Từ cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, GS. Trần Quang Quyến nhìn về tương lai qua tướng pháp Ngô Hùng Diễn

Sơn Tùng & Bích Hải

tqq3

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ kéo dài hơn một năm với nhiều ồn ào, sôi nổi đã kết thúc vào ngày mồng 8 tháng 11, 2016 mà trước đó hầu hết những nhà quan sát chính trị, báo chí, truyền thông, kể cả các chiêm tinh gia trong và ngoài nước Mỹ đều tiên đoán bà Hillary sẽ là tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nhưng kết quả đã trái ngược hẳn trước sự sững sờ ngạc nhiên của mọi người. Trong khi đó GS. Trần Quang Quyến, một người nghiên cứu thâm sâu về tướng pháp Ngô Hùng Diễn, đã thấy trước là ứng cử viên Donald Trump sẽ đắc cử.
Qua sự nghiên cứu theo tướng pháp Ngô Hùng Diễn dựa trên tướng mạo và thần khí của hai ứng cử viên, ông Trần Quang Quyến đã nhìn thấy không những kết quả của bầu cử mà còn tiên đoán về những gì sẽ xảy ra trên chính trường nước Mỹ và tình hình thế giới trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới dưới sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump.
Những điều này đã được ông Trần Quang Quyến nghiên cứu và phát biểu với một số thân hữu, đồng thời có ghi lại trong cuốn sách của ông hai tháng trước ngày bầu cử.
Việc ông Trần Quang Quyến tiên đoán đúng kết quả cuộc bầu cử đã được xác nhận bởi điện thư chúc mừng của bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Võ Thành Nhân (giám đốc đài SBTN/DC) và nhiều bạn hữu khác tới GS. Quyến ngay vào sáng sớm ngày mồng 9 tháng 11, 2016. Điều này không làm nhiều người ngạc nhiên vì GS. Trần Quang Quyến đã được biết đến như một nhà nghiên cứu thâm sâu về tướng pháp Ngô Hùng Diễn trong hơn 60 năm nay. Ông đã xuất bản hai cuốn sách: “Tướng pháp Ngô Hùng Diễn” (*) (dày ngót 300 trang khổ lớn, bìa cứng, phát hành năm 2010, tái bản năm 2016) và cuốn tiếng Anh “Physiognomy: The Art of Reading People” (**) (ngót 600 trang, do Amazon ấn hành tháng 9 năm 2016). Qua hai tác phẩm này, tác giả đã có dịp nghiên cứu về tướng mệnh của nhiều người trong giới chính trị tại Mỹ và thế giới trong đó có Tổng thống Obama, Công chúa Diana, Tổng thống Clinton cùng phu nhân, bà Hillary Clinton, và tân Tổng thống Donald Trump. Việc này đã đưa đến lời tiên đoán về sự đắc cử của ông Donald Trump.

tqq-2-books
Chúng tôi đã đọc hai tác phẩm của GS. Quyến cũng như theo dõi và nhận định về những hoạt động của ông nên trong dịp này đã tiếp xúc với ông để được nghe giải thích thêm về áp dụng tướng pháp Ngô Hùng Diễn vào từng nhân vật.
GS. Quyến là học trò đắc ý của cụ Ngô Hùng Diễn. Ông là người đã tiên đoán rằng những việc làm và thành quả của Tổng thống Obama trong 8 năm lãnh đạo đất nước được thực hiện giống như một vở kịch mà ông Obama là người đóng vai chính. Khi màn hạ xuống là mọi việc sẽ chấm dứt, không để lại thành tích hay di sản gì đáng kể. Trước đó, GS. Quyến cũng là người đã tiên đoán công chúa Diana sẽ không bao giờ trở thành hoàng hậu ngay khi lễ cưới của công nương đang diễn ra. Và ông cũng tiên đoán vợ chồng nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam, Lê Uyên và Phương, sẽ ly dị trong thời gian ngắn sau khi đặt chân lên nước Mỹ tị nạn.

hillary
Về bà Hillary Clinton, trong giai đoạn tranh cử, dựa trên tướng pháp Ngô Hùng Diễn (TP NHD) được thấy như sau: các bộ vị tướng của bà đều có hình tròn và thần tròn, thần khí bà suy yếu. Xét về tính cách “đi bộ”, theo quan niệm “chủ – khách”, việc tranh cử của bà không thuận lợi lắm vì chủ thì yếu, khách thì đông và hỗn tạp. Nói rõ ra, theo quan niệm “chủ – khách” trong TP NHD thì bà Hillary là chủ, những người phụ tá cho bà được coi là “khách”. Vì hình tròn và thần tròn, cho nên khi gặp những cản trở trên đường tranh cử, bà Hillary không giải quyết một cách triệt để được. Người gần gũi nhất là chồng bà thì thần khí rối loạn và suy thoái, nên không những không giúp được cho bà mà còn gây khó khăn thêm cho bà. Cũng như vậy, những phụ tá thân thiết của bà cũng gây nhiều khó khăn cho bà. Đứng về lý mà nói, sự thất bại của bà là do bà hai phần và phụ tá của bà ba phần. Thần khí suy đồi còn là một yếu tố quan trọng liên quan tới sự sáng suốt và khả năng chống cự bệnh tật của cơ thể. Điều này nhận thấy qua thái độ bơ thờ của bà và sự thiếu minh mẫn của trí óc.
Cuộc đua vào toà Bạch Ốc ví như một cuộc đua ngựa. Bất kỳ yếu tố nhỏ nào gây ra sự chậm chạp cũng dẫn đến sự thất bại. Còn một yếu tố tối quan trọng nữa theo quan niệm TP NHD là bà đã phạm một lỗi lầm trầm trọng cho dù vô tình hay hữu ý cũng do thiếu tâm tướng, khi bà đã làm ngơ hơn 600 lời cầu cứu mạng của cố Đại sứ Christopher Steven và 3 nhân viên của ông tại Benghazi, Libya, vào tháng 9, 2012.
Ngoài ra cũng nên nhắc lại một yếu tố thất bại của bà Hillary Clinton mà GS. Quyến đã tiên đoán từ mùa thu năm 2009 khi bà mới làm ngoại trưởng được 9 tháng, là nếu bà làm ngoại trưởng hơn 2 năm thì công danh của bà sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể tới mức độ thân bại danh liệt. Ông cũng đã nói chồng bà không giúp ích gì được cho bà.

Về phần tỷ phú Donald Trump, theo TP NHD, ông có tướng cầm thú hoà hợp giữa tướng rồng, tướng sư tử và một phần không nhỏ của chó sói. Khi ông quyết định ra khỏi “khu rừng” của ông để tranh đấu với “loài người” thì ông sẽ bị đuổi giết từ cả bốn phía. Nếu ông tiếp tục ở trong “rừng” của ông, thì ông dễ dàng sống trên 100 tuổi, tài sản sẽ kếch xù hơn, con cái thành đạt, hạnh phúc cho tới chết. Nhưng ông có trán vuông, mặt vuông, thân hình vuông, da sáng, deo dai, mắt nhỏ và ẩn sâu vào xương chân mày, vùng quyền vuông vắn, đầy đặn và rắn chắc. Người như vậy là có tướng anh hùng, gặp thời loạn không dửng dưng hưởng thụ cho cá nhân mình được. Vì hình vuông, thần vuông nên khi gặp tấn công, người này phải đứng dậy chống đỡ kịch liệt chứ không lẩn trốn được.

