹ trong nhiều năm. Phong trào chống chiến tranh lan tràn khắp nước Mỹ và khắp thế giới. Hội thảo, biểu tình liên tục. Trốn lính, bắt lính. Vừa đánh, vừa đàm. Leo thang, xuống thang. Nước Mỹ mất ăn, mất ngủ vì số thương vong quá cao được công bố mỗi ngày. Ngược lại, chẳng mấy ai lưu tâm đến chiến tranh A Phú Hãn, ngoại trừ   biến cố trùm khủng bố Bin Laden bị giết hoặc khi các chính trị gia Mỹ nêu vấn đề “rút hay không rút” vào lúc tranh cử.

Nói một cách khác, chiến tranh Việt Nam “sôi nổi, lôi cuốn” bao nhiêu thì chiến tranh A Phú Hãn lại “bình thường, tẻ nhạt” bấy nhiêu – tất nhiên là đối với công luận quốc tế, công luận Mỹ chứ không phải đối với hàng chục triệu dân A Phú Hãn phải hứng chịu tai hoạ chiến tranh mỗi ngày, không phải đối với mấy triệu người A Phú  Hãn sống vất vưởng ở các trại tị nạn ở các vùng biên giới.

Ba:

Sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ 1954, nếu Mỹ phủi tay, quay lưng luôn thì Miền Nam Việt Nam chắc chắn sẽ mất vào tay Cộng sản rất sớm, cùng lúc với Lào và Cao Miên. Kế tiếp là các nước Đông Nam Á, nghèo nàn, bất ổn và đã nhen nhúm hoạt động cộng sản “Mao Ít” như Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Indonesia, Phi Luật Tân… cũng sẽ lần lượt rơi rụng đúng như các quân cờ Domino.

Mỹ can thiệp vào chuyện Việt Nam và lập Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO) để ngăn chặn phong trào cộng sản quốc tế đang bành trướng mạnh, vì thế, là chuyện phải làm, là chuyện chẳng đặng đừng. Hành động ngăn chặn, “be bờ” của Mỹ tại Việt Nam (1954-1975 ) có tích cách phòng thủ chứ không phải có mục đích tấn công, không khác gì Mỹ đã hành động tại Tây Âu và thiết lập NATO sau khi các nước Đông Âu lần lượt bị cộng sản hoá trong tay của Stalin. Mỹ không xâm lăng Việt Nam như Cộng Sản vu cáo. Nỗ lực của Mỹ là giữ cho miền Nam Việt Nam và Đông Nam Á không bị cộng sản tràn ngập.

Cuối cùng, khác với trường hợp Nam Hàn, Việt Nam Cộng Hoà đã bị hy sinh nhưng phần lớn các nước Đông Nam Á khác đã được cứu rỗi. “Chiến tranh Việt Nam của nước Mỹ” đã trực tiếp và gián tiếp giúp Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Indonesia, Phi Luật Tân có đủ thì giờ củng cố, phát triển tương đối vững mạnh để thoát khỏi mối nguy “bị cộng sản hoá cách này hay cách khác”. Đông Nam Á có ngày nay là nhờ chiến tranh Việt Nam, nhờ sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam trong 20 năm ấy. Đó chính là nhận xét của thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Chiến tranh Việt Nam cũng mang đến một kết quả khá lạ lùng: Mỹ “xuống nước” bắt tay với Trung Cộng để cùng chống Liên Xô và Liên Xô đã sụp đổ chỉ 15 năm sau khi được coi là thắng Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Sáng kiến của Kissinger/ Nixon có thể là thảm hoạ cho nước Mỹ tính về lâu dài nhưng ít nhất, Mỹ cũng được coi là bá chủ thế giới hay “siêu cường duy nhất” trong 2 thập niên kế tiếp cho đến khi nước Tầu Cộng Sản của Tập Cận Bình ra mặt thách thức Mỹ.

Trong khi chiến tranh Việt Nam đối với nước Mỹ, như vậy, là sự cần thiết. Cuộc chiến 20 năm tại A Phú Hãn, đối với nước Mỹ, trái lại, là một sự phí phạm vô ích, một sự sai lầm gần như hoàn toàn.

Ngoài trừ việc săn đuổi và giết Bin Laden, hành động của Mỹ ở A Phú Hãn, về mọi phương diện, khó có thể biện minh.

Mỹ có quyền trừng phạt Taliban đã giúp đỡ và dung dưỡng Bin Laden và Al Qaeda tấn công nước Mỹ trong vụ 9/11 giết gần 3 ngàn người nhưng chiếm đóng A Phú Hãn và  ngang dọc tự tung, tự tác là một sự xâm lăng. Dù nhân danh sứ mệnh “giải phóng” hay “khai hoá” xã hội A Phú Hãn. Dù có giúp thiết lập một chính quyền thân Mỹ và “tự do, dân chủ” theo kiểu Tây Phương. Dù có giúp cải thiện đời sống vật chất và cả tinh thần của một thiểu số khá lớn người bản xứ sống trong các thành phố. Dù có cổ võ chuyện giải phóng phụ nữ và nam nữ bình quyền…

“Khai hoá” trong trường hợp này là một sự “áp đặt văn hoá” bằng võ lực vừa có tính cách tự tôn, ngạo mạn vừa làm dấy lên sự ngờ vực “khai hoá” chỉ là chiêu bài không khác chiêu bài của nước Anh khi mang hạm đội đến “khai hoá” Ấn Độ, của Hoà Lan “khai hoá” Indonesia, của Pháp khai hoá “Việt Nam”, của Tây Ban Nha “khai hoá” Phi Luật Tân trong các thế kỷ trước.

