Chu Lynh và “Mảnh Da Vàng”

Nguyễn Quang Dũng

Bìa “Mảnh Da Vàng”, trải rộng

Ở bài viết này, tôi sẽ là người đọc và viết về  tập sách “Mảnh Da Vàng” của Chu Lynh ở một góc cạnh không giống với một độc giả bình thường vì tôi là một trong những người bạn ở chặng đường cuối cùng với tác giả lo việc trình bày từ trong ra ngoài, kiểm lỗi đánh máy, và  giúp tay cho “đứa con tinh thần” của Chu Lynh đã “thai nghén” hơn 30 chục năm qua được “ra đời”.

Chu Lynh đến với  cơ sở ấn loát của tôi cách đây đã hơn 20 năm với công trình sưu khảo của anh trong một tập sách dầy hơn 400 trang về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Anh là một trong những người rất kính trọng Giáo Sư Huy và tôi cũng vậy. trước 1975, tôi đã là một môn sinh của GS Huy ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Tôi đã sốt sắng giúp tay Chu Lynh trong việc trình  bày và ấn loát tác phẩm sưu khảo của anh.

Và lần này, vào  cuối tháng 2 năm 2022, Chu Lynh  lại gỏ cửa “nhà in” của tôi,  nói với tôi rằng anh muốn in tập sách “Mảnh Da Vàng”. Tập sách Chu Lynh mang theo trong đời sống nổi trôi theo vận nước của anh suốt hơn ba mươi năm.

Tôi và Chu Lynh đều là những người “cầu toàn“ do vậy đã tốn nhiều thì giờ cho việc chuẩn bị cho ra đời Mảnh Da Vàng. Chúng tôi làm việc, thảo luận qua lại với nhau hơn hai tháng trường để trình bày cái bìa sách, đọc và sửa lỗi đánh máy, trình bày các trang trong của tập sách  với nhiều hình ảnh tư liệu do tác giả cung cấp và đồng ý với nhau về kế hoạch và trình tự thời gian hoàn thành.

Nhưng cả hai chúng tôi đều không biết rằng vào tháng 3/2022, tác giả Chu Lynh đã trải qua một biến cố “thập tử nhất sinh” khi đang trên đường cho những cuộc phỏng vấn làm phim tài liệu. Chu Lynh thuật lại:

“Tôi đang qua đêm ở nhà một người bạn trẻ. Buổi sáng, bất ngờ tim tôi đập mạnh, khó thở, tiếng nói ú ớ không thành lời. Người bạn gọi xe cấp cứu vào bệnh viện Fountain Valley. Áp huyết lên 221.

Qua một đêm, bác sĩ cho biết ống dẫn máu vào tim bị vỡ, …” (Mảnh Da Vàng, tr 368)  

Chu Lynh trong phòng ICU Bệnh viện Keck Medical Center of USC, Los Angeles, California. (Ảnh: Mảnh Da Vàng, Trang 369)

May mắn, Chu Lynh vượt qua cuộc giải phẩu tim ở California. Còn sống. Còn thở. Chỉ yếu sức so với trước kia. Và lên máy bay về lại được Virginia.

Do vậy chương trình làm việc với nhà in của tôi dự trù 2 tháng phải được nới dài ra, mãi cho đến tháng 8/2022 thì mới in xong tác phẩm Mảnh Da Vàng

Ở trên, tôi không nói và viết gì về Mảnh Da Vàng có lẽ là vì tôi không muốn là người thêm vào trong số những nhà văn, nhà báo đã viết nhiều lời khen tặng hay  đã trích dẫn những đoạn văn  mang nhiều tâm tình về một thời trôi nỗi thăng trầm trên quê hương Việt Nam của Chu Lynh.

Ở đây, tôi muốn nói với Chu Lynh rằng  anh đã chọn cái tựa sách rất hay và rất đúng với những gì anh chuyên chở trong  400 trang sách của Mảnh Da Vàng.

Những gì Chu Lynh viết xuống, ghi lại khi  trong trại tù cộng sản, hay khi được thả ra ngoài – trong một nhà tù lớn hơn, trong thân phận một người lính bại trận sau 1975 ở quê hương Việt Nam khốn khó, không là những điều gì mới mẻ hay lạ lùng đối với tôi.

Nhưng có một cảm giác kỳ lạ từ những mảnh tâm tình rời rạc, những mảnh ký ức lộn xộn, từ một tập sách với nhiều đoản văn, bài viết, bút ký, xen lẫn với những hình ảnh tư liệu của tác giả: Những mảnh đời sống của Chu Lynh trong Mảnh Da Vàng làm tôi liên tưởng đến những tâm tình vụn vỡ của hàng triệu người Việt miền Nam Việt Nam sau 1975, bỏ nước ra đi, tìm đến một mảnh đất tự do. Trong đó có những người lính thất trận, những người dân với thân phận “ngụy quân, ngụy quyền” …những người không còn đất sống trên chính quê hương mình. Mà tôi cũng ở trong số đó, những người Việt được thế giới gọi là “Boat People”, một phần của đội ngũ những người Việt vong quốc.

Sau những năm dài mở ra hàng triệu mảnh đời sinh tồn của người Việt trên xứ người, dường như đời sống của Chu Lynh, của tôi, hay của nhiều người Việt đồng cảnh ngộ là đời sống của nhịp đôi. Nửa Mỹ, nửa Việt. Hay nửa Úc, nửa Việt. Hay nửa Pháp, nửa Việt…là đời sống của bên này, bên nhà. Dường như có cái gì phân đoạn, ngắt quãng, không liền lạc, trong tâm thức của những người Việt lưu vong.

Đó là những cảm nhận rất thực trong  tôi khi gấp lại tập sách  Mảnh Da Vàng của Chu Lynh: Những mảnh đời vụn vỡ sau 1975. Những tâm tình của bèo dạt hoa trôi. Những mệt mỏi của ngày này, tháng nọ trên con đường tìm lại quê hương đã xa. Những thất vọng khi thấy lũ tà quyền, ác nhân, cho đến nay, vẫn toàn quyền trên xứ sở Việt Nam thân yêu. Những chua xót từ sự mất mát những nhân tài Việt Nam lưu vong như Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mà không tìm thấy người kế tục.