donald-trump-2
Trong suốt thời gian tranh cử, ông đã luôn đứng lên mãnh liệt, mặt đối mặt với đối phương. Nếu đối phương không giết được ông thì kết quả ông sẽ thắng cuộc. Tướng ông ở cuối tai, có một phần trông mọng như túi mật. Theo TP NHD, những năm sau cùng của ông, ông sẽ đạt được một thành công về sự nghiệp lớn lao nhất trong đời. Nhưng sau phần tai nổi bật đó, tai lại thu nhỏ lại, theo TP NHD là hoạ sẽ đi theo sau mỗi thành công của ông. Tóm tắt, nếu ông không bị đối phương ám hại, hay là chết do tai nạn thì ông có thể sẽ là một vị tổng thống thành công thứ nhì sau tổng thống George Washington.
Theo các nhà phân tích chính trị và các chiêm tinh gia trên thế giới thì sự đắc cử của ông Donald Trump sẽ đưa tới những rối loạn cho nước Mỹ và thế giới, sẽ làm cho vị trí của nước Mỹ sau này không còn là một cường quốc đàn anh. Nhiều người cho rằng những vấn đề ông Donald Trump muốn giải quyết trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức sẽ không đủ điều kiện để giải quyết được. Theo TP NHD, để biết những kết quả việc làm của ông trong vòng 100 ngày đầu tiên nhậm chức đòi hỏi một sự quan sát tỉ mỉ của sắc tướng, thanh tướng và thần tướng không những của ông Donald Trump mà còn của những người chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết vấn đề đó, cũng như của những người chống đối việc giải quyết vấn đề đó theo chiều hướng của ông Trump.
Dựa vào sự nghiên cứu của GS Quyến hiện nay thì những khó khăn hay những công việc có tính chất trung và dài hạn chắc chắn sẽ được giải quyết thuận lợi vì thần khí của ông Trump rất sung mãn. Vận số của một nước còn tùy thuộc vào phong thủy và phong thái các thế hệ tương lai. Phong thủy nước Mỹ còn rất tốt, chẳng hạn như vượng khí của toà Bạch ốc còn mạnh và sung mãn. Giới trẻ Mỹ phong thái càng ngày càng đẹp nói lên đất nước này còn thịnh trị trong nhiều thế kỷ. ISIS sẽ bị triệt tiêu, thế giới sẽ yên bình, cộng tác hài hoà trong tiến trình phát triển.
Trung Quốc sẽ suy thoái nếu những nhà lãnh tụ của họ dùng cường lực với lòng tham lam và độc ác để thôn tính những nước nhỏ láng giềng. Mỹ sẽ không bỏ rơi vùng biển Nam Hải và Việt Nam sẽ có cơ hội khôi phục về quân sự, chính trị và kinh tế trong một thể chế dân chủ và tiến bộ.
Tất cả những tiên đoán ở trên sẽ diễn tiến một cách thuận lợi tùy theo “THIỆN TÂM” hay “ÁC TÂM” của những nhà lãnh đạo trên thế giới, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là một thế giới tiến bộ. Tổng thống Donald Trump sẽ là người khai sáng một kỷ nguyên mới cho thế giới.
Những tiên đoán của GS Trần Quang Quyến, dựa trên tướng pháp Ngô Hùng Diễn, đã hé mở cánh cửa bí mật để nhìn vào vận mệnh của một con người, một quốc gia, và của nhân loại. Vận mệnh ấy có thể thay đổi khi con người nhận ra rằng “tướng tùy tâm”, như câu thơ bất hủ của Nguyễn Du: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Yêu ông Trump hay ghét ông Trump, không ai có thể chối cãi việc thắng cử của ông ta đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ, và sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt thế giới trong nhiều năm tới. Có những thay đổi sẽ diễn ra, tốt hay xấu, có thể nhìn thấy qua hình tướng, sắc tướng, thanh tướng và thần tướng của ông cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới vào một thời điểm mà bất cứ nơi nào cũng có thể bùng nổ do sự xuẩn động của một vài người nắm quyền.

Sơn Tùng và Bích Hải
Virginia, 14.11.2016

(*): https://www.amazon.com/Tuong-Phap-Hung-Dien-Vietnamese/dp/1537636413/ref=pd_sbs_14_1?_encoding=UTF8&pd_rd_i=1537636413&pd_rd_r=N013PFSY8FF5BK3M978H&pd_rd_w=SMhkI&pd_rd_wg=zmtZ8&psc=1&refRID=N013PFSY8FF5BK3M978H

(**): https://www.amazon.com/PHYSIOGNOMY-Reading-Quyen-Quang-Tran/dp/1537570935/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1479165211&sr=1-1&keywords=physiognomy+the+art+of+reading+people

William Wordsworth (1770 – 1850), Thi Bá của Nước Anh

Phạm Văn Tuấn

william_wordsworth_at_28

William Wordsworth lúc 28 tuổi

William Wordsworth được nhiều học giả coi là thi sĩ lãng mạn quan trọng nhất của nước Anh. Vào năm 1795, Wordsworth đã gặp thi sĩ Samuel Taylor Coleridge, họ cộng tác với nhau trong tập thơ “Lyrical Ballads” (Thơ Ballad Trữ Tình, 1798), đây là tập thơ được coi là khởi đầu cho phong trào Lãng Mạn tại nước Anh và trong tập thơ này, phần lớn các bài thơ là của Wordsworth.

William Wordsworth là Thi Bá (Poet Laureate) của nước Anh từ năm 1843 cho tới khi ông qua đời vào năm 1850.

1/ Thời niên thiếu.

             William Wordsworth sinh ngày 7 tháng 4 năm 1770 trong căn nhà Wordsworth tại Cockermouth, Cumberland, là con trai thứ hai của ông John Wordsworth và bà Ann Cookson. Cumberland là khu vực có nhiều phong cảnh đẹp thuộc miền tây bắc của nước Anh, nơi đây còn được gọi là “Khu Vực Hồ Nước” (the Lake District). Năm sau 1771, ra đời là người em gái Dorothy, cùng rửa tội với William. Dorothy cũng là một nhà thơ. William có một người anh trai tên là Richard là một luật sư, một người em trai tên John sinh sau Dorothy.

Ông John Wordsworth, cha của William, là người đại diện luật pháp của ông James Lowther, Hầu Tước thứ Nhất của miền Lonsdale, nhờ chức vụ này, gia đình ông John đã cư ngụ trong một tòa nhà to lớn trong một tỉnh nhỏ, nhưng ông John thường đi công tác xa nhà, vì vậy tình cảm giữa người cha và các con không được đằm thắm cho tới khi ông John qua đời vào năm 1783, tuy nhiên ông John đã khuyến khích William phải đọc nhiều sách văn thơ, đặc biệt là của các tác giả Shakespeare và John Milton. William còn được phép dùng các sách trong thư viện của cha và cũng có thời gian sinh sống tại Penrith là nơi quê ngoại.

William Wordsworth được mẹ dạy tập đọc, theo học một trường tiểu học tại Cockermouth rồi tại một trường ở Penrith, nơi dành cho các trẻ em của các gia đình quý phái. Chính tại Penrith mà William đã gặp gia đình Hutchinsons, trong đó có cô Mary, sau này là người vợ của William Wordsworth. Sau khi bà mẹ qua đời, ông John gửi con trai theo học trường trung học Hawkshead tại Lancashire (bây giờ là Cumbria).

2/ Thời trưởng thành và sáng tác.

             William Wordsworth bắt đầu là nhà thơ vào năm 1787 khi ông cho phổ biến một bài thơ “sonnet” (thơ 14 câu) trên tờ Tạp Chí Châu Âu (the European Magazine). Cũng vào năm này, William theo học Đại Học St. John, Cambridge, đậu văn bằng Cử Nhân (BA degree) vào năm 1790.