Chính Pakistan đã chứa chấp Bin Laden, tại sao Mỹ không đánh, chiếm Pakistan và lập chính quyền “tự do, dân chủ” thân Tây Phương? Còn bao nhiêu nước Hồi Giáo khắc nghiệt, vi phạm nhân quyền liên tục như Iran, Saudi Arabia… tại sao Mỹ và Nato làm ngơ? Hàng chục nước Phi Châu độc tài, áp bức, lạc hậu, nghèo đói…tại sao Mỹ và Nato không mang binh lực đến giải phóng, khai hoá? Tại sao lại chọn A Phú Hãn?

Người ta có quyền suy luận Mỹ dám mang lực lượng đến lật đổ chính quyền Taliban năm 2001 và dựng lên một nước A Phú Hãn mới vì lúc ấy chính quyền của tổng thống Bush (con) tự tin nước Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới, muốn làm gì thì làm, không ai có thể ngăn cản. Chẳng hạn, nước Nga vẫn chưa đứng vững trên đống tro tàn của đế quốc Liên Xô. Nước Tầu với qui mô kinh tế  GDP nhỏ bằng 1/4 hay 1/5 của Mỹ còn đang rất nhũn nhặn với Mỹ theo lời căn dặn “dấu mình, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Các nước Nato thì sẵn lòng sắp hàng theo gậy chỉ huy của Mỹ. Hơn thế nữa, chính quyền Taliban đơn độc không có đồng minh. Nước A Phú Hãn, nghèo nàn, lạc hậu “dường như” là một mục tiêu dễ dàng…

Người ta cũng có quyền suy luận Bin Laden, Al Qaeda, Taliban chỉ là cái cớ, tiềm năng quặng mỏ phong phú và nhất là vị trí chiến lược của A Phú Hãn ở Trung Á án ngữ con đường nối Âu, Á và Trung Đông, lại nằm sát Nga, Tầu, Ấn Độ, Iran, Pakistan mới là lý do thực sự Mỹ đến A Phu Hãn và muốn ở lại đây. “Lý tưởng” là một nước A Phú Hãn “tân tiến” khác hẳn các nước Hồi Giáo khác – thân Mỹ, có hiệp ước an ninh với Mỹ, chấp nhận sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ, cho Mỹ bố trí hoả tiễn mang đầu đạn hạt nhân trên những vùng cao nguyên chót vót có khả năng khống chế toàn vùng… Mỹ sẽ giữ được ngôi vị bá chủ lâu dài trên toàn thế giới…

Tuy nhiên, tất cả đã là “lâu đài xây trên cát”.

Nhân danh việc tìm công lý cho gần 3 ngàn người chết oan trong vụ khủng bố 9/11 nước Mỹ đã ném mình vào một cuộc chiến tranh sai lầm và không cần thiết khiến có thêm hơn 200 ngàn người nữa chết oan, chưa kể  2000 tỉ đô la ném xuống sông, xuống biển trong khi số tiền khổng lồ này đáng lẽ có thể dùng để tăng cường nước Mỹ về mọi mặt, chuẩn bị cho cuộc thư hùng không tránh được với nước Tầu cộng sản.

“America first” cũng được đi, nhưng đến bao giờ thì các chính trị gia và cả các chiến lược gia của nước Mỹ mới hết chủ quan, mới hết “ngây thơ vô… số tội”?!

Cao Tuấn

(24/ 8/2021)

Mưu Sinh Ở Mỹ và Tuổi Già

Phạm Thành Châu

Đây là chuyện kể của mấy ông bà già người Việt ở Mỹ. Già rồi, hưu trí, không biết làm gì, ngồi nhớ chuyện xưa. Tôi nhớ rất nhiều chuyện xưa, nếu kể ra đây, biết bao giờ cho hết! Chỉ một chuyện kể sau đây thôi, cũng khiến bạn, đọc mệt nghỉ. Đó là chuyện cách nay khoảng ba mươi năm, từ ngày đầu đến xứ Mỹ, tha phương cầu thực với hai bàn tay trắng cho đến hôm nay, tuổi đã trên tám mươi, sắp lên đường vào cõi hư vô. Bôn ba một kiếp ngưòi, để rồi gia tài đem theo với mình cũng chỉ là cỗ quan tài!

Đúng ra, đây là những “Kỷ niệm” mà đa số những người lớn tuổi đến Mỹ đã trải qua. Với thế hệ trẻ, về sau, khi đọc bài nầy, chúng sẽ không ngờ ông bà, cha mẹ chúng đã phải mưu sinh với quá nhiều khổ cực, vất vả nơi xứ người.