Nhưng ít nhất Chu Lynh cũng đã “tận nhân lực” khi lao mình vào việc thực hiện những cuốn phim tài liệu của Vietnam Film Club hay VFC, một tổ chức do anh sáng lập cùng với GS Nguyễn Ngọc Bích năm 2010. Chu Lynh “đơn thương, độc mã”, đi xuyên bang nước Mỹ, tới tận trời Âu, vượt ngàn dặm tới Úc và nhiều quốc gia khác trên  thế giới để thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn những nhân chứng lịch sử của tập thể người Việt lưu vong và cho ra mắt hàng chục tập phim tài liệu chưa ai làm được.

Và điều quan trọng là Mảnh Da Vàng (*) đã ghi lại được gần hết những nỗ lực vượt mức của Chu Lynh:

  • Để tồn sinh vượt thoát những nghiệt ngã tàn bạo nhất của cộng sản Việt Nam
  • Để đấu tranh, bằng mọi phương tiện tự lực của chính mình, nói lên tiếng nói của chính nghĩa và nhân bản Việt Nam Cộng Hòa.
  • Và để tiếp tục là Trái Tim Lửa trong tập hợp hàng vạn Trái Tim Lửa của những người Việt Nam lưu vong yêu quê hương, vẫn còn đang trên đường tìm về, với hy vọng tìm thấy lại Quê Hương Việt Nam Tự Do Dấu Yêu.

Nguyễn Quang Dũng

Focus Digital Publishing

Tháng 1/2023

 

(*) Mảnh Da Vàng, 400 trang, Tác giả tự xuất bản, phát hành tháng 9/2022. Liên lạc tác giả: CHULYNH@GMAIL.COM

Diệt Ngay Lục Tặc Ngoài Đời

Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao

 

“Lục căn” là sáu cơ quan

Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi và Thân, Ý người

Qua đây mà cảnh bên ngoài

Nhập vào quấy nhiễu phá hoài thân tâm

Rất nhiều cảnh vật cõi trần

Tựa như bụi bẩn gieo mầm nguy tai.

*

MẮT nhìn muôn vật, hình hài

Màu mè, sắc tướng phô bày vây quanh

Dễ thương, quyến rũ, đẹp xinh

Ngắm hoài say đắm trở thành u mê.

*

TAI nghe các tiếng vọng về

Du dương giọng hát, tỉ tê lời người

Ngọt ngào, êm dịu, lả lơi

Nghe hoài đắm đuối, mê tơi tâm hồn.

*

MŨI khi ngửi đẫm mùi thơm

Nhang trầm, cây trái, hoa vườn ngát hương

Phấn son thân thể nõn nường

Thế là mê mẩn, vấn vương cõi lòng.

*

LƯỠI khi nếm phẩm vật xong

Nhâm nhi mùi vị ướp trong miệng mình

Đậm đà, ngon ngọt, thơm lành

Thế là ham muốn quẩn quanh khó rời.

*

THÂN khi tiếp xúc vời người

Lâng lâng khoái lạc suốt đời khó quên

Làn da nồng ấm dịu mềm

Khơi nguồn tham dục, xa miền chân tu.

*

Ý là nghĩ ngợi, suy tư

Trong lòng tơ tưởng điều ưa thích hoài

Còn đâu nhận thức đúng sai

Mê mờ chân tánh, xa rời thiện tâm.

*

Ngẫm ra qua nẻo “lục căn”

Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi và Thân, Ý người

“Lục trần” sáu đám bụi đời

Từ ngoài xâm nhập phá hoài thân tâm

Giống như trộm cướp dữ dằn

Gọi tên “Lục tặc” sáu quân giặc này.

*

Sáu tên giặc mãi ra tay

Nhập vào quấy nhiễu cướp ngay pháp lành,

Phá tan công đức tu hành

Thiện căn tổn giảm, tịnh thanh mất rồi

Giặc gieo đau khổ mãi thôi

Khiến ta đày đọa sống đời trầm luân

Luân hồi sinh tử xoay vần

Cho nên “Lục tặc” ta cần diệt đi!

Diệt ngay sáu giặc cận kề

Giữ cho an lạc trọn bề thân tâm!