Năm 1790, William Wordsworth đi du lịch khắp châu Âu, thăm miền Núi Alps, tới các nước Pháp, Thụy Sĩ và Ý. Vào tháng 11 năm 1791, Wordsworth tới nước Pháp khi đó đang có cuộc Cách Mạng nên ông rất say mê phong trào Cộng Hòa (the Republican movement). Tại nước Pháp, Wordsworth đã yêu thương một thiếu nữ tên là Annette Vallon, năm 1792 cô này sinh cho ông một bé gái đặt tên là Caroline. Vấn đề tài chính và sự căng thẳng chính trị giữa nước Anh và nước Pháp khiến cho Wordsworth phải trở về nước Anh một mình.

Thời kỳ khủng bố (the Reign of Terror) tại nước Pháp đã làm cho Wordsworth mất niềm tin vào cuộc Cách Mạng Pháp rồi cuộc tranh chấp giữa nước Anh và nước Pháp khiến cho ông không liên lạc được với cô Annette và đứa con gái Caroline

Vào năm 1793, Wordsworth cho xuất bản hai tập thơ có tên là “An Evening Walk” (Cuộc Đi Dạo Buổi Chiều) và “Descriptive Sketches” (Phác Họa). Qua năm 1795, ông nhận được tài sản thừa kế là 900 bảng Anh từ Raisley Calvert nên nhờ vậy, ông có đủ lợi tức để theo đuổi nghề làm thơ.

Tới năm 1795, Wordsworth đã gặp Samuel Taylor Coleridge tại Somerset, cả hai nhà thơ này trở nên đôi bạn thân và cùng nhau phổ biến tập thơ “Lyrical Ballads” (Thơ Ballad Trữ Tình, 1798), đây là một tác phẩm quan trọng trong phong trào Lãng Mạn tại nước Anh. Trong ấn bản lần thứ hai của tập thơ kể trên, Wordsworth cho rằng thơ phú có thể mô tả đời sống thường ngày và nên viết bằng ngôn ngữ bình thường, được thực sự xử dụng bởi mọi người. Ông cũng cho rằng “thơ phú” (poetry) là các hồi tưởng của cảm xúc trong cảnh tĩnh lặng và nhà thơ là một người nói với nhiều người trong cách nhậy cảm của nhà thơ. Wordsworth cũng định nghĩa Thơ Phú bằng lời nói nổi tiếng như sau: “Thơ phú là sự tuôn trào của các cảm giác quá mạnh, có nguồn gốc từ cảm xúc hồi tưởng trong tĩnh lặng“.

Từ năm 1795 tới năm 1797, Wordsworth đã viết ra một vở kịch duy nhất “The Borderers” (Người Dân Biên Giới), đây là thời đại của Vua Henry III của nước Anh khi người Anh xung đột với các kẻ cướp biển Tô Cách Lan.

Vào mùa thu năm 1798, Wordsworth, Dorothy và Coleridge đã cùng nhau đi du lịch qua nước Đức, trong dịp mùa đông của năm này, Wordsworth và Dorothy cư ngụ tại Goslar và Wordsworth băt đầu viết tập thơ “The Prelude” (Thơ Mở Đề). Wordsworth thường được ca ngợi là Thi Sĩ khéo léo mô tả thiên nhiên, riêng trong tập Thơ Mở Đề này, Wordsworth đã nói rằng “tình yêu thiên nhiên dẫn tới tình yêu nhân loại” (the love of nature leads to the love of humanity), và trí tưởng tượng đã tạo nên các giá trị tinh thần ở bên ngoài trí nhớ về các cảnh nhìn và âm thanh trong thiên nhiên. Cũng tại Goslar, Wordsworth đã viết ra nhiều bài thơ danh tiếng, kể cả bài “The Lucy poems” (Các Vần Thơ Lucy).

Qua mùa thu năm 1799, Wordsworth cùng người em gái Dorothy trở về nước Anh, họ thăm viếng gia đình Hutchinsons tại Sockburn, rồi định cư tại Dove Cottage của Grasmere trong Khu Vực Hồ Nước (the Lake District), chính vào dịp này, Wordsworth đã gặp nhà thơ Robert Southey ở gần đó. Bộ ba thi sĩ Wordsworth, Coleridge và Southey trở nên các Nhà Thơ Hồ Nước (the Lake Poets). Cũng chính trong giai đoạn này, thơ phú của Wordsworth xoay quanh các đề tài là sự chết, tính chịu đựng, sự chia ly và nỗi buồn.

Hội Nghị Hòa Bình Amiens đã cho phép Wordsworth đi du lịch qua nước Pháp vào năm 1802 với người em gái Dorothy để viếng thăm cô Annette và cháu gái Caroline tại Calais. Mục đích của cuộc viếng thăm này là để Wordsworth chuẩn bị làm lễ cưới với người vợ là Mary Hutchinson. Sau đó Wordsworth đã viết ra bài thơ sonnet “It is a beauteous evening, calm and free” (Đó là một buổi chiều đẹp, bình yên và tự do), mô tả cuộc đi bộ nơi bờ biển với đứa con gái 9 tuổi.

Vào năm 1802, người thừa kế của gia đình Lowther đã trả cho Wordsworth món nợ cũ là 4,000 bảng Anh, nhờ món tiền này, ông đã lập gia đình với người bạn gái thưở xưa là Mary Hutchinson vào ngày 4 tháng 10 năm 1802, họ có 5 người con.

Tới năm 1805, người em trai John của Wordsworth qua đời vì bị đắm tầu biển, Wordsworth đã đau buồn mà viết ra tập thơ “Elegiac Stanzas Suggested by a Picture of Peele Castle” (Các Vần Thơ bi ai bởi một hình ảnh của lâu đài Peele, 1806). Tập thơ này đánh dấu cuối giai đoạn sáng tác trẻ trung của tác giả. Có vẻ như Nhà Thơ này đã từ bỏ các niềm tin lạc quan thuở trước mà đã được tác giả xác nhận trong bài thơ ‘Tintern Abbey” với ý nghĩa rằng “Tạo Hóa không bao giờ phản bội trái tim đã yêu thương Tạo Hóa”.

Qua năm 1807, Wordsworth cho xuất bản tập thơ danh tiếng nhất trong nền Văn Chương Anh: “Ode: Intimations of Immortality” (Thơ Ca Ngợi: Các Thân Tình của sự Bất Tử). Trong tập thơ này, tác giả ca ngợi thời niên thiếu và thúc dục mọi người nên dùng trực giác (intuition).

Wordsworth dọn gia đình tới Núi Rydal, Ambleside, vào năm 1813 cùng với Dorothy rồi tại nơi này, ông sinh sống cho tới cuối đời. Wordsworth cho phổ biến tập thơ “The Excursion” (Cuộc Dạo Chơi) như là phần thứ hai của tập thơ 3 phần có tên là “The Recluse” (Người Ẩn Dật).

Vào năm 1838, Wordsworth được trao tặng danh hiệu Tiến Sĩ Danh Dự (an honorary doctorate in Civil Law) của trường Đại Học Durham rồi năm sau, cũng danh dự này của trường Đại Học Oxford. Tới năm 1842, chính quyền Anh đã tặng cho Nhà Thơ William Wordsworth món tiền hưu 300 bảng Anh mỗi năm. Qua năm 1843, Wordsworth trở nên Thi Bá (Poet Laureate) của nước Anh.

William Wordsworth qua đời vào ngày 23 tháng 4 năm 1850 tại nhà riêng khi ông cư ngụ tại Núi Rydal, vì chứng viêm màng phổi (pleurisy) và được chôn cất trong nghĩa trang của Nhà Thờ St. Oswald, Grasmere.