            Mấy ông, bà HO, khi đến Mỹ, tuổi đã trên năm mươi, lo kiếm tiền mà nuôi con, lo chuyện ăn, ở, thời gian, tâm trí đâu mà học với hành như bọn trẻ! Phần khác, sức lực đã cạn kiệt vì cả chục năm trong nhà tù Cộng sản, mang trong người nhiều thứ bịnh, nên chỉ có thể làm được những việc lao động nhẹ với đồng lương ít ỏi.

Năm 1991, gia đình chúng tôi qua Mỹ theo chương trình HO. Người bạn đồng môn (Quốc Gia Hành Chánh) vừa là bạn tù, là Ngô Đình Hoa, vượt biên qua trước, bảo trợ gia đình tôi về ở tạm dưới basement trong nhà anh ta. Ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, đa số các nhà đều có tầng hầm, gọi là basement. Người Mỹ xây nhà có cái basement nầy (ông bạn tôi đã mua lại) là để chứa máy giặt, máy sấy, máy nước nóng, máy điều hòa nhiệt độ (AC). Người Mỹ không nghĩ rằng sẽ có những người Việt tị nạn như gia đình chúng tôi sẽ vào ở trong đó. Thế nên họ đã bắt ống nước, ống hơi dẫn nhiệt, ống nước thải, dây điện… chạy lung tung trên trần basement, chẳng khác gì mấy cái xưởng máy trong phim trinh thám mà James Bond thường mò vô để truy tìm bọn tội phạm quốc tế.

Khi chúng tôi đến Mỹ thì ông bạn kêu thợ đến ngăn ra một phòng ở basement cho gia đình tôi trú ngụ. Anh thợ nầy, cũng người Việt, loại tay ngang, làm rất nhanh nhưng cũng rất ẩu tả. Anh ta chỉ làm bốn bức vách cách nhiệt với cửa ra vào là thành một cái phòng! Đến mùa đông, (thường lạnh dưới 0 độ C) hơi lạnh từ các kẻ hở của vách cách nhiệt, bốc ra như sương khói, thấy rõ như hơi lạnh trong ngăn đá của tủ lạnh vậy. Lạnh đến độ đắp mấy cái mền cũng lạnh, đắp không kỹ, hơi lạnh từ chỗ hở luồn vào như cái lưỡi của con ma le, liếm cái lưng, cái bụng, nên người cứ  run lên, vợ con cũng run cầm cập, ngủ không được. Vợ chồng tôi phải ôm thằng con hai tuổi vào lòng để truyền hơi ấm cho nó. Lúc mới đến Mỹ, chưa quen giờ giấc nên cứ đến một, hai giờ trưa (ở Việt Nam là khuya) là tôi buồn ngủ ríu mắt, nhưng tối lại, hai mắt cứ mở thao láo, nằm để thấm thía cái lạnh lẻo nơi xứ người.                                                 

Bạn sẽ hỏi “Sao không mua một cái máy sưởi điện về mà sưởi?” Có máy sưởi đấy chứ! Chủ nhà cũng có để sẵn một cái heater nhưng nhỏ chút xíu, mỗi cạnh chưa đến gang tay, để sát tay vào thì thấy ấm, nhưng dùng cho cả cái phòng thì chẳng hiệu quả gì. Thời đó chưa có cái heater to như cái nón như bây giờ. Mới đến Mỹ, như mán xuống phố, có biết mô tê gì! Tôi cứ nghĩ trên lầu, chắc ai cũng lạnh như mình, nhưng họ “quen rồi” mình than lạnh thì lòi cái “nhà quê” ra. Trước đó, đọc báo, tôi thấy ở Iceland, mùa đông, lạnh dưới 0 độ C mà người ta cho em bé ngủ ngoài trời, cho trẻ có sức đề kháng tốt, nên tôi nghĩ, ở Mỹ cũng vậy. “Lạnh cỡ nầy đối với người đã từng ở Mỹ, có lẽ là bình thường!”. Bấy giờ tôi chưa biết cái máy điều hòa nhiệt độ (AC) là gì cả! Mà cái máy nầy cứ chạy ầm ầm dưới basement, ngay cạnh phòng chúng tôi, chỉ thổi hơi nóng lên tầng trên, nên cái basement vẫn là cái tủ đá lạnh ngắt.

            Ở basement có thêm cái khổ nữa là nghe tiếng nước chảy trong các ống thoát nước. Tầng trên làm gì, dưới nầy biết hết. Nghe nước chảy ro ro mãi thì cầu cho trên đó tắm mau xong. Nước chảy cái ào rồi róc rách qua các ống bự trên trần basement lại tưởng tượng đến chất thải của con người đang vui vẻ jogging (chạy thể thao) vòng vèo trên đầu mình.