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO

Năm Mão

Phạm Thành Châu

ăm nay là năm Mão, cầm tinh con Mèo. Các báo Xuân làm gì cũng có một bài về mèo. Lịch thì có hình con mèo. Nhà nào cũng có mèo, ai cũng biết rõ về nó, chẳng có gì lạ, nên viết sao cho độc giả mới đọc nửa chừng thì không thèm đọc nữa mới thật là khó. Thông thường, người ta viết nhiều nhất là về những nhân vật (đúng ra là những danh nhân đã chết) có tuổi con mèo, cũng có người viết về những năm Mão trong lịch sử. Cứ lôi bài cũ (báo xuân) từ mười hai năm trước ra xào nấu, thêm chút gia vị vào là thành bài của mình. Hoặc cứ lấy quyển mười Hai Con Giáp ra chép lại. Tôi cũng chẳng hơn gì những vị đó, nhưng có để tâm sưu tập những bài về mèo từ các báo đã đăng, dành dụm những tài liệu, tin tức liên quan đến con mèo, nay kể ra, để bạn đọc giải trí trong mấy ngày xuân. Người ta nói Chữ Mão, tiếng Tàu nghĩa là thỏ, tiếng Việt nghĩa là mèo (?) Tôi không biết chắc nhưng lịch Tàu thì để hình con thỏ vào năm Mão. Người miền Trung và miền Nam gọi mão là mẹo (tí, sửu, dần, mẹo, thìn, tị…) Tiếng Anh gọi mèo là cat, tiếng Pháp là chat, tiếng Đức katze, tiếng Tây Ban Nha gato, tiếng Nhật neko, tiếng Ả Rập kitte… Con mèo có thể kêu khoảng sáu mươi thứ tiếng khác nhau để bày tỏ cảm nghĩ của mình, đặc biệt nó gào thét khi làm tình, nhưng đối thoại với người, nó chỉ kêu meo, meo để xin ăn mà thôi. Cũng có khi nó kêu rù rù nho nhỏ lúc bạn âu yếm nó hoặc lúc nó dụi đầu vào người bạn để chờ được vuốt ve. Có lẽ vì các cô bồ nhí của mấy ông già cũng nũng nịu kiểu đó nên được gọi là mèo. Chính mắt tôi thấy trong TV, một con mèo nói tiếng Mỹ. Bà chủ nói gì, nó nói theo (độ năm ba tiếng thôi). Bác sĩ thú y nói trong thanh quản con mèo đó có dị tật. Hình như chuyện Ba Giai Tú Xuất có kể, Ba Giai đánh cuộc với cô hàng nước rằng con mèo cô ta biết tiếng người. Cô hàng nhận lời, Ba Giai xách tai con mèo lên, bấm móng tay vào tai mèo và hỏi “Của cô hàng tròn hay méo?”, con mèo đau quá kêu lên: “Méo, méo!”. Có vài chuyện vui về mèo. Một ông quá lười biếng nên chết đói. Xuống âm phủ, Diêm Vương phán: “Nhà ngươi lười quá nên ta cho ngươi đầu thai làm con mèo, phải tự mình bắt chuột mà ăn.” Anh ta năn nỉ Diêm Vương: “Xin ngài cho con làm con mèo đen có chấm trắng trên mũi.” Diêm Vương ngạc nhiên “Để làm gì?” “Thưa, ban đêm con nằm trong bóng tối, bọn chuột thấy chắm trắng tưởng hột cơm, mò đến, con bắt ăn thịt, khỏi phải đi đâu cả.” Một con mèo khác rình hoài mà không bắt được chuột, nó giả giọng chuột kêu chít, chít! Bọn chuột tưởng đồng loại, bò ra khỏi hang, bị mèo bắt ăn thịt. Ăn xong mèo gật gù. Biết ngoại ngữ cũng dễ sống hơn bọn không chịu đến trường sinh ngữ để học thêm. Một chuyện vui khác. Cô giáo bảo học trò tả con mèo. Một cậu viết: “Nhà em có một con mèo, nhưng em chưa thấy nó, mẹ em cũng chưa thấy nó. Mẹ em nói -Ba mầy có mèo, nhưng tao chưa bắt được. Trước sau gì tao cũng tìm ra.”Một lần khác, cô giáo bảo tả con khỉ, cũng cậu học trò đó, viết “Nhà em có nuôi một con khỉ. Một buổi sáng chủ nhật, có một cô đến nhà em, ba em chạy ra bảo -Đừng vô nhà, có con khỉ già ngồi trong đó!”
Mèo bự nhất, có thể nặng từ sáu đến mười kí lô, đó là giống Main Coon, lai tạo từ mèo rừng Bắc Mỹ với mèo hoang tiểu bang Maine. Một ông bạn, gặp tôi, khoe rằng sắp lập một xí nghiệp nuôi mèo và chuột. Ông bạn giải thích: Giai đoạn đầu, tôi nuôi một mớ chuột, khi chuột sinh sôi nẩy nở nhiều rồi, tôi nuôi mèo, lấy chuột cho mèo ăn. Khi mèo lớn, sinh con đẻ cháu, tôi giết mèo, lấy da đem thuộc, làm áo ấm, ví, xách tay… cho quí bà, thịt mèo đem nuôi chuột. Vậy là vòng tròn khép kín, chỉ tốn công, khỏi tốn thực phẩm nuôi mèo và chuột. Anh ta nhờ tôi nghiên cứu giùm về con số chính xác, mèo sinh sản ra sao? Tôi tìm đọc về mèo và cho anh ta những số liệu sau: Mèo đẻ hai lứa một năm. Trong năm năm sống sót được hai mươi tám con, với mười lứa đẻ. Mèo mẹ sinh con, con sinh cháu, cháu sinh chắt, chút, chít … sau ba năm có được ba trăm tám mươi hai con, sau bốn năm, hai nghìn hai trăm con, sau năm năm, mười hai nghìn sáu trăm tám chục con… sau mười năm có hơn tám mươi triệu con. Anh bạn tôi sáng mắt lên. Giàu thấy rõ mà chẳng ai biết ! Sau đó tôi không còn gặp anh bạn đó nữa, cũng không nghe về Xí nghiệp mèo chuột của anh ta.