William Wordsworth đã sáng tác  ra các vần thơ hay nhất vào thời kỳ trước năm 1807. Qua các tập thơ, ông đã thảo luận về đức tính, giáo dục và niềm tin tôn giáo. Các tác phẩm thơ xuất sắc nhất của William Wordsworth gồm có: “Lyrical Ballads” (Thơ Ballad Trữ Tình), “The Excursion” (Cuộc Dạo Chơi), “The Prelude” (Thơ Mở Đề) và “The Daffodils” (Hoa Thủy Tiên) với câu thơ “I wandered Lonely as a Cloud” (Tôi đi lang thang cô độc như một Đám Mây).

Tổng cộng các bài thơ Sonnet của William Wordsworth là 523 bài, số lượng này khiến cho nhiều học giả so sánh ông với William Shakespeare và John Milton./.

daffodils-wallpaper-5

3/ Bài Thơ The Daffodils (Hoa Thủy Tiên) của William Wordsworth.

A/ Phần tiếng Anh.

The DAFFODILS

I wandered lonely as a cloud

That floats on high o’er vales and hills,

When all at once I saw a crowd, –

A host, of golden daffodils

Beside the lake, beneath the trees,

Fluttering and dancing in the breeze.

Continuous as the stars that shine

And twinkle on the Milky Way,

They stretched in never-ending line

Along the margin of a bay:

Ten thousand saw I, at a glance,

Tossing their heads in sprightly dance.

The waves beside them danced, but they

Outdid the sparkling waves in glee;

A poet could not but be gay

 In such a jocund company;

I gazed – and gazed – but little thought

What wealth the show to me had brought.

For oft, when on my couch I lie,

In vacant or in pensive mood,

They flash upon that inward eye

Which is the bliss of solitude;

And then my heart with pleasure fills,

And dances with the daffodils.

WILLIAM WORDSWORTH (1770-1850)

B/ Phần Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao

HOA THỦY TIÊN

Lang thang như mây trời cô độc

Bồng bềnh qua lũng thấp đồi xa,

Chợt đâu ta thấy thảm hoa

Thủy tiên đồng nội thướt tha óng vàng

Bên hồ vắng dưới hàng cây mát

Theo gió ngàn phơ phất múa chào.

Hoa tươi giăng tựa ngàn sao

Long lanh chiếu sáng đường vào Sông Ngân,

Hoa trải thảm xa gần phô sắc

Dọc theo bờ xanh ngắt vịnh bên:

Muôn hoa rực rỡ một miền

Đùa vui lả ngọn trao duyên, kết tình.

Dù bờ vịnh lung linh sóng nước

Nào đẹp hơn tha thướt dáng hoa;

Nhà thơ thi hứng chan hòa,

Cùng hoa tấu khúc hoan ca tuyệt vời;

Ta mải ngắm lộc trời vui thú

Cảnh thiên nhiên lúc đó như mơ.

Sau này ngồi tựa án thư,

Thả hồn hoang vắng, trầm tư cõi lòng,

Đồng hoa cũ về trong ký ức

Nỗi đơn côi hạnh phúc thăng hoa;

Niềm vui rộn rã bao la,

Thủy tiên khiêu vũ cùng ta dập dìu.

TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO chuyển ngữ.

C/ Phần Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Hà Bỉnh Trung.

HOA THỦY TIÊN

Tôi bước một mình như đám mây

Vượt ghềnh vượt núi nhẹ cao bay,

Bỗng nhiên tôi thấy bên hồ biếc

Đám thủy tiên vàng, dưới khóm cây.

Hằng hà sa số là hoa đẹp

Nhẩy múa rung rinh đón gió qua

Bát ngát như sao bừng sáng tỏ

Thi nhau lấp lánh giải Ngân Hà.

Miên man vô tận hoa khoe sắc

Rải rác đầy bên vũng nước dài:

Tôi thấy muôn ngàn hoa thắm ngát

Ngả nghiêng đầu sẽ múa vui chơi.

Sóng nước, bên hoa, cùng múa hát,

Nhưng hoa hơn sóng, lúc âu ca:

Thi nhân chỉ thấy lòng vui vẻ

Trước cảnh tưng bừng sóng rỡn hoa!

Tôi trông ngơ ngẩn, thầm suy nghĩ

Cảnh đẹp làm tôi sướng tuyệt vời;

Từ đấy, nằm dài trên ghế nghỉ

Luôn luôn hoài tưởng, nghĩ xa xôi.

Hoa lại sáng ngời trong khóe mắt

Cho tôi hạnh phúc lúc cô miên;

Lòng tôi phấn khởi, đời vui vẻ,

Nhảy múa vui cùng đám thủy tiên.

HÀ BỈNH TRUNG chuyển ngữ

D/ Phần Thơ Chuyển Ngữ của Nhà Thơ Nguyễn Thị Ngọc Dung

HOA THỦY TIÊN
 
Lang thang như  áng mây trôi
Xưa qua thung lũng lên đồi dốc cao
Bàng hoàng chợt thấy lao xao
Thủy tiên vàng thắm đón chào khách du
Bên hồ bóng lá xanh mơ
Dập dìu khiêu vũ say sưa gió đàn.
 
Như sao chiếu sáng Ngân giang
Long lanh muôn cánh hoa vàng trinh nguyên
Bao la thảm dệt thủy tiên
Trải thêu bờ vịnh bình yên chân trời
Ngàn hoa lóng lánh tuyệt vời
Tưởng chừng luân vũ với người yêu thương
 
Rập rờn bên sóng đại dương
Thủy tiên ca múa nghê thường mừng xuân
Ngất ngây lãng đãng thi nhân
Ngỡ đâu hội ngộ tri âm bao giờ
Miên man dạo chốn mộng mơ
Rạt rào ý hứng vần thơ trữ tình.
 
Nệm dài thường vẫn ngả mình
Với niềm hoang vắng lung linh cõi lòng
Hoa vương ánh mắt bên song
Cô đơn hạnh phúc tìm trong thú buồn
Phiêu diêu đầy ắp tâm hồn
Bềnh bồng lạc giữa cánh đồng Thủy Tiên.
 
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG chuyển ngữ

Phạm Văn Tuấn biên khảo./.

 

Chờ Nắng

Cao Nguyên

caonguyen-cho-nang

vùng trời Bắc Mỹ mùa tàn thu 
gió cuộn mây bay sương tỏa mù 
cánh cửa vườn xưa vàng lá khép 
ngã bóng thơ buồn lên áng thư
 
còn chút nắng hanh vờn bước nhẹ
cũng chạnh lòng em gợi thắm tươi
xin trời muộn trút dòng băng tuyết
cho bướm hoa còn rong nắng chơi!
 
*
người lính già về thăm cổ mộ
gọi thằng bạn thuở máu hồng khơi
nhâm nhi bữa rượu còn dang dở
từ vội xa miền châu thổ tôi
 
đời vẫn thênh thang sầu viễn mộng
cổ lai truyền thuyết kỷ nhân hồi
tiếc nỗi lòng mình không đủ rộng
chứa cả thiên thu tiếng gọi người!
 
*
mây bạc ngàn bay guồng gió buốt
buộc trời Đông Bắc lạnh lòng se
chờ mai mùa nắng hồng tha thướt
ta trải thơ lên cánh phượng hè
 
để nghe lại tiếng ve ngày trước
còn rộn lời vui sau lũy tre
mừng em thả cánh diều bay lướt
vút thẳng lên trời xanh thắm quê!
 
*
chờ nhé bạn ơi, chờ nhé em
rồi thơ và nắng sẽ hồng lên
ta về cổ mộ thay hoa mới
và ghé em mời hương rượu quen!