            Chắc bạn lại hỏi “Sao không “mu” (move) chỗ khác? Ăn eo phe (welfare, trợ cấp), có tiền chính phủ cho, tìm cái apartment mà thuê?” Thì tôi cũng nghĩ như bạn vậy. Nhưng hết trợ cấp thì tiền đâu mà trả tiền thuê nhà? Nhưng mùa hè, ở basement lại mát vì nó nằm dưới mặt đất. Hơn nữa, mình từ xứ cộng sản, đã từng ở tù khổ sai, ra tù vẫn đói rách, được vậy là tốt rồi. Tạm trú nhà bạn thì tiền trả tượng trưng thôi, dành giụm chút đỉnh, “rủi có gì!”, nơi xứ người còn xoay xở được. Đó là lo xa. Ngay chính tôi, khi còn ở Việt Nam, đi tù về mà lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một cái xách nhỏ, đựng áo quần, mùng mền, thuốc men. Hễ nghe công an Việt Cộng gõ cửa là cầm luôn cái xách trong tay ra mở cửa. Có đi tù tiếp cũng đã chuẩn bị sẵn rồi. Thế nên, ông HO nào qua Mỹ, tìm được đồng nào, lận lưng đồng đó, xin đừng cười là keo kiệt.

            Trợ cấp của chính phủ chỉ đủ lây lất trong thời gian đầu, nên phải lo mà tìm việc sớm nếu không muốn cả nhà lâm nguy. Thế nên, khi đến Mỹ, không lâu, chúng tôi phải tìm việc làm. Nhưng muốn đi làm phải có chiếc xe là phương tiện đi lại. Nhờ vợ chồng Ngô Đình Hoa và các con của bạn đưa, đón mãi cũng bất tiện. Nhân tiện đây, xin cám ơn vợ chồng bạn Ngô Đình Hoa và các cháu đã vui vẻ giúp đỡ chúng tôi trong những ngày khó khăn khi mới đến xứ lạ còn ngơ ngáo. Một ông bạn cùng tù, Đinh Văn Kỷ, qua trước, xin đâu đó một chiếc xe cũ. Đi inspection (xét xe) không passed vì cái dè xe cọ vào bánh xe. Tôi đục cái dè cho hở xa bánh xe. Thật may! passed! Xong thủ tục cho chiếc xe, tôi lái đi làm. Không hiểu sao, đang ngon trớn, đến đèn đỏ, tôi đạp thắng, xe cứ chạy tuột, không chịu ngừng! May quá. Đường vắng! Tôi bỏ xe bên đường, đi tìm điện thoại công cộng (lúc đó chưa có handphone), nhờ cậu con của Ngô Đình Hoa đến chở về, xe thì câu đi sửa.

Ngày trước, tôi lái công xa đi làm nên qua Mỹ, tôi chỉ tập lái cho quen rồi đi thi lấy bằng lái không khó khăn lắm. Lúc thi lái (có ông Mỹ, giám khảo ngồi bên cạnh), tôi để ý và nhớ những con đường nào đã lái đi qua. Sau nầy, tôi giúp rất nhiều đồng hương đi thi lấy bằng lái, bằng cách tôi hướng dẫn họ lái xe (thi thử) qua những con đường mà giám khảo thường bảo thí sinh lái vào. Chỉ chạy vài lần là họ thuộc lòng, (còn nhớ cả những bảng stop), không còn lo lắng, bối rối khi có giám khảo ngồi bên cạnh. Đồng hương HO. mới qua, tiền đâu mà đóng học phí lái xe, cũng chưa có tiền mua xe. Xe cũ, dơ dáy, giám khảo không chịu ngồi vào. Tôi phải đem xe tôi cho họ tập lái. Trước hết, tôi đưa họ vào công viên, lúc vắng người, cho tập lái lòng vòng, đến khi vững tay mới cho ra đường phố. (Rồi mượn xe mới cho họ đi thi). Đường sá ở Mỹ tấp nập mà người tập lái thì ngơ ngáo, lóng ngóng. Khi tôi nhắc chừng, họ càng quýnh quáng! Cũng may, người Mỹ thấy cách lái xe đó là họ biết liền nên thường tránh đường cho xe qua. Lúc đó tôi không biết rằng. Người không có tên trong hợp đồng bảo hiểm xe mà gây tai nạn thì hãng không chịu bồi thường. Bây giờ nhớ lại mà lạnh người. Tính ra lúc đó tôi đã giúp vài ba chục gia đình, vợ chồng, con cái, khỏi tốn tiền học lái xe.

Khi đã có xe rồi, tôi tìm việc làm.Việc gì cũng làm, miễn có tiền là được. Chủ trả bao nhiêu cũng tốt vì tôi có biết mô tê gì mà so sánh hơn thua! Công việc đầu tiên của tôi là làm vệ sinh các cao ốc, nhưng bị người chủ thầu đồng hương bóc lột dữ quá. Tên chủ nầy, miệng dẻo quẹo, lúc nào cũng nói nhân đạo “Tội nghiệp đồng hương! Để tôi cho mấy anh lãnh tiền mặt, chính phủ không biết. Nếu biết, họ cắt eo-phe (trợ cấp) còn bỏ tù nữa” Sau nầy tôi (cùng với mấy ông HO) mới biết là hắn dọa rồi bắt mỗi người tụi tôi làm gấp ba người khác (mà tiền công chỉ tính một người)