Toàn thế giới có sáu trăm triệu con mèo, riêng nước Mỹ có hơn bảy chục triệu con. Các bà thích nuôi mèo vì nó giúp các bà đỡ buồn chán (depress), coi như người bạn hiền lành. Nuôi mèo ở các nước Âu Mỹ phiền phức lắm, phải có bảng tên đeo vào cổ mèo, phải đi bác sĩ chích ngừa, khám bịnh, phải cho ăn đúng thực phẩm, phải tắm rửa, dọn vệ sinh cho nó (hốt phân), vì nhà luôn đóng cửa, mèo không ra ngoài phóng uế được, không như ở xứ ta, chút xương cá với mấy muỗng cơm là xong. Mèo, chó Âu Mỹ mà cho ăn như thế nó sẽ bị tiêu chảy, rụng lông rồi chết. Mấy ông bà Âu Mỹ thường chụp hình chó, mèo của mình, để rủi chó, mèo có đi lạc thì làm một bảng cáo thị, có đủ tên tuổi con vật với hình ảnh, số điện thoại của chủ rồi đem treo ở các ngã tư trong xóm. Ai tìm thấy thì cho chủ biết, nhận về. Có người nuôi mèo chung với chuột, vì mèo (Âu Mỹ) không ăn thịt chuột, và chó cũng không ruợt cắn mèo bao giờ. Nhưng mèo hoang thì cũng giống như mèo ở xứ ta. Chúng đi hoang vì chủ nó dọn nhà mà không mang chúng theo, chủ nhà mới không cho vô nhà. Mỗi năm ở Mỹ có cả triệu con mèo bị bỏ hoang. Xóm tôi ở, có mấy con mèo hoang, khuya nào chúng cũng đi lùng sục chuột bọ trong các vườn nhà người ta. Chúng thích nhất là trèo cây bắt tổ chim. Ở Âu Mỹ, bắt giết súc vật là phạm pháp, thế nên chim chóc sinh sôi nay nở khắp trong vườn, trong rừng. Vườn nhà tôi có rất nhiều chim đến làm tổ, khi thấy có trứng trong tổ (chúng làm tổ trong các buội cây rất thấp) tôi phải lấy thuốc trừ sâu bọ xịt dưới gốc cây, cành lá chung quang để mèo không đánh hơi được, nhờ vậy lũ chim non được sống sót. Có một bà Mỹ già, tối nào cũng đem thực phẩm mèo ra sau vướn nuôi lũ mèo hoang, có đến mấy chục con tụ tập, giành ăn, meo meo ồn ào, hàng xóm kêu cảnh sát. Không hiểu sao, cảnh sát lại cấm bà ta cho mèo ăn? Ở Âu Mỹ, mấy người già thích sống một mình, không muốn con cháu đến quấy rầy, thế nên có một bà cụ chết, mấy ngày sau, nghe mùi hôi, hàng xóm gọi cảnh sát đến. Mở cửa ra, có đến hàng trăm con mèo đang vây quanh xác chết, kêu gào vì đói. Sở Mục Súc phải đóng cửa, vây bắt từng con. TV chiếu, mèo lớn, mèo nhỏ chạy lung tung, trên lầu, trong bếp, trong kẹt tủ … Thông thường, sở bắt súc vật đi lạc về, nhốt vô chuồng, ai muốn nuôi thì đến xin. Mèo, chó nhiều quá, không ai xin thì phải giết bớt. Ở Việt Nam mà có mấy dịp đó thì các quán nhậu đặc sản phát tài. Một bà cụ Mỹ, có con mèo bịnh chết, bà ta sắm cho nó một quan tài giá năm trăm đô la, lại tốn một mớ tiền mua đất ở nghĩa trang súc vật để xây mộ cho nó. Thỉnh thoảng bà cụ đi thăm mộ, chuyện trò với vong linh con mèo thân yêu. Ở các xứ văn minh, con cái không có cái tình với cha mẹ như người Á Đông. Cha mẹ nuôi con như làm bổn phận, con đến tuổi trưởng thành là rời nhà cha mẹ, đi thẳng, họa hoằn lắm mới gọi điện thoại hỏi thăm. Mà cha mẹ cũng thích sống một mình trong nhà hoặc gửi thân nơi các nhà dưỡng lão, chờ ngày nhắm mắt xuôi tay. Họ không thích con cháu đến làm phiền. Thế nên, con mèo, con chó là bạn thân nhất của người già. Có mấy chuyện (cũ và mới) về mèo, kể ra đây để bạn đọc cho vui. Nursing Home (nhà già) tên là Steere ở Providence, Rhode Island có nuôi một con mèo đen trắng (có hình trên báo) tên là Oscar. Nó rất hiền và ngoan, các cụ thích vuốt ve, âu yếm. Nhưng nó có tật lạ là hễ tối nào nó nhảy lên giường người nào nằm thì làm gì người đó, hôm sau sẽ chết. Có lần, người ta đem bỏ nó lên giường một người hấp hối, nó nhảy xuống chạy qua phòng một người mạnh khỏe mà nằm. Quả nhiên, hôm sau, người hấp hối hồi tỉnh còn người mạnh khỏe kia, tối ngủ rồi ngủ luôn, không dậy nữa (chết). Đảo Peratjio ở Ấn Độ Dương, không có người nhưng lại có hàng nghìn con mèo. Số là năm 1850, có một chiếc tàu biển bị đắm vì đá ngầm, những người sống sót lên được đảo nhưng cũng chết sau đó vì bịnh dịch, chỉ còn vài con mèo, chúng sống nhờ bắt cá ven bờ biển. Đến nay, ghé vào đảo đó, vẫn thấy đầy mèo. Đảo Ishima ở Nhật có quá nhiều chuột, người ta bèn đem mèo các nơi khác đến bắt chuột, ít lâu sau, chuột hết sạch mà mèo thì đông hơn chuột trước đây, mà lại không có gì ăn, chúng vào bếp ăn vụng, ra chợ rình vồ thịt cá, tha chạy đi, người ta đi chợ, chúng cũng nhảy vô giỏ cướp thịt cá. Bài báo không nói cách giải quyết nạn mão mãn ra sao?

Năm 1902, Walter William, một nha sĩ đến Tahiti hành nghề ở thủ đô Papeete, ông ta chữa răng cho quốc vương Pomare giỏi quá nên quốc vương tặng ông ta một hòn đảo, chỉ có dừa chứ không có người. Đến nơi thì thấy toàn chuột. Ông ta quay về thủ đô Papeete treo bảng mua mèo, được hơn hai trăm con, đem qua đảo cho bắt chuột. Chuột không còn, mà dân số mèo lại tăng lên, nhưng mèo không phá hại như chuột, không đục khoét dừa non và mèo cũng biết ra bờ biển rình bắt cá sống qua ngày. Ngày 2 tháng 9 năm 2009, ở tiểu bang Texas, ông Gil Smith lái xe từ thị xã Gilbert đến thành phố Kearny, trên quãng đường một trăm hai mươi cây số. Ông ta không biết có con mèo của mình đang ôm cứng cái bánh xe dự phòng dưới gầm xe. Nếu nó buông chân, ắt bị xe sau cán chết. Khi đến nơi, nghe mèo kêu, ông ta đem nó ra rồi gọi báo chí, truyền hình đến khoe con mèo khôn ngoan. Ngày 26 tháng 8 năm 2010, bà quả phụ Monika Hoppert, sáu mươi tuổi ở Studthgen, nước Đức, kêu thợ đến thay bồn tắm. Ông thợ đặt bồn tắm mà không biết có con mèo dưới đó. Hàng xóm nghe mèo kêu mà không biết từ đâu, qua hỏi, bà Monika Hoppert bèn cho người dở bồn tắm lên. Con mèo nằm trong đó mấy tuần mà không chết. Trước đây, nó nặng gần sáu kí lô, đem ra chỉ còn một kí sáu. Vậy mà nó sống được ! Năm 2008 cô bé Kirstas Hicks ở Adelaide, Úc châu, đi du lịch với gia đình, nhân tiện ghé thăm ông bà ngoại, cô đem con mèo gửi cho ông bà ngoại (ở cách nhà cô một nghìn sáu trăm cây số). Đi nghỉ hè về thì ông bà ngoại báo con mèo đi đâu mất rồi, tìm không ra. Một năm sau, một buổi sáng, mẹ cô bé Kirstas Hicks thấy một con mèo ốm trơ xương, trụi lông, sút móng, khắp mình đầy vết thương lở loét nằm trước cửa. Thấy tội nghiệp, bà ta đem vào nhà cho ăn. Khi cô bé Kirstas Hicks đi học về thấy thì kêu lên -Con Howie của con đây mà! Thì ra con mèo đã vượt một nghìn sáu trăm cây số, băng qua sa mạc, rừng rậm, sông hồ, chiến đấu với thú dữ để sống còn mà về với cô chủ nhỏ. Ở Việt Nam, trước đây, người ta bảo ăn thịt mèo xui (mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang), về sau, thịt mèo, thịt rắn được xếp vào đặc sản. Thế nên, ở thôn quê, các tay buôn thu mua rồi chuyển hết mèo với rắn lên thành thị để cung cấp cho các quán nhậu. Không có mèo và rắn bắt chuột nên chuột sinh sôi, nẩy nở đầy đồng, phá hại mùa màng, cũng may, sau đó, lại dấy lên phong trào nhậu chuột đồng, người ta lại đổ xô đi bắt chuột để cung phụng cho mấy ông thần ve chai. Thế là cân bằng sinh thái !