Cao Nguyên

Ảo Ảnh

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

seagull

Ngày xưa, ngày xửa, ngày xưa

Có hoàng tử nọ khi vừa sinh ra

Tin lành tràn ngập quốc gia

Vua, hoàng hậu với muôn nhà mừng vui,

Rồi hoàng hậu sớm qua đời

Tiếc thay mẹ kế là người xấu xa

Muốn giành ngôi cho con bà

Âm mưu giết hại thật là bất lương

Sai người tâm phúc tìm đường

Đưa hoàng tử nhỏ vào rừng giết đi.

May thay kẻ đó từ bi

Nào đâu nỡ giết trẻ kia bao giờ

Gặp người săn bắn bất ngờ

Vội giao hoàng tử cậy nhờ trông coi,

Thợ săn sống ở ven đồi

Bên triền núi thẳm xa nơi kinh thành.

Cậu hoàng tử lớn lên nhanh

Vô tư như một cây xanh giữa trời

Đùa cùng nắng gió trùng khơi

Hoàn toàn đâu biết về đời xa xưa

Cội nguồn vương giả con vua,

Cậu vui ngày tháng êm ru dòng đời.

*

Một ngày hoàng tử lớn rồi

Tấm thân cường tráng, vóc người nở nang

Sống thong dong dưới nắng vàng

Như là thú giữa rừng hoang an lành

Như tùng vươn ngọn trời xanh

Trầm luân cuộc sống kinh thành nào hay.

Thế rồi bỗng có một ngày

Chàng theo bác thợ săn này về kinh

Nơi chàng thuở trước mới sinh

Dân bày hương án linh đình mừng vui.

Chàng trai kinh ngạc ngây người

Thấy dân phố thị khắp nơi dập dìu

Xa hoa, lộng lẫy đủ điều

Đắm chìm trong cuộc chơi nhiều tang thương

Trò đời cười khóc trăm đường

Thật là ấu trĩ, điên cuồng lắm thay!

Chàng trai nhàm chán nơi này

Rong chơi hai tháng hôm nay trở về

Theo chân bác thợ săn kia

Bụi nơi đô hội chẳng hề vương mang.

Rừng hoang vẫy gọi rộn ràng

Thầy trò rảo bước thênh thang lối về

Dừng chân nghỉ mệt bên khe

Vốc tay nước suối cận kề giải lao

Chợt nghe lối cỏ lao xao

Chàng trai ngẩng mặt xiết bao sững sờ

Mỹ nhân xuất hiện bất ngờ

Khiến chàng kinh ngạc ngẩn ngơ cõi lòng.

Cô nàng xinh đẹp vô cùng

Khuôn trăng tươi tắn, hình dung mỹ miều

Núi rừng chợt ngát hương yêu

Trong tim chàng khúc tình reo tuyệt vời

Tiếng lòng bùng dậy chơi vơi

Sau cơn mê mệt ngủ vùi ngàn năm

Thần tình ái đã ghé thăm

Mũi tên định mệnh đã găm tim người.

Thợ săn già cả lõi đời

Thấy niềm xao xuyến nơi người thanh niên

Ông bồi hồi nhớ lại liền

Cuộc đời trai trẻ cuồng điên của mình

Và ông bất giác rùng mình

Âu lo cho kẻ ái tình vương mang,

Cánh chim vương giả đại bàng

Đến thời sắp sửa ra ràng rồi đây

Hoang vu hốc đá hẹp này

Đại bàng dang cánh tung bay dễ nào,

Lòng ông đau xót biết bao

Biển tình sóng gió thét gào gian truân

Đời trai hăm hở dấn thân

Mai này bại liệt vô ngần thương đau.

Cho nên chỉ ít lâu sau

Khi chàng trai trẻ cúi đầu khẽ thưa

Xin rời rừng núi âm u

Thời ông im lặng thầm lo vô cùng.

*

Sau khi từ biệt núi rừng

Đại bàng tung cánh vào vùng trời xanh

Cô nàng bên suối đẹp xinh

Khiến chàng thức giấc an bình thuở nao

Nàng xinh đẹp nên tự hào,

Chàng trai quỳ gối biết bao nhiêu lần

Xin làm nô lệ hiến thân

Tiếc thay nàng vẫn muôn phần thờ ơ

Lạnh lùng chẳng ghé mắt qua

Chàng đâu sánh gót kiêu xa của nàng.

Song thân cô lại nhìn chàng

Thấy ra sức mạnh tiềm tàng thân trai

Cho nên chấp thuận tạm thời

Khiến chàng có dịp tới lui cận kề

Lấy lòng họ đủ mọi bề

Phá rừng, vỡ núi chẳng hề quản công

Quẩn quanh để thấy bóng hồng

Lao đầu bể khổ lòng không sóng sầu.

Thật thà, vụng dại từ lâu

Tâm hồn chất phác có đâu muộn phiền.

*

Một ngày rộn rã khắp miền

Kèn vang rừng núi, vua hiền đi săn

Tới vùng đất hứa dừng chân

Có cô gái đẹp tuyệt trần dễ thương,

Nàng tìm đến vị quân vương

Quyền uy, trai trẻ nàng thường ước mơ

Thuyền tình vừa ghé tới bờ

Vừa reo vang khúc đường tơ tuyệt vời

Tên thù đã phóng tới nơi

Quân vương ngã gục, hết đời xuân xanh

Ai ngờ chàng trẻ thất tình

Cung tên thiện xạ tài danh lâu rồi

Trong khi tuyệt vọng lứa đôi

Phóng tên cuồng nộ cho vơi hận lòng.

Đoàn săn nhốn nháo hãi hùng

Đua nhau đuổi bắt truy lùng kẻ gian

Chàng trai chạy trốn băng ngàn

Tâm hồn điên loạn hoang mang rối bời

Khi kiệt sức, lúc hết hơi

Gục bên bờ suối thân người mê man

Chập chờn hình bóng mỹ nhân

Như là một mũi tên găm ngực chàng.

Thương thay cho cánh đại bàng

Mới tung bay giữa thênh thang ít ngày

Dường như gục chết nơi này

Mộng đời theo cánh mây bay cuối trời.

*

Khi chàng tỉnh dậy, bồi hồi

Nào hay mình hiện ở nơi chốn nào

Tỉnh hay đang giấc chiêm bao

Thực hay là mộng mà sao lạ lùng,

Đệm rơm êm ấm dưới lưng

Nhìn qua bục đá sư đương ngồi thiền

Mặt sư thoáng nụ cười hiền

Đôi mày bạc trắng, da tiên hồng hào.

Cạnh bên chàng thấy vui sao

Rổ khoai chín luộc, ngại đâu đói lòng

Mãi hôm sau lúc hoàng hôn

Thiền sư xuất định mặt còn nét tươi

Sư nhìn chàng khẽ mỉm cười

Nửa như an ủi, nửa thời tiếc thương

Chàng bèn dâng nước cho ông

Như là chú tiểu mới trong cửa thiền

Hai thầy trò đều lặng yên

Dám đâu nói trước trò bèn chờ trông.

Sau khi vừa uống nước xong

Thầy thiền trở lại chứ không nói gì

Mặt thầy an lạc kể chi

Chàng trai cảm thấy những gì đớn đau

Những gì mình gánh muộn sầu

Chỉ như trò trẻ từ lâu trong đời

Từ hồi thơ ấu xa xôi

Đùa cùng trẻ nít, đến hồi lớn khôn

Đuổi theo người đẹp điên cuồng

Trò chơi chưa hết! Hãy còn hăng say

Giờ đây thân liệt chốn này

Chẳng còn sức sống! Bó tay mất rồi!

Còn sư an tịnh tuyệt vời

Chốn đây phẳng lặng như nơi mặt hồ

Phải chăng thầy lắng tâm tư

Cuộc chơi nhân thế giã từ đã lâu.