            Sau khi chia tay với tên chủ đồng hương ác ôn, tôi tìm được job khác là rửa chén dĩa, nồi niêu, làm vệ sinh, phụ việc vặt cho mụ làm bếp của một nhà hàng người Á Châu (không phải người Việt). Nhiệm vụ tôi là buổi chiều đến sớm hút bụi nhà hàng, làm vệ sinh mọi nơi. Mụ nhà bếp cũng đến sớm để chuẩn bị thức ăn, đồ nhậu. Tối, khách mới đến. Mụ bếp nầy, tiếng Anh, chỉ dùng động từ “Tu quơ” (tay) để sai tôi. Chúng tôi đến sớm, chẳng có ai, nên mụ bắt tôi đấm lưng, bóp chưn, bóp tay cho mụ. Mụ khoảng gần năm mươi, mập nu, mắt một mí, híp lại như mắt heo luộc, trên ngón tay không thấy đeo nhẫn cưới, chắc còn là “nàng trinh nữ tên Thi”. Đấm bóp cho mụ ta xong tôi mới được làm việc khác. Một lần tôi đến, cửa mở nhưng không thấy mụ ta. Tôi đi hút bụi xong thì lấy đồ nghề đi dọn vệ sinh. Khi vô phòng vệ sinh nữ, tôi vô tình mở cửa một ngăn, thấy mụ ta ngồi chóc ngóc trong đó (mà không gài cửa!) Tôi dội ngược. Vậy mà tối hôm đó, mặt mụ ta hầm hầm. Tôi thấy thế báo với bà chủ nhà hàng, nghỉ việc. Có làm, mụ nhà bếp sẽ gièm pha, chủ cũng së cho nghỉ thôi.

           Sau đó, tôi xin làm thu ngân (cashier) cho một cây xăng. Cây xăng nầy của một ông chủ Mỹ và một mụ phụ tá người Á châu (không phải người Việt) Mụ ta không phải vợ ông Mỹ, có lẽ hùn hạp bằng “vốn tự có”.

             Tôi nghe một anh chàng thợ sửa xe người Việt làm ở đó kể rằng. Có lần anh ta vô tình đẩy cửa văn phòng mụ  ta, thấy thằng thợ máy (người Trung Đông) đang bóp chưn cho mụ ta. Mỗi khi người chủ Mỹ kia đi vắng thì anh chàng thợ máy được gọi vào văn phòng để “bóp chưn bóp tay”, (Lại bóp chưn, bóp tay!) Mụ nầy đi chân vòng kiềng. Sách tướng có nói “Đàn bà đi chân vòng kiềng, mỗi ngày không có đàn ông, sẽ phát điên!”. Mụ phụ tá nầy đã làm một việc bất lương, là khi không có chủ ở đấy, hễ khách trả tiền sửa xe bằng tiền mặt thì mụ ta xé bỏ (phi tang) cái bản lưu (copy) sửa xe, tiền mặt thì bỏ túi, sau khi dúi cho thợ sửa xe một ít tiền và dặn đừng cho chủ biết. Thời đó (thập niên 1990), đa số xài tiền mặt, ít người dùng thẻ tín dụng (credit card) Ít lâu sau, cây xăng phá sản! Tôi làm cashier cho một cây xăng khác.

         Trong việc ngồi bán xăng, buổi tối, nhất là về khuya, cũng có vài chuyện vui. Có bà khách mỗi khi đền đổ xăng còn làm thêm việc truyền giáo. Bà ta nói nhiều lắm. Đại ý. Phải tin Chúa để khi chết không phải vào hỏa ngục mà còn được cứu rỗi, lên Thiên Đàng. Tôi ậm ừ cho qua chuyện, nhưng bà ta lại tưởng tôi xiêu lòng, nên có dịp là nói về cứu rỗi. Tôi đành phải nói với bà ta “Bản thân tôi, tôi còn không tin được mình, làm sao tôi tin được người khác?” Bà ta không giận, chỉ cười. Thêm một chuyện nữa. Có bà khách buổi tối, đến đổ xăng, cứ rủ tôi về nhà bà ta để làm điều gì đó (do something)? Tôi nói cám ơn. “Sorry!” Một bà khác, còn táo bạo hơn. Gần cây xăng, có một tiệm rượu, có vũ sexy, (nhiều bà cũng thích đến xem) có lẽ bà nầy uống rượu ở đó, say khước, đậu xe ngay trước cửa quầy, vào hỏi tôi “Mấy giờ mầy (you) về?” Tôi nói “Khoảng mười một giờ” “Tao chờ. Tao sẽ cùng về nhà với mầy” “Không được đâu! Nhà tôi đông người lắm!” “Thì mầy về nhà tao. Tao ra ngoài xe chờ mầy”. Rồi bà ta ra xe, nằm ngủ khò! Hết giờ làm. Tôi rón rén, ra xe, về. Ở Âu Mỹ, chuyện các bà gạ tình là bình thường, Nhưng có ông nào dám đụng đến người đàn bà say rượu nầy không? Tù mục xương đấy!