Bây giờ kể chuyện đời xưa về con mèo. Đó là chuyện Linh Miêu Hoán Chúa đời Tống bên Tàu. Chuyện hơi dài dòng, xin kiên nhẫn và cũng xin hiểu rằng. Chuyện đã được tiểu thuyết hóa thành dã sử (Vạn Huê Lầu?) thành tuồng hát, với tình tiết gay cấn, lâm ly và bao giờ kết thúc cũng có hậu. Vị nào trên sáu mươi tuổi ắt đã từng xem sách hoặc xem hát bộ (Bao Công Tra Án Quách Hòe) xem cải lương (Linh Miêu Hoán Chúa) ắt còn nhớ.

Chuyện xảy ra thời Ngũ Đại Tàn Đường, khoảng thế kỷ thứ 10. Lúc bấy giờ, bên Tàu, giặc giả khắp nơi, mỗi người hùng cứ một phương. Có Quách Ngạn Oai, là nguyên soái Phàn Châu, tự xưng làm vua, lập nên nhà Hậu Châu. Ngạn Oai chết, Sài Vinh, xuất thân bán dù, là cháu vợ Ngạn Oai, nối ngôi, hiệu là Châu Thái Tôn. Bấy giờ Triệu Khuôn Dẫn, em kết nghĩa với Sài Vinh, làm chức Kiểm Điểm Sứ, nắm binh quyền. Châu Thái Tôn (Sài Vinh) chết, con là Tông Huấn, mới bảy tuổi lên nối ngôi. Nhân giặc Khiết Đơn quấy phá biên cương, Khuôn Dẫn đem quân tiểu trừ. Khi kéo binh đến Trần Kiều thì các tướng bàn nhau tôn Khuân Dẫn làm vua, truất phế Tông Tuấn. Khuôn Dẫn lập nên nhà Tống. Sử Tàu gọi vụ đảo chánh nầy là Binh Biến Trần Kiều, năm 960. Nhà Tống truyền ngôi mấy đời, đến đời Tống Chơn Tông thì xảy ra vụ án Linh Miêu Hoán Chúa.

Chuyện như thế nầy. Tống Chơn Tông có hoàng hậu họ Lưu, không có con, vua lại yêu thương một quí phi tên là Lý Thần Phi. Khi Tống Chơn Tông xuất chinh đi đánh Khiết Đơn thì Lý Thần Phi có bầu và sinh con trai. Lưu hoàng hậu đến thăm Lý Thần Phi, thấy Lý Thần Phi đang hôn mê, bèn sai thái giám Quách Hòe đem một con mèo thay vào và đưa đứa bé cho cung nữ Thể Vân đem giết đi. Thể Vân đem đứa bé giao cho thái giám Trần Lâm rồi nhảy xuống hồ tự tử. Trần Lâm trao đứa bé cho Lộ Huê Vương là anh em chú bác với Tống Chơn Tông. Lấy lý do Lý Thần Phi sinh quái thai, Lưu hoàng hậu bắt nhốt Lý Thần Phi vào Bích Vân Cung (Tống Chơn Tông đi đánh giặc chưa về), sau đó sai thái giám Quách Hòe đốt Bích Vân Cung, cố ý giết Lý Thần Phi. Âm mưu bị cung nữ Khấu Thừa Ngự biết, bèn báo cho Lý Thần Phi trốn thoát, còn mình giả làm Lý Thần Phi chịu chết cháy. Như vậy, coi như Tống Chơn Tông không có con nối dõi. Khi Tống Chơn Tông chết, triều đình đề nghị cho con Lộ Huê Vương lên nối ngôi, đó là Triệu (?) Trinh (con Lý Thần Phi nhưng không ai biết). Triệu Trinh làm vua tức Tống Nhân Tông. Thời Tống Nhân Tông được xem là cực thịnh của vương triều nhà Tống. Tống Nhân Tông có nhiều nhân tài như Vương An Thạch, Âu Dương Tu, Phạm Trọng Yếm… (Nhân vật tể tướng Vương An Thạch nầy đã làm một việc có liên quan đến Việt Nam thời bấy giờ. Vương An Thạch chủ trương đánh chiếm Việt Nam nên cho dự trữ lương thực, khí giới ở các tỉnh sát biên giới với Việt Nam. Ung Châu là nơi tập trung quân đánh đường bộ vào Việt Nam, Khâm Châu, Liêm Châu là cánh quân đường thủy. Biết được âm mưu của kẻ thù, vua Lý Nhân Tông sai tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân đánh vào các nơi đó, tịch thu và phá hủy tất cả lương thực, khí giới, tiêu diệt và bắt làm tù binh hàng vạn quân địch. Tướng Tàu là Trương Thủ Tiết và Tô Giám bị chém đầu). Đứng đầu bên văn có đại thần Bao Công, bên võ có Tống Địch Thanh. Bao Công tên là Bao Chửng, đậu tiến sĩ đời Tống Thái Tông, làm quan đến chức phủ doãn (đô trưởng) phủ Khai Phong, là kinh đô nhà Tống. Bao Công nổi tiếng là người xét án giỏi và công minh. Đọc truyện Tàu “Thất Hiệp Ngũ Nghĩa kể chuyện về bao Công rất hấp dẫn. Một lần đi phát chẩn cho nạn nhân bão lụt sông Hoàng Hà, đến phủ Đại Danh, Bao Công bị gió thổi bay mất mũ, bèn nghi ngờ có điều gì oan khuất trong thiên hạ đây, nên cho dừng quân, viết trát, sai hai thuộc tướng là Trương Long, Triệu Hổ đi bắt Lạc Mạo Phong (gió thổi bay mũ). Hai tướng lên đường mà không biết đi đâu để bắt Lạc Mạo Phong. Gió lại nổi lên, thổi bay cái trát vào thúng cải của Quách Hải Thọ, là tên bán cải kiếm tiền nuôi mẹ bị mù. Thế là hai tướng bắt Quách Hải Thọ về nộp cho Bao Công. Bao Công thấy bắt người vô tội mới đền tiền và thả về. Quách Hải Thọ mang tiền về lò gạch, là nơi cư ngụ, khoe với mẹ. Người mẹ mù đó chính là Lý Thần Phi và Quách Hải Thọ là con nuôi của bà ta. Nghe rõ sự tình, Lý Thần Phi sai Hải Thọ đến gặp Bao Công và bảo Mẹ tôi truyền ngài đến cho mẹ tôi dạy việc. Bao Công sinh nghi, bèn đích thân đến lò gạch, là nơi cư ngụ của Lý Thần Phi. Bao Công phải chui vào lò gạch còn bị bà già mù dõng dạc. Nếu phải Bao Long Đồ sao chưa quì xuống mà ra mắt ta? Bao Công không biết đó là Lý Thần Phi, nhưng là quan xử án nên phải chịu nhục để tìm cho ra oan khuất của người dân. Bà già mù (Lý Thần Phi) tra hỏi Bao Công đủ điều. Sau khi biết chắc đó là Bao Công, bà ta mới kể lại mọi chuyện. Xác nhận được bà già mù là Lý Thần Phi, Bao Công về triều tâu lại với Tống Nhân Tông (là con của bà Lý Thần Phi, được thái giám Trần Lâm giao cho Lộ Huê Vương làm con nuôi, sau được tôn làm vua). Tống Nhân Tông cho bắt Quách Hòe, tra khảo. Đánh đập đến gần chết, Quách Hòe cũng không chịu khai vì sợ liên lụy đến Lưu thái hậu (trước là Lưu hoàng hậu, chủ mưu). Quách Hòe nói -Có đánh tao chết thì xuống âm phủ, họa may tao mới khai với Diêm Vương. Bao Công bèn thiết trí một nơi âm u, lạnh lẽo, giả làm âm phủ, có diêm vương, có ngưu đầu mã diện, có hồn ma kêu khóc… rồi đánh cho Quách Hòe bất tỉnh và đem đến nơi âm cảnh giả đó. Quách Hòe tỉnh dậy, tưởng mình chết thật, mới khai ra mọi chuyện. Cuối cùng, kẻ ác đền tội, Lý Thần Phi được trời cho sáng mắt, đoàn tụ với con (là vua Tống Nhân Tông), Quách Hải Thọ được phong làm quan nhưng chỉ xin lãnh lương, nằm nhà chứ không chịu đi nhận việc.