Bảy ngày ròng rã qua mau

Ngoài giờ tĩnh tọa sư đâu nói gì

Lặng im như tảng đá kia

Chàng không chịu nổi nên chi đợi chờ

Một ngày sư xả thiền ra

Chàng bèn kể lể gần xa chuyện mình

Sư nghe nhưng vẫn lặng thinh

Đến khi chàng hỏi tâm tình một câu

Sư bình thản khẽ lắc đầu

Trả lời: “Ảo ảnh!”. Sư đâu nói nhiều.

Chàng thất vọng biết bao nhiêu

Hỏi thêm gằn giọng: “Mọi điều giả sao

Thưa thầy ảo ảnh chỗ nào?”

Sư cầm bình nước vội trao cho chàng

Mỉm cười, khẽ nói nhẹ nhàng:

“Hiện ta đang khát nói năng chẳng nhiều

Có dòng suối mát chân đèo

Bình đây con hãy mang theo múc về!”

*

Chàng ôm bình vội ra đi

Khom người múc nước, đến khi ngẩng đầu

Tim chàng rộn rã đập mau

Bên kia bờ suối ai đâu đang chờ

Chao ơi người cũ trong mơ

Mỹ nhân đứng đó bất ngờ lắm thay!

Thấy chàng nàng chạy qua ngay

Ôm hôn khóc lóc tràn đầy xót xa

Lòng chàng trai chợt mềm ra

Hận tình xưa cũ nhạt nhòa trôi đi.

Rồi thêm bao chuyện ly kỳ

Hệt như cổ tích lâm ly tuyệt vời:

“Này là tin tức tới nơi

Kinh thành vua đã qua đời mới đây,

Người ta tiết lộ thêm ngay

Rằng chàng hoàng tử của ngày xa xưa

Vẫn còn sống! Thật bất ngờ!

Quần thần náo nức đón chờ tân vương,

Đón chàng về ngự ngai vàng

Quả là tốt đẹp huy hoàng biết bao,

Này ngôi hoàng hậu tối cao

Trao cho người đẹp ai nào xứng hơn,

Họ sinh ra những đứa con

Đẹp xinh, kháu khỉnh, tinh khôn, hiền lành.

Mười lăm năm thoáng trôi nhanh

Nước nhà có giặc, kinh thành lâm nguy

Chàng làm vua bị bắt đi

Giặc giam ngục đá còn chi ngai vàng,

Bầy con nằm chết thảm thương

Mỹ nhân hoàng hậu điên cuồng khóc la…

Tim chàng như nứt rạn ra

Rã rời từng mảnh xót xa vô vàn

Chao ơi số mệnh bạo tàn

Đè lên nặng trĩu nát tan tim chàng

Sa ngục tối, mất ngai vàng

Tóc phai bạc trắng, thân tàn già nua

Đời người sao mãi ganh đua

Cuộc chơi trần thế được thua, mất còn…”

Đang khi chua xót tâm hồn

Nửa mê, nửa tỉnh giữa cơn mơ màng

Chàng nghe thoảng vọng âm vang

Tiếng thiền sư nói nhẹ nhàng bên tai:

“Nước thời múc một bình thôi

Mà đi đến cả giờ rồi chưa xong

Tại sao lâu vậy hả con?”

Chàng trai choàng tỉnh, hoàn hồn nhìn quanh

Thấy thầy đang đứng cạnh mình

Còn mình đang đứng ôm bình nước không

Bên bờ suối chảy xuôi dòng

Tóc còn xanh mướt xoã trong gió rừng.

Thiền sư khẽ nói ung dung:

“Thế là ảo ảnh, vô thường đó con!”

Chàng trai sống mãi trên non

Kể từ ngày đó chẳng còn về kinh

Chẳng rời rừng núi an bình

Nên không ai rõ sự tình về sau

Đời chàng ẩn dật nơi đâu

Qua đời lặng lẽ khi nào chẳng hay!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(thi hóa phỏng theo Truyện Cổ Phật Giáo)

Alphonse de Lamartine (1790 – 1869) – Thi Sĩ Lừng Danh của Nước Pháp.

Phạm Văn Tuấn

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Alphonse Marie Louis de Prat de Lamartine (21/10/1790 – 28/2/1869) là nhà văn, nhà thơ và nhà chính trị của nước Pháp, ông là nhân vật giúp công vào nền Đệ Nhị Cộng Hòa (the Second Republic) và vào công tác bênh vực lá cờ Ba Màu (the Tricolor), tức là Quốc Kỳ của nước Pháp.

            Tập thơ trữ tình của Lamartine với tên là “Suy Tưởng Thơ Phú” (Meditations Poetiques, 1820) đã khiến cho ông trở nên một trong các thi nhân quan trọng trong Phong Trào Lãng Mạn (the Romantic Movement) của nền Văn Chương Pháp.

1/ Tiểu Sử của Lamartine.

            Alphonse de Lamartine sinh ra đời tại Macon, Burgundy vào ngày 21 tháng 10 năm 1790, trong một gia đình quý tộc Pháp, ông đã trải qua thời kỳ niên thiếu nơi trang trại của gia đình. Cha của Alphonse de Lamartine là một nhà quý phái, đã bị giam cầm vào thời đại khủng bố của cuộc Cách Mạng Pháp đang lên cao, nhưng rất may là ông Lamartine cha đã không bị đưa lên máy chém.

            Alphonse được giáo dục tại trường trung học Belley, giảng dạy do các Cha Dòng Tên (the Jesuits) dù cho vào thời gian này, các tu sĩ tại nước Pháp đều bị áp bức. Alphonse de Lamartine muốn phục vụ trong quân đội hay trong ngành ngoại giao nhưng vào thời bấy giờ, nước Pháp do Hoàng Đế Napoleon cai trị trong khi cha mẹ của ông lại là những người trung thành với chế độ Bảo Hoàng, vì vậy Lamartine đã không được chấp nhận vào các công vụ.

            Vào năm 1814, khi chế độ quân chủ Bourbon được phục hồi, Lamartine phục vụ trong đội cận vệ của Vua Louis 13. Vào năm sau khi Hoàng Đế Napoleon trở lại chính trường của nước Pháp sau khi đã bị đi đầy tại đảo Elbe, Lamartine di chuyển sang Thụy Sĩ. Sau khi Hoàng Đế Napoleon bị thua Trận Waterloo và triều đại Bourbon được phục hồi lần thứ hai, Lamartine bỏ nghề quân sự.

            Do bị hấp dẫn bởi thú văn thơ, Alphonse de Lamartine đã viết ra vài bài thơ bi ai và các bi kịch bằng thơ. Trước kia vào đầu năm 1812, Lamartine đã yêu say đắm một thiếu nữ lao động trẻ tên là Antoniella, tới năm 1815, ông được biết tin cô gái này đã qua đời nên sau này ông đã viết ra cuốn truyện “Graziella” với các giai thoại về cô gái kể trên.

            Khi sức khỏe bị yếu đi, Lamartine đã tới Aix-les-Bains là một nơi nghỉ mát có suối nước khoáng và đã gặp rồi say mê một người đẹp nhưng đang bị bệnh nặng tên là Julie Charles. Do cô Julie có quen biết nhiều nhân vật quyền thế tại thành phố Paris, cô Julie đã giúp Lamartine xin được một chức vụ trong công quyền. Lamartine đã làm nhiều bài thơ để tặng cô Julie, đặc biệt là bài thơ “Le Lac” (The Lake – Hồ Nước) qua đó nhà thơ hồi tưởng mối tình nồng ấm của đôi cặp tình nhân. Tới khi cô Julie qua đời vào tháng 12 năm 1817, Lamartine đã làm nhiều bài thơ tưởng nhớ Cô này, đáng kể là bài thơ “Le Cruxifx” (Thánh Giá). Lamartine đã trở nên một bậc thầy trong các thể thơ của Văn Chương Pháp.