            Bấy giờ coi như tôi có việc làm, lương rất thấp, chỉ đủ chi tiêu các thứ. Vợ tôi thì đi may ăn công, theo sản phẩm. (Thời đó, may gia công chưa chuyển qua Trung Cộng) Ví dụ may cái túi áo giá mấy xu đó, ngày may được bao nhiêu túi áo cứ tính thành tiền mà lãnh, cố lắm, ngày được vài chục đô là tối đa. Thấy khó sống, vợ tôi đi bán “hotdog” (bán thức ăn và nước ngọt) trên một xe nhỏ (trailer) đặt dọc lề đường thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC). Cứ bán được trăm đô, chủ trả hai mươi đô. Cũng đỡ khổ, nhưng mùa đông, đã lạnh mà tuyết bay mù trời, chẳng có du khách nào ra đường. Cả ngày, bán tối đa được trăm đô, chủ chia cho hai mươi đô, bằng một giờ làm việc của một công nhân Mỹ hạng bét. Tóm lại gia đình tôi đủ sống qua ngày, nhưng chả lẽ ở mãi dưới cái basement của người bạn?

          Có người quen xúi mua nhà “Mầy mướn nhà cũng trả chừng đó, mua nhà trả hơn chút đỉnh, nhưng sau đó mầy sẽ có nhà, nếu mướn nhà, mầy hết mướn là ra tay không” Tôi nghe cũng có lý, nên có ý tìm nhà. Tôi xem báo hoặc xách xe lội xóm. Thấy giá nhà, tôi tính nhẩm. Với số lương lúc đó của cả hai vợ chồng, thì dù có dán băng keo bốn cái miệng lại (vợ chồng và hai con), nghĩa là không ăn uống, không tiêu xài gì hết, chúng tôi cũng không đủ trả góp tiền nhà hàng tháng. Tôi bàn với vợ, tôi sẽ làm thêm vài jobs nữa, vợ tôi đi học nghề hớt tóc. Thế là tôi làm ba jobs cả thảy, cũng chỉ một nghề thu tiền cho cây xăng. Buổi sáng, tôi dậy thật sớm, đến cây xăng thứ nhất làm việc, từ bảy giờ sáng đến ba giờ chiều, xong shift (buổi làm), tôi chạy qua cây xăng thứ hai, gần mười hai giờ khuya mới về. Thứ Bảy, Chủ Nhật, tôi “chơi” luôn cây xăng thứ ba. Tính ra tôi làm hơn chín chục tiếng mỗi tuần. Tôi chịu đựng trong mấy năm, khi vợ tôi học xong, ra nghề hớt tóc, uốn tóc, lương cũng khá. Sau hơn ba năm, chúng tôi để dành được một ít tiền. Tôi lại tìm nhà để mua. Có người bạn chỉ cho tôi một ngôi nhà trong xóm, gần chỗ chúng tôi đang ở. Anh ta bảo “Nhà nầy lúc đầu đòi hai trăm nghìn đô (thời giá năm 1992). Hai năm rồi, nghe nói bớt còn trăm sáu cũng không ai mua. Bây giờ có lẽ chủ hạ giá nữa. Anh đến xem” Tôi đến, thấy cái nhà đó giống cái chuồng gà công nghiệp bên Việt Nam, thấp tè, cũng không đến nổi. Nhưng sao giá thấp như thế mà không có ai mua? Tôi nghĩ nhà có ma, người ta sợ. Tôi gọi một ông bạn làm realtor (môi giới mua bán nhà). Ông bạn nầy đưa tôi vô nhà và bắt đầu chê nhà cũ, chỗ nầy phải sửa, cái kia phải thay, mục đích cho chủ nhà nghe. Realtor mà chê là phải đúng. Theo luật, người môi giới (realtor) bên mua không được tiếp xúc thẳng với chủ nhà mà phải liên lạc với môi giới bên bán. Anh ta xúi tôi vô gặp chủ nhà đòi bớt giá. Có lẽ mấy năm mà không bán được nhà, chủ nhà phát nản, nên sau một lúc kỳ kèo, chủ nhà chịu bán. Tính ra hơn ba năm chúng tôi mới ra khỏi cái basement của người bạn.

            Khi dọn vào, tôi mới biết lý do người ta chê. Nhà quá cũ, tuổi cũng trên nửa thế kỷ. Thiết kế hết sức kỳ cục! Cái máy điều hòa không khí (AC) đặt ngay giữa nhà, ba căn phòng nhỏ chút xíu vây quanh. Khi cái máy (AC) đó chạy thì giống như xe lửa qua cầu. Nghe ầm ầm, nhà rung rinh như động đất. Mà nó chạy cho còn quí. Mùa đông mở máy, con quái vật đó chỉ kêu lên chứ không “chạy” Nghĩa là hơi cũng có xịt ra nhưng không thấy hơi nóng đâu cả! Tôi gọi cho một người thợ quen. Anh ta đến “Có sửa cũng xài tạm, máy quá cũ!” Sửa xong, nó có nóng chút đỉnh, nhưng anh thợ vừa đi khỏi thì hơi nóng cũng theo anh ta đi đâu mất! Đành mua mỗi phòng một cái hít (heater) nhỏ xài tạm.