Chuyện con mèo của năm Mão đến đây là hết.

Phạm Thành Châu

(chaupham3276@gmail.com)

Thực Lực Của Người Việt Tỵ Nạn Tại Hải Ngoại

TS LS Lưu Nguyễn Đạt

Từ 1975, hơn bốn triệu người Việt Tỵ Nạn định cư và sinh sống tại hải ngoại, trên khắp thế giới tự do, đều chia sẻ cùng một thân phận khắc nghiệt, trầm bổng, hồi sinh.  Đa số đã mất tất cả — tài sản, nhà cửa, địa vị, danh dự, hạnh phúc, liên hệ gia đình, ân tình làng xóm để bơ vơ nơi đất khách quê người và tại đó cố gắng tạo dựng lại từ đầu một đời sống mới, nhiều thách thức trở ngại, nhiều thương đau, đổ vỡ: chính khách mất chính thể; sĩ tướng mất quân quyền; chủ nhân ông trắng tay, đổi đời; chuyên viên giải nghiệp; trí thức mất thế; gia đình, tập thể, cộng đồng lo âu tái lập truyền thống, lý tưởng, tình người.

Có một điều họ không mất, đó là niềm tin vào thực lực tồn tại của họ, vào lẽ sống trong thế hội nhập của ba khả năng chọn lựa:

  1. Tồn giữ Nhân phẩm, Chia sẻ Giá Trị Việt Tính;
  2. Yêu Chuộng Tự do, Công Lý, Dân Chủ chân chính;
  3. Gắn bó Đại Nghĩa với Chí Nhân.

Các đặc tính và khả năng trên thụ hình ít hay nhiều, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cá biệt, đa dạng, nhưng hiển nhiên đều là những thành tích tiếp nối  tới ngày nay, sau 47 năm phấn đấu.

I. THỰC LỰC TỒN GIỮ NHÂN PHẨM, CHIA SẺ GIÁ TRỊ VIỆT TÍNH

Người Việt Tỵ Nạn bỏ nước ra đi vì họ quyết tâm khước từ thân phận tù đày, vô nhân cách. Họ từng bị “điều kiện hoá”, nhồi sọ; hạ nhục thành loài vật, thành dụng cụ khai thác đoản kỳ; thành kẻ tiêu thụ hạ cấp, lỗi thời, ươn hèn, vô thức.

Họ quyết tâm thoát ly cảnh tù túng, đày đoạ, bất nhân, bất nghĩa trong nước là vì họ còn đủ nghị lực kiên trì bảo trọng giá trị làm người tử tế, tự trọng, biết nhận, biết hưởng và biết cho lại.

Phẩm giá làm người chân chính đó có tính cách bẩm sinh, bất khả tước đoạt, mà con người chỉ từ bỏ khi lìa đời.  Nhân phẩm và lòng tự trọng không cho phép mình hạ thấp, quỵ lụy hơn những gì cần thiết; không cho phép con người sống còn trong nhục nhã, sợ hãi, hèn mọn.  Con giun xéo lắm cũng quằn, huống chi là con người?

Do đó, quyết tâm ra khỏi địa ngục CSVN là vì con người chưa vô cảm, còn biết quằn quại, vùng vẫy, đứng dậy và chạy thoát cảnh nô lệ, thoái hoá và thú hoá vậy.

Ngoài ra, khả năng “vượt thoát” ra khỏi bế tắc, sa lầy và sai lầm cũng như khả năng “vượt thắng” đều chiết tự ngay từ “Việt tính”, mà ông cha chúng ta ra công gắn liền với “siêu việt”, vì “Việt” (越, bính âm: yuè) là một từ gốc Hán-Việt có nghĩa là “vượt qua”.  Hy sinh của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản dám liều lĩnh thách đố cái chết trăm hình vạn trạng để đổi lấy hy vọng sống thực, sống trọn vẹn có đáng gọi là hành động “siêu việt”, vượt bực hay không?

Người Việt còn lại trong nước chưa “vượt ngục” CSVN, không hẳn vì hèn nhát, thiếu can đảm, mà chỉ vì họ chưa hồi hướng đúng mức, đúng độ, hay chưa gặp đúng thời, đúng cuộc. Người dân trong nước sẽ tụ tập đứng lên khởi nghĩa khi vỡ lẽ CSVN chỉ là quân bịp bợm, phá hoại, bất tài, vô luân; khi toàn dân thấy rõ xã hội họ đang sống chỉ là “nhà tù tập thể” không còn tầm vóc và mánh khoé bao vây, kìm hãm, doạ nạt họ được nữa.