            Vào năm 1820, Lamartine kết hôn với cô Maria Ann Birch, một người đàn bà trẻ gốc Anh. Cũng vào năm này, ông cho xuất bản tập thơ đầu tiên có tên là “Meditations Poetiques” (Suy Tưởng Thơ Phú), đồng thời ông cũng tham gia vào Ngoại Giao Đoàn, làm thư ký cho Tòa Đại Sứ Pháp tại Naples.

            Tập thơ “Suy Tưởng” ngay lập tức đã thành công bởi vì âm điệu lãng mạn và cảm xúc chân thành của các lời thơ. Tập thơ này đã mang lại cho nền Thơ Phú của nước Pháp một nét nhạc mới với các chủ đề thân mật và có tính cách tôn giáo. Tính ngân vang của các câu thơ, sức mạnh của nhịp thơ và sự đam mê vì cuộc sống đã tương phản với lối thơ của thế kỷ 18 trước đây.

            Tập thơ “Suy Tưởng” này đã thành công tới độ nhà thơ Lamartine đã khai triển trong hai năm về sau bằng hai tập thơ “Nouvelles Meditations Poetiques” (Suy Tưởng Thơ Phú Mới) và “Mort de Socrates” (Socrates qua đời). Trong hai tập thơ này có thêm phần siêu hình (metaphysics). Tập thơ “Le dernier chant du pelerinage d’Harold” (Câu hát cuối cùng của người hành hương Harold) xuất bản vào năm 1825, đã diễn tả được sự duyên dáng mà sau này Byron đã mô tả theo phong cách tương tự.

            Alphonse de Lamartine được phong tước Hiệp Sĩ (Chevalier of the Legion of Honour) vào năm 1825 rồi làm việc trong Tòa Đại Sứ Pháp tại nước Ý từ năm 1825 tới năm 1828. Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp (the French Academy) vào năm 1829 rồi năm sau, ông cho phổ biến hai tập thơ “Harmonies Poetiques et Religieuses” (Hòa Điệu Thơ Phú và Tôn Giáo) trong đó có các lời ca ngợi Thiên Chúa (alleluia) một cách nhiệt tình.

            Cũng vào năm 1830 khi ông Louis Philippe lên làm Vua theo nền Quân Chủ Lập Hiến sau cuộc Cách Mạng Tháng 7 (the July Revolution), Lamartine đã từ bỏ ngành ngoại giao để tham gia vào chính trị, tuy nhiên ông từ chối liên hệ vào chế độ quân chủ để có thể duy trì tính cách độc lập của mình. Lamartine bắt đầu chú ý tới các vấn đề xã hội. Sau hai lần tranh cử không thành công, Lamartine đã được bầu làm Dân Biểu vào năm 1833. Dù vậy, ông vẫn còn làm thơ. Tập thơ “Les Visions” (Các Tầm Nhìn) đã được ông suy ngẫm từ năm 1821, nay được ông coi là một thiên anh hùng ca của tâm hồn (an epic of the soul). Chủ đề của tập thơ này là về một thiên thần bị đuổi ra khỏi Thiên Đường vì đã chọn yêu thương một phụ nữ và thiên thần này đã bị kết tội tái sinh nhiều lần cho đến khi nào thiên thần đó “yêu thích Thượng Đế hơn”.

            Từ năm 1832-33, Lamartine du lịch qua các xứ Lebanon, Syria và Đất Thánh (the Holy Land). Trong chuyến du lịch này và khi đang lưu tại Beirut, vào ngày 7/12/1832, Lamartine được tin người con gái duy nhất của ông tên là Julia đã qua đời.    Trong chuyến du lịch tới xứ Lebanon, Lamartine đã gặp Hoàng Tử Bashir Shihab II và Hoàng Tử Simon Karam, là hai người đam mê thơ văn. Một thung lũng của miền Lebanon ngày nay còn được gọi bằng tên “Thung Lũng Lamartine” (the Valley of Lamartine) để kỷ niệm cuộc thăm viếng này và trong rừng cây bách hương (cedar) tại Lebanon, có một cây to lớn mang danh “cây Bách Hương Lamartine” (the Lamartine Cedar) bởi vì gần 200 năm về trước, Lamartine đã ngồi làm thơ dưới gốc cây bách hương này.

            Năm 1835, Lamartine cho phổ biến cuốn sách “Voyage en Orient” (Du Lịch tới miền Trung Đông), kể lại cuộc hành trình sang trọng nhưng cũng từ nay, ông mất đi niềm tin vào Thiên Chúa.

            Vào năm 1836, Lamartine đã viết ra cuốn truyện “Jocelyn”. Đây là câu chuyện của một thanh niên trẻ trước kia đã muốn đi theo đời sống tôn giáo, nhưng đã bị cuộc Cách Mạng Pháp đuổi ra khỏi tu viện. Anh chàng này đam mê một thiếu nữ trẻ nhưng vì nhớ lại mệnh lệnh của vị giám mục già sắp qua đời, anh ta đã từ chối tình yêu để trở nên một “người con của Thiên Chúa” (a man of God), chỉ biết hy sinh đời sống của mình cho công việc phục vụ các đồng loại. Tới năm 1838, Lamartine cho phổ biến phần đầu của một tập thơ siêu hình dài với tên là “La chute d’un Ange” (the Fall of an Angel = Sự sa ngã của một Thiên Thần).

                        Sau khi tập thơ tên là “Recueillements Poetiques” (Poetic Meditation = Tuyển Tập Thơ Phú), Lamartine không còn quan tâm tới văn thơ nữa mà quay sang hoạt động chính trị một cách tích cực. Ông tin rằng các vấn đề xã hội mà ông gọi là “các câu hỏi của giai cấp vô sản” (the questions of the proletariat) phải là vấn đề chính của thời đại. Lamartine thương xót các hoàn cảnh của các công nhân, ông chối bỏ các niềm tin vào chính quyền rồi trong hai bài diễn văn vào các năm 1838 và 1846, ông cho rằng cuộc cách mạng của giới lao động sẽ không tránh khỏi.

            Vào năm 1847, Lamartine cho xuất bản cuốn sách “Histoire de Girondins” (Lịch Sử của các Nhà Cách Mạng Girondists), đây là cuốn lịch sử của đảng Girondin ôn hòa và sau cuộc Cách Mạng Pháp. Cuốn sách này đã khiến cho nhiều người biết tới danh tiếng của Lamartine, nhất là các đảng phái phe tả.