            Đến mùa hè, mở máy lạnh, cũng có xịt hơi nhưng chẳng lạnh gì cả! Tôi lại kêu thợ. Anh ta đến, bảo “Bôm gas!”. Bôm gas xong, nó cũng chỉ thổi hơi nóng chứ chẳng lạnh chút nào! Anh thợ bảo “Cái máy AC nầy có lẽ là sản phẩm đầu tiên của hãng sản xuất. Xưa quá! Rã rệu lắm rồi!Phải thay cái mới” Giá mà cái máy AC nầy biết nói, có lẽ nó sẽ chửi thề ghê lắm. “Tao già sáu bảy chục tuổi rồi mà còn bắt xịt hơi nóng rồi xịt hơi lạnh. Mầy hỏi ông già mầy có xịt nổi không mà bắt tao xịt?” Sau cái máy AC thì đến mấy cái vòi nước. Tắt nước rồi mà nước vẫn chảy, giống như mấy bà đi cắt mắt, nhắm mắt mà mắt vẫn mở vậy. Kêu thợ đến thay xong thì nước lại nghẹt, chỗ nào cũng nghẹt, nước không chịu thoát đi, nhất là cái phòng vệ sinh! Kêu thợ, anh ta đến “Nhà nầy cũ quá rồi. Mấy cái ống thoát nước bằng gang, bị rỉ sét nghẹt cứng rồi” “Bây giờ phải làm sao?” “Thì đục tường mà thay ống mới” Lại tốn thêm mớ tiền nữa! Nếu kể ra cho đủ các phiền toái, bực mình khi mua nhà cũ thì chẳng bao giờ hết. Mái nhà dột, thay mái xong thì đến mấy cánh cửa. Cửa nào cũng hở, mùa đông hơi lạnh theo các khe hở vào nhà, lại kêu thợ! Lại móc túi! Tiền có bao nhiêu cũng chỉ đủ trả mấy cái bills (giấy đòi tiền) điện, nước, rác, điện thoại, bảo hiểm xe, sửa nhà…

            Kể ra tụi tôi cũng liều mạng mua nhà, chứ lương hướng chẳng bao nhiêu. Nhưng tụi tôi cũng gặp may. Thứ nhất là vợ tôi làm nghề hớt tóc ngày càng đông khách rì quếch (request, khách đến chỉ yêu cầu một người thợ mà họ thích) nên tiền “típ” cũng khá.

         Chuyện mua nhà ở Mỹ của vợ chồng tôi cách đây hơn hai mươi năm, thuộc thế hệ thứ nhất của dân HO. Tuổi cao, sức khỏe suy nhược, chỉ làm được những việc nhẹ, lương hướng chẳng bao nhiêu. Mà mình không có cái nhà để cho con cái đi, về, cũng tủi thân chúng.

         Nhà tôi tuy nhỏ hẹp nhưng tấm lòng rộng mở, bạn bè rất hứng thú khi được vợ chồng tôi mời đến ngắm hoa và ăn uống, cười đùa, thân ái như anh em trong gia đình. Vợ tôi nấu ăn ngon, được các bạn khen thật tình. Anh em trong hội cựu SV Quốc Gia Hành Chánh. Bà con trong hội Quảng Đà, mỗi lần họp mặt khoảng trên hai mươi người. Nhà nhỏ nhưng vườn rộng. Mỗi năm, sau mùa đông lạnh giá, chúng tôi trồng hoa khắp nơi. Trước sân, quanh nhà, các loài hoa đua nhau khoe sắc. Các bạn vui thích ngắm hoa, chụp hình. Tôi có máy copy, sang hình, bỏ vào khung hình nhỏ, tặng các bạn làm kỷ niệm. Hàng xóm cũng đến ngắm hoa và chụp hình, nhất là các cô gái trẻ.

            Đến thế hệ thứ hai. Con của mấy ông bà HO học hành nên người, lương cao thì chuyện chúng mua nhà to, biệt thự, coi như chuyện nhỏ.

            Nhưng dù sao, mỗi khi vợ chồng chúng cùng các cháu về thăm ông bà, chắc chắn chúng vẫn cảm nhận được mùi mồ hôi vì lao động chân tay vất vả của cha mẹ còn phảng phất trong nhà. Chúng cũng như nghe được tiếng lịch kịch của cha mẹ dậy rất sớm đi làm. Rồi đến khuya, đang ngủ, chúng nghe tiếng mở cửa, tiếng đóng cửa của cha mẹ đi làm về. Công việc của cha mẹ chúng đâu có ngồi trước cái computer như chúng mà phải chịu đựng tuyết lạnh hay cái nóng nung người ngoài trời, kiếm mấy đồng một giờ về nuôi chúng ăn học, trả tiền nhà, tiền điện, nước.

            Có lẽ bạn sẽ hỏi “Vậy cái nhà chuồng gà của anh bây giờ ra sao? Sửa lại chưa? Bán, mua nhà khác chưa?” Xin thưa. Vợ chồng tôi vẫn ở nhà đó. Có điều lạ, sau đó, nhà vùng tôi ở đột nhiên lên giá. Ông bạn realtor hỏi tôi “Nhà ông bây giờ bán giá gấp đôi, vẫn có người mua ngay” Nhưng tôi trả lời “Để sau nầy con tôi bán

            Bụi hoa ngoài sân tôi cũng thương, những vết bẩn trên tường các con tôi làm bẩn, tôi cũng thương (và cứ để nguyên cho đến bây giờ). Vả lại, vợ chồng tôi đã lớn tuổi, chẳng muốn ganh đua, hơn thua ai. Ngu gì mua cái nhà cho bự, nhiều phòng, chỉ ngủ vài phòng, để rồi cày mà nuôi mấy tay tư bản, cho vay cắt cổ.