II. THỰC LỰC CỦA NGƯỜI VIỆT YÊU CHUỘNG TỰ DO DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH

Bên cạnh một thiểu số nạn nhân bị thời cuộc rày vò điêu đứng, bị phá hủy nhân vị đến kiết sức phân tâm, nên không sao hội nhập toàn vẹn cuộc sống phấn khởi, rộng lượng hài hoà nơi đất khách quê người, thì may mắn hơn, đa số người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản trên thế giới tự do đã biết hoàn chỉnh, cải sinh đời sống và thân phận mình từng bị CSVN ngược đãi, hủy hoại.

Sau 47 năm gắn bó với nếp sống đáng sống, đa số người Việt Tỵ Nạn và nhất là hậu duệ, con cháu họ đều ý thức rõ rệt phạm vi định chế nhân quyền, dân quyền và trách nhiệm công dân là một thoả ước xã hội chính trực, kết sinh đa thể, linh động và hiển nhiên, luôn luôn cần bảo trọng, tu bổ cho thêm vẹn toàn, siêu thoát.

Sức mạnh của người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản chỉ hội đủ khi đa số

  • thực thi dân chủ chân chính, pháp trị, hài hoà, tử tế, nhân đạo;
  • tôn trọng tự do và nhân phẩm của chính mình và tha nhân;
  • ý thức về quyền sở hữu, quyền hành chính trị và trách nhiệm công dân.

Như vậy, người Việt Quốc Gia chúng ta cần thi hành và bảo trọng đúng mức tôn chỉ dân chủ tự do, chứ không thể ỷ lại vào “căn cước” dân chủ tự do vừa được cung cấp để làm ngược lại.  Đó là trường hợp của một thiểu số cá nhân cố vị, bị lây thói võ đoán hàm hồ, thường khôi phục thủ đoạn võ đoán, mánh mung, bằng cách chụp mũ, chửi-rủa, phá phách bất cứ ai không vừa ý họ, thì chắc chắn họ không thể “thắng cuộc”, vì không sao sánh kịp ma phiệt CSVN, vốn nổi tiếng về các thủ đoạn rừng rú, hèn mọn; ném đá giấu tay, phun máu hại người.

Nếu giả thử tất cả người Việt Tỵ Nạn chúng ta tiếp tục long đong, sai quấy, thiệt thòi, thất thế, thất thểu, thì con cái họ và người dân trong nước lấy gì để trông mong, nhờ vả, noi theo?

May thay, người Việt Tỵ Nạn đi trước đã từng vượt thoát và thành công chính trực, thì những đợt tỵ nạn sau này cũng có bề vượt thoát và thành tựu như chúng ta mong muốn.  Đó là trách nhiệm quy tụ, bao bọc bằng nghĩa cử dấn thân gương mẫu, bằng thực hành đối chiếu.

Chúng ta hãy cố hành động đúng nhân cách của người Việt tự do, tự trọng đề thẳng tiến và đem lại hy vọng cho hậu duệ, cho người “tới” sau.  Chúng ta không thể tự hủy bằng cách đi ngược đường hay dùng ngõ tắt thủ lợi sáo mòn, do địch gài bẫy kết dụ, ám hại như theo “nghị quyết 36” chẳng hạn.[1]

III.  ĐẠI NGHĨA & CHÍ NHÂN

Thế lực của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản là khả năng dấn thân theo đại nghĩa, đại cuộc: biết cưu mang lẽ phải, bảo trọng công lý; trợ lực nghĩa sống và phúc lợi nhân loại. Đó là cách ứng dụng “chính nghĩa siêu việt” của Ông Cha chúng ta vào đời sống hiện đại:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Nguyễn Trãi, “Bình Ngô đại cáo”[2]

Nguyên văn “Bình Ngô đại cáo” 

 ĐEM ĐẠI NGHĨA ĐỂ THẮNG HUNG TÀN

Đại Nghĩa là Lẽ Sống Chính Đáng, Toàn Diện; là Trào lực Chỉ đạo lấy phẩm giá con người làm trọng tâm cho mọi sinh hoạt hiện hữu.  Do đó, luật pháp công minh và công lý đạo đức phải căn cứ vào nhân phẩm để định chế hoá và hướng dẫn đời sống toàn vẹn.

Phẩm giá làm người chân chính có tính cách bẩm sinh, bất khả tước đoạt. Nhân phẩm phải được kết tạo bằng nguồn gốc nhân sinh và truyền thống văn hoá của một dân tộc hài hoà, phân minh, hướng thượng; bằng kích thước và vị trí địa-chính của một lãnh thổ; bằng tầm vóc môi sinh và dưỡng khí bao bọc liên hệ.

Nhân phẩm đòi hỏi một hiện tượng tổng hợp, mà bất cứ kết tố nào khiếm khuyết đều làm nhân phẩm chao đảo, thất tung, bất toàn.

Do đó, con người sẽ mất nhân phẩm khi phải sống cảnh nô lệ, đói khát, bệnh hoạn, ngu xuẩn, tù đày, đe doạ, khinh miệt, kỳ thị, bóc lột, lợi dụng, quên lãng.  Như toàn dân Việt đang sống lây lất dưới ách cộng sản Việt Nam, trừ thiểu số đại gia, băng đảng của chúng.

Hiển nhiên công dân mất nhân phẩm khi đất nước họ bị ngoại bang xâm lấn; khi lãnh thổ họ bị tháo ranh, cắt đất; khi lãnh hải, hải đảo, núi rừng, nguồn lợi thiên nhiên bị tài phiệt đại gia tham ô trục lợi, bị ngoại nhân bất chính cưỡng đoạt, phá hủy; khi dân oan thấy mình thất lạc, hắt hủi ngay nơi chôn nhau cắt rốn, ngay nơi thờ phụng tổ tiên.

Công dân cũng bị tước đoạt nhân phẩm khi tiếng mẹ đẻ thuần túy mỗi lúc trở nên pha tạp, hổ lốn, ngọng ngịu, sai lạc, bôi bác, sa đoạ.