            Sau cuộc Cách Mạng xẩy ra vào ngày 24/2/1848, nền Cộng Hòa Thứ Hai (the Second Republic) được công bố tại thành phố Paris và Lamartine đã là Bộ Trưởng Ngoại Giao từ ngày 24/2/1848 tới ngày 11/5/1848. Vì cao tuổi, ông Jacques Charles Dupont de l’Eure, Chủ Tịch của Chính Phủ Lâm Thời đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của ông ta cho Lamartine. Lamartine cũng ở trong Ủy Ban Hành Pháp (the Executive Commission), đây là Bộ Chỉ Huy của nước Pháp. Lamartine cũng được ủy nhiệm việc công bố Nền Cộng Hòa trên bao lơn của Tòa Thị Chính của thành phố Paris và duy trì việc dùng lá cờ Ba Màu (the Tricolor) là Quốc Kỳ của nước Pháp. Lamartine đã nói như sau: “Đây là lá cờ của nước Pháp, lá cờ của các đạo quân chiến thắng, của vinh quang của chúng ta. Nước Pháp và lá cờ Ba Màu có chung một ý tưởng, cùng một uy tín và ngay cả nỗi sợ hãi nếu cần dành cho kẻ thù của chúng ta. Hãy cứu xét xem phải mất bao nhiêu máu đào để tạo nên một lá cờ khác… Lá cớ Ba Màu đã đi vòng quanh thế giới với nền Cộng Hòa và Đế Quốc, với sự tự do và vinh quang của quý vị…

            Trong cuộc Cách Mạng năm 1848, giai cấp tư hữu đã không chấp nhận giai cấp lao động có quyền sở hữu vũ khí để bảo vệ chính họ. Vào tháng 4/1848, Lamartine được bầu vào Quốc Hội Pháp. Những người tư sản thuộc đảng phái phe hữu cho rằng họ bầu Lamartine vô chính quyền để làm hòa giải với giai cấp vô sản trong khi lực lượng quân sự có thể duy trì được trật tự. Nhưng giới tư sản đã nổi giận khi thấy Lamartine công bố rằng ông là người phát ngôn của giới lao động. Vào ngày 24/6/1848, Lamartine bị đẩy ra khỏi chính quyền và cuộc nổi dậy của giới vô sản bị đàn áp.

            Lamartine trở nên 60 tuổi vào năm 1850 và đi vào cảnh hoàng hôn của cuộc đời với các món nợ lớn, không phải vì ông là người tiêu xải phung phí mà vì ông đã cho các người em gái của ông các món tiền để hoàn bù vào tổng số tài sản mà ông đã thừa hưởng của gia đình do ông là người con trai duy nhất.

            Trong 20 năm trường, Lamartine đã phấn đấu một cách tuyệt vọng đối với cảnh phá sản, ông đã cho xuất bản nhiều cuốn sách viết về nhiều đề tài: lịch sử, phê bình, tâm sự cá nhân (personal confidences), đàm thoại văn chương (literary conversations)…

            Lamartine cũng cho phổ biến tạp chí xuất bản định kỳ tên là “Cours Familiers de Litterature” (Tạp Chí Văn Chương) (1856-1869) trong đó đã xuất hiện các bài thơ của ông như “La vigne et la maison” (Cây nho và căn nhà), “Le Desert” ( Sa Mạc)…

            Alphonse de Lamartine qua đời vào ngày 28/2/1869 tại thành phố Paris, thọ 78 tuổi. Nhà Thơ người Pháp Frederic Mistral, đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 1904, đã nổi tiếng nhờ các lời ca ngợi Lamartine và nhờ thi phẩm dài tên là Mireio.

            Alphonse de Lamartine được coi là Nhà Thơ lãng mạn đầu tiên của nước Pháp, được nhà thơ Paul Verlaine đề cao và ông đã gây ảnh hưởng tới các nhà văn, nhà thơ biểu tượng (the Symbolists).

2/ Bài Thơ danh tiếng “Cô Đơn” của Lamartine.

                   L’ I S O L E M E N T

         Souvent sur la montagne, à l’ombre du vieux chêne,

         Au coucher du soleil, tristement je m’assieds ;

         Je promène au hasard mes regards sur la plaine,

         Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds.

         Ici gronde le fleuve aux vagues écumantes,

         Il serpente et s’enfonce en un lointain obscur ;

         Là, le lac immobile étend ses eaux dormantes

         Où l’étoile du soir se lève dans l’azur.

         Au sommet de ces monts couronnés de bois sombres,

         Le crépuscule encor jette un dernier rayon ;

         Et le char vaporeux de la reine des ombres,

         Monte, et blanchit déjà les bords de l’horizon.

         Cependant, s’élancant de la flèche gothique

         Un son religieux se répand dans les airs ;

         Le voyageur s’arrête,et la cloche rustique

         Aux derniers bruits du jour mêle de saints concerts.

         Mais à ces doux tableaux mon âme indifférente

         N’éprouve devant eux ni charme, transports ;

         Je contemple la terre ainsi qu’une âme errante ;

         Le soleil des vivants n’échauffe plus les morts.

         De colline en colline en vain portant ma vue,

         Du Sud à l’aquillon, de l’aurore au couchant,

         Je parcours tous les points de l’immense étendue ;

         Et je dis: Nulle part le bonheur ne m’attend…

         Mais peut-être au delà des bornes de sa sphère,

         Lieu où le vrai soleil éclaire d’autres cieux,

         Si je pouvais laisser ma dépoulle à la terre,

         Ce que j’ai tant rêvé paraitrait à mes yeux.

         Là, je m’enivrerais à la source où j’aspire :

         Là, je retrouverais et l’espoir et l’amour,

         Et ce bien idéal que toute âme désire,

         Et qui n’a pas de nom au terrestre séjour.

         Que ne puis-je porter sur le char de l’aurore,

         Vague objet de mes voeux, m’élancer jusqu’à toi.

         Sur la terre d’exil pourquoi resté-je encore ?

         Il n’est rien de commun entre la terre et moi.

         Quand la feuille des bois tombe dans la prairie,

         Le vent du soir s’élève et l’arrache aux vallons

         Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie :

         Emportez-moi comme elle, orageux aquilons !

                                   Alphonse de Lamartine

                  C Ô  Đ Ơ N

(chuyển ngữ do Nhà Thơ Hoàng Song Liêm).

      Tôi thường ngồi lặng khi chiều xuống,

      Trên đỉnh non cao, dưới bóng sồi ;

      Mắt vẩn vơ nhìn đồng bát ngát,

      Cảnh đồng biến hiện dưới chân tôi.

      Đây sông gầm sóng, xô bàng bạc,

      Uốn lượn chìm trong bóng tối xa:

      Kia, hồ tĩnh mịch nằm êm ả

      Một ánh sao chiều đáy nước sa.

      Rừng nhỏ âm u vòng chóp núi,

      Hoàng hôn gieo nhẹ nắng sau cùng;

      Chị Nguyệt như xe êm nhẹ lướt

      Đỉnh trời tuôn bạc giải mênh mông.

      Rồi tự góc nhà thờ chót vót

      Thu âm đồng vọng khắp nơi xa:

      Lãng du ngừng bước nghe yên lặng

      Chuông giáo đường hòa khúc thánh ca.

      Trước cảnh êm đềm, tôi lãnh đạm

      Chẳng hề cảm xúc luyến thương qua;

      Tôi ngắm đất trời, hồn lạc lõng:

      Nắng đời chẳng ủ ấp thây ma.

      Lơ đãng mắt nhìn Nam lại Bắc,

      Núi đồi lại tiếp núi đồi xa,

      Phương kia phương nọ quanh vô tận;

      Tôi nhủ: Nào đâu hạnh phúc chờ…

      Nhưng biết đâu ngoài biên vũ trụ,

      Có trời nắng rọi khắp muôn phương,

      Nếu tôi gửi xác trong lòng đất,

      Mơ sẽ về nơi mắt mở giương.

      Tôi sẽ say sưa nguồn khát vọng:

      Nào nguồn hy vọng, suối yêu đương,

      Lý tưởng bao người hoài bão mãi,

      Không tên chi gọi ở trần gian.

      Sao chẳng cho tôi theo ánh sáng,

      Ruổi niềm mơ ước tới xa xăm

      Giữ tôi đầy ải trần gian mãi?

      Tôi vướng tình chi với thế nhân?

      Khi lá rừng rơi trên nội cỏ,

      Gió chiều lên, cuốn lá về thung.

      Còn tôi như lá khô tàn úa:

      Mang kiếp tôi cùng, hỡi Bắc-phong!

(Nhà Thơ Hoàng Song Liêm chuyển ngữ sang Thơ Việt năm 1953)

Phạm Văn Tuấn.