Phạm Thành Châu

Thơ Chuyển Ngữ Mùa Vu Lan

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

 

In memory of my Grandfather

You are remembered by each passing day
In our hearts and soul for you we pray.
Looking back to the days I woke up to you
And to the days you spent with me to.

I’d run to you, and sit on your knee,
Rocking in the chair, was just you and me.
With you I always went along for a ride,
I sat by you, right by your side.

You would hold my hand, and give a good night kiss.
These days remembered, I will always miss.
Sometimes as I remember you, I beg and I cry,
Wishing that you would have never died.

But as the days go on, for you I will pray,
And remember you by each passing day.

Christina Hintenberger

 

Tưởng nhớ đến Ông tôi

Cháu thường tưởng nhớ đến Ông

Mỗi ngày đều nhớ, cõi lòng khôn nguôi

Vì Ông chúng cháu thốt lời

Thành tâm cầu nguyện đất trời hồng ân.

Nhớ ngày xưa đã bao lần

Cháu thường tỉnh giấc ở gần bên Ông

Bao ngày Ông cháu vui chung.

Nhiều khi cháu chạy tới Ông tức thời

Leo lên lòng mà đòi ngồi,

Cùng chung ghế để hai người đu đưa.

Ông thường chở cháu sớm trưa

Cạnh Ông là chỗ cháu ưa được ngồi.

Đêm đi ngủ lúc tối trời

Ông cầm tay cháu, hôn rồi mới đi.

Những ngày này đẹp kể chi

Cháu luôn nhớ mãi, khắc ghi trong lòng.

Đôi khi tưởng nhớ đến Ông

Cháu thường cầu khẩn, lệ tuôn tràn trề,

Ước sao Ông cháu cận kề

Ước Ông còn sống, không hề mất đi.

Nhưng ngày trôi mãi còn gì,

Nhớ Ông nên cháu xin quỳ lạy đây

Thành tâm cầu nguyện mỗi ngày

Nhớ thương, hồi tưởng, quắt quay tâm hồn.

 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(chuyển ngữ)

 

 And Grandma’s too…

While we honor all our mothers
with words of love and praise.
While we tell about their goodness
and their kind and loving ways.
We should also think of Grandma,
she’s a mother too, you see….
For she mothered my dear mother
as my mother mothers me.

Anonymous

Cả Bà nữa chứ…

Trong khi tất cả chúng ta

Vinh danh Mẹ quý, ngợi ca hết lời

Với lòng yêu mến tuyệt vời

Đề cao đức tính của người mẹ thương

Từ tâm, dễ mến mọi đường

Chúng ta có lẽ cũng đừng có quên

Phải nên nghĩ đến Bà liền

Bà từng là một Mẹ hiền đấy thôi,

Ngẫm xem quả đúng như lời…

Xưa kia Bà đã một thời dưỡng nuôi

Nuôi Mẹ ta suốt một đời

Rồi Mẹ ta mới là người nuôi ta.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(chuyển ngữ)

Mother

If I could give you diamonds
for each tear you cried for me.
If I could give you sapphires
for each truth you’ve helped me see.
If I could give you rubies
for the heartache that you’ve known
If I could give you pearls
for the wisdom that you’ve shown.

Then you’ll have a treasure, mother,
that would mount up to the skies
That would almost match
the sparkle in your kind and loving eyes.

But I have no pearls, no diamonds,
As I’m sure you’re well aware
So I’ll give you gifts more precious
My devotion, love and care.

Anonymous

 

Mẹ

Nếu con có thể dâng lên

Biếu cho Mẹ quý Mẹ hiền kim cương

Đền bù mỗi giọt lệ vương

Mẹ thường than khóc vì thương con mình.

Nếu con có được ngọc xanh

Để mà dâng Mẹ đáp tình bấy lâu

Về từng chân lý nhiệm mầu

Giúp cho con thấy trước sau tỏ tường.

Nếu con có được ngọc hồng

Để mà dâng Mẹ thỏa lòng tri ân

Về từng nỗi khổ vô ngần

Mẹ thường phải chịu bao phần bi ai.

Nếu con có được ngọc trai

Để mà dâng mẹ một mai đáp đền

Về lời Mẹ dạy khó quên

Khôn ngoan, trí tuệ, lành hiền lắm thay.

Thời mẹ ơi! Mẹ có ngay

Một kho châu báu chất đầy biết bao

Đầy lên tới tận trời cao

Long lanh như mắt Mẹ nào khác chi

Mắt thương yêu, mắt từ bi.

Nhưng con chẳng có chút gì Mẹ ơi!

Không kim cương, không ngọc trai

Chắc là Mẹ đã rõ hoài lâu nay

Nên con dâng Mẹ quà này

Quà con quý giá lắm thay Mẹ à!

Đó là lòng thật thiết tha,

Thành tâm chăm sóc, mặn mà kính yêu.

 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(chuyển ngữ)