Vậy “Đại Nghĩa”, song song với công minh chính đại, đòi hỏi:

  1. người Việt Tỵ Nạn và người chiến sĩ tự do phải dứt khoát “Tr Cộng”
  • không chỉ để “chống đỡ, chống cự, phòng thủ, tự vệ” một cách tiêu cực, yếm thế;
  • mà thực sự để vạch rõ làn ranh giữa chính nghĩa nhân bản và ý thức hệ của tội ác;
  • để sáng suốt thu thập tài liệu vạch trần hành động và thủ đoạn của kể hung tàn diệt chủng; bá quyền, bá đạo, vô nhân, thất đức;
  • để xác định lập trường cảnh tỉnh, minh mẫn trong việc chuẩn bị đối phó và ngăn ngừa kẻ trọng tội tái phạm.  Ngăn ngừa đã là thực hiện nửa đường của điều trị.
  1. người Việt Tỵ Nạn và người chiến sĩ tự do phải dứt khoát “Thắng Cộng”
  • không bằng thế quân sự, vì lúc này chiến tranh ở ngoài tầm tay “bất bạo động” của người Việt Tỵ Nạn và người chiến sĩ tự do; hơn nữa, quân sự chỉ là giải pháp ngoại vi, cục diện, tạm bợ, không thể giải quyết toàn thể quốc nạn, tai ương nhân tạo dưới ách cộng sản;
  • cũng không áp dụng chính sách hung tàn để trả đũa trừng phạt, khai trừ, thủ tiêu con người cộng sản, khi họ chỉ là những thành phần mù quáng, lỗi thời, bất tài, bệnh hoạn;
  • mà thực sự để “khử trùng cộng sản”; để điều trị, tảy trừ tận gốc căn bệnh cộng sản hiểm nghèo, ngu xuẩn, điên cuồng bằng cách [a] nâng cao dân trí, [b] phát triển đời sống vật chất và tinh thần của người dân, [c] bảo trọng công lý thượng tôn luật pháp, v.v.
  • “Thắng Cộng” vắn tắt là nỗ lực trừ ác tính để trọng sinh, khi dõng dạc, công minh bảo đảm quyền lợi và phẩm giá toàn diện của người dân, tại học đường; trong xã hội mở rộng; tại thương trường; nơi công quyền, pháp quyền, chính quyền; dưới mọi hình thức chọn lựa tín ngưỡng, phát biểu tư tưởng sáng tạo, bảo trọng môi sinh, đời sống căn bản.

 LẤY CHÍ NHÂN ĐỂ THAY CƯỜNG BẠO

Nhưng “Đại Nghĩa” tức lẽ sống chân chính đó phải được thực hiện và bảo trọng một cách ôn hoà, nhân từ, bác ái. Quyền sống phải được thực hiện đúng mức và bảo vệ đúng nghĩa, một cách công bằng, đạo đức, trách nhiệm.

Trong quan niệm “Chí Nhân”, nhân từ là căn bản.  Khi nhân từ được tôn trọng và thực hiện ở mức cao đẹp, thì mẫu mực nhân từ trở thành chí nhân, ở mức độ toàn hảo, cao vượt.  Do đó:

  • người chiến sĩ tự do phải luôn luôn tố cáo, khai trừ mọi vi phạm nhân quyền;[3] đồng thời cổ võ các biện pháp ôn hoà “phục hồi công lý”; ứng dụng pháp lý công bình[4] thay vì công lý trừng phạt, trả thù.[5]
  • người chiến sĩ tự do chủ trương hoàn trả, bồi thường, bù đắp tương xứng mọi thiệt hại trong quá khứ giao tranh; mặt khác chỉ trừng phạt những trọng tội, sai phạm quá đáng như tàn bạo, lạm quyền, tham nhũng bất chính; còn các tội danh khác đều được hưởng miễn trách[6] hay ân xá [7] nếu nghi can chỉ thi hành nhiệm vụ giao phó.  Điều này không có gì khó hiểu, vì trước đây, chính thể Việt Nam Cộng Hoà đã từng áp dụng chính sách “chiêu hồi”.  Dù sao, chính sách “Chí Nhân” không nhằm phục vụ mục tiêu chính trị của “chiêu hồi”, mà thực sự nhằm chấn hưng đạo đức; tái phục nhân phẩm; cải thiện nhân tính công dân.

Với quyết tâm đem đại nghĩa để thắng hung tàn cộng phỉ, lấy chí nhân để thay tận gốc căn bệnh cộng sản, người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản và người chiến sĩ tự do đã rõ rệt “vượt cộng” hay vượt thắng CSVN khi dồn sức tạo dựng một nhân sinh quan trong sáng, phồn thịnh, tử tế, khả trọng.

ĐỂ TẠM KẾT:

Thắng lợi là điều hay nếu chúng ta không đánh mất liêm khiết trong lúc thi hành.[8] Vậy, muốn có thế lực đối phó với chính mình, với đối tác và đối thủ, và muốn thực sự “thắng cuộc” một cách chân chính, nhân hậu, người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản cần

  • có can đảm đối mặt với sự thật, để bổ túc lẽ phải hay kịp thời sửa sai;
  • sống ngay thẳng, làm điều tốt lành, vì như thế sẽ giúp chúng ta sống một cách chính trực, làm gương mẫu cho hậu duệ và đồng bào trong nước;
  • chủ trương công minhbất bạo động vì cách đó sẽ đưa tới trình độ đạo đức cao nhất, vốn là cứu cánh của mọi tiến hoá;
  • thương xót tất cả những gì thuộc về đời sống, vì đạo đức không khác gì hơn là sự kính cẩn đời sống.[9]

Phẩm chất của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản, của người chiến sĩ tự do còn lại sau khi gạt bỏ mọi hư danh, ảo tưởng; mọi mánh mung, thiển cận; mọi mặc cảm tự hủy. Thực lực của họ chỉ đáng kể khi đo lường bằng kinh nghiệm sống chính trực, can đảm; bằng trí tuệ và viễn kiến trong giai đoạn liên kết phục hồi sự vẹn toàn cho đất nước; an sinh, phúc lợi và phẩm giá cho toàn dân, cho tha nhân, cho chính mình.

Trân trọng,

LƯU NGUYỄN ĐẠT, PhD, LLB/JD, LLM
Michigan State University

 

 

CHÚ THÍCH

[1] Nghị Quyết số 36 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm Công tác chính vận “kết dụ” cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

[2] “Bình Ngô đại cáo” (平吳大誥) là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt.
[3] human rights violations
[4] equity justice
[5] penal repression, vengeance & retaliation justice
[6] excuse
[7] amnesty
[8] “Winning is nice if you don’t lose your integrity in the process.” Arnold Horsham
[9] “I can do no other than be reverent before everything that is called life. I can do no other than have compassion for all that is called life. That is the beginning and the foundation of all ethics.” — “Ethics is nothing else than reverence for life.” Albert Schweitzer [1952 Nobel Peace Prize]